Showing posts with label ThểThao.World Cup 2022. Show all posts
Showing posts with label ThểThao.World Cup 2022. Show all posts

12/19/22

TRẬN CHUNG KẾT HAY NHẤT CHO WC HAY NHẤT

Hoàng Ngọc Nguyên





Biển người ở thủ đô Buenos Aires chào mừng đội tuyển quốc gia

    Trận chung kết World Cup (WC) giữa Argentina và Pháp vào ngày 18-12-2022 là một trận đáng ghi nhớ - ít nhất bởi vì nó lần đầu tiên được tổ chức nhằm mùa Giáng Sinh và tại Doha, thủ đô Qatar,  nước Trung Đông đầu tiên được chọn là chủ nhà cho giải vô địch túc cầu thế giới. Hai đội vào chung kết đều rất xứng đáng. Nước Pháp đã hai lần vô địch thế giới, và lần cuối cùng chính là vào năm 2018 tại nước Nga (lần đầu vào năm 1998). Giới quan sát vẫn cho rằng Pháp có nhiều hy vọng thắng WC năm nay, lập thành tích hai lần liên tiếp. Trong khi đó, Argentina cũng hai lần đoạt giải, nhưng từ thời xa lắc xa lơ nhờ “bàn tay của Thượng đế” (Maradona) vào năm 1986. Nhiều người cũng còn nhớ Mario Kempes, người đã đưa Argentina đến chiến thắng WC đầu tiên năm 1978!

Argentina được nhắc nhở nhiều, chinh là nhờ danh thủ Messi - mặc dù anh đã 35. Đây là lần thứ tư Messi tham dự World Cup. Lần thứ nhất năm 2010, Argentina bị Đức loại ở trận tứ  kết 4-0. Lần thứ hai, năm 2014, cũng Đức đá bại Argentina ở trận chung kết 1-0! Người ta cũng còn nhớ trong WC 2018, Pháp đã thắng Argentina ở vòng 16 đội với tỷ số 4-3. Tiền đạo Pháp Kylian Mbappé, 19 tuổi, đã nổi lên trong trận này, làm lu mờ Lionel Messi, lúc đó đã 31 tuổi. Người ta vào thời đó cứ nghĩ đây là trận cuối trong đời của Messi… Làm sao ngờ được Mbappé và Messi lại có dịp gặp nhau lại trong một WC khác. 

Hai đội đã vào chung kết một cách xứng đáng. Argentina vấp ngã ngay trận đầu tiên khi thua Saudi Arabia 1-2, nhưng đã thắng Mexico 2-0, thắng Ba Lan 2-0 để đứng đầu nhóm C. Ở vòng 16, Argentina thắng Úc 2-1; vòng tứ kết, thắng Hòa Lan 4-3; và vòng bán kết thắng Croatia 3-0. Argentina đã vào trận chung kết một cách vững vàng - thủ cũng như công. Trong khi đó, con đường của Pháp gian lao hơn. Pháp thắng Úc 4-1, thắng Đan Mạch 2-1, nhưng để thua Tunisia 0-1 ở nhóm D. Ở vòng 16 đội, Pháp thắng Ba Lan 3-1, vòng tứ kết thắng Anh 2-1 (khá chật vật đến đổi Anh lại có ảo tưởng “đã trưởng thành”) và bán kết thắng Morocco 2-0. Pháp có hai tiền đạo nổi bật là Mbappé (trẻ) và Giroud (già – 36 tuổi) và huấn luyện viên Didier Deschamps là người đưa Pháp đoạt Cúp Vàng năm 2018. Ngoài ra, thủ môn Lloris rất nổi tiếng, đã từng chặn cú đá phạt đền của tiền đạo Harry Kane của đội Anh (hai người cùng chơi cho đội Tottenham của Anh) khiến cho Anh vỡ mộng. Pháp còn có một tiền đạo cực kỳ nổi tiếng là Karim Benzema, đang chơi cho Real Madrid. Anh có tài ghi bàn cực kỳ kỳ diệu. Mặc dù đã 35, Benzema vẫn được xem là một phần tử không có không được. Như thế mà trong tập luyện, Benzema bị trục trặc đầu gối và phải ngồi chơi trong suốt giải! Anh cũng vắng mặt trong WC 2018 vì lý do “tế nhị”: đang bị điều tra về tội làm tiền bạn bè. Nhưng Pháp chẳng sợ thiếu tiền đạo. Một cầu thủ nổi tiếng và trẻ hơn đã có mặt trong hàng ngũ đội tuyển: Antoine Griezmann.

