Hoàng Ngọc Nguyên
Đêm thứ ba 8-11, hẳn rất nhiều người mất ăn mất ngủ, đứng ngồi không yên vì cuộc bầu cử giữa kỳ. Bình thường người ta chỉ tập trung vào bầu cử tổng thống bốn năm một lần bởi vì đó là một cuộc bầu cử mà người dân muốn lên tiếng thể hiện quyền dân chủ và sự lựa chọn của mình bằng lá phiếu. Còn bầu cử giữa mùa cho 1/3 ghế tại Thượng Viện và toàn phần Hạ Viện? Đó là “chuyện vặt vãnh”, chỉ dành cho đảng “đối lập”.
Thế nhưng bầu cử giữa kỳ năm nay lại là một biệt lệ.
Nó là một biệt lệ bởi vì chúng ta đang sống một thời mạt pháp dân chủ suy đồi. Một thời tao loạn. Một thời đầy trăn trở. Một thời quốc tế có Putin, quốc nội có Donald Trump. Trật tự quốc tế từ lâu đã không có cho nên bao giờ chúng ta cũng có cảm tưởng đang sống trên bờ vực của một đại chiến cực kỳ nguy hiểm với mối đe dọa của nguyên tử. Trong nước, quan hệ giữa người và người bỗng chốc tràn đầy oán ghét, đố kỵ, phân biệt và cách ly bởi vì sự hình thành của những nhóm được thủ lĩnh MAGA bảo trợ như Oath Keepers, Quanon, Proud Boys, Patriots… và sự dung túng của luật pháp với quyền có súng, mang súng. Để biết thời mạt pháp là thế nào, cứ xem một ông (cựu) tổng thống lại chính là kẻ chủ mưu của vụ bạo loạn ngày 6-1-2021 bởi vì ông ta muốn làm hoàng đế trọn đời – như những người bạn tại Điện Kremlin hay Trung Nam Hải. Hãy xem tư cách biểu lộ trình độ văn hóa của “lãnh tụ” MAGA khi ông ta gọi bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ Viện, là “she’s an animal, to tell the truth” trong một lần tập họp cử tri tại Ohio ngay trước ngày bầu cử 8-11. May mà bà Pelosi đang bận tâm với thương tích của chồng khi ông Paul Pelosi bị một thằng MAGA điên rồ giống lãnh tụ đột nhập vào nhà và đánh vào đầu của ông ta. Vả lại bà đã quen với cách ăn nói “bộc trực” (thay cho chữ ngu xuẩn) của ông, cho nên không nói lại “Câm miệng, quỷ dâm dục”.
Hai ba tuần trước bầu cử, giới quan sát, bình luận chính trị, dựa trên những kết quả thăm dò về tỷ lệ người dân (còn) ủng hộ Tổng thống Joe Biden, đều có ý kiến cho thấy đảng Dân Chủ sẽ bị cuốn trôi trong “làn sóng đỏ” (the red wave) tràn đến trong cả hai bầu cử Hạ Viện (435 ghế) và Thượng Viện (35 ghế). Chính ông Trump cũng lớn tiếng đe dọa ông Biden và đảng Dân Chủ mà ông ta vẫn gọi là “xã hội chủ nghĩa”. Con ông ta đã nói đảng Cộng Hòa nay là đảng của Trump, đảng Trump, toàn là người ông ta đề bạt, sẽ hát bài “ngày vui đại thắng 8-11”. Đúng là trong hai năm cuối của nhiệm kỳ hiện nay của Tổng thống Biden tại Nhà Trắng, nếu đảng Dân Chủ mất quyền kiểm soát ngành lập pháp, chính quyền Biden chắc chắn “chỉ có chết”. Ông sẽ bó tay, và những chương trình hành động (agenda) của ông về năng lượng, phúc lợi, hủy nợ cho sinh viên… sẽ hoàn toàn tê liệt (đi đời nhà ma). Cử tri sẽ càng thêm thất vọng về ông, đổ tất cả cho tuổi già của ông, và ông chỉ có con đường rút lui, để bà Kamala Harris tấn thoái lưỡng nan.
