Showing posts with label Đài Loan. Show all posts
Showing posts with label Đài Loan. Show all posts

5/17/23

Bác sĩ Lại Thanh Đức: Ứng cử viên đầy hứa hẹn cho cuộc tranh cử tổng thống Đài Loan năm 2024

Phó Tổng thống Đài Loan kiêm Chủ tịch Đảng Dân Chủ Tiến Bộ (DPP) cầm quyền Lại Thanh Đức (William Lai) làm thế tay trong bài diễn văn tại trụ sở DPP ở Đài Bắc hôm 12/04/2023. Ông Lại sẽ đại diện cho DPP tranh cử tổng thống vào năm 2024. (Ảnh: Sam Yeh/AFP qua Getty Images)
Đảng cầm quyền ủng hộ độc lập của Đài Loan đã đề cử Phó Tổng thống Lại Thanh Đức (William Lai) làm ứng cử viên tổng thống năm 2024 của đảng này trước cuộc bầu cử vào tháng Một năm sau. Những người ủng hộ ông Lại tin rằng ông có thể hàn gắn sự chia rẽ chính trị ở Đài Loan và đứng lên chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Khác với một số chính trị gia Đài Loan, ông Lại không ngại trực tiếp nói về các vấn đề xuyên Eo biển. Ông khẳng định rằng lập trường của chính phủ ông là “chống ĐCSTQ nhưng không chống Trung Quốc” và phản đối việc Đài Loan bị chính quyền Trung Quốc sáp nhập. 

Hôm 12/04, Đảng Dân Chủ Tiến Bộ (DPP) cầm quyền đã chính thức tuyên bố ông Lại sẽ đại diện cho đảng này tranh cử kế nhiệm Tổng thống Thái Anh Văn, người sẽ từ chức sau khi hoàn thành nhiệm kỳ tổng thống thứ hai vào tháng Năm năm sau.

Khởi đầu khiêm tốn 

Sinh ra tại nơi mà ngày nay là Tân Đài Bắc, ông Lại có xuất thân khiêm tốn. Ông không phải là chính trị gia thế hệ thứ hai cũng không phải là hậu duệ của một gia đình có vai vế trong xã hội. Cha ông là một công nhân khai thác than đã thiệt mạng trong một thảm họa khai thác mỏ khi ông Lại mới hai tuổi. 

Ông Lại và năm anh chị em của ông được mẹ của họ nuôi dưỡng. Bà đã phải làm việc cật lực để kiếm đủ tiền nuôi sống gia đình. 

Bất chấp nhiều khó khăn, ông sẽ vươn lên để trở thành một bác sĩ y khoa, nhà lập pháp, thị trưởng, thủ tướng nổi tiếng, và hiện là phó tổng thống, trở thành một nhân vật quan trọng trong chính trường Đài Loan.
Phó Tổng thống Lại Thanh Đức (giữa) vẫy tay chào các phóng viên tại trụ sở DPP ở Đài Bắc sau khi ông nhận được đề cử của DPP để tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống dự kiến hôm 13/01/2024, tại Đài Loan, hôm 12/04/2023. (Ảnh: CNA Photo)

Từ y học đến chính trị 

Ông Lại lấy bằng cử nhân tại Khoa Vật lý Trị liệu của Đại học Quốc lập Đài Loan (NTU), hoàn thành chương trình sau đại học về khoa học y tế tại Đại học Quốc lập Thành Công (NCKU), và lấy bằng thạc sĩ về y tế công cộng tại Đại học Harvard.


Theo hồ sơ công khai của ông, ông là một trong số ít bác sĩ ở Đài Loan có chuyên môn về phục hồi chức năng, chăm sóc lâm sàng, và y tế công cộng. Năm 1994, ông là bác sĩ nội trú chính tại Bệnh viện Đại học Quốc lập Thành Công.


Ông Lại chuyển từ hành nghề y sang làm chính trị trùng với thời phong trào dân chủ hóa của Đài Loan, bắt đầu vào những năm 1990 khi các cuộc bầu cử dân chủ lần đầu tiên được giới thiệu ở Đài Loan. 

Đặc biệt, trong cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan năm 1996, khi Bắc Kinh tiến hành một loạt vụ thử hỏa tiễn ở vùng biển xung quanh Đài Loan, ông Lại đã từ bỏ sự nghiệp y khoa thành công của mình để gia nhập chính trường nhằm theo đuổi nền dân chủ. 

Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội năm đó, ông Lại là người nhận được số phiếu cao nhất để đại diện cho thành phố Đài Nam, một đô thị lớn ở miền nam Đài Loan. Sau khi giành được một ghế, ông bắt đầu thực hiện sứ mệnh bãi bỏ Quốc hội, cơ quan lập pháp mà vào thời điểm đó, nằm dưới sự kiểm soát độc đảng của Trung Quốc Quốc Dân Đảng (KMT).

Sự nghiệp chính trị và thành tích 

Năm 1998, ông Lại được bầu làm một nhà lập pháp đại diện cho thành phố Đài Nam. Trong nhiệm kỳ của mình, ông đã giải quyết hơn 100,000 vấn đề địa phương — một kỷ lục phụng sự chưa từng có vào thời điểm đó. Ông đã nhấn mạnh tầm quan trọng của cả tính chuyên nghiệp trong quản trị và việc phụng sự cho người dân của mình. Đổi lại, cư dân Đài Nam đã ưu ái bầu ông vào cơ quan lập pháp cho bốn nhiệm kỳ liên tiếp từ năm 1998 đến năm 2010. 

Ông đã bốn lần liên tiếp được chọn là “Nhà lập pháp xuất sắc nhất” của Đài Loan bởi Citizen Congress Watch, một tổ chức bất vụ lợi có trụ sở tại Đài Bắc chuyên đánh giá kết quả làm việc của các nhà lập pháp Đài Loan. 

Năm 2010, quận Đài Nam và thành phố Đài Nam được sáp nhập để tạo thành Đô thị Trực thuộc Đài Nam. Ông Lại đã được bầu làm thị trưởng đầu tiên của thành phố này với hơn 60% phiếu bầu — đây là lần đầu tiên ông ra tranh cử vào chức vụ điều hành.


Ông Lại Thanh Đức (William Lai), lúc bấy giờ là Thị trưởng Đài Nam, thông báo với giới báo chí về tình hình hiện tại của hoạt động tìm kiếm và cứu nạn trong một tòa nhà bị sập trong trận động đất 6.4 độ ở thành phố Đài Nam phía nam Đài Loan vào sáng sớm ngày 09/02/2016. (Ảnh: Anthony Wallace/AFP qua Getty Images)


Ông Lại là thị trưởng duy nhất trong số các thị trưởng thành phố lớn của Đài Loan không sử dụng ngân sách thành phố để thuê một tài xế riêng. 

Ông được xếp hạng là thị trưởng hàng đầu của Đài Loan trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình và được công chúng và giới truyền thông đặt cho danh hiệu “thị trưởng năm sao.” 

