Thi Phương HNN
Tổng thống Park Geun Hye, Thủ tướng Angela Merkel, Thủ tướng Yingluck Shinawatra
Các bà Tổng thống Michelle Bachelet, Dilma Rousseff, Cristina Kirchner
Don’t cry for me Argentina – bà Eva Peron
Mỗi năm, khi tuyết bắt đầu ngưng rơi, nắng đã lên rực rỡ, và mặt trời không còn đi ngủ sớm, trong lòng của nhiều người nam giới chúng ta rộn ràng trong niềm hạnh phúc vì nghĩ ra được cuộc sống đầy đủ nghĩa là gì. Vào đầu tuần lễ thứ nhì của tháng ba, người ta có thể nói: Hôm nay là Ngày Quốc tế Phụ nữ. Và đương nhiên người ta lại phải kiếm chuyện nói để bày tỏ sự trân trọng đối với một giới tính được gọi một cách thành kiến và oan uổng: “phái yếu”. Mạnh hay yếu chỉ là chuyện tương đối trong cuộc đời ngày càng tương đối này, nhưng nói gì thì nói, Ngày Quốc tế Phụ nữ dường như có mục đích thúc đẩy sự cải thiện thân phận phụ nữ, và nói gì thì nói, cho dù nhân loại có văn minh, tiến bộ đến mức nào, thì người ta cũng còn có thể nói “Đau đớn thay phận đàn bà, Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”. Cứ xem như ở những nước Trung Phi, chuyện tha hồ hiếp phụ nữ được xem là chiến lợi phẩm của loạn quân Hồi giáo. Ở Afghanistan, phụ nữ sợ Taliban còn hơn sợ cọp - thế mà nhà cầm quyền ở Kabul nhất quyết để cho Mỹ ra đi nội trong năm nay. Ở đất nước Việt Nam đang mải mê theo đuổì nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, khi được hỏi định hướng xã hội chủ nghĩa là thế nào, người ta chỉ vào những cô gái đã bị “quốc tế hóa”, bị bán đứng khắp nơi trên thế giới - từ gần như Campuchia, Singapore, Đài Loan, đến xa như Nam Triều Tiên, Hoa Kỳ… Và ở đất nước văn minh bậc nhất như Pháp, chính ông Tổng thống đương thời đang nêu gương chơi nhưng không chịu, khiến cho cả 60 triệu dân chẳng biết nước mình có Đệ nhất Phu nhân hay chăng.
Tuy nhiên, nói những chuyện không vui đó, biết bao giờ cho hết. Ngày Quốc tế Phụ nữ là một ngày “vinh danh”, và trong thời đại ngày nay có biết bao phụ nữ trong tầm mắt để chúng ta ngưỡng mộ. Và có gì dễ hơn là chuyện kể tên những người đó ra!
Người phụ nữ vinh quang nhất toàn cầu ngày nay chắc chắn phải là bà Angela Merkel. Tạp chí Time gọi bà là “the most powerful woman of the world” - phụ nữ nhiều quyền lực nhất thế giới. Bà thủ tướng nước Đức từng lớn lên dưới chế độ Cộng Sản ở Đông Đức, nay mới 59, đã cầm quyền từ năm 2005 đến nay. Bà chen được vào trung tâm quyền lực chính trị của Cộng hòa Liên bang Đức đã là điều kỳ diệu, nhưng kỳ diệu hơn chính là leo lên được tột đỉnh ở một nước trước đó chưa từng có phụ nữ nào đạt tới. Và kỳ diệu nhất là bà đã vững tay lái trong gần mười năm qua trong một thời kỳ cực kỳ sóng gió về cả kinh tế lẫn chính trị cho cả nước Đức lẫn khối 17 nước trong eurozone và rộng hơn là Liên Âu. Ta chỉ cần nhớ là từ Đệ nhị Thế chiến đến nay, châu Âu chưa hề có một cuộc khủng hoảng tài chánh nào sâu rộng và dai dẳng như cuộc Đại Suy Thoái trong sáu năm qua. Thuyết phục nước Đức kiên nhẫn trong việc bảo toàn khu vực đồng euro, đồng thời lúc mềm dẻo lúc cứng rắn để cho các nước thành viên chịu điều chỉnh chính sách để không bị sụp đổ trong cơn nguy biến, bà Merkel đã có những thành quả mà ta có quyền nghi ngờ ở khả năng của bất cứ một người lãnh đạo phái nam nào trong hoàn cảnh đó.
