Showing posts with label Hoàng Ngọc Nguyên. Show all posts
Showing posts with label Hoàng Ngọc Nguyên. Show all posts

6/28/23

MỤC SƯ CARTER

 Hoàng Ngọc Nguyên

Những người Việt này đang sống tại Mỹ, không bao giờ quên Tổng thống Carter.

Cựu Tổng thống Jimmy Carter, nay đã xấp xỉ 100 tuổi, là tổng thống Mỹ trường thọ nhất, nay đang sống trong một nhà an dưỡng cuối cùng (hospice).


        Carter thể hiện thay đổi người Mỹ muốn tìm - Lịch sử Hoa Kỳ giai đoạn Chiến tranh VN chấm dứt với Tổng thống Gerald Ford (1974-76). Giai đoạn mới mở ra với Tổng thống Jimmy Carter. Sự lựa chọn ông có thể nói một phần là do người Mỹ muốn để lại đàng sau một quá khứ không có gì hay ho: thất bại trong cuộc chiến “bảo vệ tiền đồn” và có một ông tổng thống quá “tricky”. Jimmy Carter, thống đốc của tiểu bang Georgia là một khuôn mặt khá mới lạ trong đảng Dân Chủ. Ông chẳng có gốc rễ chính trị gì tại Washington. Thế nhưng ông được chọn làm ứng cử viên của đảng trong bầu cử tổng thống năm 1976, và thắng Tổng thống đương nhiệm Gerald Ford trong đường tơ kẽ tóc (297/240). Georgia là một tiểu bang Cộng Hòa bảo thủ, nhưng Carter là một nhân vật Dân Chủ cấp tiến. Ông từng ở trong ngành tiềm thủy đỉnh của Hải quân Hoa Kỳ. Sau khi trở lại đời sống dân sự, ông hoạt động trong ngành trồng đậu của gia đình. Sau đó ông tham gia hoạt động chính trị, chống phân biệt chủng tộc, ủng hộ phong trào dân quyền, và tích cực vận động cho đảng Dân Chủ. Một tác giả Mỹ viết như sau về ông: “Khi ông quyết định ra tranh cử tổng thống, bên ngoài tiểu bang chẳng ai biết ông là ai. Hầu hết mọi người đều cười khi nghe ông ra. Mẹ của ông cũng cười. Nhưng Jimmy Carter đã nhất quyết. Nói năng nhẹ nhàng và giọng điệu như người giảng đạo, Carter nói với người dân Mỹ:”Tôi sẽ không dối gạt bà con”. Và quả thật, ông chưa hề nói dối”. 

Khi đắc cử, xa lạ với Washington, ông đem theo bạn bè ở Georgia đến thủ đô giúp ông. Đó là một quyết định cho thấy ông chưa hiểu chính trị Mỹ. Ông rất cần có bên cạnh những người am hiểu chính trị Washington để họ có thể nói cho ông biết những vấn đề ưu tiên là gì, và làm sao có những quan hệ với chính giới để có thể đạt được những mục tiêu này. Nhưng ông vốn chủ trương: làm những gì đúng thì làm, không nhất thiết phải theo những mục tiêu chính trị. Cho nên một trong những quyết định đầu tiên của ông khi nhậm chức là tổng ân xá cho những người trốn lính vì chiến tranh VN. Hàng trăm ngàn người Mỹ có cơ hội trở lai đất nước và định cư chính thức trở lại. 


Đồng thời, ông tìm cách cứu giúp những thuyền nhân VN đang không có chỗ nương tựa. Đó là những năm cao điểm của phong trào vượt biên vượt biển, hàng trăm ngàn người đã mạo hiểm trong số phận thuyền nhân, và người ta nói ít nhất cũng một nửa số người đã bỏ mình giữa biển cả mênh mông, làm mồi cho cá mập. Từ năm 1978, ông đã có ý kiến chấp nhận những thuyền nhân đang ở những đảo tạm trú và muốn đến nước Mỹ, nhất là những người có thân nhân hiện đang ở Mỹ. Ông cũng ra lệnh cho các tàu biển của Hải quân Mỹ cứu vớt những người vượt biên đang lênh đênh trên biển cả vùi dập. Năm 1978, giữa khi các nhà lãnh đạo thế giới đang họp hội nghị để thảo luận về những chuyện sống còn của đất nước của họ, Carter đã đưa ra một vấn đề làm người ta nín lặng: cái chết của những người vượt biên trên biển cả và nghĩa vụ của những nước phương tây phải cứu vớt họ. Ông thông báo Mỹ sẽ gia tăng gấp đôi số người tỵ nạn hàng tháng sẽ được nhận vào Mỹ, từ 7.000 lên đến 14.000 (khoảng 168.000 người một năm). Quyết định này nhằm thúc đẩy các nước khác phải có thái độ tích cực tương tự. Chẳng phải dân Mỹ ai cũng ủng hộ chuyện này. Thăm dò của CBS và báo New York Times cho thấy đến 62% người Mỹ không đồng tính với chuyện mở cửa cho người tỵ nạn. Thăm dò Gallup chỉ ra 57% người Mỹ chống lại chủ trương nới lỏng chính sách di dân cho người tỵ nạn từ Đông Nam Á (người Việt, Lào và Campuchia). 


Chính những bước khởi đầu đó đã dẫn đến những chương trình về sau này, như đoàn tụ gia đình, Ra đi có trật tự (ODP), HO (dành cho những người thuộc chế độ Saigon đã bị “cải tạo” hơn 3 năm). Cũng chính ông Carter là người cho thuyền Mỹ đến đón những người Cuba muốn đến Mỹ tỵ nạn nhưng bị Fidel Castro gom trên đảo nhưng không đưa đến Mỹ. .. Ông nhấn mạnh nước Mỹ là một đất nước của người tị nạn (a nation of refugees), trách nhiệm của những người lãnh đạo là mở cửa. Suy cho cùng, những thuyền nhân VN bị mất nước, hay những người Cuba tỵ nạn vì mất nước, trong cả hai trường hợp, Mỹ phải chịu một phần trách nhiệm về sự mất nước này ở một mức độ nào đó. 

 

Vào tháng sáu năm 2023, trong những ngày của Carter tại nhà “tạm cư” (hospice - trong khi chờ đợi những giây phút cuối của đời), một số nhà viết sử đã nói rằng ông Carter thất bại trong tái tranh cử năm 1980 vì nhiều lý do, trong đó có thái độ của ông đối với người tị nạn mà ông quyết tâm ủng hộ, trong khi nhiều người Mỹ da trắng bảo thủ phía Cộng Hòa (nhánh Quyền Tôn giáo - Religious Right) vẫn chống đối. Tuy nhiên, tờ New York Times trong một bài điều tra còn tiết lộ chính Tổng thống Reagan, vào năm 1980 khi còn là một ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa, đã âm mưu cùng với một chính khách cơ hội có tiếng là John B. Connally (từng là thống đốc Texas và đi cùng xe với Tổng thống Kennedy và bà kennedy nên tai bay vạ gió ông bị thương trong vụ tổng thống bị bắn chết ngày 21-11-1963), bí mật đề nghị với Iran khoan thả những người Mỹ đang bị chinh quyền cách mạng của Khomeini tại Tehran bắt giữ từ tháng chín năm 1979, để cho Carter mất điểm với ngay cả cử tri Dân Chủ.  Iran giữ lời, chỉ tha con tin Mỹ sau khi Reagan đắc cử và nhậm chức vào ngày 20-1-1981. Đáp lại công trạng của Iran giúp lật đổ Carter, Reagan sau này bán vũ khí cho Iran, dùng tiền đó cho loạn quân Contras tại Nicaragua mua vũ khí! Ông Reagan ủng hộ loạn quân này! Tổng thống Carter (1924) nay đã 100 tuổi ta, hẳn phải cảm thấy an ủi phần nào khi đọc những dòng này trong những giờ phút cô quạnh hiện nay!


Carter thừa kế một nền kinh tế đang suy yếu. Trong nhiệm kỳ của ông, lạm phát vượt mức 10%, lãi suất cho vay đến gần 20%. Tăng trưởng kinh tế nặng nề cùng với lạm phát tệ hại hơn làm cho suy thoái kéo dài, bắt đầu có từ thời Nixon. Carter cố thăng bằng ngân sách liên bang nhưng không thành (như tất cả những tổng thống khác từ thời Eisenhower). Nhiều vấn đề kinh tế của Mỹ xuất phát từ chi phí dầu hỏa OPEC gia tăng. Tổng thống Carter đã tăng ngân sách để nghiên cứu tìm kiếm một nguồn năng lượng thay thế. Ông cho thành lập một cơ quan chính phủ mới, cấp nội các, có tên là Bộ Năng lượng để thúc đẩy những nỗ lực này. Nhiều người Mỹ xem năng lượng hạt nhân như là một giải pháp cho những vấn đề năng lượng của đất nước. Những người chống đối lý luận rằng sự thất bại của nhà máy năng lượng hạt nhân sẽ có hậu quả tai hại không lường. Sự lo sợ của họ đã càng tăng khi một nhà máy tại Three Mile Island, Penn., bị hỏng, thả ra những chất liệu phóng xạ vào không gian.

Cao điểm của chính quyền Carter là khi ông đích thân vận động cho một thỏa hiệp hòa bình giữa Do Thái và Ai Cập. Sự xung đột giữa hai nước này đã có từ ngày Do Thái được thành lập vào năm 1948 và bị phong tỏa bởi những nước láng giềng A-Rập thù nghịch. Căng thẳng giữa Do Thái và Ai Cập đã gia tăng từ cuộc Chiến Sáu Ngày năm 1967, trong cuộc chiến này Do Thái đã chiếm đóng bán đảo Sinai, một vùng sa mạc thuộc Ai Cập. Tuy nhiên, vào năm 1978, lãnh tụ của hai nước đồng ý gặp nhau trên đất nước của nhau. Đó là một bước chuyển biến lớn trong quan hệ Do Thái-Ả Rập; hầu hết các nước A-Rập đều không chịu nhìn nhận ngay cả sự hiện hữu của Do Thái. Tổng thống Carter hy vọng có thể lợi dụng được cơ hội này để tạo được một chuyển biến. Ông mời cả hai bên đến Camp David và đích thân bàn bạc với cả hai bên để có một thỏa thuận. Kể từ đó, Hoa Kỳ đã tham dự tích cực trong thương thảo hòa bình của vùng này.

