Người ta vẫn so sánh oan uổng Chú Cuội thời xưa với cựu Tổng thống Donald Trump thời nay. Ông Trump của Stormy Daniels đã gần 80, dầy dạn kinh nghiệm. Chú Cuội của Hằng Nga trẻ người non dạ tuổi chỉ mới mười mấy. Trump nổi tiếng với hàng chục ngàn lời dối trá không biết ngượng miệng nói cho hàng chục triệu người nghe (Đừng trách ông ta, trách người nghe nhẹ dạ).
Còn những chuyện Chú Cuội mang tiếng nói dối thì chỉ do người ta đặt điều cho có, cho vui.
Trump đã quen nói dối, cho nên những khi Trump nói thật, thốt lên những lời từ cửa lòng của mình, người ta phản ứng, nói ông ta không có con tim. Trong khi thế giới hầu như đồng thanh lên án Putin bất nhân, đã cho quân xâm lược Ukraine hơn một năm qua, tàn phá nhà cửa, giết hại người dân, xem sinh mạng người lính như cỏ rác, thì mới đây, vào thời điểm một năm cuộc chiến chưa có lối ra, Trump vẫn nói “Putin là một thiên tài”, và “nếu tôi còn là tổng thống, Nga sẽ không bao giờ đụng đến Ukraine”.
Trước hết, có thể nhắc lại những bình luận dũng cảm (điếc không sợ súng) của Donald Trump khi Vladimir Putin phát động chiến tranh cướp nước năm ngoái. Trong khi mọi người lên tiếng nguyền rủa, Trump cứ nhất quyết Putin là người “smart”, “savvy”, “genius” (thông minh, khéo léo, thiên tài), và sự động binh của Putin chỉ là “một cách thương lượng khôn ngoan trên thế mạnh thời hòa bình”. Khi được yêu cầu, Trump đã từ chối lên án Putin, nhắc lại “I got along with Putin” – tôi giao hảo tốt đẹp với Putin. Trump cũng nói Putin đã tại vì được hơn 20 năm, chẳng phải ông ta là bậc kỳ tài, vĩ đại hay sao? Trump chỉ muốn tám năm mà cũng không xong. Và như thông lệ, Trump còn lợi dụng cơ hội nói thêm “chẳng phải đần độn như lãnh đạo nước Mỹ”.
Khi Trump nói Putin là một thiên tài, ông ta chỉ nói được một phần. Thiên tài ở đâu là điều người ta chưa thấy, nhưng ông ta tệ hơn cả thiên tai là điều thấy rõ. Đất nước Ukraine đang tan hoang mà chưa một thiên tai nào trong lịch sử loài người có thể so sánh với thiên tài Putin. Thiên tai chỉ có thể diễn ra trong một thời gian ngắn ngủi, cuộc chiến của Putin nay đã qua năm thứ hai và chẳng biết đến bao giờ hòa bình mới trở lại và với giá nào người dân Ukraine, đất nước Ukraine phải trả. Và biết đến bao giờ Ukraine mới hát được bài “Mộng Lành”, mới có thể tìm lại được hình ảnh và tâm tình đất nước cũ, xã hội cũ. Khi trong mọi nhà đều có những câu chuyện tang tóc, trong mọi người đều chất chứa những kỷ niệm đau buồn của thời dân tộc mất mát, tan tác vì chống xâm lăng. Sự tàn ác của Putin cũng không thể tưởng được khi bàn tay của ông ta vấy máu của hàng trăm ngàn người lính Nga đồng bào của ông ta mà ông ta xua vào cõi chết – làm cho chúng ta phải chạnh lòng tưởng đến cuộc chiến tranh đánh vào Miền Nam trước đây mà Cộng Sản Miền Bắc đã phát động bất kể cả triệu người Việt - người lính người dân – đã phải nằm xuống trong uất hận, oan uổng vì tham vọng khát máu của Hà Nội.
