6/16/16

HIỂM HỌA KHỦNG BỐ TRÊN ĐẤT MỸ

Hoàng Ngọc Nguyên

clip_image002 clip_image004

Cha theo Taliban; con theo ISIS

clip_image005

Ngày chủ nhật 12-6 chắc chắn sẽ đi vào lịch sử thế giới hiện đại với vụ nổ súng tàn sát 50 người dân vô tội cùng gây thương tích cho 53 người khác tại một hộp đêm của người đồng tính tại thành phố Orlando thuộc tiểu bang Florida mà thủ phạm là một công dân Mỹ mới 29 tuổi, sinh ra tại New York nhưng cha mẹ là di dân Hồi giáo từ Afghanistan, nay ngang nhiên xác nhận trước khi ra tay làm tội ác mình đã tuyên thệ trung thành với Nhà nước Hồi giáo (NNHG). Đây là vụ tàn sát đám đông lớn nhất trong lịch sử Mỹ bất kể thủ phạm là ai, nhưng đây cũng là thành tích lớn nhất của Nhà nước Hồi giáo nói riêng và các tổ chức khủng bố quốc tế cùa Hồi giáo nói chung, kể từ biến cố 11-9-2001. Vụ tàn sát này, mà Tổng thống Barack Obama đã nhanh chóng gọi đây là một hành động “khủng bố và thù ghét” và ra chỉ thị toàn quốc treo cờ rũ, chắc chắn phải dấy lên ở Mỹ hai cuộc tranh luận: nước Mỹ phải hành động sao cho có hiệu quả nhanh chóng và dứt khoát trong việc tiêu diệt lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo, và nước Mỹ phải làm thế nào để có thể chấm dứt chuyện ngu xuẩn khi người ta có thể tự do mua súng tấn công giết người hàng loạt một cách hợp pháp.

Trong một phát biểu từ Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Obama nói rằng vụ thảm sát "đánh dấu vụ xả súng gây chết người nhiều nhất trong lịch sử nước Mỹ." Ông nói thêm rằng "không có hành động khủng bố hay thù hằn nào có thể thay đổi được con người chúng ta." Ông Obama nói vụ xả súng là "sự nhắc nhở nghiêm chỉnh" rằng một cuộc tấn công vào bất kỳ người Mỹ nào là "một cuộc tấn công nhắm vào tất cả chúng ta." Báo chí kể lại rằng cư dân trong khu vực này đã xếp hàng cả ngày để hiến máu cho những nạn nhân.

Vụ nổ súng xảy ra tại hộp đêm Pulse của người đồng tính vào rạng sáng Chủ nhật. Cảnh sát nói hung thủ tên Omar Mateen có một khẩu súng trường (kiểu M16 hay AR15) và một khẩu súng ngắn chỉ mới mua hợp pháp gần đây!  Cảnh sát cho biết anh ta nổ súng bên trong hộp đêm Pulse ở trung tâm thành phố Orlando bằng loại súng trường tấn công tự động, có thể nhả một loạt đạn chỉ trong vòng vài giây. Những nhân chứng tháo chạy thoát thân kể lại tiếng súng vang lên giữa tiếng nhạc lớn và khách vẫn nhảy. Mateen đọ súng với một viên cảnh sát làm việc thêm giờ ở hộp đêm này, sau đó rời khỏi tòa nhà và quay trở lại, bắt một số người làm con tin trong khoảng ba tiếng đồng hồ. Một nhóm cảnh sát đặc nhiệm xông vào hộp đêm và hạ sát Mateen trong một vụ đấu súng.Vụ nổ súng ở Pulse Club xảy ra trong khi Orlando vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ sát hại ca sĩ 22 tuổi Christina Grimmie, xảy ra ngay sau buổi trình diễn của cô tại thành phố này hôm thứ sáu 10-6. Thủ phạm Kevin James Loibl, 26 tuổi, sau đó đã tự sát, hiện vẫn chưa rõ động cơ của Loibl là gì.