Carter còn đạt được một vài thành công khác về ngoại giao. Ông đã đúc kết một hiệp định vũ khí với Liên Xô. Carter chủ trương vận động cho nhân quyền là nền tảng của chính sách đối ngoại. Ông thương thảo một hiệp ước giữa Hoa Kỳ và Panama nhằm trao trả lại cho Panama quyền kiểm soát vùng kênh đào và sau đó Thượng Viện Mỹ đã thông qua hiệp định này. Tuy nhiên, Carter cũng bị một vài thất bại lớn. Khi Liên Xô xâm lăng Afghanistan vì tưởng từ đó có thể mở ra ảnh hưởng trong vùng Nam Á-Trung Đông, những nỗ lực của Carter là vô hiệu trong việc ép Liên Xô rút lui. Carter cũng lúng túng ở Nicaragua, nơi ban đầu ông tỏ ra thân thiện với chính quyền Sandinista cách mạng, nhưng rồi lại chống lại họ khi chính quyền này liên kết chặt chẽ với Liên Xô và Cuba. 


Khủng hoảng tệ nhất cho Carter là khi Iran trở thành nước Cộng hòa Hồi giáo Iran, giáo chủ Ayatollah Khomeini lên cầm quyền, và người xuống đường đã tấn công vào sứ quán Hoa Kỳ tại Tehran, bắt giữ khoảng 70 người Mỹ (nhân viên ngoại giao và thường dân) ngày 4-11-1979 để đáp lại chuyện Mỹ trước đây ủng hộ và nay cho nhà vua Iran độc tài tỵ nạn chính trị. Sau khi thất bại trong âm mưu giải cứu, Carter quyết định chọn phương cách thương lượng để bảo vệ an toàn cho các con tin. Bởi vậy, mãi đến 444 ngày sau, tức đúng vào ngày tổng thống mới Ronald Reagan nhậm chức và Carter ra đi, con tin mới được phóng thích.

        Giới bình luận chính trị theo dõi cuộc bầu cử tổng thống năm 1980 đã sớm nhất trí rằng Tổng thống Jimmy Carter không có cách gì có thể tiếp tục ở lại Tòa Bạch Ốc bốn năm nữa. Ngay cả trong đảng Dân Chủ của ông, lẽ ra người ta phải ủng hộ một tổng thống đương nhiệm, thế nhưng người ra phá ông chính là em út của cố Tổng thống John F. Kennedy, tức Ted Kennedy (Hiện nay (2023), con trai của cố Thượng nghị sĩ Robert F. Kennedy, tức cháu gọi JFK bằng bác ruột, cũng ra tranh cử với Tổng thống đương nhiệm Joe Biden). Trong cuộc “nội chiến” này của đảng Dân Chủ, Kennedy, vốn nổi tiếng một phần là vì ông là em út của cố Tổng thống JFK, một phần là nhờ “tai nạn Chappaquiddick” 10 năm trước đó ông lái xe giữa đêm rớt xuống cầu làm tử thương một phụ nữ ngồi trên xe, chỉ được 1/3 số phiếu trong vòng sơ bộ của đảng Dân Chủ, nhưng điều này cũng cho thấy Carter không được lòng cử tri Dân Chủ và quan hệ cũng không hay với những người lãnh đạo đảng của ông.


Theo giới bình luận chính trị và lịch sử, đến cuối thập niên 70, nhiều người đã thấy mỏi mệt vì những xung đột trong thập niên qua. Nhiều người cảm thấy không thoải mái và có thái độ phê phán nghiêm khắc nhằm vào những người lãnh đạo chính trị. Jimmy Carter đã tạo sự bất bình – và làm nhiều người thấy khó chịu – khi ông than phiền trong một bài diễn văn là người dân đang bị cuốn hút vào một cuộc “khủng hoảng niềm tin”. “Đó là một cuộc khủng hoảng đánh ngay vào con tim và linh hồn của ý chí dân tộc. Chúng ta có thể thấy cuộc khủng hoảng này thể hiện nơi sự nghi ngờ đang nổi lên về ý nghĩa của cuộc sống của chúng ta và trong sự mất đoàn kết và thiếu mục tiêu của một dân tộc. Sự suy đồi niềm tin vào tương lai đang đe dọa tiêu hủy kết cấu chính trị và xã hội của đất nước”. Người ta gọi đó là một “diễn văn dằn vặt” (Malaise speech), trong khi người dân lại cảm thấy ông chỉ nêu bật sự bế tắc của chính ông và không chỉ ra lối thoát nào cho đất nước. 


Bởi vậy mới có sự đồng tình của cử tri quay qua Reagan để tìm một thử nghiệm mới. Reagan tranh cử với các chủ điểm gia tăng chi phí quốc phòng, thực hiện chính sách kinh tế dựa trên nguồn cung, và thực hiện một ngân sách thăng bằng. Carter chỉ trích Reagan là một phần tử cực đoan khuynh hữu nguy hiểm, và cảnh báo Reagan sẽ cắt Medicare và An sinh Xã hội. 


Tuy nhiên, cử tri Mỹ xem chừng chỉ bỏ phiếu cho người họ lựa chọn thay vì cân nhắc hay tính toán xem người đó nghĩ gì trong đầu. Người dân đã nói rõ sự chọn lựa của mình: Reagan được 489 phiếu cử tri đoàn và 50.8% phiếu phổ thông, trong khi Carter chỉ được 41% phiếu phổ thông và 49 phiếu cử tri đoàn. Đảng Cộng Hòa cũng giành được thế đa số tại Thượng Viện - lần đầu tiên kể từ năm 1952. Chủ nghĩa bảo thủ nay đã có thể bừng dậy!



1/11/23

Ôn cố, bất tri tân - NHỮNG GHI NHẬN TỪ MỘT NĂM LỊCH SỬ BIẾN ĐỘNG

Quân Ukraine đánh đuổi quân Nga xâm lược


Ôn cố tri tân. 

Nhắc lại chuyện xưa để biết chuyện nay. Nhắc lại những chuyện trong năm đã qua để cố hình dung những gì có thể xảy ra trong năm mới là một thông lệ trí thức không thể thiếu được của người gõ máy, nhất là khi người ta đang sống trong một thời trí nhớ đang bị thử thách nghiêm trọng trên mọi mặt. Hơn nữa, năm 2022 vừa qua, năm Nhâm Dần, là một năm khó thể quên được, ít nhất khi ta nhớ đến cuộc chiến xâm lăng ngang ngược có tính sát nhân diệt chủng của Nga đánh vào Ukraine, một nước “láng giềng ruột thịt” - theo cách nói của bạo chúa Nga Sa hoàng Vladimir Putin. Đồng thời là cuộc bầu cử giữa mùa tại Mỹ vào ngày 8-11-2022 mà sự thất bại của đảng Cộng Hòa nói lên nhiều điều về nước Mỹ hiện nay.

Một cuộc chiến có thể thấy trước

Tính từ ngày quân Nga bắt đầu “cuộc hành quân đặc biệt” tràn vào miền đông nước Ukraine (24-2-2022), cuộc chiến xâm lăng ngang ngược của Nga đã kéo dài gần 11 tháng, ngoái nhìn phía sau, có nhiều điều chúng ta đã có thể thấy rõ; nhìn về phía trước, với ít nhiều bi quan, chúng ta vẫn thấy tương lai mù mịt.

Để tái lập đế chế Nga, Sa hoàng Putin đã có âm mưu xâm lăng Ukraine từ lâu, thể hiện rõ nhất là sự “sáp nhập” ngang ngược bán đảo Crimea của Ukraine vào nước Nga năm 2014.  Vốn là một ông trùm tình báo nước Nga, Putin cho rằng nay là thời điểm thuận lợi nhất và cũng cần thiết nhất để tiến hành cuộc chiến xâm lăng Ukraine, ông ta tin rằng Ukraine sẽ nhanh chóng sụp đổ vì sức mạnh vô địch của Nga, sự yếu kém của Ukraine và sự bất lực của các nước phương Tây và khối NATO không dám can thiệp. 

Qua cuộc chiến kéo dài gần cả năm qua, chúng ta đã thấy Putin đã tính toán sai lầm đến như thế nào, và cũng thấy càng sai lầm, Putin càng có thể nguy hiểm đến tột độ. Putin đã không thấy được sự “lạc hậu” và lúng túng của quân Nga, mà ông ta cứ nghĩ rằng có sức mạnh rất hiện đại có thể nuốt chửng Ukraine trong chốc lát. Ông ta cũng không lường được lòng yêu nước, dũng cảm, kiên cường của người dân Ukraine, của người lính Ukraine, và của lãnh đạo Ukraine – đặc biệt là Tổng thống Volodymyr Zelinskyi (cùng tên, khác họ với Vladimir Putin). Ông ta cũng chẳng ngờ cuộc chiến xâm lăng, diệt chủng của Nga đã gặp phải phản ứng quyết liệt của khối Tây Âu, mà sự lãnh đạo của Mỹ đã sáng chói trong việc tạo lập sự đoàn kết, hợp tác, mở rộng (với sự gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan vào NATO) và đẩy lùi Nga.

Chưa thể biết chính xác tổn thất quân sự của hai bên trong cuộc chiến này. Tính đến nay, có thể quân Nga đã thiệt mạng hơn 100.000 lính và số bị thương ít nhất tương đương với số chết trận. Con số tử thương của quân Ukraine có thể vào khoảng 20.000-25.000, và số thường dân thương vong vì pháo kích hay tàn sát của quân Nga cũng trong khoảng đó. Tuy nhiên, sự mất mát, sụp đổ của các thành phố và khu dân cư của Ukraine được ước tinh vào khoảng ít nhất là 1.000 tỷ đô la với chính sách tàn phá của Putin. 

Tuy nhiên, người ta vẫn chưa thực sự dám nói cuộc chiến sẽ kết thúc khi nào và như thế nào, bởi vì sự tàn ác và nguy hiểm của Putin khát máu là vô bờ bến. Và ông ta đang cố tình cho Ukraine và phương Tây biết ông ta là người thế nào, độc ác, tàn bạo và nguy hiểm vô hạn, nhằm mục đích làm chùn bước đối phương. Ông ta cứ “kêu gọi” Ukraine “hòa đàm”, nhưng với điều kiện tiên quyết Ukraine phải chịu mất miền đông Ukraine mà Nga đã chiếm (Crimea, Kherson, Kharkiv, Donetsk, Luhansk, Melitopol, Mariupol). Chúng ta đang đứng trước một số câu hỏi then chốt không dễ gì có câu trả lời ngoài việc phải chờ đợi. Ukraine chắc chắn chiến đấu tới cùng. Trong khi đó, dân Nga, quân Nga, kho vũ khí của Nga còn chịu được bao lâu nữa? Chi có điều chắc: cuộc chiến xâm lăng của Nga là nhằm mục đích tạo một trật tự thế giới mới với sự trỗi dậy của Nga là một thế lực quốc tế mới. Điều này chắc sẽ không bao giờ có!

