Hoàng Ngọc Nguyên
Trong tuần này, có thể một số bệnh viện trên nước Mỹ rơi vào tình trạng quá tải. Chẳng phải là vì thời tiết bỗng dưng trái gió trở trời khiến cho người ta bị nhiễm một loại cúm mới. Mùa cúm tuy chưa qua hẳn, nhưng dường như cao điểm đã ở đàng sau lưng. Cũng chẳng phải có một bệnh dịch gì mới đang lan tràn. Nước Mỹ đứng đầu thế giới về chi phí y tế (xấp xỉ $8.000 trên đầu người), ai cũng tập được thói quen đi bệnh viện cho dù có hay không có bảo hiểm, có hay không có bệnh, cho nên khó có cái dịch nào ngoài khả năng kiểm soát của ngành y tế công cộng. Sỡ dĩ các bệnh viện bỗng dưng tấp nập bệnh nhân ra vào là vì nhiều người mắc chứng nhức đầu như búa bổ, chỉ muốn la hét cho dịu cơn đau. Sau khi tìm hiểu, nhiều bác sĩ gọi căn bệnh này là nhức đầu thời cuộc, và với chứng nhức đầu thời cuộc, làm sao người ta có thể chữa lành được trong thời cuộc ngày nay?
Vào cuối năm ngoái, đầu óc của nhiều người tưởng đã vỡ tung ra khi họ bị kéo lê từng đàn đến trước bờ vực ngân sách và những kẻ thủ ác chỉ xuống vực cho người ta thấy những chuyện kinh khủng có thề đang chờ đợi: thuế thì gia tăng, chi tiêu của chính phủ thì bị cắt giảm, và mối đe dọa suy thoái, thất nghiệp… trong năm mới chụp xuống như một bóng ma. Có thể người ta đã quen với những chuyện hù dọa như thế bởi vì trong hai ba năm qua, hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đã làm trò này biết bao nhiêu lần, nhưng sống trong đời này biết cái gì là thật cái gì là giả. Nhỡ những nhà chính trị có trách nhiệm và có quyền hành lại chỉ thấy một mặt là quyền lực để nhũng lạm mà quên đi mặt trách nhiệm với sự an lạc của người dân, cho nên hoặc bị u mê ám chướng hoặc bị điên rồ mà bấm vào cái nút “Go” và tất cả đều rơi xuống vực thì sao.
Và nay là cái chuyện “cắt ngân sách tự động”, cái tên có khác (sequestation) nhưng phạm trường vẫn là bờ vực ngân sách: nếu chính quyền Obama và phía Cộng Hòa tại Hạ Viện chẳng đạt được thỏa hiệp trong việc tìm giải pháp thay thế, thì đến ngày 1-3 này, tức thứ Sáu tuần tới, những biện pháp cắt ngân sách lên đến 1.2 ngàn tỷ trong mười năm, và riêng trong năm này là 85 tỷ, đương nhiên có hiệu lực. Những kinh phí bị ảnh hưởng bởi chuyện cắt giảm này được gọi là “chi phí tự ý” (discretionary spending), tức cần được Quốc Hội xét thông qua hàng năm cho ngân sách, khác với những chi phí có tính bắt buộc (mandatory spending) không cần hai viện chuẩn chi như phúc lợi và An sinh Xã hội chẳng hạn. Những chi phí tự ý này gồm quốc phòng, an ninh, giáo dục, cứu trợ xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng… đương nhiên ảnh hưởng đến những công tác đã kể cũng như đến những thành phần nhân sự liên hệ: quân nhân, lực lượng nội an, giáo viên, học sinh, nhân viên xã hội, nạn nhân những vùng bị thiên tai…
Cái luật cắt ngân sách tự động này được hình thành vào năm 2011, khi hai bên chính quyền và lập pháp (tức Hạ Viện có đa số là người Cộng Hòa) thảo luận về chuyện tăng mức giới hạn nợ tối đa của liên bang nhưng không thỏa thuận được phải cắt gì trong ngân sách và cắt khi nào. Cái luật “sequester’ này chính là một thỏa thuận tạm thời để qua cầu, và hai bên đều nghĩ rằng với thời gian người ta sẽ tìm ra giải pháp thay thế nó khi “nước đến chân”. Thế nhưng hai bên đều nhầm, với lý do đơn giản: chằng bên nào làm gì cả vì chủ quan, “khinh địch”. Và nay kỳ hạn 1-3 sắp đến, người ta chỉ còn một tuần nữa để “nhảy” ra xa khỏi nước đang tràn đến, nhưng chẳng biết được nhảy kịp không, nhảy được không, và nhảy như thế nào. Bởi vậy mà trong dân gian, nhiều người phát điên cũng phải vì thất vọng, vì tuyệt vọng trước những nhà chính trị “hết thuốc chữa”.
