GS Vũ Quốc Thúc
Trong buổi lễ cầu hồn hôm nay, tôi xin phép nói đến một việc mà tôi coi là sự thành công ngoạn mục nhất của Đức Ông Nguyễn Văn Lập trong thời kỳ Ngài điều khiển Viện Đại học Dalat, với tư cách Viện trưởng của Viện Đại Học này. Đó là việc nêu cao khẩu hiệu “Thụ Nhân”, biến ý niệm cổ kính này thành một tôn chỉ, một tinh thần, có thể nói là một quan niệm triết lý để hướng dẫn toàn thể các giáo sư và sinh viên, không những trong khuôn khổ học trình của Viện mà còn cả ngoài đời nữa.
Trước khi nhận làm giảng viên môn Kinh tế học ở Trường Chánh Trị Kinh Doanh, tôi thành thực tưởng rằng Viện Đại học Dalat cũng chẳng khác gì các Viện Đại học Hà Nội (cũ) và Saigon là những nơi tôi rất quen thuộc. Những nơi ấy chỉ là những cơ sở giảng dạy, nhằm đào tạo chuyên viên để sau này phục vụ trong các ngành hoạt động như : hành chính, tư pháp, kinh tế, y tế, giáo dục v.v. Do đó, giữa Ban Giám đốc, các giáo sư và sinh viên, sự liên lạc có tính cách hành chính nhiều hơn là tình cảm : điều này thật rõ ràng ở những trường như Luật khoa hay Văn khoa, trong đó giáo sư hàng ngày giảng bài trước hàng trăm sinh viên, ít khi có cơ hội đàm đạo với mỗi học trò của mình. Nhà trường điều hành như một nhà máy, để phổ biến kiến thức, rồi khảo thí và cấp bằng… Vấn đề tôn chỉ hay triết lý không bao giờ đặt ra. Sau khi mãn khoá, giữa các sinh viên đồng khoa có thể tồn tại phần nào một mối quan hệ thân hữu vì họ đã gặp nhau trong mấy năm liền, nhưng giữa các giáo sư và cựu sinh viên, quả thực là mỗi người một ngả, không còn liên lạc nữa.
Chính vì thế mà lần đầu tiên khi tôi ở Saigon lên Dalat dạy môn Kinh tế học ở Trường Chánh Kinh Doanh, tôi rất cảm kích được Đức Ông Viện trưởng Nguyễn Văn Lập (lúc ấy ngài hãy còn là linh mục) tiếp đón tôi rất niềm nở như một người thân. Tôi ở ngay trong trường, trên gác nhà nguyện và hàng ngày ăn cơm trưa và tối với Cha Nguyễn Văn Lập, Cha Ngô Duy Linh cùng một số giáo sư cũng ở Saigon lên dạy học. Trong những dịp này tôi từng thảo luận với Cha về khẩu hiệu ‘‘Thụ Nhân’’ mà Ngài đã chọn làm tôn chỉ cho Viện Đại học Dalat. Tôi hiểu rằng cụm từ này trích từ lời khuyến cáo của một nhân vật thời Chiến Quốc ở Trung Hoa (Tể Tướng Quản Trọng) khi được hỏi về sách lược. Ông ta nói rằng :
‘‘Nhất niên chi kế, mạc như thụ cốc;
Thập niên chi kế, mạc như thụ mộc;
Bách niên chi kế , mạc như thụ nhân.’’
Nghĩa là : Kế hoạch một năm, không gì bằng trồng lúa;
Kế hoạch mười năm, không gì bằng trồng cây;
Kế hoạch trăm năm, không gì bằng trồng người.
Trồng người, nghĩa là đào tạo những người để sau này phục vụ đất nước. Kẻ gieo trồng không chú trọng đến sự thu hoạch trong ngắn hạn (một năm) hay trong trung hạn (mười năm) mà hướng về cái lợi có thể thâu được sau một thời kỳ rất dài (một trăm năm).
Khỏi cần nói là trong thời kỳ dài như vậy, chắc chắn mình không còn sống để hưởng lợi, nhưng lợi vô cùng to lớn đó sẽ dành cho hậu thế, cho xã hội. Kẻ vun trồng bỏ công mồ hôi nước mắt, không phải vì lợi riêng, mà vì cộng đồng.