Cuộc chiến Ukraine là một cuộc chiến người ta có thể thấy trước, trừ Putin!

Mỹ lùi khỏi bờ vực

Trong hơn một năm đầu của Tổng thống Joe Biden tại Bạch Cung, người ta vẫn sợ rằng nước Mỹ đang ở trên bờ vực. Có nhiều lý do cho những ám ảnh mất ăn mất ngủ này của người dân. 

Ông Biden tuổi già, sức yếu, nói năng có khi loạng quạng, trí nhớ có khi tầm bậy, và con tim khó đủ sức chịu đựng những vùi dập của thời mạt pháp chưa có lối ra ngày nay. Trong khi đó, Donald Trump thất bại trong bầu cử năm 2022, nhưng đến nay vẫn càm ràm “bầu cử gian lận” và hô hào sự nổi dậy của những phe nhóm cực hữu quá khích trong quần chúng bạch chủng. Đại dịch coronavirus vẫn còn là một mối lo (cho đến nay, 101 triệu trường hợp, 1.1 triệu người chết), không chỉ đe dọa sức khỏe và sự sống còn của người dân, mà còn ảnh hưởng dai dẳng trong 2-3 năm qua đến sự phát triển kinh tế của đất nước - những vấn đề về lạm phát, thất nghiệp và suy thoái. Lạm phát thông thường là do lạm chi của chính phủ và người dân, đồng thời một nguồn cung bất túc – hoặc do sản xuất suy giảm hoặc do nhập cảng bị tắc nghẽn. Kinh tế suy thoái một phần là do sản xuất không đủ, không kịp với nhu cầu và một phần là do chính sách lãi suất gia tăng nhằm hạn chế tín dụng và khuyến khích tiết kiệm để kiềm chế lạm phát… Nạn thất nghiệp ngày nay ngày càng phức tạp, vì nhiều kỹ nghệ đỏ mắt không tìm ra được người làm, trong khi nhiều người cũng đỏ mắt vì tìm không ra việc. Đó chỉ là những chuyện trước mắt, còn chuyện lâu dài của nước Mỹ thì vô kể.

Để hiểu khả năng và kinh nghiệm của Tổng thống Joe Biden, chúng ta chỉ cần nhớ rằng trong năm 2022 vừa qua, ông vừa có sinh nhật bát tuần để bàn với gia đình có nên tái ứng cử hay không, vừa kỷ niệm 50 năm ông đắc cử thượng nghị sĩ của tiểu bang Delaware để bước vào sân khấu chính trị. Cho nên trước những thử thách phức tạp của tình thế, ông đã xử sự với đầy đủ bản lĩnh. Người ta có thể ghi lại một vài điều vì sao Đảng Dân Chủ đã thắng lợi trong bầu cử Thượng Viện năm nay (duy trì thế đa số) và chỉ thua nhẹ nhàng trong bầu cử Hạ Viện (222/212) mặc dù trước đó giới bình luận chính trị e rằng trong hai năm cuối của nhiệm kỳ tổng thống của ông (2023 và 2024), ông Biden và đảng Dân Chủ chỉ có cách duy nhất là bó tay. 

Thứ nhất, ông Biden đã hành động rõ ràng và quyết liệt trong việc tích cực ủng hộ Ukraine chống xâm lăng của Nga. Bằng chủ trương này, ông đã đưa Mỹ trở lại nắm vị thế lãnh đạo khối đồng minh phương Tây (trước đây là “Thế giới Tự do”) mà người trước ông đã buông vì chủ nghĩa MAGA -“làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” bằng chính sách “America First” của ông ta. Sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine đã có kết quả trông thấy. Thứ hai, ông Biden đã mạnh dạn lên án những người Cộng Hòa theo đường lối MAGA đang cổ vũ cho thuyết âm mưu “bầu cử gian lận” để biện minh chuyện bạo lực súng đạn và khủng bố cử tri. Theo giới quan sát, chính sự kiện ông đã ra mặt công kích sự đe dọa của lớp cử tri Cộng Hòa MAGA theo chủ nghĩa dân tộc bạch chủng Cơ Đốc giáo (Christian nationalism) đã thúc giục lớp người trẻ, lớp trí thức và người da màu nô nức đi bỏ phiếu. Thứ ba, Biden làm rõ sự lựa chọn của ông trong những vấn đề sinh tử như kiểm soát súng đạn, quyền tự do lựa chọn trong việc mang thai (pro-choice hay pro-life), sự bình đẳng giới tính… Thứ tư, ông Biden đã mạnh dạn ký ba đạo luật có tác dụng mạnh mẽ với đời sống và công ăn việc làm của người dân: luật giải trừ hậu quả đại dịch 1.900 tỷ (American Rescue Plan), luật phát triển cơ sở hạ tầng khoảng 1.000 tỷ, và luật chi phí cho y tế và khí hậu, còn được gọi là Đạo luật Giảm Lạm phát (Inflation Reduction Act) nhằm cho phép chương trình Medicare thương lượng giá của dược phẩm theo toa bác sĩ… 

Cử tri có thể đã tiên liệu rằng nếu để cho đảng Cộng Hòa nắm cả hai viện trong vài năm tới thì tất cả những chương trình phúc lợi của Biden sẽ “tắt” hết. Đàng khác, người ta cũng có đủ thời gian và thực tế để hiểu rằng lạm phát đang bị kìm chế bởi hàng loạt quyết định tăng lãi suất cơ bản của ông Jerome Powell, chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang (Federal Reserve), trong khi kinh tế Mỹ vẫn ổn định hơn so với Trung Quốc hay cả châu Âu, và tỷ lệ thất nghiệp thật ra đáng mừng hơn đáng lo (3.5% thời Biden so với 6.2% thời Trump) với chỉ 5.1 triệu người thất nghiệp. 

Dân chủ suy đồi, nước Mỹ ấu trĩ

Nhưng ông Joe Biden hẳn phải hiểu rằng đã mang cái nghiệp vào thân, ông vẫn còn lắm lý do để phải dùng Zolpidem trước khi lên giường. 

Tuy bầu cử giữa mùa đã qua, những mối lo của nước Mỹ vẫn còn đó, nhất là khi chúng ta có trong tay tác phẩm hiện nay rất gần gũi của Nick Bryant, một nhà quan sát chính trị Mỹ lâu đời của BBC. When America Stopped Being Great – A History of the Present. Dân chủ Mỹ đang bị thử thách nghiêm trọng hơn bao giờ cả, trật tự chính trị của Mỹ bấp bênh hơn bao giờ cả vì ông Trump vẫn còn đó, quần chúng MAGA dường như có thể mạnh hơn, và đảng Cộng Hòa từng được xem là đảng của Abraham Lincoln thời trước, của Eisenhower và Reagan thời nay xem chừng nay là đảng của Trump, đảng của MAGA. Hay ít nhất đang bị phân hóa thành hai nhánh mà những người Cộng Hòa chính thống, ôn hòa đang bị át giọng.

Ông Trump không tin ở “lưới trời lồng lộng”, ông chỉ tin ở cái số của ông là một “con trời” (God’s son) hay ông trời con, cho nên làm gì cũng được, bao nhiêu thử thách cũng vượt qua, cho nên luật pháp nằm trong tay ông – giống như hai thần tượng của ông là Putin và Tập Cận Bình, những “hoàng đế suốt đời” . Trump đã thoát ít nhất ba vụ trọng án (impeachment) trước khi rời Nhà Trắng (thông đồng với Nga trong bầu cử năm 2016, o ép Ukraine để phá Biden năm 2019, và tổ chức bạo loạn ngày 6-1-2021) nhờ một Thượng Viện trong những năm đó nằm trong tay Cộng Hòa của Mitch McConnell, cho nên Trump càng tin ở cái số của mình. Trong năm 2022, một ủy ban điều tra đặc biệt của Hạ Viện đã đi đến kết luận chính Trump đã chủ mưu gây bạo loạn nhằm đảo ngược kết quả bầu cử.  Georgia cũng đang kết thúc điều tra việc Trump năn nỉ xin thêm “chỉ 11.000 phiếu” để thắng được ở tiểu bang này. Bộ Tư pháp của New York đang đòi Trump phải ra tòa trong vụ án làm ăn gian giảo với khoản phạt 250 triệu đô-la cùng lênh cấm Trump Organization hoạt động ở tiểu bang này. Một vụ án khác là một nhà báo kiện Trump vào tội cưỡng hiếp bà trong một phòng thay y phục cách đây 23 năm và còn nhục mạ bà. Còn bao nhiêu vụ án khác, mới nhất chính là vụ FBI ngày 8-8-2022 đã bất ngờ tiến hành khám xét căn cứ địa của trump tại Mar-a-Lago, Trump đã ngang nhiên cất giấu những hồ sơ, tài liệu của ông ta trong thời làm tổng thống mà theo luật ông ta phải giao nộp khi rời Bạch Cung… Thế nhưng năm 2022 đã chấm dứt, ông ta vẫn bình chân như vại với một đội ngũ đông đảo luật sư bao quanh. Trong năm 2022, một số ứng cử viên Quốc Hội gà nhà của ông đã thất cử, cho nên một số nhân vật trong đảng Cộng Hòa chủ trương phải thoát ly khỏi ông ta. Trump phản pháo bằng cách công bố sớm quyết định tranh cử tổng thống năm 2024. Người ta vẫn nói Trump là người không có cái đầu. Thực ra, Mary Trump, cháu gái của Trump đã mô tả đúng đắn ông chú của mình: the world’s most dangerous man.

Trump chính là vấn đề bế tắc của dân chủ Mỹ. Đúng hơn nữa chính đảng Cộng Hòa là vấn đề của dân chủ Mỹ, và nhìn xa hơn nữa, chính quần chúng theo đảng Cộng Hòa, hay đúng hơn quần chúng MAGA, đang là vấn đề nan giải của dân chủ Mỹ. Vấn đề không mới mẻ nhưng ngày càng nghiêm trọng với sự bành trướng của những thế lực như Proud Boys, Quanon, Oath Keepers, KKK… đang rao giảng “chủ nghĩa da trắng thương tôn” (white supremacy) với cái vỏ MAGA của Trump. 