 Trừ trường hợp đội Anh ngã gục trước đội Pháp, những đội lớn bị loại nhưng không là nạn nhân của Pháp hay Argentina – đó là điều cũng đáng nhớ. Chưa nói đến đội Ý, 4 lần vô địch nhưng dã bị loại từ vòng ngoài phải nằm nhà, Brazil (5 lần vô địch thế giới) thua Croatia vì đá phạt đền ở tứ kết; Đức (4 lần) bị loại ngay ở nhóm E vì thua Nhật Bản 1-2; Bỉ bị loại ở bảng F vì thua Morocco 1-2; Tây Ban Nha bị loại ở vòng 16 đội cũng bởi Morocco 0-3! Bồ Đào Nha cũng thua Morocco ở vòng tứ kết 0-1, Uruguay hai lần vô địch cũng phià “nhường chỗ” cho Nam Hàn. Cho nên, Morocco rất đáng mặt anh hùng.

Một ấn tượng đặc biệt của người xem là hai đội bóng này một đen một trắng: đội Pháp tuy đến từ một nước Tây Âu da trắng nhưng có ít nhất 7-8 cầu thủ hoặc nhập cư từ các nước châu Phi hay được sinh ra từ một gia đình châu Phi trên đất Pháp, trong khi đó Argentina là một nước Latino, Hispanic được người da trắng nói tiếng Tây Ban Nha đến từ châu Âu ưa chuộng. Nước Pháp có Tổng thống còn trẻ Emmanuel Macron (giới chính trị bảo thủ ở Paris cứ gọi ông là ma-cà-rồng) ủng hộ - ông cũng đã có mặt trong trận Pháp thắng Morocco 2-0. Trong khi đó, Tổng thống Alberto Fernandez của Argentina theo dõi trận thi đấu này tại nhà bởi vì sợ vắng mặt người ta đảo chánh!

Đây là một trận chung kết hấp dẫn, thú vị và hồi hộp hiếm có, rất khó cho nhà bình luận thể thao suy nghĩ sẽ viết thế nào. Có điều chắc: Messi và Mbappé - một già một trẻ – là hai ngôi sao nổi bật, Messi điềm đạm tìm kiếm cơ hội, Mbappé thí cứ lao vào vùng lửa đạn để kiếm cơ hội. Argentina áp đảo ngay từ những phút đầu, và đội bóng này giữ banh tốt hơn, giao trả dễ dàng, chuyên nghiệp hơn, tấn công có chiều sâu hơn và có nhiều cơ hội mở bóng trước khung thành của địch hơn. Họ đã kết hợp được kỹ thuật cá nhân của cầu thủ Nam Mỹ và cach phối hơp toàn đội cua cac doi châu Âu. Trong khi đó, cầu thu Phap lúng túng, dễ mất banh vì có kỹ thuật cá nhân khá đơn độc của cầu thủ châu Phi nhưng lại thiếu lối chơi phối hợp toàn đội của bóng đá châu Âu. 