Là người châu Á, chúng ta cũng không thể không hãnh diện với bà Tổng thống Park Geun-Hye, như đã từng hãnh diện với bà cố Tổng thống Corazon Aquino của Phi Luật Tân (phụ nữ đầu tiên là tổng thống của nước này, là nhân vật tiên phong trong cuộc cách mạng lật đổ chế độ độc tài của Ferdinand Marcos vào năm 1986), hay bà Aung San Suu Kyi, năm nay đã 69, một phụ nữ phi thường đã kiên trì đấu tranh cả 25 năm cho một nước Myanmar dân chủ, thoát khỏi truyền thống quân phiệt cả hơn nửa thế kỷ tại nước này. Bà Park, 62 tuổi, con của một tổng thống Nam Triều Tiên vĩ đại Park Chung Hee, người đã mở ra một chương lịch sử mới rực rỡ cho đất nước của mình, có đầy đủ khả năng để đi vào lịch sử một cách huy hoàng như cha mình. Khi được hỏi tại sao bà không lập gia đình, người hỏi cố tình hàm ý xem đó là một sự thất bại của bà, người phụ nữ có vẻ đẹp trí thức, quí phái này đáp: “Gia đình nào? Tôi có cả một gia đình 50 triệu người chung quanh. Tôi còn đòi hỏi gì nữa!”. Những thách đố đặt ra cho bà là vô cùng to lớn: vừa phải chống lại sự khuấy phá thường trực của một chế độ Bắc Hàn tâm thần, vừa bao đảm an ninh xã hội để thúc đẩy cho đất nước giữ được nhịp phát triển trong một thời khó khăn của nền kinh tế toàn cầu. Chẳng phải tự nhiên mà bà trở thành phụ nữ đầu tiên lên đến vị trí nguyên thủ quốc gia của một nước nức tiếng toàn cầu về giáo dục hiên nay.
Trong danh sách những phụ nữ thời đại đáng hâm mộ nhất không thể thiếu được bà Yingluck Shinawatra, 46 tuổi – cũng không chỉ vì dung nhan diễm lệ, sang cả của người phụ nữ trung niên này. Bà là phụ nữ Thái Lan đầu tiên lên đến vị trí thủ tướng - từ tháng tám năm 2011. Bà còn là thủ tướng trẻ nhất của Thái Lan trong lịch sử của nước này. Thế nhưng điều đáng nói nhất về bà là sự can đảm, mang tiếng là phái yếu nhưng dám bước vào một đấu trường chính trị ma quái, hỗn loạn, phiêu lưu mà kẻ thù bao giờ cũng chực chờ với manh tâm tiêu diệt không chút động lòng. Người phụ nữ “liễu yếu đào tơ” đó đã chịu đựng trong ba tháng cực kỳ căng thẳng vừa qua khi phía đối lập áo vàng ngầm được sự hỗ trợ của cả hoàng gia và quân đội đã biểu tình ngày đêm làm tê liệt cả đời sống quốc gia ở ngay thủ đô. Với sự ủng hộ của quần chúng nông dân áo đỏ, bà đã cương quyết, cho đến nay, không chịu lùi bước - tức từ chức – một khi đảng của bà vẫn còn nắm được Quốc Hội. Thái Lan đang ở trên bờ vực của một cuộc đấu tranh chết chóc có tính giai cấp do sự xúi giục, đầu độc của giới chính trị. Dù sao đi nữa, bà đã đi vào lịch sử trong giai đoạn sôi bỏng này, và chẳng thể nói như những người áo vàng bảo hoàng tại Bangkok “bà là bù nhìn” của anh bà, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra bị chế độ cũ ở Thái Lan bắt phải lưu vong từ năm 2006.