Cứ xem cuộc bầu cử chủ tịch Hạ Viện trong bốn ngày 3-6 tháng giêng vừa qua. Kevin McCarthy, lãnh tụ phe đa số Cộng Hòa, phải cần đến 15 lần bỏ phiếu để nắm được các dân biểu Cộng Hòa hầu như toàn bộ đi theo ông ta trong khi nhánh MAGA có ít nhất cũng 20 người đang làm giá. Cuối cùng, McCarthy cũng thành công trong ô nhục khi phải rạp người cảm tạ ông Trump đã bảo những người của Trump đừng chống đối nữa, sau khi McCarthy cam kết hàng loạt nhượng bộ theo tôn chỉ của Trump, chống Biden và đảng Dân Chủ triệt để.  

Đảng Cộng Hòa đang ở vào thời điểm “mất nhân dạng” (loss of identity). Chúng ta cứ lướt qua những nhân vật nổi đình nổi đám nhất hiện nay: Cori Lake ở Arizona bắt chước Trump cứ nhất định nói “bầu cử gian lận” và tự phong mình làm “thống đốc hợp lệ” sau khi thất bại trong bầu cử; George Santos, dân biểu New York mới tuyên thệ  nổi tiếng vì chưa hề biết nói thật, từ nguồn gốc gia đình đến trình độ học vấn (chưa hề lên đại học) và nơi mình làm việc – chưa kể từng bị truy lùng ở Brazil về tội dùng chi phiếu đánh cắp của người khác; Marjorie Taylor Greene, dân biểu Georgia “vô cùng tự hào” là thành viên “dân tộc Cơ Đốc giáo” và “nếu tham dự vào cuộc bạo loạn ngày 6-1 tôi đã mang theo vũ khí”…  Vấn đề có thể là từ nay chúng ta sẽ thấy hai đảng Cộng Hòa: Cộng Hòa Hạ Viện theo Trump và Cộng Hòa Thượng Viện đang lúng túng tìm cách xác định lý lịch của mình. Hai năm tới, người Cộng Hòa đang xôn xao với những cuộc bầu cử tổng thống, Thượng Viện và Hạ Viện… Nước Mỹ sẽ bất ổn ở chừng mực nào khi chế độ lưỡng đảng đòi hỏi sự hợp tác, nhưng thực tế đường ai nấy đi, nhất là khi người ta xem chừng quá bận rộn với quyền lực cho nên không thể nghĩ gì đến chuyện nước nhà một cách nghiêm chỉnh?

Dân chủ vô hiệu, nước Mỹ về đâu?

Bình thường, chúng ta có thể thấy chính trị nước Mỹ thường làm ngơ trước những vấn đề sống còn của đất nước, chỉ vì sự vô hiệu của dân chủ làm cho chính trị bế tắc. Tổng thống Mỹ chỉ quen tính toán từng nhiệm kỳ bốn năm, sau đó thường phủi tay, cho nên chẳng thể nhìn xa hơn. Các thượng nghị sĩ hay dân biểu cũng chỉ tìm cách chạy theo cử tri thay vì dẫn dắt cử tri theo mình trong một hành trình phát triển, xây dựng đất nước. 

Là công dân Mỹ với ý thức về bổn phận phải hiểu biết và trách nhiệm của người dân, chúng ta có thể kể ra những vấn đề lớn mà nước Mỹ chưa có giải đáp:

- Di dân: Liệu nước Mỹ phải xác định như thế nào về chế độ mở cửa cho di dân khi đất nước này đang bị bế tắc trong vấn đề “land of immigrants”.

- An ninh súng đan: Trong những ngày gần đây, có ba vụ án nhưng người ta vẫn chưa tỉnh ngộ: một người Mormon ở Utah bắn chết vợ, mẹ vợ và 5 con nhỏ rồi tự sát; một sinh viên Ph.D. về khoa tội phạm học vô cớ bắn chết bốn người trẻ trong một căn nhà trọ “để thử nghiệm”, và một bé trai 6 tuổi cầm súng bắn cô giáo trọng thương. Không thể cứ tiếp tục lạm dụng một Tu chánh án này chỉ có ý nghĩa lịch sử.

- Phân hóa: Một đất nước của di dân và “đa văn hóa” nhưng sự phân hóa về màu da, về địa phương, về tôn giáo, về lợi tức… đang làm cho xã hội ngày càng bất ổn. Cứ nhìn sự hình thành của những nhóm vũ trang da trắng đang tự cho mình quyền “điều phối xã hội” – tâm lý còn tệ hại hơn thời Nội chiến 1861-65.

- Giáo dục: Giáo dục của nước Mỹ đang sụy giảm trong ngôi thứ trên thế giới, và điều ai cũng thấy là học sinh Mỹ khoảng lớp 9 nói chung yếu ở hai môn toán và đọc (báo cáo của Đại học Harvard tháng 9-2022). Bài toán phức tạp này cựu Tổng thống Obama từng nêu ra vì cơ chế giáo dục liên bang, tiểu bang, nhưng sau đó bị bỏ lửng. Và vì cha mẹ một phần.

- Hiến pháp: Trong nhiều thập niên đã qua, những nhà nghiên cứu chính trị và lịch sử đã kêu gọi khẩn thiết phải tu chỉnh hiến pháp vì một số nội dung của nó lỗi thời, gây trắc trở cho điều hành luật pháp và sự hòa hợp liên bang-tiểu bang, các chủng tộc, tôn giáo (tách rời tôn giáo khỏi chính trị)… Một đất nước, dù mang tên “hợp chủng quốc”, không thể vận hành như một tập thể gồm 50 nước riêng biệt…

Một thời trăn trở

Nhìn lại, trên toàn cầu, năm 2022 chẳng dễ sống tí nào. Đúng hơn, thời nay là cao điểm của thời mạt pháp diễn ra sau khi Chiến tranh lạnh chấm dứt.

Trung Quốc “làm gương” cho cả thế giới bằng xác lập chế độ chuyên chính vĩnh viễn, Tập Cận Bình nay trọn đời làm chủ tịch đảng, chủ tịch nước, Tổng tư lệnh quân đội - miễn ông thoát được quy luật sinh lão bệnh tử. Nhưng Tâp thận trọng hơn Putin – ngoài và trong nước, vì biết rằng những khó khăn của thời đại (COVID, kinh tế…) đang làm cho Trung Quốc đi xuống.

Một đàn em của Trung Cộng là Bắc Hàn, tuy thế, là một biểu tượng điên rồ của thời đại. Kim Jong-ủn vẫn cứ muốn xác nhận mình là đại đế cho nên cứ ngồi trên ngai cho triều thần tung hô và ra lệnh bắn hỏa tiễn bừa bãi.

Những nước Trung Đông ngày càng nguy hiểm khi mở ra quan hệ với Nga để “dằn mặt” Mỹ . Chính trị và quân sự vẫn bất ổn, lạc hậu ở Syria, Iraq, Afghanistan. Hai nước Iran và Saudi Arabia vẫn ở hai cực và Iran đang nổi tiếng nhất trong sự đàn áp giết chóc người dân đang phản kháng và Tehran cung cấp hỏa tiễn cho Nga trong cuộc chiến Ukraine. Thế nhưng vào tháng 12 cả thế giới sôi nổi với một World Cup tại Qatar mà Argentina thêm một lần nữa đoạt Cúp Vàng và giới hâm mộ bóng đá nay có một thần tượng mới: Messi (không messy tí nào cả), sự thành công vượt bậc không làm cho người ta quên hàng trăm người đã nằm xuống dưới các khán đài hoành tráng.

Nói chung, sự thử thách đang tràn qua các nước châu Âu. Nước Anh lần đầu tiên trong lịch sử có một thủ tướng tỷ phú gốc Ấn Độ nhưng thuộc một gia đình tỷ phú. Một số nước dân chủ đang chuyển qua hướng khuynh hữu vì người dân bực bội trước làn sóng di dân tỵ nạn từ Trung Đông. Bởi thế các chính phủ tại Ý, Thụy Điển, Ba Lan, Hungari, và nhất là Do Thái… đang đổi màu… Thử thách cũng đang đổ đến Nam Mỹ, khi người ta chứng kiến tại Brazil, ngày 8-1-2023, những người theo cựu Tổng thống Jair Bolsonaro (vừa thất cử) không chấp nhận kết quả bầu cử tràn vào tòa nhà Quốc Hội, Tối cao Pháp viện và Dinh Tổng thống đập phá. Ông Trump hẳn phải vui khi thấy ảnh hưởng 6-1 của mình đi xa như thế! 

Và không thể quên Việt Nam “đất nước ra ngõ gặp thằng khùng”. Nguyễn Phú Trọng 79 tuổi vẫn muốn bắt chước Tập Cận Bình. Sự phân hóa bắc nam ngày càng sâu sắc, nạn tham nhũng càng thêm “phổ biến”, khiến cho ý thức về luật pháp chỉ là trò cười. Và những người đấu tranh cho dân chủ, tự do ở Việt Nam vẫn lẻ loi vào tù – ít người dân nào biết đến.

Tri cố, bất tri tân

Kể bao nhiêu chuyện đời xưa cũng chưa vừa, chúng ta vẫn cảm thấy xốn xang, không yên tâm vì không dám chắc chuyện gì sẽ xảy ra cho đời nay. 

Sẽ có nhiều chuyện lớn xảy ra trên đất Mỹ, trong chiến tranh Ukraine, trên nước Nga, tại nước Tàu, ở khu vực Trung Đông… trong năm 2023 này.

Chúng ta chỉ biết chờ xem… Không thể nói gì trước. 

Bởi thế mà tuổi thọ của người Mỹ đang giảm nhanh chóng vì mất ăn mất ngủ.


12/31/22

MỘT THỜI BÓNG ĐÁ

Hoàng Ngọc Nguyên

Pelé và WC 1970

Đỗ Thới Vinh - tiền đạo số 8

Đội tuyển Chúng ta may ra còn nhờ vài tên: 

Tỷ, Thanh, Hiếu, Rạng, Myo, Vinh, Th ách, Há, Nhung, Tư, Kane, Cụt…
Thân gởi Vũ Ngọc Ân &Vũ Ngô Khánh Truật

            Tin đến vào một ngày cuối năm (thứ năm 29-12) từ thành phố Sao Paulo của nước Ba Tây. Cho dù không hẳn là tin dữ, vì cả mấy ngày trước người ta đã có tin ông đã vào nhà thương cấp cứu từ cuối tháng 11 vì nhiễm trùng đường hô hấp và những biến chứng liên quan đến ung thư ruột. Ông đã 82, cho nên nhiều người vẫn nghĩ ông khó qua khỏi. Nay thì ông đã ra đi, phần nào hơi bất ngờ và hơi nhanh –Bất ngờ và nhanh, kiếp người thường kết thúc như thế. Và truyền thông quốc tế từ bao lâu nay đã sẵn sàng những lời ca ngợi một nhân vật lịch sử độc đáo trong làng cầu thế giới như thế.