Và chuyện phải đến đã đến khá sớm. Messi đã đá thắng quả phạt đền cho Argentina ở phút 23 sau khi tiền đạo Angel di Maria bị hậu vệ Pháp Ousmane Dembelé đốn ngã trong vòng cấm địa. Theo BBC, Messi là cầu thủ đầu tiên trong lịch sử WC đã ghi bàn trong đủ các giai đoạn: từ vòng ngoài đến vòng 16, tứ kết, bán kết và chung kết. Chỉ 13 phút sau đó, Messi từ giữa sân đá chuyền một đường banh khôn ngoan cho Alexis Mac Alister và tiền đạo này đã mở cho Di Maria đang trống trải chạy vào vùng cấm địa của Pháp: 2-0! Cho đến phút 80, người ta vẫn nghĩ rằng tình thế chẳng có gì thay đổi, Argentina vẫn bình tĩnh, chủ động kiểm soát trận đấu, và Pháp vẫn chỉ có Mbappé đơn độc ở hàng trên. 

Như thế mà chỉ trong 10 phút cuối của trận đấu chính thức, tiền đạo Mbappé đã gỡ cho Pháp 2-2: phút 80 bằng quả phạt đền và chỉ một phút sau đó từ ngoài vòng cấm địa Mbappé với cú sút kỳ diệu vào góc cao bên phải của thủ môn Martinez, đem đến hy vọng cho đội Pháp. Hai bên phải đi vào hai hiệp phụ 30 phút. Đến phút 108, tức chỉ còn 12 phút nữa là chung cuộc, Messi nhân sự hỗn loạn trước khung thành của Lloris, anh sút sà để hạ thủ môn Pháp. Đến đây giây phút này Messi được cả hai giải: quả bóng vàng cho cầu thủ hay nhất và đôi giày vàng cho cầu thủ ghi bàn nhiều nhất (7 bàn). Thế nhưng chỉ sáu phút sau, tức phút 118, Pháp lại được một quả phạt đền, và Mbappé không bỏ lỡ cơ hội ghi bàn cho cả mình (Đôi giày vàng) và đội Pháp. 

Cả hai đội phải thi đá phạt đền, và bản lĩnh, kinh nghiệm của Argentina đã lên tiếng. Hay đúng hơn, thủ môn E. Martinez  của Argentina (đang chơi cho Aston Villa của Anh) đã cho thấy tuổi trẻ tài cao. Anh đã chặn một cú đá phạt của cầu thủ Kingsley Coman (gốc Phi) của Pháp, sau đó một cầu thủ Pháp gốc Phi khác, Aurelian Tchouameni, đá hỏng một cú phạt khác, trong khi bốn cú đá phạt của Argentina, trong đó có Messi, đều thành công trước sự bất lực của thủ môn dày dạn kinh nghiệm là Lloris.

Đương nhiên Argentina thng với tỷ số đá phạt 4-2 sau khi hòa 3-3 trong trận đấu chính và phụ. Và thắng WC lần thứ ba. Messi, cuối cùng đã đạt được WC, anh khuỵu gối ở vòng tròn giữa sân và được bao quanh bởi các đồng đội reo mừng. Messi nay đã đạt đỉnh cao của sự nghiệp ở tuổi khó tưởng được, và Argentina qua được một trận đấu thử thách vô song trước sự đe dọa thường trực của chỉ một người: Mbappé. WC này sẽ mãi mãi gắn liền với tên tuổi của Messi. 

Và phải nói đến Mbappé. Và sau đó đến Pháp. Trong bầu không khí đông đảo cổ động viên Argentina đang bắt đầu ăn mừng chiến thắng, đội bóng của Lionel Scaloni một lần nữa phải tự vực dậy sau cú đúp do Mbappe gây ra ở phút 80 và 81. Cũng may mà chính Messi là người đã cho họ hy vọng một lần nữa, nhmột pha dứt điểm hiểm hóc trong vòng cấm địa ở hiệp phụ thứ hai - chỉ để Mbappe ghi bàn một lần nữa.