Lý do đảng Dân Chủ có thể thua trận trong bầu cử giữa mùa này rất dễ thấy cho dù chẳng dễ gì tránh vì đó là chuyện “truyền thống chính trị” của Mỹ, “chuyện thường tình ở huyện” của Mỹ. Chính trị dân chủ của Mỹ thường được tán tụng với mô hình “checks and balances” (kiềm chế để đối trọng), nguyên tắc điều hợp chính phủ phổ thông, nhiều ngành khác nhau có quyền lực để ngăn chặn hành động của ngành khác để thúc đẩy sự chia sẻ quyền lực và thỏa hiệp. Một hình thức “chia để trị” kiểu Mỹ - đảng này nắm ghế tổng thống thì người dân sẽ bỏ phiếu cho đảng kia nắm Quốc Hội để có thể làm bó tay đối thủ. Chế độ này rất khác với dân chủ đại nghị của nước Anh, khi đảng thắng cử nắm cả lập pháp, hành pháp để dễ làm việc – cho đến khi người dân bỏ phiếu đòi thay đổi vì thấy đảng cầm quyền làm không được việc.
Tuy nhiên, lý do chính là sự dao động của người dân Mỹ trong một thời loạn lạc. Người ta đang mất ăn mất ngủ vì nạn lạm phát và phong trào MAGA nổi lên khắp nước Mỹ cùng với cuộc chiến Ukraine đang dẫn tới sự thách đố gián tiếp mà kể như trực tiếp của Mỹ chống đế quốc Nga. Người dân Mỹ luôn luôn lo sợ Mỹ phải dính líu không rút ra được một cuộc chiến nước ngoài kéo quá dài. Đương nhiên, cử tri Dân Chủ đặt nặng những vấn đề quyền phá thai, kiểm soát súng đạn, không phân biệt giới tính (LGBGT), chủng tộc, mở rộng phúc lợi cho người già, người nghèo, sinh viên… Tuy nhiên, vấn đề chính yếu đè nặng tâm tư người dân hiện nay là công ăn việc làm, lạm phát, suy thoái…
Đương nhiên người dân bình thường có thể khó hiểu được tình hình kinh tế tồi tệ đã có từ thời tổng thống tiền nhiệm, nay vẫn còn dai dẳng là vì đại dịch, vì chiến tranh Ukraine, và một phần nào chính sách lạm chi của ông Biden, nhưng dù sao bức tranh đại thể cũng đang sáng sủa dần: tỷ lệ thất nghiệp đang xuống mức thấp kỷ lục (3.7%), tổng số người không có việc làm chỉ có 6.1 triệu người, lạm phát đã được chặn lại từ tháng sáu đến nay (9.1% tháng sáu, 7.7% trong tháng 10). Cũng cần hiểu rằng nạn lạm phát đang lan rộng toàn cầu, và dù sao đồng đô-la vẫn mạnh và lạm phát ở Mỹ vẫn còn thấp hơn ở Anh, ở Pháp, ở Đức… Hãy chịu khó nhìn sự khốn đốn của kinh tế Trung Quốc hiện nay trong thời đại dịch. Và dù sao, người ta phải thấy rằng Mỹ phải sẵn sàng trả giá để ngăn chặn sự bành trướng nguy hiểm của đế chế Nga đang muốn xây dựng một trật tự quốc tế mới với Nga là bá chủ.
Riêng cử tri Cộng Hòa đương nhiên chỉ muốn nhìn gần và nhìn ngắn hạn. Dưới sự tuyên truyền của MAGA, họ chỉ thấy lạm phát tăng vô kể, việc làm kiếm không ra (cho dù nhiều nơi vẫn kiếm không ra người xin việc!), trong khi chính phủ “nhắm mắt chi tiêu” cho người dân “rảnh việc”, mở cửa biên giới cho di dân bất hợp pháp, và ném tiền qua cửa sổ với những gói phúc lợi, nay lại không ngừng tung ra hàng chục tỷ cho Ukraine… Tuy nhiên, điều nguy hiểm hơn nữa là cử tri Cộng Hòa đã và đang bị đầu độc bởi thuyết “bầu cử bị đánh cắp”. Những ứng cử viên MAGA các cấp trong vận động tranh cử đã sách động người dân về bầu cử gian lận đến độ quần chúng MAGA cũng chia sẻ những suy nghĩ để quyết đó: nếu ta không thắng, đó là vì bầu cử gian lận. Thể hiện cụ thể nhất chính là bà Kari Lake, ứng cử viên thống đốc của Arizona, một Cộng Hòa MAGA thứ thiệt. Tuy bà bị dẫn trong 3-4 ngày đầu tiên kiểm phiếu trước đối thủ Dân Chủ là bà Katie Hobbs, bà vẫn không ngại nói đến chuyện “bị đánh cắp bầu cử” nhưng đồng thời lại tổ chức một ủy ban tiếp nhận bàn giao quyền hành, như thể bà đã thắng cử! Đến ngày cuối tuần 13-11, người ta có thể an toàn kết luận về tương lai của bà.