Chẳng hiểu hiện nay có bao nhiêu người biết rằng Pelé là nhân vật đã thực sự đem nước Ba Tây và bóng đá Ba Tây đến với thế giới. Pelé cũng là cầu thủ duy nhất trên thế giới đã ba lần nâng cao chiếc Cúp Vô Địch World Cup (1958 tại Thụy Điển, 1962 tại Chile và 1970 tại Mexico). Trong những năm 60 và 70, có lẽ đâu đâu người ta cũng biết Pelé, cho dù cũng có không ít người không biết nước Ba Tây của Pelé cụ thể nằm chỗ nào. Và với sự thống trị của bóng đá Ba Tây trên làng cầu thế giới, từ hơn 60 năm qua, Pelé đã là biểu tượng của bóng đá toàn cầu hóa. 

Trong năm 1958 đó, Pelé đã nhanh chóng trở thành thần tượng của thế hệ trẻ trong niềm thán phục không tưởng được: một cầu thủ da đen làm lu mờ tất cả các cầu thủ da trắng nổi tiếng của các nước châu Âu bóng đá hùng mạnh bao đời. Và chuyện không tránh khỏi: Người ta bắt đầu tò mò tìm hiểu xem nước Ba Tây nằm ở đâu, và hiểu ít nhiều về truyền thống bóng đá của nước này với kỹ thuật giữ bóng, dắt bóng, chuyền bóng đặc sắc của cá nhân cầu thủ. 

Thực ra, chỉ có sự vô lý mới giải thích được vì sao năm 1950 Ba Tây không đoạt được World Cup đầu tiên cho mình khi giải này năm đó được tổ chức ngay trên sân nhà và Ba Tây quá mạnh so với Uruguay là nước vào chung kết – quá yếu và quá nhỏ. Nhưng Ba Tây lại thua Uruguay 1-2 ở phút cuối cùng 79 sau khi đã dẫn trước 1-0 và bị gỡ hòa 1-1 (Vào năm đó, thời gian một trận đấu chỉ có 80 phút). 

Ba Tây là một nước hiếm có ở Nam Mỹ. Thống kê năm 2022, dân số 214 triệu, và đến 56% là người da đen (do sư bộc phát của chế độ nô lệ kéo dài hơn ba thế kỷ và chỉ chấm dứt vào năm 1888) và phong trào di dân từ châu Âu. Để so sánh, Argentina có dân số 45 triệu, và Uruguay 4.5 triệu – cả hai nước này đều nói tiếng Tây Ban Nha và chủ trương “bạch hóa dân tộc”, tức xóa thiểu số bạch chủng trong xã hội với chính sách “chỉ có một giọt máu da trắng cũng là người da trắng”. Trong khi đó Ba Tây nói tiếng Bồ Đào Nha và có một đa số quá bán là người da đen, là thành phần nghẻo khó nhất trong nước vốn nghèo này. Nghèo đến mức trẻ da đen thích chơi bóng đá có khi phải gom giấy và giẻ rách lại làm trái banh. Theo câu chuyện về Pelé được ghi lại “Khi còn nhỏ, cái thú chơi bóng của cậu bé là chân trần chạy trên sân đất và trái banh được độn với vớ và giẻ - đó chính là khởi đầu một sự nghiệp lẫy lừng lâu dài”. Nhưng vùng Nam Mỹ bóng đá phát triển mạnh – một phần vì trẻ nghèo không có gì khác để chơi. Ba Tây với dân số vượt trội so với những nước láng giềng, và sự nghèo đói cũng vượt trội vào khoảng sau Đệ nhị Thế chiến, nhưng bóng đá cũng hơn hẳn những nước chung quanh. 

Nhờ WC 1958, nhờ Pelé, thế giới mới biết Ba Tây. Và chỉ biết đến Pelé trong giải vô địch thế giới này có lẽ cũng không công bằng. Một số trong chúng ta có thể còn nhớ lại, vào thời đó, những tên tuổi anh hùng khác, đặc biệt là Garrincha, (lúc đó 25, so với Pelé 18) là một tiền đạo nổi bật với  tài điều khiển quả bóng như một người đôi chân có nam châm thu hút trái bóng. Đến WC 1962, Garrincha còn nổi bật hơn nữa, được xem là thiên tài hiếm có đã đem đến cho Ba Tây chiếc cúp vàng thứ hai, và riêng Garrincha đạt được Đôi Giày Vàng cho cầu thủ ghi bàn nhiều nhất (9 bàn thắng), và Quả Bóng Vàng cho cầu thủ hay nhất. Pelé bị thương đầu gối sau trận đầu tiên trong WC 1962. Năm 1966, WC tại Anh, đến phiên Garrincha bị thương ở đầu gối sau 2 trận đấu cho nên phải tạm thời giã từ sân cỏ. Lúc đó ông đã 31. Năm 1970, Ba Tây đoat WC tại Mexico, đội tuyển chỉ có Pelé (lúc đó đã 30), không có Garrincha, nhưng Pelé sáng chói trong trận chung kết Ba Tây thắng Ý 4-1.

Nói đến thời vàng son của bóng đá Ba Tây, người Việt thế hệ đó không khỏi nhớ đến thời “trưởng thành” của bóng đá Miền Nam – những năm cuối thập niên 50 và những năm đầu của thập niên 60 với những đội bóng gây hào hứng vô kể cho khán giả bóng đá tại những sân Tao Đàn (Vườn Ông Thượng), sân bóng đá Quân Đội, và sau đó là sân Cộng Hòa. Sân Tao Đàn nằm một bên đường Huyền Trân Công Chúa, nhìn qua Dinh Độc Lập, nhỏ (sức chứa khoang 15.000 người) nhưng ấm cúng, nhất là những khi có đá đèn. Trên sân đó chúng ta đã từng chứng kiến sự đua tranh giữa những đội lớn như Tổng Tham Mưu, AJS (Thanh niên Thể thao), Cảnh sát, Ngôi sao Gia Định, Câu lạc bộ Thể thao Saigon (CSS), Quan Thuế… Và có những cầu thủ không thể quên được như Đỗ Thới Vinh, Đỗ Quang Thách, Phạm Văn Rạng, Nguyễn Ngọc Thanh, Hà Tam (Há), Hùng 1, Hùng 2, Ngầu, Phát, Đực 1, Đực 2, Nhung (Pierre), Kane… Khó quên nhất trong đó là Đỗ Thới Vinh, số 8, từ Quân Cụ qua Tổng Tham Mưu, nhỏ con nhưng nhanh và dẫn banh hay – vẫn được gọi xứng đáng là Pelé Việt Nam. Vinh chính là linh hồn của đội tuyển Việt Nam thời đó. Cũng khó quên những đội nước ngoài đã đến Saigon, như Djurgarden (Thụy Điển), Nam Hoa, Đông Phương, Peru… 

Bóng đá trở thành một phần của đời sống thuở đó cũng nhờ báo chí hăng say vào trận. Nói đến thời đó, chúng ta không thể quên Huyền Vũ và điệu nhạc mở đầu các chương trình tường thuật các trận đấu của ông. Huyền Vũ, một đại úy trong quân đội VNCH, là người tường thuật bóng đá hấp dẫn chưa từng có đã khiến cho chúng ta luôn luôn cảm thấy sôi nổi theo ông. Và về báo chí, chớ quên tờ Đuốc Thiêng, tuần báo đóng đô tại số 24 đường Nguyễn An Ninh (người viết bài này thứ hai nào cũng chầu chực có mặt ở nơi này vào lúc 1 giờ trưa chỉ để mua một tờ báo và xem có bài chùa của mình không - trước khi đạp xe trở lại lớp đệ tứ trường Chu Văn An đường Trần Bình Trọng), cùng những nhà báo thể thao “nổi danh tài sắc một thời” như Thiệu Võ, Hoa Lê… 

Người ta nói vào 1-2 năm cuối đời, Pelé phải chống nạng mà đi. Nhưng nay thì ông đã qua đời, và chắc rằng hàng trăm triệu người trên thế giới này thuộc thế hệ của ông hay trước và sau thế hệ đó, đang ngậm ngùi trước sự ra đi này. Những người cao niên trên 70 hẳn bén nhạy hơn lớp phía dưới về quy luật của muôn đời. Người ta đang nhắc lại một lời tâm tình trước đây của ông: Tôi được sinh ra để chơi bóng, cũng như Beethoven được sinh ra để viết nhạc và Michelangelo được sinh ra để vẽ. 

Những lời chia buồn đã không ngớt được nói lên cho nhân vật huyền thoại này. Santos FC, câu lạc bộ đầu tiên của Pelé đã dựng lên hình ảnh của ông trên Twitter với hàng chữ “Bất diệt”. Cầu thủ Neymar, một trong những cầu thủ nổi tiếng nhất của Ba Tây hiện nay, đang chơi cho Paris Saint Germain, đã nói “Pelé đã thay đổi tất cả. Ông đã chuyển bóng đá thành một nghệ thuật, một môn chơi giải trí. Ông đã cho người nghèo, người da đen một tiếng nói, và đặc biệt hơn cả, ông đã làm cho thế giới thấy được Ba Tây. Bóng đá và Ba Tây đã nâng cao vị thế của mình nhờ Vua Bóng Đá”. Chỉ cần nhắc lại: lần cuối cùng Ba Tây được World Cup là cách đây 20 năm tại Đại Hàn! 

Bởi thế bao giờ Ba Tây cũng phải một lòng một dạ nhớ ơn Pelé đã mang đất nước đến với thế giới. Và bóng đá cũng chẳng thể quên được chính Pelé đã làm khởi sắc một môn chơi có thể đã đi vào sự nhàm chán nếu không có lối chơi ảo thuật của đôi bàn chân của Ba Tây, lối chơi của Pelé. 

