Nguyễn Quang Duy
Trong một xã hội, mỗi người có nhu cầu thông tin khác nhau, từ đó mỗi người thường chọn lựa nguồn thông tin cả về nội dung, hình thức và phương pháp chuyển tải thích hợp nhất cho mình. Khi được tự do cạnh tranh mỗi cơ quan truyền thông, mỗi nhà báo, mỗi phóng viên, tìm mọi cách để nâng cao cả về nội dung, lẫn hình thức, cũng như nhanh chóng đưa những tin nóng nhất tới khách hàng.
Truyền thông tự do từ đó trở nên đa dạng hơn, phong phú hơn, đáng tin cậy hơn. Truyền Thông mạng mỗi ngày trở nên tân tiến hơn, nhanh hơn, thuận lợi hơn, mang thông tin đến tòan nhân lọai.
Truyền Thông Tự Do
Trước 1975, Việt Nam Cộng Hòa thuộc thế giới tự do, vì vậy quyền tự do ngôn luận được Hiến Pháp và luật pháp bảo vệ. Mặc dù trong thời chiến, khách quan và công bằng nhận định nền truyền thông Việt Nam Cộng Hòa không thua gì nền truyền thông các quốc gia đã phát triển và có thể vượt xa các quốc gia trong vùng Đông Nam Châu Á.
Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa xây dựng những cơ quan thông tin nhằm truyền đạt những tin tức, đường lối chính sách của chính phủ. Các phóng viên, nhà báo được tự do thu thập, trao đổi, truyền bá mọi tin tức và ý tưởng. Họ được quyền tự do quyết định cả nội dung lẫn hình thức bài viết. Họ chịu trách nhiệm trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ. Nhờ đó mọi thông tin từ chính phủ đều được kiểm chứng, được phân tích và được truyền đạt rộng rãi đến quảng đại quần chúng.
Công cụ tuyên truyền.
Ngược lại, tại miền Bắc sách báo, truyền thanh và mọi phương tiện truyền thông khác đều là các công cụ tuyên truyền theo định hướng từ trên đưa xuống. Là một xã hội khép kín, việc thu thập, trao đổi, truyền bá tin tức và ý tưởng khác với luận điệu tuyên truyền của đảng Cộng sản đều bị cấm đóan, bị khép tội và bị trừng phạt một cách nặng nề. Nhiều người chết trong tù cũng chỉ vì vô tình loan tin không đúng với đường lối tuyên truyền của đảng.
Nhu cầu thông tin lại vẫn là một nhu cầu bức thiết của con người, đảng Cộng sản càng dấu diếm thì sự tò mò tìm hiểu lại càng gia tăng. Người dân phải luồn lách hay đặt ngược vấn đề, “Đảng” hô hào chống tham ô, người dân hiểu là tham ô đã đục rỗng các hợp tác xã các xí nghiệp quốc doanh. Đối với những người đấu tranh chính trị, nhu cầu nắm bắt tình hình còn cấp thiết hơn, các mẫu tin từ thế giới tự do là những tin tức vô cùng quý báu.
Sau năm 1975, người dân không còn tin vào các cơ quan tuyên truyền của đảng Cộng sản, một hệ thống thông tin đối nghịch, qua hình thức tin đồn, hình thành và phát triển. Người biết chuyện thì đồn mười người, mười đồn trăm, trăm đồn ngàn … và cứ thế nhân lên. Chuyện từ Bắc loan vào Nam, chuyện từ miền Nam loan về Bắc, chuyện nơi này lan sang nơi khác, mỗi người dân đều trở thành người nhận tin và đưa tin. Đến tình trạng này đảng Cộng sản không còn khả năng cấm đóan và trừng phạt những người đưa tin trái chiều.
Các chuyện thâm cung bí sử của triều đại cộng sản đều đã đựơc nói đến rất lâu trước khi người ta tìm được những tài liệu chứng minh. Nhiều tin đồn lại khá chính xác và đáp ứng nhu cầu thông tin, người dân càng ngày càng tin vào các câu chuyện truyền miệng thay vì theo luận điểm tuyên truyền chính thống.