Sự nguy hiểm của Cộng Hòa MAGA chúng ta đã thấy qua cuộc bạo loạn ngày 6-1. Và nay khi nói chuyện bầu cử gian lận, họ tự nguyện mang súng đạn đến “canh chừng”, kiểm soát các phòng phiếu. Donald Trump đã cho thấy xứng đáng với sự đánh giá của người cháu ruột Mary Trump, gọi ông chú của mình là “người nguy hiểm nhất thế giới”. Ông ta nguy hiểm tột cùng trong âm mưu 8-11. Ông ta ủng hộ đến 18 ứng cử viên thống đốc Cộng Hòa (trong tổng số 36), 23 ứng cử viên Thượng Viện (trong tổng số 35), và 142 ứng cử viên Hạ Viện (trong tổng số 435) - tất cả đương nhiên đều là thành viên MAGA. Tham vọng của ông ta là đảng Cộng Hòa sẽ nắm ưu thế tại Thượng Viện và Hạ Viện, và Cộng Hòa MAGA sẽ nắm chóp đảng Cộng Hòa tại Thượng Viện và Hạ Viện, có nghĩa là Cộng Hòa MAGA sẽ nắm ngành lập pháp, và mở đường cho ông ta tranh cử năm 2024 và bỏ tất cả những cuộc điều tra nhằm vào ông ta. Lúc đó trong thực tế sẽ không còn đảng Cộng Hòa nữa mà là đảng Trump. Bởi vậy trong 2-3 tuần trước ngày bầu cử, ông ta đi khắp nơi vận động cho gà MAGA của mình. Điều nguy hiểm là ở chỗ nhiều nhà chính trị dễ dãi và thực dụng đứng vào hàng ngũ MAGA nói chuyện không cần chứng cớ như bầu cử gian lận vì họ tin rằng phần lớn cử tri Cộng Hòa đã đổi máu MAGA.
Người quan sát bầu cử cũng tính rằng sự xung đột giữa các chủng tộc thiểu số có thể nổi lên trong bầu cử giữa kỳ này. Người da vàng – nhất là Nam Hàn, Nhật Bản, Hoa, Ấn (trừ người gốc Việt) - dường như đa số bỏ phiếu cho Dân Chủ, bởi vì ai cũng rõ chủ trương của MAGA là nhằm vào người da đen và da vàng. Nhưng người Latino vẫn xem người da đen là một thế lực lịch sử lấn át người Latino nên họ có thể bỏ phiếu cho người Cộng Hòa da trắng (dù sao dân Latino cũng có đông người da trắng) – như ta đã thấy ở Florida trong mấy mùa qua.
Dĩ nhiên đảng Dân Chủ phải lo sợ - nhất là Tổng thống Joe Biden. Cho nên ông Biden phải chạy đôn chạy đáo vận động cho một số ứng cử viên Dân Chủ, và còn phải huy động thêm hai cựu Tổng thống (Obama, Clinton) và bà Hillary Clinton. Bên phía Cộng Hòa, George W. Bush là cựu tổng thống duy nhất còn lại, nhưng ông giữ im lặng! Các quan sát viên đều đồng ý là sự tham gia của ông Obama đã có ý nghĩa tích cực đặc biệt. Ông vân động cho bà Thống đốc New York Kathy Hochul, cho ứng cử viên Thượng Viện Pennsylvania John Fetterman sau khi ông Fetterman bị stroke, và cho Thượng nghị sĩ Catherine Cortez Masto thuộc tiểu bang Nevada, được xem là “bấp bênh” nhất trong bầu cử năm nay.
Nói chung thì giới quan sát cho rằng sẽ có một “làn sóng đỏ” (red wave) tràn tới và cuốn đi tất cả những người Dân Chủ. Nhiều người tiên đoán đảng Cộng Hòa có thể thắng thêm ít nhất ba ghế tại Thượng Viện, lập thế đa số tại viện trên đến 53/47. Tại Hạ Viện, theo ước tính của hãng FiveThirtyEight, người ta cũng cho rằng từ 212 ghế hiện nay, Cộng Hòa có thể có thêm ít nhất 18 ghế để đạt một đa số 230-205 - thậm chí có một cơ hội đến 80% có thể đạt được 246 ghế (Dân Chủ trong trường hợp này chỉ có 189 ghế). Người ta cũng cho rằng đảng Cộng Hòa MAGA sẽ nhờ cuộc bầu cử này để phô trương sức mạnh nếu người của Trump thắng lớn.