Bởi vậy, sự so sánh của tổ chức FIFA (Bóng đá Thế giới) vào năm 2000 xem Pelé và Maradona là hai cầu thủ nổi bật nhất của thế kỷ 20 chỉ có tính chính trị mà thiếu tình người trong đó. Làm sao Maradona, từng nổi tiếng với “God’s hand” trong WC 1986 (Argentina vô địch thế giới năm này), “bàn tay ảo thuật” (không phải bàn chân), người từng ngụp lặn trong nghiện ngập, và chỉ thắng được một WC, có thể so sánh được với Pelé! 

Với người đã biết bóng đá là một nguồn hạnh phúc của loài người, chỉ có Pelé!



12/24/22

TỪ CON TIM MỘT BẬC LÃO NIÊN

Hoàng Ngọc Nguyên
Ngày 22-12, hai ngày trước Lễ Giáng Sinh, Tổng thống Joe Biden đã có những lời tâm sự gởi gắm đến người dân Mỹ. Ông đã khá dũng cảm khi thẳng thắn nêu lên hiện trạng chia rẽ, phân hóa nơi người dân. Ông là chính khách đầu tiên, tổng thống đầu tiên, dám nói: “Chính trị của chúng ta đã trở nên quá cuồng nộ, quá hạ cấp, quá đảng phái. Chúng ta thường xem nhau như kẻ thù, không phải như láng giềng; với tư cách là đảng viên đảng Dân Chủ hoặc đảng Cộng Hòa, thay vì với tư cách là những người Mỹ đồng bào. Chúng ta trở nên quá chia rẽ”.

Chọn thời điểm mùa Giáng Sinh để nói lên những lời tâm huyết này, ông Biden muốn người dân Mỹ, trong ánh sáng Phúc Âm, biết tin cậy nhau, thương yêu nhau, hợp quần, đoàn kết, tránh sự oán thù, chia rẽ - như những chân lý của cuộc sống. Sống trong đất nước, trong xã hội, người dân phải nghĩ, phải biết cách đến với nhau và mở rộng vòng tay cho nhau. Chân lý nằm trong lý tưởng đó, khi chúng ta sống trong một đất nước đa chủng, đa nguồn, đa văn hóa, người ta cần nhau hơn bao giờ hết, nhưng cảm thấy xa lạ, không cần biết đến nhau hơn bao giờ hết.

Những lời tâm tình của Ông Biden chưa quá 19 phút, ghi lại chưa quá 1.200 chữ, cho nên chỉ làm cho người nghe, người đọc lắng dịu trong tâm tư, tâm tình, nhưng chưa đủ khả năng khai sáng tâm trí. Lối sống Mỹ thường giới hạn quan hệ giữa người và người trong câu chào hỏi “How are you”, nhưng ít khi đi xa hơn đến mức con người có thể gần nhau. Ngược lại, ngay từ thời xa xưa, quan hệ giữa người và người trong nước Mỹ đã có những “uẩn khúc” về màu da, về chủng tộc, về tôn giáo, về giàu nghèo, về quyền lực chính trị và về quan hệ liên bang-tiểu bang…

Sự thù oán đầu tiên đã phát sinh từ cuộc Nội chiến 1961-65 đã khiến cho hơn 700.000 người thuộc hai miền phải nằm xuống, nhưng cuộc Nội chiến này cũng có nguyên ủy trong cơ cấu và định chế chính trị liên bang-tiểu bang và lưỡng đảng của nước Mỹ. Vì là một đất nước của cơ hội (land of opportunities), là “vùng đất hứa” (land of promises), cho nên nước Mỹ, “vùng đất của di dân” (land of immigrants) bao giờ cũng có những bất ổn với khả năng trở thành một vấn đề tiềm tàng chính trị. Nước Mỹ lúc thì mở cửa (lúc cần người) lúc thì đóng (lúc không kham nổi). Đối với thành phần dân chúng khốn cùng (underprivileged), chính phủ lúc thì mở rộng hầu bao, lúc thì siết lại… Những vấn đề đại loại như thế làm cho xã hội khó có tiếng nói chung.

Đặc biệt từ dưới thời Tổng thống Barack Obama (2009-2016), từ năm 2010, một phong trào da trắng cực hữu đã nổi lên ngày càng mạnh như một loại “Tea Party”, được trang bị bằng chủ thuyết “Christian nationalism”, để tấn công vào đường lối phúc lợi xã hội của ông cùng lớp người da đen mà họ cho rằng đang mạnh lên nhờ ông Obama. Những phe nhóm da trắng siêu đẳng (white supremacist) này ngày càng phát triển, nhất là trong khu vực nông thôn và lao động ngoại ô, và được thúc đẩy khuyến khích mạnh từ ngày Donald Trump vào Tòa Bạch Cung đang tìm cách tạo một sự ủng hộ bảo thủ cực đoan trong phía quần chúng Cộng Hòa. Cụ thể là những nhóm Qanon, Proud Boys, Oath Keepers, Patriots… mở rộng thế lực “bạch chủng siêu đẳng”… và không ngại trang bị vũ khí khi xuống đường, dựa vào “Đệ nhị Tu chánh án”. “Chủ nghĩa dân tộc Cơ đốc giáo” đã khiến cho giới chính trị dân cử của Cộng Hòa một phần phải theo đuôi, theo đuổi “chính sách MAGA”. Và cũng cần nói rằng trong khi đa số người Mỹ gốc Á tránh xa những xu hướng chính trị nguy hiểm và phiêu lưu này, một số Mỹ gốc Việt “thức thời” - nhất là những nhà chính trị ở O.C., đã không ngại khoác chiếc áo cầm chuông lên mình.

Đó là những vấn đề ông Biden không tiện nói trong những lời tâm tình hòa giải đơn giản này. Và khi ông không nói ra “vì lý do chính trị không tiện nói”, đương nhiên, người ta chưa thể thấy được có khả năng nào, khi nào và trong điều kiện nào, nước Mỹ tìm lại sự bình yên - nếu có.

Tuy nhiên, bài nói chuyện với những lời lẽ tâm tình tha thiết của lão trượng Joe Biden đã cho thấy con người của ông. Chúng ta chưa hề nghe những lời lẽ nhân bản từ tốn đó từ một con người như Donald Trump cho dù ông ta đã ở trong Tòa Bạch Cung cũng bốn mùa Giáng Sinh – trước khi gần đất xa trời. Chúng ta cũng chưa hề nghe từ bất cứ người lãnh đạo nào trong đảng Cộng Hòa nói lên mối quan tâm, xót xa, lo ngại trước sự phân hóa ngày càng tan nát nơi nơi giữa hai đảng, giữa các tiểu bang, giữa các tôn giáo, giữa các chủng tộc.

Nay thì chúng ta đã nghe từ Tổng thống Joe Biden. Chúng ta nay có thể thấy niềm vui tràn lên lồng ngực, và sau đó là nỗi buồn chìm lắng trong tâm tư.

Giữa nói và làm, đó là một con đường chông gai và bình thường không thiếu gì người phải bỏ cuộc.

Tuy nhiên, mọi chuyện phải bắt đầu từ nhận thức.

Dù sao, hãy nghe ông Biden nói:

Good afternoon.

“Món Quà kỳ diệu đã được ban tặng một cách âm thầm, lặng lẽ làm sao.”

Trung tâm của câu chuyện Giáng sinh là một sự tĩnh lặng. Một đêm tĩnh lặng khi tất cả thế giới trở nên tĩnh lặng và tất cả sự lôi cuốn, tất cả tiếng động, tất cả những gì chia rẽ chúng ta, những gì khiến chúng ta chống đối nhau, tất cả - tất cả mọi thứ dường như rất quan trọng nhưng thực sự không phải thế, tất cả đều tan biến trong tĩnh lặng của buổi tối mùa đông.

Và chúng ta nhìn lên bầu trời, nhìn vào một ngôi sao đơn độc, tỏa sáng hơn tất cả những ngôi sao còn lại, dẫn dắt chúng ta nhìn về sự ra đời của một đứa trẻ - đứa trẻ mà những người theo đạo Cơ đốc tin là con của Chúa; giờ đây, thật kỳ diệu, ở đây giữa chúng ta trên Trái đất này, đang mang lại hy vọng, tình yêu, hòa bình và niềm vui cho thế giới.

Vâng, đó là một câu chuyện đã hơn 2.000 năm rồi, nhưng vẫn còn rất sống động cho đến ngày nay. Chỉ cần nhìn vào mắt trẻ thơ vào buổi sáng Giáng Sinh, hoặc lắng nghe tiếng cười của một gia đình bên nhau trong mùa lễ này sau bao nhiêu năm — sau bao nhiêu năm xa cách. Chỉ cần cảm thấy hy vọng dâng lên trong lồng ngực khi chúng ta cất tiếng hát “Bài ca ca ngợi Thánh thần,” cho dù trước đó đã hát chẳng biết bao nhiêu lần.

Vâng, cho dù sau 2000 năm, Lễ Giáng Sinh vẫn có sức mạnh nâng chúng ta dậy, đưa chúng ta đến với nhau, thay đổi cuộc đời, thay đổi thế giới.

Câu chuyện Giáng sinh là trọng tâm của lễ Giáng sinh - đức tin Kitô giáo. Những thông điệp về hy vọng, tình yêu, hòa bình và niềm vui, cũng mang tính phổ quát cho tất cả mọi người.

Nó nói với tất cả chúng ta, cho dù chúng ta theo đạo Cơ đốc, Do Thái, Ấn Độ giáo, Hồi giáo, Phật giáo hay bất kỳ đức tin nào khác, hay không có đức tin nào cả. Nó nói với tất cả chúng ta là những con người ở trên thế gian này phải quan tâm đến nhau, đùm bọc nhau và yêu thương nhau.

Thông điệp Giáng Sinh luôn quan trọng, nhưng nó đặc biệt quan trọng trong những thời điểm nhiều thử thách, như thời điểm chúng ta đã trải qua trong vài năm qua.

Đại dịch đã cướp đi của chúng ta quá nhiều thứ. Chúng ta đã mất quá nhiều thời gian lẽ ra để sống với nhau. Chúng tôi đã mất quá nhiều người - những người chúng ta yêu quý. Hơn một triệu sinh mạng bị mất chỉ riêng ở Mỹ. Một triệu chiếc ghế nay để trống làm tan nát trái tim các gia đình trên khắp đất nước.

Chính trị của chúng ta đã trở nên quá cuồng nộ, quá hạ cấp, quá đảng phái. Chúng ta thường xem nhau như kẻ thù, không phải như láng giềng; với tư cách là đảng viên đảng Dân Chủ hoặc đảng Cộng Hòa, thay vì với tư cách là những người Mỹ đồng bào. Chúng ta trở nên quá chia rẽ.

