3/12/22

NGÀY XA ĐÀ NẴNG

Giấc ngủ êm, sâu, tưởng như rất dài, hóa ra chỉ được chừng 3 tiếng đồng hồ khi chị Qúy đánh thức chúng tôi dậy, lúc mới 4 giờ sáng. Chị vừa giúp dọn dẹp ghế bố, vừa nói:
- Ngày nào cũng vậy. Tới giờ này, là tôi đã phải thức dậy để chuẩn bị dọn hàng ra chợ.
Nhìn tôi loay hoay xếp đồ đạc vào ba lô, chị nói thêm:

- Nghe nói dạo này xe đò về trong nam rất hiếm. Phải đi thật sớm mới được.
Qúy "đen" gật đầu:
- Bả nói đúng! Dậy sớm để đi sớm cho chắc ăn.

Chị Qúy chìa một túi nhỏ cho tôi khi chúng tôi sửa soạn ra cửa. Thấy tôi tỏ vẻ ngần ngại, chị cười:
- Chút đỉnh thôi mà! Hai gói xôi đậu phọng. Một bịt muối mè. Một nhúm thuốc lào. Đủ để khỏi tốn tiền ăn dọc đường.

Tôi cảm động đến nghẹn lời vì sự tận tình của người vợ đối với cấp chỉ huy cũ của chồng mình. Sau vài lời cám ơn nói vội với chị Qúy, là tôi lên ngồi trên yên sau, để người thuộc cấp cũ cắm cúi chở đi. Vừa đạp xe, Qúy "đen" vừa liền miệng nhắc tôi cẩn thận về mọi mặt.
- Tụi này là lính trơn mà còn ná thở với bọn nó, huống gì ông là sĩ quan!

Qúy "đen" nói thật nhỏ, như sợ có người nghe được, dù con đường băng qua Chợ Cồn chỉ lác đác vài thúng rau cải, được bạn hàng lầm lũi gánh ra chợ. Dưới ánh đèn nhá nhem, mọi người trông như những chiếc bóng mờ nhạt đang lướt đi trong khung cảnh im lắng của không gian còn đắm chìm trong giấc ngủ.

Chẳng mấy chốc đã ra tới đường Hùng Vương. Vừa quẹo phải, chúng tôi thấy hướng trước mặt có vài dáng người đang chầm chậm bước. Trên người họ là bị, túi, xách, trông có vẻ rất nặng nề. Đến gần hơn, chúng tôi mới nhận ra hai người phụ nữ đang đi cùng với một cháu nhỏ chừng 8, 9 tuổi.

Tôi vỗ lưng Qúy "đen" ra hiệu dừng xe.
- Hai chị đang đi đâu mà xách nặng quá vậy?

Một trong hai chị trả lời ngay:
- Chúng tôi đang trên đường tới bến xe để vào Hiệp Đức thật sớm.
Nghe nói vậy, Qúy "đen" nhanh miệng đáp ngay:
- Ông này mới từ trong đó về hôm qua đó chị.
Cả hai người đàn bà dừng chân cùng một lúc, trố mắt nhìn chiếc ba lô tôi còn để trên yên sau, rồi nhìn tôi. Một chị hỏi:
- Anh cũng "trả nợ" trong đó hả?
- Dạ phải! Tôi ở trại 4. Mới được phóng thích hôm qua.

Qúy "đen" bế cháu bé cho lên yên sau, máng giúp hai giỏ xách vào ghi đông xe, còn tôi kể vắn tắt chuyện trở ra Đà Nẵng vì muốn thăm lại phố xá và trao thư cho gia đình một người bạn, thay vì về ngay Sài Gòn. Hai chị- bây giờ mới biết tên là Thanh và Vân- mừng rỡ hỏi han đủ chuyện về các trại tù Hiệp Đức. Một người dắt con đi nuôi chồng, còn người kia đi thăm người yêu. Hai anh còn đang "trả nợ quỷ thần" ở một trại nào đó của Tổng Trại 1, thuộc Quân Khu 5 của cộng sản trong vùng núi Hiệp Đức.