Cha Viện trưởng đã chọn hai chữ Thụ Nhân để dùng làm tôn chỉ của Viện Đại học Dalat : khỏi cần nói là đối với một cơ sở giáo dục, sự chọn lựa này thật là thích hợp.
Khi bàn về nội dung của công cuộc “trồng người”, tôi nhận thấy Ngài có một cách nhìn không những rất sâu sắc, mà còn rất rộng rãi, phóng khoáng, khiến cho tôi vô cùng khâm phục .
Trước hết, Ngài nhấn mạnh rằng, việc trồng người không nên giới hạn ở một lĩnh vực duy nhất là lĩnh vực trí dục : nếu chỉ nhằm đào tạo những chuyên viên cần thiết cho sự phát triển của quốc gia, thì chẳng cần gì phải lập thêm một đại học tư thục công giáo làm gì. Việc ấy có thể phó mặc cho các viện đại học công lập hiện hữu vào lúc đó vì những nơi này có nhiều phương tiện tài chính cũng như nhân sự. Nếu thiếu, hàng năm Nhà Nước có thể tăng thêm tài trợ. Cái gì quan trọng đối với Viện Đại học Dalat là công cuộc trồng người phải gồm cả thể dục và đức dục.
Đặc biệt về phương diện đức dục, Viện Đại học Dalat sẽ có nhiều lợi thế hơn các viện đại học công lập Saigon, Huế và Cần Thơ. Sự bảo trợ của Giáo hội có điều kiện là Viện Đại học Dalat phải tôn trọng và phát huy những giá trị tinh thần đã được Ky Tô Giáo nêu cao. Cha Lập minh định ngay là điều này không có nghĩa là Viện chỉ dành riêng cho sinh viên công giáo mà bất cứ sinh viên nào đủ tiêu chuẩn về bằng cấp đều có thể theo học. Trong việc tuyển mộ các giáo sư, giảng sư cũng vậy. Viện không chủ trương giới hạn ở thành phần công giáo. Trường hợp của tôi là một bằng cớ hiển nhiên : tôi không phải là người công giáo nhưng đã được mời dạy và tôi khẳng định rằng Cha Viện trưởng không bao giờ xen lấn vào công việc của tôi. Cha để tôi hoàn toàn tự do diễn giảng theo đúng lương tâm của mình. Thái độ cởi mở và thân hữu của
Cha càng khiến cho tôi quý mến Ngài.
Hai mươi sáu năm đã trôi qua từ ngày Viện Đại họcDalat bị ngưng hoạt động. Hầu hết các cựu sinh viên và cựu giáo sư đã phải di cư ra nước ngoài, sống tản mác khắp thế giới. Mặc dù vậy, các anh chị em đã cố gắng tìm địa chỉ của nhau, liên lạc thường xuyên với nhau để thông báo cho nhau mọi tin tức và nếu cần thì giúp đỡ nhau như anh chị em trong một đại gia đình. Quả thực như vậy, các anh chị em đã lập thành đại gia đình Thụ Nhân, lấy cây bách xanh làm huy hiệu. Tôi tin chắc rằng trong những năm qua, Cha Viện trưởng đã không thể không hãnh diện trước cảnh tượng ấy. Tôn chỉ Thụ Nhân mà Cha đưa ra ngay từ khi Viện Đại học Dalat mới khai trương, hiển nhiên đã trở thành một di sản tinh thần vô cùng quý báu.
Viện Đại học Dalat có thể biến thể do ảnh hưởng của thời cuộc chính trị, nhưng tinh thần Thụ Nhân sẽ tồn tại mãi mãi như ngọn đuốc thiêng soi sáng các thế hệ sinh viên và cựu sinh viên trong công cuộc bảo vệ những giá trị nhân bản được dùng làm nền tảng cho văn minh nhân loại .
Giờ đây Đức Ông Nguyễn Văn Lập đã vĩnh biệt chúng ta. Trong niềm thương tiếc một vị Gia Trưởng từ nay vắng bóng, tôi xin kính cẩn cầu nguyện anh linh Ngài được hưởng An Bình nơi nước Chúa.
Paris, ngày 23 tháng 12 năm 2001
No comments:
Post a Comment