Nhưng dù thời thế này có khó khăn đến đâu, nếu nhìn kỹ hơn một chút, chúng ta sẽ thấy những điểm sáng trên khắp đất nước: sức mạnh, sự quyết tâm, khả năng phục hồi đã định hình lâu dài cho nước Mỹ.

Chúng tôi chắc chắn đang đạt được tiến bộ. Mọi việc đang trở nên tốt hơn. COVID không còn kiểm soát cuộc sống của chúng ta. Trẻ đã trở lại trường học. Mọi người đã trở lại làm việc. Trên thực tế, nhiều người đang làm việc hơn bao giờ hết.

Người Mỹ đang xây dựng lại, đang đổi mới trở lại, mơ ước trở lại.

Vì vậy, tôi hy vọng trong mùa Giáng Sinh này, chúng ta hãy dành một vài phút tĩnh lặng để suy ngẫm và tìm thấy sự tĩnh lặng trong tâm điểm của Giáng Sinh — đó là tâm điểm của Lễ Giáng Sinh. Và hãy nhìn xem — hãy thực sự nhìn nhau, không phải với tư cách là đảng viên Dân Chủ hay đảng viên Cộng Hòa, không phải như thành viên của “Nhóm Đỏ” (CH) hoặc “Nhóm Xanh” (DC), nhưng thực sự nhìn nhau để hiểu chúng ta là ai: những người Mỹ đồng bào. Những người đồng bào xứng đáng được đối xử với phẩm giá và sự tôn trọng.

Tôi chân thành hy vọng kỳ nghỉ lễ này sẽ rút cạn chất độc đã lây nhiễm nền chính trị của chúng ta và khiến chúng ta chống lại nhau.

Tôi hy vọng mùa Giáng sinh này đánh dấu một khởi đầu mới cho đất nước chúng ta, bởi vì có rất nhiều lý do kết hợp chúng ta lại với nhau tư cách là người Mỹ, rất nhiều điều đoàn kết chúng ta hơn là chia rẽ chúng ta.

Chúng ta thực sự may mắn được sống ở đất nước này. Cho nên tôi thực sự hy vọng chúng ta dành thời gian nhiều hơn để quan sát - để quan tâm đến nhau. Không phải cho mình mà là cho nhau.

Rất nhiều người điêu đứng trong mùa Giáng Sinh. Đó có thể là khoảng thời gian vô cùng đau đớn và cô đơn khủng khiếp. Tôi biết điều này, như nhiều bạn cũng biết.

Vào tuần này, 50 năm trước, tôi đã mất người vợ đầu tiên và đứa con gái nhỏ trong một tai nạn xe hơi, hai đứa con trai thì bị thương nặng khi đi mua cây thông Giáng Sinh. Cho nên tôi hiểu thời gian này trong năm có thể khó khăn như thế nào.

Nhưng đây là điều tôi đã hiểu được từ lâu: Không ai — không ai có thể biết được người khác đang trải qua những gì, điều gì đang thực sự xảy ra trong cuộc sống của họ, họ đang phải vật lộn với điều gì, họ đang cố gắng vượt qua điều gì.

Đó là lý do tại sao đôi khi một hành động tử tế nhỏ nhặt lại có ý nghĩa rất lớn. Một nụ cười đơn giản. Một cái ôm. Một cú điện thoại bất ngờ. Một tách cà phê yên tĩnh. Những hành động tử tế đơn giản có thể nâng đỡ tinh thần, mang lại sự an ủi và thậm chí có thể cứu sống một mạng người.

Vì vậy, trong mùa Giáng Sinh này, chúng ta hãy mở rộng một chút lòng tử tế.

Mùa Giáng Sinh này, hãy làm điều đó – làm bàn tay giúp đỡ, làm bờ vai mạnh mẽ nơi nương tựa, giọng nói thân thiện đó trong khi dường như người khác không để ý đến những người đang gặp khó khăn, hoạn nạn, cần giúp đỡ. Đó có thể là món quà tốt nhất ta có thể tặng.

Và chúng ta chắc chắn phải nhớ đến những phụ nữ cũng như nam giới dũng cảm trong quân phục đã chiến đấu bảo vệ đất nước. Nhiều người nay đang phải xa gia đình vào thời điểm này trong năm. Hãy nhớ đến họ trong lời cầu nguyện của chúng ta.

Bạn biết, và tôi cũng tin rằng Giáng Sinh là mùa của hy vọng. Và trong suốt lịch sử của đất nước này, trong những tuần của tháng 12 - ngay cả giữa những ngày khó khăn nhất của chúng ta - thì một số chương hay nhất trong lịch sử của chúng ta đã được viết ra.

Chính trong những tuần này vào năm 1862, Tổng thống Lincoln đã chuẩn bị Tuyên bố Giải phóng, và ông đã ban hành vào ngày đầu năm mới.

Vào Giáng Sinh năm 1941, trong tuần — vài tuần sau trận Trân Châu Cảng, Tổng thống Franklin Delano Roosevelt đã tiếp đón Thủ tướng Winston Churchill tại Nhà Trắng. Cùng nhau, họ hoạch định chiến lược Đồng Minh để đánh bại chủ nghĩa phát xít và chế độ chuyên quyền.

Và vào năm 1968, năm khủng khiếp nhất — trong nhiều năm — năm ám sát và bạo loạn, chiến tranh và hỗn loạn — khi các phi hành gia của Apollo 8 bay vòng quanh Mặt trăng và nói chuyện với chúng ta trên Trái đất.

Từ sự tĩnh lặng của không gian, trong một đêm tĩnh lặng của đêm Giáng Sinh, họ đọc câu chuyện Giáng Sinh—Sự sáng tạo từ Kinh thánh Vua James. Chuyện kể rằng: “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên Trời và Đất. Và khi Đức Chúa Trời phán, ‘Hãy có ánh sáng,’ thì có ánh sáng.”

Ánh sáng đó vẫn ở bên chúng ta, soi sáng con đường phía trước của chúng ta, những người Mỹ và là công dân của thế giới. Một ngọn đèn cháy sáng lúc ban đầu và tại Bêlem. Một ánh sáng vẫn còn chiếu sáng ngày hôm nay trong thời đại của chúng ta, trong cuộc sống của chính chúng ta.

Khi chúng ta hát bài “Đêm Thánh Vô Cùng” — “Luật pháp của Ngài là tình yêu, và Phúc âm của Ngài là hòa bình” — tôi có thể chúc bạn và cho bạn, và cho đất nước của chúng ta, bây giờ và mãi mãi, chúng ta sẽ sống trong ánh sáng — ánh sáng của tự do và hy vọng, của tình yêu và sự rộng lượng, của lòng tốt và lòng trắc ẩn, của phẩm giá và sự đứng đắn.

Vì vậy, từ gia đình Biden, chúng tôi cầu chúc bạn và gia đình bình an, vui vẻ, sức khỏe và hạnh phúc. Giáng sinh vui vẻ. Ngày lễ vui vẻ. Và tất cả những điều tốt đẹp nhất trong năm mới. Thượng Đế ban phước cho tất cả chúng ta. Và xin Chúa bảo vệ quân đội của chúng ta.

Cảm ơn các bạn.

12/19/22

TRẬN CHUNG KẾT HAY NHẤT CHO WC HAY NHẤT

Hoàng Ngọc Nguyên





Biển người ở thủ đô Buenos Aires chào mừng đội tuyển quốc gia

    Trận chung kết World Cup (WC) giữa Argentina và Pháp vào ngày 18-12-2022 là một trận đáng ghi nhớ - ít nhất bởi vì nó lần đầu tiên được tổ chức nhằm mùa Giáng Sinh và tại Doha, thủ đô Qatar,  nước Trung Đông đầu tiên được chọn là chủ nhà cho giải vô địch túc cầu thế giới. Hai đội vào chung kết đều rất xứng đáng. Nước Pháp đã hai lần vô địch thế giới, và lần cuối cùng chính là vào năm 2018 tại nước Nga (lần đầu vào năm 1998). Giới quan sát vẫn cho rằng Pháp có nhiều hy vọng thắng WC năm nay, lập thành tích hai lần liên tiếp. Trong khi đó, Argentina cũng hai lần đoạt giải, nhưng từ thời xa lắc xa lơ nhờ “bàn tay của Thượng đế” (Maradona) vào năm 1986. Nhiều người cũng còn nhớ Mario Kempes, người đã đưa Argentina đến chiến thắng WC đầu tiên năm 1978!

Argentina được nhắc nhở nhiều, chinh là nhờ danh thủ Messi - mặc dù anh đã 35. Đây là lần thứ tư Messi tham dự World Cup. Lần thứ nhất năm 2010, Argentina bị Đức loại ở trận tứ  kết 4-0. Lần thứ hai, năm 2014, cũng Đức đá bại Argentina ở trận chung kết 1-0! Người ta cũng còn nhớ trong WC 2018, Pháp đã thắng Argentina ở vòng 16 đội với tỷ số 4-3. Tiền đạo Pháp Kylian Mbappé, 19 tuổi, đã nổi lên trong trận này, làm lu mờ Lionel Messi, lúc đó đã 31 tuổi. Người ta vào thời đó cứ nghĩ đây là trận cuối trong đời của Messi… Làm sao ngờ được Mbappé và Messi lại có dịp gặp nhau lại trong một WC khác. 