Thế nhưng, thế nhưng, thế nhưng…
Những kết quả ghi nhận được ngay trong sáng sớm đầu tiên sau ngày bầu cử đã làm cho một nhà bình luận cảm khái: “Bao giờ chúng ta cũng phải nhớ là không bao giờ cho rằng mình có thể biết chính xác những gì sẽ xảy ra trong một cuộc bầu cử - và phải mở rộng đầu óc để đón nhận những chuyện bất ngờ có thể xảy ra” (This is why it's always important to remember never to assume you know exactly what's going to happen in an election – and to keep an open mind for potential surprises). Bởi vì kết quả bầu cử đúng là bất ngờ. Bất ngờ đến mức ngay ngày hôm sau, thứ tư 9-11, Tổng thống Biden đã lên đài phát biểu: Đúng là một ngày đẹp trời cho dân chủ và cho đất nước. Bởi vì làn sóng đỏ đã không đổ tới. Và ông Biden hứa sẽ tăng cường đối thoại với đảng Cộng Hòa để đạt được sự đồng thuận giữa hai đảng.
Ngay từ ngày đầu tiên chúng ta đã thấy, và đến ba ngày sau bầu cử chúng ta cũng thấy rõ hơn, không có “làn sóng đỏ” MAGA đổ tới. Tỷ lệ bầu cử ở Thượng Viện nay (11-11) là 49-48 nghiêng về phía Cộng Hòa, nhưng ngay ở Arizona, ứng cử viên Dân Chủ Mark Kelly (phi hành gia, chồng của cựu Dân biểu Arizona Gabrielle Giffords, nạn nhân của một tên khủng bố năm 2012) rõ rệt sẽ thắng Blake Masters (một nhân vật MAGA). Tại Nevada, chưa chắc bà Thượng nghị sĩ Mastez Corto thua ứng cử viên Cộng Hòa Laxalt. Tại Georgia, tranh chấp giữa mục sư Warnock (Dân Chủ) và cựu cầu thủ bóng chày Walker phải chớ đến “run-off” ngày 6-12, nhưng trong hai lần trước, Warnock đều có ưu thế. Bởi thế, người ta nói đảng Dân Chủ có trong tầm tay lợi thế để giữ thế đa số tại Thượng Viện (chỉ cần 50 vì có Phó Tổng thống Kamala Harris là lá phiếu thứ 51). Ngày 12-11, chuyện thực sự bất ngờ đã xảy ra: đã có kết quả bà Mastez Corto thắng ở Nevada, cho nên đảng Dân Chủ đã dẫn trước 50-49, giữ được quyền kiểm soát Thượng Viện!
Tại bầu cử Hạ Viện, đảng Dân Chủ mất thế đa số, nhưng tính đến trưa chủ nhật 13-11, Cộng Hòa được 211, Dân Chủ 204, tức Cộng Hòa chỉ hơn 7 ghế. Và 20 ghế chưa có kết quả. Để đạt được đa số, Cộng Hòa cần 8 ghế nữa.
Có một số nơi được xem là tiểu bang “lưng chừng” (swing states) tranh chấp quyết liệt. Chẳng hạn như Arizona. Nhưng ứng cử viên MAGA Lake xem chừng đã thua bà Hobbs, và ứng cử viên MAGA Masters thua Kelly. Nevada cũng là một tiểu bang lưng chừng. Tại Pennsylvania, ông John Fetterman đã giành được ghế Thượng Viện trước ứng cử viên MAGA Oz. Tại New Hampshire, Thượng nghị sĩ Maggie Hassan đã giữ ghế của mình trước ứng cử viên MAGA Tim Bolduc. Nhưng tại Ohio, Tim Ryan đã thua J.D. Vance của Cộng Hòa mặc dù Ryan vẫn được đảng Dân Chủ xem là rất sáng giá...
