6/17/09

Một vài dấu mốc trên con đường Thụ Nhân

hay là

Bàn qua về truyền thống “Thụ Nhân”

GS Trần Thanh Hiệp

Văn tự là của công thiên hạ, tôi không dám nhất định theo một nhà chú giải nào mà không tìm xét cho đúng ý nghĩa của sách LÊ QUÍ ĐÔN, Kinh Thư Diễn Nghĩa (Tựa), 1772

clip_image002_thumb25Bài viết này là để giữ lời hứa cũ với cựu chủ tịch Lê Đình Thông bàn rộng về hai chữ Thụ Nhân, lời hứa còn được nhắc lại với chủ tịch đương nhiệm Nguyễn Ngọc Thương. Viện Đại Học Dalat ngày nay chỉ còn là một hoài niệm, nhưng hai chữ Thụ Nhân đã trở thành một truyền thống, một tín hiệu tập hợp cho giáo sư và sinh viên của Viện, vì thời thế, đã phải bỏ trường, bỏ nước ra đi, đến tận chân trời góc biển.

Tháng 10 năm 1994, nhân dịp qua thăm Paris, trả lời – trong khuôn khổ một cuộc phỏng vấn –

một câu hỏi của chủ tịch Lê Đình Thông của Hội Ái Hữu Viện Đại Học Dalat tại Âu Châu về chữ Thụ Nhân, Cha Viện trưởng Nguyễn Văn Lập nói :

« Đó là hai chữ lấy trong câu « Nhất niên chi kế, mạc như thụ cốc ; thập niên chi kế, mạc như thụ mộc ; bách niên chi kế, mạc như thụ nhân » (1). Anh muốn nhìn xa thấy rộng làm kế hoạch cho trăm năm, nghĩa là cho tương lai, thì không gì bằng trồng người. Vì thế cho nên tôi có ý nói lên cho sinh viên một mục tiêu cuộc sống của mình là phải làm cho mình có tư cách để sau này trở nên cây cổ thụ giúp ích cho đời, cả về phương diện học thức, cả về phương diện đạo đức, cả về phương diện thể chất. Và tôi vui mừng, bởi vì các anh các chị cựu sinh viên dù ở vào bất cứ chỗ nào, dưới chân trời nào cũng làm gương, cùng đoàn kết, cùng thương yêu, cùng cộng tác, cùng hoạt động hết mình và bao giờ cũng thiết tha với vận mệnh đất nước » (2).

Người gần 40 năm về trước đã khởi thảo ra lịch sử Viện Đại Học Dalat nói như vậy để mời gọi hướng về tương lai, viết những trang mới cho lịch sử Thụ Nhân, phần kế tiếp của lịch sử Viện Đại Học Dalat. Lúc nói chắc Cha Viện trưởng không ngờ đã để lại cho đời sau một di chúc tinh thần.

Tháng Tư năm 2002, tại Paris, trong lễ giỗ 100 ngày Cha Viện Truởng S. Nguyễn Văn Lập, quảng diễn và khái quát hoá di chúc này, Khoa trưởng Vũ Quốc Thúc, được mời phát biểu với tư cách niên trưởng trong Hội, đã nêu cao « tinh thần và lý tưởng Thụ Nhân» (3).

Từ Thụ Nhân ‘’văn tự’’, thăng hoa thành Thụ Nhân ‘’tinh thần’’, rồi chiếu rọi lên thành Thụ Nhân ‘’lý tưởng’’ là cả một quá trình xa dài. Ta hãy cho quá trình này một tên gọi dễ hiểu là « con đường Thụ Nhân ». Gọi là con đường là một cách nói ẩn dụ bao hàm nhiều nghĩa. Đường để đi. Đi thì phải suy nghĩ, phải hành động, trông trước ngó sau, ôn tập việc cũ, dự phóng việc mới v.v. Trong viễn vọng này, đi là tu tập, là tự trồng mình hay cùng nhau vun trồng thành cây “cổ thụ” như Cha Viện trưởng mong đợi. Nhưng đi cũng có thể là tra vấn đối tượng – chữ kép Thụ Nhân – xem Thụ Nhân đã trở thành ”trồng người” theo những ngả nào. Thật ra làm việc này không phải là không nhiêu khê vì vấn đề không đơn giản như có nhiều người thường hay nghĩ. Dưới đây là một cố gắng tìm hiểu kỹ (hội giác) hai chữ Thụ Nhân, bằng một thao tác tra vấn (questionnement). Trên nguyên tắc, thao tác này, nếu muốn bao quát được vấn đề, cần tiến hành theo đủ hai chiều: đồng đại, chiều ngang (synchronique) và lịch đại, chiều dọc (diachronique). Nhưng một vài trở ngại, về mặt sưu tầm tài liệu, đã khiến nội dung bài này chỉ giới hạn trong cách tiếp cận đồng đại, đủ để ghi khắc một vài dấu mốc trên con đường Thụ Nhân.

Chữ Thụ Nhân, dưới ánh sáng đồng đại : Thụ Nhân dịch ra tiếng Việt là “trồng người”, nhưng trồng người là gì? Muốn giải đáp, lại phải quay về cái gốc Thụ Nhân để từ đó tìm hiểu thế nào là trồng người. Dĩ nhiên, thay vì theo lộ trình này, người ta có thể tìm hiểu cách khác, thí dụ lấy nền giáo dục của các thành quốc Spartes hay Athènes của Hy Lạp cổ, (thời trước Công nguyên) làm cơ sở nghiên cứu, lý giải thành ngữ “trồng người” như một khái niệm. Nhưng câu “Nhất niên chi kế mạc như thụ cốc; thập niên chi kế mạc như thụ mộc; bách niên chi kế mạc như thụ nhân” [từ đây viết tắt là Thụ Nhân] tất đã phải có những đặc điểm của nó, tưởng không thể không tìm về cội nguồn của nó.

Do đó, phải mượn cách nghiên cứu đồng đại (synchronique), dựa vào những dữ kiện cùng thời – còn thâu thập được – với câu Thụ Nhân mà lý giải. Trong chiều hướng này, với những dè dặt thiếu sót không thể tránh, ta hãy thử trả lời mấy câu hỏi : Ai là tác giả của câu Thụ Nhân? Câu này đã được ghi lại như thế nào? Nghĩa nguyên thủy của nó ra sao? Trả lời, để đối chiếu sự hiểu biết ngày nay của chúng ta, về Thụ Nhân, với sự hiểu biết của người ngày xưa, xem liệu chúng ta có xa rời gốc cũ hay không. Nếu có, thì vì sao, nên hay không nên, đúng hay sai v.v. Việc tra vấn này, cho dù không chắc đã thoả mãn được những đòi hỏi của tinh thần khoa học, ít ra, cũng là một ứng xử triết học, sức đẩy vô hình của tiến bộ.