Hai đội đã vào chung kết một cách xứng đáng. Argentina vấp ngã ngay trận đầu tiên khi thua Saudi Arabia 1-2, nhưng đã thắng Mexico 2-0, thắng Ba Lan 2-0 để đứng đầu nhóm C. Ở vòng 16, Argentina thắng Úc 2-1; vòng tứ kết, thắng Hòa Lan 4-3; và vòng bán kết thắng Croatia 3-0. Argentina đã vào trận chung kết một cách vững vàng - thủ cũng như công. Trong khi đó, con đường của Pháp gian lao hơn. Pháp thắng Úc 4-1, thắng Đan Mạch 2-1, nhưng để thua Tunisia 0-1 ở nhóm D. Ở vòng 16 đội, Pháp thắng Ba Lan 3-1, vòng tứ kết thắng Anh 2-1 (khá chật vật đến đổi Anh lại có ảo tưởng “đã trưởng thành”) và bán kết thắng Morocco 2-0. Pháp có hai tiền đạo nổi bật là Mbappé (trẻ) và Giroud (già – 36 tuổi) và huấn luyện viên Didier Deschamps là người đưa Pháp đoạt Cúp Vàng năm 2018. Ngoài ra, thủ môn Lloris rất nổi tiếng, đã từng chặn cú đá phạt đền của tiền đạo Harry Kane của đội Anh (hai người cùng chơi cho đội Tottenham của Anh) khiến cho Anh vỡ mộng. Pháp còn có một tiền đạo cực kỳ nổi tiếng là Karim Benzema, đang chơi cho Real Madrid. Anh có tài ghi bàn cực kỳ kỳ diệu. Mặc dù đã 35, Benzema vẫn được xem là một phần tử không có không được. Như thế mà trong tập luyện, Benzema bị trục trặc đầu gối và phải ngồi chơi trong suốt giải! Anh cũng vắng mặt trong WC 2018 vì lý do “tế nhị”: đang bị điều tra về tội làm tiền bạn bè. Nhưng Pháp chẳng sợ thiếu tiền đạo. Một cầu thủ nổi tiếng và trẻ hơn đã có mặt trong hàng ngũ đội tuyển: Antoine Griezmann.

 Trừ trường hợp đội Anh ngã gục trước đội Pháp, những đội lớn bị loại nhưng không là nạn nhân của Pháp hay Argentina – đó là điều cũng đáng nhớ. Chưa nói đến đội Ý, 4 lần vô địch nhưng dã bị loại từ vòng ngoài phải nằm nhà, Brazil (5 lần vô địch thế giới) thua Croatia vì đá phạt đền ở tứ kết; Đức (4 lần) bị loại ngay ở nhóm E vì thua Nhật Bản 1-2; Bỉ bị loại ở bảng F vì thua Morocco 1-2; Tây Ban Nha bị loại ở vòng 16 đội cũng bởi Morocco 0-3! Bồ Đào Nha cũng thua Morocco ở vòng tứ kết 0-1, Uruguay hai lần vô địch cũng phià “nhường chỗ” cho Nam Hàn. Cho nên, Morocco rất đáng mặt anh hùng.

Một ấn tượng đặc biệt của người xem là hai đội bóng này một đen một trắng: đội Pháp tuy đến từ một nước Tây Âu da trắng nhưng có ít nhất 7-8 cầu thủ hoặc nhập cư từ các nước châu Phi hay được sinh ra từ một gia đình châu Phi trên đất Pháp, trong khi đó Argentina là một nước Latino, Hispanic được người da trắng nói tiếng Tây Ban Nha đến từ châu Âu ưa chuộng. Nước Pháp có Tổng thống còn trẻ Emmanuel Macron (giới chính trị bảo thủ ở Paris cứ gọi ông là ma-cà-rồng) ủng hộ - ông cũng đã có mặt trong trận Pháp thắng Morocco 2-0. Trong khi đó, Tổng thống Alberto Fernandez của Argentina theo dõi trận thi đấu này tại nhà bởi vì sợ vắng mặt người ta đảo chánh!

Đây là một trận chung kết hấp dẫn, thú vị và hồi hộp hiếm có, rất khó cho nhà bình luận thể thao suy nghĩ sẽ viết thế nào. Có điều chắc: Messi và Mbappé - một già một trẻ – là hai ngôi sao nổi bật, Messi điềm đạm tìm kiếm cơ hội, Mbappé thí cứ lao vào vùng lửa đạn để kiếm cơ hội. Argentina áp đảo ngay từ những phút đầu, và đội bóng này giữ banh tốt hơn, giao trả dễ dàng, chuyên nghiệp hơn, tấn công có chiều sâu hơn và có nhiều cơ hội mở bóng trước khung thành của địch hơn. Họ đã kết hợp được kỹ thuật cá nhân của cầu thủ Nam Mỹ và cach phối hơp toàn đội cua cac doi châu Âu. Trong khi đó, cầu thu Phap lúng túng, dễ mất banh vì có kỹ thuật cá nhân khá đơn độc của cầu thủ châu Phi nhưng lại thiếu lối chơi phối hợp toàn đội của bóng đá châu Âu. 

Và chuyện phải đến đã đến khá sớm. Messi đã đá thắng quả phạt đền cho Argentina ở phút 23 sau khi tiền đạo Angel di Maria bị hậu vệ Pháp Ousmane Dembelé đốn ngã trong vòng cấm địa. Theo BBC, Messi là cầu thủ đầu tiên trong lịch sử WC đã ghi bàn trong đủ các giai đoạn: từ vòng ngoài đến vòng 16, tứ kết, bán kết và chung kết. Chỉ 13 phút sau đó, Messi từ giữa sân đá chuyền một đường banh khôn ngoan cho Alexis Mac Alister và tiền đạo này đã mở cho Di Maria đang trống trải chạy vào vùng cấm địa của Pháp: 2-0! Cho đến phút 80, người ta vẫn nghĩ rằng tình thế chẳng có gì thay đổi, Argentina vẫn bình tĩnh, chủ động kiểm soát trận đấu, và Pháp vẫn chỉ có Mbappé đơn độc ở hàng trên. 

Như thế mà chỉ trong 10 phút cuối của trận đấu chính thức, tiền đạo Mbappé đã gỡ cho Pháp 2-2: phút 80 bằng quả phạt đền và chỉ một phút sau đó từ ngoài vòng cấm địa Mbappé với cú sút kỳ diệu vào góc cao bên phải của thủ môn Martinez, đem đến hy vọng cho đội Pháp. Hai bên phải đi vào hai hiệp phụ 30 phút. Đến phút 108, tức chỉ còn 12 phút nữa là chung cuộc, Messi nhân sự hỗn loạn trước khung thành của Lloris, anh sút sà để hạ thủ môn Pháp. Đến đây giây phút này Messi được cả hai giải: quả bóng vàng cho cầu thủ hay nhất và đôi giày vàng cho cầu thủ ghi bàn nhiều nhất (7 bàn). Thế nhưng chỉ sáu phút sau, tức phút 118, Pháp lại được một quả phạt đền, và Mbappé không bỏ lỡ cơ hội ghi bàn cho cả mình (Đôi giày vàng) và đội Pháp. 

Cả hai đội phải thi đá phạt đền, và bản lĩnh, kinh nghiệm của Argentina đã lên tiếng. Hay đúng hơn, thủ môn E. Martinez  của Argentina (đang chơi cho Aston Villa của Anh) đã cho thấy tuổi trẻ tài cao. Anh đã chặn một cú đá phạt của cầu thủ Kingsley Coman (gốc Phi) của Pháp, sau đó một cầu thủ Pháp gốc Phi khác, Aurelian Tchouameni, đá hỏng một cú phạt khác, trong khi bốn cú đá phạt của Argentina, trong đó có Messi, đều thành công trước sự bất lực của thủ môn dày dạn kinh nghiệm là Lloris.

Đương nhiên Argentina thng với tỷ số đá phạt 4-2 sau khi hòa 3-3 trong trận đấu chính và phụ. Và thắng WC lần thứ ba. Messi, cuối cùng đã đạt được WC, anh khuỵu gối ở vòng tròn giữa sân và được bao quanh bởi các đồng đội reo mừng. Messi nay đã đạt đỉnh cao của sự nghiệp ở tuổi khó tưởng được, và Argentina qua được một trận đấu thử thách vô song trước sự đe dọa thường trực của chỉ một người: Mbappé. WC này sẽ mãi mãi gắn liền với tên tuổi của Messi. 

Và phải nói đến Mbappé. Và sau đó đến Pháp. Trong bầu không khí đông đảo cổ động viên Argentina đang bắt đầu ăn mừng chiến thắng, đội bóng của Lionel Scaloni một lần nữa phải tự vực dậy sau cú đúp do Mbappe gây ra ở phút 80 và 81. Cũng may mà chính Messi là người đã cho họ hy vọng một lần nữa, nhmột pha dứt điểm hiểm hóc trong vòng cấm địa ở hiệp phụ thứ hai - chỉ để Mbappe ghi bàn một lần nữa.

Mbappe củng cố vị thế một trong những cầu thủ vĩ đại nhất của bóng đá hiện đại chỉ với cú hat-trick thứ hai trong một trận chung kết World Cup, sau cú hat-trick của Sir Geoff Hurst khi Anh đánh bại Tây Đức năm 1966. Nhưng cầu thủ 23 tuổi này vẫn phải chịu đựng nỗi đau thất bại. Tuy nhiên, chính Mbappe đã hồi sinh Pháp trong những giây phút kinh hoàng đó khi họ từ chỗ trông giống như kẻ thua cuộc nhút nhát trở thành người có thể chiến thắng, rồi ghi bàn thứ ba từ chấm 11m sau khi Messi đưa Argentina vượt lên dẫn trước. Trong khoảng thời gian đáng kinh ngạc của hiệp phụ mà cả hai bên trao đổi cơ hội, Pháp lẽ ra đã có thể giành chiến thắng nhưng nhờ một pha cản phá tuyệt vời ở phút cuối của Martinez với cú đệm của tiền đạo Muani.

 Giới xem bóng đá nay kết luận rằng đây là WC tuyệt vời nhất, trận chung kết tuyệt vời nhất trong thời gian mấy chục năm qua. Giới bình luận nêu ra 5 điểm đặc sắc của WC năm nay: (i) Kỷ lục nhiều trận đấu có  kết quả bất ngờ: đến 24% số  trận đấu có kết quả được xem là  “upset”; (ii) Nhiều bàn thắng, nhưng sút ghi bàn ít hơn (more goals, less shots); (iii) WC năm nay “sạch hơn” - Ít phạt vì chơi xấu nhưng thời gian nằm vạ lâu hơn, nhiều hơn; (iv) Măng mọc - Nhiều cầu thủ trẻ đã xuất hiện trên sân cỏ quốc tế; nhưng (v) Tre già: Những cầu thủ lớn tuổi vẫn còn chỗ đứng với vai trò quyết định. Bằng chứng: Messi! 

  Có thể kết luận như thế hơi vội vàng, nhưng rõ rệt chắc chắn người ta nay đã quên Cristiano Ronaldo (cầu thủ người Bồ Đào Nha vẫn tự cho không ai bằng mình nhưng bị ngồi ngoài trong WC này và đang được Manchester United “giải phóng”: - ai muốn lấy thì cứ lấy - free) và đội Brazil sau trận chung kết huy hoàng này (chẳng ai nhỏ một giọt nước mắt khi Brazil cúi đâu ra sân).