Trước hết, hãy bàn về câu chuyện mà Trump vẫn cứ nhắc lui nhắc tới, là nếu ông ta còn trong Tòa Bạch Ốc, thì Putin sẽ chẳng phát động cuộc chiến Ukraine. Điều này vừa nói lên “uy tín” của Trump đối với Putin vừa phụ họa luận điệu của Putin hiện nay: vì chính sách đe dọa, thách thức của Biden mà Putin phải động binh. Hay Putin không tin Biden. Ý của Trump vẫn cho thấy mối ám ảnh với kết quả bầu cử năm 2020 mà ông ta chắc chắn cho đến khi xuôi tay cũng không chịu nhắm mắt vì cứ cho rằng “bầu cử gian lận” nên ông mất một nhiệm kỳ 2. Ông vẫn không đủ sức để chịu hiểu rằng ông ngáp được nhiệm kỳ 1 là do bộ máy bầu cử của bà Clinton (2016) không có người điều khiển sáng giá. Và ý ông ta là vì “bầu cử gian lận” cho nên ông ta mất chỗ, và vì ông mất chỗ cho nên Putin mới động binh. Như vậy, suy cho cùng, chính Joe Biden là thủ phạm trong cuộc chiến Ukraine. Nếu Trump còn đó, ông ta hẳn sẽ có sách lược phù hợp hơn để giữ quan hệ với Putin, do đó chiến tranh Nga-Ukraine sẽ không xảy ra. Trong khi đó, phản ánh luận điểm của Putin, Trump cho rằng chính chính sách của Joe Biden đã dẫn đến quyết định của Putin xâm lăng Ukraine. Quan điểm của Trump vọng lên lời phát biểu của Ngoại trưởng Nga Lavrov ngày 3-6 tại Hội nghị G20 tại New Delhi: “Cuộc chiến tranh Ukraine nhắm vào nước Nga và chúng tôi phải tự vệ!”
Đúng là nếu Trump còn đó thì Putin sẽ “bất chiến tự nhiên thành”, không cần phải đưa quân đi đánh xứ người như hiện nay. Những gì ông ta muốn, Trump đều có thể làm hết mà Putin không cần đụng đến móng tay. Điều rõ rệt nhất, Trump đã thật sự làm tê liệt hay tan rã khối NATO. Thậm chí có dư luận cho rằng Mỹ có thể tính chuyện rút ra khỏi NATO. Bà Thủ tướng Đức Angela Merkel đã công khai nói: Không còn có thể trông cậy gì ở Mỹ (vốn là nước lãnh đạo NATO từ 1948). Không thể lạc quan nghĩ rằng NATO dám can thiệp cho dù không có Mỹ khi Nga tấn công Ukraine. Trong khi đó, Trump cũng sẽ không cho Ukraine quyền mong đợi hão huyền có Mỹ là chỗ dựa chiến lược một khi Ukraine có xung đột với Nga. Nếu Trump có thêm được bốn năm 2021-2024, chắc chắn Nga sẽ khoanh tay nhìn Trump làm cho khối NATO tan rã và tình hình chính trị Ukraine thêm bất ổn. Đó chính là lý do mà Trump không nói ra.
Những mưu định của Putin trong cuộc chiến Ukraine chẳng có gì là bí mật, và đúng là ông ta nghĩ mình là “thiên tài” cho nên có thể chiến thắng dễ dàng, chỉ trong 1-2 tuần có thể bắt được Tổng thống Zelinsky quỳ gối đầu hàng, cho dù những thất bại cho đến nay của Putin là quá rõ ràng. Ông cũng mê muội nghĩ rằng Mỹ và khối NATO (Minh ước Bắc Đại Tây Dương) sẽ khoanh tay để cho ông muốn làm gì thì làm ở Ukraine.