Chị tên Vân cho biết:
- Chúng tôi ở tạm nhà một chị bạn trên đường Nguyễn Hoàng đêm hôm qua. Chị ấy cho biết là có nhận thư của chồng- do một người bạn tù mới được thả cho về- mang tới trao tận tay chiều hôm qua. Tiếc là người bạn đó không trở lại.

- Hai chị đến căn nhà mang số 47 của chị Nhạn phải không?... Không trở lại, là vì tôi không thể phụ tấm lòng của gia đình anh bạn này.

Chỉ vào Qúy "đen", tôi nói tiếp:
- Chúng tôi ở cùng một trung đội với nhau lúc còn trong Lính.

Sau đó, câu chuyện xoay quanh những sinh hoạt trong trại tù và tinh thần của anh em lúc gần đây. Kẻ chiến thắng thoải mái trả thù, bằng cách lùa những người đã tự động buông súng vào các trại lao động khổ sai, với một lý do duy nhứt và cũng là một tội trạng duy nhứt. Đó là tội đã cầm súng chiến đấu chống cộng sản trước đây. Ai cũng bị kết án là có "nợ máu" với nhân dân. Do đó, phải chịu đọa đày về cả tinh thần lẫn thể chất. Một sự trả thù hèn hạ và thâm độc!

Người ngã ngựa bị đặt lên đầu vô số tội trạng, để rồi lãnh án khổ sai vô thời hạn được "ngụy trang" bằng câu nói "Học tập tốt và lao động tốt thì sẽ được cho về sớm". Điều này đã làm tôi suy nghĩ nát óc mà không thể tìm được câu trả lời. Vì rõ ràng tôi không có chút tiêu chuẩn nào đủ để áp dụng cho những lời tuyên bố kiểu "mị dân" đó.

Thậm chí, tôi không có tới một tấm giấy bảo lãnh của ( cái gọi là ) gia đình "cách mạng", như ba người bạn tù cùng được thả một lượt với tôi hôm qua. Chính họ cũng ngạc nhiên không kém và có lẽ đã nghĩ là tôi giấu họ về hoàn cảnh gia đình. Được phóng thích sớm như vậy, nếu không phải là may mắn hi hữu, thì tôi không biết gọi là gì. Phép lạ chăng?!

Mãi nói chuyện nên quên đường dài. Chẳng mấy chốc đã đến bến xe Đà Nẵng. Nếu không có vòm sáng và một số người tụ tập nơi quầy vé của khu vực xe đò liên tỉnh, thì bến bãi chỉ là một khoảng đất mênh mông, lạnh vắng, lờ mờ dưới ánh điện vàng võ. Chúng tôi chia tay với hai chị sau những lời chúc an lành và may mắn. Nhìn hai người phụ nữ dắt díu trẻ thơ và chấp nhận gian lao cùng cực, mà thấy bùi ngùi cho tình nghĩa, thân phận và hoàn cảnh của những người mẹ, người vợ, hay người yêu của Lính sau cuộc đổi đời.

Nghĩ tới đoạn đường từ Đà Nẵng tới ngã ba Thăng Bình, rồi từ đó phải mất thêm hai tiếng đồng hồ ngồi xe vào Hiệp Đức; với những lồi lõm, dằn xóc, cộng thêm mấy cây số lội bộ, leo đồi, vượt dốc, mà thấy cảm thương cho tấm lòng và sự chung thủy của người vợ yêu chồng, người mẹ thương con.

Hơn nữa ngày trời lặn lội để đổi lấy chừng 30 phút hàn huyên trong tiếng khóc thầm. Những lời đích thực đều được nói với nhau bằng mắt và bằng sự tương thông của con tim và khối óc. Nước mắt phải được cầm giữ trong tuyến lệ. Nỗi nghẹn ngào và cơn nhức nhối phải nén thật sâu trong lồng ngực. Đau khổ phải được "ngụy trang" sau những nụ cười, còn lời nói phải là những sáo ngữ mang tích cách "biết ơn cách mạng khoan hồng"!

Nạn nhân của cuộc đổi đời không cần qua trường lớp, không nhứt thiết là một diễn viên đại tài. Mọi người phải đóng tròn vai để cùng "ngậm hờn qua ải"! Nước mắt sẽ tức tưởi rơi trên đường về, sẽ dàn dụa trong đêm lạnh Trường Sơn. Cái giá của tình Yêu và tình Người sao mà bi thảm đến quặn lòng!? Đến bao giờ kẻ "thua cuộc" và người thân mới tìm lại được thời khắc êm đềm trong hạnh phúc gia đình?!

