7/24/11

THẾ SỰ THĂNG TRẦM - CHO NGƯỜI VỪA NẰM XUỐNG

Hoàng Ngọc Nguyên

clip_image002

Ông Nguyễn Cao Kỳ, 81 tuổi, đã qua đời hôm thứ sáu tại Malaysia. Chắc chắn, trong những ngày sắp đến, người ta sẽ nói nhiều, viết nhiều đến ông, một nhân vật lịch sử trong một thời đất nước nhiễu nhương, tao loạn. Ông từng là tư lệnh Không Quân, thủ tướng (chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương) trong những năm biến động của miền nam (1965-67), Phó Tổng thống trong những năm đầy thử thách của chế độ (1967-71).

Sự nghiệp của ông có vẻ bạo phát bạo tàn, nhưng ý nghĩa lịch sử thì có thể sâu xa hơn những gì nhiều người có thể nghĩ. Trong những năm qua, người ta viết quá nhiều về ông. Dĩ nhiên phần lớn là phê phán. Khi chẳng còn mấy để viết, người ta chẳng chừa gì những điều người ta nghĩ người ta biết. Về cá tính, tư cách của ông. Về thân thế và đời tư của ông. Và nhất là về sự chuyển hướng 180 độ trong lập trường chính trị. Khi còn sống, ông đã có thái độ bưng tai, bịt mắt trước dư luận – ít nhất là kể từ năm 2004. Nhưng chẳng phải vì thế mà người ta không tiếp tục viết về ông, một phần là vì nghiên cứu lịch sử là một sự tìm kiếm liên tục để soi sáng những chỗ còn chưa đủ sáng trong quá khứ.

Ông Kỳ, sinh năm 1930 tại Sơn Tây, đã nổi lên trong đám sĩ quan tướng tá trẻ thường được gọi là Young Turks, chớp thời cơ khi cờ đến tay bởi vì lớp tướng lãnh cựu trào thời Pháp đã cho thấy nhiều mặt bất cập trước tình thế, và phía các đảng phái quốc gia không có đảng nào đáng là lá cờ đầu, không một chính khách nào đủ bản lĩnh là lãnh tụ. Sau cả một năm rưỡi nhiễu nhương, hỗn loạn, gần nhất là sự tranh chấp quyền lãnh đạo của Quốc trưởng Phan Khắc Sửu và Thủ tướng Phan Huy Quát, quân đội được dân sự giao quyền, và một cơ chế mới được thành lập, ông Nguyễn Văn Thiệu là chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia, và ông Kỷ cầm đầu Ủy ban Hành pháp Trung ương. Chỗ của ông Kỳ có người không dám nhận, như Thiếu tướng Nguyễn Chánh Thi, tư lệnh vùng 1.

Ông thực sự làm khá được việc trong những năm có trách nhiệm hành pháp này. Mỹ quyết định đưa quân chiến đấu đến miền Nam từ 10-3-1965, cho nên tình hình chiến trận đã dần dần bớt nguy ngập trong những năm sau đó. Nhớ lại thời đó, ký ức mỗi người có thể mỗi khác về những gì còn lại trong đầu. Người nhớ đến Bộ trưởng Kinh tế Âu Trường Thanh và cuộc chiến chống lạm phàt phi mã bằng cách phá giá đồng bạc Việt Nam với hối suất mới 118 đồng ăn một Mỹ kim vào ngày 18-6-1966 của ông. Người thì nhớ đến cái “chính phủ của người nghèo” của ông Kỷ và pháp trường cát ông dựng lên mà “nghi can” hay “nạn nhân” duy nhất là Hoa kiều Tạ Vinh - bởi thế mà người Hoa sau này quay mặt với ông. Giới tuổi trẻ ở Saigon thì phải nhắc đến chương trình quận tám và các chương trình sinh hoạt hè. Người miền Trung, nhất là người Huế và Đà Nẵng hẳn phải nhớ đến cuộc hành quân chấm dứt biến động miền trung với chiến dịch khiêng bàn thờ ra ngoài đường của Thượng tọa Trí Quang vào tháng năm 1966. Tất cả những gì người ta còn có thể nhắc lại đó đều là những chuyện gây nhiều tranh cãi, nhưng có hai điều chắc chắn có thể kết luận từ đó: thứ nhất, ông không né tránh hay đùn đẩy trách nhiệm “lãnh đạo quốc gia” ; thứ hai, những sự việc đó đã góp phần tạo dấu ấn của thời Nguyễn Cao Kỳ, xây dựng được sự ổn định cần thiết đã không có sau cuôc đảo chánh Tổng thống Ngô Đình Diệm vào tháng 11 năm 1963.