I – Dấu mốc về xuất xứ củaThụ Nhân :

Ai đã nói câu “Nhất niên chi kế, mạc như thụ cốc; thập niên chi kế, mạc như thụ mộc; bách niên chi kế, mạc như thụ nhân” ? Tên hai người đã được nêu lên : Khổng Tử và Quản Trọng. Phải nói rằng người ta chỉ ngờ Khổng Tử đã nói câu đó, không có sự khẳng định hẳn là Khổng Tử. Giả thuyết này xem ra khó đứng vững vì trong Tứ thư hay Ngũ kinh không thấy câu Thụ Nhân. Trái lại, có văn liệu khẳng định rằng người ta đọc thấy câu Thụ Nhân trong sách Quản Tử của Quản Trọng, ở thiên Quyền Tu. Vậy tạm cho rằng Quản Trọng, người viết ra sách Quản Tử, là tác giả của câu Thụ Nhân (4). Quản Trọng là tên chữ của Quản Di Ngô, (Di Ngô có tên chữ là Trọng), người Dĩnh Thượng, nước Tề, một binh gia kiêm chính trị gia nổi tiếng đầu thời Xuân Thu (722-481 trước CN) của Trung Hoa cổ đại, nhờ tài cầm quân, tài cai trị dân, đã dựng lên nghiệp Bá cho vua nước Tề – chư hầu của nhà Chu – là Tề Hoàn Công, được Tề Hoàn Công kính trọng như cha và gọi là Trọng phụ.

Có hai điểm cần nhấn mạnh. Thứ nhất, theo văn liệu của Trung Quốc, câu Thụ Nhân có hai chữ khác với câu chúng ta thấy thường được lưu truyền.Thay vì “bách niên chi kế”, có tư liệu Trung Quốc đã ghi “chung thân chi kế” và như vậy câu Thụ Nhân “dị bản” (variante, có thể tạm dịch chữ variante là dị bản) này lại là “Nhất niên chi kế mạc như thụ cốc; thập niên chi kế mạc như thụ mộc; chung thân chi kế mạc như thụ nhân” (5).

Việc nêu lên ở đây dị bản “chung thân” không mang tham vọng khảo dị một cách nghiêm túc. Còn nhiều nghi vấn (đã có nhiều lời đồn đại về lý do tại sao lại có dị bản như vậy, nhưng thiếu cơ sở thuyết phục), chưa ai làm sáng tỏ được tại sao “bách niên” lại đổi thành “chung thân”(6). Nhưng vì có điều khác biệt, nên phải nêu lên, theo tinh thần thấy điều ngờ, truyền lại điều ngờ (dĩ nghi truyền nghi). Thứ hai, khó mà biết được Quản Trọng đã nói hay viết câu Thụ Nhân trong trường hợp nào, với mục đích gì. Nhưng bù lại, không thiếu dữ liệu để tìm hiểu tư tưởng, mưu thuật chính trị của Quản Trọng, người thường được kể như cha đẻ của chủ trương pháp trị (hiểu theo nghĩa phương Đông) mà những ảnh hưởng vào xã hội Trung Quốc, trải qua các thời đại, vẫn còn để lại dấu vết sâu đậm. Từ những mấu cứ này, suy diễn ra, có thể tạm đưa ra một số nhận định, như những giả thuyết, vào thời Xuân Thu, người ta đã nghĩ thế nào về việc “trồng người”.

II – Dấu mốc về văn tự và ngữ nghĩa của Thụ Nhân :

Câu “Thụ Nhân” đã được lưu truyền như thế nào ? Câu này người ta đọc thấy trong sách Quản Tử, nói là sách của Quản Trọng. Nó đã được ghi chép lại cho đời sau bằng Hán tự (7). Trước hết xin nói qua về sách Quản Tử, sau sẽ bàn về văn tự của câu Thụ Nhân.

1) Quản Trọng và Quản Tử : Một số nhà Trung quốc học Việt thời xưa như Lê Quí Đôn, thời nay như Giản Chi, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Đăng Thục, Phạm Tất Đắc v.v., người Tàu như Hồ Thích, Phùng Hữu Lan, người Pháp như Léon Vandermeersch, Anne Cheng đều công nhận Quản Trọng (Quản Di Ngô) là nhân vật có thật ở ngoài đời. Nhưng phần lớn đều ngờ rằng Quản Trọng không phải là tác giả của bộ sách Quản Tử. Họ cho đó là tác phẩm của người đời sau mạo danh Quản Trọng. Hai đồng tác giả của quyển Đại Cương Triết Học Trung Quốc là Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê đã nói tới sách Quản Tử, nhưng với dè dặt: ‘‘Chúng tôi tóm tắt lại (…) những tư tưởng mà người ta cho là của Quản Trọng chứ không trích dẫn từng câu từng đoạn vì những tư tưởng trong bộ Quản Tử không chắc hoàn toàn là của ông. Ông vốn là Nho gia, có lẽ người sau đã mạo tên ông mà viết ra bộ Quản Tử, làm cơ sở cho chính sách pháp trị (…)’’. Giáo sư Hồ Thích, cựu giáo sư Đại học Văn khoa Bắc kinh, cựu Đại sứ Trung Hoa tại Mỹ, cựuViện trưởng Viện Nghiên cứu Trung ương tại Đài Bắc, cũng nhận định như hai tác giả người Việt vừa kể: ‘’Pháp lý học Trung quốc thịnh hành nhất vào khoảng thế kỷ thứ III trước Tây lịch, cho nên có nhiều người phụ hội vào các nhà chính trị gia nổi tiếng như Quản Trọng, Thương Ưởng, Thân Bất Hại để làm thành nhiều sách giảng về Pháp trị (…)’’. Giáo sư Nguyễn Đăng Thục , trong ‘’Lịch sử Triết học Đông phương’’, trái lại, đã trích dẫn nhiều ý kiến của Quản Trọng với những ghi chú rõ ràng về rất nhiều ‘’thiên’’ liên hệ trong sách Quản Tử, như các thiên Xu ngôn, Bạch Tâm, Pháp cấm, Lập chính, Trọng lệnh, Pháp pháp v .v. Mặc dù vậy, vì quá xa cách về thời gian (thời Xuân Thu, hơn 7 thế kỷ trước CN,) nên ngày nay ở Việt Nam vẫn còn thói quen coi Quản Tử là sách của Quản Trọng, nhất là khi đọc Kinh Thư Diễn Nghĩa của Lê Quí Đôn, thấy có nhắc đến sách Quản Tử nói về phép trị nước.

2) ”Thụ nhân” về mặt văn tự :

Khi dùng chữ kép Hán-Việt “thụ nhân”, chúng ta liên tưởng, một cách tự nhiên, đến nghĩa Việt Nam của nó là “trồng người“. Nhưng thật ra, muốn thấu hiểu thế nào là “trồng người“ thì không thể không đi ngược lên khởi nguyên – cả về văn tự lẫn ngữ nghĩa – của từ kép (chữ Hán) “shù rén”, đọc theo cách Việt Nam là “thụ nhân“. Làm như vậy chẳng phải là vẽ rắn thêm chân, bày chuyện (dù rằng chẳng thể nói hết trong một bài viết ngắn). Cách nghiên cứu hơi mất công này có dụng ý loại bỏ xu hướng “đại khái chủ nghĩa“ khi tìm hiểu tư tưởng của người thời xưa, đồng hóa máy móc tư tưởng này với tư tưởng người thời nay. Để hội nhập được với dòng suy tư cổ thì ít nhất cũng phải có, hay ít nữa, phải tạm thời mượn tâm hồn cổ, để hiểu được ngôn ngữ cổ và tiếp thu được nội dung ngôn ngữ cổ. Nhờ đó, mới tạo được đà đổi mới, có sức đi xa mà tiến mạnh về tương lai. Bỏ công tìm hiểu quá khứ không hẳn là ưa chuộng điều phù phiếm. Phong trào “Phục hưng” của châu Âu không là gì khác hơn sự quay về tiếp thu có chọn lọc di sản tinh thần Hy-La.