Khi người dân đã tin vào tin đồn, họ không cần quan tâm kiểm chứng hay để hạ hồi kiểm chứng thì truyền thông được ví như một chợ trời thông tin. Đến độ đảng Cộng sản cũng vào để mua bán trao đổi thông tin. Cuối cùng cả một xã hội sinh họat dựa trên tin đồn cụ thể nhất là hiện tượng Quan làm Báo sẽ được thảo luận ở phần sau.
Bước sang thế kỷ thứ 21, nhà cầm quyền cộng sản lại phải đương đầu với một hệ thống truyền thông mạng vừa rẻ, vừa tiện, vừa nhanh, vừa đa dạng và đa chiều. Hệ thống truyền thông mạng thông tin và lưu trữ sách báo, truyền thanh, truyền hình, từng giờ từng phút bẻ gẫy mọi luận điệu tuyên truyền cộng sản và nhanh chóng đưa sự thật đến mọi tầng lớp nhân dân.
Lực Lượng Truyền Thông
Trong thời bao cấp, mọi người đều làm việc cho đảng, lãnh lương nhà nước. Ngày nay chỉ còn vài cơ quan tuyên truyền như tờ Nhân Dân, tờ Quân Đội Nhân Dân là còn được bao cấp tòan phần. Các cơ quan khác phải cạnh tranh sống còn, phải giảm nhẹ tuyên truyền và thu hút khách hàng bằng các thông tin “phi chính trị” hay thông tin có mức độ khả tín cao.
Ngày 21-6-2012 khi thăm tòa sọan báo Nhân Dân, Nguyễn Phú Trọng đã nhận xét tờ Nhân Dân “khô khan” và cần phải “Tuyên truyền về chính trị một cách có nghệ thuật bằng những cảm xúc thật sự để nội dung đó đi vào lòng người một cách tự nhiên...” Lời tuyên bố của ông Trọng gián tiếp xác nhận người dân đã không còn nghe theo các luận điệu tuyên truyền một chiều của đảng Cộng sản. Khi người dân không còn nghe còn tin theo cộng sản thì mọi luận điểm mà đảng đưa ra đều bị đặt vấn đề.
Trên thực tế làm truyền thông ở Việt Nam là một công việc vô cùng nguy hiểm. Pháp luật nằm trong tay kẻ cầm quyền vừa độc quyền, vừa độc đóan, người làm truyền thông luôn bị canh chừng, dòm ngó. Nếu không theo đúng chỉ đạo của giới chức cầm quyền, người làm truyền thông dễ dàng bị khiển trách, bị cảnh cáo, bị trừng phạt nặng nề. Nhiều nhà báo bị thu thẻ hành nghề, bị khởi tố, hay bị bỏ tù.
Nhiều nhà báo không thể tiếp tục bịt mắt, bịt tai, lập lại những luận điệu tuyên truyền của đảng Cộng sản, đã dứt khóat bỏ nghề tuyên giáo để trở thành những nhà báo tự do. Ngay đến những người được giao cho công tác “công an mạng” sau một thời gian đều tự thay đổi để phù hợp với trào lưu nhân lọai.
Trong khi guồng máy tuyên truyền của đảng Cộng sản mất dần nhân tài thì ngược lại truyền thông tự do lại càng ngày càng trưởng thành và phát triển về cả lượng lẫn phẩm. Dư luận xã hội càng ngày càng chịu ảnh hưởng cộng đồng mạng, gồm những người âm thầm xây dựng và điều hành các diễn đàn, những bloggers, những người viết bài, người đưa tin, người chuyển tin. Họ tự nguyện làm việc ngày đêm với chung một ước mơ sớm mang lại tự do cho Việt Nam.
Những diễn đàn tự do, những mạng xã hội càng ngày càng thu hút nhiều người trẻ, những người quan tâm đến tình hình đất nước. Họ trao đổi thông tin, ý tưởng, suy nghĩ và từng bước tạo ra một cộng đồng mạng mỗi ngày một trưởng thành hơn, sẵn sàng cho một cuộc cách mạng xã hội.
