5/4/16

Bài viết về TRẦN ĐỨC THẢO

Trần Đức Thảo tiến sĩ triết học, khi còn ở bên Pháp, danh tiếng đã một thời ngang ngửa với J.Paul Sartre.  Vậy mà, khi về Việt Nam, đã bị Hồ Chí Minh ghen tị, loại ra bên lề xã hội. Gần   40 năm gian khổ, sống dở chết dở, ông đã phải đi chăn bò để kiếm sống và sau cùng đã phải nhường cả người vợ yêu qúy cho một người bạn vì không có khả năng nuôi dưỡng. Ông không bị chết đói nhưng đã trở thành nửa điên nửa khùng như chúng ta đều biết.

Tuy nhiên trong những năm dài khốn khổ dù sao ông cũng giữ lại được một kỷ niệm khó quên về một thú vui lén lút mà ông kể lại như sau.  Xin qúy độc giả đọc tiếp.

Một chầu hát ả đào giữa cánh đồng

Ông Thảo kể : một lần ông được nhà văn Nguyễn Tuân mời đi ăn cơm Tây và sau đó dẫn ông đi hát ả đào.  Dưới thời Hồ Chí Minh thì dĩ nhiên đây phải là một phiên hát chui hát lậu.

Địa điểm là một nhà chòi có cót che kín mít nằm ở giữa một cánh đồng lớn mới gặt xong. Thảo được đưa tới và ngồi chờ ở đó.  Một lát sau Nguyễn Tuân trở lại với bốn năm người khác, mỗi người ôm một cái túi khá lớn.

Một ngọn đèn dầu hỏa được thắp lên.  Họ mở túi lấy ra một cái trống cơm nhỏ và một cây đàn đáy.  Người phụ nữ cũng lấy ra hai que gỗ và một cái phách.  Ông Tuân lên tiếng nói một cách trân trọng : “Hôm nay tôi lén tổ chức chầu hát này để để đãi ông bạn ở bên Tây mới về.  Yêu cầu em Đức hát cho đạt chỉ tiêu đấy nhé”.

Cô ca nương nhìn Thảo rồi đáp : “ Anh Tuân ơi.  Anh ép thì em cũng cố mà hát đấy thôi.  Bởi vì em đã giải nghệ từ mấy năm nay rồi.  Nếu công an mà biết thì em đi tù mất”.  Ông Tuân nói : “Không sao đâu, anh lo hết rồi.  Cứ hát đi.  Có ông chủ tịch xã kiêm trưởng công an ngồi đây nghe còn sợ gì”.

Và tiếng trống đàn chậm rải vang lên, trầm bổng thánh thót trong đêm khuya thanh vắng.  Rồi một giọng ca trong vắt ngâm nga, luyến láy, vẳng lên giữa cánh đồng vằng vặc ánh trăng : “Hồng Hồng, Tuyết Tuyết..ứ.ứ..ừ..ừ mới ứ.ứ..ừ ngày nào chưa biết cái chi chi”. “Tom tom chát”. Tiếng hát, tiếng đàn, nhịp trống bỗng đưa tâm hồn mọi ngưởi nhập vào một không khí linh thiêng, gợi cảm, trữ tình của nghệ thuật.

Triết gia Thảo, lần đầu tiên được nghe tiếng hát trong như pha lê, luyến láy, ngâm nga thâm nhập tâm can.  Ông say sưa khen ngợi : “Ôi  tiếng hát tiếng đàn sao có thể thuần khiết âm vang sâu thẳm đến thế.  Tiếng trống bắt nhịp thật tuyệt vời như khuyến khích ca nương. Sao thứ dân ca này có thể lịch duyệt và nghệ thuật đến thế.  Hay như vậy, sao lại cấm ?”.

Ông Tuân giải thích : “Tại vì xưa kia nó phục vụ giới quan lại, phú hộ thời phong kiến”. Xin mời tiếp tục.  Tay đàn, tay trống và ca nương đều biểu điễn với tất cả sở trường y như đang làm sống dậy giây phút thanh bình của đất Hà thành xa xưa.  Tiếng hát ả đào trùng hợp với tâm tư và hoàn cảnh của từng người lúc ấy.

            *

Chầu hát gần như đến hồi kết thúc.  Quan viên cầm trống đứng dậy bước đến trước mặt nhà văn Nguyễn Tuân cúi đầu nói : “Xin kính mời quan bác gĩư nhịp cho bài ca cuối cùng. Đệ chọn bài Tỳ Bà Hành để kết thúc, y như trong các buổi ca trù của các nhà hát trứ danh của Hà thành thời trước.