Năm 2014, khi ông Lại tái tranh cử chức thị trưởng, ông đã không thành lập trụ sở chiến dịch, dựng biển quảng cáo hay giương cờ, hoặc sử dụng các hãng thông tấn cho các quảng cáo bầu cử của mình, vốn là chuyện thường tình trong các cuộc bầu cử ở Đài Loan. Ông được cho là không muốn làm phiền cư dân thành phố hoặc cảnh quan của đô thị này. 

Mặc dù nhìn chung có ít quảng cáo vận động tranh cử, nhưng ông đã nhận được gần 73% số phiếu bầu cho cuộc tái tranh cử của mình, mức cao nhất trong lịch sử Đài Nam. Trong suốt nhiệm kỳ thị trưởng của mình, ông đã tạo dựng được một danh tiếng về việc điều hành một chính phủ trung thực, tận tâm, và hiệu quả. Theo nhiều hãng thông tấn địa phương, nhiều người đã mô tả ông là một người đàn ông khiêm tốn, vị tha, và chính trực. 

Sau khi giữ chức thị trưởng, ông Lại đã đảm trách vai trò thủ tướng, người đứng đầu Lập pháp viện Đài Loan, từ năm 2017 đến 2019. 

Một hãng thông tấn địa phương của Đài Loan đã tổng hợp các hồ sơ kê khai tài sản của ông và phát hiện rằng ông Lại và vợ đã sống như những người bình thường, vay các khoản nợ thế chấp và trả dần bằng tiền lương làm việc.

Một ứng cử viên có thể hàn gắn sự chia rẽ chính trị ở Đài Loan

 Cuối năm 2019, Tổng thống Thái Anh Văn đã mời ông Lại làm người tranh cử phó tổng thống cùng bà trong cuộc bầu cử năm 2020. Tại thời điểm đó, các cuộc biểu tình chống dẫn độ đang diễn ra ở Hồng Kông và việc bảo vệ nền dân chủ của Đài Loan là quan trọng hơn bao giờ hết trong bối cảnh các mối đe dọa leo thang từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). 

Ông Lại đã chấp nhận lời đề nghị của bà Thái, và cả hai đều thắng cử với số phiếu bầu kỷ lục 8.17 triệu phiếu, cao nhất trong lịch sử tổng thống của Đài Loan. Ông Lại đã tuyên thệ nhậm chức phó tổng thống thứ 15 của Đài Loan vào tháng 05/2020.

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (phải) và Phó Tổng thống mới đắc cử Lại Thanh Đức (trái) làm cử chỉ bày tỏ thiện ý bên ngoài trụ sở chiến dịch tranh cử ở Đài Bắc vào ngày 11/01/2020. Bà Thái đã tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Đài Loan vào ngày 11/01 khi các phiếu bầu được kiểm đếm sau một cuộc bầu cử bị chi phối bởi mối quan hệ căng thẳng của hòn đảo dân chủ này với Trung Quốc. (Ảnh: Sam Yeh/AFP qua Getty Images)

Ông Lại được xem là một người theo phái bảo tồn truyền thống hơn về mặt xã hội so với bà Thái, một người cấp tiến đã đi đầu trong các cải tổ, chẳng hạn như hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới và thiết lập các mục tiêu khí hậu. Những chủ đề này không được công chúng Đài Loan chấp nhận rộng rãi.

Ông Lại đã giữ một lập trường trung lập hơn đối với một số nghị trình cấp tiến hơn của bà Thái mặc dù ông đang là một thành viên trong chính phủ của bà. Các giá trị truyền thống của ông có vẻ phù hợp hơn với người dân Đài Loan, vốn vẫn bảo tồn truyền thống hơn về mặt xã hội so với hầu hết các quốc gia phương Tây.

Ông Lại là một trong những nhân vật chính trị ít gây chia rẽ nhất ở Đài Loan, vì các thành viên của các đảng đối lập đã công nhận và ca ngợi ông là một người “thực tế".


Lập trường về Trung Quốc 

Hồi tháng Một năm nay, ông Lại đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử chủ tịch đảng của mình hôm 15/01, vốn đã được tổ chức sau khi bà Thái từ chức chủ tịch DPP sau thất bại của đảng này trong cuộc bầu cử giữa kỳ hồi tháng Mười Một năm ngoái (2022). 

 Chức vụ chủ tịch sẽ giúp ông nắm quyền kiểm soát chiến lược đối với DPP, mở đường cho nỗ lực tranh cử tổng thống của ông. 

 Tại một cuộc họp báo sau lễ tuyên thệ nhậm chức hôm 18/01, ông khẳng định: “Đài Loan đã là một quốc gia độc lập và có chủ quyền, do đó không cần phải tuyên bố độc lập.” 

 Ông Lại ủng hộ rằng hai bên bờ Eo biển Đài Loan nên tôn trọng và hợp tác với nhau. 

 Năm 2019, ông Lại tuyên bố rằng lập trường của chính phủ DPP là “chống ĐCSTQ nhưng không chống Trung Quốc,” và phản đối việc Đài Loan bị chính quyền Trung Quốc sáp nhập. Ông đã chỉ trích việc ĐCSTQ tìm cách bành trướng và thay đổi trật tự quốc tế. 

 Ông còn nói thêm rằng Đài Loan nên kiên định theo phe dân chủ, đóng một vai trò tích cực trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do Hoa Kỳ lãnh đạo, và chống lại sự bành trướng của các lực lượng cộng sản. Ông cũng đã kêu gọi Đài Loan giúp thúc đẩy các giá trị dân chủ và nhân quyền ở Hoa lục.

Ngoài lĩnh vực chính trị: Theo đuổi hòa bình và nhân quyền 

Ông Lại rất coi trọng các giá trị phổ quát về hòa bình và nhân quyền. 

 Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024 tại Đài Nam, ông Lại nhấn mạnh rằng hòa bình là vô giá và không có người chiến thắng trong chiến tranh. 

 Năm 2022, ông Lại đến Tokyo dự tang lễ của cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người luôn xem Đài Loan là một “đối tác quan trọng” và “bằng hữu quý giá” của Nhật Bản.


Ông Abe đã trình bày trong một diễn đàn trực tuyến hồi năm 2021 rằng “nếu Đài Loan gặp bất trắc, thì Nhật Bản cũng gặp bất trắc, và liên minh Nhật-Mỹ cũng gặp bất trắc.” 

Chuyến thăm của ông Lại tới Tokyo đã khiến Bắc Kinh không hài lòng và được xem là một bước đột phá ngoại giao. 

Ông là quan chức cao cấp nhất của Đài Loan đến thăm Nhật Bản kể từ khi Tokyo cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Bắc (Trung Hoa Dân Quốc) hồi năm 1972 và thiết lập các mối bang giao chính thức với Bắc Kinh. 

Trong một cuộc vận động tranh cử tổng thống gần đây, ông Lại cho biết cuộc bầu cử năm 2024 ở Đài Loan không phải là một cuộc đọ sức giữa chiến tranh và hòa bình mà là một cuộc đọ sức giữa dân chủ và chuyên quyền, vốn là bản chất của mối quan hệ xuyên eo biển. 

Nhiều chính trị gia hàng đầu ở Đài Loan e ngại đụng chạm đến các vấn đề nhân quyền nhạy cảm vì sợ chọc giận ĐCSTQ.

