6/1/16

ĐI TÌM TRÍ NHỚ CHO MỘT THỜI ĐÃ MẤT

Thi Phương

clip_image002
Chị Liên, anh Cẩm: Ngày đó chúng mình
clip_image004
Chúng mình ngày nay: Chị Liên đang dỗ để cho anh Cẩm ăn

Tất cả bắt đầu từ một email Nguyễn Thanh Nhàn ở Virginia gởi đến cho các bạn học cũ cách đây hơn 50 năm tại trường Chính trị Kinh doanh (CTKD) Viện Đại học Dalat thông báo Nguyễn Tường Cẩm không còn được như xưa. Năm nay, Cẩm chỉ mới 76, nhưng xem chừng lão hóa khá nhanh. Có lẽ vì không chịu đeo răng. Và còn bị mổ bao tử gì đó, vốn là chuyện bình thường nơi người già. Nhưng vấn đề là anh vừa bị bệnh quên như thể Alzheimer nhưng lại cứ đòi nhớ hết bạn bè của mình. Và anh lại mang một ám ảnh, lo sợ “lão huyền”: bạn bè của anh nay đã chết cả rồi, cho nên anh cũng chẳng muốn sống. Đi gặp tụi nó sớm xem chừng vui hơn so với tuổi già cô quạnh. Suy nghĩ này chẳng phải mới lạ gì: giới y khoa tâm lý vẫn nói một trong những điều chết người nhất của tuổi già là cô quạnh, có nghĩa là vừa cô đơn vừa quạnh quẽ (alone + loneliness). Sống một mình đã buồn mà cảm thấy buồn còn buồn hơn. Bởi vậy mà người ta nói tuổi già hay rơi vào trầm cảm vì bệnh tim và đột quị. May mà Cẩm còn đó, bởi vì hơn 50 năm nay bên cạnh anh bao giờ cũng có chị Liên - kể từ thời mở quán T2 trên đường Võ Tánh, trước mặt trường Bùi Thị Xuân, từ đó đi vào viện cũng mất mười phút, từ đó đi ra phố cũng mất 30 phút. Nhưng thời đó, thời gian nào có nghĩa gì với những người sinh viên.
Thật ra Cẩm cũng khéo lo hay sớm lo. Trong số bạn học của khóa 1 trường CTKD, Cẩm thuộc thế hệ “đàn anh”, lớn tuổi nhất. Anh hơn những người nhỏ tuổi nhất trong lớp, những người sinh năm đầu tiên của thế hệ baby-boom (1946), đến sáu tuổi. Cùng thế hệ với Cẩm có vài người tôi còn nhớ: Nguyễn Khải (1941), Phan Văn Cương (1940), Trần Đại (1940), Trần Văn Minh (1938)… Có nghĩa là dưới tuổi Cẩm, còn đến ít nhất 95% bạn cùng lớp. Tính đến số người đã ra đi cũng nhiều, tuổi tác như thế, chiến tranh như thế, thời thế như thế, trong đó có cả Nguyễn Lập Chí, “co-owner” của T2. Có nhà thơ Minh Hân Lê Kim Lợi – chắc Cẩm phải nhớ. Hay nhà văn Trần Đại chết trên biển. Nhưng số người còn lại, cũng còn đông lắm, đếm không xuể, cho dù tất cả đều trong độ tuổi 70-78. Và qua lời bạn bè có dịp gặp Cẩm rất gần đây kể lại, có một điều đáng buồn là Cẩm cứ nói “quên hết cả rồi”.
