Nhân chuyến thăm Paris, anh Trần Trọng Thức nhắn với bạn Lưu Văn Dân muốn gặp tôi. Như vậy là đã lâu lắm rồi, tôi mới gặp lại người bạn năm xưa. Thức trẻ mãi không già, một phần là nhờ vào nụ cười. Thức cười nói hồn nhiên. Thức lấy nụ cười đặt tên cho quán ăn xã hội.
Thức tâm sự với tôi hồi còn đi học, Thức thường ăn ở Lữ Quán Thanh Niên. Quán cơm sinh viên này, nằm cuối đường Võ Tánh, một bên đổ xuống chùa Linh Sơn, nhánh bên trái đổ xuống hồ Xuân Hương, hai bên đường trồng mimosa sắc vàng. Trong chùa Linh Sơn có tượng Phật niêm hoa vi tiếu. Ngoài đường phố trồng nhiều hoa e ấp nụ cười. Như vậy Lữ Quán Thanh Niên năm xưa là Quán Nụ Cười, mà Quán Nụ Cười hiện nay là Lữ Quán Thanh Niên.
Quán được đặt tên là Quán Nụ Cười: khách đến ăn chỉ phải trả hai ngàn đồng nên cười vui. Ta cũng chia sẻ nụ cười với thực khách, vì hai ngàn đồng VN là 0,09 USD hoặc 0,07 EUR, nghĩa là chưa đến 10 centimes ! Thực đơn có đủ cả cơm, canh, món mặn, lại còn thêm tráng miệng. Lâu lâu có món phở. Quán mở cửa từ 11 giờ đến 12 giờ 30 vào các ngày lẻ trong tuần: thứ ba, thứ năm, thứ bảy. Mỗi ngày, quán cần khoảng 25 người lo đủ thức việc, từ bếp núc, đến rửa chén, quét dọn nhà cửa. Anh Thức và chị Lý, vợ Thức trực tiếp trông nom. Thức hướng dẫn khách xếp hàng theo phong cách Lữ Quán Thanh Niên. Còn chị Lý phải giải quyết nhiều khó khăn. Như trường hợp có người đến ăn không chịu trả tiền, lại còn vu oan giá họa, nói là đã đưa tiền mà không chịu thối. Chị Thức mở ngăn kéo thu tiền, đếm lại để chứng minh là người đó không nói thật. Thế là chị phải hứng chịu bao nhiêu là lời nói bất nhã. Chị đáp lại vẫn là nụ cười.
Quán Nụ Cười còn mang lai nụ cười cho bé thơ nữa. Vào mùa tựu trường, quán Nụ Cười cấp phát cặp đi học, túi đựng bút, sách vở học đường. Nhưng chưa hết, quán còn bán quần áo với giá hai ngàn. Nụ Cười vừa là quán ăn, lại vừa là thư quán. Quán có quầy bán sách cũ của các nhà hảo tâm gửi tặng, giá vẫn là hai ngàn đồng Việt Nam.
Tuy nằm sâu trong con hẻm, giữa xóm bình dân lao động, quán có địa thế khang trang. Ngoài ngõ rộng 200 thước vuông, có chỗ giữ xe đạp. Trong sân rộng phân nửa, có nhiều bóng mát, có chỗ rửa tay. Ăn uống xong xuôi, khách có chỗ đọc sách báo, nghỉ mệt.
Quán cơm cần đến khoảng 60 triệu một tháng (945 USD hoặc 695 euros). Sau đây là đôi lời tâm sự của bạn Trần Trọng Thức:
‘‘Trong bước đầu còn khó khăn, chúng tôi rất mong được quý vị hảo tâm tiếp tục là những người bạn đồng hành để hoạt động từ thiện này ngày càng mang lại nhiều ý nghĩa.
Xin gởi kèm theo một vài bài báo liên quan đến hoạt động của “Nụ Cười 3” và rất vui mừng được đón tiếp quý vị hảo tâm cũng như thân hữu gần xa đến với quán cơm.
Tiền ủng hộ chuyển qua ngân hàng, xin gởi về:
Tên tài khoản: Quán cơm xã hội Nụ Cười 3
Số TK: 21011 4849 106048 / Swift Code: EBVIVNVXPMH
EXIMBANK, chi nhánh Phú Mỹ Hưng
Địa chỉ email: quancomnucuoi3@gmail.com - Điện thoại: (08) 6273 4353’’
Chúng tôi thành tâm cầu chúc anh chị chủ quán Thức & Lý và mỗi người trong quán giữ mãi nụ cười trẻ trung, hòa nhã.
Paris, ngày 10 tháng 7 năm 2014
Lê Đình Thông
Đọc đến đoạn tài chánh cần thiết của quán cơm Nụ cười,có lẽ tác giả đã ghi sai số tiền Cần hàng tháng là 6 triệu ĐVN thành 60 triệu chăng ?. So sánh giữa tỉ giá tiền đồng VN với 2 loại tiền $ và Euro thì thấy không đúng.
ReplyDeleteMong người viết giải thích lại vì tôi cũng quan tâm đến quán cơm này và có ý định sẽ tham gia trong một ngày gần đây. Xin cảm ơn.
Pensée-đàlạt