Trở lại việc tìm hiểu chữ Hán và chữ Hán-Việt, nói chung, đoạn viết sau đây của Lê Ngọc Trụ, một trong hai người soạn ra quyển “Việt Nam Tự điển”, đáng chú ý: “Con người dùng tiếng nói trao đổi tư tưởng với nhau đã có từ rất lâu, từ khi có nhân loại ; dấu hiệu tượng trưng và chữ viết chỉ được bày để ghi lại tiếng nói, mới vào khoảng năm ngàn năm nay: Dấu vết còn lại được thấy bằng nét vẽ, dấu hiệu thô sơ trên đá, trên xương, trên đất hầm và đồ đồng.Và lối chữ tượng hình, biểu ý cũng có trước rất lâu hơn lối chữ tiêu âm, ráp vần. Tiếng nói ra rồi mất, và ngôn ngữ,cùng với thời gian dễ biến thiên; nhiều tiếng cổ, tiếng xưa ta không còn biết nữa, nhiều từ ngữ đã không còn dùng hoặc lỗi thời. Chữ viết lưu lại dấu vết, ghi đuợc phần nào tiếng nói, nên tuy chữ viết có sau tiếng nói, lại là tài liệu cụ thể giúp ích ta tìm biết được những từ ngữ cổ xưa” (8). Chữ “Thụ Nhân” (9) thuộc từ ngữ cổ của Trung Quốc. Về chữ viết của từ ngữ này, theo Lê Ngọc Trụ thì “Chữ Hán, dùng gọi chung cho lối chữ thông dụng tại Trung Quốc là lối chữ biểu ý. Từ lối chạm vẽ thô sơ thời Tam Hoàng Ngũ Đế, thời Nghiêu Thuấn, lối đại triện khoa đẩu tự (10) của Thái sử Trụ đời Châu (khoảng thế kỷ III Tiền), lối tiểu triện của Lý Tư đời Tần Thủy Hoàng đến lối khải thư đời Tấn thông dụng đến ngày nay, chữ Hán đã thay đổi biến thiên rất nhiều, từ hình thể đến sự cấu kết các “bộ” (11) để thành một chữ” (12).

Trong một tài liệu nghiên cứu Hán văn dành cho y học Đông phương, chỉ lưu hành nội bộ (13), lùi xa hơn nữa về thượng cổ, ông Huỳnh Minh Đức, dịch giả cuốn Trung Quốc Triết học Sửcủa Hồ Thích (?) đã trích dẫn một câu trong Hệ-từ hạ truyện nói về lịch sử hình thành Hán tự như sau : ‘‘Thượng cổ kết thằng nhi trị, hậu thế thánh nhân dịch chi dĩ thư, khế’’nghĩa là: Người thời thượng cổ kết dây để trị, thánh nhân đời sau thay bằng thư, khế.’’ Kết dây là một phương pháp buộc dây thành nút mà một dân tộc chưa phát minh được văn tự dùng để thay ký ức. Thư là văn tự đã được viết ra, còn khế là những ký hiệu khác trên gỗ hay trên xương thú, vẽ ra tự dạng để dần dần đi tới văn tự Với cách nhìn của Lê Ngọc Trụ, ta hãy thử tìm hiểu “Thụ Nhân” về mặt văn tự. Nhưng trước đó, cần có một cái nhìn tổng quát về sự cấu tạo của chữ Hán.

Khác với chữ quốc ngữ của ta chỉ ghép vần để biểu âm, chữ Hán phức tạp hơn, chia làm hai loại “văn” và “tự“. Văn là những hình vẽ. Tự là một thể phức hợp văn với thanh, văn với ý v.v. Văn và tự được xếp thành sáu loại chữ (lục thư), đó là:

a) Chữ “tượng hình” là chữ vẽ nên vật, nương theo hình thể mà ra (pictogramme, pictogram), thí dụ:

Sơn (山) : núi; Mộc (木): cây; Thủy (水 ): nước v.v.

b) Chữ “chỉ sự’’ trông mà biết, xem thấy rõ ý (symboles indicatifs, indicative symbols, idéogramme),

TD: Thượng (上 ): trên; Hạ (下) : dưới; Trung (中): giữa v.v.

c) Chữ “hình thanh” (còn gọi là hài thanh) gồm một phần chỉ hình và một phần chỉ âm, góp lại thành nghĩa (complexes phoniques, phonetic complexes, ideophonogrammes), thí dụ (河), gồm bộ thủy

sshot-3, nước để bên cạnh chữ khả 可, chỉ âm, họp thành. Nghĩa của chữ này là sông;

chữ Văn (蚊),

gồm bộ trùng  虫–côn trùng – và chữ văn 文 chỉ âm, họp thành. Nghĩa của chữ này là con muỗi.

d) Chữ “hội ý“, phối hợp hai hay nhiều chữ căn bản để làm thành một chữ mới (agrégats logiques, logical aggregates), thí dụ:

Tiên (仙), gồm có Nhân (人) và Sơn (山) (người trên núi) nghĩa là tiên, chữ Lâm (林) : rừng, gồm hai chữ mộc (), cây, nghĩa là nhiều cây họp lại thành rừng.

e) Chữ “chuyển chú’’ viết gần giống nhau nhưng nghĩa có thể khác nhau, nhiều hoặc ít, (transferts de sens, Interpretation), thí dụ

Lão (老), già hay Khảo (考), sống lâu.

f) Chữ “giả tá’’ mượn một chữ rồi đọc hơi khác hay viết hơi khác để làm ra một chữ mới với một nghĩa khác (faux emprunts, false borrowing), thí dụ Lệnh (令) , nghĩa cổ là “tốt”. Nghĩa mới là chỉ thị của người trên ban xuống cho người dưới, hay Trường (長), nghĩa cổ là người đầu có tóc mọc dài, nghĩa mới là dài, lâu dài, và còn có thêm hai âm hơi khác nữa là trưởngtrượng.

Mấy ý kiến tóm lược về chữ Hán ở trên sẽ giúp hiểu được thế nào là “trồng người“ theo nghĩa của chữ kép “thụ nhân”. Hai đồng tác giả quyển tự điển “Hán tự Tố nguyên” (Tìm về cội nguồn chữ Hán) là Lý Lạc Nghị và Jim Waters đã “giải tự” chữ thụ và chữ nhân như sau:

a) Chữ Thụ (樹) có nghĩa gốc là “trồng cây”. Theo sách Quảng Nhã (Từ điển biên tập vào thời Tam Quốc) thì “thụ“ là “trồng”(thụ, chủng dã). Các chữ “thụ“ thời cổ nhất, tìm thấy trên giáp cốt hay trên đá cổ đều là “cánh tay người giữ một mầm cây trồng xuống”, kèm với chữ đậu (豆), chữ thốn (寸) chỉ âm.