- Mình qua bên kia đi anh!
Tiếng của Qúy "đen" lôi tôi ra khỏi dòng suy tưởng. Chúng tôi bước lần qua những quầy bán vé, tối tăm, không một bóng người. Phần còn lại của bến xe chỉ là một khoảng trống im lìm nằm dưới vòm sáng lờ mờ của vài ngọn đèn vàng vọt. Những sinh hoạt ồn ào, náo nhiệt rất quen thuộc của một bến xe đò, đã nhường chỗ cho một sự vắng lặng rất khác thường trong một ngày chúa nhựt.

Chúng tôi lại đốt thuốc ngồi trầm ngâm. Được một lúc thì nghe bên bãi xe liên tỉnh đã có chuyến ra khỏi bến, còn ngoài đường đã có thêm xe cộ và nhiều người qua, lại. Tôi nhắc Qúy "đen" về lo phụ với vợ dọn bàn ghế, bày hàng cà phê lộ thiên, nhưng câu trả lời từ đêm qua đến giờ vẫn là:

- Ra chợ trễ một chút cũng không sao! Tôi ở với anh...tới cùng!

Nghe nói mà cảm động vô ngần. Câu "Huynh Đệ Chi Binh" không chỉ thắm thiết khi còn cầm súng trên tay, hoặc chia nhau gian khổ trong tù ngục, mà chính ngay lúc này mới thấy tình nghĩa gói ghém trong bốn chữ đó thật sâu sắc dường bao! Câu nói khẳng khái của Qúy "đen" làm tôi nhớ những lần đụng trận trong Quảng Nam, Quảng Ngãi và Quảng Tín. Giữa lằn ranh của Sống, Chết khi đối đầu với địch quân, lúc nào tôi cũng chứng kiến sự quyết tâm "Chơi tới cùng!" của người lính trong trung đội khi hàng ngang xung phong tiến chiếm mục tiêu.

Trong khi Qúy "đen" và tôi dùng dằng như vậy, thì có vài người chạy xe ôm lãng vãng vào bến và đến ngay thềm của quầy bán vé- nơi chúng tôi đang ngồi- hồi nào không biết.

- Các anh chờ xe vào Nam phải không?
Chưa kịp trả lời, thì một anh khác nói ngay:
- Xe đò lớn bị trưng dụng cả tuần nay rồi! Một số xe hàng cũng vậy.

Tôi nhìn qua Qúy "đen". Anh chàng không giấu sự lúng túng:
- ...Mẹ! Tưởng đâu chỉ giảm bớt số lượng xe thôi. Ai dè chẳng còn chiếc nào cả! Dân lấy gì mà di chuyển đây!?
- Muốn có xe thì chỉ có nước ra ngã ba Huế, hay vào Miếu Bông đón thì may ra...
Nghe vậy, tôi nói ngay:
- Thôi! Mình chia tay ở đây nghe anh Qúy.
- Để tôi chở ông ra ngã ba Huế. Cũng đâu có xa.

- Tôi đi xe ôm được mà! Anh về nhà đi. Sáng bét rồi!

Nói xong, tôi vác ba lô bước vội ra cổng. Biết tôi đã nhứt quyết, người cựu khinh binh lặng lẽ dắt xe đi theo. Hai người xe ôm cũng kè sát bên tôi, lên tiếng mời mọc.

- Phải ra tới Miếu Bông mới được. Vậy...
Tôi không trả lời họ mà vừa đi, vừa chú ý tới một người chạy xe ôm khác. Từ nãy giờ anh này vẫn im lặng giữ khoảng cách, không đon đả như hai anh kia.

Ra đến đường lộ, tôi bắt tay từ giã người đồng đội tốt bụng, mặc cho anh chàng nằng nặc đòi chở tôi ra ngã ba Huế. Cuối cùng, Qúy "đen" cũng phải nói lời bịn rịn chia tay, sau khi đã dặn dò đủ thứ chuyện. Tôi nhìn theo người cựu khinh binh một lúc, rồi mới đến bên người đàn ông, từ nãy giờ vẫn kiên nhẫn đậu xe phía xa xa.
- Ra tới Miếu Bông anh lấy bao nhiêu?