Là nhân vật có quyền nhất và có trách nhiệm nhất trong chính phủ, nổi bật hơn cả ông Thiệu đang im lặng ẩn nhẫn chờ thời, dĩ nhiên ông Kỳ cũng đáng được ghi công về chuyện xây dựng nền Đệ nhị Cộng hòa. Ông đã giữ lời hứa tổ chức bầu cử Quốc hội Lập hiến vào ngày 10-9-1966. Đây là cuộc bầu cử tự do, dân chủ đầu tiên người dân miền nam đã có từ năm 1963, và sự tham gia tích cực của các đảng phái, tôn giáo, chính trị địa phương (nhất là người nam) đã cho thấy nhận thức chung một thời mới đã mở ra. Tuy người ta có phê phán ít nhiều sau đó về quá trình hình thành hiến pháp và sức ép của phía chính quyền đối với những qui định tổ chức bầu cử Thượng Viện, Hạ Viện và Tổng thống (như chuyện ông “Sáu Lèo” mặc cảnh phục đi dép Nhật, lưng đeo súng, tay cầm chai rượu, đi lên lầu trên Hạ Viện ngồi nhìn xuống theo dõi sự đời), Hiến pháp 1-4-1967 đáng được xem là một thành công của nền dân chủ miền nam.

Có ba câu chuyên sau đó cũng có thể nói thêm về ông Nguyễn Cao Kỳ.

Thứ nhất, trong cuộc bầu cử tồng thống năm 1967, trong khi ai cũng nghĩ ông sẽ ra tranh cử chính thức với sự ủng hộ của Hội đồng Quân lực, và ông Thiệu nếu có ra sẽ phải tranh cử với tính cách độc lập, thì ông Kỳ đã chấp nhận chẳng những đứng chung liên danh với ông Thiệu mà còn đứng phó. Ông Kỳ vào lúc đó được sự ủng hộ mạnh mẽ của hội đồng tướng lãnh, những tướng có binh quyền trong tay đều đứng sau lưng ông Kỷ (Lê Nguyên Khang, Nguyễn Đức Thắng, Cao Văn Viên), thế nhưng ông Kỳ, như ông viết trong sách “Con cầu tự”, đã “cầm lòng không đậu” trước giọt nước mắt lả chả của ông Thiệu nên “khằng khái” thay đổi quyết định. Dĩ nhiên đó là mối hận ông Kỳ sẽ mang xuống tuyền đài chưa tan, lý do có nhiều ta cũng có thể đoán, nhưng quyết định đó cũng cho thấy cá tính, tư cách của ông Kỷ rất nhiều.

Thứ hai, trong dịp Mậu Thân, Việt Cộng tấn công. Ông Thiệu mãi về quê vợ ở Mỹ Tho ăn Tết nên bị mắc kẹt, phải chờ Mỹ đưa trực thăng tới đón mới dám về. Ông Kỳ một mình ở Saigon đối phó, điều động lực lượng chống trả và tiêu diệt những lực lượng đặc công của địch đánh vào Dinh Độc Lập, tòa Đại sứ Mỹ, phi trường, các khu dân cư… Một nữ ký giả Ý gai góc số một, Oriana Fallaci (1929-2006), đã từng viết về hai bài phỏng vấn dài về hai ông Kỳ và Thiệu, đã nói lên những ấn tượng mạnh mẽ của bà khi quan sát sự lo nghĩ căng thẳng và ưu tư về vận mệnh của đất nước của ông Kỳ trong thời gian có cuộc tấn công của Việt Cộng, và sự dấn thân của ông trong việc đảm đương chỉ huy cuộc truy quét địch. Sau khi ông Thiệu về, bao nhiêu công lao của ông Kỳ đều đổ xuống sông, xuống biển.