Putin vẫn phàn nàn sự sụp đổ của đế chế Liên Xô năm 1990 khi chiến tranh lạnh chấm dứt đã làm cho nước Nga mất trắng chư hầu và vệ tinh - từ hơn chục tiểu quốc trong Liên bang Xô viết đến các nước Đông Âu trong khối Warsaw. Cho nên từ hơn hai thập niên qua, Putin chỉ có hai mục tiêu chính: thứ nhất là trở thành một Sa hoàng bạo chúa thời nay trong một cơ chế trá hình dân chủ (bởi thế ông trị vì Điện Cẩm Linh từ năm 2000 đến nay, lúc thì đóng vai tổng thống, lúc thì giả dạng thủ tướng); tìm cách nắm lại những nước từng thuộc Liên Xô (Grudia, Chechnya) hay khối Warsaw Đông Âu (Ba Lan, Hungari, Tiệp Khắc, Bulgaria, Rumania), từ đó xác lập vai trò chủ tể của Nga trong một trật tự thế giới mới “tam quốc chí” (Mỹ-Nga-Tàu). Lý do “chiến lược” của Putin đưa ra rất đơn giản để biện minh cho chiến lược bành trướng của mình: mở rộng phạm vi ảnh hưởng của nước Nga bằng những nước chư hầu mới chung quanh để bảo đảm an toàn, an ninh, hòa bình cho nước Nga. Đương nhiên, nhiều người Nga nghe như thế thì chịu quá, phù hợp với lịch sử của nước Nga. Nhưng không phải người Nga nào cũng mê muội, lạc hậu như thế. Và đương nhiên những nước mà Nga nhắm đến phải phản đối vì đã hưởng độc lập, tự do từ mấy chục năm qua. Và những nước này đã quay qua khối NATO để đi tìm sự bảo vệ tập thể. Mới nhất trong tháng hai là trường hợp Phần Lan, cũng như Thụy Điển, từng giữ vị thế trung lập hơn 60 năm.
Ukraine là một mục tiêu chiến lược số một về mặt địa lý chinh trị cho Nga từ bao đời, là cửa ngõ phía đông của Tây Âu đi vào nước Nga. Nước này đối với Putin đúng là một thử thách đích thực cho thiên tài của Putin vì Kyiv sau khi được tách rời Liên Xô năm 1990 đã cương quyết nói “Không bao giờ trở lại”. Nga đã ăn cướp Crimea của Ukraine vào năm 2014 mà phương tây và Mỹ đã chỉ hành động chế tài chiếu lệ. Rồi Nga cũng gián tiếp nắm vùng phía đông của Ukraine vốn có đông người Nga qua định cư và phần nào đang trong tay các nhóm ly khai.
Dưới thời Donald Trump, quả thật Putin chẳng làm gì Ukraine bởi vì Trump đã làm hết. Nay Trump đã xuống, cho nên nói như Putin, bạo chúa Nga không có sự chọn lựa nào khác, phải hành động càng nhanh càng sớm càng tốt. Putin rất tin tưởng sẽ lấy được Ukraine dễ dàng vì quân Ukraine yếu kém, chính trị Ukraine “loạn lạc” và phương tây có rối rắm riêng, chưa chắc sẵn sàng can thiệp hết lòng.
Putin tấn công Ukraine chính thức vào ngày 24-2-2022, sau cả 2-3 tháng trời tập trung lực lượng Nga đến 200.000 quân sát biên giới mọi phía của Ukraine. Putin dựng lên chiêu bài “lật đổ chế độ quốc xã”, “giải giới chế độ Kyiv”, bảo vệ người Nga thiểu số đang bị “ngược đãi” ở Ukraine. Putin gọi đó là “một cuộc hành quân đặc biệt” để dựng lên một chế độ bù nhìn của Nga ở đó. Trong lệnh xuất quân, Putin nói lên quan điểm của một người “chủ đất”, Ukraine là của Nga, ông ta không hề có ý tưởng Ukraine là một nước độc lập, có chủ quyền riêng biệt. Nga cho không kích và đồng thời quân Nga tràn vào lãnh thổ Ukraine trên mặt trận phía bắc từ Belarus hướng về Kyiv, mặt trận đông bắc nhằm vào Kharkiv, mặt trận phía nam ở Crimea, mặt trận đông nam từ Donetsk và Lugansk. Có nghĩa là Nga nhằm chiếm lấy hết Ukraine. Đoàn quân chiến xa của Putin đi vào Kyiv dài đến 15 cây số để thị uy. Chẳng hiểu là trùm tinh báo, nhưng Putin lấy ở đâu tin rằng Ukraine sẽ nhanh chóng sụp đổ, đầu hàng. Thiên tài Putin đã bất tài hoàn toàn – như chúng ta đã thấy trong một năm qua. Trong kế hoạch xâm lăng Ukraine, Putin đã thất bại nghiêm trọng.