Nguồn: Bản tin có sự đóng góp của Xueling Teng và Eva Fu

Nhóm tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times



BẦU CỬ Tổng Thống năm 2024 tại TaiwanTân Thị trưởng Đài Bắc Hou Yu-ih (Hầu Hữu Nghị) được bầu làm ứng cử viên tổng thống của Quốc dân đảng (KMT).

*KMT : Quốc Dân Đảng, thân Bắc Kinh

New Taipei Mayor Hou Yu-ih (center) salutes at a KMT Central Standing Committee meeting Wednesday. CNA photo May 17, 2023



8/12/22

Nancy Pelosi đi Đài Loan hay sự « lộn xộn » về chiến lược của Mỹ ?


Nghe phần âm thanh: 




Chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ Viện Mỹ hồi đầu tháng 8/2022 đã khiến Bắc Kinh tức giận và tiến hành một cuộc tập trận không – hải quân hùng hậu chưa từng có. Nhiều nhà quan sát cho rằng sự việc còn làm lộ rõ những hạn chế, hay đúng hơn là một sự « lộn xộn » về chiến lược của Mỹ trước một Trung Quốc ngày càng hung hăng.

Tuy ngắn, nhưng chuyến thăm Đài Loan của Nancy Pelosi mang tính biểu tượng cao : Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ Viện Mỹ là nhân vật quan trọng thứ ba của Nhà nước Mỹ. Nhưng đây không phải là lần đầu tiên một nhân vật cao cấp như thế đến thăm Đài Loan. Năm 1997, chủ tịch Hạ Viện là Newt Gingrich cũng có chuyến thăm Đài Bắc, gặp tổng thống Đài Loan thời đó là ông Lý Đăng Huy (Lee Teng Hui).

Nhưng Trung Quốc của năm 1997 yếu thế hơn nhiều, nên đành phải « nuốt giận », dung thứ cho chuyến đi của Gingrich. Giờ đây, Bắc Kinh chỉ trích bà Pelosi đang mang lại hy vọng về quyền tự trị cho Đài Loan khi đến Đài Bắc và tuyên bố « sát cánh cùng nền dân chủ » của hòn đảo. Nhìn từ Bắc Kinh, đây không phải là chuyện bảo vệ « nền dân chủ » mà đúng hơn là một sự vi phạm quyền chủ quyền quốc gia và bản sắc lịch sử Trung Hoa. Để trả đũa, Trung Quốc tổ chức rầm rộ một loạt các cuộc tập trận quy mô lớn chưa từng thấy, bao vây đảo và thông báo một loạt các trừng phạt thương mại nhắm vào Đài Bắc.

Theo chuyên gia về an ninh Trung Quốc, Michael Swaine, giám đốc chương trình Đông Á, Viện Quincy của Mỹ, sự giận dữ này của Trung Quốc cũng là một điều dễ hiểu. Chuyến thăm này của chủ tịch Hạ Viện Mỹ đã vượt quá khuôn khổ những hiểu biết, quy định và quy trình, vốn là nền tảng cơ bản cho chính sách « Một nước Trung Hoa duy nhất » mà Mỹ đeo đuổi từ nhiều năm qua. Ông giải thích :

« Bà Nancy Pelosi bay đến Đài Loan trên một chiếc máy bay phản lực quân sự chính thức của Hoa Kỳ, trông giống chiếc Air Force One. Bà ấy mô tả chuyến đi Đài Loan của mình như là một chuyến thăm chính thức. Bà công khai chuyến đi này theo cách rất quan trọng, không giống như ông Newt Gingrich, người đã từng đến Đài Loan cách nay 25 năm cũng với tư cách là chủ tịch Hạ Viện.
Nhưng ông Newt Gingrich đến Bắc Kinh trước, và ông ấy chỉ dừng ở Đài Loan một thời gian rất ngắn và sau đó đi tiếp. Vào thời kỳ đó, Trung Quốc đã tỏ ra bực bội. Nhưng bây giờ bà Pelosi thực hiện điều này trên một quy mô lớn hơn rất nhiều, mức độ công khai cao hơn cả dấu hiệu của một chuyến thăm chính thức. Và điều này là một sự vi phạm thật sự nền tảng cơ bản của thỏa thuận mà Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đạt được vào thời điểm bình thường hóa quan hệ. » (DemocracyNow ngày 03/08/2022)

Chiến lược « dân chủ chống chuyên quyền » và những hạn chế

Trên trang mạng của Viện Quincy, hai nhà nghiên cứu Sina Azodi1 và Christopher England2 cho rằng phản ứng mạnh mẽ của Bắc Kinh có một ý nghĩa quan trọng. Trung Quốc muốn chứng tỏ là một đối thủ ngang hàng với Mỹ và có khả năng trả đũa trên nhiều mặt. GDP của Trung Quốc giờ cao gấp 17 lần so với năm 1997. Chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc cũng tăng gấp 15 lần, từ 15 tỷ trong năm 1997 lên 230 tỷ cho năm 2022, trong khi vẫn tăng đều đặn kho vũ khí hạt nhân để đạt mức 350 đầu đạn như hiện nay.

Hơn nữa, chuyến đi này của bà Pelosi càng củng cố hơn niềm tin của người dân Trung Quốc, nhất là phe « diều hâu » trong nội bộ đảng Cộng Sản, rằng Mỹ và phương Tây đang nỗ lực « kềm chế » sự trỗi dậy của Trung Quốc, ngăn cản nước này trở lại trường quốc tế, và việc kêu gọi bảo vệ dân chủ đơn giản chỉ là một cách nói uyển chuyển để thay đổi chế độ.

Vẫn theo hai nhà nghiên cứu của Viện Quincy, chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi đã làm lộ rõ những hạn chế trong chiến lược « dân chủ chống chuyên quyền », mà ông Biden xem như là một cột trụ trong chính sách đối ngoại nhằm khôi phục lại uy tín của nước Mỹ. Một mặt, sự việc diễn ra vào lúc nội tình nước Mỹ rối ren và bị chia rẽ sâu sắc vì hậu quả của cuộc tấn công đồi Capitole ngày 06/01/2021 và những tranh cãi gay gắt cho cuộc bầu cử giữa kỳ mùa thu năm nay.

Mặt khác, chuyến thăm này đã không giải đáp được thắc mắc về thực lực của Mỹ khi đối mặt với những thách thức mới do những quốc gia muốn xem xét lại trật tự thế giới đặt ra, và điều đó có nguy cơ làm gia tăng các biến động toàn cầu qua việc đe dọa các lợi ích chiến lược của các đối thủ như Nga và Trung Quốc tại những khu vực mà những nước này có một số lợi thế quân sự. Việc thúc đẩy trở lại nền dân chủ cũng có nguy cơ gây phản cảm ở chính các nước đồng minh của Mỹ từ Ả Rập Xê Út đến Thổ Nhĩ Kỳ, những nước mà Mỹ rất cần đến sự ủng hộ trong tương lai.


Tập trận quy mô lớn : Một chuẩn mới cho Đài Loan ?

