3/7/14

Trung úy nuôi tôm

Phương Toàn

Phương Toàn tên thật là Nguyễn Viết Toàn, sinh năm 1948 tại Dầu Tiếng- Bình Dương, trú quán Tân Hiệp- Rạch Giá. Gia đình ông tới Mỹ năm 1981, định cư tại Garden City, Kansas. Phục vụ trong Board of Director của phòng Thương Mại địa phương (Chamber of Commerce), ông cũng là Advisory Board Member của Security Bank. Hiện nay ông là President and Owner của BT Plumbing Co. Inc. Trước 1975, ông đã phục vụ tại Phi đoàn Lôi Điểu 223 Biên Hòa và Phi đoàn Mãnh Sư 243 Phù Cát.

***

Đây là bài viết đặc biệt được dành lại để phổ biến nhân dịp kỷ niệm "Ngày Quân Lực VNCH 19-6" sắp tới. Tác giả, bạn Phương Toàn, khoá KQ69A, vào tháng Tư 1975, là Trung Uý Không Quân VNCH, một trong số cả ngàn trung uý thuộc mọi quân binh chủng, cùng trải qua tù đầy, lưu lạc.

Bài viết được ghi chú "Viết tặng anh em cùng khoá KQ 69A". Cạnh bài viết, cựu Trung Uý Toàn còn gửi thêm bài thơ kể chuyện "Uống Rượu Với Chúa" và được Chúa hứa cho gặp lại cả "bọn Sáu Chín A." Ngày 7-7-2001, các cựu trung uý khoá 69A tan tác khắp nơi sẽ gặp lại nhau trong buổi họp khoá tổ chức tại Houston. Xin mừng chung các bạn. 

Đang hành quân ở Tây Ninh, bỗng chiếc trực thăng đáp xuống ruộng dưa, hỏi mua ít chục trái đem về phát cho đám Bộ binh. 

Hôm sau quân báo cuả Tiểu khu cho biết, mấy người bán dưa hấu, là toán du kích đang băng đồng, thấy trực thăng, chạy không kịp nên dấu súng dưới cỏ, giả dạng nông dân. Tụi nó không dám bắn, vì thằng Gun 2 ( trực thăng võ trang luôn luôn đi có cặp) đang bay xà quầng ở trên đầu. Trưởng phi cơ là một trung uý. 

Phác Cò Lác lúc bay hộ tống tàu dầu ở Nhà Bè, nổi hứng xúc luôn ông Xã trưởng, Cuộc trưởng Cảnh sát, Đại đội trưởng ĐPQ cho đi chơi và cho một anh Bộ binh .. .. bay thử. Kết quả : Lủi xuống sông, toàn bộ hành khách đều không chết cũng bị thương nặng, riêng Phác lại không bị hề hấn gì, chỉ bị tụt xuống đeo lon thượng sĩ. Phác mất lon trung uý từ đó. 

Nghĩa Rận bay hành quân Kampuchia, ngang qua núi Bà Đen, bụng bị sao đó bèn đáp xuống rừng đi "bát-rum", dặn thằng thiếu uý hoa tiêu phó : 

-Bay vòng vòng trên đầu, chừng tao xong thì xuống bốc. 

Thiếu uý nghe bốc, tưởng là xuống bốc .. ***, giận đỏ mặt tía tai, bèn bay tới sóc Katum. Nghĩa phải bắn hết sáu quả đạn flare mới lôi nổi ngài thiếu uý về điểm đứng ban đầu. Nghĩa Rận là ông trung uý. 

Trung uý Lâm Thồn đi bay ở Long Khánh, ra phố nham nhở sao đó, bị con gái nó chửi cho là đồ mất dậy, Lâm nhăn mũi trả lời: 

- Có ai dậy đâu mà mất ? 

Con bé đụng phải thằng khốn, nên rút lui êm sau khi chửi vớt một câu: 

- Đồ khốn nạn. 

Lâm quay sang phi hành đoàn đang bám đầy nhóc mui chiếc xe Jeep huyênh hoang : 

- Tao sẽ gò con nhỏ này , coi đứa nào khốn nạn cho biết. 