Người ta phát điên vì cái trò chơi vẫn như cũ mà hai bên vẫn chơi không chán, bất kể sự thấp thỏm của người dân. Mà có phải họ “chơi không” đâu? Tất cả đều chơi bằng tiền của người dân, khiến cho họ vẫn lĩnh lương đều đều trong một năm mà số ngày làm việc thực sự của họ tính ra chưa đến hai tháng! Phía ông Obama và Dân Chủ tại Thượng Viện vẫn đòi hỏi, như cuộc họp báo hôm thứ Ba của ông Obama cho thấy, cắt các chương trình chuẩn chi thì cắt, nhất là chi phí quốc phòng vì chiến tranh Afghanistan sắp chấm dứt, nhưng cũng phải tăng thuế, vì người giàu còn lợi dụng nhiều khe hở trong chế độ thuế quá. Trong khi đó, phía Cộng Hòa vẫn giữ vững lập trường: vừa mới tăng thuế người giàu hồi đầu tháng Giêng, nay phải để yên cho họ. Chi phí quốc phòng là quan trọng, vậy thì cũng phải để yên cho ngành quốc phòng, dồn mũi kéo vào những khoản khác như giáo dục, an ninh nội địa, hay y tế chẳng hạn.
Chuyện chính phủ phải giảm nợ nần, bớt thiếu hụt ngân sách là chuyện quan trọng, nhưng đã được ông Obama hành động với kết quả đáng kể. Trong năm tài chánh hiện nay (kết thúc vào ngày 30-9), ông đưa mức thiếu hụt xuống chỉ còn $815 tỷ, tương đương với 5.1% của Tổng sản lượng (GDP) nước Mỹ – là một mức thấp nhất trong năm năm trở lại đây! Hơn nữa, đề giảm thiếu hụt, không thể chỉ có một hướng cắt chi tiêu như Cộng Hòa cứ đòi, mà cần tăng thu. Cắt chi tiêu mà cắt một cách vô trách nhiệm thì chính phủ bị bó tay trong nhiều chương trình công ích có tác dụng tạo công ăn việc làm.Tuy thế, hầu như những người Cộng Hòa càng sống, càng già, càng già càng bảo thủ cực đoan, mất cả lý lẽ, quanh năm suốt tháng chỉ nhắm vào một chuyện đó: bảo vệ cho người giàu không phải trả thuế thêm, và mạnh tay cắt ngân sách và buộc chính quyển giảm sự cam kết đối với những chương trình phúc lợi dành cho những người yếu kém trong xã hội.
Hôm thứ Ba, ông Obama nói: “Những người Cộng Hòa tại Quốc Hội có một sự chọn lựa đơn giản. Họ có sẵn sàng thỏa hiệp, bảo vệ những khoàn đầu tư quan yếu cho giáo dục, y tế và an ninh quốc gia và tất cả những công việc của ngưòi dân tùy thuộc vào những khoản này hay chăng? Hay họ muốn làm cho hàng trăm ngàn công ăn việc làm của toàn bộ nền kinh tế rơi vào sự bấp bênh, bị đe dọa, chỉ để bảo vệ những khe hở trong luật thuế dành cho lợi ích đặc biệt chỉ làm lợi những người giàu có nhất và những doanh nghiệp kếch sù nhất?”. Thế nhưng ai nghe lời ông nói? Ai sẽ hành động khi thấy chột dạ trước lời ông? Tuần này, Quốc Hội không làm việc. Tuần tới người ta chỉ còn bốn ngày, nhưng chẳng bên nào tại Hạ Viện tính chuyện làm việc cấp kỳ để đưa ra một thỏa hiệp giờ chót. Một đàng, bên này hay bên nọ cũng ưa khoản cắt này hay khoàn cắt nọ trong cái chương trình “sequester” này. Đàng khác, người ta cũng nghĩ rằng cứ cắt đi, sau này gắn vô lại mấy hồi, người dân càng mừng, càng biết ơn!
Những chuyện cắt giảm kinh phí này nhiều người không thấy cho nên ít thấy bưc dọc. Chuyện đang làm cho người ta có thể tức giận muốn phát điên lên hàng ngày chính là chuyện súng đạn. Ngày nào súng cũng nổ vang bên tai. Nhưng bao giờ các vị dân cử của chúng ta cũng cứ im lìm làm như bịt tai– bình chân như vại!
