11/2/22

BÀI LUẬN “TUYỆT VỜI”

Không phải tự dưng tôi mê chuyện viết lách, cũng không phải tự dưng tôi chọn quãng thời gian tuổi nhỏ làm điểm mốc cho hành trình chữ nghĩa của tôi hiện giờ dù thực sự ở môi trường nầy tôi chỉ là dân không chuyên và chẳng là gì hết trong giới văn nhân. Thiên hạ viết đa số nhờ thiên phú hay nhờ đam mê, duyên nghiệp, v.v… còn tôi viết nhờ…xấu hổ nên tức mình tập tành, học hỏi để viết sao cho không đến nỗi tệ như bài viết “nổi tiếng” của tôi ngày nào, bài viết đặc biệt đó đã làm tôi hiểu nhiều hơn thế nào là sự chân thật của một bài văn.

….. Nói ra sẽ ít người tin, nhưng thực sự tôi “thành danh” từ năm học lớp ba, lúc mới bảy tuổi đầu, cái tuổi thích được mọi người vuốt tóc khen “bé ngoan, bé giỏi” để chờ đuợc thưởng một cái gì đó của những bậc “thân cao, tuổi trọng”. Trong nhà tôi là chị cả, dù lúc đó chỉ là chị cả của ba đứa em mới lên hai, lên ba nhưng tôi cũng thích được “làm gương” cho chúng nó. Chính vì những cái thích ngây thơ đó mà tôi luôn cố gắng học với ước mong sao lúc nào mình cũng đứng đầu sổ các môn học nhà trường. Nhưng ước mong là một chuyện, còn “tài năng” để đạt được ý muốn hay không lại là chuyện khác, tôi dốt toán dù đã cố gắng hết mình, để đủ điểm cuối tuần được đứng hạng cao tôi phải cật lực “học thuộc như cháo” các môn học thuộc lòng như sử, địa, khoa học, vệ sinh, công dân giáo dục, đức dục…Chưa đủ, còn phải tập viết, tập vẽ và thêu may sao cho thật đẹp để được điểm cao nữa.

Cô Liễu là cô giáo lớp ba của tôi, cô hiền như một bà mẹ của cái lớp ba lúc nhúc trên sáu mươi đứa học trò lúc nào cũng lăng quăng như bầy gà nhỏ trong sân. Cô biết cả ưu lẫn khuyết điểm của sức học tôi, có lần “phát” cho tôi cái “trứng vịt” to tướng của một bài toán đố về hình học cô bảo tôi phải ráng thêm những gì cần cho sự suy nghĩ chứ chỉ chăm chú làm con két học thuộc lòng sẽ không khá lắm đâu. Tôi “đau khổ” và quyết phải làm “cái gì” đó chứng minh cho cô thấy là tôi cũng có đầu óc để suy nghĩ chứ không chỉ để học thuộc lòng những gì cô viết trên bảng. “Cái gì” đó chắc chắn không phải là những con số của các đề toán cô cho mà sẽ là những bài luận văn “đệ nhứt hạng” cho bạn bè lé mắt và cô sẽ phải suýt soa khen vì luận văn là môn học phải dùng “đầu óc suy nghĩ” mà, há cô đã chẳng khuyên tôi như thế sao.