Kinh Thi có câu “cây non mềm yếu, quân tử vun trồng” (nhẫm nhiễm nhu mộc, quân tử thụ chi 荏染柔木,君子树之)

clip_image044_thumb

Hình 1.- Chữ ‘‘Thụ’’ viết bớt nét (giản thể) và đủ nét (phồn thể) từ cách biến trên xương, trên đá, đến cách viết bằng vật cứng có đầu nhọn, bút lông và viết thảo.

b) Chữ Nhân ( 儿hay 人) là thí dụ điển hình của loại chữ tượng hình. Trên xương thú hay các đỉnh, vạc có ghi cổ tự (13), chữ nhân là hình một con người đứng nghiêng, giơ tay ra phía trước. Từ lệ thư (14) trở đi, chữ Nhân đã bắt đầu có những thay đổi, đến khải thư (15), hai nét dưới của chữ Nhân giống hai chân của con người.

clip_image056_thumb

Hình 2.- Chữ ‘‘Nhân’’ tượng hình qua các cách viết khác nhau.

c) “Thụ nhân” là một từ kép do hai chữ thụ (tự) và nhân (văn) họp thành. Điều đáng nói ở đây là cách ghép chữ đặc biệt của Hán tự mà Kyril Rijik đã phân tích trong tác phẩm của ông, quyển “L’idiot chinois” (Trung Quái, Quyển I, Nxb Payot, Paris, 1983) dưới đề mục “Những từ tổ” (Les expressions de plusieurs caractères”), hiểu một cách nôm na, là những nhóm tiếng do nhiều chữ họp lại. Kiril Ryjik dành một phần quan trọng nói về loại nhóm tiếng hai chữ ông gọi là “” (tiếng Hán-Việt là “từ”). Ông trích dẫn ý kiến của một nhà Trung quốc học người Pháp nổi tiếng ở cuối thế kỷ19, Jacques Gernet, theo đó về mặt “từ” (nhóm chữ có giá trị như một thành ngữ), tiếng Hán có cả một kho tàng vô tận những công thức kép – hai chữ họp lại, Cì (từ) – mà các nhà thơ, các nhà đạo học hay các nhà bác học, đời này qua đời khác, đã sáng tạo ra. Rồi Kiril Ryjik dùng một thí dụ để trình bày nét đặc thù của lối diễn tả bằng “từ”này như sau : ‘‘Ở Trung Quốc có một thứ nấm mọc ra trên gỗ mục, ăn được, tiếng Hán gọi là “mùer”, tiếng Việt là “mộc nhĩ ” (mộc (木), cây; nhĩ (耳), tai) tức là nấm tai mèo hay nấm mèo. Lẽ ra hai chữ mộc và nhĩ nên họp lại thành một chữ, thí dụ (木耳),với một cách đọc khác, để gọi tên cho nấm tai mèo, nhưng tiếng Hán không có chữ này mà chỉ có hai chữ viết riêng biệt, mộcnhĩ, mỗi chữ vẫn giữ nghĩa riêng và độc lập của nó. Đó là công thức hai chữ, gọi là “từ”. Dưới góc độ nhìn của Kiril Rijik, ta có thể cho rằng “thụ nhân” có ba thành tố: “tự” (chữ thụ)+ “văn” (chữ nhân) + “từ”(cả hai chữ thụ nhân). Chuyển sang tiếng Việt, từ kép Hán Việt “thụ nhân” trở thành từ kép Hán-Việt “trồng người”. Do đó, “trồng người” lệ thuộc vào cái gốc “thụ nhân” với nội dung Hán-Việt đồng thời với cả nội dung Hán “shù rén” nữa; bởi thế, muốn hiểu được từ kép “trồng người”, sau cùng, không thể không quy chiếu vào gốc Hán của nó.

3) “Thụ nhân” về mặt ngữ nghĩa : Từ kép “shù rén”, và từ kép Hán-Việt “thụ nhân”, về mặt văn tự, giống nhau hoàn toàn, nhưng về mặt phát âm thì lại khác nhau: “shù rén” (Hán), được Việt hóa thành “thụ nhân” và còn đẻ thêm ra một từ kép một trăm phần trăm Việt nữa, đó là “trồng người”. Nhưng sự khác biệt không phải chỉ có bấy nhiêu; có thể rất nhiều, phải mất công tìm kiếm mới thấy rõ được. Trong dòng thời gian, “shù rén” với “thụ nhân” ngày càng xa cách nhau, cắt đứt liên hệ với “shù rén”, thì “trồng người” kể như không còn quá khứ. Như một người ở đầu sông, một người ở cuối sông trong một bài thơ Đường :

“Chàng ở đầu sông Tương

Thiếp ở cuối sông Tương

Cùng uống chung nước sông Tương

Nhớ nhau mà không nhìn thấy nhau.”

Phải ngược dòng sông Tương cho hai thành ngữ Hán và Hán-Việt nhìn thấy nhau! Người ta nói ngôn ngữ là cửa sổ của tâm hồn. Điều này có nghĩa là tâm hồn thể hiện qua ngôn ngữ, ngôn ngữ gắn liền với tâm hồn. Muốn thấu hiểu được một ngôn ngữ, ít nhất cũng phải vào được tâm hồn của ngôn ngữ đó. Bà Anne Cheng, người đã dịch Luận Ngữ ra tiếng Pháp, có nêu lên trong tác phẩm của bà biên khảo về tư tưởng cổ đại của Trung Quốc “Lịch sử Tư tưởng Trung Quốc” (Histoire de la pensée chinoise, Seuil, Paris 1997), một số ý kiến [dưới đây chỉ chọn mấy ý kiến tiêu biểu] giúp cho người đọc bước vào được tâm hồn ngôn ngữ Hán cổ, đại lược như sau: Thứ nhất, tư tưởng cổ Trung Quốc là loại tư tưởng dễ dàng đưa thẳng ngay vào vật hay việc (pensée de plain-pied) (16). Thứ hai, ngôn ngữ cổ Trung Quốc không có nhiều khả năng miêu tả hay phân tích mà chỉ là những công cụ chuyên chở thuần túy [những véc tơ, hoặc nói theo ngôn ngữ Phật học, những bè để chở qua sông, những ngón tay chỉ mặt trăng], không vụ thuyết minh về mặt lý thuyết, vấn đề hay người nói, hay đối tượng của lời nói, như những loại ngôn ngữ ở châu Âu. Thứ ba, thay vì cảm nhận, suy luận bằng những khái niệm, các nhà tư tưởng Trung Quốc chỉ khởi đi ngay từ những ký hiệu của chữ viết, nhất là những ký hiệu này lại còn có tính chất bói toán (divinatoire), ma thuật (magique). Không phải như vậy là ngôn ngữ cổ của Trung Quốc chỉ là một dây móc xích (concaténation) nối liền những dấu phiên âm vô nghĩa lại với nhau. Đối với các nhà tư tưởng Trung Quốc thời cổ, mỗi dấu hiệu đó, tự nó là một đơn vị độc lập, có nghĩa riêng, có một sức sống riêng. Thứ tư, vì đặc tính của chữ viết Trung Quốc [xem ở trên đoạn nói về lục thư], tư tưởng cổ Trung Quốc, khi dùng chữ viết đó để diễn tả, đã đi thẳng ngay hẳn vào trong thực tại (s’inscrit dans le réel) thay vì chồng chất lên thực tại (s’y superposer). Vì vậy, tư tưởng này không giữ một khoảng cách với thực tại nhằm tạo ra những đối tượng quay lại quan sát thực tại, phê phán thực tại, mà nằm ngay trong lòng thực tại để cảm nhận được thực tại (Anne Cheng, sđd, xem từ trang 31).

