4/22/12

Được..! Được...

Tác Giả: Chu Thập

Mùa Phục Sinh năm nay, suy tưởng về cuộc chiến thắng của Thiện trên Ác, của Tình yêu trên Hận thù, của Quảng đại trên Ích kỷ...tôi không thể không nghĩ đến bà Aung San Suu Kyi, được mệnh danh là người phụ nữ “không biết sợ vì không biết hận thù”.

Trong mấy chục năm qua, người đàn bà được trao tặng giải Nobel Hòa bình năm 1991 này đã trở thành nhân vật biểu tượng của Phong trào đấu tranh bất bạo động tại Miến Điện.

Trong tác phẩm có tựa đề “Freedom from Fear” (thắng vượt sự sợ hãi), bà Aung San Suu Kyi đã viết như sau: “Căm thù và sợ hãi luôn đi đôi với nhau. Tôi không có căm thù thì tôi không có sợ hãi. Tôi chưa biết căm thù là gì, vì cha mẹ tôi chưa bao giờ dạy tôi điều đó. Nếu tôi bắt đầu căm thù những người đã giam cầm tôi, thì tôi đã tự mang đến thất bại cho mình.”

Là một tín đồ phật giáo thuần thành, bà Aung San Suu Kyi không chỉ đi theo con đường đấu tranh bất bạo động của Mahatma Gandhi mà còn lấy “Tâm Từ” của phật giáo làm trọng điểm của cuộc đấu tranh. Tâm từ hay Từ Bi trong phật giáo là tình yêu vô vị lợi, tức yêu thương mà không tính toán hay mong được đáp trả. Có lần bà bị nhà cầm nhà cầm quyền quân phiệt cô lập đến độ không còn đủ lương thực để sống khiến bà phải nằm liệt giường một thời gian vì kiệt sức. Nhưng bà không buồn cũng như không oán thù họ. Bà coi đó như một cách đóng góp vào cuộc tranh đấu dành tự do và dân chủ cho dân tộc. Với những người đồng chí hướng đang bị tù đày, bà khuyên: “Các bạn không nên buồn vì thân phận mình trong hoàn cảnh này. Hãy xem đó như một cơ hội để tác động hầu mang lại công bằng và ấm no cho dân tộc mình. Đây là một dịp may hiếm có không nên bỏ qua”.

Cuối cùng, như bà Aung San Suu Kyi đã tin tưởng, sau 21 năm tranh đấu cùng với 15 năm bị quản thúc của bà, chính phủ Miến Điện đã chấp nhận trả tự do cho hàng ngàn tù nhân chính trị, cho phép người dân được quyền đình công, được tự do thành lập nghiệp đoàn. Nhưng thành quả đáng ca ngợi nhứt của cuộc tranh đấu của bà Aung San Suu Kyi là chính bà và đảng Liên Minh Quốc Gia Dân Chủ của bà được tự do hoạt động và cuối cùng đã chiến thắng vẻ vang trong cuộc bầu cử vừa qua. Ngoài ra, ý nghĩa hơn cả vẫn là việc nhà cầm quyền Miến Điện quyết định đình chỉ dự án đập thủy điện Myitsone do Trung Quốc tài trợ và xây cất. Đây là dấu hiệu chứng tỏ Miến Điện muốn thoát khỏi sự kiềm chế của Trung Quốc để tiến lại gần với Tây Phương hơn.

Chiến thắng của bà Aung San Suu Kyi là một minh họa hùng hồn cho câu nói của Mahatma Gandhi: “Trong những giây phút của tuyệt vọng, tôi tự nhủ là trong lịch sử, sự thật và tình yêu luôn luôn chiến thắng. Có rất nhiều bạo chúa và sát nhân tin là họ không bao giờ thất bại, nhưng cuối cùng họ vẫn bị tiêu diệt. Chúng ta phải luôn nhớ điều đó.” (x. Lương Nguyện Hiền, khatvongtuoitre.net)

“Sự thật và tình yêu luôn chiến thắng” và chiến thắng ngay trong tâm hồn của chính những kẻ mà người ta tưởng chỉ biết tham lam, thù hận và làm điều ác. Những diễn biến mới đây tại Miến Điện không chỉ làm nổi bật nhân cách, đức độ, vai trò và chỗ đứng của bà Aung San Suu Kyi mà còn cho thấy một bộ mặt khác được mệnh danh là một “Mikhail Gorbachev” của Miến Điện. Người này chính là đương kim tổng thống Thein Sein. Ông tướng về hưu này đã từng là cánh tay mặt trong guồng máy độc tài quân phiệt Miến Điện. Tại sao ông Thein Sein đã từ bỏ con đường độc tài để hô hào dân chủ và tại sao các lãnh tụ quân phiệt lại cho phép ông đứng ra vận động cho dân chủ quả là một “mầu nhiệm”.

