1/16/16

Dân Đài Loan đi bầu cử

Hôm nay 16/1, người dân Đài Loan bắt đầu đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử mà có thể lần đầu tiên đảo quốc này có một nữ lãnh đạo đủ khả năng thiết lập mức độ quan hệ với Trung Quốc trong tương lai.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh ly khai mà cuối cùng Bắc Kinh sẽ lấy lại bằng vũ lực nếu cần thiết.


Nếu bà Thái Anh Văn, ứng viên Dân Tiến Đảng (DPP) được bầu làm lãnh đạo mới, đây sẽ là chiến thắng của chủ trương độc lập.
Ông Eric Chu (Chu Lập Luân), ứng viên Quốc Dân Đảng cầm quyền, đã có những bước cải thiện quan hệ với Trung Quốc.

Dự kiến kết quả bầu cử sẽ công bố vào khoảng 18:00 giờ địa phương, tức 17:00 giờ Việt Nam.
Bắc Kinh đang theo dõi chặt chẽ kết quả bầu cử tổng thống và quốc hội tại Đài Loan.

Cuộc bầu cử hôm thứ Bảy 16/1 diễn ra chỉ vài tháng sau cuộc hội đàm lịch sử giữa lãnh đạo đảng cầm quyền Đài Loan Mã Anh Cửu và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Singapore tháng 11/2015. Đây là cuộc hội đàm cấp cao lần đầu tiên và mang tính biểu tượng giữa hai bên trong hơn 60 năm qua.

Nền kinh tế trì trệ cũng như mức độ quan hệ với Trung Quốc nên như thế nào là những vấn đề quan trọng đối với cử tri.

Nếu bà Thái, 59 tuổi, giành chiến thắng thì đây sẽ là lần thắng lợi thứ hai của DPP.
Lần đầu tiên là ông Trần Thủy Biển chủ trương độc lập được bầu làm tổng thống từ năm 2000 - 2008, thời điểm căng thẳng với Trung Quốc leo thang.


Tuy vậy, bà Thái không thể hiện rõ ràng lập trường của mình. Bà từng tuyên bố muốn "duy trì hiện trạng" với Trung Quốc.

Nhưng các đối thủ của bà nói quan hệ sẽ xấu đi khi bà không nhìn nhận chính sách "một Trung Quốc". Bà trở thành lãnh đạo DPP năm 2008 sau một chuỗi bê bối tham nhũng của đảng này bị phanh phui.

Bà Thái cũng tham gia tranh cử năm 2012 nhưng thất bại sát sao. Sau đó, bà đã dẫn dắt DPP chiến thắng trong các cuộc bầu cử địa phương.

Bà nhận được nhiều sự ủng hộ từ công chúng một phần vì người dân ngày càng bất mãn về Quốc Dân Đảng và cách thức ông Mã điều hành nền kinh tế khiến phân hóa giàu nghèo tăng thêm.

Ông Chu, 54 tuổi, từ thị trưởng thành phố Tân Bắc trở thành chủ tịch Quốc Dân Đảng tháng 10/2105. Đảng này đang có nguy cơ mất đa số ghế trong bầu cử lập pháp lần đầu tiên trong lịch sử Đài Loan.

Từng là giảng viên được nhiều người trẻ biết đến, nhưng ông Chu không thể thay đổi công luận ngày càng bất mãn vì thái độ hữu hảo của Quốc Dân Đảng đối với Bắc Kinh cũng như cách điều hành kinh tế yếu kém.
























'Bước ngoặt'

Năm 2014, hàng trăm sinh viên đã chiếm trụ sở quốc hội để phản đối thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Đặt tên phong trào là Hoa Hướng Dương, những người biểu tình yêu cầu minh bạch hóa đàm phán hiệp định thương mại với Trung Quốc.

Phóng viên Cindy Sui, BBC tại Đài Bắc, phân tích: “Kết quả cuộc bầu cử có thể đánh dấu một bước ngoặt trong nền dân chủ và mối quan hệ của Đài Loan với Trung Quốc.

Nếu DPP thắng, điều đó có nghĩa là quốc đảo này đang tiến tới một hệ thống chính trị mà các cử tri muốn thấy chuyển giao quyền lực từ đảng này sang đảng khác, kết thúc những thập kỷ chủ yếu do Quốc Dân Đảng lãnh đạo.

Điều đó có thể khiến cho quan hệ với Trung Quốc trở nên ‘vô định’, vì không giống như Quốc Dân Đảng, DPP chủ trương độc lập cho Đài Loan và không công nhận Trung Hoa Dân Quốc (tên chính thức của Đài Loan) và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đều thuộc về "một Trung Quốc".

Sự thất bại của Quốc Dân Đảng nếu xảy ra sẽ là một thách thức nghiêm trọng đối với Bắc Kinh.

Quốc Dân Đảng từng là kẻ thù nguy hiểm của Cộng sản Trung Quốc trong cuộc nội chiến, nhưng giờ đây Bắc Kinh chỉ hy vọng sẽ “thống nhất trong hòa bình” với Đài Loan.

Quốc Dân Đảng chạy sang Đài Loan sau khi thua cuộc, tuy vậy điều lệ cũng như các nhà lãnh đạo của đảng này về sau vẫn ủng hộ giải pháp thống nhất với đại lục.

Bắc Kinh đang theo dõi chặt chẽ diễn biến cuộc bầu cử để phân định mong muốn của người dân Đài Loan liên quan đến khả năng thống nhất với đại lục - sau Hong Kong và Ma Cao.

























'Bài học Đài Loan'

Hôm 16/1, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, người đang có mặt tại Đài Loan theo dõi cuộc bầu cử, bình luận với BBC: “Tôi đã chứng kiến cuộc vận động của bà Thái Anh Văn trước 200.00 người tối 15/1 và cảm nhận được không khí bầu cử ở một nước dân chủ quả là khác xa so với Việt Nam.

Người dân Đài Loan có quyền quyết định ai sẽ là lãnh đạo để cải thiện chính sách kinh tế và giữ được bản sắc và hiện trạng lãnh thổ quốc gia trước Trung Quốc”.
“Tất nhiên là để có được ngày hôm nay, Đài Loan đã qua một quá trình chuyển đổi dân chủ từ năm 1987. Tôi mong rằng những người cộng sản và nhà hoạt động dân chủ ở Việt Nam nên qua đây học bài học Đài Loan.

Để nếu Việt Nam có chuyển đổi dân chủ thì vài chục năm nữa, con cháu chúng ta sẽ có được cơ hội bầu cử dân chủ thật sự. Mà muốn ngày ấy đến sớm hơn, những người đang hoạt động đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam càng phải kiên trì và không mệt mỏi”, nhà hoạt động xã hội dân sự nói thêm.

Ông cũng dự báo bà Thái Anh Văn sẽ trở thành tổng thống mới của Đài Loan và Dân Tiến Đảng sẽ “giành thắng lợi vang dội”.

No comments:

Post a Comment