Hoàng Ngọc Nguyên
Viet Tribune
Hôm nay ngày 8-3. Phụ nữ nào sẽ hiện ra trong trí của ta?
Nước Mỹ vẫn tự hào là nước đứng đầu thế giới trên mọi mặt, nhưng có một điều xấu hổ không thể che dấu: Cho đến nay nước Mỹ vẫn chưa có được một nữ tổng thống. Thậm chí một nữ phó tổng thống. Cho dù nước Mỹ vẫn cho rằng mình là dân chủ bậc nhất, giảỉ phóng con người là bậc nhất - từ nô lệ đến phụ nữ.
Hãy cứ xem ba nước Nam Mỹ lớn nhất hiện nay người ta đều có nữ tổng thống - người nào cũng nổi tiếng đình đám, từ bà Michelle Bachelet ở nước Chile có chưa đến 20 triệu dân đến Dilma Rousseff của Brazil có cả 200 triệu người và bà Cristina Fernandez de Kirchner ở Argentina của Peron và Maradona. Nước nhỏ như Costa Rica cũng có một nguyên thủ quốc gia là phụ nữ - bà Laura Chinchilla. Một nước Trung Mỹ khác, Jamaica, thủ tướng là bà Portia Simpson Miller.
Châu Âu, châu Á, châu Phi, châu nào cũng có nhiều phụ nữ lên đến vị trị cao nhất nước (ngay cả châu Phi). Nổi bật toàn cầu là bà Thủ tướng Đức Angela Merkel, lớn lên và ra đời từ Đông Đức, nhưng xây dựng sự nghiệp từ một nước Đức thống nhất, và cả gần mười năm qua chống đỡ không chỉ cho đất nước của mình mà cả khu vực đồng euro gồm 17 nước thoát khỏi suy thoái. Cũng phải kể Thủ tướng Thái Yingluck Shinawatra xinh đẹp em của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra (đang phải lưu vong từ tám năm qua) và nay ngày nào bà cũng như người đang ngồi trên lửa. Và Tổng thống Nam Triều Tiên Park Geun-Hye con của cố Tổng thống Park Chung Hee nay đang muốn làm nên lịch sử như cha mình. Bốn nước Ấn Độ. Pakistan, Sri Lanka, Bangladesh vẫn từng có hay hiện có nữ thủ tướng. Ở châu Phi, cả loạt nước có hoặc tổng thống hoặc thủ tướng là phụ nữ, như Liberia, Malawi, Senegal, Cộng hòa Trung Phi, Trinidad-Tobago…
Càng kê ra càng thấy sốt ruột cho nước Mỹ. Bà Merkel nay được xem là “phụ nữ nhiều quyền lực nhất thế giới”. Biết đến bao giờ một phụ nư Mỹ có thể giành được danh hiệu đó! Bởi thế mà bà cựu Thống đốc tiểu bang Alaska Sarah Palin sau khi thất bại trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2008 vào chức vụ phó tổng thống nay như một người uống phải trà Boston nên mắc chứng tâm thần, lúc nào cũng nói năng lảm nhảm những chuyện mình không biết!
Tâm trạng của nước Mỹ hiện nay là như thế đó, cho nên trong Ngày Phụ nữ năm nay người ta vồ vập bà Hillary Clinton như một “vị cứu tinh dân tộc”. Bà từng là Đệ nhất Phu nhân trong tám năm ông chồng bà Bill Clinton làm tổng thống, thượng nghị sĩ của tiểu bang New York cũng tám năm cho đến khi bà ra tranh cử tổng thống nhưng đảng Dân Chủ đề cử ông Barack Obama, và sau đó làm ngoại trưởng cho ông Obama cũng bốn năm mới rút lui vào đầu năm ngoái.