Năm nay 66 tuổi, ông Thein Sein vẫn được xem là một người ít thô bạo nhứt trong guồng máy độc tài và hoàn toàn không vướng mắc vào các vụ tham nhũng. Ông luôn được mọi người ca ngợi là một con người thành thật. Đây là một đức tính hiếm có nơi các nhà lãnh đạo độc tài. Chính bà Aung San Suu Kyi đã nhìn nhận rằng sự thành thật và thiện chí cải tổ của ông Thein Sein đã thuyết phục bà trở lại hoạt động chính trị. Quyết định của bà là một bước ngoặt để ông Thein Sein không những được dân chúng trong nước ủng hộ mà còn giúp ông tiến gần đến với các nước Tây phương hơn.

Có người cho rằng sở dĩ ông Thein Sein đã xoay chiều là do cơn bão Nargis cách đây 4 năm khiến cho trên 130 ngàn người Miến Điện bị thiệt mạng. Lúc đó, ông Thein Sein được bổ nhiệm đứng đầu cơ quan cứu trợ khẩn cấp của chính phủ Miến Điện. Đi thị sát vùng châu thổ Irrawaddy từ trên một chiếc trực thăng, ông đã có dịp mở to đôi mắt và nhận ra rằng quốc gia nghèo đói của ông hoàn toàn không được chuẩn bị để đối phó với tai họa. Nhưng mở rộng con mắt tâm hồn để cảm nhận được nỗi khổ đau của người đồng bào mới là điều đáng nói nơi ông tướng này. Câu nói quen thuộc của người Việt nam “máu chảy ruột mềm”, có lẽ đã được ứng dụng cho ông. Trái tim của ông vẫn còn biết rung cảm trước nỗi khổ của người đồng bào ruột thịt. Tiếng nói của lương tri vẫn còn đủ mạnh để đánh thức ông khỏi giấc ngủ của ích kỷ và thô bạo. Lý trí của ông vẫn còn đủ sáng suốt để nhận ra những sai trái của chế độ và quyết tâm cải tổ.

Thein Sein chào đời trong một ngôi làng xa xôi hẻo lánh và nghèo nàn. Cũng như hầu hết các tướng lãnh trong guồng máy quân phiệt, ông lớn lên trong nghèo đói. Sự kiện làng ông vẫn tiếp tục nghèo nàn chứng tỏ sự thanh liêm và lương thiện của ông. Ông Nay Win Mauang, người chuyên soạn diễn văn cho tổng thống Miến Điện, khẳng định rằng những thay đổi tại nước này không xuất phát từ một chiến lược nào cả. Tất cả đều là chuyện “nhân cách”. Ý ông Nay Win muốn nói rằng những biến chuyến gần đây tại Miến Điện là một phép lạ và phép lạ đó chính là sự hoán cải nội tâm của một con người (x. The Sydney Morning Herald, 6-8/4/2012).

Người Việt nam chúng ta thường nói: “thức khuya mới thấy đêm dài, sống lâu mới thấy dạ người có nhân”. Ông bà ta quả lạc quan khi tin tưởng điều đó. Cái nhân của Chân Thiện được Thượng đế gieo sâu trong lòng người luôn nằm chờ đó để có thể nẩy mầm bất cứ lúc nào. Lịch sử nhân loại luôn chứng minh: đế quốc, chế độ hay ý thức hệ nào, dù có độc ác và hùng mạnh đến đâu rốt cục rồi cũng cáo chung. Tiếng nói cuối cùng vẫn thuộc về sự thật và tình yêu.

Tôi luôn tin tưởng điều đó khi suy niệm về mầu nhiệm Phục Sinh của Kitô giáo. Cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu mà Kitô giáo tuyên xưng mỗi ngày là một lời mời gọi sống lạc quan và tin tưởng. Đặc biệt trong tháng tư này, mỗi lần nhìn tấm lịch do báo The Sydney Morning Herald tặng, tôi luôn suy niệm về câu chuyện được kể qua những tấm hình biếm họa của họa sĩ Leunig. Trong bức hình thứ nhứt, ông vẽ một cái tháp với lời chú thích “Trên đỉnh của tòa nhà cao nhứt thế giới...” Kế đó là cảnh một người ngồi nhìn ra cửa sổ được nhà họa sĩ ghi chú “người giàu nhứt thế giới đang ngồi”. Sang đến bức hình thứ ba, họa sĩ Leunig cho người giàu có nhứt đặt hai tay lên trái tim và giải thích: “Bên trong người này là trái tim cô đơn nhứt thế giới”. Họa sĩ lại đưa chúng ta đến một cái giếng sâu và cho biết: “Bên trong trái tim (của người này) là cái giếng sâu nhứt thế giới”. Kế đó là một mảng tối được Leunig chú thích: “Ở tận đáy giếng là mảng bùn đen tối nhứt thế giới”. Và cuối cùng, trong đống bùn đen ấy, nhà họa sĩ vẽ một đứa bé với đôi cánh thiên thần đang nằm ngủ. Ông chú thích: “Trong đống bùn đen có vị thiên thần sáng láng nhứt, đáng yêu nhứt, dịu dàng nhứt, đẹp đẽ nhứt của vũ trụ”. Rồi ông kết luận: “Xét cho cùng, sự việc không đến nỗi tệ lắm”.