Trong ghế thống đốc, chiến thắng của Ron deSantis tại Florida là vang dội nhất (hơn đối thủ Dân Chủ đến 19.4%) – theo ông Trump phần lớn nhờ bà DeSantis là người Latino (mặc dù tên bà là Jill Casey Black) và Florida có một số di dân Latino khá lớn. Tuy nhiên, phải nhấn mạnh là bà DeSantis là một nhà hoạt động xã hội theo hướng chủng tộc rất tích cực. Chiến thắng của hai bà Hochul (New York) và Gretchen Whitmer (Michigan) cũng được đề cao. Và không thể quên đề cập tùy viên báo chí đầu tiên của ông Trump, bà Sarah Huckabee Sanders, cũng thắng dễ dàng tại tiểu bang nhà Arkansas…
Người ta nói đêm 8-11 là một đêm tệ hại nhất cho Donald Trump. Không chỉ vì phần lớn người MAGA bị thất bại tại những tiểu bang chiến địa khiến cho đảng Cộng Hòa vỡ giấc mộng vàng dấy lên làn sóng đỏ, và ông Trump cũng vỡ mộng dựng lên đảng Trump tại lưỡng viện, mà còn vì chiến thắng của một số người – đặc biệt của Ron DeSantis cùng bang Florida. Trump cay cú vì biết rằng đảng của ông đang nhìn đến DeSantis như một ứng cử viên tổng thống tương lai, và ngày càng có nhiều người Cộng Hòa nói thẳng: Trump hết thời, đừng mơ mộng hão huyền. Trump nói: Tôi nào có xa lạ gì DeSantis. Năm 2017, ông ta đến gặp tôi như con mèo ướt, xin tôi ủng hộ để ra tranh cử. Tôi phải gởi FBI đến giúp DeSantis trong bầu cử năm 2018 để cho ông ta khỏi bị thua. Ông ta là một thống đốc có điểm trung bình…
Tại sao đảng Dân Chủ có thành tích “bất ngờ” như thế trong bầu cử ngày 8-11? Bất ngờ vì người ta không tính những cử tri độc lập và cả cử tri Dân Chủ chia sẻ một mối lo về sự bùng nổ của thế lực MAGA. Và ngay cả một số người Cộng Hòa truyền thống và ôn hòa cũng không đủ thiện cảm với MAGA để bầu chọn những ứng cử viên MAGA. Cũng phải nói đến cử tri trẻ tuổi nay cũng cảm thấy không thể ngồi yên mà phải lên tiếng trong bầu cử giữa kỳ này – trước khi quá muộn. và thậm chí chẳng phải cử tri Latino nào cũng chạy theo Cộng Hòa mà không biết phải bỏ “tình riêng” qua một bên vì “nghĩa chung”, vì lợi ích sống còn của đất nước…
Trong mọi chuyện, chúng ta chỉ muốn có một “happy ending”. Có thể nói tự cuộc bầu cử này đã có một happy ending tái dựng cho chúng ta niềm tin vào người Mỹ, dân chủ Mỹ. Và câu chuyện có thể chấm dứt bằng một phát biểu chân tình của một người thua cuộc nói lên “văn minh chính trị” (civility) là điều quan trọng đến thế nào đối với văn hóa chính trị.
“Chúng ta đã oán ghét quá nhiều. Chúng ta đã phẫn nộ quá nhiều. Chúng ta đã lo sợ quá đáng. Chúng ta đã phân hóa quá đáng. Nhưng chúng ta cần biết thương yêu nhau hơn. Chúng ta cần có tình cảm hơn. Chúng ta cần quan tâm đến nhau nhiều hơn. Đó mới là những điều quan trọng. Chúng ta cần biết tha thứ. Chúng ta cần có tấm lòng. Chúng ta cần biết giải hòa. Chúng ta phải để lại sau lưng một thời ngu xuẩn. Cho nên ngay giờ đây tôi có diễm phúc… nhìn nhận sự thất bại của mình trong cuộc tranh cử này… bởi vì cách cư xử của đất nước này là khi tôi thua tôi phải biết nói tôi thua, chúng ta nhìn nhận thua cuộc và tôn trọng quyết định của người dân.
Trong khi đó, một người thắng cuộc đã nói “Nay chúng ta cần tập trung vào những gì đoàn kết chúng ta lại, thay vì nhắm vào những gì khác biệt, chia rẽ chúng ta. Nên nhớ chúng ta cùng chung một tình thương với đất nước, với đồng bào”.
Người thua cuộc là ứng cử viên đảng Dân Chủ Tim Ryan ở Ohio. Người thắng cuộc là bà Thượng nghị sĩ Maggie Hassan thuộc đảng Dân Chủ tiểu bang New Hampshire. Hai người có cùng chung một thông điệp:
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người chung một nước phải thương nhau cùng…
No comments:
Post a Comment