Vụ xả súng tàn sát của Mateen xảy ra trong lúc người đồng tính tại nhiều thành phố trên khắp thế giới đang ăn mừng Tháng Sáu của Người Đồng tính, Lưỡng tính và Cải tính (LGBT). Cũng hôm chủ nhật, giới chức chấp pháp ở thành phố Santa Monica, California đã tìm thấy thứ có thể là chất nổ, súng trường tấn công và đạn dược trong xe của một người đàn ông, người này nói ông ta có mặt trong thành phố để dự một lễ hội của người LGBT ở Los Angeles. Cha của Mateen đã nói rằng anh ta đã nổi giận sau khi gần đây nhìn thấy hai người đàn ông hôn nhau. Tuy nhiên, có thể người cha đang muốn đánh lạc hướng điều tra và dư luận và tìm cách làm nhẹ tội cho thủ phạm, bởi vì điều chính yếu là anh ta đã hành động như thực hiện một sứ mệnh thiêng liêng của Islamic State.

Cha của Omar là Seddique Mateen là một nhân vật khá được biết tiếng trong cộng đồng người Afghanistan ở Florida. Qua đây như dân tỵ nạn sau cuộc xâm lăng của Liên xô vào năm 1979, ông ta là đứng vai điều khiển một chương trính truyền hình và cũng thường xuyên lên mạng Facebook, ca ngợi những người Taliban ở nước cũ của mình và chỉ trich chính quyền hiện nay tại Kabul. Ông nói con ông là người tốt, Omar chỉ khoa trương “trung thành” với IS mà không thực sự có ý thức gì. Theo ông, con ông cũng chẳng dính với tổ chức khủng bố nào, mà nó chỉ “trừng phạt” những người đồng tính theo ý muốn của Thượng Đế. Một phần khí giới Omar có là từ sở anh ta làm: Omar Mateen là nhân viên bảo vệ an ninh của G4S, một công ty bảo vệ theo hợp đồng!

Mateen đã hai lần bị Văn phòng Điều tra Liên bang FBI thẩm vấn liên quan đến quan hệ của anh ta với các băng đảng khủng bố Hồi giáo ở Mỹ. Điều lạ lùng là như thế mà anh ta vẫn không bị theo dõi và được thong dong mua ít nhất hai cây súng chỉ trong tuần qua, trong đó có một cây súng sát thương. Một đặc vụ của FBI nói rằng Mateen không nằm trong diện bị “quản chế”. Một số cuộc gọi 911 mà tay súng thực hiện và vụ thảm sát đã trở thành bằng chứng liên bang. Ông cho biết những cuộc nói chuyện có đề cập tới Nhà nước Hồi giáo và hai anh em “anh hùng” Tsarnaev “tử vì đạo” ở Boston. Đặc vụ FBI này cũng cho hay nhà chức trách phát hiện rằng vào năm 2014 Mateen đã có những liên hệ với một kẻ đánh bom tự sát người Mỹ. Tuy nhiên mối liên hệ này là rất giới hạn “không cấu thành một mối đe dọa vào thời điểm đó”.

Người ta không ngạc nhiên trước những lời chia buồn và thương tiếc “chân thành” của những tổ chức Hồi giáo ở Mỹ. Tuy nhiên, chẳng nghe họ nói sẽ làm sao để tăng cường kiểm soát hàng ngũ người Hồi giáo đê tránh trường hợp ngày càng nổi lên những “anh hùng” như anh em nhà Tsarnaev trong vụ nổ bom ở Boston năm 2013 hay vụ hai vợ chòng “tử sĩ” ở Bernardino năm ngoái và nay là vụ hộp đêm Pulse ở Orlando. Trong khi đó, Tổng thống Barack Obama trong chỉ thị treo cờ rũ để tưởng niệm những nạn nhân trong vụ xả súng tàn sát hàng loạt này, nói nhà chức trách sẽ không từ bất cứ nỗ lực nào để tìm ra động cơ của kẻ giết người hoặc tìm hiểu liệu anh ta có bất kỳ liên quan nào với những nhóm khủng bố hay không. Và ông Obama cũng có dịp phê phán chuyện giới chính trị đã bỏ luống bao nhiêu năm qua chuyện phải tăng cường kiểm soát súng. Ông một lần nữa nhắc lại nước Mỹ đang đứng trước một thực trạng là ai cũng có thể dễ dàng có được vũ khí để bắn người ở trường học, nhà thờ, rạp chiếu phim và hộp đêm. Ông nói: "Chúng ta phải quyết định xem chúng ta muốn đất nước của mình trở thành như thế nào. Chủ động không làm gì cả cũng là một quyết định."