Quả thật, bởi vì ở tận đáy sâu thẳm của cõi lòng mỗi người đều có một thiên thần, cho nên “mọi sự không đến nỗi tệ lắm”. Tôi tin rằng Phục Sinh mời gọi tôi nhìn người và nhìn đời với đôi mắt tích cực và lạc quan như thế. Danh tướng La mã tài ba Julius Caesar (100-44 trước công nguyên) đã tóm tắt cái nhìn và tài dụng bình khiển tướng của ông trong câu nói thời danh: “Tôi đã đến, tôi đã thấy và tôi đã chiến thắng” (veni, vici, vinci). Tác giả sách Tin Mừng Gioan, một người môn đệ thân tín của Chúa Giêsu, không rõ có nghe nói đến câu nói trên đây của tướng Caesar không, nhưng khi tường thuật lại buổi sáng khi ông ra mộ để viếng xác Thày mình, cũng đã để lại một câu nói tương tự: “Ông đã thấy và đã tin”. Thật ra, như ông cho biết, ông không thấy gì ngoài ngôi mộ trống không. Với ông, “không thấy gì” đã trở thành “thấy”, tức nhìn thấy những điều không thể thấy bằng mắt bên kia sự trống không.

Theo tôi, người có tinh thần lạc quan luôn nhìn thấy xuyên suốt qua những sự kiện. Người bi quan chán đời chỉ nhìn thấy mất mát, đổ vỡ và dừng lại ở ngõ cụt và thất vọng. Người lạc quan trái lại xem đó như một khởi đầu mới đầy hy vọng. Và dĩ nhiên, có nhìn người, nhìn đời bằng đôi mắt lạc quan, con người mới cảm thấy hài lòng với bản thân, với tha nhân và với cuộc đời.

Trên “meo đàn” của nhóm bạn già, tôi giữ lại được một bài thơ có tựa đề “được ...! được...!”, với ý lời thật đơn sơ, nhưng càng nghĩ càng thấy thâm thúy khiến tôi cứ phải tâm niệm và mang ra thực hành:

“Sống một kiếp người, Bình an là được.
Hai bánh bốn bánh, chạy được là được.
Tiền ít tiền nhiều, đủ ăn là được.
Người xấu người đẹp, dễ coi là được.
Người già người trẻ, miễn khỏe là được.
Nhà giàu nhà nghèo, hòa thuận là được.
Ông xã về trễ, miễn về là được.
Bà xã càu nhàu, thương mình là được.
Khi con còn nhỏ, dạy dỗ thật nghiêm.
Tiến sĩ cũng được, bán rau cũng xong.
Sau khi trưởng thành, ngoan ngoãn là được.
Nhà to nhà bé, ở được là được.
Hàng hiệu hay không, mặc được là được.
Tất cả phiền não, biết xả là được.
Kiên trì cố chấp, biết quên là được.
Bạn bè xa gần, nhớ nhau là được.
Không phải có tiền, muốn gì cũng được.
Tâm tốt việc tốt, thay đổi số mệnh.
Ai đúng ai sai, Trời biết là được.
Tích đức tu thân, kiếp sau cũng được.
Thiên địa vạn vật,tùy duyên là tốt.
Có rất nhiều việc, nhìn xa trông rộng.
Mọi người đều tốt, ngày ngày đều tốt.
Anh tốt tôi tốt, vậy là quá được.
Nói tóm lại, tri thức là quan trọng nhất.
Nói nhiều như vậy, hiểu được là tốt.
Vẫn còn chưa hiểu, xem lại là được.”

Nhìn người, nhìn đời với đôi mắt lạc quan, tôi cũng tự nhủ phải nhìn vào cái chết một cách bình thản. Trong bài viết “nhức nhối con tim”, tác giả Tràm Cà Mau kể lại rằng khi được chuẩn bị đưa vào phòng mổ, ông nghĩ đến cái chết và cảm thấy thanh thản đến độ “cười thành tiếng”. Tác giả tâm sự: “Thực tâm mà nói, thì sống chết đối với tôi cũng không quan trọng lắm. Không chết trẻ thì chết già, không chết bây giờ thì sau này cũng chết. Con người phải già, phải chết, để cho các thế hệ trẻ lớn lên thay thế, thế giới sung sức hơn. Cứ thử giả dụ như con người không chết, thì bây giờ cả thế giới đầy người già lụ khụ, già chiếm chín phần, trẻ chỉ một phần. Thế giới nay toàn ông bà già mấy trăm tuổi, chống gậy lê từng bước, xe lăn phố phường, đường xá. Thế thì lấy ai mà sản xuất, nuôi nấng nhân loại. Bởi vậy, tôi bình tĩnh, và nghĩ rằng được sống cũng vui, mà được chết cũng vui không kém”.

Sống chết mà có “được” tinh thần lạc quan như thế thì còn gì bằng!

Mỗi sớm mai thức dậy, tôi không chỉ thấy một ngày mới đang chờ, mà là một cuộc đời mới đang mời, giống như vừa chết đi sống lại. Thử hỏi còn gì vui hơn. Với tôi đó chính là tinh thần Phục Sinh.

No comments:

Post a Comment