Nguyễn Tuân nghiêm nghị đón nhận chiếc trống nhỏ, sửa lại thế ngồi cho ngay ngắn.  Mọi người chờ tiếng trống thoát ra nhưng Nguyễn Tuân lại đặt nhẹ roi trống xuống và nói với một giọng trầm buồn : “Em Đức ơi ! Anh biết em từng là ngôi sao ca nương sáng chói của lò hát bà Đốc Sao Hà Nội.  Hôm nay đây, cái cánh đồng khô giữa vùng đất Tuyên Quang này bỗng trở thành cái bến Tầm Dương ! Và em Đức sẽ là người đưa tiễn anh và anh Thảo đây, đều là những tư mã của thời đại, đang bị thời thế lưu đầy về cái đất Giang Châu của Tuyên Quang này…Em sẽ ca thật hay lên để tiễn đưa chúng anh ngày mai lên đường”.

Cái roi  giơ lên phát lệnh bắt đầu hát : Tom tom, chát ! Nhưng tất cả ngạc nhiên vì ca nương không cất tiếng hát mà lại ôm mặt khóc nức nở.  Khóc một lúc rồi ca nương lấy lại bình tĩnh nói : “Em xin lỗi ! Em thấy thương mấy anh quá mà em khóc cả cho thân phận em nữa.  Thôi để hát tiễn đưa các anh và cũng là để tiễn đưa em vì nhà em ở mãi vùngThái Bình”. Ca nương bất đầu lên giọng, ngân nga, luyến láy, não lòng : “Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách; Quạnh hơi thu lan lách đìu hiu”.

Trong chòi mọi người như chết lặng vì quá cảm xúc.  Tiếng trống vang lên để khen : “Tuyệt vời.  Thật tuyệt vời”.  Cả cái chòi giữa đồng không mông quạnh im lặng hoàn toàn. Chỉ nghe được tiếng gió xào xạc thổi qua bụi tre vọng lại từ phương xa.  Chầu ca chấm dứt, mọi người lục đục chia tay.  Mỗi người mỗi nặng một tâm tư luyến tiếc.

Lúc chia tay ông Thảo nói thêm : “Những cái này đã trở thành nhu cầu rồi thì tại sao lại cấm.  Nó đã trở thành nhu cầu, trở thành sức sống, trở thành những ngọn lửa thiêng, dù cấm mấy thì nó cũng vẫn cứ âm ỷ cháy để đợi cơ hội bùng lên.  Vì đó là những điều mà con người nói chung đều thèm khát và ưa thích.  Không thể nào dập tắt khát vọng đã thấm sâu vào tim gan não trạng con người.  Vì đó chính là sức mạnh của tự do tư tưởng”.

Bàn thêm về hát ả đào hay ca trù

Với định kiến xướng ca vô loài, ca trù bị gọi nôm na là hát “ả đào” và nghệ sĩ ngâm ca gọi là “cô đầu”.  Thật ra “ca trù” là quốc túy của dân tộc.  Muốn biết được đặc điểm này xin hãy tự hỏi : ai đã làm ra những bài thơ tuyệt tác cho những nghệ sĩ tài hoa đó hát.  Thưa đó là những nhà trí thức, những nhà thơ danh vọng như Nguyễn Du, Chu Mạnh Trinh, Tản Đà, Tú Xương…tác giả của những áng văn thơ giá trị đã được ghi vào chương trình giáo dục nước nhà.

Chính ở ca trù chúng đã thấy được cái tài dung hợp để Việt hóa nào Đường thi, nào từ, nào phú, nào song thất, nào lục bát…để phong phú hóa nền văn học của tổ quốc.  Cũng như ca dao tục ngữ̃ ca trù là quốc hồn, là những thứ do cái “hồn chung”của đất nước tự nhiên sản xuất ra, cho nên nếu biết giữ gìn kho báu đó thì văn hóa của đất nước mới phong phú được.

Ngày xưa nghe hát ả đào là lối sinh hoạt quan trọng nhất để thưởng thức ca trù. Ả  đào là những ca nương hát hay, giỏi ngâm vịnh và thêm vào đó còn là những giai nhân tuyệt sắc.  Các cụ ta xưa mô tả sắc đẹp của ca nương bằng những lời khen tặng tưởng chừng như chỉ có thể thấy từ trong mộng.