Chủ động không làm gì cả cũng là một quyết định! Phát biểu này của ông Obama có lẽ làm cho người ta thấy thấm thía về sự vô trách nhiệm của giới chính khách dân cử buông xuôi, đầu hàng trước Hiệp hội Súng Quốc gia. Và cũng có thể gây nên những chỉ trích nhằm vào chính ông Obama. Bởi vì không ít người vẫn cho rằng ông Obama có hành động, nhưng hành động chưa đủ trước hiểm họa của Nhà nước Hồi giáo trên quốc tế và trong nước Mỹ - phù hợp với suy nghĩ của Tổng thống là càng ít chơi với các chế độ A Rập Hồi giáo chẳng đáng tin, càng tốt.

Lâu nay người ta vẫn nghĩ rằng châu Âu nói chung, và những nước như Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha hay Ý là những mục tiêu tấn công khủng bố của Nhà nước Hồi giáo. Mối lo sợ ngày càng tăng khi đe dọa ngày càng cao với những đợt di dân tỵ nạn chiến tranh đang tràn đến những nước châu Âu, trong đó có không ít những phần tử khủng bố trà trộn. Tuy thế, thực ra, những tên khủng bố đặc công đã nằm ngay sẵn trong những nước châu Âu này, là những phần tử được tuyển mộ tại chỗ hay tình nguyện gia nhập, trung thành, như những kẻ đã tham gia các vụ đánh bom vào tòa báo Charlie vào tháng ba 2015 hay vận động trường ở Paris vào cuối năm ngoái. Những vụ khủng bố gần đây ở Pháp và Bỉ vẫn được nhắc nhở, và giải vô địch bóng đá Euro 16 có đến 24 nước tham dự đã diễn ra trong căng thẳng về an ninh, bởi vì cầu trường là một lựa chọn lý tưởng của bọn khủng bố. Nhất là ở Pháp! May thay cho đến nay, chưa có chuyện gì xảy ra, cho thấy sự tăng cường nỗ lực bảo vệ an ninh triệt để của nhà cầm quyền ở Pháp. Thậm chí, người ta đang tính đuổi đội Anh quốc và Nga về nước vì đám đông ủng hộ hai đội này đã loạn đả trên khán đài và ngoài đường sau khi hai đội hòa nhau 1-1 ngày 11-6. Nước Anh vẫn mạnh về mặt hooligan! Và trong khi người ta lo sợ chuyện xấu xảy ra ở Pháp, nó lại xảy ra ở Mỹ.

Sau khi Nhà nước Hồi giáo tìm cách tạo dấu ấn ở những nước phương Tây cùng uy hiếp nặng nề chính quyền Syria và Iraq để giành dân lấn đất, ông Obama đã lại lên tiếng thề nữa “tiêu diệt” lực lượng IS. Tuy nhiên, vì ông còn chưa đến một năm ở Tòa Bạch Ốc, cho nên ai cũng muốn thấy ông thực sự làm được lời ông nói trước khi ra đi. Ông nói muốn tiêu diệt NNHG nhưng lại chỉ bằng cách ném bom, cho nên người ta sợ “còn lâu”. Nga đã vờ vịt ký một thỏa ước hòa đàm ở Syria, và rồi cũng chỉ muốn ném bom, và rồi lẳng lặng rút lui, giao hết cả gánh nặng cho Mỹ. Người ta chưa thể thấy có ánh sáng ở cuối đường hầm trên cả hai mặt trận ở Syria và Iraq bởi vì ông Obama có thể đã thấy cái ngọn nằm ở đâu, chính là Saudi Arabia và là Do Thái, nhưng lại chưa dám đụng đến vì “bức dây động rừng” trong một tình hình Trung Đông ngày càng thêm phức tạp.