Chúng ta ngày càng đọc, ngày càng nghe nói đến những chứng bệnh quên của người già. Có ngưòi gọi là “dementia”. Có người gọi “alzheimer”. Cứ xem phim “Still Alice” (2014) với nữ tài tử được Oscar Julianne Moore thì hiểu cái khổ cho người bệnh và cho người chăm sóc. Nhưng nay có lẽ Cẩm là một trường hợp gần gũi, trước mắt. Bỗng dưng trong trí nhớ là những khoảng trống. Một sự đầu hàng không chống đối vì chẳng còn có thể biết được mình đang tìm gì và nó nằm đâu trong khoảng tối mênh mông của đầu óc. Ngay cả chị Trần Khánh Tuyết hỏi anh: “Cẩm còn nhớ tôi không”, anh chỉ nghe qua điện thoại, cho nên trả lời thành thực: “Quên hết rồi”. Mà ai có thể quên được chị Khánh Tuyết cũng như ai có thể không nhớ Nguyễn Tường Cẩm. Chị Tuyết là Phó chủ tịch Ngoại vụ của Hội Thanh niên Thiện chí (TNTC) Dalat, mà Cẩm hình như là một trong những thành viên sáng lập hội tại Dalat sau khi trường CTKD hoạt động. Chị Tuyết sau này “kết nghĩa” với Chris Jenkins, Chris là thành viên của Hội Thanh niên Chí nguyện Quốc tế IVS (International Voluntary Service), được gởi đến làm việc với Hội TNTC. Một người dễ thương, hiền lành như Chris, hay như Dick Beard, cũng là IVS đến sau, lẽ nào Cẩm quên được, nhất là khi nhớ lại những kỷ niệm nói chuyện mà không hiểu được nhau. Thế mới biết Trịnh Bảo Cầm là người may mắn. Chị chỉ học được 2-3 năm gì đó – nếu tôi nhớ không lầm. Chị ở cách quán T2 và trụ sở Hội TNTC vài căn, chung phòng với chị Hoàng Lan Anh. Cầm và Lan Anh có một thời hoạt động cho Hội. Lan Anh là một tấm gương tích cực. Nhưng chị qua đời quá sớm, khi chỉ mới hăm lăm hay chưa đến ba mươi thì phải. Giống như cái chết bi thương của Nguyễn Văn Bôn. Bảo Cầm về sau rời Dalat sớm, cùng với Trần Túy Nga, cũng là một thành viên của hội, trở lại Đà Nẵng – thì phải. Khi hỏi Cẩm còn nhớ Cầm chăng, anh mau mắn trả lời: “Biết. Trịnh Bảo Cầm”. Thế mới biết. Alzheimer cũng có lúc đi vắng!
Ai là người không biết Cẩm trong khóa 1 của trường CTKD. Chắc có lẽ chỉ có những người ở Saigon ghi danh nhưng không đi học. Cũng như ai lại không biết chị Tuyết hay Nguyễn Khải (Phó chủ tịch Nội vụ của Hội, người suốt năm chỉ mặc mỗi một chiếc áo vét đen bên ngoài để che thân). Ngay cả Nguyễn Đức Quang (Du Ca), về sau này người ta mới biết, còn Cẩm là người được biết rất sớm. Và ngưòi ta biết anh không phải chỉ vì cái tên Nguyễn Tường của anh. Thậm chí có người còn lạ tại sao anh là Nguyễn Tường mà chẳng có vẻ Nguyễn Tường gì cả. Tên tuổi của anh đi liền với sự hình thành của Hội TNTC. Dĩ nhiên hội này có nguồn gốc ở Saigon, nhưng Cẩm là một trong những ngưòi được tiếp xúc để thành lập hội. Và chính nhờ hoạt động công tác xã hội của TNTC mà hàng trăm sinh viên nam nữ xa nhà vừa cảm thấy ít trống trải vừa có ý niệm xã hội là gì khi có dịp đến gần với đời sống của ngưòi dân một vùng cao nguyên đất đỏ có cả người kinh người thượng chung sống đề huề. Và cũng nhờ hoạt động của hội mà người dân ngay cả ở những nơi xa xôi hẻo lánh cũng có thể thấy được những người trẻ có học thoát ra khỏi tháp ngà như thế nào. Những nơi như Suối Thông A, Suối Thông B, Tùng Nghĩa, Đơn Dương, Dam Pao, dốc Nhà Bò, dốc Nhà Xác, trưòng Xuân An… đã trở thành những “địa danh lịch sử”.
