6/18/09

Một nén tâm hương

Nguyễn Đức Cường

Cha thương kính của con,

Đây là lá thư đầu tiên, và cũng là lá thư cuối cùng con gửi đến Cha. Kể từ khi hay tin Cha lâm trọng bệnh cho đến mới ngày hôm qua thôi, khi Cha đã thực sự yên nghỉ, anh em Thụ Nhân chúng con khắp mọi nơi đã đối mặt với một nỗi trống trải lạ lùng. « Ngọn đa làng Thụ Nhân đã rạp xuống chân đồi », con tự nhủ lòng mình như thế. Vâng, ngọn đa làng, khi rạp xuống, dường như vẫn còn đem theo bóng mát của mình như một cố gắng cuối cùng để làm dịu lại mặt đất, từ bao giờ đã khô khốc hy vọng và thương yêu.

Trong yên lặng của không gian và ngưng đọng của thời gian, trí nhớ lại dẫn đưa con về những ngày xưa tháng cũ, không chỉ là mái trường xưa, mà đến tận ngày đầu, một buổi sáng mùa Hè năm 1970. Buổi sáng ngày hôm ấy, một buổi sáng thật bình thường đối với Cha, nhưng với con thì mới mẻ lạ thường. Con bước vào cổng Viện trong một tâm trạng bỡ ngỡ pha lẫn thích thú và cả niềm hãnh diện. Bỡ ngỡ vì kiến trúc của một Viện Đại học thật đồ sộ và hoàn toàn khác hẳn những ngôi trường Trung học mà con đã trải qua bao năm dài, thích thú vì khung cảnh thiên nhiên toát ra từ bên trong cổng Viện thật nên thơ, như chứa đựng hết cả đất trời Dalat và hãnh diện vì từ nay, con sẽ được gọi là sinh viên thay vì là học sinh như trước. Con còn nhớ mình đã không vội vã, mà đã bước thật chậm, uống thật chậm vào lòng niềm hạnh phúc ngây ngất, để rồi ngay ở những bước cuối cùng, trước khi đến văn phòng ghi danh… Con đã gặp Cha đang lặng lẽ đứng một mình, đôi cánh tay chắp nhẹ sau lưng. Ánh mắt Cha nhìn con cũng thật nhẹ, nhưng đủ làm con luống cuống vì dáng vẻ uy nghiêm dù rất hiền từ. Con còn nhớ mình đã không dám nhìn vào đôi mắt ấy và đã… quên cả cúi đầu chào! Rồi trong lúc ghi danh, nghe thoáng bên tai vài câu chuyện Cha trao đổi với một nhân viên văn phòng, con biết mình đã gặp Cha Viện trưởng. Khi trở ra, con cố tìm một cơ hội chuộc lỗi, nhưng Cha đã không còn nơi đó nữa. Lúc ấy, con thật không nghĩ là về sau, mình sẽ còn « nợ » Cha nhiều hơn thế bội phần.

Cha ơi,

Thế là con đã bắt đầu cuộc đời sinh viên chỉ vài tuần sau đó. Nhưng lạ thật, nhiều năm tháng sau này, cái cảm giác háo hức khi đến Viện mỗi ngày cứ còn mãi trong lòng. Đường vào Viện đẹp quá! Vượt qua Toà Viện trưởng bên trái, con gặp ngay một thung lũng nhỏ bên phải sớm mai nào cũng giăng kín sương mù, đôi khi không khác gì một dòng sông nhỏ. Mùa Đông của năm 1970, năm đầu tiên con ở Dalat đến thật lạnh cùng cơn bão Hester. Cơn lạnh đột ngột đã làm tất cả hoa đào trong Viện nở sớm hơn bình thường những một tháng. Hoa đào nở rộ làm hồng cả tàng cây, hồng cả mặt đường trải nhựa đen phẳng lì! Con bước trên mầu hồng của hoa về đến giảng đường mà tâm hồn xôn xao một cảm xúc tuyệt vời khó tả. Với con, đó là một hình ảnh kỷ niệm đậm nét nhất của một thời đi vào hoa với mộng, hiểu theo nghĩa nào cũng rất thật, rất thơ.