Cuộc chiến chống Cách Mạng Truyền Thông
Vì lo sợ mất quyền, đảng Cộng sản xem những nhà báo tự do, những bloggers như kẻ thù. Điều 79 “tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” và Điều 88 “tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” đựơc dùng để khép và bắt tù những nhà báo gây nguy cơ sụp đổ chế độ.
Nhưng đảng Cộng sản càng bắt bớ thì thế giới càng nhận ra tình trạng đàn áp báo chí tại Việt Nam. Tổ chức Phóng viên Không Biên giới đặt Việt Nam trong danh sách các nước nơi Internet bị xem là kẻ thù. Về Tự Do Ngôn Luận Việt Nam hiện đứng thứ 172 trên thế giới, chỉ hai bậc trước Trung cộng ở thứ 174. Theo bản báo cáo của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) hiện có 14 nhà báo và bloggers bị tù vì chỉ trích nhà nước và tường thuật tham nhũng.
Ngày 24 tháng 9 năm 2012, ba blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần và AnhbaSàiGòn bị tuyên án tổng cộng 39 năm tù và 5 quản chế cũng chỉ vì đã tích cực họat động truyền thông.
Ngày 30 Tháng 10 năm 2012, hai nhạc sĩ Việt Khang Võ Minh Trí và Vũ Anh Bình bị kết án tổng cộng 10 năm tù giam và 4 năm quản chế chỉ vì làm thơ và sọan nhạc, chống lại sách lược bành chướng của đảng Cộng sản Trung Hoa và sự nhu nhược của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.
Để chống lại sự phát triển của truyền thông mạng, đảng Cộng sản còn dùng những thủ đọan đàn áp các blogger. Họ tịch thu máy điện toán, đe dọa các boggers và gia đình, xây dựng tường lửa, xâm nhập phá hoại các mạng tự do và máy điện tóan của các nhà đấu tranh chính trị… nhưng đảng cộng sản càng đàn áp, càng phá họai thì cộng đồng mạng lại càng nhận ra kết quả việc làm, càng nỗ lực hơn, càng có nhiều người tham gia hơn, càng rút ngắn ngày cách mạng xã hội xẩy ra.
Cuộc chiến giữa cộng đồng mạng và đảng Cộng sản mỗi ngày một trở nên khốc liệt hơn. Cả hai đều nhận rõ nắm được dư luận xã hội là nắm được phần thắng. Cộng đồng mạng đề cao tự do, sự thật và nắm được chính nghĩa nên đường đấu tranh mỗi ngày một rộng mở. Đảng cộng sản ngược lại sợ tự do, sợ sự thật nên càng ngày càng suy thóai và đang từng bước tan rã.
Đầu Năm Sóng Gió Thông Tin …
Vào đầu năm 2012, các cơ quan truyền thông rộ lên việc Hội Nghị 4 công khai thảo luận tình trạng tham nhũng dẫn đến chế độ sụp đổ. Hội Nghị cho thấy dấu hiệu đấu đá giữa các phe cánh trong đảng sẽ xẩy ra trong năm.
Cùng lúc truyền thông đưa tin gia đình ông Đoàn Văn Vươn đã nổ súng bắn trọng thương 6 công an và bộ đội. Quan sát sự kiện xảy ra chúng ta có thấy được các phóng viên có thẻ hành nghề và các phóng viên tự do đã trao đổi và bổ xung tin tức cho nhau, nhờ đó sự thật về vụ cưỡng chế Tiên Lãng mỗi ngày một rõ hơn, thông tin được lan rộng đến mọi tầng lớp quần chúng, nhất là đến những người nông dân thấp cổ bé miệng đang mất dần nguồn sống vào tay cường quyền cộng sản.
Sang tháng tư, hằng ngàn người dân Văn Giang Hưng Yên đã ném bom xăng đánh trả lực lượng công an. Khi công an rút đi người dân kéo nhau ra đồng chiếm lại đất đai. Lần này khu vực cưỡng chế đựơc thông báo trước là vùng cấm báo chí. Nhà cầm quyền tổ chức họp báo yêu cầu các phóng viên phải đưa tin theo tài liệu của họ đưa ra và không được bén mảng đến hiện trường. Vì không theo lệnh cấm, 2 phóng viên Đài Tiếng Nói Việt Nam đã bị hành hung, bị bắt giữ, bị giải về Viện Kiểm sát. Phóng viên Hán Phi Long phải vào bệnh viện điều trị các thương tích.