Những gì đã được trình bày hơi dài dòng ở trên, trước khi tìm hiểu văn tự và ngữ nghĩa của “thụ nhân”, thật ra chỉ mới là ít điều sơ đẳng – không phải đã là một thiên khảo cứu – về ngôn ngữ và tư tưởng cổ của Trung Quốc. Đi con đường vòng này là để tránh không lạc vào những ngã rẽ mong tìm hiểu, một cách trừu tượng, nghĩa gốc của từ kép “thụ nhân”, như là một “khái niệm” về “trồng người”. Ở điểm khởi đầu, “thụ nhân ; trồng người” chưa là một khái niệm, chỉ mới là những trường hợp cụ thể riêng lẻ, như đã được tượng hình trong chữ “thụ”: một động tác bàn tay cầm một mầm cây trồng xuống đất (xem hình số 1).

Nếu tạm chấp nhận lời lưu truyền, theo đó tác giả của câu Thụ Nhân là Quản Trọng, thì câu này đã có tuổi thọ tính đến nay gần 3000 năm. Vậy mà dường như những động tác “shùrén thụ nhân–trồng người” riêng lẻ chưa bao giờ được quy nạp thành một hình thức tư duy, mang trong nó đầy đủ những thuộc tính chung, hình thức có tên gọi triết học là một khái niệm. Cuộc hành trình dọc theo “con đường Thụ Nhân” này, xuyên qua thời đại, xuyên qua hai môi trường xã hội Hoa và Việt, từ cổ đại qua trung đại tới hiện đại, chắc chắn đã tích lũy không ít kiến thức về động tác “trồng người” mà chỉ có một khán pháp lịch đại (diachronique) mới thâu tóm được. Nhưng dưới đây chưa phải là một cuộc du hành lịch đại. Với chùm chìa khóa, những bảng chỉ đường của Anne Cheng, dưới ánh sáng liên ngành, (ngữ văn học [philologie], nhân chủng học [anthropologie], sử học [histoire], triết học [philosophie] v.v.) người du hành sẽ chọn một vài phong cảnh, dừng chân quan sát và suy ngẫm.

Bây giờ đã có cơ sở để mang tới cho câu hỏi “trồng người là gì?” nêu lên ở đầu bài này hai câu trả lời. Đây sẽ không có những định nghĩa của một khái niệm trồng người. Mà chỉ là hai cách, từ nhiều góc độ nhìn khác nhau, tiếp cận vấn đề “trồng người”.

a)“Trồng người” là tài nghệ dùng người của quân vương:

Một tác giả Việt Nam – Phạm Tất Đắc – đã dịch quyển Quản Tử mà một tác giả khác – Vũ Khiêu – đã trích dẫn trong quyển Đức trị và Pháp trị trong Nho giáo, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1995, một câu Thụ Nhân dài hơn câu thường được lưu truyền, như sau:

“Kế hoạch một năm không gì hơn trồng lúa; kế hoạch mười năm không gì hơn trồng cây; kế hoạch chung thân (suốt đời) không gì bằng trồng người. Trồng 1 thu 1, đó là cây lúa, trồng 1 thu 10, đó là cây (ăn quả); trồng 1 thu gấp trăm, đó là người. Ta thử trồng đi, công dụng như thần. Cử sự như thần, đó là đường lối của quân vương. (Quản Tử, thiên 3: Quyền tu, Quản Tử quyển 1, Phạm Tất Đắc biên dịch, Việt Nam Quốc học tùng thư, tr.53), (17). Câu trích dẫn này tuy có xuất xứ đi kèm nhưng không có những chỉ dấu chính xác về nguyên bản nên khó có thể có một mức độ tuyệt đối đáng tin cậy. Vì vậy chỉ có thể tiếp thu câu này với tinh thần tồn nghi. Cũng với sự dè dặt này ta đi sâu hơn nữa vào hướng tìm hiểu tư tưởng của Quản Trọng, dĩ nhiên dưới khía cạnh liên quan tới vấn đề trồng người. Và cũng sẽ chỉ chú trọng vào đỉnh cao của sự nghiệp của nhân vật lịch sử này là đã dựng nên được nghiệp “bá” cho vua Tề Hoàn Công.

Vậy “bá” là gì ? Bá tuy viết bằng chữ quốc ngữ, chữ thuần túy biểu âm, chỉ có một chữ thôi, nhưng viết ra thành chữ Hán- Việt thì lại có rất nhiều chữ bá (hơn 10 chữ như bá phụ, bá cáo, bá tính, bá chủng, bá quyền v.v.) với nhiều nghĩa khác nhau, dùng bộ thủ của mỗi chữ mà phân biệt. Ở đây sẽ chỉ nói đến chữ bá (霸), bộ Vũ với nghĩa rất cổ xưa là người đứng trùm – minh chủ (minh đây không phải là sáng mà là liên minh, đồng minh) – các nước chư hầu để liên hệ với thiên tử, như ngày xưa ở Trung Quốc trước CN, thời Xuân Thu, có “Ngũ bá”, đó là Hoàn Công nước Tề, Văn Công nước Tấn, Mục Công nước Tần, Tương Công nước Tống, Trang Vương nước Sở; cuối thời Xuân Thu có Ngô Vương Phù Sai nước Ngô, Việt Vương Câu Tiễn, nước Việt. Mạnh Tử nói : “Người dùng sức mạnh mà mượn tiếng để làm điều nhân thì gọi là “bá”.