Những nẻo đường loanh quanh trong khuôn viên Viện, không chỉ là lối vào tri thức, mà còn là những nẻo đường khai mở thương yêu trong tâm hồn con vốn còn chật hẹp. Chưa có ngôi trường nào trong đời con lại gần gũi thiên nhiên nhiều đến thế. Thiên nhiên bao giờ cũng im lặng mà ban phát thật nhiều. Những tháng ngày êm đềm trong Viện là những tháng ngày con thụ hưởng biết bao điều mới lạ mà cho đến hôm nay, vẫn còn là một hành trang cho con thêm vững lòng đi qua thử thách. Cha biết không, những lúc cô đơn, con chỉ thích tâm sự cùng quá khứ. Quá khứ chỉ biết nghe và trả lời trong im lặng. Quá khứ là một cõi trời riêng lấp lánh mầu ngũ sắc tinh khôi, mà mỗi nhớ nhung chỉ làm thêm cao rộng. Quá khứ là một kho tàng tích lũy muôn vàn báu vật không ai có thể lấy đi, trái lại, chỉ ngày thêm tràn đầy. Kho tàng ấy, con đã nhận từ Cha, một trời quá khứ hiền hòa…

Nhưng con đã không được may mắn đi qua hết chương trình Đại học. Cuộc chiến tàn khốc xưa kia không cho phép con và nhiều bạn bè tiếp tục ngồi yên trên ghế giảng đường. Con còn nhớ mình đã buồn đến thế nào trên chuyến xe đò về Saigon vào một buổi sáng. Khi chuyến xe chầm chậm dọc hồ Xuân Hương trên đường rời thành phố, con vẫn còn cố phóng tầm mắt vượt qua đồi Cù nhìn về hướng Viện, để biết rằng một điều gì đó đang thật sự dần xa khỏi đời mình.

Ngày nhận túi quân trang đầu tiên trong đời lính, lòng con đau như cắt. Vì kể từ ngày hôm đó, chính thức trên tay con sẽ không còn là bút nghiên mà là súng đạn. Đất nước bị xô đẩy vào một số phận vô cùng khắc nghiệt để tham dự một trò chơi tàn nhẫn nhất của con người. Chiến trường là nơi phơi bày đến tận cùng ý nghĩa từ ngữ chiến tranh. Con bùi ngùi nhớ lại câu: « Bách niên chi kế mạc như thụ nhân » trên biểu tượng của Viện, chợt hiểu lòng Cha cũng đau không kém gì những đứa con đang bị lôi ra ngoài vòng tay của mình. Con cũng chợt hiểu rằng mỗi sinh mệnh là một tác phẩm tuyệt diệu, và tuyệt diệu hơn thế bi phần là công trình vun xới cho sinh mệnh đó trở nên một con người đúng nghĩa. Khi đặt câu nói của người xưa vào vị trí một kim chỉ nam, nói khác đi, vị trí của một sứ mệnh, Cha đã ký thác cả đời mình vào đó cho đến giờ phút cuối cùng. Thời gian ấy, mỗi một ngày lại nghe thêm nhiều tin dữ tràn về thành phố từ chiến trường, những sinh mệnh Việt Nam càng lúc càng vắng vẻ, không ai lại không buồn. Cha, trong sứ mệnh Thụ Nhân, hẳn đã là người buồn nhất. Đến đây, Cha cho phép con khoe với Cha một điều nho nhỏ, rằng trong suốt thời kỳ có mặt tại chiến trường, con chưa từng trực tiếp kết thúc một sinh mệnh nào của đối phương, trừ những khi (con nghĩ là có thể) vì mũi tên hòn đạn vô tình. Càng ở gần cái chết, con càng thấy sự sống là vô giá. Càng đối mặt với hiểm nguy trong những cánh rừng già, con càng hiểu thêm giá trị của Yêu Thương trong giáo ngữ vô ngôn mà Cha từng gửi gấm vào khung cảnh thiên nhiên tuyệt vời của Viện.

