Huỳnh Ngọc Chênh
Theo điều 4 Hiến Pháp, đảng lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện nên quốc hội phải đặt dưới quyền lãnh đạo tuyệt đối của đảng là đương nhiên.
Không cần nói ra nhưng ai cũng biết, hầu như các chức danh quan trọng của bộ máy nhà nước đều do bộ chính trị, ban chấp hành TW của đảng quyết, chọn lựa sắp đặt từ trước và quốc hội chỉ biểu quyết thông qua để hợp thức hóa. Phải nói rằng quốc hội hầu như chưa được bầu chọn một chức danh nào. Vì làm sao mà được bầu chọn, khi mỗi chức danh chỉ giới thiệu ra duy nhất có một người mà người ấy đã được đảng quyết.
Thế nhưng hôm nay, đảng lại chỉ đạo và cho phép quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm những người mà hầu như mình không bầu ra. Một động thái chưa có tiền lệ. Không hiểu việc làm nầy dựa trên cơ sở pháp luật nào không? Các bạn rành luật thử tìm hiểu.
Nhưng dù sao cũng rất hoan nghênh, đại biểu quốc hội đã được nới thêm cho một chút quyền, dù cái quyền ấy cũng rất hạn chế là chỉ được phép chọn lựa "tín nhiệm ít", "tín nhiệm nhiều" chứ không được phép "bất tín nhiệm". Đúng vậy người của đảng tin cẩn đưa lên chức vụ nầy chức vụ khác thì anh là quốc hội có quyền gì mà được phép bất tín nhiệm, anh muốn chống lại sự lãnh đạo của đảng à?
Không biết đảng dựa trên các tiêu chuẩn gì để quyết người nầy làm thủ tướng, người kia làm chủ tịch nước, người kia làm chủ tịch quốc hội, người khác làm bộ trưởng....Thôi đó là chuyện riêng của đảng, người dân và cả các đại biểu quốc hội biết đến làm gì cho mệt, mọi sự có đảng lo.
Tuy nhiên bây giờ đảng cho phép các đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm thì người dân phải có quyền đặt ra câu hỏi nầy chứ: Dựa trên cơ sở nào mà các đại biểu tín nhiệm người nầy ít, tín nhiệm người kia nhiều? Hầu như chưa thấy quốc hội, các vị đại biểu, cơ quan truyền thông thông báo chuyện nầy ra cho dân chúng biết.
Thường, để đánh giá một quan chức nào thì phải dựa vào chương trình hành động của quan chức đó trình ra lúc tranh cử (chuyện nầy thì hầu như không có) hoặc ít ra, lúc mới lên nhậm chức. Chương trình hành động là những mục tiêu đề ra và các giải pháp thực hiện để đạt các mục tiêu đó. Ví dụ chương trình hành động của ông bộ trưởng giao thông là đến năm nào đó thì phát triển giao thông đến đâu, làm thêm được những gì, giảm tai nạn giao thông, giảm ùn tắc đến mức nào...và các giải pháp để đạt được các mục tiêu đó là gì...
Một khi đã có chương trình hành động như vậy cho mỗi chức danh, thì bây giờ các vị đại biểu cứ chiếu theo đó mà tín nhiệm ít hay tín nhiệm nhiều và thậm chí đủ cơ sở để dũng cảm tuyên bố bất tín nhiệm một quan chức nào đó, nếu như quan chức đó không làm được bất cứ việc gì theo chương trình hành động đã đề ra.
Tôi chắc chắn rằng chẳng có quan chức nào khi lên nhậm chức thì trình ra trước quốc hội chương trình hành động của mình. Và do vậy, hôm nay, không hiểu các vị đại biểu đánh giá các đương sự trên cơ sở nào để mà quyết định chuyện tín nhiệm ít hay tín nhiệm nhiều?
Cơ sở nào? Cơ sở nào? Cơ sở nào?
Hãy trả lời cho dân biết chứ các vị đại biểu của dân!
HNC
Huỳnh Ngọc Chênh Blog
DienDanCTM
No comments:
Post a Comment