Đất là nguồn sống, để sống còn nông dân phải sẵn sàng trực diện đấu tranh giữ đất. Việc người dân nổi dậy đánh trả giới chức cầm quyền địa phương đã buộc đảng Cộng sản phải cho mở Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 5 bàn về việc sửa sai Hiến pháp và sửa sai quan hệ sở hữu đất đai. Khi người dân đứng lên đấu tranh đòi quyền sống, thì nhà cầm quyền cộng sản mất dần quyền lực và cách mạng xã hội từng bước đến với Việt Nam.
Bão Tố Tin Đồn.
Đến giữa năm 2012, mạng Quan Làm Báo xuất hiện và chính thức xác nhận giữ vai trò tuyên truyền xám là loại tuyên truyền không cần biết nguồn gốc hay ai là tác giả. Lọai tuyên truyền này nửa thật nửa giả, được thêm bớt, được cắt ghép, dữ kiện và thứ tự thời gian được sửa đổi theo câu chuyện.
Lọai tuyên truyền này khích động tính tò mò làm hấp dẫn người nhận. Nó làm cho người nhận nửa tin, nửa ngờ bắt người nhận phải tập trung suy đóan sự việc. Nó còn được gọi là tung hỏa mù, nó làm người theo dõi như người mù sờ voi với mục đích chính yếu là làm cho đối thủ tin vào những lý lẽ sai sự thật. Dựa trên những sự kiện sai sự thực đối phương sẽ có những quyết định và hành động sai quấy.
Tuyên truyền xám là sở trường của cộng sản nhưng lần này mục tiêu chính yếu của Quan Làm báo lại là Nguyễn Tấn Dũng và những nhóm lợi ích vây quanh ông gồm cả gia đình ông và nhiều nhân vật đầy quyền thế trong các ngành công an, quân đội, tư pháp, các tập đoàn kinh tế chủ lực và đặc biệt là tài chính ngân hàng …
Kết quả là cả một guồng máy cộng sản không kiểm sóat được tin đồn, Nguyễn Tấn Dũng phải ra quyết định trong đó có đọan: “Các Bộ, ngành, các địa phương lãnh đạo cán bộ, công chức, viên chức không xem, không sử dụng, loan truyền và phổ biến các thông tin đăng tải trên các mạng phản động.” Điều này cho thấy ngay bên trong nội bộ guồng máy cầm quyền, không còn mấy người tin vào các thông tin chính thức.
Dư luận nhập cuộc và nhuần nhuyễn sử dụng chiến thuật đồn đóan. Một đồn thành mười. Mười đồn thành trăm… Đồn xong đến đóan. Đồn đóan trở thành tin chính thức. Tin chính thức trở thành kỳ vọng. Trong thời gian họp Hội Nghị 6 còn được gọi là Hội Nghị “Chỉnh Đốn Đảng” cả nước đồn rùm Nguyễn Tấn Dũng phải vào tù hay ít nhất phải từ chức, đến lúc Nguyễn Phú Trọng mếu máo loan tin chẳng làm gì được Nguyễn Tấn Dũng thì kỳ vọng trở thành thất vọng mọi người xoay sang bình luận tài nghệ và khả năng chỉnh đốn đảng của hai ông Trọng Sang.
Quan Làm Báo đã thành công trong việc đánh vào phe cánh Nguyễn Tấn Dũng, nhờ đó người dân mới biết được bộ mặt thật của giới lãnh đạo cộng sản vừa bất tài, vừa bất lực, vừa bất chính, vừa bất lương và lại vừa bất nhân. Cũng nhờ đó những người đấu tranh mới biết rõ hơn về thế và lực của những người cầm quyền cộng sản để dễ dàng hơn vận động quần chúng đứng lên làm cách mạng. Nói chung Quan Làm Báo trong đỏan kỳ có nhiều đóng góp vô cùng tích cực.