Cô bé đó sau này trở thành bà Lâm Thồn, sau năm 75 người ta thấy thường đi thăm chồng đang bị tù cải tạo, gầy ốm hom hem lắm và trông đúng là "khốn nạn" thật. 

Tòng râu đi bay cho Liên Hợp Bốn Bên, gặp tướng Râu Kẽm ở câu lạc bộ Huỳnh Hữu Bạc, ông tướng hỏi : 

- Để râu có phép không đó ? 

- Dạ chưa, nhưng sẽ có.. 

- Chưa có sao dám để râu ? 

- Dạ vì muốn có phép để râu, phải kèm theo đơn xin , bốn tấm hình có râu. Bây giờ phải để râu, chụp hình xong mới xin phép. 

Tướng Kỳ cười : 

- Thằng trung uý này ngon, y hệt tao hồi trước. 

Bây giờ mà còn đem cấp bậc hồi trước ra mà nói thì quả là quê một cục, nhưng xin bà con thứ lỗi, vì khoá 69A của chúng tôi ngày đứt phim hầu hết còn mang lon trung uý. Vậy nhân ngày kỷ niệm sinh nhật khóa lần thứ 32 này, bớt chút thời giờ mà nghe chuyện trung uý. 

Ngày nọ, tướng Thiết giáp Parton đang bách bộ ở một công viên, có anh binh nhì chặn lại hỏi : 

- Ê, có thuốc hông ta? 

Vị tướng nổi danh móc một điếu đưa cho anh ta. 

- Có bật lửa không ? 

Parton mồi lửa, anh lính ngửa đầu thả khói, mới chợt nhận ra đây là ông tướng, bèn đứng nghiêm laị chào và nói lời xin lỗi. Tướng Parton ôn tồn nói : 

- Không sao, miễn là từ nay đừng có thái độ đó, nhất là đối với mấy thằng trung uý. 

Trung uý là cái giống gì mà nhiều người né nó quá vậy? 

Xin thưa, vì lính trơn mà hỏi xách mé như vậy là nó cho ăn bạt tai. Vì nó là những thằng tốc, điếc không sợ súng. Ở bộ binh, nó dẫn đại đội húc vào mục tiêu như những con trâu cui, khiến lính và địch quân bay hồn bạt vía; còn ở Không quân, thì nó làm cho những xếp lớn nhiều phen... ỉa trong quần. 

Năm 1960 Trung uý Phạm Phú Quốc bom dinh Độc Lập. 

Năm 1975 Trung uý nhị trùng Nguyễn Thành Trung (nhưng không trung thành) cũng bom vào dinh này. 

Cận đại nhất và oai hùng nhất, bay rà sát mặt biển sang thả truyền đơn ở Cuba; giỡn mặt với phòng không Cộng sản ở Sài gòn, có trung uý Lý Tống. 

Tại sao không kể chuyện Thiếu uý hay Đại uý? 

Vì: Lên tới đại uý thì lạnh cẳng lắm rồi. Mỗi lần đi bay, má bầy trẻ thường dặn : 

- Đi bay cẩn thận nghe anh, nhớ về sớm sớm. 

Thê tróc tử phọc như vậy thì còn bay với bổng cái nỗi gì! 

Có một ông Đại uý nghĩ ra được câu khẩu hiệu dán ở phòng Hành quân: "Có Pilot sống lâu; Có Pilot gan dạ. Nhưng không có Pilot gan dạ nào sống lâu". Ông cũng còn nghĩ ra một câu tục tĩu nữa: 

"Pilot tài ba là pilot chết trên... bụng vợ". Chuyện đại uý ư? Chán mớ đời. 

Thiếu uý thì còn chán hơn nữa. Bay vào An Lộc, thấy đạn lửa bắn lên ghê quá, thiếu uý vội co giò lên để tránh đạn, người không biết rằng làm như thế thì đang phơi Cụ Hồ ra cho chúng nó nhắm bắn. Thiếu uý còn ngớ ngẩn hỏi : 

- Trung uý, nhìn xuống rừng thì làm răng biết chộ mô nguy hiệm hơn chộ mô ? 