Như chúng ta đã thấy trong cuộc chiến này, Putin đã không những trốn tránh trách nhiệm trong việc đưa người dân Nga vào cuộc phiêu lưu đẫm máu, ông ta còn điên rồ, ngu xuẩn, bất lương, khát máu trong việc dẫn dắt dư luận của người dân Nga đi vào một hướng hoang đường, bịa đặt, đổ lỗi tất cả cho những thế lực chủng tộc châu Âu đang âm mưu diệt chủng nước Nga, hủy diệt Chính thống giáo của Nga, làm phân tán người dân Nga. Từ mục tiêu xâm lược bất thành, Putin đổi giọng chuyển qua mục tiêu bảo vệ nước Nga, người dân Nga, tôn giáo của Nga… Ông ta chẳng những im lặng trước sự thiệt hại sinh mạng nặng nề của quân Nga, mà còn lên tiếng thúc giục thanh niên Nga phải sẵn sàng hy sinh nhiều hơn nữa và vô điều kiện…
Mới đây nhất, trong dịp kỷ niệm một năm cuộc chiến “giải phóng Ukraine”, Putin ra mặt đe dọa: người dân Nga có thể không tồn tại được trong tình hình hiện nay bởi vì các nước phương Tây đang tìm cách “giải tán” nước Nga. Ông ta tố phương Tây muốn phân chia nước Nga để dễ kiểm soát nước sản xuất nguyên liệu (xăng dầu) lớn nhất thế giới này. Putin nói rằng nhiều giống dân ở Nga có thể bị tiêu vong, kể cả khối đa số chủng tộc Nga. Ông ta còn nói phương Tây đã viết ra giấy ý đồ này, nhưng lại không cho biết tài liệu này ở đâu ra. Ý đồ của ông ta là rõ: cuộc chiến còn kéo dài nhưng ông vô can; người dân Nga còn phải hy sinh như đã hy sinh bao nhiêu lần trong hai thế chiến, cho nên Nga có thể phải tổng động viên; và ông ta còn cần nhiều quyền hạn hơn để giải quyết “cuộc chiến xâm lăng” của phương Tây, kể cả quyền sử dụng vũ khí nguyên tử. Đây cũng là một lời cảnh cáo gián tiếp: Phương Tây coi chừng! Đừng làm ta phát điên!
Bởi vây, khi cuộc chiến bước qua năm thứ hai, cho dù người ta có thể lạc quan vì phía Ukraine và đồng minh phương Tây ở trong thế chủ động trong khi Nga dường như đang bị dồn về phía chân tường - nhất là khi con số lính Nga tử trận có thể tương đương với số thanh niên Nga bỏ nước ra đi vì không muốn đi lính, thì giới quan sát & bình luận đang nhấn mạnh một điều: thế chủ động của Ukraine và đồng minh NATO có lắm điều phức tạp vì chưa hẳn cùng nhìn về một hướng, trong khi sự bế tắc của Nga có thể trở thành một yếu tố cực kỳ nguy hiểm. Putin có thể điên rồ tìm cách câu giờ, tìm cách lôi kéo Trung Cộng vào cuộc vì biết một chiến thắng lịch sử của phương Tây là điều cuối cùng một kẻ thù nghịch như Tập Cận Bình mong muốn. Nhưng càng câu giờ, có thể Putin càng tuyệt vọng hơn, và nguy hiểm và liều lĩnh hơn. Trong khi đó, Ukraine đã đưa ra 10 điểm trong đề nghị hòa bình, nhưng có thể mong chờ Putin sẽ bị xử lý cách này hay cách khác. Nếu người Nga cố tìm một lối ra dù Putin vẫn tự giam mình trong pháo đài Điện Cẩm Linh.
Hãy chờ xem! Nếu không… .
Hoàng Ngọc Nguyên
No comments:
Post a Comment