Rồi thì cuộc chiến tranh sau cùng cũng phải đến hồi kết thúc. Buồn thay, hận thù không vơi trong lòng « kẻ thắng », tàn hại không ngừng giáng xuống « người thua ». Quê hương Việt Nam khốn cùng lại thêm một lần đối mặt với những tổn thất kinh hoàng. Sống trong thời luân lạc ấy, thân phận người thoi thóp làm sao! Chúng con mà đã thế, thì Cha cô độc đến dường nào, một khi hoài bảo sâu xa đã bị tước đoạt, một khi những vị Giáo sư cùng những sinh viên của Cha nếu không lưu lạc bốn phương trời, thì cũng trở thành kẻ thất lạc quê hương trên chính đất nước của mình! Kẻ thắng cũng ngày đêm nói chuyện trồng người, nhưng người theo cách hiểu của họ, chỉ là những con vẹt biết nói không hơn không kém. Chưa bao giờ trong lịch sử dân tộc, giá trị người lại trở nên quá nghèo nàn như thế.

Trong bão giông thời cuộc, Cha vẫn an nhiên băng qua và âm thầm đeo đuổi lý tưởng Thụ Nhân theo cách của mình. Nếu như xưa kia, Cha nhắm đến việc đào tạo trí thức và cung cấp nhân sự lãnh đạo cho một Việt Nam tương lai trong thời hậu chiến thì giờ đây, Cha hướng lòng mình về trẻ thơ, những trẻ thơ bất hạnh và đơn độc nhất của một Việt Nam đang đi dần vào hủy diệt. Những trẻ thơ ấy là sông núi Việt Nam xanh biếc ngàn đời, là tình tự yêu thương chân thật, là những nụ cười đơn sơ hạnh phúc, là những đôi mắt trong veo niềm tin chứa đựng tâm hồn thơ ngây đang cận kề nguy cơ phá sản. Đó là Tương Lai Việt Nam, một tương lai đang kêu đòi sự cứu độ. Và cao đẹp thay ước mơ cứu độ! Cho dù ước mơ của Cha, một bậc đại nhân quân tử, trong tình cảnh ngặt nghèo đó dường như vượt quá xa tầm tay thưc tế. Thế nhưng Cha đã hiến dâng tất cả những gì có thể cho đời sống. Trên lộ trình riêng của mình, Cha đã xẻ chia cho những người gặp gỡ, không chỉ là vật chất mà còn là một tình thương bao la, chan hòa kỳ vọng rằng thế giới sẽ ngày một tốt đẹp hơn, thanh bình hơn. Kỳ vọng ấy nay đã trở thành hành trang duy nhất theo Cha về Cõi Vĩnh Hằng.

Cha ơi,

Cho đến hôm nay, con chỉ gặp được Cha một lần duy nhất, kể từ buổi sáng ghi danh hơn 30 năm về trước, thế mà con đã nợ Cha quá nhiều. Con hiểu rằng để đáp đền thâm ân trong muôn một, con phải lần theo từng dấu tích của Cha mà kế tục. Những sinh viên của Cha, những trẻ thơ của Cha là « căn nhà » suốt đời Cha trú ngụ, nhưng chính chúng con mới là những người thụ hưởng. Vì thế giờ đây, con không muốn xin thêm một điều gì, ngoài một lời khấn nguyện rằng: « Ánh sáng tâm hồn Cha nơi Nước Trời xa xăm sẽ luôn tỏ soi vào từng góc tối của căn nhà, để chúng con được thừa hưởng trọn vẹn ân đức kia mà đủ sức lên đường. » Lá thư này như một nén tâm hương, con xin dâng về Cha mãi mãi…


No comments:

Post a Comment