Tuần lễ đó, môn luận cô cho cả lớp đề bài “Hảy tả buổi cơm chiều trong gia đình em”. Sau khi cô đã góp ý cho chúng tôi vài ba chi tiết theo dàn bài hướng dẫn, chúng tôi được phép đem bài về nhà làm và nộp vào ngày sau. Trưa đi học về, ăn cơm xong là tôi lôi giấy viết ra bàn ngồi “thả bút đề văn”. Tả gia đình có gì là khó đâu, tôi nghĩ vậy, chỉ cần đếm trong nhà có bao nhiêu người rồi kể vào, dễ ợt mà. Nhưng, muốn bài hay phải suy nghĩ sao cho khác tụi bạn mình mới đuợc vì chắc đứa nào cũng sẽ tả là trong nhà có ba, có má, có em và có cả ông bà, ừ, gia đình thì phải vậy rồi; cơm chiều khác cơm trưa vì ăn xong sẽ khỏi phải đi làm hay đi học mà sẽ chuẩn bị đi ngủ, nhà nào lại chẳng thế. Tôi ngồi vừa đập muỗi vừa toan tính cách làm bài cho thật “nổi”.  Vùng Chánh Hưng thuở đó sông lạch bao quanh nên muỗi mòng ngày như đêm lúc nào cũng vo ve quấy nhiễu con người, nhất là những ngừoi đang cần sự yên tĩnh để làm chuyện “đại sự”. Đập đến hơn mười con muỗi mà phần nhập đề vẫn chưa “nhập” được thì tôi chợt nhớ đến quyển Quốc Văn Toàn Thư lớp Ba mà ông anh bà con cô cậu của tôi cho tôi hồi đầu niên học. Và thay vì ngồi tiếp tục suy nghĩ để làm cho xong bài luận, tôi đứng dậy đi tìm cuốn sách nói trên để “cọp dê” một bài viết trong đó mà tôi vẫn thích và thường hay đọc. Bài viết kể chuyện một gia đình hạnh phúc, cơm chiều cả nhà quay quần bên nhau, xong buổi ăn mẹ cắt cam cho cả nhà. Lúc đó bà đang bịnh, đứa cháu nhỏ không ăn đem cam nhường cho bà có thêm cam ăn mau hết bịnh, mẹ thấy thế nhường phần cam của mẹ cho con, cha cũng “noi gương” nhường cam cho mẹ. Tôi thấy bài nầy hay lắm, vì nếu chỉ kể “xong cơm chiều, con học bài, cha đọc báo, mẹ vá áo, bà đùa với cháu” thì chẳng có gì để gọi là “suy nghĩ” cả, tầm thường quá cô giáo sẽ cho điểm trung bình thôi, phải lấy ý cái bài chia cam nầy mới được, chắc sẽ chẳng có ai viết được chuyện gia đình một cách“cảm động” thương yêu nhau như vầy đâu. Thế là tôi bắt đầu viết, thoạt tiên còn định sẽ chỉ “mượn” ý thôi, còn văn của mình, nhưng cán viết đầy dấu răng tôi cắn mà chữ nghĩa chẳng chịu chạy ra, cuối cùng tôi cho gần trọn vẹn bài viết trong quyển sách di chuyển vào trang giấy trắng của tôi, thêm thắt chút đỉnh để cô giáo biết là nhà tôi còn có thêm con chó mực lúc nào cũng nằm trước cửa giữ nhà. Viết xong đoạn kết cho “đây là gia đình tôi, một gia đình hạnh phúc” tôi lẩm nhẩm đọc lại và thấy sao “mình viết” hay quá đổi là hay, tôi nghĩ thế nào bài luận nầy cũng được cô tôi đọc lên cho cả lớp cùng thưởng thức và chưa nộp bài mà tôi đã thấy tôi “trên đài vinh quang” vào hôm bài đươc phát rồi.

Chiều hôm đó, cả nhà ăn xong ba tôi đi qua nhà ông cậu tôi đánh cờ tướng, má tôi dọn dẹp lau rửa dưới bếp, chúng tôi kéo lên nhà trên ngồi bên võng của nội tôi để nghe nội kể chuyện ma hồi nội còn nhỏ, khoảng chín giờ là tôi phải lên giường đi ngủ để chuẩn bị cho ngày mai thức sớm đi học. Lên giường rồi tôi ngẫm nghĩ để thấy sự khác biệt của gia đình tôi giữa sự thật ngoài đời và văn chương trong bài luận tôi tả sao chẳng có gì giống nhau hết, tôi nghe hình như mình đã làm một điều gì không đúng trong bài luận sẽ nộp vào sáng mai, tôi nhắm mắt chập chờn đi vào giấc ngủ với chút mơ hồ không hiểu “sự không đúng” đó nằm ở đâu, trong tôi hay trong bài luận.

Một tuần trôi qua, ngày phát bài luận đã đến. Tôi hồi họp chờ đợi “phút vinh quang”, chờ lúc cô phát hết những bài “tầm thường” hay “dở ẹt” cuả các bạn xong sẽ trịnh trọng cầm bài luận của tôi khen đây là bài luận hay nhứt của trò Ngọc, người mà bấy lâu nay cô tưởng chỉ biết học như két chứ chẳng biết dùng trí để nghĩ suy. Lúc đó tôi sẽ sung sướng đến đỏ mặt thẹn thùng để chứng tỏ tính khiêm nhượng của tôi như bài Đức Dục cô mới giảng cách đây không lâu.

Giờ phát bài luận tả “gia đình tôi” diễn ra trong tiếng cười của cả lớp khi cô đọc những lời văn “ngây ngô” của đám học trò, chẳng hạn “ba tôi lùn; má tôi cao; em tôi chưa biết đi; chị tôi da trắng, tóc dài; tôi da ngăm, tóc ngắn….” và cũng có cả những tiếng xì xào khi cả lớp biết đươc chuyện riêng tư của gia đình các bạn mình lúc cô đọc các bài kể lể nào chuyện cha theo vợ bé không ăn cơm chiều, chuyện mẹ không chịu ở nhà nấu cơm mà chỉ đi đánh bài suốt buổi nên chiều rồi chưa có cơm ăn, có bạn thuật lại việc được chị hối lộ bánh kẹo để nhờ trao thư tình cho anh hàng xóm, chuyện giành đồ chơi đánh lộn với em trong nhà, v.v..và v.v..Lần lượt các bạn tôi được phát lại bài của mình trong khi tôi sung sướng thấy tên mình chưa được kêu đến vì tôi biết thường các bài luận đặc sắc cô luôn phát sau cùng. Và bây giờ thì phút giây mong đợi của tôi đã đến khi cô nhìn về hướng tôi và nói:

– Ngọc, Vàng các em là hai chị em ruột một nhà phải không?

