6/20/13

Người Mỹ chạy bàn trong quán cơm Xã hội ở Sài Gòn

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2013-06-20

06202013-americ-waiter-2thous-inn.mp3  

Ông John đang châm cơm thêm cho người nghèo tại quán cơm 2.000 đồng Nụ Cười 1

Ông John đang châm cơm thêm cho người nghèo tại quán cơm 2.000 đồng Nụ Cười 1

Courtesy Thanh Niên

Nghe bài này

John William Kelly là một công dân Mỹ, từng nhập  ngũ năm 1970 khi còn trẻ. Về sau, ông là trưởng chi cục bưu điện ở thành phố Palo Alto bang California.

Làm một điều gì có ý nghĩa

Năm 2004, chuyến đi Việt Nam đầu tiên hẳn đã lưu lại  trong ông nhiều kỷ niệm đẹp. Về hưu giữa năm 2009, John William Kelly bắt đầu thực hiện ước muốn trở qua Việt Nam không phải để nghỉ ngơi mà để làm một điều gì đó có ý nghĩa:

Ở đây cả ba tháng tôi chẳng kiếm được cái gì để làm mà có thể khiến mình hài lòng. Trở lại năm 2013, tôi  khám phá ra quán cơm hai ngàn đồng và bây giờ tôi  phục vụ tại quán này một tháng rồi đấy.

Nụ Cười 1, nằm trên đường Hồ Xuân Hương, Quận 3, nơi John Willaim Kelly tình nguyện làm việc, là  một trong ba quán cơm hai ngàn của thành phố, nằm trên đường Hồ Xuân Hương, Quận 3. Công việc của John, mà những người trong quán và khách đến ăn gọi ngắn gọn John hay ông Tây, là mang thức ăn, đặc biệt xới thêm cơm nóng và bưng ra cho khách dùng thêm.

Chuyện là vậy đó, tôi đã làm việc thiện nguyện nhiều ở bên Mỹ, tuy nhiên từ năm 2009 thì mơ ước của tôi là trở lại Việt Nam để làm việc thiện nguyện . Bây giờ làm trong quán này cho tôi cái cảm giác mình đang làm điều gì thật hay, cảm giác phục vụ người chung quanh một cách tích cực.

Dù  chỉ là một  phục vụ viên tình nguyện, ngày nào John cũng đến cửa hàng đúng giờ để lau chùi, dọn dẹp, gọt quả, thái rau và giúp một tay chuẩn bị cho buổi ăn trưa hoặc tối. Ông làm việc không ngừng nghỉ từ sáng sớm và chỉ về khách sạn khi quán đóng cửa. Đề cập về ông Tây lạ lùng và hay làm này, cô Nhi, kế toán viên của Nụ Cười 1,  nhận xét:

Chú rất hòa đồng, làm việc hết lòng, rất là vui vẻ, thân thiện, đúng với tiêu chí của quán cơm là nụ cười, lúc nào cũng cười. Em nghĩ nếu người Việt Nam mình ai cũng như chú thì tốt. Chú lúc nào cũng muốn là mọi người phải tạo  công việc cho chú làm liên tục chứ không muốn nghĩ ngơi.

Chuyện là vậy đó, tôi đã làm việc thiện nguyện nhiều ở bên Mỹ, tuy nhiên từ năm 2009 thì mơ ước của tôi là trở lại Việt Nam để làm việc thiện nguyện. Bây giờ làm trong quán này cho tôi cái cảm giác mình đang làm điều gì thật hay, cảm giác phục vụ người chung quanh một cách tích cực.

Anh John

Thế nhưng đầu tiên thì điều gì ở Việt Nam, nhất là ở quán Nụ Cười 1, lại hấp dẫn lôi cuốn John đến vậy. Hãy nghe ông nói:

Ông John trong quán cơm 2000 đồng Nụ Cười 1. RFA

Ông John trong quán cơm 2000 đồng Nụ Cười 1. RFA

Là vì cuộc  sống nơi đây rất sinh động, con người thật dễ gần, tôi không thấy mình có vấn đề gì với bất cứ ai, một cuộc sống bình lặng và an hòa.

Phần tôi là thích tìm một công việc khiến mình bận rộn, tiếc rằng visa của tôi ở Việt Nam chỉ có hiệu lực trong ba tháng. Tôi phải trở về Mỹ ngày 22 tháng Bảy tới chứ không thể ở quá hạn được.

Đối với Tống, một nhân viên tình nguyện trong quán, sự hiện diện mỗi ngày của John không chỉ  khiến anh cảm thấy vui và mà còn khá là tự hào về quán cơm hai ngàn này nữa:

Ông ấy rất siêng năng và nghiêm túc trong công việc, em cảm thấy tự hào về quán và cảm thấy vui sướng khi có người nước ngoài đến giúp đỡ.