- Khờ bỏ mẹ, sao lại không? Rừng cũng tỷ như đàn bà. Nhìn qua thì thấy nó rất ngây thơ vô tôị, nhưng rớt xuống là biết ngay. Cứ coi đỉnh núi Bà Đen kia kìa, hiền hoà là thế mà toàn đá không đó, ngay cả ban ngày mà đáp không cẩn thận là banh càng ngay. Dưới chân núi là khe suối chảy róc rách, cây cối um tùm, hai bên là trảng tranh mềm mại, tưởng rằng dù là ban đêm, có đổ quân vẫn êm ru. Nhưng thiếu uý em ơi ! Nếu không kinh nghiệm, rành điạ hình điạ vật thì em không gẫy càng, cũng tiêu cần lái. 

Trung uý còn nhiều chuyện thần sầu qủi khốc , như khi lái rà mặt đường để tài xế xe đò liên tỉnh đang chạy ngược chiều phải đái ra quần vì sợ đụng. Khi thấy có em xinh xinh ngồi trong toa, trung uý gác càng trực thăng lên mui toa, gọi là làm chó đái. Khi hừng chí muốn làm khỉ, trung uý cho máy bay treo ngang ngọn cây, hái xoài xanh để... chơi. Khi bị đào đá, trung uý lấy máy bay đuổi chim trời bay toán loạn để trả thù đời. 

Trung uý còn nhiều chuyện để kể lắm, nhưng đó là chuyện "Tiền cách mạng", chuyện bay bổng. Bây giờ nói chuyện "Hậu cách mạng" , đó là chuyện trung uý đi nuôi tôm. 

Ngày còn ở phi đoàn, nhìn thấy khoảng tám chục trung uý nhởn nhơ ở phòng hành quân đã thấy là nhiều. Vào tù cải tạo, ôi thôi, ở đâu ra mà nhiều lắm vậy? 

Mỗi khu có tới năm trăm thằng, có thằng mới tuổi hai mươi như thằng cu Nhãn, đại đội trưởng Bộ binh, trẻ măng mà mặt mày nhăn nhó tối ngày ; cũng có ông đáng tuổi ông cố nội như cụ già Long, trung uý Hiến binh cải ngạch, hay kể chuyện vụ điều tra ông tướng Tố, Chỉ huy trưởng trường Bộ binh Thủ Đức thời ông Diệm, bị chết vì thượng mã phong. Số còn lại sàn sàn một lứa đủ mọi loại quân binh chủng. Tất cả đều được giao một nhiệm vụ mới rất vinh quang: Nuôi tôm. 

Ông bà ta thường nói: Nuôi con gà con heo, nuôi con cá con mú, chứ có ai nói đi nuôi thứ tôm mắc dịch này bao giờ đâu. 

Đang là một phi công chính hiệu, tự dưng bị lột cánh bay và giao cho cái nghề nuôi tôm. Tôi và Lâm bất ngờ gặp nhau ở trại Minh Hải tỉnh Cà Mau. Đúng là tha hương ngộ cố tri. Hai đứa nhìn nhau ngơ ngác. Tôi hỏi Lâm : 

- Xưa giờ mày có nuôi cái gì chưa? 

- Nuôi gái. 

Chán cái thằng này, gái thì thằng nào laị chẳng phải nuôi. Mà nuôi gái thì vinh dự gì mà kể. Nó cũng chẳng ăn nhập gì đến cái vụ nuôi tôm. Ngay cả anh quản giáo Đội trưởng sống về nghề chống Mỹ cứu nước, cũng chẳng rõ con tôm đực khác con cái thế nào. 

Cái tiền đồ huy hoàng cuả vụ nuôi tôm đại loại bắt đầu là thế. Nhưng chúng tôi cũng phải hồ hởi nuôi tôm, nuôi nhiều loại lắm : tôm thẻ, tôm hùm , tôm bạc. Chúa ơi, tôm ở đây lớn quá. (Tôm hùm này là loại Tiger shrimp, là tôm Thủy quân lục chiến vì mình nó rằn ri như áo của lính thủy đánh bộ, ăn ngon lắm chứ không phải như tôm hùm mà ta hay ăn ở đám cưới gọi là Lobster, ăn dở ẹc). 