Nói xong cô quay về hướng Đặng thị Vàng – bạn học và cũng là bạn láng giềng của tôi – đang ngồi ở dãy bàn sau lưng tôi, tôi quay đầu nhìn nó, nó giương mắt nhìn tôi, cả hai đứa tôi cùng đứng dậy và cùng ấp a, ấp úng pha lẫn chút ngạc nhiên:

– Dạ thưa cô không phải, tụi em chỉ ở gần nhà nhau thôi.

Có tiếng lào xào đây đó, thằng Tuyền ngồi cuối lớp đưa tay cao xin phép cô để đứng dậy, thưa:

– Thưa cô, hai trò đây gần như là chị em ruột vì có hai bà má cùng bán vải, má trò Ngọc bán ở chợ Nancy, má trò Vàng bán ở chợ Saigon.

Cả lớp cười ào, tôi và Vàng thì ngớ ngẩn, cô cũng cười nhưng ngay tức khắc cô lấy lại vẻ nghiêm nghị nhìn tôi và Vàng, cô nói:

– Vậy à? Thế tại sao cả hai em cùng tả cảnh gia đình giống hệt nhau như vậy ? Bài của các em là hai bài hay nhất, nhưng cũng đặc biệt nhất. Cả lớp nghe đây.

Tôi nghe tim mình đánh thình thịch như tiếng trống trường của chú Năm giám thị, tôi nghĩ chắc có chuyện gì rồi và tự hỏi không lẽ con nhỏ Vàng và cô cũng có quyển Quốc Văn Toàn Thư lớp Ba như tôi sao, từ trước đến nay tôi cứ tưởng chỉ mình tôi có quyển sách đó thôi chứ. Sau lưng tôi, nhỏ Vàng làm thinh không trả lời, tôi cũng nghe miệng mình cứng ngắt không biết mở cách nào để đáp lời cô.

Từ trên bục giảng cô bước xuống, trên tay cầm hai bài luận của tôi và Vàng, đến trước bảng đen cô đứng lại, chậm rãi đọc toàn vẹn bài luận của tôi, xong cô nhìn cả lớp, nói:

– Bài của Vàng cũng không khác chi bài của Ngọc, chỉ thiếu con chó Mực giữ nhà hay sủa bậy mà thôi. Nếu cả hai không là chị em một nhà thì các em cùng chép lại từ chung một quyển sách phải không? Nếu cô không lầm thì đó là quyển Quốc Văn Toàn Thư lớp Ba, đúng không Ngọc? đúng không Vàng?

Tôi sượng sùng vì mắc cỡ, tay chân lạnh ngắt, có lẽ nhỏ Vàng ngồi phía sau cũng chẳng khác chi tôi. Tôi ước chi mình mọc được đôi cánh, không phải để bay cao lên “đài danh vọng” như mấy câu văn tôi thường nghe qua radio của các tuồng cải lương đuợc truyền thanh trong những chiều thứ bảy hàng tuần mà để bay ra khỏi lớp hầu chạy trốn đôi mắt nghiêm nghị của cô tôi cũng như những tiếng cười chế giễu đang xì xào vang lên của đám bạn cùng lớp. Tôi cúi gầm mặt xuống bàn, nghe hình như nước mắt đang chực ứa ra, không biết vì sợ cô hay vì xấu hổ vói bạn bè, tôi lí nhí trả lời cô:

– Dạ thưa cô, đúng.

Tiếng nhỏ Vàng yếu ớt vang lên sau lưng tôi:

– Thưa cô, em lỡ dại.

Cô im lặng, đi chậm xuống cuối lớp rồi từ đó đi ngược trở lên, ngang chỗ bàn tôi và Vàng cô đứng lại, để hai bài luận của chúng tôi vào đúng vị trí mỗi đứa, cô thở dài, giọng đều đều như những khi cô giảng bài:

– Các em có biết Luận văn còn gọi là Tập Làm Văn không? Gọi như thế để chúng ta cùng hiểu đây là môn học dạy các em cách viết văn, viết bằng tư tưởng và các hành văn của mỗi em. Luận văn cho các em áp dụng các bài học văn phạm, ngữ vựng hoà chung với những nghĩ suy riêng tư của các em về một đề tài nào đó. Các em có thể đọc bài của người khác để tìm thêm ý, học thêm lời, trau chuốt thêm cách hành văn nhưng các em không thể lấy trọn cả bài người khác để làm bài của mình, như vậy gọi là đạo văn, tức là ăn cắp văn. Những người đạo văn như vậy xấu lắm vì không biết tự trọng, các em hiểu không?