Người lái xe ôm, có lẽ cũng xấp xỉ trung niên, mỉm cười:
- Ra ngã ba Huế cái đã! Nếu may mắn thì anh bắt xe ngay đó không chừng.
Nghe vậy, tôi lên ngồi sau lưng anh ngay, quên cả hỏi giá tiền của cuốc xe. Vừa rồ ga chạy, anh ngoái ra phía sau nói:
- Ngã ba Huế thì gần đây thôi! Tôi giúp anh được mà!

Tôi cảm động đến nghẹn lời, định hỏi tên hay bắt chuyện nói, nhưng lại thôi vì anh có vẻ thầm lặng quá. Không biết anh là ai, làm gì trước đây, nhưng cung cách có vẻ rất điềm đạm như một người đã từng đứng trước bảng phấn. Khi đến ngã ba Huế thì đường xá trống vắng lạ thường, mặc dù đã tờ mờ sáng. Chỉ có vài chiếc xe Lam, xe gắn máy, hay xe đạp lặng lẽ lăn bánh. Người đàn ông chạy chậm lại, nhìn qua ven đường và đoạn quốc lộ tại ngã ba Hòa Mỹ ở phía sau lưng, rồi nói:

- Tôi nghĩ là mình nên ra Miếu Bông. Xe đò sẽ không dừng lại đón khách tại chỗ này đâu anh.

Tôi đồng ý. Anh sang số vọt ngay. Sáng tinh sương, dòng xe lác đác. Dưới ánh nắng ban mai, dường như quốc lộ 1 chỉ mới vươn vai khởi động. Tôi muốn bắt chuyện với người người đàn ông đang chăm chú lái xe, nhưng không tìm được cách nào cho có vẻ vừa lịch sự, lại vừa không quá tò mò.

Chợt nhớ là chưa biết số tiền trả cho cuốc xe ra sao, tôi chồm ra phía trước, hỏi:
- Xin cho biết...anh tính công bao nhiêu?

Người đàn ông đáp gọn:

- Lấy tượng trưng thôi! Tôi đã biết hoàn cảnh của anh từ khi mới gặp.

- Nhưng...

- Anh đừng ngại! Coi như giúp nhau trong lúc khó khăn vậy mà.

Nói xong anh lại im lặng, chăm chú lái xe, còn tôi thì không biết phải làm sao để bắt chuyện. Người lái xe ôm này chắc chắn phải là một trí thức cũ đang nhẫn nhục sống sau cuộc đổi đời khắc nghiệt. Vẻ điềm đạm và cách ăn nói rõ ràng là phong thái của một trí thức thời tự do, thạnh trị trước đây. Kẻ sĩ phải ẩn nhẫn để sinh tồn, trong khi đó bên "thắng cuộc" tha hồ hạ đạp nhân dân, thượng tôn quái thú từ Âu đến Á. Thật đáng buồn làm sao khi phần đất tự do đã phải mang gông cùm cộng sản từ một năm qua!

Tôi đang miên man suy tưởng, thì một chiếc xe đò lướt qua thật nhanh. Chiếc xe mang nhãn hiệu Thái Bình, hãng xe chạy đường Sài gòn- Phan Rí- Nha Trang thuở trước.

- Xe đò vào Nam đó!

Anh lái xe ôm vừa nói vừa bóp kèn rồi tăng tốc độ vọt theo. Chiếc Suzuki 50cc gầm rú suốt một quãng đường, nhưng không tài nào đuổi theo kịp.

Tôi định ra hiệu cho anh tài xế bỏ cuộc, thì đột nhiên chiếc xe đò rề rà tấp vào bên đường, nơi mà trước đây có một bãi đậu xe Lam để đón khách, ngay cổng sau của phi trường Đà Nẵng. Xe dừng lại. Đúng là họ bắt khách dọc đường vì đã có vài người đang lố nhố ngoắc, vẫy. Chúng tôi đến nơi ngay lúc hai người trong đám đông cũng vừa bước lên xe.

- Xe này về tới đâu vậy?