Mbappe củng cố vị thế một trong những cầu thủ vĩ đại nhất của bóng đá hiện đại chỉ với cú hat-trick thứ hai trong một trận chung kết World Cup, sau cú hat-trick của Sir Geoff Hurst khi Anh đánh bại Tây Đức năm 1966. Nhưng cầu thủ 23 tuổi này vẫn phải chịu đựng nỗi đau thất bại. Tuy nhiên, chính Mbappe đã hồi sinh Pháp trong những giây phút kinh hoàng đó khi họ từ chỗ trông giống như kẻ thua cuộc nhút nhát trở thành người có thể chiến thắng, rồi ghi bàn thứ ba từ chấm 11m sau khi Messi đưa Argentina vượt lên dẫn trước. Trong khoảng thời gian đáng kinh ngạc của hiệp phụ mà cả hai bên trao đổi cơ hội, Pháp lẽ ra đã có thể giành chiến thắng nhưng nhờ một pha cản phá tuyệt vời ở phút cuối của Martinez với cú đệm của tiền đạo Muani.

 Giới xem bóng đá nay kết luận rằng đây là WC tuyệt vời nhất, trận chung kết tuyệt vời nhất trong thời gian mấy chục năm qua. Giới bình luận nêu ra 5 điểm đặc sắc của WC năm nay: (i) Kỷ lục nhiều trận đấu có  kết quả bất ngờ: đến 24% số  trận đấu có kết quả được xem là  “upset”; (ii) Nhiều bàn thắng, nhưng sút ghi bàn ít hơn (more goals, less shots); (iii) WC năm nay “sạch hơn” - Ít phạt vì chơi xấu nhưng thời gian nằm vạ lâu hơn, nhiều hơn; (iv) Măng mọc - Nhiều cầu thủ trẻ đã xuất hiện trên sân cỏ quốc tế; nhưng (v) Tre già: Những cầu thủ lớn tuổi vẫn còn chỗ đứng với vai trò quyết định. Bằng chứng: Messi! 

  Có thể kết luận như thế hơi vội vàng, nhưng rõ rệt chắc chắn người ta nay đã quên Cristiano Ronaldo (cầu thủ người Bồ Đào Nha vẫn tự cho không ai bằng mình nhưng bị ngồi ngoài trong WC này và đang được Manchester United “giải phóng”: - ai muốn lấy thì cứ lấy - free) và đội Brazil sau trận chung kết huy hoàng này (chẳng ai nhỏ một giọt nước mắt khi Brazil cúi đâu ra sân).

12/4/22

NGỒI BUỒN, TIÊN ĐOÁN LUNG TUNG…

Hoàng Ngọc Nguyên



Chúng ta đang sống vào thời buổi đứng ngồi không yên (“permacrisis” là chữ mới học được của Collins Dictionary, được tự điển này chọn là từ thông dụng nhất trong năm, có nghĩa là sống mất ăn mất ngủ vì lo sợ chiến tranh, vì chính trị bất ổn, bạo lực, và vì kinh tế suy thoái, lạm phát…), nhưng nay có thể thỉnh thoảng phải ngồi yên vì World Cup 2022 tại Qatar. 

Sự thực thì chẳng phải ai cũng biết Qatar nằm ở đâu, cho đến khi giải vô địch túc cầu thế giới lần thứ 22 khởi diễn ở đó ngày 20-11 vừa qua. Khi thấy World Cup được tổ chức ở một nước Trung Đông Hồi giáo “vô danh tiểu tốt”, nhiều người lắc đầu. Khi biết thêm Qatar này là một nước sa mạc, diện tích chỉ vào khoảng 1/30 nước Việt Nam, và dân số tổng cộng là 2.9 triệu người, nhưng chỉ có 313.000 người là công dân Qatar chính hiệu, còn lại là những người “tha phương cầu thực”, “lưu vong”, thì chúng ta đương nhiên còn phải lắc đầu mà nói “điên”. Thủ đô Qatar là Doha, nơi cư ngụ của 80% người dân, còn lại chủ yếu là sa mạc bằng phẳng nằm dưới trũng. 