Ngừng một chút, cô nói nhẹ nhàng hơn:

– Ngọc, Vàng, các em còn nhỏ, đừng tập tánh xấu đó, nếu các em không bỏ, tật đó sẽ thành thói quen sau nầy và không tốt cho cuộc sống các em đâu. Lần đầu, cô phạt mỗi em phải về nhà viết hai trăm lần câu “Tôi không chép bài người khác”, nếu còn tái phạm sẽ bị mất điểm hạnh kiểm và không được bảng danh dự đó, nghe chưa? Thôi, cả hai ngồi xuống đi.

Và như chợt nhớ ra điều gì, cô nhìn cả lớp, nói:

– Muốn viết văn hay cần phải đọc sách nhiều và nên lựa sách đàng hoàng mà đọc, các em hảy nhớ điều nầy.

Suốt buổi học hôm đó tôi cơ hồ chẳng cho vào đầu được chữ nào cả, sự xấu hổ càng gia tăng khi mấy thằng bạn hay phá phách trong lớp gọi tôi là “Cọp” và Vàng là “Dê” để gán hai đứa thành hai chị em “cọp dê” tức ăn cắp bài người khác. Tôi về nhà bỏ buổi cơm trưa, rầu rĩ nhớ điểm bài luận cô cho chỉ có một điểm mà đám học trò chúng tôi thường kêu là điểm “cây gậy”, như vậy kể như tuần lễ nầy tôi sẽ bị tuột hạng là cái chắc, lại còn phải viết hai trăm lần câu phạt nữa. Ôi, “đạo văn” sao khổ thế nầy, nhất định từ rày về sau tôi sẽ làm người “lương thiện” hơn. Tôi sẽ cố gắng viết bằng chữ nghĩa của chính tôi và sẽ cho cô tôi thấy tôi là đứa học trò biết vâng lời. Tôi dấu kín chuyện bị phạt không cho ba má tôi biết, cũng làm thinh không hỏi Vàng về sự trùng hợp bài văn trong quyển Quốc Văn Lớp Ba, mọi chuyện đã rồi, hỏi han cho lắm chỉ khơi lại sự xấu hổ mà thôi, việc trước mắt bây giờ là tôi phải tìm nhiều sách để đọc như lời cô khuyên và nhất định những kỳ luận văn sau tôi sẽ là tôi bằng lời văn, ý tưởng của chính mình.

Những ngày sau đó tôi đi lục lạo những đống sách báo cũ trong nhà lôi ra đọc như một nghiên cứu gia, chưa hết, tôi xin nội tôi cho tôi đọc mấy quyển kinh Phật của ông cố tôi để lại và cũng trong đống kinh sách quý giá nầy tôi tìm thấy những bộ truyện Tàu dày cộm. Không biết sự vấp ngả của “bài luận tuyệt vời” hôm nào với cánh tay nâng đỡ của cô giáo tôi bằng những lời dạy dỗ chí tình đã giúp tôi đứng dậy hay cái duyên chữ nghĩa bắt đầu đến với tôi từ hôm đó mà tự dưng tôi say mê đọc sách báo một cách lạ kỳ. Những lúc rảnh rỗi sách luôn trên tay tôi, tôi đọc ở nhà và mang sách đọc luôn ở trường, bảy tuổi đầu tôi đã thành con mọt sách, con mọt đó thoạt đầu ăn chữ của những quyển kinh Phật, truyện Tàu, truyện cổ tích và chuyện hình vẽ, và những năm sau này lại thêm truyện dịch, tiểu thuyết trinh thám, trữ tình, đủ loại….. Đặc biệt tôi đâm mê chuyện Tàu như dân ghiền mê thuốc phiện, đọc ở nhà chưa đủ tôi chạy ra nhà bà Hai Kiệm trong xóm để mướn các chuyện Tàu khác đọc thêm. Tiền mướn một cuốn mổi ngày là năm cắc bạc, tiền ba má tôi cho để đi học trước kia tôi hay mua nước đá nhận hay nước đá đậu đỏ bánh lọt của xe nước đá chị Lầm Keo ở ngả ba đầu chợ nay đuợc tôi ca củm đem “đóng” hết cho bà Hai Kiệm để “làm quen” với nào La Thành, Đơn Hùng Tín,Uất Trì Cung, Tần thúc Bảo, v.v….Những bài luận văn sau này của tôi đuợc cô Liễu đem ra đọc cho cả lớp cùng “thưởng thức” đi kèm với những lời khen “có tiến bộ” làm tôi hả hê nức mũi, sự hả hê chứng tỏ tôi đang đi đúng con đường cô dạy, đọc sách là phương pháp giúp những bài luận “thăng hoa”. Tìm ra được bí quyết rồi tôi lại gia tăng “tốc độ” đọc sách nhiều hơn ở những năm học lớp nhì, lớp nhất. Tôi đọc cho đến nổi quên học bài, quên luôn lớp nhất là năm cuối cùng để thi vào Trung học nên kỳ thi Đệ Thất năm đó tôi trợt vỏ chuối đau điếng. Nhờ thầy Công – người dạy tôi năm lớp Nhất – giúp đỡ cho tôi học ké thêm năm tiếp liên, tôi bỏ bớt thời gian đọc sách và chăm chỉ học đàng hoàng hơn, thi lại lần nữa lớp Đệ Thất trường Gia Long lần nầy tôi đậu, không biết có nhờ phần nào bài Luận tôi làm kỳ thi đó không.