Trong những nhân vật được xem là có hy vọng ra tranh cử trong đảng Dân Chủ năm 2016, người ta đương nhiên phải kể Phó Tổng thống Joe Biden, Thống đốc Martin O’Malley của tiểu bang Maryland, Thống đốc New York Andrew Cuomo, Thượng nghị sĩ Kirsten Gillibrand cũng của New York, Thống đốc Deval Patrick của Massachusetts, Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren cũng của Massachusetts, Thượng nghị sĩ Mark Warner của tiểu bang Virginia, Thị trưởng Cory Booker của Newark, N.J., và Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar của Minnesota. Nhưng chẳng có ai sáng giá hơn bà – ngay cả ông Biden trưởng thượng, là người đã vào chính trường từ năm 1972 và có nhiều kinh nghiệm chính trường, quen thuộc với nhiều vấn đề của đất nước. Hầu hết ai cũng nói khiêm nhường tuy trong lòng không mấy vui: “Đã có bà thì tôi không ra nữa”. Bởi vì bà nặng ký quá - tuy không nặng theo kiểu ông Chris Christie - ngay tự bản thân, chưa nói đến ông chồng là một tổng thống hai nhiệm kỳ trong một thời gian tám năm được xem là thịnh vượng của nước Mỹ. Theo thăm dò của tờ The New York Times/CBS, đến 80% người theo đảng Dân Chủ muốn bà ra tranh cử vào năm 2016 – trong khi ông Biden, vào năm 2016 đã quá 73, đã không che dấu ý muốn ra tranh cử, chỉ được 40% người trong đảng hậu thuẫn.
Người ta nói khả năng thắng cử của bà rất lớn vì bên phía Cộng Hòa không có người. Những người nổi bật về phía đảng Cổ Đại phần lớn đều uống trà, như Thượng nghị sĩ Ted Cruz, 43 (Texas), Marco Rubio, 42 (Florida), Rand Paul, 51, (Kentucky), Mike Lee, 42 (Utah)… Cũng hăm he ra là Thống đốc gốc Ấn Độ Bobby Jindal, 42, của Louisiana, nhưng ông này đang muốn theo con đường quá khích của Tea Party. Dân biểu Paul Ryan, 44, từng đứng phó cho ứng cử viên tổng thống Mitt Romney năm 2012, cũng có thể ra lại. Hai ông Rick (Perry và Santorum) từng ra tranh cử năm 2012 nay đã lỗi thời. Những khuôn mặt mới như Chris Christie, 51, (thống đốc New Jersey) và Scott Walker, 46 (thống đốc Wisconsin) vừa chưa đủ “popular” vừa đang có vấn đề tai tiếng bất chợt: ông Christie là “chuyện một cây cầu bị đóng”, ông Walker là lạm dụng tiền vận động tranh cử. Có hai nhân vật nữ đáng xem là sáng giá, là Thượng nghị sĩ Kelly Ayotte, 45, của New Hampshire, và Thống đốc Susan Martinez, 54, của New Mexico (chưa kể Thống đốc gốc Ấn Nikki Haley, 42, của South Carolina). Nhưng đảng Cộng Hòa chắc chắn chưa sẵn sàng để cho một phụ nữ đại diện đảng ra tranh cử tổng thống.
Tình hình của đảng đông nhưng không mạnh này đã làm cho ông Mike Huckabee, 58 tuổi, từng là thống đốc Arkansas nhưng từ lâu đã rửa tay gác kiếm, bừng lại hy vọng. Nhưng chúng ta hãy nghe phát biểu từ hai nhân vật quen thuộc của đảng Cộng Hòa. Ông Rand Paul vào giữa tháng qua đã nói trừ phi đảng của ông “khác đi”, “đổi mới” hoàn toàn, chẳng có hy vọng gì “trong thời của tôi đảng Cộng Hòa có thể trở lại Nhà Trắng”. Ông vạch ra hai vấn đề của đảng. Không nắm được những thành phần di dân thiểu số như Latino hay da đen. Chọn những đề tài người dân không ưa như thuế và ngân sách, trong khi tránh những đề tài người dân quan tâm như “dân quyền” (civil liberties) và di dân. Theo ông, đảng Cộng Hòa quá “cũ kỹ” (ancient). Còn ông John McCain, thượng nghị sĩ Cộng Hòa tiểu bang Arizona, từng là ứng cử viên năm 2012, thì nói “Tôi chẳng ủng hộ bà Clinton, nhưng phải nói rằng nếu bầu cử diễn ra trong ngày hôm nay, chắc chắn bà sẽ thắng”.