Ngoài phụ bếp, công việc mà John ưa thích là xới thêm cơm nóng rồi bưng ra cho khách. Với nụ cười luôn nở trên môi, cư xử với mọi người trong quán một cách thân tình, John lăng xăng chạy đi chạy lại tiếp thêm cơm cho những thực khách đang thưởng thức một suất ăn giá rẻ mà cơm nóng canh sốt. Chừng như John ưa việc bới thêm cơm cho khách lắm, Tống bảo:

Ông ấy rất siêng năng và nghiêm túc trong công việc, em cảm thấy tự hào về quán và cảm thấy vui sướng khi có người nước ngoài đến giúp đỡ

Anh Tống

Ông John rất là thích công việc xới cơm, ông ấy lúc nào cũng hỏi em cơm chín chưa, xới cơm chưa. Sáng  em tới nấu cơm thì ông phụ, cơm mà ông cảm thấy hơi khô thì ông nói bạn nghĩ bạn nên thêm nước vào cho cơm nó mềm không. Ông ấy rất giỏi, biết chỉnh nước cho cơm ngon đó chị.

Anh John và quán Nụ Cười 1

Từ những ngày đầu, biết đến quán Nụ Cười 1 do một người quen mách bảo, John tìm đến, đóng một số tiến và đề nghị làm tình nguyện viên không ăn lương. Được hỏi lý do, John trả lời giản dị  ông chỉ muốn tận dụng tối đa thời gian ba tháng ở Việt Nam để thực hiện một công việc thật sự hữu ích:

Chuyện là tôi có một người bạn, biết tôi đi Việt Nam bà ấy gởi một số tiền, bảo mang về cho bất cứ người nào cần được giúp đỡ. Bà ấy còn dặn tôi là phải bảo đảm tiền này được sử dụng tại Việt Nam. Khi một người quen ở đây chỉ cho tôi quán cơm hai ngàn thì tôi thích liền, tôi góp thêm một ít tiền của mình vào rồi xin họ cho tôi giúp việc ở đây.  Lúc tôi hỏi các bạn trẻ trong quán là mấy em có cần người giúp việc không, họ trả lời  tất nhiên là cần rồi và thế là tôi được nhận cho phụ việc như mọi người trong quán thôi.

Vả lại bạn không thể đến Việt Nam trừ khi bạn thích thức ăn Việt Nam. Tôi chuộng thức ăn và kế tiếp là con người ở đây. Bạn biết là tôi sẽ bận rộn hết ba tháng cơ đấy. Niềm vui của tôi là mọi người chừng như tán hành việc tôi làm.

Lúc tôi hỏi các bạn trẻ trong quán là mấy em có cần người giúp việc không, họ trả lời tất nhiên là cần rồi và thế là tôi được nhận cho phụ việc như mọi người trong quán thôi

Anh John

Quán cơm hai ngàn là nơi bạn gặp gỡ mọi người , John kể tiếp, đa số là người lao động, người nghèo và trẻ con.. Chỉ với hai ngàn đồng mà có một bữa ăn ngon thì tuyệt quá phải không, rẻ như cho còn gì. Từ khách sạn tôi ở đến quán chỉ mất 5phút.

Việc gì tôi cũng làm hết, từ cắt rau, vo gạo, rửa chén bát, bưng bê vật nặng …Thế nhưng công việc chính của tôi khi thực khách ngồi vào những dãy bàn thì phải có đủ ba chục thố cơm đầy cho họ. Cứ thố cơm nào vơi thì tôi lại chạy vào bếp xới thêm và bê ra. Tôi cứ đi quanh như thế vì tôi muốn chắc chắn là thố cơm nào cũng phải đầy như thế cho khách dùng. Công việc trong quán nhiều lắm, Bây giờ tôi đang nói chuyện đây là gần 9 giờ sáng, ai nấy sẽ vô cùng bận rộn khi tới 11:30 là giờ ăn trưa.

Thoạt đầu, John kể, thực khách có vẻ ngỡ ngàng khi thấy một ông Tây mang tạp dề và bưng bê thức ăn cho họ. Thế nhưng chỉ sang đến tuần lễ sau thì mọi sự đã khác. Nhiều người bập bẹ một câu chào bằng Anh ngữ đến John, nhiều người nhìn ông  kèm theo một cái gật đầu thay cho lời chào hỏi, cũng có người chỉ cười và không biểu lộ cảm xúc nào, cắm cúi ăn xong, trả tiền  rồi đi về:

Bây giờ thì tôi cảm thấy mọi người đã quen với công việc chạy bàn của tôi rồi chứ không còn ngạc nhiên như lúc đầu nữa. Thức ăn ở đây rất ngon, cần nhớ thực khách đa số là người nghèo và người lao động. Họ có lòng tự trọng của họ đấy, họ không nói nhiều, đôi khỉ chỉ một nụ cười và vài câu lỏm bỏm mà tôi hiểu họ đang gián tiếp cảm ơn tôi.