Nhưng nhà chính trị học, Dominique Moisi, cây bút bình luận của Les Echos có cái nhìn khắt khe hơn khi tự hỏi : Trong chính sách đối với Trung Quốc, phải chăng Hoa Kỳ dường như đang chuyển từ « mập mờ » sang « lộn xộn » về chiến lược ? Việc chủ tịch Hạ Viện Mỹ đến Đài Bắc không xóa tan được những nghi vấn trước khả năng Mỹ từ bỏ « chiến lược mập mờ, mơ hồ » sau những phát ngôn của Joe Biden thời gian gần đây liên quan đến Đài Loan.

Rồi bởi vì, chuyến đi Đài Loan của Nancy Pelosi diễn ra vào một thời điểm khá đặc biệt. Hoa Kỳ và phương Tây đang nỗ lực cung cấp vũ khí cho Ukraina chống lại cuộc chiến xâm lược do Nga tiến hành từ nhiều tháng qua, nên việc khiêu khích Trung Quốc của Tập Cận Bình lúc này là không cần thiết.

Thứ nhất, điều đó còn tạo thêm cớ cho Trung Quốc « bình thường hóa » các hành động hung hăng mới đối với Đài Loan. Chuyên gia về hải quân Collin Koh, thuộc S. Rajaratnam School of International Studies tại Singapore, trả lời AFP dự báo, Đài Loan kể từ giờ sẽ phải quen thuộc với việc Trung Quốc thường xuyên tổ chức những cuộc tập trận lớn như vậy. « Những bài tập gần đảo chính của Đài Loan sẽ trở thành một chuẩn mực » và việc « quân đội Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận lớn như thế đã tạo thành một tiền lệ ».

Cũng theo vị chuyên gia này, mức thang tập trận sẽ còn được nâng cao hơn cả trên quy mô lẫn cường độ. Khi có căng thẳng, Trung Quốc cũng sẽ thường xuyên đưa tầu chiến hay chiến đấu cơ vượt qua bên kia đường trung tuyến, đường biên giới không chính thức giữa hai bên ở eo biển Đài Loan. Chuyến thăm của bà Pelosi đã mang lại cho Bắc Kinh « một cái cớ hay lời biện minh để nói rằng trong tương lai, Trung Quốc có thể tiến hành một cách hợp pháp các bài tập trận ở phía đông đường trung tuyến mà không phải bận tâm ».

Và nhất là đây cũng là cơ hội để đảng Cộng Sản Trung Quốc còn có thể củng cố hơn nữa tính chính đáng của mình khi kích động tinh thần dân tộc chủ nghĩa như lưu ý của nhà chính trị học, Jean-Philippe Béja, chuyên gia về Trung Quốc, giám đốc nghiên cứu danh dự thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia.

« Đảng Cộng Sản Trung Quốc xây dựng tính chính đáng dựa trên tinh thần chủ nghĩa dân tộc, sự trở lại của Trung Quốc trên trường quốc tế. Họ muốn chứng tỏ chính sách bất di bất dịch trong các vấn đề về quyền chủ quyền như đã cho thấy ở Hồng Kông, đương nhiên là họ đã thành công nhưng không chiếm được trái tim cử tri đặc khu hành chính. Và dĩ nhiên, đảng Cộng Sản Trung Quốc cũng chẳng bận tâm đến việc chinh phục tình cảm và trái tim người Đài Loan. Giờ chúng ta đang đối mặt với một đảng Cộng Sản Trung Quốc cực kỳ hung hăng, tìm cách áp đặt quan điểm của mình về quyền chủ quyền và cố kích động tinh thần chủ nghĩa dân tộc. » (France Culture ngày 03/08/2022)

Pelosi đi Đài Loan : Món quà tặng dành cho V. Putin và Tập Cận Bình

Thứ hai, sự « khiêu khích » này từ Mỹ có nguy cơ đẩy Trung Quốc của Tập Cận Bình ngày càng siết chặt hơn nữa mối liên minh với nước Nga của Vladimir Putin. Cho đến lúc này, Trung Quốc vẫn tìm cách tránh can dự trực tiếp và bắt đầu ngờ vực về sự thành công của chiến dịch quân sự của Nga.

Điều này giải thích vì sao bộ Quốc Phòng Mỹ ban đầu đã phản đối chuyến thăm, theo như nhận định của Pascal Boniface, chuyên gia về địa chính trị, Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược : « Bởi vì ông Biden cho rằng trong hoàn cảnh hiện nay, thúc đẩy hơn nữa mối liên minh giữa Bắc Kinh và Matxcơva là không đáng, rằng vấn đề Ukraina mới là khẩn cấp. Do vậy việc chọc giận Trung Quốc lúc này là chưa vội, vào thời điểm mà Hoa Kỳ đang nỗ lực chia rẽ Bắc Kinh và Matxcơva, càng xa càng tốt. » (LCI ngày 03/08/2022)

Món quà này không chỉ dành riêng cho Vladimir Putin mà cả cho Tập Cận Bình, ngay trước thềm Đại Hội đảng Cộng Sản Trung Quốc. Trên nguyên tắc, kỳ Đại Hội thứ XX này sẽ cho phép ông Tập nắm quyền thêm một nhiệm kỳ thứ ba, nhưng điều đó vẫn không che giấu được ngày càng nhiều tiếng nói chỉ trích ông thâu tóm quyền lực.

Từ cách xử lý dịch bệnh, dẫn đến nhiều hệ quả kinh tế nghiêm trọng gây bất mãn trong dân chúng, cho đến việc danh sách các nước mắc nợ Trung Quốc với những khoản tiền vay lớn đến chóng mặt rơi vào tình trạng mất khả năng thanh khoản ngày một thêm dài. Thế nhưng, theo nhà chính trị học, Jean-Philippe Béja, lịch trình chuyến đi Đài Loan của bà Pelosi vô hình chung lại là một cơ hội để ông Tập Cận Bình củng cố thêm vị thế của mình.

« Bởi vì vào lúc này, người ta nhận thấy Tập Cận Bình ngày càng trong thế thủ trước những bất bình được thể hiện. Có nhiều đồn đoán cho rằng có một sự phản đối mạnh mẽ trong hàng ngũ chóp bu đảng Cộng Sản. Đương nhiên những đồn đoán này là khó kiểm chứng nhưng người ta có thể nói rằng việc ông tái đắc cử tại Đại Hội Đảng lần thứ XX bắt đầu gây ra vấn đề. Nhưng rủi thay, chuyến thăm của bà Pelosi lại củng cố vị thế của ông ấy đối với xã hội Trung Quốc. Và cũng không may là vì những lý do chính trị nội bộ tại Mỹ, bà Pelosi đã thật sự không đặt ra câu hỏi về những gì chuyến đi của bà có thể gây ra cho khu vực, cũng như là cho (tổng thống)Thái Anh Văn và Đài Loan. » (France Culture ngày 03/08/2022)

ASEAN kẹt giữa đôi đàng

Cuối cùng, như nhận định của chuyên gia Pascal Boniface, sự việc cũng đặt các nước trong khu vực, các nước đồng minh, đặc biệt là khối ASEAN rơi vào thế khó xử. Trong bối cảnh, Hoa Kỳ đang tìm cách ve vãn tìm kiếm sự hậu thuẫn của các nước ASEAN cho chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, chuyến thăm Đài Loan của Pelosi làm thổi bùng lên những căng thẳng, có nguy cơ gây tổn hại cho các lợi ích của những nước này, vốn dĩ cũng đang gặp khó khăn vì tình trạng lạm phát do đại dịch Covid-19 và chiến tranh Ukraina gây ra.