Vào Đệ Thất, học trường lớn có Thư Viện đầy ấp đủ loại sách tôi lại bắt đầu “tìm về đường cũ”, con đường ngày xưa tôi đi mướn sách từ nhà ra tiệm chuyện Tàu của bà Hai Kiệm trong xóm, con đường bây giờ là con đường từ lớp đến Thư viện sau mỗi giờ ra chơi, sách Thư Viện đọc khỏi phải trả tiền, chỉ cần cẩn thận giữ gìn không hư rách mà thôi, hôm nào đọc chưa xong tôi lại mượn sách đem về nhà, đọc bao nhiêu cũng không nghe đủ, càng đọc càng muốn tìm nhiều sách để đọc thêm. Khốn khổ một điều là tôi chỉ thích đọc sách truyện, tiểu thuyết chứ không hạp sách giáo khoa bao nhiêu vì vậy năm đầu bậcTrung học đến mùa hè thay vì được thảnh thơi nghỉ ngơi như bè bạn tôi lại phải cắm cúi học thêm Toán để thi lại môn học khô khan nầy dù tính trên phiếu điểm cuối năm tôi vẫn trên điểm trung bình để lên lớp.

Trong khi các giáo sư dạy Toán, Lý, Hoá vẫn nhìn tôi bằng đôi mắt nghiêm khắc thì trái lại tôi trở thành học trò cưng của cô Mận, giáo sư Việt văn của lớp. Tôi đứng nhất tất cả các kỳ thi lục cá nguyệt về Luận văn, Kim văn, Cổ văn. Những bài luận của tôi bấy giờ tôi viết bằng sự học hỏi, hiểu biết của mình, tuyệt nhiên không dám “cọp dê” bài vở của ai hết, lời dạy của cô Liễu năm xưa tôi vẫn còn nhớ, chưa quên. Nhưng tôi bỏ được tật xấu cũ thì lại nẩy sanh tính xấu mới. Được cô Mận cưng “ra mặt”, bất kỳ chuyện gì khi giảng bài cho cả lớp, cô vẫn thường kêu đích danh tôi để hỏi như một mẫu mực cho bạn bè lắng nghe và may mắn một điều là đa số các câu cô hỏi tôi đều trả lời đúng khiến cô thêm hài lòng và tôi từ đó sinh tự mãn để cuối cùng thành tự kiêu, mười hai tuổi tôi đã ngỡ mình là một nhà văn lớn dù chưa viết quyển sách nào. Tính xấu đó, may thay tôi giấu được trong lòng chứ chưa huênh hoang vênh váo cùng các bạn tôi.

Năm lên Đệ Lục, bịnh “tưởng” mình giỏi của tôi vẫn không giảm, nhưng ông trời không cho “hùm có vây”, năm đó tôi gặp cô Dương Ngọc Nữ là giáo sư Việt văn, cô không chấp nhận lối viết rườm rà, cà kê dê ngỗng của tôi nên ngay những bài Luận đầu niên khóa và cả bài thi đệ nhất lục cá nguyệt tôi đã bị tuột gần điểm chót, mãi đến gần cuối năm tôi mới hiểu được ý thích của cô và thay đổi cách viết để “phục hồi” lại được vị trí ưu hạng của mình. Nhưng cũng từ đó tôi học thêm một điều là viết hay hoặc dở còn tùy người đọc hạp hay không với lối viết của mình chứ không đơn thuần từ phía người viết.

Những năm sau, nhờ bài học trên tôi biết “nhìn” ra cách chấm bài của các giáo sư Việt văn nên tôi uyển chuyển “chiều” theo ý thích của các vị, gặp cô thầy nào thích mượt mà bóng bẩy câu văn, tôi thêm hoa lá cành khi viết, nếu đụng phải thầy cô thích “đâu ra đó” tôi phải “thấy sao viết vậy” miễn “ngắn, gọn, đầy đủ” là “ăn điểm”. Nhờ vậy tôi được đề cử hai lần đi thi Văn chương phụ nữ toàn quốc” (nước Việt của miền Nam lúc bấy giờ) vào năm Đệ Ngũ và Đệ Tam, nhưng than ôi, cả hai lần tôi đều không đem được giải thưởng gì về cho lớp cả. Đó là những kinh nghiệm học đường cho tôi biết rằng tôi chỉ là một hòn sỏi nhỏ trên đường dài của môn Luận mà tôi may mắn lăn được một cách thong dong.