Nhìn lại những năm đó, từ 1964-1967, vài chục năm sau, với ít nhiều chủ quan, chúng ta có thể nói chưa thấy một mô hình hiệp hội thanh niên nào có hiệu quả như Hội TNTC. Có lẽ nó có quá nhiều “cơ duyên” tốt đẹp. Trong một tình thế chính trị, xã hội rất phức tạp của những năm giữa hai nền cộng hòa đệ nhất và đệ nhị, Hội TNTC đã đứng vững và phát triển. Trong khi các tổ chức thanh niên khác chỉ có khả năng thu hút theo “thời vụ”, từng lúc, từng thời, TNTC đã tập họp được khá rộng rãi sinh viên thời đó, trong viện cũng như ngoài viện, Phật giáo cũng như công giáo, “tranh đấu”, “cấp tiến” cũng như “bảo thủ”, “lệ thuộc” cũng như độc lập. Có những ngày tháng khó thở vì bạo loạn của Phật giáo Miền Trung thổi đến Dalat. Những ngày tháng chiến tranh leo thang gieo những mầm mống trí thức “phản chiến” làm dáng. Người ta than khóc thân phận nhược tiểu. Tất cả không so sánh được với Hội TNTC. Cứ nhìn Ban chấp hành của Hội thì hiểu được sự tập họp phong phú mà Cẩm có góp phấn trong đó. Ngoài Minh, Cẩm, Khải, Khánh Tuyết, Trần Đại, còn có Hồ Phán, Nguyễn Quang Tuyến, Trần Trong Thức, Trần Văn Chang, Trương Duy Hào.
Bởi thế khi Cẩm và Chí, một bắc kỳ và một nam kỳ, có sáng kiến lập ra quán T2 cho những người “lỡ độ đường” từ Viện ra phố, khách hàng không thiếu. Quán T2 nằm giữa, bên phải là trụ sở Hội TNTC, bên trái là nhà trọ của Trần Ngọc Phong, Trần Trọng Chung, Trần Văn Lưu… rồi kế đó nữa là Cương Kiểm. Từ thời đó, nghe nói Nguyễn Vân Cương là một tay Tae Kwon Do có đai đen gì đó, cho nên chẳng ai muốn đụng cho dù đến giờ, vẫn chưa kiểm chứng được huyền thoại đó. T2 là nơi “thành danh” của những ca sĩ tài tử Ngọc Phong, Kha Tư Giáo, Dương Ngô Đông, nơi người ta nghe những bài Et Pourtant và The House of the Rising Sun bên cạnh Những bước chân âm thầm, Lá đổ muôn chiều… Ngay từ thời đó, Cẩm đã có chị Liên phụ một tay… Nghe kể lại như chuyện hoang đường, quán Cà phê Tùng và Nam Sơn, bị ế khách, cho nên có ý định mua lại quán này đến 2 triệu bạc, nhưng rồi xảy ra vụ Mậu thân 1968, “dự án đầu tư” nay bị gác lại cho đến nay.
Rồi ngày qua đi, qua đi, qua đi.
Sau khi ra trường năm 1968, mỗi người một ngã. Biến cố mất nước 1975 càng làm cho hàng ngũ chúng ta tan tác. Người qua Mỹ trước, người qua Mỹ sau. Người ở lại. Nước Mỹ bao la, rộng lớn. Giấc mơ thì đẹp nhưng đời sống thì khó khăn khi xã hội tiêu thụ dần phai nhạt. Tồn tại đã khó, không nói gì đến can dự hay hội nhập. Hàng ngũ cựu sinh viên Dalat tưởng như đã mất nhau. Thế nhưng một lần nữa Cẩm lại làm chuyện đội đá vá trời. Anh tìm cách liên lạc với từng người, xin hình, xin “tiểu sử”, xin bài, để làm nên một cuốn kỷ yếu in, do anh tự bỏ tiền ra ấn hành, “xuất bản”, có cả hơn 500 trang, hầu như không thiếu một ai với đầy đủ chi tiết của từng người. Chuyện này vào khoảng năm 2001-2002 thì phải. Tập kỷ yếu đã xong. Anh trở thành “người hung” chơn chất với hàng trăm cựu sinh viên khóa 1. Tay không, không có mấy kiến thức về computer science, mà làm được một tập kỷ yếu như thế. Ai cũng thừa hiểu những giới hạn đương nhiên nơi anh. Nhưng anh chỉ thấy chị Liên là điều kiện ắt có và đủ. Và vì vậy anh chưa ngừng nghỉ vì còn có chị một bên.. Cho đến vài năm trước đây, anh vẫn còn sưu tập trong cuộc “tìm kiếm một thời đã mất” này. Chủ yếu tìm lại bạn bè cũ và nối lại những nhịp cầu. Cho đến khi anh cảm thấy, có cảm tưởng anh mất trí nhớ.