« Các quốc gia ASEAN bị giằng xé và không muốn chọn phe giữa Bắc Kinh và Washington. Họ cần sự bảo hộ của Hoa Kỳ và cũng cần có các mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc. Thường các mối quan hệ thương mại của họ với Trung Quốc quan trọng hơn là với Mỹ như đã từng có cách nay 10 năm. Do vậy những nước này tự nhận mình như là những quốc gia thương mại, nên họ không thích có những căng thẳng chút nào đơn giản bởi vì điều đó chỉ bất lợi cho việc làm ăn và những nước đó biết rất rõ là họ cũng không thể tự mình bảo vệ cho an ninh đất nước nếu như căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington tăng thêm. Thế nên, tất cả những việc này chắc chắn là không làm cho các nước trong khu vực hài lòng và họ sẽ không phiêu lưu quy trách nhiệm cho bên này hay bên kia làm căng thẳng bùng lên. Họ muốn ở giữa hai phe và có những mối quan hệ với cả hai phía. Giờ thì những nước ASEAN đang trong một tình thế bất tiện nhất ». (LCI ngày 05/08/2022)


Nguyệt quế cho Pelosi, Đài Loan lãnh hậu quả

Tóm lại theo các nhà quan sát, bên lãnh hậu quả trước tiên của chuyến thăm « lịch sử » này không ai khác chính là Đài Loan. Trong một động thái mới nhất, Bắc Kinh hôm 10/8 công bố Sách Trắng mới, rút bỏ những lời hứa từng được đưa ra trong các phiên bản năm 1993 và năm 2000, theo đó, « sẽ không đưa quân đội hoặc nhân sự hành chính đến đóng tại Đài Loan » sau khi hoàn thành điều mà Bắc Kinh gọi là « thống nhất » Đài Loan, vốn bị Bắc Kinh coi là một vùng lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc.

Trong sách trắng 2022, Bắc Kinh còn xóa bỏ những bảo đảm cho Đài Loan được hưởng quyền tự chủ sau khi trở thành đặc khu hành chính của Trung Quốc, hoặc cụm từ « bất cứ điều gì cũng có thể thương lượng được » miễn là Đài Loan chấp nhận chỉ có một Trung Quốc và không đòi độc lập…

Thế nên, ông Dominique Moisi cho rằng, một đại cường phải biết sắp đặt thứ tự của những ưu tiên. Liệu rằng Hoa Kỳ có đủ phương tiện và mong muốn để xử lý cùng lúc ba cuộc khủng hoảng gay gắt : Nga, Trung Quốc và Iran hay không ?

**********

Ghi chú:

(1) - Sina Azodi là Học viên sau Tiến sĩ về Quan Hệ Quốc Tế tại Đại học Nam Florida. Các lĩnh vực nghiên cứu của ông tập trung về an ninh quốc tế, không phổ biến vũ khí hạt nhân và quan hệ Mỹ-Iran.

(2) - Christopher England: Tiến sĩ Khoa học Chính trị tại Johns Hopkins, từng là giảng viên đại học Nam Florida.

6/19/22

Những chuyển động nguy hiểm ở eo biển Đài Loan

Hiếu Chân/Người Việt June 17, 2022

Cùng với cuộc chiến tranh ở Ukraine, tình hình eo biển Đài Loan đang nóng lên từng giờ khi Bắc Kinh gia tăng sức mạnh Hải Quân và Washington gia tăng cam kết bảo vệ đảo quốc dân chủ này trước âm mưu xâm lược của Trung Quốc.

Du khách chụp hình bên các cột chống đổ bộ được đặt dọc theo bờ biển tại đảo Kim Môn của Đài Loan, chỉ cách bờ biển Trung Quốc Đại Lục 3.2 km ở eo biển Đài Loan. Đài Loan đang sống trong mối đe dọa thường xuyên của Trung Quốc. (Hình minh họa: Sam Yeh/AFP via Getty Images)

Sáng Thứ Sáu, 17 Tháng Sáu, Trung Quốc hạ thủy hàng không mẫu hạm thứ ba, đặt tên là Phúc Kiến (Fujian), mang số hiệu 18.

1/21/22

Tri Ân


[酒矸倘賣無] (Ai có vỏ chai rượu cần bán không?) Bài hát nói lên công ơn nuôi dưỡng của người cha mộc mạc cần cù.

Tôi nghe và hát bài ca này vào thập niên 80, lúc mới đặt chân đến Mỹ. Xa quê hương nhớ mẹ hiền, cho nên bài ca thường cho tôi nhiều cảm xúc. Nay nhờ anh K. chia sẻ câu chuyện càng thấy xúc động với sự hy sinh cao cả và tình thương vô tư của cha mẹ và ý thức hơn lòng hiếu thảo với cha mẹ là cái gốc để làm người lương thiện.

Ca từ lay động lòng người trong bài nhạc nói lên câu chuyện cảm động giữa Thúc Câm và A Mỹ:

"Không có trời thì làm sao có đất? Không có đất thì sao có thể có nhà? Không có nhà thì làm sao có cha? Không có cha thì sao có thể có con?"

Ngày nào thơ bé cha nhặt con về, nuôi con dìu con muốn con nên người để mai này ngẩng lên với đời. Vì hư danh con đánh mất chính mình, bỏ lỡ người yêu và bằng hữu đã cùng nhau trưởng thành trong cuộc sống tương thân tương trợ, thậm chí bỏ lỡ người cha cưu mang thân yêu đã suốt đời hy sinh cho mình. Vì con bất hiếu, ngày qua con đã mải mê danh lợi đâu nghĩ nhớ đến cha, nay đứa con bất hiếu đã biết sám hối. Giờ này con khóc, thì giọt nước mắt cũng đâu thể giúp để cho cha trở về với con.

樹欲靜而風不止, 子欲養而親不待. 
(thụ dục tịnh nhi phong bất chỉ, tử dục dưỡng nhi thân bất đãi).

Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, con muốn phụng dưỡng mà cha mẹ không còn.

Ngụ ý của hai câu ngạn ngữ trên là muốn nhắc nhở những người con rằng: Khi cha mẹ còn sống, cha mẹ như cây cao bóng cả che mưa che nắng cho con cái. Nhưng khi về già thì thân cây xơ xác, chỉ một cơn gió nhẹ cũng có thể lay đổ. Con cái nếu không làm tròn chữ hiếu thì khi cha mẹ mất rồi sẽ chỉ còn lại là niềm tiếc nuối khôn nguôi.

Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng

Khi cha mẹ còn sống, con cái thường nghĩ là gánh nặng; khi cha mẹ ốm đau, chỉ mới chăm sóc được một thời gian ngắn là đã than phiền. Cha mẹ cả đời vất vả ngược xuôi; cuối cùng chỉ còn con cháu là thứ duy nhất để níu kéo lại trong cuộc đời này… nhưng thường lại thất vọng với thái độ cử chỉ lãnh đạm lơ là của con cháu.