Tôi vừa hỏi người lơ xe, vừa xách ba lô nhảy xuống đường, ngay khi xe sắp chuyển bánh. Anh lơ xe vừa liếc lên phía tài xế, vừa trả lời tôi:
- Chúng tôi chở bộ đội đi phép từ ngoài bắc trở vô Ban Mê Thuột.

- Như vậy thì cho tôi về tới Ninh Hòa. Mấy anh lấy bao nhiêu tiền?

Tôi đáp rồi hỏi ngay, trong đầu nghĩ tới việc về càng gần Sàigòn càng tốt. Người lơ xe nhìn tôi, anh ta còn đang chần chừ thì có tiếng người tài xế nói vọng xuống:

- Mày đưa ảnh ra phía sau. Ngồi đỡ ghế đẩu. Mau lên! Chỗ này không đậu được lâu!

Tôi theo chân lơ xe bước về phía cửa sau. Vừa leo lên, tôi mới chợt nhớ là chưa trả tiền cho cuốc xe ôm, nên lật đật móc đại một tấm giấy bạc, rồi loay hoay định leo xuống trả tiền; nhưng lơ thì đu ngay cửa và tài xế cũng vừa nhấp ga vọt, nên tôi đành nhìn bàn tay vẫy nhẹ và nụ cười đôn hậu của người đàn ông chạy xe ôm, như thể anh vừa chúc lành cho tôi, vừa ra dấu cho biết là không cần phải lo chuyện trả công cho cuốc xe vừa qua.

Tôi cứ lom khom ngoái nhìn phía sau một hồi lâu, rồi mới ngồi xuống chiếc ghế đẩu, ngay phía trước băng ghế sau cùng. Chàng lơ xe kiên nhẫn chờ tôi nãy giờ, lúc đó mới chìa tay:

- Hai đồng rưỡi!

Anh ta nói xong là nhận tiền, bỏ túi, không thêm một lời nào khác. Tôi nhìn quanh, nhận ra màu áo kaki Nam Định ngồi đầy trên xe, còn ở giữa lối đi, là một lô ghế đẩu dành cho khách dọc đường ngồi dài từ trước ra tới phía sau.

Nhiều ánh mắt dò xét nhìn tôi chằm chằm. Đám bộ đội không biết tôi là ai, nhưng bộ đồ tôi mặc trên người đủ để họ đặt câu hỏi, dù là bằng ánh mắt, vì trên người tôi- từ đầu tới chân- chính là nguyên bộ đồ lính mà tân binh quân dịch thường mặc lúc mới vào quân trường. Chắc chắn họ lấy từ kho quân nhu tại Đà Nẵng để cấp phát cho chúng tôi. Nón lưỡi trai, áo quần, giày bố và chiếc ba lô, tất cả đều mới toanh.

Những ánh mắt nhìn ngang liếc dọc một hồi cũng phát chán, nên một lúc sau tôi được yên ổn chìm đắm trong suy tưởng của mình khi nhìn cảnh vật quen thuộc, một năm trước đã rất sinh động trong nhịp thở của phần đất tự do mà tôi góp phần bảo vệ. Mới đó đã qua một năm đổi đời! Mới đó tôi đã trải qua một ngày hít thở không khí tự do tạm bợ của "ngục tù bao la" mang hình chữ S!

Tôi chạnh lòng nghĩ tới những bạn đồng cảnh còn trần thân trên núi rừng thâm u, rồi tới "Qúy đen". Tình nghĩa của thời Huynh Đệ Chi Binh vẫn không hề suy suyển. Ngày xa Đà Nẵng đã mang lại nhiều kỷ niệm, trong đó có hình ảnh của người tài xế xe ôm. Anh đúng là hình ảnh của Một Tâm Hồn Cao Thượng, khi đã không màng dành cuốc xe đầu tiên trong ngày cho một người mà chắc chắn anh đã đoán ra được thân phận.

Xin chân thành cám ơn Đà Nẵng. Cám ơn tình Người và tình Lính vẫn keo sơn, dù đang trải qua giai đoạn nghiệt ngã và đoạn trường nhứt của lịch sử miền Nam Việt Nam.

HUY VĂN

( Trên Đường Xuôi Nam/ Cuộc Hành Trình )

No comments:

Post a Comment