Một phụ nữ đang được cả thế giới theo dõi hiện nay là bà Yulia Tymoshenko kể từ khi bà thoát ra khỏi nhà tù ở miền đông Ukraine. Sau ba năm bị giam cầm, bà nay phải ngồi trên xe lăn và trông già đi và mỏi mệt thấy rõ. Người phụ nữ 53 tuổi này từng là thủ lãnh cuộc Cách mạng Da cam vào tháng chạp năm 2004, lật đổ Tổng thống tân cử Viktor Yanukovich là người của Nga dựng lên trong một cuộc bầu cử gian lận. Người phụ nữ có kiểu tóc vấn “dân tộc” được cầu chứng này đã từng làm thủ tướng trong bốn năm, nổi tiếng về tinh thần chống Nga và thân phương tây, nhưng tiếc thay bà thiếu bản lĩnh và đảm lược, bà làm cho hàng ngũ “quốc gia” bị xáo xáo, phân hóa, mục tiêu chính trị bị dở dang, và để cho môt kẻ từng bị truất phế trở lại nắm quyền vào năm 2010 và đưa bà vào tù! Trong cuộc cách mạng mới này, bà không có vai trò gì, và người ta đang đặt câu hỏi bà có trở lại được chăng. Có lẽ là không. Con người chỉ có một thời cho việc này hay việc nọ… Le temps d’aimer et le temps de mourir!
Là người “Mỹ lai”, chúng ta cũng sẽ rất thiếu sót nếu không nhìn đến châu Mỹ của mình. Hay nhìn chính xác hơn nữa vùng Nam Mỹ. Nào ai có thể ngờ được ba nước lớn nhất, quan trọng nhất của vùng Mỹ La-tinh đang nằm trong tay ba phụ nữ “cấp tiến”. Chile là một nước có 18 triệu dân, lợi tức trên đầu người khoảng US$15.400, trình độ dân trí cao, nhưng từng nổi tiếng với nhà độc tài Augusto Pinochet do Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger dựng lên, nay đang có bà Michelle Bachelet, 62 tuổi, làm tổng thống. Nguyên cả gia đình của bà từng là nạn nhân của Pinochet. Bà Bachelet, đắc cử lần đầu năm 2006 và được tái cử năm nay, là phụ nữ đầu tiên làm tổng thống của nước này, nổi tiếng vừa với sự quyết tâm chống độc tài quân phiệt vừa thúc đẩy tăng trưởng nhưng không quên lý tưởng công bằng xã hội.
Argentina, nước của Diego Maradona và Peron, có 48 triệu dân với mức lợi tức khoảng $11.500 trên đầu người, vào năm 2007 đã bầu bà Cristina Fernandez de Kirchner, vốn là Đệ nhất Phu nhân từ năm 2003, làm tổng thống. Bà năm nay 61, đắc cử nhiệm kỳ thứ nhì vào năm 2011, một năm sau khi chồng bà qua đời vì trụy tim. Bà vừa qua hai năm cực kỳ khó khăn vì bệnh tật, lúc đầu người ta nghi bà bị ung thư bướu cổ, sau thì phải giải phẫu vì xuất huyết não đến mức phải cạo đầu. Nhưng thách đố lớn nhất của bà chính là chống đỡ nền kinh tế qua cơn suy thoái toàn cầu hiện nay. Những người chống bà thường gọi bà “tả khuynh”, nhưng chính vì xu hướng chính trị này, bà thoát được sự kềm chế của phái hữu trong đảng bảo thủ của cố Tổng thống Peron và bà giành được sự ủng hộ của Đức Giáo hoàng mới. Tổng thống phụ nữ đầu tiên của Argentina là bà Eva Peron, cũng từng là Đệ nhất Phu nhân với sắc đẹp còn lộng lẫy hơn nữa.