Ngày 15-5, Nguyên thanh Nhàn lai gởi một email:
“Hôm nay, chủ nhật 5/15, bốn anh em D.C. gồm Tài, Nhi, Nhàn,Trực đã đến thăm Nguyễn Tường Cẩm, quí anh chị em khác bận sẽ có một ngày đi chung sau. Lẽ ra đã đi ngày hôm qua, nhung dự báo thời tiết là mưa to nênTài không dám lái xe đuờng dài trong mưa. Trực lại càng không thể, lúc nào đi đâu Trực cũng có mang theo máy đo huyết áp và thuốc cứu cấp, nếu bất ngờ mạch trên 170 thì ngậm một viên duới lưỡi. Lần truớc khi đang lái xe trên beltway Trực bị chóng mặt, phải tấp vào lề, đo máu ngậm thuốc và kêu ambulance  tới chở đi emergency. Tôi thì tuy sống nghề tài xế chở người già, nhưng một thứ hạnh phúc và ước mơ rất tầm thường là được có nguời khác chở mình đi.
Vì được báo truớc nên khi xe vào sân là Cẩm đã thập thò sau cửa chờ đón.Vừa mới vào nhà là Cẩm mời xuống basement. Lời dặn dò với các bạn là khi nào đến thăm Cẩm thì nên hỏi về basement truớc, đó là thánh địa của Cẩm. Ngoài hàng ngàn băng disc chuyện phim ca nhạc, quí nhất là trong computer của Cẩm chứa tất cả hình ảnh của bạn bè hồi học Dalat. Chúng tôi hẹn chốc lát sẽ  xuống basement nhưng bây giờ phải hàn huyên thăm hỏi truớc.
Dù Cẩm tự thú bây giờ đã quên trước quên sau, nhung vẫn còn bén nhạy. Chẳng hạn Cẩm nói rằng năm nay mình 76 tuổi, chỉ Trực hỏi  bao nhiêu tuổi, Trực nói 74 thì Cẩm tính nhanh  là thua Cẩm  2 tuổi. Môn toán kinh thương của thầy Ngô Đình Long, Cẩm vẫn  còn thuộc bài. Chỉ tôi, Cẩm nói hồi xưa thân lắm mà không nhớ tên. Cẩm không nhớ tên cùa Trực, nhưng nhớ Trực hồi xư­a là đàn em của thằng..thằng.. . Thằng nào Cẩm rặn hoài không ra. Tôi nhắc " thằng Hoàng Văn Lộc"  thì Cẩm ừ.
Cẩm cho biết có hai chục đứa gọi thăm Cẩm. Hỏi đứa nào thì Cẩm không nhớ. Hỏi sao không chịu ghi tên lại. Cẩm nói cuốn sổ để ở basement nên không xuống kịp. Hỏi nhưng nguời đẹp vang bóng một thời Cẫm không nhớ ( Xin lỗi, cho phép khỏi nêu tên quí chị mà Cẩm không nhớ) Vợ Cẩm hỏi anh nhớ chị Bảo Cầm không Cẩm nhanh chóng buộc miệng " Trịnh Bảo Cầm" người con gái duy nhất sau 46 năm Cẩm vẫn còn nhớ. Chắc là một loại dĩ vãng thường  mơ thấy
Hình chụp thấy Cẩm giống anh Hăng Rết, chị Liên cho biết cách nay nửa năm đã làm bộ răng giả hết $6000 mà Cẩm nhất định không mang vì khó chịu. Chúng tôi cũng có mang qua một hộp bánh mà Cẩm không ăn vì không có răng. Cơm nước hàng ngày chị Liên phải đút mớm. Bạn mình ngộ quá phải không anh? Tuổi đã xế tà mà không chịu lớn ! Anh em bảo nhau rằng tin tức  hôm nay về Cẩm không chịu ăn phải đòi vợ đút có lẽ là "hot" hơn cá chết tại Việt Nam.
Căn nhà phía truớc để vợ trồng hoa. Vợ trồng vợ tuới. Phía sau của Cẩm để trồng rau. Cẩm trồng Cẩm tưới. Cẩm dẫn chúng tôi ra sau nhà khoe vuờn rau, năm nay trời lạnh kéo dài lâu quá nên chưa có thứ rau nào mọc.