Con muốn phụng dưỡng mà cha mẹ không còn

Người Do Thái có một câu ngạn ngữ: “Lúc cha mẹ cho con thứ gì, con đều nở nụ cười; lúc con cái cho cha mẹ thứ gì, cha mẹ khóc”. Cũng như nghệ sĩ Hữu Phước hát trong vở kịch [Lá sầu riêng trổ bông]: "Có dòng nước nào chảy ngược về nguồn?" Trên đời, chỉ có cha mẹ mới có thể làm cho chúng ta mọi thứ mà không cầu báo đáp.

Mọi thứ trên thế gian, mất đi rồi đều có thể tìm lại được ngoại trừ sinh mệnh con người. Cho dù có bao nhiêu tiền bạc cũng không mua được chiếc vé máy bay đến nơi Thiên Đường. Cho dù muốn nói "con yêu cha mẹ" biết bao nhiêu thì cha mẹ cũng vĩnh viễn không thể nghe thấy.

“Con muốn phụng dưỡng mà cha mẹ không còn,” lời nói khiến bất kỳ phận làm con nào cũng vô cùng đau đớn. Vậy hãy cố gắng chăm sóc phụng dưỡng đấng sinh thành, đừng để lại sự đau đớn và tiếc nuối về phận làm con đến hết cuộc đời.

Hãy báo hiếu cha mẹ khi còn có thể, đừng chờ đợi đến sau này, vì sau này có thể sẽ không bao giờ có nữa…

Nhân đây, tôi xin mượn bài thơ của một tác giả nặc danh để thay mặt con cái muôn phương tỏ lòng hiếu kính và tri ân với bậc sinh thành, con biết ơn mãi mãi...

Sinh thành dưỡng dục mãi mang ơn
Khắc cốt ghi tâm chẳng thể sờn
Mẹ vốn so như lòng biển cả
Cha thời sánh với đỉnh trường sơn
Làm con trách nhiệm thời tôn kính
Chớ để nhân gian phải oán hờn
Hãy nhớ bao lời kinh Phật dạy
Muôn đời phúc đức vững bền hơn.

Trường
01-22-2022

Đọc bài : 

Ai có vỏ chai rượu cần bán không?

Đây là tựa bài hát nổi tiếng kể về một câu chuyện có thật ở Đài Loan diễn ra vào những thập niên 1980, bài hát có tên: “Có ai bán vỏ  chai không“.

Nội dung câu chuyện có thật xúc động lòng người như sau: Một ông lão chân bị khập khiễng sống bằng nghề thu thập vỏ chai, ông bị câm điếc và phải sống đơn độc một mình, cuộc sống khá khốn khổ.

Một ngày kia ông nhặt được một em bé bị bỏ rơi trên đường phố. Ông đã ngây ngất trong niềm vui và nghĩ rằng đó là một món quà mà thượng đế đã ban cho mình.

Ngay lập tức, ông đã đem đứa trẻ về nuôi, thu mua những vỏ chai rượu rỗng bán đi để lấy tiền mua sữa. Ngày qua ngày, em bé bị bỏ rơi được ông cưu mang và nuôi nấng như vậy. Đến năm lên 6 tuổi, em bé đã nhặt một con cún con về nuôi và đặt tên nó là Vượng Tài.

Chú chó nhỏ, ông lão câm điếc và cô bé cùng dựa vào nhau để sống. Tuổi thơ của em lớn lên cùng những vỏ chai rượu xếp chồng lên nhau.

Chất giọng bẩm sinh tốt của em đã trở thành máy rao bán cho ông. Cứ mỗi sáng sớm em lại dắt ông lão chống nạng để đi thu lượm, vừa đi em vừa hô lớn: Có ai bán ve chai không? Có ai bán ve chai không?

Sau này khi lớn lên, cô gái bé bỏng hôm nào giờ đã có người yêu là một nhà viết nhạc trữ tình. Nhà soạn nhạc này cũng rất nghèo nhưng rất yêu cô.. Anh đã vì cô mà viết rất nhiều bài hát, cũng đối xử với ông lão hết sức tốt. Mỗi lần đến chơi đều giúp ông lão vận chuyển các chai rượu rỗng, cùng trò chuyện với ông bằng cách vẽ tay, chơi cùng con chó…

Thế rồi một ngày cô trở nên nổi tiếng. Cuộc sống hoàn toàn thay đổi, cô tậu nhà mới, xe hơi và được nhiều người theo đuổi… Cô gái vẫn rất yêu chàng trai và hy vọng anh có thể đến sống cùng với mình trong biệt thự, không phải trở lại ngôi nhà ve chai nữa bởi vì người cha vừa câm vừa điếc khiến cô cảm thấy xấu hổ! Nhưng chàng trai không muốn, và vẫn cùng ông lão sống tại căn nhà cũ. Sau đó, cô gái ngày càng bận rộn, danh tiếng cũng ngày càng trở nên lớn hơn, cuộc sống của cô càng ngày bị chi phối bởi nhà quản lý. Ông lão ve chai cảm thấy nhớ con gái nên nài nỉ chàng trai đưa đi gặp con gái. Nhưng còn chưa vào được buổi hoà nhạc ông đã bị đuổi ra…

Sau đó cô gái cảm thấy ông khá phiền phức nên đã gửi cho ông một khoản tiền và yêu cầu ông không được làm phiền mình nữa. Ông lão nước mắt rưng rưng, lấy tay lau những giọt lệ tràn ra rồi rời đi mà không cầm lấy một đồng nào của cô!

Chàng trai lúc này đã không thể chịu được, tìm đến cô gái để nói chuyện phải trái nhưng cô không nghe. Cũng bởi giờ đây sự chênh lệch đẳng cấp và suy nghĩ của 2 người quá lớn nên kết cục chỉ có thể chia tay. Về phần ông lão, do quá nhớ thương con gái nên đã lâm bệnh nặng. Chàng trai đã cầu xin cô gái, hy vọng cô có thể trở về thăm ông một lần, nhưng rốt cuộc cô gái vẫn không nghe lời anh!

Đến lúc này, chàng trai chỉ còn cách hỏi thăm nơi diễn của cô gái và nói lại với ông lão. Ông lão cố gắng hết sức cùng chú chó già đến để nhìn mặt cô lần cuối. Nhưng thật không may, khi đi ngang qua đường một chiếc xe tải không biết từ đâu chạy tới chuẩn bị đâm vào ông lão. Đột nhiên con chó già Vượng Tài nhảy tới và đẩy ông lão ra. Nó đã bị chiếc xe tải đâm chết…

Chàng trai sau khi biết chuyện đã quyết định viết cho cô bài hát cuối cùng. Anh đã thức suốt mấy đêm để viết. Nhưng do phải đối mặt với một thời gian dài sống trong khó khăn nghèo đói, cộng thêm gánh nặng tư tưởng. Khi thân thể của anh đã sắp không thể chịu được nữa, anh đã viết bài hát này và nhờ người mang đến đưa cho cô gái.

Chàng trai sau khi viết xong bài hát cũng là lúc rời xa trần thế. Khi trong buổi hoà nhạc cô gái miễn cưỡng mở tờ giấy ra, lời bài hát này có đại ý rằng:

Ai có vỏ chai rượu bán không?