Họ cũng không thích bị quấy nhiễu  đâu, tôi đã thấy có những người, hình như là nhà báo, mang máy ảnh hay máy quay phim đến săm soi vào họ, họ không thích bị chú ý như vậy đâu.

Bây giờ thì tôi cảm thấy mọi người đã quen với công việc chạy bàn của tôi rồi chứ không còn ngạc nhiên như lúc đầu nữa...cần nhớ thực khách đa số là người nghèo và người lao động. Họ có lòng tự trọng của họ đấy, họ không nói nhiều, đôi khỉ chỉ một nụ cười ...mà tôi hiểu họ đang gián tiếp cảm ơn tôi

anh John

Điều mà tôi cảm kích nữa là ban quản trị quán ăn và nhân viên  không bao giờ thắc mắc hay tra hỏi  thực khách là ai, thuộc thành phần nào trong xã hội, ai đến họ cũng phục vụ giống nhau, quan trọng là thức ăn đầy đủ từ thịt,  rau, canh, cá. Cơm ăn bao nhiêu đến no thì thôi.

Với các thực khách nhỏ tuổi, gồm những em bé đi bán vé số, bán báo hay bán hàng rong, ông Tây tên John luôn có vài chiếc kẹo hoặc một quả chuối để phát thêm cho các em.

Khi người lớn hay mấy em nhỏ nói bằng tiếng Việt “cám ơn” thì tôi cũng trả lời bằng tiếng Việt là ” không có chi”

Ở đây tôi  không cảm nhận gì hơn ngoài lòng tốt và tình người. Cũng đã có thắc mắc về tôi là liệu tôi đến quán này với ý đồ gì chăng. Nói thiệt nhiều lúc tôi cũng bực song tôi nghĩ lại công việc của tôi ở đây là giúp mọi người ăn cho no để còn đi kiếm sống, đơn giản khi đói ăn khát uống mà mình đáp ứng được nhu cầu đó cho người ta thì còn gì bằng.

Quán  cơm hai ngàn là một chỗ tốt đẹp, tôi thật sự ấn tượng về công việc làm của mấy anh chị em ở đây. Tôi tôn trọng các thực khách lui tới quán này, nụ cười ở đây có thể biểu tỏ tất cả hạnh phúc từ người cho cũng như sự biết ơn từ người nhận, nhiều khi lời nói không cần thiết đâu bạn ơi.

Còn đối với từng lời cám ơn của từng thức khách, John nói, đó là một bonus, một quà tặng mà họ ban cho ông.

Ngày 22 tháng Bảy là ngày visa của John William Kelly hết hạn. Trở về Hoa Kỳ, tiếp tục chăm sóc một người bạn neo đơn và cao tuổi, là một trong những công việc thiện nguyện của John ở Mỹ.

Hỏi có muốn ở lại với quán cơm hai ngàn không, có muốn ở lại Việt Nam không thì câu trả lời là rất muốn. Tuy nhiên, là một công dân Mỹ, mọi công việc của tôi ở bất cứ nơi đâu cũng phải hợp lệ. Tôi sẽ tìm cơ hội trở lại Việt Nam để giúp các bạn của tôi phục vụ người nghèo. Tôi hứa như vậy, ông John Willaim Kelly nói với Thanh Trúc trước khi trở vào bếp để sẵn sàng cho buổi ăn trưa.

Thế đấy, chưa gì mà các bạn trong quán Nụ Cười 1 đã cảm thấy lưu luyến gắn bó với ông Tây tốt bụng tên John này. Tống chia sẻ:

Tụi em nói với ổng rồi, là lúc ông qua Mỹ thì tụi em rất buồn, ông ấy nói là tui cũng vậy. Tụi em đã quen với sự có mặt của ông rồi mà tháng Bảy ông đi tất nhiên phải buồn chứ chị.

Vừa rồi là câu chuyện về John William Kelly, người Mỹ đang phục vụ trong quán cơm hai ngàn ở Sài Gòn, nơi ông không muốn rời xa khi ngày về càng ngày càng xích lại gần trong tháng tới.

Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi tuần này tạm chấm dứt ở đây. Thanh Trúc kính chào tạm biệt, xin hẹn quí vị tối thứ Năm tuần tới.

No comments:

Post a Comment