6/7/13

Múa Rồng trên mây ảo

Nguyễn Xuân Nghĩa

Trận đấu trí và đấu lực Mỹ-Hoa

Trong tuần này, nguyên thủ của Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ có hai ngày xăn áo vỗ đùi nói chuyện thân tình tại một nơi có cái tên tiền định: Rancho Mirage. Trang trại ảo. Nhìn từ bên ngoài, chúng ta nghĩ sao?

Theo tiết lộ của viên chức có thẩm quyền - mà giấu tên, dĩ nhiên - Chủ Tịch Tập Cận Bình đã yêu cầu tổ chức thượng đỉnh, tại địa điểm khá thân và vào thời điểm khá cận, để chứng tỏ tư thế của mình với đảng, nhà nước và thần dân ở nhà. Mãi đến năm 2002, khi hai nhiệm kỳ sắp dứt, Chủ Tịch Giang Trạch Dân mới có kiểu hội kiến như vậy trong trang trại của Tổng Thống George W. Bush. Chủ Tịch Hồ Cẩm Ðào thì chưa, cứ cà vạt cổ cồn cứng ngắc nói chuyện chính thức với tổng thống Mỹ theo bài bản định trước, chứ không có phút giây thoải mái nói thật và nói hết...

Ðấy là cách suy luận từ bên ngoài, của truyền thông Hoa Kỳ, đúng sai thì chưa ai rõ.
Từ giác độ văn hóa, ta có thể nghĩ đến cung cách Trung Hoa đầy chữ lễ dành cho vị quốc khách để bàn về thiên hạ sự, và phong thái Hoa Kỳ có chất cao bồi là nướng thịt ngoài vườn để nói về chuyện lợi hại... Hãy trở về với nội dung thật của vở kịch chính trị.
Hoa Kỳ là nước dân chủ, đa nguyên và cởi mở, nên tiếp cận với mọi vấn đề trong tinh thần đó: Không ai có độc quyền chân lý. Mọi người đều có thể tìm giải pháp cho bài toán của mình, căn cứ trên một số thông tin mà ai cũng biết là hạn chế chứ không toàn diện. Khi tiếp cận với Trung Quốc cũng thế, Hoa Kỳ có nhiều hướng ứng xử khác nhau.
Thứ nhất và thực tế là ứng xử về quyền lợi kinh tế, với những người thấy mối lợi trong giao dịch, nhiều người khác thì e sợ thiệt hại vì thể chế kinh tế chính trị của Trung Quốc. Cả hai thành phần này đều tác động vào dư luận - khách hàng và chính trường - với lý luận đầy vơi. Ly nước đã đầy một nửa vì Bắc Kinh đã cải cách và nền kinh tế hạng nhì thế giới trở thành một thị trường đáng kể với hơn một tỷ dân. Nhưng ly nước còn vơi một nửa vì Bắc Kinh cải cách nửa vời, chưa có nền kinh tế thị trường đích thực, còn giành quyền bảo vệ hệ thống kinh tế nhà nước và thường xuyên ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ lẫn bí mật về kỹ thuật quốc phòng. Cả hai thành phần đều có tiền nuôi vẹt - các “chuyên gia” về Trung Quốc - để nói ra sự thật của mình.
Hướng ứng xử thứ nhì thuộc về chính quyền và các nhà ngoại giao là những người được phép nói dối cho tổ quốc. Bộ Ngoại Giao phải tổng hợp quan điểm về quyền lợi của đất nước khi tiếp cận với Bắc Kinh.
Cũng lại là trận tuyến hai mặt: Mặt dương là nên giao kết để đưa Trung Quốc vào cách hành xử có trách nhiệm và đem lại lợi ích kinh tế cho toàn cầu, trong toàn cầu đó tất nhiên là phải có doanh nghiệp Mỹ. Mặt âm là khi xây dựng sự hợp tác thì vẫn thủ tối đa và lâu lâu chỉ ra cái phần vơi của ly nước. Với quần chúng và cử tri, kẻ dối trá hay trí trá chuyên nghiệp - giới chức ngoại giao - có một từ rất đẹp là “quyền lực mềm”. Khi cần xẵng giọng thì họ nói đến việc Hoa Kỳ chuyển trục về Ðông Á. Khi cần ve vuốt thì họ nói đến tìm sự ổn định toàn cầu. Và nếu thị trường có các nhà bình luận thì chính trường cũng vậy, có những nơi tạo ra dư luận, theo cả hai hướng âm dương song hành.
Nếu kinh tế là cái gốc và ngoại giao là mặt nổi, an ninh mới là chuyện sinh tử.