Theo những quan sát viên chính trị, tình hình bầu cử năm 2016 sẽ hết sức quyết liệt trong vòng sơ bộ của đảng Cộng Hòa, sẽ có nhiều người muốn thử thời vận, nhưng bà clinton sẽ rất hanh thông trên con đường tiến đến Đại hội của Đảng Dân Chủ đề cử bà đại diện cho đảng. Bao nhiêu sự hào hứng nao nức khi lần đầu tiên một phụ nữ được đưa ra tranh cử tổng thống, và niềm hãnh diện vô biên của đảng Dân Chủ làm một chuyện lịch sử xứng đáng với nhãn hiệu cấp tiến của đảng. Không thể có sự lựa chọn nào xuất sắc hơn! Bà là nhân vật đại chúng nhất trong cả hai đảng – nghĩa là đâu đâu người dân thuộc mọi giới ai ai cũng biết bà. Và những thăm dò của Gallup đều cho thấy bà là phụ nữ được hâm mộ nhất. Dù sao, bà là một cựu Đệ nhất Phu nhân nổi bật nhất – một phần cũng nhờ những chuyện “tiếng tăm” của ông Clinton. Thăm dò cho thấy trong vòng sơ bộ của đảng bà chẳng sợ đối thủ nào, và trong cuộc chạy đua tay đôi với bất cứ đốí thủ nào của đảng Cộng Hòa, bà cũng bức đi khá xa.
Bởi thế mà dù bà đã rút khỏi Bộ Ngoạị giao từ tháng giêng năm ngoái giữa khi vụ tai tiếng Benghazi (Libya) tấn công bà tới tấp, đến nay ngưòi ta bắt đầu nói nhiều trở lại về bà. Và trong Ngày Quốc tế Phụ nữ này, chúng ta có dịp nhìn kỹ hơn đến tương lai của người phụ nữ đang tiến gần hơn đến tuổi cổ lai hy này vào năm 2016!
Bà Clinton là một phụ nữ trí thức, khôn ngoan và tham vọng. Tham vọng từ trước khi ông Clinton vào Nhà Trắng. Tham vọng càng nổi rõ khi chồng bà đã là tổng thống và bà đưa ra chương trình cải cách y tế đại chúng – tuy thất bại nhưng đã có dấu ấn của bà. Tham vọng trong cách bà giải quyết cuộc “khủng hoảng” Monica Lewinsky - người khác thì ông Clinton đã tiêu đời và hai vợ chồng đã ly dị và bà rút vào bóng tối. Tham vọng cho nên khi ông Clinton vừa hết nhiệm kỳ, bà đã vào ngay Thượng Viện không chậm trễ một ngày. Và tham vọng cho nên năm 2008 bà đã ra tranh cử tổng thống – nếu không có ông Obama, ai cản được bà?
Ngày hôm nay, chúng ta chỉ cầu mong bà đủ sáng suốt để thấy hết những thử thách. Chính ông Rand Paul là người nhắc nhở bà khi ông bỗng dưng đem chuyện cô sinh viên thực tập Lewinsky cách đây 15 năm ra mà nói. Và biến động bất ngờ ở Libya khiến cho ông đại sứ Mỹ tại Tripoli tử nạn cũng được chính ông McCain nhắc nhở thường xuyên.
Bà có thể lì, nhưng thử thách đang ở chỗ khác!