Đầu tuần này, một sinh viên trường đại học cộng đồng ở Orange County tên Ali Syed (Hồi giáo?), 20 tuổi, đã làm cho cả một vùng náo động khi anh ta giết một phụ nữ trong nhà rồi lấy xe bỏ đi, trong khi cha mẹ đều chạy thoát khỏi nhà. Trên đường đi, anh ta đánh cướp hai xe, bắn chết hai người chủ xe đó, và nả súng bừa bãi vào xe cộ đang chạy trên xa lộ 55. Cuối cùng anh ta bắn vào đầu một phát súng khi bị truy đuổi. Người ta vẫn chưa biết được nguyên do của vụ án bạo lực điên cuồng này.
Có ngày nào trên mạng CNN chẳng có tin những vụ bạo lực súng đạn tương tự. Tuần trước, Christopher Dorner, một cựu cảnh sát của Los Angeles đã làm náo động cả thành phố khi anh ta tiến hành một kế hoạch trả thù những người anh ta cho rằng có trách nhiệm về chuyện anh ta mất việc. Sáu người đã thiệt mạng trước họng súng của anh ta. Hàng trăm cảnh sát đã được huy động để truy tầm, và cuối cùng phải bắn cháy căn nhà sàn (cabin) anh ta cố thủ bên trong để hạ được anh ta.
Hôm Chủ nhật, nữ ca sĩ nhạc đồng quê nổi tiếng Mindy McCready, 37 tuổi, tự sát bằng súng ngay ở cửa ra vào nhà, một tháng sau khi người bạn trai của cô và cũng là người cha của đứa con 10 tháng của cô cũng tự sát tại căn nhà của cô. Cũng bị mồ côi mẹ vì cái chết của McCready là một bé trai 10 tuổi!
Hôm thứ Sáu tuần truớc, một cô gái 14 tuổi ở Chicago tham dự một cuộc tập họp để nghe ông Obama nói về cái nguy hiểm của súng đạn ở một thành phố bạo lực về vũ khí được xếp hàng đầu ở nước Mỹ: 443 người thiệt mạng chỉ trong năm ngoái. Vài giờ sau đó, chị của cô, 18 tuổi, mẹ của một bé trai ba tháng, bị ai đó bắn chết trong một ngõ hẹp sau nhà!
Những câu chuyện như thế làm cho người ta thấy cái xã hội của mình chẳng an toàn chút nào. Đúng hơn là một xã hội điên khùng. Chỉ vì cái văn hóa súng đạn, người Mỹ từng tự hào gọi là “gun culture”, quá thịnh hành. Thịnh hành vì chuyện ngành kinh doanh súng đạn quá mạnh với Hiệp hội Súng Quốc gia sau lưng. Thịnh hành vì phim ảnh bạo lực – cũng là vì đồng tiền mà những người làm phim tối mắt trước thị hiếu của ngưòi xem. Thịnh hành vì những trò chơi video bạo lực đang làm hư hỏng trẻ con một cách khủng khiếp nhưng những nhà kinh doanh vẫn mê mải hốt tiền bằng cách đầu độc con trẻ.
Khi đặt vấn đề phải thay đổi cái văn hóa này, cái hiệp hội NRA hùng mạnh này đã đổ cả cho chính quyền không tăng cường vũ trang cho người dân (!) và bênh vực “gun rights” với chiêu bài bảo vệ Hiến pháp, Đệ nhị Tu chánh án, “lối sống Mỹ” có tính “truyền thống đẹp đẽ”… Và bởi thế người dân phải mong chờ các vị dân cử lên tiếng và hành động. Nhưng đối lại, người ta thấy một sự im lặng hầu như hoàn toàn. Đồng tiền NRA đã trám miệng, bịt miệng hầu hết. Một vài tiếng nói đã vang lên, nhưng xem chừng lẻ loi và yếu ớt. Quốc Hội có dám bỏ phiếu hay không là một chuyện, bỏ phiếu cho cái gì là chuyện khác. Theo một phân tích của một nhà chuyên môn, dự luật tại Thượng Viện đã bỏ sót hơn ngàn cây súng, trong đó có cả chục súng cực kỳ nguy hiểm!
Chính trị im lặng. Tôn giáo cũng im lặng. Và người dân, ngủ không yên giấc vì “đêm chờ nghe súng nổ”. Sáng dậy đương nhiên phải nhức đầu.
Sức khỏe con người bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Tâm thần con người chịu ảnh hưởng bởi thời cuộc. Thời tiết còn thay đổi để khi người ta khỏe, khi người ta mệt. Thời cuộc mà cứ mãi như thế nảy, có khi phải mở thêm nhà thương điên![HNN]
No comments:
Post a Comment