Thành phần phải bảo vệ quyền lợi toàn cầu của Hoa Kỳ thì ý thức được rằng “quyền lực mềm” là phần ảo diệu của ngôn ngữ và ngoại giao, mà chỉ có giá trị khi được hậu thuẫn bằng “quyền lực cứng”. Khả năng quân sự mới là lẽ sống còn. Trên tuyến đầu và là mũi nhọn khi cần dụng binh, giới chức quốc phòng là thành phần e ngại chinh chiến vì biết được cái giá thật của chiến tranh, nhưng phải bi quan tự chuẩn bị cho tình huống tệ nhất. Họ không thể không biết sức mạnh kinh tế của Trung Quốc đang được Bắc Kinh chuyển vào quân đội với tốc độ rất cao. Vì vậy, đây cũng là trung tâm cảnh báo về mối nguy của Trung Quốc, ngoài biển hay trên không gian ảo.
Ở trên cùng và tổng hợp cả ba cách nhìn lẫn cách tiếp cận với Trung Quốc là hệ thống lãnh đạo. Họ được soi sáng và cập nhật về mọi khía cạnh để thấy ra hai lẽ lợi hại trong trường kỳ.
Hoa Kỳ muốn Trung Quốc cải cách về kinh tế, cởi mở về ngoại giao và chia sẻ trách nhiệm về hòa bình toàn cầu, nhưng không thể không thấy ra rủi ro của một cường quốc mới nổi, đang dồn phương tiện kinh tế vào ngoại giao và quân sự để có thế mạnh về chính trị khả dĩ đe dọa quyền lợi của Hoa Kỳ trong lâu dài. Có thể gọi lối tính toán ấy là “địa dư chiến lược” hay “thiên hạ đại thế”. Nhưng tính gì thì tính chứ ngay trước mắt thì vẫn còn đấu tranh dân chủ và bầu cử... Vì thế, một tổng thống cũng phải nói nước đôi, để khi hữu sự thì mình vẫn có lý.
Khung cảnh đa diện ấy mới nhuốm màu ngũ sắc của đám mây. Một cõi hỏa mù với nhiều nhiễu âm loạn xạ...
Trong cuộc múa rồng tại Rancho Mirage, lãnh đạo Hoa Kỳ xoay trở ra sao để đạt mục tiêu giữa quá nhiều mâu thuẫn của nước Mỹ và những tính toán của đối phương, đối tác hay đối thủ? Ðây là những kịch bản được tổng hợp từ cả trăm nguồn thông tin có thẩm quyền:
Kinh tế Trung Quốc không thể tăng trưởng với tốc độ trên 8% của quá khứ mà có thể chậm lại, với những ưu tiên khác: Sức tiêu thụ của người dân, cải thiện môi sinh, san bằng bất công xã hội và dị biệt địa dư trong ngoài, v.v... Rất tốn kém. Một nhà máy lọc nước biển ra nước ngọt cho một thành phố như Thiên Tân còn đắt hơn một tiềm thủy đĩnh hạng sang!
Khi cả tỷ người đạp xe chậm lại thì cỗ xe có đổ hay không, với hậu quả thế nào cho nước Mỹ? Với thực lực kinh tế giảm sút, khả năng quân sự sẽ tăng hay giảm? Nhiều phần là tăng chứ không giảm vì mối lo động loạn khiến Bắc Kinh sẽ nói về giặc ngoài để dẹp thù trong.
Xưa nay, lãnh đạo Trung Quốc mắc bệnh “tự bế” - autistic - nhìn ra thiên hạ sự từ cái tâm thiên lệch của Thiên tử theo những ưu tiên khác với thực tế. Cho nên, “sự sợ hãi của ngươi mới làm ta hãi sợ”... Làm sao trấn an Tập Cận Bình nếu ông ta không tin vào những điều Obama nói ra?
Mà thế giới không chỉ có chuyện Mỹ-Hoa. Sự hung hăng của Trung Quốc đang gây phản ứng từ các lân bang lớn nhỏ, từ liên bang Nga đến Nhật Bản, Úc, Ấn Ðộ và các nước Ðông Nam Á. Thân hữu nhất là Nam Hàn nay cũng chột dạ vì thái độ của Bắc Hàn và sự lập lờ của Bắc Kinh. Ngần ấy quốc gia đều nhìn vào Hoa Kỳ...
Ðâm ra, người vui nhất trong vụ múa rồng chính là Tổng Thống Obama. Trong hai ngày, ông kéo ống kính truyền thông ra khỏi thủ đô và những vụ tai tiếng về Benghazi, IRS, hay Bộ Tư Pháp điều tra báo chí... Thêm một đám mây ngũ sắc ngoài sa mạc California.

Chỉ có tại Hoa Kỳ:
Một chánh án Michigan đã tự tuyên án tội khinh mạn pháp đình sau khi để điện thoại tự động réo lên câu hỏi vớ vẩn lúc ông đang nghe hai bên nguyên cáo và bị cáo kết thúc án trạng. “Vì lỡ đụng tay vào máy”, vị thẩm phán bẽn lẽn cáo lỗi và xin nộp phạt 25 đồng vì vi phạm luật lệ mà ông phải bảo vệ. Phải chi ông này hành nghề ở Bắc Kinh. Hay Hà Nội...

No comments:

Post a Comment