Có ai biết nuôi tôm như thế nào đâu. Khởi đầu một anh quản giáo đẹp trai cỡ Thủ tướng Phạm Văn Đồng ra trước "hàng quân", anh khen những thành quả của Đảng, kế đến là chửi Mỹ, chửi Ngụy, chửi tướng, chửi tá, rồi lần lượt tới bọn cắc ké như chúng tôi. Xong bài bản đó anh mới vô đề: 

- Chăn nuôi quan trọng nhất là hai việc, chọn giống và chọn thức ăn. Chẳng hạn muốn nuôi nợn thì phải mua nợn con tốt và cám ngon mới có nợn thịt mà bán. Hôm nay cách mạng dạy các anh một nghề mới, không cần giống, cũng chẳng cần đồ ăn, đó là nuôi tôm. Nuôi tôm không cần giống vì nước biển sinh ra tôm. Ta không cần mua thức ăn vì tôm ăn nước biển, chỉ cần có quyết tâm nuôi tôm, là ta có "tôm thịt để bán. Bác nói : "Với sức người, sỏi đá cũng thành cơm". 

Quản giáo biết sĩ quan Ngụy kiến thức hơi hạn chế, có nói nhiều chúng nó hiểu cũng chẳng là bao, anh chỉ lên lớp vắn tắt thế thôi. Thực ra, chính anh ta cũng không biết rằng không phải nước biển sinh ra tôm, mà vì trứng tôm nổi lềnh bềnh lẫn trong nước thủy triều. Tôm cũng chẳng ăn nước biển, nó ăn những phiêu sinh vật mà mắt thường không nhìn thấy được. 

Cái vốn duy nhất phải bỏ ra nuôi tôm là nhân lực đắp bờ vây tôm lại. 

Người ta nói : Nước sông, công tù. Nguồn nhân lực này hầu như vô tận , lại free, vì đó là bọn tù cải tạo chúng tôi ! Quản giáo phân tách cái lợi của cách mạng về vấn đề nuôi tôm thậm ư là chí lý. 

Mở đầu khâu nuôi tôm cũng giống như bất cứ khâu nào dưới Xã hội Chủ nghĩa là buổi lễ hạ quyết tâm. 

Mặt thằng Lâm tái đi như miếng thịt đã "quá date" khi bị quản giáo gọi lên đại diện anh em hạ quyết tâm thi đua. Dù sao thì Lâm cũng phải vâng lời quản giáo vừa quyết tâm vừa thách đố các đội khác: 

- Hạ quyết tâm đạt chỉ tiêu thu hoạch một vuông tôm trong ba tháng là chín nghìn cân tôm tươi. 

Cả hàng quân e ấp đưa tay lên lập lại ba lần câu: Quyết tâm. Quản giáo nhe mấy cái răng cải mả ra cười, coi bộ rất hài lòng. 

Nuôi tôm rất đơn giản, chỉ cần đắp bờ nhốt nó lại, chờ lớn mà bắt. Ta cứ đào con kênh rộng tám thước, sâu một thước, lấy đất đó mà đắp thành bờ chạy vòng vòng phía ngoài. Bờ rộng 1m80, cao 1m50. Tùy theo thế đất mà "vuông tôm" lớn hay nhỏ. Có cái rộng tới 100 mẫu. Nếu bờ và kênh khép lại thành một vòng tròn thì ta có "vuông tôm" tròn . Nếu bờ và kênh bẻ góc vuông thì ta có "vuông tôm" vuông đúng nghĩa của nó, vì nó... vuông. Bình thường một vuông tôm băng ngang mười con rạch, mỗi chỗ như vậy sẽ làm một cái cống bằng cây để xả nước khi cần. Khi vuông tôm đã đào hoàn tất, chờ cho nước thủy triều lên lớn, các đập sẽ được đóng lại , "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Bây giờ trong vuông tôm nước ngập lênh láng, chứa hàng vạn vạn con tôm đủ loại, đủ cỡ lớn nhỏ và hàng triệu phiêu sinh vật làm mồi để nuôi tôm. Giờ đây mấy chú tôm bị kẹt lại trong vuông chỉ còn biết đỏ mắt chờ ngày giải phóng, đêm đêm tôm nằm nhìn sao mà nhớ vợ thương con đang sống ngoài biển cả. Lúc này cải tạo lại là người được tự do phóng từ bên này qua bên kia vuông tôm để vít lỗ mội. Quản giáo nói chỉ cần một lỗ mội nhỏ như chiếc đũa, là tôm sẽ trốn sạch, như kiểu của bộ đội chui đường hầm Củ Chi, thôn liền thôn, xã liền xã ngày nào. 