Người phụ nữ nay đang bận rộn, điên đầu nhất thế giới có lẽ là bà Dilma Rousseff, năm nay 66, lên cầm quyền từ năm 2011 ở nước Brazil có gần 200 triệu dân và lợi tức trên đầu người trong khoảng $11.350. Vị tổng thống phụ nữ đầu tiên này của Brazil từng là một phần tử tranh đấu chống độc tài quân phiệt, tham gia một lực lượng du kích tả khuynh và bị tù đày và tra tấn ròng gần ba năm. Bà đắc cử phần lớn nhờ sự đỡ đầu của người tiền nhiệm Tổng thống Luis Inacio Lula da Silva, lãnh đạo đảng Công nhân cầm quyền, rất được lòng dân với những chính sách nâng đỡ giới công nhân và phát triển gia cư cho ngưòi nghèo. Bà cũng tiếp tục đường lối “tái phân phối lợi tức quốc gia” để nâng đỡ người nghèo, nhưng không may mắn như ông. Trong cả năm qua, bạo động trên đường phố đã diễn ra ở những thành phố lớn. Đồng thời băng đảng tội ác đang mọc lên như nấm. World Cup sẽ diễn ra vào tháng sáu năm nay, và cái World Cup quá tốn kém này đã gây phẫn nộ ngay cả cho dân Brazil vốn sống chết vì bóng đá. Nếu những cầu thủ như Neymar, Oscar, Paulinho, David Luiz, Willian, Ramires…không giành được Cúp Vàng một lần thứ sáu cho Brazil, thì bà chỉ có… chết (Đúng lá lòng tham không đáy). Người dân còn phẫn nộ vì chuyện tham nhũng đang tràn lan, một phần là do chính cơ chế đã tạo nhiều đặc quyền đặc lợi cho giới cầm quyền lạm dụng. Trong khi chu kỳ kinh tế của Brazil đang ở trong thời đi xuống!
Thế cái nước Mỹ văn minh bậc nhất, dân chủ bậc nhất, vẫn chưa có nổi một nữ tổng thống. Thậm chí chưa có được một nữ phó tổng thống (Thương thay cho bà Sarah Palin chợ Đồng Xuân). Nay người ta đang đặt kỳ vọng về sự đổi đời này nơi bà Hillary Clinton. Cũng tội cho bà! Đến năm 2016 bà đã xấp xỉ 70 - sức khỏe ở đâu, minh mẫn ở đâu, tham vọng ở đâu? Những gì người ta có thể mong đợi ở bà, người ta đã biết hết, và bà không thể làm cho trí tưởng tượng của người dân đi xa hơn những gì người ta đã biết. Thậm chí, có người cho rằng bà thực sự đã già và mỏi mệt, hết sáng kiến, và sẽ phải thỏa hiệp nhiều hơn nữa. Cho nên một số người nhìn qua bà Elizabeth Warren, năm nay cũng đã 64, đến năm 2016 là 66, nhưng vẫn còn trẻ hơn bà Clinton và hứa hẹn hơn bà Clinton ở chỗ bà Thượng nghị sĩ Dân Chủ của tiểu bang Massachusetts này có thể là người muốn tìm kiếm giải pháp cho một đất nước “Của chuột và người” (bạo lực súng đạn và tâm thần) còn phải sống với “Chùm nho uất hận” (đồng lương tối thiểu không được bảo đảm và bất bình đẳng kinh tế khơi rộng).
Còn đất nước Việt Nam anh hùng, từng có một cuộc chiến “cách mạng giải phóng phụ nữ” hy sinh cả ba thập niên quí báu, nay có cả 93 triệu dân với mức thu nhập còn quá khiêm tốn 1.735, tuy mang tiếng là xã hội chủ nghĩa nhưng vẫn có những đại gia có máy bay riêng, nhà cửa như lâu đài, những ông tổng giám đốc các công ty quốc doanh thua lỗ kinh niên nhưng cá nhân tham nhũng cả trăm triệu đô la, bao giờ đây Việt Nam mới có một nữ tổng thống? Câu hỏi này có thể được trả lời khi chúng ta nhìn vào sự lạc hậu, thoái hóa chính trị, cùng sự vô tâm trong nhận thức xây dựng đất nước của người dân. Khi mà lãnh đạo còn quay lưng lại, cứ để cho phụ nữ được giải phóng theo kiểu đưa các cô gái tuyệt vọng ra đứng dưới những cột đèn đường, và người dân chưa có tiếng nói trong chính trị đất nuớc, chúng ta có thể mong đợi những gì.
Nhưng hôm nay là Ngày 8-3. Làm sao có thể tưởng tượng được chúng ta sống trong một thế giới không có đàn bà - nhất là những người đàn bà kiệt xuất soi đường dẫn lối như vừa kể?
No comments:
Post a Comment