Ngược lại, người ta có cảm tưởng NNHG đang tìm cách tăng cường hoạt động khủng bố ở những nước phương tây cừu địch để làm giảm áp lực chiến trường ở Syria và Iraq và giữ được các thành phố chiến lược mà họ tạm chiếm. Nước Mỹ vẫn cho rằng nguy cơ khủng bố ở Mỹ ít hơn ở châu Âu, như ông Obama vài lần khẳng định một cách tự tin. Mỹ xa cách sào huyệt của ISIS ở Trung Đông, cho nên sẽ không có vấn đề áp lực di dân tỵ nạn như những nước châu Âu đang phải chịu; nước Mỹ khó vào vì mạng lưới sàng lọc người nhập cư khá kỹ (TSA); và người Hồi giáo ở Mỹ có điều kiện sống thoải mái hơn (công ăn việc làm, nhà cửa…) cho nên hợp tác với nhà chức trách hơn thay vì có thái độ im lặng, giả đui giả điếc của di dân Hồi giáo ở châu Âu. Tuy nhiên, nay chúng ta có thể đang thấy những “lợi điểm” này chỉ có ý nghĩa tương đối. NNHG dư sức chiêu mộ đặc công khủng bố người Hồi giáo trẻ tuổi và đang bất mãn nằm ngay trong nước Mỹ - khỏi cần đưa người vào. Nhưng vụ án NNHG khủng bố ở Mỹ trong thời gian qua cho thấy người Hồi giáo hợp tác voi chính quyền chưa được “thành công” lắm. Cha của Omar là người ủng hộ loạn quân khủng bố Taliban, và ông ta vẫn hãnh diện mình là một “tiếng nói của cộng đồng” Afghan ở Mỹ. Chỉ cần 1/1.000 hay 1/5.000 người Hồi giáo nằm vùng, làm người “Mỹ gian”, an ninh của người dân Mỹ cũng đã bị đe dọa nghiêm trọng.

Chúng ta lại cần suy nghĩ thêm hai điểm sau đây:

- Những phần tử khủng bố của NNHG tại những nước châu Âu vẫn khó hành động hơn ở Mỹ bởi vì dân cư đông đúc, sống chung đụng, chui rúc và mạng lưới tình báo của nhà chức trách ở những nước châu Âu đang cố gắng đạt hiệu quả hơn. Khủng bố ở châu Âu khó kiếm vũ khí hơn, nhất là những loại súng sát thương hàng loạt.

- NNHG hoạt động ở Mỹ không cần phải trang bị vũ khí sát nhân cho các “anh hùng tử vì đạo” của mình. Việc này đã có Hiệp hội Súng Quốc gia NRA, các nhà dân cử phần lớn là Cộng Hòa, các nhà buôn bán súng, Với sự hiếu khách và customer service của các tiệm bán súng, có NRA đứng sau lưng, có những thượng nghị sĩ và dân biểu đội lên đầu, những phần tử khủng bố dư sức tự trang bị cho mình những vũ khí gọn nhẹ, có hiệu quả sát thương lớn, với những con số “body count” (đếm xác chết) cao để chạy theo thành tích, với kỷ lục của Mateen là 50 (không kể số người bị thương). Dĩ nhiên vụ Tòa Tháp Đôi 11/9 với 3.000 người chết là chuyện khó lập lại được, nhưng NNHG có quyền “hãnh diện” với thành tích của Mateen (từ 2001 đến nay, khủng bố chỉ mới giết được tổng cộng 45 người trong 15 năm), và do đó, trong thành tích này, người cha của Omar có quyền “tự hào” và NNHG phải thầm cám ơn Hiệp hội NRA của “chúng ta”.

Theo thống kê, mỗi năm có hơn 30.000 người bị súng đạn giết chết ở nước Mỹ. Hơn 30 người bị bắn chết mỗi ngày – chưa kể đến số người dùng súng tự sát. Đến một nửa nạn nhân trong độ tuổi 18-25. Một phần ba dưới 20. Án mạng súng đạn là nguyên nhân chủ yếu thứ hai trong tử suất của lứa tuổi 15-24 ở Mỹ. Nhiều người nói súng đạn nay đã là chuyện bình thường mới (new normal) ở nước Mỹ.

Bình thường như người Cộng Hòa nay đã chấp nhận ông Donald Trump làm ứng cử viên tổng thống?

Để xem toàn thề cử tri của nước Mỹ có chấp nhận bình thường mới này hay chăng.

Và từ đó có thể biết rằng bình thường mới của khủng bố NNHG có thể được chấp nhận hay chăng! Và tử suất của nước Mỹ được trớn sẽ tăng như thế nào để có thể đưa nạn xả súng giết người dân vô tội là nguyên nhân hàng đầu tống tiễn hàng trăm ngàn người đến nghĩa trang hàng năm.

No comments:

Post a Comment