Nhưng tìm hiểu lý do vì sao Qatar được chọn là nước tổ chức World Cup 22, có thể chúng ta nghĩ đến 3 lý do chính: (i) Trong 21 World Cup trước đó, chưa có nước Hồi giáo Trung Đông nào đứng ra tổ chức WC; (ii) Qatar là nước Hồi giáo “trung lập” nhất, nước duy nhất cố gắng hòa giải giữa hai môn phái “đánh nhau chết bỏ” Sunni (Saudi Arabia) và Shiite (Iran), và; (iii) Nước đặc biệt giàu có ở Trung Đông (tính theo chỉ số Tổng Sản lượng Nội địa (GDP) trên đầu người, Qatar đứng hàng thứ tư trên thế giới – khoảng $61,000, GDP của Qatar vào khoảng 180 tỷ đô la, so với Việt Nam 360 tỷ với xấp xỉ 98 triệu dân). Chúng ta cũng có thể dễ đoán  Qatar có một nền kinh tế dầu khí trữ lượng vô kể - chỉ sợ sau này xe hơi chạy điện, không chạy xăng nữa. Dự trữ dầu và khí thiên nhiên của Qatar đứng hàng thứ ba trên thế giới. Trong thế kỷ 21, Qatar nổi lên là một cường quốc bậc trung trong thế giới A-Rập chính là nhờ nguồn dự trữ tài nguyên năng lượng này.

Sự lựa chọn Qatar là nước tổ chức World Cup 22 cũng là một quyết định “gây tranh cãi”. Qatar vẫn là một nước chính trị lạc hậu từ bao đời, theo thể chế quân chủ độc tôn. Qatar bị nhiều tai tiếng trong thành tích trấn áp nhân quyền – nhất là đối với công nhân nước ngoài nhập cư. Chuyện tai tiếng mà người ta đang đồn đãi là bao nhiêu người công nhân xây dựng đã chết vì tai nạn xây cất cho tám sân bóng đá “hại điện” của World Cup này. 400-500 hay 5.000-6.000? (Trong đó có bao nhiêu người được Hà Nội cho đến Doha “lao động quốc tế”?). Người ta cũng nói một nước quá nhỏ và thành tích bóng đá chẳng hề có mà lại giao cho tổ chức World Cup thì đúng là chuyện không thể tưởng được, chỉ nói lên sức mạnh của đồng tiền trao dưới bàn… Nhưng rồi mọi chuyện cũng qua đi, vì chế độ độc tài ở Doha cũng chẳng thấm gì so với những chế độ tại Nga và Trung Cộng, thậm chí tại Iran. Còn Qatar là nước Trung Đông duy nhất sẵn sàng bỏ ra chục tỷ để tổ chức World Cup, trước mua vui, sau lấy tiếng…

Thế nhưng mọi chuyện phải tạm lắng dịu hay để cho qua đi, vì dù sao World Cup cũng đã được khai mạc trọng thể và hoan hỉ ngày 20-11. Có đông đủ 32 nước đã qua vòng loại và tham dự vòng chung kết ở đây, và trên tám sân vận động khổng lồ của Qatar bao giờ cũng có hàng chục ngàn người đại diện các nước tham dự, xem đầy những khán đài, reo hò, cổ vũ thân thiện. Đây là World Cup (viết tắt là WC)  đầu tiên được tổ chức vào hai tháng 11 và 12, vì nếu tổ chức vào thời điểm thông thường bấy lâu nay tháng 6 và 7 thì cái nóng Trung Đông ở đây chịu không nổi. Trong không khí mát dịu của Qatar, hàng trăm ngàn du khách từ các nước tham dự WC đã đổ về dây, trước coi đá banh, sau du lịch. Cho nên thành công của WC Qatar không thể phủ nhận.