Bầu cử luôn luôn là chuyện thúc giục người ta hướng về tương lai, trong khi bà Clinton vẫn được xem là một ứng cử viên thuộc quá khứ. Khi đề cử bà một cách thoải mái, đảng Dân Chủ sẽ nhìn một thời Clinton đã qua, trong khi công chúng phần lớn muốn “let bygones be bygones” - không muốn ngoái lại nhìn. Chẳng phải vô tình mà tuổi tác của những ứng cử viên Cộng Hòa được sưu tập trong bài viết này. Họ còn “quá trẻ”, dĩ nhiên chưa có mấy kinh nghiệm và tì vết trong chính trường cho nên dễ nói chuyện tương lai hơn. Bà Clinton tuổi Đinh Hợi năm nay đã 67. Năm 2016, khi bầu cử xong, bà vừa được 69. Có những nguồn tin nói bà có vấn đề về sức khỏe có thể cản trở ý định chính trị của bà. Cho dù có thể không có vấn đề đó, bà đương nhiên trông già và mỏi mệt. Bill Clinton hơn bà một tuổi, còn già và mỏi mệt hơn. Hai người cần dành thì giờ chăm sóc cho nhau! Đừng trông đợi gì ở con cái, nhất là họ chỉ có mỗi một mụn con Chelsea Clinton. Bởi thế người ta lo ngại tuổi tác, sức khỏe sẽ ảnh hưởng đến cách bà làm quyết định, bởi vì đương nhiên, người già thường có cách quyết định theo tầm nhìn tương lai của mình, người trẻ thường có cách quyết định của mình cũng theo tầm nhìn đương nhiên xa hơn của mình.
Thời huy hoàng của ông Clinton có thật đấy, nhưng cái thời đó, tình hình quốc tế cũng khác, tình hình trong nước cũng khác. Thời đó, người Hồi giáo đâu có hung hăng như bây giờ. Nước Nga đâu có tham vọng như hiện nay. Đất nước đang cần có những giải pháp mới, nhưng đảng Dân Chủ nếu lựa chọn bà đã ngăn chận tất cả những cơ hội tranh luận giữa những xu hướng Dân Chủ khác nhau: phía chính thống và phía cấp tiến tự do được đại diện bởi hai ngôi sao đang nổi lên là bà Warren và ông Thị trưởng New York Bill de Blasio. Trong khi đó, đảng Cộng Hòa đang cần tìm lối ra, mở hướng đi mới, có thể họ sẽ hào hứng hơn trong tranh cãi những vấn đề có tính cách sống còn và phát triển của đất nước.
Cũng có một điều cần nhìn thấy. Các chính khách trẻ tuổi của Cộng Hòa tuy biết đường đi khó, nhưng chỉ là vì “ngăn sông, cách núi”. Trong khi đó, những chính khách trẻ của Dân Chủ đúng là đang “ngại núi e sông”. Nếu bà Clinton đắc cử hai nhiệm kỳ, mọi người đều phải chờ tám năm nữa. Nếu bà thất cử, họ cũng có lẽ phải chờ tám năm nữa. Hãy xem kinh nghiệm của phía Cộng Hòa. Vì phải chờ tám năm của ông Bush (2000-08) mà nay họ phải chờ cả 16 năm gồm cả ông Bush và ông Obama. Ứng cử viên nào trong hai kỳ qua 2008 và 2012 cũng khá lớn tuổi (John McCain, Mitt Romney, Newt Gingrich…). Cái nguy hại là trong thời gian chờ đợi, người ta ít có cơ hội thao dượt.
Chẳng có gì hạnh phúc hơn cho những người cao niên là được nhìn nhận và kính trọng trong công việc dẫn dắt, nâng đỡ các thế hệ sau của mình. Và chẳng có gì mệt mỏi và căng thẳng hơn khi phải gánh trọng trách trong khi tuổi già sức yếu, đêm mất ngủ, ngày không vui, mà lại không có được thời gian cảm thấy “thảnh thơi thơ túi rượu bầu”.
Hillary, bà có hiểu thế chăng cho ta?
No comments:
Post a Comment