Dân gian truyền tụng như sau : Năm trăm năm về trước, tại đình làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm , Hà Nội đã diễn ra một lễ  hội đầu xuân cầu phúc.  Trong không khí trang nghiêm của lễ hội, một văn nhân hay chữ trong làng tên Lê Đức Mạo (1463-1529) đã thay mặt tám giáp, viết lên một bài thơ khen thưởng các cô hát ả đào.  Đó là bài “Đại Nghĩa Bát Giáp Thưởng Đào Giải Văn”, tài liệu sớm nhất mang hai chữ “ca trù”.  Ca trù từ đấy  đã được đưa vào văn học viết, xác nhận đã hiện diện trong văn hóa Việt Nam từ thế kỷ 15.

Trong cuộc trình diễn của ả đào có tục cầm chầu.  Cầm chầu là đánh trống nhỏ để khen tặng ca nương hát hay hoặc chê bai cô nào hát dở.  Việc cầm chầu thường do một quan viên hay chữ phụ trách.  Quan viên phải là người am hiểu về văn chương và âm luật.  Phải khen thưởng công minh thì mới được thính giả mến phục.

Thưởng thức ca trù gọi là nghe hát.  Ca nương chỉ ngồi yên trên chiếc chiếu cạp điều với diện mạo đoạn trang bình thản, chỉ có một cỗ phách tre trước mặt và giao lưu với khách bằng giọng hát và ánh mắt đưa tình.

Chỉ có thế thôi mà nghệ thuật đã góp cho nền văn chương hàng ngàn bài thơ viết bằng chữ nôm chứa nhiều tâm trạng lãng mạn, nhiều biến thái phong phú của tâm hồn Việt Nam qua nhiều thế kỷ.  Bằng chứng là ta đã thấy xuất hiện những tài danh tiêu biểu như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Dương Khuê, Dương Tự Nhu, Chu Mạnh Trinh, Vũ Phạm Hàm, Nguyễn Thượng Hiền, Bùi Kỷ, Nguyễn Khắc Hiếu…

Trong kho tàng văn chương ca trù, các bài hát hay nhất vẫn là những bài thơ lãng mạn ghi lại kỳ niệm yêu đương giữa văn nhân và đào hát.  Mỗi bài là một câu chuyên riêng tư thi vị, tuy được sáng tác trong hoàn cảnh ngẫu hứng của ly trà chén rượu, nhưng vẫn tồn tại như là những tuyệt phẩm của nền văn học nước nhà.

Quan hệ giữa văn nhân và ca nữ dường như chỉ có  Tạo Hóa mới ban tặng được.  Chính vì thế mà mối tình giữa văn nhân và ca nữ mới tồn tại lâu dài trong trí nhớ của mọi người.  Chính vì thế mà những mối quan hệ này đã được lưu trữ trong văn chương nói nhiều hơn là trong văn chương viết của văn hóa Việt Nam.

            *

Để kết thúc bài viết này xin phép được có vài dòng tưởng niệm ca nương Hồ Điệp của làng ca trù nước ta trước 1975.  Hồ Điệp là bạn qúy của những tài danh như Vũ Hoàng Chương, Định Hùng.  Cô tên thật là Nguyễn Thị Tý, tự là Nhu, sinh ngày 5/5/1930 trong một gia đình nghệ sĩ tại làng Hiệp Lộc tỉnh Sơn Tây.

Nghệ danh Hồ Điệp là do thi sĩ Đinh Hùng đặt cho cô trong chương trình thi ca Tao Đàn của đài phát thanh quốc gia từ 1954.  Cô đã vĩnh viễn ra đi trong một hành trình rời xa tổ quốc để lánh nạn cộng sản nhưng hình ảnh người hoa khôi đó của nghệ thuật ca trù Việt Nam với giọng ngâm vàng ngọc sẽ còn ở lại trong tâm tư người Việt như một nghệ nhân có giọng ca muôn thuở.

Unbenannt

Hồ Điệp là một nữ nhân rất xinh đẹp, có giọng cười như suối và đôi mắt hấp dẫn tuyệt vời.  Trong những buổi đi trình diễn cô hay đeo kiềng vàng, mặc áo nhung đen và đi hài cong như kiểu các thục nữ đất Bắc Hà thời hưng thịnh.

Hiện tại di ảnh của cô được thờ tại chùa An Lạc, Đường Phạm Ngũ Lão, Saigon.  Trên di ảnh đề ngày mất là ngày 15/5/1988.  Đúng ra ngày đó là ngày cô ra đi tìm tự do rồi mất tích.  Hồ Điệp được thờ ở đấy là do một thính giả say mê giọng hát của cô, đã làm một việc có nhiều ý nghĩa./.

No comments:

Post a Comment