Trong 32 đội tham dự WC 22, châu Âu có đông nhất, 13 đội: Anh, Wales, Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ, Đức, Bồ Đào Nha, Đan Mạch, Hòa Lan,  Thụy Sĩ, Ba Lan, Serbia, Croatia; châu Mỹ 8 đội: USA, Ecuador, Canada, Mexico, Brazil, Argentina, Uruguay, Costa Rica; Trung Đông và châu Phi 8 đội: Qatar (nước chủ nhà), Senegal, Ghana, Cameroon, Morocco, Saudi Arabia, Iran, Tunisia; và Á/Úc 3 đội: Nhật Bản, Nam Hàn, Úc. Ngoại trừ Ý, nước đã bốn lần vô địch WC (hai lần trước Đệ nhị Thế chiến) không có mặt trong WC22 vì số phận đã định đoạt từ vòng ngoài, bảy nước cựu vô địch đều có mặt: Brazil (5 lần), Đức (4), Pháp (2) Argentina (2), Uruguay (2), Tây Ban Nha và Anh. Dĩ nhiên những nước này đều được xem là những đội mạnh có nhiều khả năng giành được chức vô địch. Ngoài ra, trước giải, người ta đương nhiên phải đề cập đến Bỉ là một nước sáng giá trên cầu trường quốc tế trong 10 năm trở lại đây. Hay Hòa Lan là đội đã ba lần vào chung kết WC. Hay Croatia là nước có một số cầu thủ thượng thặng. Không một nước Á hay Phi nào được xem là có thể vượt qua vòng 1 của WC năm nay. 

Và sự vắng mặt của hai nước đông dân nhất thế giới Trung Quốc (1.4 tỷ) và Ấn Độ (1.3 tỷ), cùng một nước đại cường hủ lậu là Liên bang Nga (145 triệu) là đáng để ý. Ba nước này  làm nên 3/8 (37%) dân số thế giới. Dân Trung Cộng đang xuống đường, nhất quyết không chịu đeo mạng để xem truyền hình WC. Ở Nga, thanh niên đang lo trốn qua những nước láng giềng để khỏi bị Putin giết…

Lịch thi đấu bắt đầu với vòng loại: 32 đội được chia làm tám bảng, mỗi bảng bốn đội, thi đấu luân lưu để chọn hai đội đứng đầu mỗi bảng đi vào vòng trong. Ở vòng 16 đội còn lại, được ghép thành tám cặp, thi đấu loại bỏ, còn tám đội vào tứ kết. Sau tứ kết đương nhiên là bán kết và chung kết… Group A: Netherlands, Senegal, Ecuador, Qatar; Group B: England, USA, Iran, Wales; Group C: Argentina, Poland, Mexico, Saudi Arabia; Group D: France, Australia, Denmark, Tunisia; Group E: Japan, Spain, Germany, Costa Rica; Group F: Morocco, Croatia, Belgium, Canada; Group G: Brazil, Switzerland, Cameroon, Serbia; Group H: Uruguay, Portugal, South Korea, Ghana. 

Kết quả vòng 1 như chúng ta đã biết có nhiều bất ngờ - lớn và nhỏ. Bất ngờ lớn là Đức, Bỉ và Đan Mạch bị loại. Đức bị loại vì đã để thua Nhật Bản 1-2 ngay trận đầu tiên và để cho Tây Ban Nha cầm chân 1-1 ở trận thứ nhì. Bỉ bị loại vì để cho Morocco hạ 2-0 và không thắng được Croatia ở trận quyết định (0-0). Đan Mạch thua cả Úc và Pháp, chỉ có đường khăn gói ra về sớm. 

Bất ngờ cũng lớn và đặc biệt thú vị là Nhật Bản và Đại Hàn vào vòng trong nhờ những chiến thắng lịch sử. Ai mà ngờ được, Nhật thắng cả Đức và Tây Ban Nha, cho dù để thua Costa Rica trước đó. Đại Hàn thắng Bồ Đào Nha (làm quê Ronaldo) ở trận cuối cùng, phút cuối cùng cho nên được vào vòng trong cho dù cùng điểm với đội cùng bảng là Uruguay (của Suarez) nhưng hơn số bàn ghi được (4-4 so với 2-2). Hai đội Nhật và Đại Hàn làm sáng mặt người châu Á chúng ta.