Phần quan trọng Cẩm không bao giờ quên là bắt chúng tôi xuống basement. Basement nhà Cẩm đầy kệ đầy băng nhạc và phim truyện Hàn Quốc vì chị Liên khoái xem phim Hàn Quốc. Lý do chị Liên thích xem phim Hàn Quốc là phim tình cảm Hàn quốc đối thoại dịu dàng còn Cẩm bây giờ cả ngày không nói tiếng nào.
Cẩm có một kệ, trên đó chia thành nhiều ngăn nhỏ, giống như các kệ của Tổng Nha Cảnh Sát. Trong mỗi ô Cẩm để sẵn những xấp hình cùng kiểu đầu tiên khi xuống basement là Cẩm đế kệ này, lựa  ra mội ô một tấm. đủ bộ Cẩm cho một thằng. Cẩm lại  đến một cái tô trên đầu kệ khác, trong tô có sẵn nhiều USB flash drive trong đó chứa tất cả hình ảnh của bạn bè. Cẩm cho mỗi thằng một cái, im lặng và đều đặn làm việc giống như Charlot đóng  phim không lời. Ban nãy trò chuyện chúng tôi cho biết thầy Trần Long sẽ qua vào cuối tháng 6. Cẩm không quên lấy thêm một flash drive đưa cho Trực biểu cất để dành cho thầy Trần Long. Chúng tôi cũng căn dặn chị Liên  khi Thầy Trần Long qua thì nói mấy cháu sắp xếp chở Cẩm qua cùng chung vuiI
Huyết áp của Cẩm thường xưyên căn bản là 110. Như vậy hoàn toàn yên tâm về stroke. Chị Liên cho biết cách nay mấy tháng Cẩm bị mổ bao tử vì mấy cục ulcer. Nguyên nhân là Cẩm không chịu ăn cơm mà chỉ ăn mì gói. Lần thăm truớc thằng con than phiền với chúng tôi là Cẩm một ngày ăn 6 gói mì. Chị Liên cho biết một lý do khác làm Cẩm bị đau bao tử vì quá stress.
Khi chúng tôi đang trò chuyện ngoài sân thì cháu Linh, con cả, cùng vợ và hai con về tới. Vợ tôi cũng có thông báo cho cháu Thái và cháuThái cũng trên đường về. Hôm nay chúng tôi đến thăm, gia đình xác nhận là Cẩm vui lắm trông khoẻ khoắn  ra, nhưng đuờng xa quá, gặp khi ướt mưa thì đuờng về diệu vợi !”
(Hết email vì đã quá dài).
Cám ơn Nguyễn Thanh Nhàn với những tin tức cập nhật và chính xác, đầy đủ này.
Bài viết này “của Cẩm, do Cẩm và vì Cẩm”, để nhắc Cẩm nhớ rằng anh vẫn còn nhiều người để nhớ lắm, bởi vì nhiều người cũng đang nhớ anh lắm. Quá khứ chẳng hề mất nếu chúng ta vẫn nhớ nhau và nhắc nhở cho nhau nhớ. Một văn hào Nga, Yevgeni Yevtushenko, có viết một tác phẩm có nhan đề nhắc nhở: “Đừng chết trước khi nằm xuống”. Cho dù bao nhiêu tuổi, chúng ta vẫn còn tương lai trước mặt với những chuyện của một quá khứ còn sức rộn rã. Bởi thế, anh nên đeo răng vào, nếu anh không muốn bạn bè mượn răng của anh, bởi vì biết bao người không may mắn hiện nay không có răng. Anh cũng chẳng nên đi tìm một thời đã mất bằng cách ăn mì gói nhiều quá. Mì gói Đại Hàn thời nay rất khác mì gói trong những năm 60 mua ở chợ Dalat. Và thời đó, chúng ta cũng không ăn nhiều như thế. Có đói, chúng ta cứ ra bến xe sau chợ ăn cơm ở cái quán gì đó có cô con gái ông chủ tiệm cao lớn, đẹp và miệng rất lanh, rất tươi.
Chúng ta đã quen chiến đấu. Sợ gì cuộc chiến hiện nay chống nỗi cô đơn của mình? We have nothing to lose in such a fight!


























No comments:

Post a Comment