Âm thanh ấy luôn thân thuộc biết bao
Ở bên con suốt bao năm mưa gió.
Chưa bao giờ cần phải nhớ,
Nhưng mãi mãi con sẽ không bao giờ quên.

Không có trời thì làm sao có đất? 
Không có đất thì sao có thể có nhà? 
Không có nhà thì làm sao có cha? 
Không có cha thì sao có thể có con?

Nếu như cha chưa từng nuôi nấng con
Cho con một cuộc sống ấm êm
Nếu như cha chưa từng bảo vệ con
Thì số phận con sẽ như thế nào !

Chính cha là người nuôi con khôn lớn
Ở bên con khi con cất tiếng nói đầu đời
Chính cha đã cho con một mái nhà
Để con và cha cùng nhau xây đắp nó.

Mặc dù cha không thể mở lời
Mặc dù không thể nói một lời
Nhưng cha hiểu rõ hơn về con người thế nhân này
Đen và trắng, đúng và sai

Mặc dù cha không thể nói lên một lời nào
Nhưng cha có hiểu được trắng đen, thật giả trong nhân thế 
Mặc dù cha không hề diễn tả tình cảm chân thật của mình bằng lời
Nhưng lại hy sinh sinh mạng nhiệt thành của cha.

Từ xa, như vọng lại âm thanh  quen thuộc của cha
Khiến con nhớ đến cha 
Một tâm hồn hoà ái và từ bi
Khi nào cha sẽ trở lại bên con.

Để con lại được cùng cha nhau hát lên  

Có ai có vỏ chai rượu cần bán không?
Có ai có vỏ chai rượu cần bán không?

Đọc xong lời bài hát, bao nhiêu sự việc quá khứ như vùn vụt trở về: Một đống đầy những chai rỗng, người cha già câm điếc, vì để mua cho cô một túi hạt mà khổ sở vất vả, và con chó yêu quý nô đùa vẫy đuôi bên cô…Cô gái đã bật khóc, cuối cùng lương tâm đã quay trở lại, những nỗi khổ, lo lắng, bất an…

Cô đã học ngay lời bài hát này. Đến cuối buổi biểu diễn cô đã thông báo với ban nhạc về bài hát cuối cùng này có tên: “Có ai bán vỏ chai rượu không“.

Cô gái “vong tình” đã cất lời hát, tất cả khán giả đều cảm thấy bị sốc và họ đều rơi nước mắt. Cô gái đã kể về cuộc đời của mình ngay trên sân khấu, sau đó chạy thật nhanh đến bệnh viện, cô muốn gặp lại người cha của mình.

Khi ông lão nhìn thấy con gái, những dòng nước mắt từ trên má lã chã rơi. Ông lão không nói gì, chỉ mỉm cười với con gái và từ từ nhắm mắt lại… Cô gái khóc nấc từng tiếng không ngừng…

Đây là một câu chuyện hoàn toàn có thật. Trong cuộc sống, có thể cha mẹ không cho chúng ta được một môi trường thuận lợi và hoàn cảnh vật chất đầy đủ nhất, nhưng họ đã làm hết sức mình để cho chúng ta được sống và trưởng thành. Họ đã dành cho chúng ta những điều tốt đẹp nhất, kể từ lúc mới sinh còn bập bẹ, cho đến khi chập chững đi bộ từng bước, và đến khi trưởng thành như bây giờ. Họ đã phải dùng cả cuộc đời và tâm huyết dành cho chúng ta.

Vì vậy hãy luôn yêu thương và kính trọng cha mẹ mình. Bởi vì họ đã nuôi dưỡng chúng ta bằng ân tình mà cả đời chúng ta cũng sẽ không bao giờ trả hết được.

Nguồn: Sưu tầm.

Đọc bài Mạn đàm: Tri ân

Nghe bài hát: do Thang Tinh Cẩm trình bày. 

5/29/21

Coronavirus: Đài Loan nghiên cứu vắc-xin DNA 'nhiệt độ phòng' để chống lại Covid-19

Holly Chik 
  • Các nhà khoa học nói rằng một loại vắc-xin sử dụng công nghệ mới triệt để có thể sẵn sàng tham gia các thử nghiệm lâm sàng của con người vào cuối năm nay sau khi thử nghiệm trên chuột và chuột đồng. (mice and hamsters)
  • Các sản phẩm sử dụng kỹ thuật di truyền khác - công nghệ mRNA - đã được phê duyệt để sử dụng nhưng phải được giữ ở nhiệt độ cực thấp.
Vắc-xin DNA có thể giúp chống lại một loạt các bệnh nếu chúng chứng minh hiệu quả chống lại Covid-19. Ảnh: Shutterstock

Đài Loan đang nghiên cứu vắc-xin Covid-19 sử dụng công nghệ DNA và có thể được lưu trữ ở nhiệt độ phòng, theo một nghiên cứu được công bố vào thứ Năm.

So với vắc-xin mRNA, chẳng hạn như các sản phẩm Moderna và Pfizer / BioNTech, cũng sử dụng vật liệu di truyền từ virus, vắc-xin DNA có thể được sản xuất nhanh hơn và với chi phí thấp hơn.

Vắc-xin Đài Loan vẫn đang trong giai đoạn tiền lâm sàng nhưng có thể được phê duyệt cho các thử nghiệm trên người trước cuối năm nay.

9/25/20

Bà Thái Anh Văn vào danh sách 100 người ảnh hưởng nhất 2020 của Time

 Mộc Xuân 

Thứ Năm, 24/09/2020 (Trí Thức VN)


Ngày 23/9, tạp chí Time của Mỹ đã công bố bình chọn 100 người có ảnh hưởng nhất năm 2020 (100 most influential people 2020), trong danh sách có Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn. Cùng ngày, bà Thái đã trả lời trên Facebook rằng đây không chỉ là niềm vinh dự của cá nhân bà mà còn là niềm vinh dự của cả đất nước.

Tổng thống Thái Anh Văn của Đài Loan (Nguồn ảnh: Phủ Tổng thống Đài Loan)

Theo Đài Á châu Tự do (RFA), ngày 23/9, tạp chí Time đã công bố danh sách những người có ảnh hưởng nhất năm 2020, trong danh sách có Tổng thống Thái Anh Văn của Đài Loan, thậm chí trên trang bìa tạp chí Time còn dùng danh xưng “Tổng thống Đài Loan” đối với bà Thái.

Đề xuất của Thượng nghị sĩ Mỹ Ted Cruz viết rằng, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn giống như một ngọn đèn hiệu chiếu vào bóng mờ cường quyền tại Trung Quốc, cho thế giới biết rằng Đài Loan sẽ không bao giờ khuất phục trước Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

5/21/20

KHÁM PHÁ VẺ ĐẸP BÍ ẨN QUẦN ĐẢO BÀNH HỒ (澎湖) Ở ĐÀI LOAN

Từ thế kỉ 16, Bành Hồ (澎湖) được người Châu Âu gọi là đảo Ngư Ông. Hòn đảo này được đặt tên là Bành Hồ (Penghu) vì ngoài cảng tiếng sóng vỗ bờ tạo nên âm thanh “peng peng”, trong cảng mặt nước lại tĩnh lặng như nước hồ thu. Hiện nay Bành Hồ được gọi là hòn ngọc sáng nhất trong vùng biển Đài Loan. Văn hóa trí tuệ và lịch sử của Đài Loan được kết tinh trên khắp 90 đảo nhỏ trong quần đảo Bành Hồ.