 Một điều cần ghi nhận là không một đội đứng đầu bảng nào thắng được cả ba trận để được 9 điểm. Thậm chí không đội nào được 8 điểm (làm sao có được)! Brazil, Argentina, Pháp, Bồ Đào Nha, Nhật đều có một trận thua (Brazil thua Nhật, Pháp thua Tunisia, Argentina thua Saudi Arabia,  Nhật thua Costa Rica, Bồ Đào Nha thua Nam Hàn). Đứng đầu bảng với 2 thắng 1 hòa là Hòa Lan, Anh và Morocco. Vòng 2 có tám trận như sau: 

1. Hòa Lan-Mỹ; 

2. Argentina-Úc; 

3. Pháp-Ba Lan; 

4. Anh-Senegal; 

5. Nhật-Croatia; 

6. Brazil-Nam Hàn; 

7. Morocco-Tây Ban Nha; 

8. Bồ Đào Nha- Thụy Sĩ. 

Sau đó là vòng tứ kết, đội thắng trận 1 gặp đội thắng trận 2, thắng 3 gặp 4, thắng 5 gặp 6, và thắng 7 gặp 8… Trong vòng tám trận này, hai trận khó tiên đoán là Anh-Senegal, Nhật-Croatia và Bồ Đào Nha-Thụy Sĩ. Có nghĩa là 5 đội “cầm chắc” vé vào tứ kết là Hòa Lan, Argentina, Pháp, Brazil, Tây Ban Nha. Tiên đoán cho hào hứng cuộc chơi, Anh có thể thắng Senegal 2-1 hay 2-0 (quần chúng Anh mắc bệnh sống trong hoang tưởng, ảo mộng – thực tế Anh không có hàng tiền vệ), Nhật và Croatia thi đấu thêm giờ và Nhật có thể thắng nhờ đá phạt đền. Bồ Đào Nha cũng có thể thắng Thụy Sĩ nhờ đá phạt đền – không phải nhờ Cristian Ronald.

Chung cuộc, ai sẽ vô địch WC năm nay? Có lẽ Pháp (hay Argentina) và Brazil (hay Tây Ban Nha) sẽ đá chết bỏ trong trận chung kết. Pháp có những bàn chân vàng như Mbappe, Giroud, Dembele. Brazil có Richarlison, Casemiro, và Neymar (dzởm). Argentina có Messi là đại cầu thủ thứ thiệt. Tây Ban Nha có Gavi, Morata… 

Và Pháp có thể lại vô địch lần nữa chăng (sau chiến thắng 2018)? Hay Argentina – cho dù không có bàn tay Thượng Đế (God’s hand) của Maradona? 


11/22/22

World Cup 2022: Nhật Bản lội ngược dòng thắng ngoạn mục Đức

Emma Sanders
Phóng viên BBC Thể thao tại SVĐ Khalifa, Qatar

Cổ động viên Nhật Bản trong trận đấu gặp đội tuyển Đức ở bảng E ngày 23/11 tại World Cup 2022 Qatar

Màn lội ngược dòng muộn ngoạn mục của Nhật Bản đã chứng kiến Đức, đội từng 4 lần vô địch, thất bại sốc trong trận mở màn World Cup tại Qatar.

Đức chiếm ưu thế trong một trận đấu điên cuồng với những pha bóng lớn nhưng không tận dụng được áp lực mà họ tạo ra - trước khi Nhật Bản khiến Sân vận động Quốc tế Khalifa nổ ra một màn ăn mừng xen lẫn bất ngờ.

Cầu thủ vào thay người Takuma Asano đã thực hiện một pha dứt điểm từ góc hẹp để nâng tỷ số lên 2-1 cho Nhật Bản và chạy đến chỗ các nhiếp ảnh gia ở góc sân vận động trong niềm vui tột độ.

Cả sân vận động im lặng như nín thở khi trái bóng lăn từ nóc lưới xuống trước khi những người ủng hộ nhận ra bóng đã đi vào khung thành.

lkay Gundogan của Manchester City đã giúp Đức vượt lên dẫn trước từ chấm phạt đền trong hiệp một, trước khi cầu thủ vào thay người Nhật Bản Ritsu Doan gỡ hòa ở phút 75.