Rời trường học khi thi rớt Tú Tài vì lỡ dại theo đám bạn thân đi ban A thay vì ban C như năng khiếu của mình, tôi bước vào trường đời ở tuổi mười chín với nghề đánh máy khiêm nhường, chữ nghĩa văn chương ngày nào của tôi trở thành vô dụng trên đầu mười ngón tay chỉ gõ văn bản được các xếp lớn của Cty thảo sẵn. Thỉnh thoảng đọc báo thấy các cuộc thi văn chương, các chương trình viết lách của thiên hạ khá hào hứng tôi cũng muốn tham gia nhưng lại không tin tưởng lắm vào tài năng mình vì càng lớn, càng đọc nhiều tôi càng biết rằng tôi không là hòn sỏi trên đường “Tập làm văn” nữa mà chỉ là hạt bụi mờ – nhỏ hơn cả hạt cát li ti – trong biển chữ mênh mông của các văn nhân, văn đàn khắp nơi trong, ngoài nước. Biết vậy tôi vẫn thích viết và muốn thử “tài” viết của mình trên đường đời ra sao, không dám thử với giới văn nhân báo chí, tôi tạm thời tìm phương cách thử với môi trường đơn giản hơn và ở điểm nầy mục Tìm Bạn Bốn Phương được tôi chú mục đến nhiều nhất. Các tuần báo thời đó dẫy đầy tin tìm bạn, đủ hạng loại tha hồ lựa chọn, chiến trường, thương trường, học đường, v…v… đều có đủ. Tôi mua tờ Phụ Nữ Diễn Đàn, chọn trang Tìm bạn Bốn Phương đọc tới đọc lui rồi chọn một giòng rao như sau :

“Thanh niên 25 tuổi, độc thân, vui tính, đã từng là lính mũ đỏ hào hoa, cuộc đời không may gặp điều bất hạnh nên muốn tìm bạn gái hiền dịu, kiên nhẫn, có tấm lòng để chia xẻ vui buồn cùng nhau . Ưu tiên cho tuổi từ 25 trở xuống. Nếu được xin kèm ảnh, thư gửi về Võ Duy Hưng, số… đường….TP……”

Tôi chọn giòng rao nầy vì nghĩ cái chàng mũ đỏ hào hoa kia viết “đã từng là lính”, chắc bây giờ chàng đã lên hạ sĩ quan hay sĩ quan gì rồi nhưng vì khiêm tốn nên không kê khai rõ ràng, tôi thích những người khiêm tốn như vậy. Hơn nữa, tội nghiệp làm sao vì chàng không may mắn trong cuộc đời, chắc mồ côi cha mẹ hay vì chinh chiến đi xa nên bị bồ bỏ đây thôi. Tính tôi dễ cảm, nghe ai “bất hạnh” thường hay “động mối từ tâm”, mấy lời thiết tha như vậy lẽ nào tôi lại bỏ qua, có điều hơi lạ là sao địa chỉ không là KBC (Khưu bưu chính) như các địa chỉ quân sự mà lại là số nhà, tên đường quá ư “dân sự”, nhưng đây là chuyện nhỏ, chắc chàng tính cẩn trọng, kín đáo không muốn bạn bè biết chuyện tâm tình trai gái riêng tư. Thế là tôi lôi giấy viết trong giờ nghĩ trưa ở Cty để viết trả lời cho anh chàng lính dù “bốn phương” nầy, tôi không kèm ảnh như lời yêu cầu của “đương sự” nhưng tả sơ bản tính “chân quê” vùng Chánh Hưng của mình, tả thêm “em không má thắm, môi hồng vì em đây vốn tính người đơn sơ” và “tóc em dài nhưng em chưa uốn”, “mắt em xanh nhưng chẳng kẻ chì xanh”, “ em chưa có bạn trai vì sợ đời ly loạn” và “em chọn viết cho anh vì muốn xóa lấp những không may anh gặp phải trên đường đời”, tôi thêm chút hương thơ của “em hậu phương” gửi “anh tiền tuyến” hứa hẹn một cuộc gặp bất ngờ khi “cánh dù chinh chiến bay về phố thị phồn hoa” và “hy vọng thư nầy không bay mất như gió đưa cánh dù xa” của chàng trai mũ đỏ,……

Thư viết xong tôi cho Loan, chị bạn đồng nghiệp của tôi, đọc thử. Loan cười bảo tôi:

– Coi chừng rủi gặp “ông Kẹ” đó nghen.