Thứ ba, cách đây đúng 40 năm, ông Thiệu đã tổ chức bầu cử độc diễn. Sau khi ông Thiệu hạ bệ Thủ tướng Nguyễn Văn Lộc của ông Kỳ và thanh toán hết vây cánh của ông Kỳ trong quân đội sau đợt tổng tấn công đợt hai của Việt Cộng năm 1968, ông Kỳ đã ngồi chơi xơi nước bên cánh trái của dinh Độc Lập cả ba năm. Năm 1971, người ta nghĩ ba ông Thiệu, Kỳ và Dương Văn Minh sẽ ra tranh cử, nhưng ông Thiệu dùng đủ mọi thủ đoạn đề chỉ có thể một người ra tranh với ông mà thôi. Rốt cuôc, cả ông Minh và ông Kỳ đều chẳng muốn chơi trò này, khi người ta nhìn vào bụng dạ của hai người: ông Thiệu và Đại sứ Mỹ Ellsworth Bunker. Trong bao nhiêu năm nhẫn nhục đó, ông Nguyễn Cao Kỳ, vẫn được tiếng là con nguòi hành động, đã nói chơi nhiều mà chẳng làm thật những đe dọa đảo chính hay lật đổ này nọ. Ông đã không hành động khinh xuất vì cá nhân!

Những người quan sát có thể kết luận này nọ về ông Kỳ của thuở trước. Một người cương quyết, dám làm. Ông bắn Tạ Vinh không sợ người Hoa. Đưa quân ra miền Trung không sợ người miền Trung và người theo đạo Phật. Dám có hành động với những tướng Nguyễn Chánh Thi hay Nguyễn Hữu Có. Ông tin người, chịu nghe và dám làm, không đa nghi, không do dự. Ông ít bè phái và không có đầu óc kỳ thị địa phương nam bắc, mặc dù ưa bạn bè, thích giao du. Chung quanh ông một thời có nhiều người giỏi. Đám dân biểu người Nam sau này chạy theo ông Minh khi bắt đầu được hình thành nhờ sự đỡ đầu của ông. Mặc dù ông có tiếng là “liều lĩnh”, thích làm ngưòi hùng, dân anh chị, chơi ngông, từ bộ râu đến quân phục và áo lãnh tụ như Mao Trạch Đông… nhưng trong hành động ông quyết định cẩn trọng, thực tế hay thực tiễn, cân nhắc không ít đến hậu quả, ví dụ như trong việc nhường cho ông Thiệu năm 1967, và để cho ông Thiệu lấn át những năm sau.

Trong khi có quyền hành đòi hỏi phải hành xử một cách có trách nhiệm, ông đã kềm chế đưọc cá tính của mình, giữ gìn tư cách của mình. Nếu năm 1967 ông tranh cử tồng thống và thành công, đất nước sẽ ra sao. Đó là một câu hỏi nên suy nghĩ. Nhưng với cái số bạo phát bạo tàn mà nhiều người Việt của X Generation (sinh ra từ 1925-1945) phải trải qua, ông đã làm hỏng chính ông một cách tan hoang. Ông chẳng còn gì cả - thân bại danh liệt. Ông cư xử trong những cách người ta không hiểu nổi và khó thế châm chước. Và nay, gặp lại những bạn bè cũ ở bên kia sông như Phạm Phú Quốc, Lưu Kim Cương… ông sẽ phải ăn làm sao, nói làm sao đây?

No comments:

Post a Comment