Bàn gỡ hòa đến sau một loạt pha cứu thua xuất sắc ở mỗi cuối hiệp - Shuichi Gonda của Nhật Bản thực hiện hai pha cản phá từ chối Serge Gnabry và Jonas Hofmann, trước khi Manuel Neuer của Đức cản phá được nỗ lực của Junya Ito.

Đức, đội xếp cuối bảng tại Nga năm 2018, đã bỏ lỡ nhiều cơ hội để gia tăng cách biệt khi tỷ số còn là 1-0.

Họ phải đối mặt với sự đối đầu gay gắt ở bảng E với đội vô địch năm 2010 là Tây Ban Nha vào Chủ nhật, sau đó là trận đấu cuối cùng của vòng bảng với Costa Rica.

Trước khi trận đấu bắt đầu, các cầu thủ Đức đưa tay lên che miệng khi chụp ảnh cả đội và trên khán đài, bộ trưởng chính phủ Đức, Nancy Faeser, đeo băng tay OneLove.

Nó xuất hiện sau khi có thông tin liên đoàn bóng đá Đức đang điều tra xem liệu việc Fifa đe dọa xử phạt các cầu thủ đeo băng tay OneLove ở Qatar có hợp pháp hay không.

Đội tuyển Đức sau đó đã tweet rằng nhân quyền là "không thể thương lượng" và "chúng tôi giữ vững lập trường của mình".

Cầu thủ Nhật Bản ăn mừng chiến thắng trước Đức trong trận đấu của bảng E ngày 23/11 ở World Cup 2022 Qatar

Hồi tưởng cho Đức khi Nhật Bản ăn mừng chiến thắng đáng nhớ

Không thể quên nỗi đau của Đức bị loại sớm khỏi World Cup ở Nga khi đoàn quân của Hansi Flick lê bước trên sân trong cả trận và lại phải chịu thất bại dưới tay đối thủ châu Á.

Những người ủng hộ họ đến với hy vọng nhiều hơn là kỳ vọng rằng những ngôi sao trẻ của họ sẽ dẫn dắt họ vào một kỷ nguyên mới.

Nhật Bản chơi không ngừng nghỉ và không chịu nhượng bộ, bất chấp việc Đức kiểm soát các đợt tấn công lớn.

Các cổ động viên Nhật Bản đã vô cùng lo lắng ở những phút cuối giờ khi Leon Goretzka của Đức sút xa và thủ môn Neuer lên tham gia tấn công trong các pha phạt góc liên tiếp để cố gắng cứu vãn một bàn gỡ hòa đầy kịch tính.

Tuy nhiên, Nhật Bản đã giữ vững và khi tiếng còi mãn cuộc vang lên, các cầu thủ trong đội đã lao vào sân để ăn mừng và những lá cờ được vẫy vui mừng trên khán đài.

Họ đã gây khó khăn cho Đức trong hiệp một khi tiền đạo Daizen Maeda của Celtic có một bàn thắng không được công nhận vì lỗi việt vị, trước khi Kai Havertz của Đức cũng có tình huống tương tự.

Gundogan và Antonio Rudiger đều sút trượt mục tiêu với những cơ hội ngon ăn trong hiệp một, trong khi tiền vệ Joshua Kimmich bị Gonda từ chối hai lần.

Gundogan thực hiện quả phạt đền một cách lạnh lùng sau khi David Raum bị Gonda đẩy ngã để giúp Đức dẫn trước xứng đáng, nhưng họ đã phải trả giá cho những cơ hội bị bỏ lỡ.

Cầu thủ trẻ tuổi của Bayern Munich, Jamal Musiala, đã đánh bại bốn cầu thủ trong vòng cấm và sút vọt xà ngang vào đầu hiệp hai, trước khi Goretzka tung cú sút đi chệch cột dọc trong những giây phút cuối cùng