Tôi cũng cười, lơ tơ mơ trả lời bạn:

– Trời, tui là bà Chằng, hổng lẽ sợ “ông Kẹ” sao? Thư viết chơi chứ có phải thật đâu mà bà lo.

Thư đi chưa đầy mười ngày thì có thư về với một bức ảnh bán thân 9×12 kèm theo. Anh chàng họ Võ trông cũng “khôi ngô, bảnh choẹ” với áo hoa dù, mũ đỏ oai phong. Người hùng cho biết là dân “Nha Trang cát trắng dừa xanh” nên đã nếm bao vị muối của “biển mặn”cuộc đời, chàng hứa sẽ đến thăm tôi bất ngờ khi có dịp về thành phố. Tôi cười thỏa thích khi thấy lá thư khảo sát bài luận “đời” đầu tiên của mình đạt kết quả, tôi không thích làm “người yêu của lính” nhưng nếu “cánh hoa dù” nầy “coi được” tôi sẽ “hái” đem về “khoe” với “bà con”. Tôi đọc kỹ lá thư của “anh trai tiền tuyến” và thấy sao có nhiều câu hao hao giống bài nhạc Biển Mặn của TrầnThiện Thanh quá đi thôi, tôi nghĩ, anh chàng nầy cũng “cọp dê” lời nhạc của người khác làm thư riêng của mình chẳng khác chi bài luận lớp ba của tôi ngày nào, chưa chi “ hai đứa” đã quá đổi “hạp” nhau rồi, chỉ còn chờ gặp mặt để xem có “hạp nhãn” nhau không là sẽ bắt đầu tính chuyện “đàng hoàng” hơn. Tôi viển vông tưởng tượng “phút ban đầu khi mới gặp nhau” của hai đứa, chắc là vui lắm.

Đối đáp qua lại với nhau khoảng chừng năm, sáu lần thư thì một buổi sáng đầu tuần tôi đang làm việc bỗng chuông văn phòng reo nhắn tôi xuống phòng tiếp tân có người muốn gặp. Bấy giờ Tết sắp đến, công việc Cty đầy ắp phải thanh toán trước cuối năm nên ai cũng chúi đầu làm cật lực, tôi cũng có một đống hồ sơ cần đánh máy gấp giao cho xếp để kịp đem Giám đốc ký trong ngày. Vì những lu bu đó tôi quên mất đi lời hứa tìm thăm bất ngờ của “anh trai tiền tuyến”, nhưng Loan ngồi kế bên tôi lại nhớ, chị nhắc:

– Chắc gần Tết nên“chàng” về thăm bà đó, chuẩn bị tinh thần đi.

Loan không là thầy bói mà đoán trúng như thần, tôi bước vào phòng tiếp tân thấy một anh lính dù đang đứng đợi tôi tự bao giờ. Tôi nhìn chàng, kinh ngạc đến bàng hoàng, không có chút vui mừng nào như tôi dự đóan mà chỉ có sự hoảng loạn ngoài sức tưởng tượng của tôi. Trước mắt tôi khách đợi không khác chi người trong ảnh, bảng tên trên ngực cho biết đích thực khách là Võ Duy Hưng, bạn bốn phương của tôi đây rồi, cũng mũ đỏ, áo hoa dù, khôi ngô tuấn tú, vai năm tấc rộng, thân vài thước cao. Nhưng trong ảnh không cho tôi thấy chiếc nạng gỗ thay cho nửa chân bên trái thiếu vắng của chàng, trên thực tế “người hùng” của tôi là một… thương phế binh. Dù đã chuẩn bị tinh thần cho cuộc gặp gỡ từ lâu nhưng không phải cho tình huống như vầy nên tôi khựng lại, nhìn khách, ngỡ ngàng.

Hưng như đoán trước mọi việc trước vẻ mặt của tôi, chàng khẻ mỉm cười chào tôi, thật hiền và thanh thản:

– Ngọc phải không? Hưng đây, anh giữ lời hứa đến thăm Ngọc bất ngờ đây.

Tôi luống cuống gần như mất bình tĩnh, gắng gượng lắm tôi mới nở được nụ cười:

– Dạ, em là Ngọc đây. Cám ơn anh đã đến – và tôi ngừng lại , khổ sở ấp úng – nhưng Ngọc đang bận nhiều việc quá, chúng ta gặp nhau lần khác được không anh?

– Anh chờ Ngọc giờ tan sở trưa nay nghen?

– Không, không được đâu anh. Trưa Ngọc đi ăn với bạn, chiều ba Ngọc đến đón. –Tôi hốt hoảng từ chối.

Giọng Hưng kiên nhẫn pha chút hy vọng:

– Vậy bao giờ mình gặp lại nhau được, Ngọc nói đi, anh đợi.