 Cầu bắc qua biển Penghu
Đây là cây cầu bắc ngang hai đảo Bạch Sa (Baisha) và Tây Tự (Siyu), có chiều dài 2494m. Hai đầu cầu đều có cổng chào hình bán nguyệt. Trước đây, đây là cây cầu dài nhất khu vực Viễn Đông.


1/17/16

Tân tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn là ai?


16 tháng 1 2016 Cập nhật lúc 22:19 ICT
Bà Thái Anh Văn, 59 tuổi, chủ tịch Dân Tiến Đảng, trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Đài Loan.
Sinh tại Đài Loan năm 1956 trong một gia đình giàu có, bà đã lấy bằng tiến sỹ từ Đại học London School of Economics, Anh quốc.

Bà tin rằng Đài Loan là một quốc gia có chủ quyền, và đã dự thảo học thuyết “Mỗi bên Một Quốc gia” trong quan hệ với Trung Quốc từ thời cựu Tổng thống ‎Lý Đăng Huy.
Bà gia nhập DPP, đảng phái chính trị theo chủ trương độc lập, vào năm 2004 và được bầu làm chủ tịch đảng vào năm 2008.

Hồi 2010, bà thua sít sao trong cuộc đua chức Thị trưởng Tân Đài Bắc trước đối thủ Chu Lập Luân của Quốc Dân Đảng.

Trở thành nữ ứng viên tổng thống đầu tiên trong 2012, bà đã không thắng trong cuộc đua này, nhưng bà nói với các ủng hộ viên của mình là “Đừng nản chí.”
Bà đã tái tranh cử để trở thành nữ tổng thống đầu tiên trong 2015, và gianh chiến thắng trong kỳ bỏ phiếu hôm 16/1.

Bà sẽ chính thức nhậm chức vào ngày 20/5/2016.
Hiện sống độc thân trong một căn hộ tại Đài Bắc, bà có nuôi một chú mèo tên là Hương Hương (Xiang Xiang).

1/16/16

Dân Đài Loan đi bầu cử

Hôm nay 16/1, người dân Đài Loan bắt đầu đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử mà có thể lần đầu tiên đảo quốc này có một nữ lãnh đạo đủ khả năng thiết lập mức độ quan hệ với Trung Quốc trong tương lai.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh ly khai mà cuối cùng Bắc Kinh sẽ lấy lại bằng vũ lực nếu cần thiết.

10/17/15

Đài Loan : Quốc dân đảng thay ứng cử viên tổng thống

Thanh Phương (RFI)

Đăng ngày 17-10-2015 Sửa đổi ngày 17-10-2015 17:36

media

Bà Hồng Tú Trụ sau khi phát biểu tại đại hội Quốc dân đảng ở Đài Bắc ngày 17/10/2015.REUTERS/Pichi Chuang

Tại Đài Loan, Quốc dân đảng cầm quyền hôm nay đã loại ứng cử viên tổng thống của họ, vào lúc đảng đang bị chia rẽ trầm trọng này đang cố giành sự ủng hộ của người dân trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 01/2016.

1/23/15

Cựu Tổng thống Đài Loan lại bị truy tố về tội rửa tiền

RFI

mediaCựu Tổng thống Đài Loan Trần Thủy Biển vẫy chào những người ủng hộ ông khi đến Tối cao Pháp viện ngày 11/10/2010REUTERS

6/6/14

Taiwan (#2)

Trước khi đi ăn trưa, xe đưa chúng tôi vòng qua phía trước để xem toàn cảnh CKS Memorial Hall (Trung Chính Kỷ Niệm Đường, tức Sảnh Đường Tưởng Niệm Thống Chế Tưởng Giới Thạch, BBT). Khu vực này có hai tòa nhà nằm hai bên là Nhà Hòa nhạc quốc gia nằm bên trái và phòng kịch nghệ nằm bên phải.


Nhà hòa nhạc - nằm bên trái

Vài ngày ở Taiwan (#1)

Thưa cả nhà,

Kể chuyện đi Taiwan giống như múa rìu qua mắt thợ vì có vị đã ở Taiwan, làm việc ở Taiwan, từng sang học ở Taiwan trong thập niên 1960 ... Nhưng chúng tôi đi có chủ đích (sẽ viết sau) và có dịp đi thăm quê hương thằng bạn đã cùng làm chung nhiều đêm, nhiều weekends với nhau. Nó hãnh diện về quê hương nó lắm. Xin mời:

Khanh/CNN

(Meo bùn) Taiwan (#1)
Chúng tôi book đi Taiwan từ vài tháng trước. Đây là chuyến đi chơi có chủ đích nên tôi kể hơi dài dòng một chút. Chuyến đi dự trù khởi hành từ Melbourne và về lại Melbourne, nhưng bà nhà tôi đã thương lượng để họ thu xếp vé máy bay Melbourne-Saigon-Taipei và ngược lại với khoảng cách tuỳ ý trước và sau chuyến đi. Không dè package rẻ bất ngờ và vé khứ hồi Saigon-Taipei coi như free do Vietname Airlines "bonus".
Chúng tôi đến phi trường Taipei (tên thực là Taoyuan) khoảng 9 giờ tối. Đến chỗ nhập cảnh tôi không biết khai là ở đâu nên nhân viên không chịu. Tôi đưa tờ confirm (bằng chữ Hoa) cho bà ấy xem, bà ấy điền bằng chữ Hoa cho tôi và hỏi đúng ngày hết tour về hay ở lại thêm. Chúng tôi bảo sau khi hết tour, chỉ ở qua đêm rồi về. Bà ấy đóng "mộc" vào hộ chiếu và không hỏi gì thêm.
Họ làm ăn rất chu đáo, khi chúng tôi lấy xong hành lý đã thấy hai người cầm bảng tên chúng tôi đứng đợi. Họ đưa chúng tôi ra xe và dẫn chúng tôi về khách sạn, khoảng 15 phút từ phi trường. Họ làm thủ tục check in cho chúng tôi và dặn sáng mai 6:30 xuống ăn sáng, trả phòng và 7:30 có người đưa xe đến đón.
Sáng hôm sau, trong khi chờ, tôi ngó qua cửa sổ khách sạn và thấy ô như sau tại nơi có đèn giao thông. Hóa ra đó là khu để xe gắn máy đợi đèn xanh. Xe hơi không được vào. Đúng 7:30 hướng dẫn viên (HDV) và xe đến. Chúng tôi tá hoả là HDV không nói tiếng Anh. Chúng tôi được agent cho biết trước nhưng nghĩ là khách từ Mỹ, Canada, Singapore, Mã Lai, New Zealand và chúng tôi ở Úc đi thì thế nào HDV cũng nói vài câu cho mọi người hiểu. Hoá ra tour này cho những người ở các nước khác, nhưng họ là gốc Trung Hoa (mainland hoặc Taiwan), ngoại trừ chúng tôi.