Muốn hiểu rõ thêm thế nào là “bá” (ở đây sẽ không bàn rộng về bá, chỉ nói sơ qua vài nét đậm liên quan đến bá có thể giúp hiểu rõ việc trồng người) có thể quy chiếu vào thiên Vương Bá của sách Tuân Tử trong đó, bá đạo được định nghĩa như sau: “Đức tuy chưa đến cùng cực, nghĩa tuy chưa nên hẳn, song cái lý của thiên hạ cũng đại khái tiến hành, việc thưởng phạt đã định ra sao thì giữ đúng như vậy để làm tin cho thiên ha, kẻ bầy tôi ở dưới đều hiểu rõ mà biết những điều có thể cầu mong. Cái chính lệnh đã bày ra thì dầu thấy rõ điều lợi của mình hỏng, cũng không lừa dối người. Như thế thì binh mạnh, thành bền, địch quốc sợ mình, cả nước một nền, dân với nước đều tin ”. Nói cách khác, bá là những ông vua, tuy chỉ cầm đầu một nước chư hầu, nhưng biết dùng người hiền, có chính sách khéo léo, làm cho dân giầu, binh mạnh, uy hiếp được các chư hầu khác mà đứng trùm. Quản Trọng, trong bộ gọi là bá của ông như sau : Phải tôn quân vì vua là người đặt ra pháp luật, nếu không tôn quân thì nước không yên được, cái “thế” nó như vậy. Yêu dân không phải vì dân mà vì vua; có yêu dân, dân mới quy thuận đông và vua mới mạnh. Phải tôn trọng Luật, Lệnh, Hình, Chính. Luật là để định phận cho mỗi người, khiến dân không còn tranh nhau nữa; lệnh là để cho dân biết việc mà làm; hình là để trừng trị mà phải xứng với cái danh thì kẻ có tội mới không oán, kẻ thiện mới không lo sợ; chính là sửa cho dân theo đường phải (Xem Giản Chi & Nguyễn Hiến Lê, Đại cương Triết học Trung quốc, từ trang 581). Nếu quả thật Quản Trọng là tác giả của câu Thụ Nhân thì nghĩa nguyên thủy của câu này phải tìm hiểu trong khuôn khổ chính sách bá đạo nói trên. Và như vậy, vấn đề trồng người trước hết là việc biết khôn khéo dùng người để phục vụ vua. Tất cả cho vua, tất cả vì vua. Con người không phải là cứu cánh, mà là phương tiện.Vậy trong viêc trồng người thì trồng là chủ yếu, còn người chỉ là sản phẩm sinh lợi cho vua, “trồng 1 lời gấp trăm” (xem ở trên). Tưởng cũng nên mở một dấu ngoặc. Chữ “bá” ngoài nghĩa cổ như đã trình bày ở trên, còn có hai nghĩa khác nữa. Ở phương Tây, không bị gắn liền với quân chủ như ở Trung Quốc, chữ “bá” dùng để dịch chữ hégémonie, gốc Hy Lạp là hêgemônia xuất phát từ chữ Hêgemôn (trùm trưởng), chỉ tình trạng có ưu thế chính trị ở trong thành quốc (cité) hay liên-thành-quốc (amphictyonie). Riêng ở Việt Nam, chữ “bá” cũng có một nghĩa đặc biệt, dùng để chỉ một thứ quyền lực ưu việt của đảng cộng sản, ảnh hưởng quyết định rất mạnh đến việc trồng người, điều ít người để ý tới. Quyền lực đó được gọi là “bá quyền của giai cấp vô sản” (hégémonie du prolétariat, hegemony of the proletariat) mà văn hóa phẩm cộng sản, quyển “Từ điển Triết học giản yếu”(Nxb Đại học và Trung học Chuyên nghiệp, Hà Nội, 1987), định nghĩa như sau: “Vai trò lãnh đạo cách mạng thuộc về giai cấp vô sản trong khối liên minh các giai cấp, tầng lớp và tập đoàn xã hội, hợp nhất với nhau vì lợi ích chung trong cách mạng dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa, trong các phong trào giải phóng dân tộc, trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Nó được quyết định bởi sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản là giai cấp tất yếu phải xóa bỏ mọi áp bức dân tộc và bóc lột giai cấp, là giai cấp đào huyệt chôn chủ nghĩa tư bản và là lực lượng lãnh đạo trong việc xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Cơ sở bá quyền của giai cấp vô sản là liên minh công nông. Sau cách mạng xã hội chủ nghĩa, xuất hiện hình thức mới của bá quyền của giai cấp vô sản: chuyên chính vô sản.”(tr. 30). Suốt từ khi cầm quyền ở Việt Nam đến nay, đảng cộng sản luôn luôn giành bá quyền trong xã hội, vì hệ tư tưởng cộng sản đã định nghĩa đảng cộng sản là một tổ chức bá quyền, trong quá khứ cũng như ở hiện tại và cả về tương lai. Phần lớn những người cầm quyền nòng cốt hiện nay, trước đây, là những cây non, (thiếu nhi quàng khăn đỏ, cháu ngoan bác Hồ) được trồng từ đầu thế kỷ, theo đúng kế trăm năm, kế chung thân. Nhưng vào thời điểm đảng cộng sản ươm cây, trồng cây (cuối thập niên 20, đầu thập niên 30), chẳng ai nghĩ tới sau này đảng cộng sản thu lợi bằng cách cầm quyền đã hơn nửa thế kỷ.

b) “Trồng người” là dọn một vùng đất tốt để trồng mầm cây ‘‘Quân Tử ” :

Chủ trương lấy quyền lợi của quân vương làm cứu cánh cho việc trồng người, coi “trồng” quan trọng hơn “người”, rất thịnh hành thời “ngũ bá” vì các vua các nước chư hầu (có tới hàng vạn) của nhà Chu ai cũng muốn nâng cao quyền lực của mình để cạnh tranh với thiên tử (nhà Chu). Tình trạng hỗn loạn tranh đất, tranh người, tranh của để tranh quyền, coi rẻ con người kéo dài hàng mấy thế kỷ, đã thúc đẩy sự ra đời của một chủ trương phản ứng ngược, đề cao giá trị con người – bất luận là vua quan hay là dân – với ý chí đưa con người lên hàng một giá trị tuyệt đối ở ngay trong cõi đời. Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê cho rằng Khổng Tử chính là người đã mở đầu cho biến chuyển lớn này và “bình minh của triết học Trung Hoa xuất hiện từ nước Lỗ” (nơi sinh của Khổng Tử). Không phải là không có lý do mà hậu thế đã dành cho Khổng Tử danh hiệu “người thầy của muôn đời”. Ít ra Khổng Tử cũng đã có hai cống hiến lớn lao cho “muôn đời” đó là, thứ nhất, sự khám phá của con người về chính mình và về đồng loại và, thứ hai, sự tạo dựng nên một mẫu người lý tưởng: “Quân Tử”.

Con người đối với Khổng Tử là một thực thể hữu vi, không xuất thế mà nhập thế. Nhưng con người không phải chỉ là một cá thể, nó bị ràng buộc với đồng loại, bằng những tương quan có tên gọi là “nhân”, không phải là nhân (văn), nghĩa là con người, mà là nhân (仁) (tự, gồm có bộ nhân đứng + nhị là hai, tức là hai người), nghĩa là lòng nhân ái giữa người với người. Sách Trung Dung có câu “Nhân giả nhân dã” (仁 者 人  也) (18) nghĩa là lòng nhân ái là con người. Tức là người là lòng nhân ái, con người phải lấy lòng nhân ái để đối xử với đồng loại.