Bình thường sau ba tháng tôm bị nhốt trong vuông có con lớn tới 100 gram, có những con còn niên thiếu trong độ tuổi thiếu nhi Bác Hồ, nhưng đa số vào loại trung cỡ 45 con một pound ở Mỹ. 

Làm thế nào để bắt tôm ? 

Sau ba tháng không cho nước thủy triều vào, vuông tôm đã cạn nước trên đồng, chỉ còn lại dưới rạch mà cải tạo mới đào. Cải tạo viên bắt tôm bằng cách mò trộm, và tôm bị xử lý ngay tại chỗ, vì nếu bị bắt gặp sẽ bị ghép vào tội phá hoại tài sản của nhân dân. Dĩ nhiên khi thu hoạch đại trà mà mò như kiểu này thì biết bao giờ mới đủ chín nghìn cân để nộp cho cán bộ. Cách mạng có óc sáng tạo, nên cái gì dân làm được thì cách mạng cũng ... làm được, bắt tôm hiện đại nhất là bắt tôm theo kinh nghiệm của dân. 

Phải chờ đến ngày cuối tháng, con nước lên lớn nhất, ta hạ miệng đáy xuống rồi mở đập cho nước vào. Sau mấy tháng tù túng, thấy nước thủy triều tràn đến, tôm hồ hởi như ngày "Miền Nam hoàn toàn giải phóng", chúng lũ lượt theo con nước mà ra biển khơi, hy vọng sẽ được sống cuộc đời độc lập tự do hạnh phúc. Lúc đó trên bờ đập, Cách mạng cũng đã lo đầy đủ những Ủy ban Nhân dân để tiếp quản : Đó là bãi lựa tôm, toán khiêng tôm, tổ ánh sáng để chuẩn bị đưa tôm đi vượt biên . Cải tạo viên ngậm ngùi tiễn tôm ra "tàu nhớn", tàu đông lạnh của nước ngoài đậu ở chỗ nước sâu, bằng máy ... đuôi tôm. Tôm được kéo lên năm phút mỗi lần ở thùng thiếc đáy lớn, từ đó cải tạo viên có nhiệm vụ phân loại tôm lớn nhỏ tùy theo diện ác ôn hay thâm niên công vụ. 

Khâu bắt tôm quan trọng nhất là khâu rà mép, khi nước thủy triều rút là lúc tôm di tản hàng loạt, tựa như bến tàu Sài gòn ngày 30-4-75. Lúc này chỉ cần một kẽ hở nhỏ giữa mép đáy và thành cống là tôm sẽ trốn đi "sạch sành sanh" theo cách nói của quản giáo. Cách mạng biết thế, nên chỉ định một toán có nhiệm vụ lặn xuống rà lại mép đáy sau mỗi lần tùng đáy được kéo lên để đổ tôm, make sure không có con tôm nào thoát được, châm ngôn của Cách mạng là "bứt gọn, diệt gọn". 

Lần đầu tiên chuẩn bị "xả tôm", cải tạo viên hồ hởi lắm, vì hy vọng khẩu phần sẽ tăng thêm , tôm là sản phẩm cây nhà lá vườn mà ! Lại nữa, xả tôm rồi thì đâu còn gì nữa để mà làm . 