Tôi cúi mặt, không dám nhìn vào mắt Hưng, ngập ngừng:

– Ngọc không biết. Thôi, khi nào được, Ngọc sẽ viết thư cho anh hay.

Tôi thu hết can đảm nhìn vào mắt chàng, nói nhanh :

– Xin lỗi, Ngọc phải về chỗ làm việc liền anh à. Chúc anh năm mới nhiều may mắn, vạn sự như ý .

Hơn bốn mươi năm rồi, cuộc đời trải qua bao thăng trầm biến đổi nhưng tôi không bao giờ quên đuợc đôi mắt của Hưng giây phút đó, đôi mắt Từ Hải khi chết đứng, như óng nước, như bàng hoàng, có nét buồn vương ẩn, có nét giận thoáng cau, hoà trộn lại để thấy đó là một nổi đau sỉ nhục. Không hiểu sao tôi bỗng đâm sợ, không phải sợ chiếc chân thương binh của chàng mà sợ tia nhìn trong đôi mắt đó. Hưng không nói gì, đứng lặng sửng người như tôi đã sững sờ khi vừa gặp chàng. Không chờ đợi lâu, tôi cúi đầu chào chàng rồi quay lưng đi như trốn chạy, khi bước lên cầu thang tôi nghe phía sau vang lên nhịp gõ của chiếc nạng nhẹ đi về phía cửa Công ty. Ngoài kia phố, đâu đây đì đùng tiếng pháo sớm mừng xuân.

Đó là lần duy nhất tôi gặp Hưng vì tôi không đủ dũng mãnh của một con người có trái tim nhân hậu, cũng không đủ chân thành để thực hiện đúng lời hứa trên giấy trắng mực đen là chia xẻ cùng Hưng những mất mát trong cuộc sống nên lá thư hẹn gặp lần thứ hai tôi không bao giờ viết cho chàng. Tôi đã ứa nước mắt khi trở lại bàn làm việc, không biết khóc thương người bạc hạnh hay khóc xấu hổ cho sự bạc lòng của tôi. Ngày đó tôi mới mười chín tuổi, tôi còn quá trẻ để biết cách cư xử sao cho phải đạo làm người, tôi không biết màu mè giả dối để nở nụ cười tươi, đưa đôi tay nhỏ nắm lấy bàn tay Hưng chứng tỏ sự cảm thông, ra điều niềm chia xẻ những bất hạnh hiển hiện trên đôi nạng gỗ của chàng, tôi nhìn chàng như nhìn ông “Kẹ” mà Loan đã hù dọa tôi ngày tôi viết bài “Tập làm văn” thử đời và tôi đã làm “bà Chằng” đuổi xua “ông Kẹ” ra đi không giấu giếm. Trái tim đứa con gái mười chín tuổi đang mơ bóng dáng hoàng tử mắt xanh áo treilli đính mai vàng trên cầu vai làm sao tôi có thể bình tĩnh làm người nhân hậu khi hoàng tử trong mơ hiện ra chỉ là một anh thương binh nạng gỗ. Tết năm đó tôi không dám đi chùa lễ Phật, tôi sợ cái tâm xấu xa của tôi làm héo hoa lá nhà chùa, sợ khói hương ngày Tết không phủ hết tội dối người của tôi với câu viết “em chọn viết cho anh vì muốn xóa lấp những không may anh gặp phải trên đường đời”.

Nhưng bây giờ, ở tuổi sáu mươi, nếu phải trở lại chuyện ngày nào bằng nghĩ suy của người đầu bạc, thú thật tôi cũng không biết mình phải làm gì cho đẹp cả đôi bên. Nếu bảo “năng thuyết bất năng hành” là giả dối thì tôi xin nhận nhưng tôi cũng không thể tiếp tục đẩy đưa hứa hẹn những điều ngoài ước muốn, như vậy càng dối trá nhiều hơn. Hơn bốn mươi mùa xuân đi qua, mỗi lần Tết đến, trong buổi trời đất giao hoà tôi vẫn thường khấn nguyện cho Hưng tìm được một người bạn gái như chàng mong đợi, người đó chắc chắn sẽ có tấm lòng nhân hậu hơn tôi và không biết viết thư bốn phương dối chàng như tôi. Bài luận “đạo văn” lớp ba thuở nào tôi bị phạt chép hai trăm lần “không được chép bài người khác” để xoá tội mình nhưng lá thư bốn phương – bài luận “thử đời” – tôi viết dối người năm xưa tôi phải tự phạt mình ra sao để tôi xóa được sự ray rức tâm hồn mình vào mỗi độ xuân về khi trong tiếng pháo tôi vẫn nghe hòa nhập đâu đây nhịp gõ của chiếc nạng gỗ lúc Hưng lặng lẽ bước ra đi.

HUỲNH NGỌC NGA
Torino, ITALIA


No comments:

Post a Comment