Người thời nay thường chê Khổng Tử không có trình độ của những triết gia Hy Lạp, La Mã, vì đã không hệ thống hóa được tư tưởng của mình. Quả thật Khổng Tử chưa đề xuất được một khái niệm “Nhân” trọn vẹn. Trong sách Luận Ngữ, tính ra chữ Nhân được nhắc đến hơn 100 lần và bàn luận trong 58 đoạn, nhưng vẫn không thấy Khổng Tử định nghĩa một cách toàn bộ chữ Nhân, chỉ thấy Khổng Tử khi học trò hỏi về điều Nhân, đã trả lời nhiều lối khác nhau, tùy theo trình độ của mỗi người. Tưởng cũng nên tương đối hóa lời chỉ trích này. Những đặc tính của tư tưởng cổ, ngôn ngữ cổ của Trung Hoa – trong một đoạn ở phần đầu bài này có nói tới – đã làm cho cách suy nghĩ và diễn tả Đông và Tây khác hẳn nhau. Việc những lời thuyết minh của Khổng Tử về chữ Nhân không được quy nạp thành khái niệm, chưa hẳn đã là một điều sút kém. Chính vì không bị gò bó trong khuôn khổ của một khái niệm trừu tượng mà sức sống cùng tuổi thọ của tư tưởng Khổng giáo đã rất cao, như lịch sử đã chứng tỏ. Về chữ Quân Tử, đã có rất nhiều bàn cãi. Thật ra Quân Tử không phải là những con người đã hiện hữu đầy đủ bằng xương bằng thịt ở cõi đời, mà chỉ là một mẫu người lý tưởng(archétype) để mang lại cho con người một tính thể (essence). Khổng Tử – thường tự xét mình chưa đủ làm người Quân Tử – muốn đem mẫu người này đối chiếu với đối cực của nó là Tiểu Nhân để dẫn dắt con người, bằng tu dưỡng và nhờ môi trường xã hội tốt, hoàn mỹ nhân cách của mình. Môi trường mà Khổng Tử ví như một vùng đất tốt để trồng những mầm cây Quân Tử, những con người có bản lãnh thắng bản năng của một sinh vật, chịu tu thân để sửa mình, giữ nhà, cai trị đất đất nước, mưu hòa bình cho thiên hạ (19)ï. Khi được vua nước Lỗ, Ai Công, hỏi về chính trị, Khổng Tử đáp: “Nhân đạo mẫn chính, địa đạo mẫn thụ” ( 人 道 敏 政,地 道 敏 樹) (20). Câu này ý nói rằng người cầm quyền có tài đức giúp cho chính trị được thịnh đạt, giống như đất tốt làm cho cây mọc tốt tươi. Nói cách khác, chính trị là tạo ra một môi trường xã hội cai trị bằng đạo đức, lễ nghĩa không cần phải dùng pháp luật, hình phạt. Muốn được vậy, phải làm cho xã hội thành một vùng đất tốt để trồng được những mầm cây đức trị mà mẫu lý tưởng là Quân Tử. Chính để quảng bá chủ trương trồng người đó mà Khổng Tử đã bỏ nước Lỗ, cùng với học trò đi khắp các nước xung quanh quê hương mình, du thuyết trên 10 năm, cổ võ cho nền chính trị nhân nghĩa, vua phải ra vua, tôi phải ra tôi, cha phải ra cha, con phải ra con, theo gương của nhà Chu.

Không phải ở Trung Hoa cổ đại, vào thời Xuân Thu, Chiến Quốc, chỉ có tư tưởng của Quản Trọng và Khổng Tử là đáng kể. Nhưng trên đây chỉ nhắc đến hai luồng tư tưởng này là vì hai luồng tư tưởng ấy giúp cho người đời sau nhận biết được bước phát triển khởi đầu của việc “trồng người”, từ mưu thuật bá đạo, lấy con người làm phương tiện phục vụ quân vương, chuyển qua chủ trương vương đạo, đưa con người lên hàng cứu cánh, vua cùng với dân, theo cung cách riêng, chung sức tạo dựng một môi trường xã hội – sách Trung Dung gọi là mẫn chính (敏 政) – làm đất mọc tươi tốt cho những mầm cây nhân giả – sách Trung Dung gọi là mẫn thụ ( 敏 樹) – , vươn lên thành những đại thụ Quân Tử. Việc trồng người đã nhảy một bước nhảy vọt để trở thành việc bồi dưỡng nhân cách, xác lập nhân văn, đặt định nhân bản cho loài người. Pháp trị và nhân trị, là sự thể hiện kinh nghiệm trồng người, trải qua các thời đại, của tư tưởng cổ của Trung Quốc, tư tưởng mà người Việt đã tiếp thu từ buổi rạng đông của lịch sử.

Tìm lại gốc Hán của từ kép Thụ Nhân là mang tới cho từ kép “trồng người” một bề dày lịch sử gần 3000 năm của cả hai xã hội Trung Quốc và Việt Nam. Bất quá cũng chỉ là việc người cuối sông đang xuôi dòng, tiếp tục cuộc hành trình trồng người bất tận, nhớ đến người đầu sông.

Thay lời kết luận : Cắm mốc cho lý tưởng Thụ Nhân:

Ngược dòng thời gian, tìm về gốc Hán Shù rén của Thụ Nhân thật ra chỉ là một cuộc hành hương đi thăm một phong cảnh văn hóa cũ của thời Xuân Thu, Chiến Quốc, thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên. Nhân loại nay đã bước qua ngưỡng cửa của thiên niên kỷ thứ ba sau Công nguyên. Shù rén đối với người Việt Nam nay đã trở thành “Shù rén–thụ nhân–trồng người”. Biết bao nhiêu diễn biến, nên có một cuộc hành trình xuôi dòng thời gian – một cuộc tra vấn “lịch đại” – để kiểm điểm và quy kết một cách nghiêm túc. Trong khi chờ đợi, ngay từ bây giờ tưởng cũng đã có thể nêu lên ít nhiều mạch suy nghĩ cho cuộc tra vấn này:

Một mặt, phải ôn tập bài học trồng người thời Xuân Thu, Chiến Quốc để xem trong việc trồng người, “trồng” quan trọng hơn “người” hay, ngược lại, “người” quan trọng hơn “trồng”. Nếu là “trồng” thì ai trồng, trồng cho ai và trồng như thế nào, trên đất nào? Nếu là “người” thì “người” là gì, phải coi “người” là cứu cánh hay chỉ là phương tiện?

Mặt khác, có thể xác định được thời điểm cũng như cách thức người Việt tiếp thu tư tưởng Shù rén hay không?

Ngoài ra, cuộc giao tiếp của người Việt Nam với phương Tây đã mang lại cho tư tưởng Shù rén này một số yếu tố ngoại sinh về “trồng” người (giáo dục: nhân bản cổ điển, khoa học), về “người” (con người tôn giáo – Thiên chúa giáo -, con người cá thể). Trong sự giao tiếp đó, tư tưởng Shù rén đã được bổ sung như thế nào?

Sau hết, thực trạng việc trồng người hiện nay ở Việt Nam ra sao (qua Điều lệ Đảng Cộng Sản Việt Nam, Hiến Pháp 1992 đã sửa đổi năm 2001, Luật Giáo dục số 11/1998 QH10).