Nhầm , nhầm ráo ! Vì sau lần xả tôm đó, anh nào cũng bị nightmare khi nghĩ đến xả tôm đợt hai, vì đã biết thế nào là xả tôm rồi. Thứ nhất , sau khi thức trắng đêm để lựa tôm rồi, hôm sau được nghỉ bốn tiếng gọi là ngủ bù, sau đó vẫn phải đi làm như thường. Ra bãi thằng nào cũng lờ đờ như kẻ say thuốc lào vì mất ngủ. Khẩu phần chẳng tăng được chút nào vì toàn bộ tôm bắt lên đã được ghe máy đuôi tôm chở ra tàu lớn dưới sự hộ tống rất nghiêm ngặt của vệ binh. Cái lập luận chẳng còn gì để làm được trả lời bằng một buổi hạ quyết tâm mới : 

"Đắp một vuông tôm mới, to, đẹp bằng mười vuông tôm cũ". 

Xả tôm lần kế đó, Lâm tình nguyện rà mép một mình, nó chịu lặn xuống rà mép hầu như suốt đêm. Tôi thấy tội nghiệp, muốn thế nó một lúc, thế mà mặc dù trời lạnh nó cũng nhất định đòi làm một mình, như có mỹ nhân ngư đang đợi nó ở dưới đó vậy. Nó cứ lặn xuống một lúc rồi trồi đầu lên để thở. Thỉnh thoảng nó trèo lên bờ, lại gần đống lửa hơ cho khô chiếc quần Tiều , rồi lại nhảy xuống nước. 

Vuông tôm mà Lâm Thồn hạ quyết tâm chỉ tiêu chín tấn, sau nhiều lần thu hoạch chỉ có hơn hai tấn. Tuy nhiên quản giáo nói giá bán rất đắt, cỡ ba đô la một ký (thời giá 1978), và y cũng nói thêm là bọn tư bản rất thích loại tôm này vì thịt nó dòn và đầu nó có ít ... ***. 

Một đội cải tạo gồm có một trăm tên , vừa quản giáo vừa vệ binh, cộng với năm trăm thằng trung uý, mà sau sáu tháng làm việc cật lực, thu về được sáu ngàn đô la. Tính ra mỗi người làm được tám cents mỗi ngày ! 

Đi tù cải tạo thì chán lắm, ai cũng biết như vậy, nhưng đôi khi cũng được chút niềm vui, chẳng hạn như sau khi thu hoạch tôm lần đó, tuy không đạt được chỉ tiêu, nhưng đội tôi cũng được khen là công tác "xuất sắc". Cái vui lớn hơn nữa là sau đó không lâu, tôi được thả về xum họp với gia đình vì đã được công nhận là học tập tốt! 

Một năm sau, Lâm đến thăm tôi, hai thằng âm mưu tính chuyện vượt biên. Tôi đãi nó một bữa cơm "no", rồi tâm sự suốt đêm sau khi dặn người nhà canh chừng giùm công an khu vực. 

Tôi hỏi: 

- Không hiểu sao tụi nó không biết mày hở đáy cho tôm ra bớt. Nó mà biết thì khốn cả lũ. 

Lâm cười triết lý vụn: 

- Lừa Cán bộ mà để cho nó biết là thằng bất trí. Làm nghĩa vụ mà không xong là thằng .. bất lực. Làm xong mà mình vẫn sống là thằng.. mất dạy.( Chắc nó vẫn còn nhớ câu chửi ngày xưa của nàng). 

Lâm nói thêm: 

- Giỡn chơi chứ tao cũng lo lắm, lúc đầu tôm bắt được nhiều quá tao đâm hoảng, vì cứ đà đó thì bắt tới cả hơn chục tấn, và như thế thì lựa tới sáng cũng không xong. Thế nên mỗi lần rà mép tao lại cho nó hở ra một tị. Sau đó thằng quản giáo sinh nghi, vì thấy tôm ít đi, nó hỏi tao có chắc là miệng đáy và thành cống có kín không, tao cam đoan là kín và còn thách nó lặn xuống kiểm tra. Thằng này làm biếng và sợ lạnh, chứ nó mà lặn xuống thì chắc tao bị "bụp" rồi. 

Lâm cười cười: 

- Rocket, Minigun mình mất mẹ nó rồi, tay vo mà đánh được nó trận đó thật là hả cả tấm lòng. Mẹ kiếp, gần chục tấn tôm mà tao phóng sanh đó, kể như để cúng vong linh những người mà tụi nó đã giết oan từ trước tới giờ.

No comments:

Post a Comment