Để chống lại tin đồn, thay vì đưa những tin tức trung thực, buồn cười, các cơ quan tuyên giáo lại cho tổ chức các nhóm phản ứng nhanh, chuyên bút chiến trên internet. Riêng thành phố Hà Nội đã có ít nhất 900 dư luận viên làm nhiệm vụ tuyên truyền miệng. Rõ ràng ở cuối trào cộng sản, đảng Cộng sản đã bế tắc trước cách mạng thông tin tòan cầu.
Bước Sang 2013
Mặc dù phe Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang thất bại trong Hội nghị 6, cuộc chơi mới lại bắt đầu. Một mặt họ lấy lại Ban Nội Chính và Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh được đưa ra Hà Nội làm Trưởng ban này. Ông Thanh xưa nay nổi tiếng giỏi đấu đá địa phương nay được đưa lên Trung Ương mang nhiều hứa hẹn tranh chấp quyền lực trong những ngày sắp tới.
Hội Nghị 6 còn công bố đầu năm 2013 Quốc hội được quyền bỏ phiếu tín nhiệm các chức vụ của quốc hội, chính quyền và chính phủ, trong đó có các vị trí Thủ tướng, Chủ tịch nước, các Bộ trưởng v.v... Việc bỏ phiếu tín nhiệm sẽ tạo nhiều thông tin xôi nổi không kém gì việc đánh đồng chí X vừa xẩy ra. Năm Nhâm Thìn là một năm tranh quyền giữa các phe trong đảng và phe Nguyễn Tấn Dũng đã thắng. Nay đảng lại lôi Quốc Hội vào cuộc thì ắt hẳn sẽ có nhiều chuyện sôi nổi xảy ra.
Trong năm Qúy Tỵ có thể phe Nguyễn Phú Trọng sẽ mở một Đại Hội đảng giữa kỳ. Nếu việc này xẩy ra sẽ có nhiều cơ hội cho giới truyền thông tự do chứng minh cho người dân thấy rõ đảng Cộng sản đã thất bại ngay trong việc cải tổ và cải cách chính nội bộ của đảng.
Các Hội Nghị 4, 5 và 6 chỉ lo chỉnh đốn chính trị nội bộ, không riêng mặt chính trị, các mặt khác của xã hội như kinh tế, y tế, giáo dục, … đều lâm vào tình trạng khủng hỏang, một cuộc khủng hỏang tòan diện. Rõ ràng Việt Nam cần thay đổi mau lẹ, sâu rộng và triệt để, mà muốn thay đổi như thế cần phải thay đổi mọi cơ cấu ngăn cản sự phát triển xã hội.
Mặt khác tham vọng bành trướng Trung cộng càng ngày càng lộ liễu, và đã trở thành một mối đe dọa các quốc gia trong vùng và nền hòa bình thế giới. Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục cúi đầu thuần phục ngọai bang Trung cộng và dùng mọi thủ đọan trấn áp phong trào yêu nước. Bộ mặt phản động của nhà cầm quyền càng ngày càng lộ rõ. Lịch sử cho thấy chưa một chế độ theo Tầu bán nước lại có thể tồn tại dài lâu.
Gần nhất là dư luận góp ý cho “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992”, có người cho là trò khỉ, sửa đổi thì cũng như rắn lột da. Trong khi đó, 72 nhân sĩ, trí thức khởi xướng một phong trào “Kiến nghị về Sửa đổi Hiến pháp” với gần 3,000 chữ ký ủng hộ, rồi lại cử 15 vị đại diện đến Văn phòng Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp để trao Kiến Nghị. Có người cho rằng đây chỉ là vở kịch nhưng tại sao lại có vở kịch này? Bài tới người viết sẽ bình luận đề tài này.
Rõ ràng trong năm Nhâm Thìn nhiều sự kiện chính trị liên tiếp xẩy ra và nhờ cách mạng truyền thông, tin tức đã phổ biến sâu rộng đến quảng đại quần chúng. Và như thế phải chăng phải chăng một cuộc cách mạng xã hội đang đến với Việt Nam trong năm Qúy Tỵ 2013?
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
13/2/2013
No comments:
Post a Comment