*

Từ lâu, Thụ Nhân đã thành một truyền thống. Nhưng không vì thế mà truyền thống này sẽ tồn tại vĩnh viễn. Nó vẫn có thể bị thời gian chôn vùi nếu không được nuôi dưỡng. Truyền thống, theo nghĩa phương Đông (quy về một mối để trao truyền) hay nghĩa phương Tây (tradition, gốc la tinh tradere = chuyển giao) đều ngụ ý phải có người trao, vật trao và người nhận. Sự trao truyền phải trực tiếp từ thế hệ sắp qua, thẳng cho thế hệ đang tới, không thể truyền trao theo cách “nhảy cừu”. Truyền thống không có nghĩa là phải tuyệt đối bảo thủ, mà phải có phần sáng tạo, đến mức, nếu thiếu phần sáng tạo sẽ chẳng còn truyền thống. Chính vì vậy mà đối với người thời nay khái niệm truyền thống đã nhường bước cho ý niệm di sản tinh thần để bảo thủ có thể chung sống với sáng tạo mà cùng tồn tại.

Các cựu sinh viên Viện Đại Học Dalat là những người thừa kế di sản tinh thần Thụ Nhân trong những điều kiện đặc biệt, nghĩa là trong cuộc sống lưu vong. Các động tác thụ nhân trước đây của trường nay tất phải bị giảm trừ thành lý tưởng. Đã là lý tưởng thì chỉ còn là những hình tượng trong tư tưởng về Thụ Nhân. Nhưng việc truyền trao cho thế hệ kế tiếp thì không thể giảm trừ. Nó lại mang một ý nghĩa tinh thần cao cả. Đầu tư suy nghĩ để khai quật những gì còn bị cất dấu, xiển dương những gì đã hiển lộ, tài bồi tư tưởng nhân nghĩa bằng tư tưởng nhân bản cổ điển hấp thụ từ phương Tây, đó là những dấu mốc có thể cắm trên đoạn đường Thụ Nhân đi tới tương lai mong ước.

——————-

1) [câu Thụ Nhân chữ Hán]

clip_image076_thumb

(2) Thụ Nhân, 3/5/1995, Hội Ái Hữu Đại Học Dalat vùng Hoa Thịnh Đốn, tr. 13

(3) Thụ Nhân, Bản tin của Hội Ái Hữu Viện Đại Học Đà Lạt tại Âu Châu, tháng 05-2002, tr.1

(4) Lý Lạc Nghị và Jim Waters, đồng tác giả quyển Hán Tự Tố Nguyên, Tìm về cội nguồn chữ Hán, đã ghi trong phần “Các tài liệu tham khảo” rằng sách Quản Tử ở trong Tổng tập về Quản Trọng do Lưu Hướng biên tập. Theo Giản Chi & Nguyễn Hiến Lê, Lưu Hướng tên là Cảnh Sinh, tự là Tử Chính, sinh năm 77 trước CN, thời Hán Chiêu Đế.

(5) Yin Yong Yu Cidan, Dẫn Dụng Ngữ Từ Điển, Tứ Xuyên Xuất bản Cục xã, 1994, tr. 536.

(6) Có một luồng dư luận nói rằng Mao Trạch Đông là người đã đổi “chung thân chi kế” thành “bách niên chi kế”. Hồ Chí Minh đã sao chép Mao Trạch Đông khi phổ biến câu Thụ Nhân ở Việt Nam. Theo Lê Đình Thông, ‘‘Năm 1958, Viện Đại Học Dalat được thành lập.Cũng năm 1958 (ngày 13-9), Hồ Chí Minh tuyên bố trước 3000 giáo viên miền Bắc : ‘‘Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người’’. Hôm sau, nhật báo Nhân Dân chạy tít lớn chủ trương ‘‘Trồng Người.’’(Đặc san Thụ Nhân Âu Châu 2001, tr. 195).

(7) Xem ở dưới.

(8), Lê Ngọc Trụ, Lối Đọc Chữ Hán, trong Trần Văn Chánh, Từ Điển Hán Việt, Phụ lục III, tr. 2335, Saigon, Nhà xuất bản Trẻ, 1999.

(9) Cần phân biệt “Thụ Nhân”, cách viết tắt của cả câu “Nhất niên chi kế mạc như Thụ Nhân” và “thụ nhân”, từ kép, coi như một “thành ngữ” (hiểu theo nghĩa rộng), đã tách ra khỏi câu nói trên và trở thành một nhóm hai chữ đi với nhau một cách cố định, có nội dung ngữ nghĩa riêng.

(10) chữ “đại triện” (800 năm trước CN) thời nhà Chu, có hình giống con nòng nọc nên gọi là khoa đẩu tự.

(11) Bộ là bộ thủ (clés), nét hoặc chữ không nhất thiết phải có một ý nghĩa nhất định nào, đặt ở đầu bộ chữ Hán, là để sắp xếp chữ chữ Hán theo một ý nghĩa chung, tiện cho việc tra tự điển. Thí dụ bộ Mộc (木 ), chỉ ý nghĩa cây. Chữ “lâm” (林) là rừng gồm có hai chữ mộc; chữ “sâm” (森) là rậm rạp gồm có ba chữ mộc (木). Chữ Hán khởi đầu, do sự sắp xếp của Hứa Thận, có 514 bộ, từ đời nhà Minh rút xuống còn 214 bộ, con số này vẫn giữ cho đến bây giờ, các sách tự điển đều dựa vào 214 bộ để người đọc có cơ sở mà tra chữ (Xem thêm Vũ Thế Ngọc, Tự Học Chữ Hán, East West Institute, Sannyvale, CA 94088. Paul Morel, Xu Guang Cun, Les 214 clés de l’écriture chinoise, Eùditions You Feng, Paris 1997)

(12) Trần Văn Chánh, Từ Điển Hán Việt, Phụ lục III, tr. 2335.

(13 Giáp cốt văn, chung đỉnh văn (xem Vũ Thế Ngọc, sđd, cước chú 11)

(14) Chữ sáng chế ngay sau thời Tần Thủy Hoàng Đế, viết bằng cây gỗ nhọn chấm vào sơn mà viết. Vì vậy các góc chữ là những nét gãy vuông.

(15) Chữ viết bằng bút lông, khác với chữ “lệ”, góc chữ nét uyển chuyển, mềm mại. Chữ Khải hiện nay vẫn còn là lối viết thông dụng.

(16) Anne Cheng, Histoire de la pensée chinoise, Seuil, Paris 1997, từ trang 31.

(17) Ibid

(18) Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. (修身、齐家、治国、平天下)

(19) Trung Dung Tập Chú, Trung Tâm Học Liệu, Bộ Giáo Dục VNCH, Saigon 1972, thiên 20, tr. 73-78. S. Couvreur, Les Quatre Livres, 5ème Édition, Republic of China, Tapei, Taiwan, 1961, tr. 45.

(20) Ibid

clip_image086_thumb

No comments:

Post a Comment