Phùng Nhân
Năm nào cũng vậy, khi tiết trời vào tới tháng Bảy âm lịch, thì cư dân trong làng Lộc Thuận huyện Bình Đại tỉnh Bến Tre họ đã chuẩn (chửng) bị hết rồi. Từ mấy gịa muối hột, chiếc xuồng ba lá, xuồng vịt, ghe tam bảng cho tới cái đèn soi và đá lửa hột quẹt với một chai dầu lửa, đó là tất cả những thứ cần thiết mà người đi soi Ba Khiá cần phải có trong lúc vào mùa.
Riêng gia đình ông Bảy thì đã có một chiếc xuồng vịt từ lâu, đó là một phương tiện sanh nhai cho những người nào đang sống trong vùng sông nước miệt Bến Tre. Nhưng nó đã tróc đường hèm, mấy ngày nay hai vợ chồng ông phải xú dầu chai để mà xảm trét lại.Công việc làm tuy cực khổ, nhưng đó là huê lợi Trời cho hằng năm để kiếm miếng ăn. Hễ tới mùa nào, thì kiếm ăn thứ đó. Nhưng mùa bắt Ba Khiá năm nay, ở trong cái xóm nầy chỉ có hai vợ chồng ông là hăm hở. Còn lại bao nhiêu thì họ lo đi phát đất để cấy lúa mùa, hoặc trồng giồng để kiếm tạm miếng ăn. Vì mắm Ba Khiá coi dễ làm như vậy, nhưng nó hay bị hư. Nếu khi ướp muối hột không đều tay, thì chỉ cần một số con Ba Khiá bị thúi, thì cái mùi của nó cũng sẽ lan dần qua nguyên khạp mắm.
Con Ba Khiá nó khác với con Nha. Con Nha thì thường làm hang và sống ở trên ruộng, trong bờ, cái mu (mai) của nó có màu hơi đen sậm, cặp càng cũng lớn. Còn con Ba Khiá thì nhỏ con hơn, cái mu có màu hơi tiá lợt, ngoài chót càng màu đỏ ớt chín cây. Nhưng con Ba Khiá thường sống ở rừng mắm, rừng bần, cặp theo những con xẻo sầm uất bóng đêm. Cũng chính vì vậy mà người đi bắt nó, phải chịu cảnh đối đầu với bầy muỗi đói. Có lẻ con Ba Khiá nhờ ăn bông mắm, bông bần mà thịt của nó rất ngon, nên muối làm mắm chừng một tuần lể sau thì bay mùi thơm phức. Còn người nào vừa hết bịnh, thìăn rất mau tiêu cơm. Còn người nào có chửa, thìăn cơm no cành bụng cũng không biết ngán…
Ba khiá (Ảnh internet) |
Thông thường con Ba Khiá và con Nha người ta chỉ có làm mắm, hoặc thỉnh thoảng nấu canh chua với trái đậu bắp mà thôi. Vì khi nấu canh chua thì màu nước hơn đen, nhưng ăn cơm húp vô một miếng thì nghe cái mùi ngọt dịu thâm trầm chạy xuống dài trong bao tử. Nhưng quê tôi ở làng Lộc Thuận cách đây chừng 60 – 70 năm thì Ba Khiá thiếu cha gì, người ta chỉăn cua biển, còn Ba Khiá, Nha thì chỉ có nước xách đèn đi soi về làm mắm, để dành ăn trong những ngày nước rong không thể ra đồng.
Trưa hôm nay hai vợ chồng ông Bảy lo ăn cơm cho sớm, để đợi tới con nước ròng rồi bơi xuồng đi xuống Rạch Mây. Vì ở nơi đó tới tháng nầy, khi nước lớn đầy mà thì tụi Ba Khiá đeo lên nhánh bần, nhánh mắm thành một màu đỏ chạch.Còn bà Bảy thì lo cụ bị mấy chai nước mưa lượt sạch xách xuống xuồng, sau đó bưng mấy gịa muối hột đổ xuống khoang, rồi chặt thêm mấy tàu lá dừa nước phủ lại. Xong xuôi đâu đó rồi bà nhìn ông hỏi:
- Đâu ba sắp nhỏ coi còn thiếu thứ gì hôn?
Ông nhìn bà, nói nhỏ:
– Bà lo mấy vung giấy quyến, với gộp thuốc rê cho tôi. Vì thiếu nó thì tui không chịu nổi…
Hai vợ chồng ngồi bàn tính một hồi, thì con nước ròng từ con rạch Cả Muồng bắt đầu chảy xuôi ra biển cả.Ông nhìn bà hối:
– Má nó coi còn thiếu thứ gì hôn. Nếu không thì mình đi cho kịp nước.
Trong lúc bà đi lấy cây dầm, còn ông Bảy thì lo đi xách cây đèn dầu chai. Vì chỉ có loại đèn nầy khi đi ra gió thì không sợ tắt. Hai vợ chồng xuôi theo con nước mà bơi. Thỉnh thoảng ông Bảy cũng cất giọng ca bài vọng cổ. Bà Bảy thì ngồi trước mũi xuồng nhìn trời rộng bao la. Một buổi trưa tháng bảy thật buồn, khi đi ngang qua voi đất của ông Bộ Hùng. Bất ngờ có tiếng chim Bìm Bịp kêu lên rất làãm đạm. Bà nhìn ông nói nhỏ:
– Ba sắp nhỏ à. Nghe tiếng chim Bìm Bịp kêu làm cho tôi chạnh nhớ tới hôm năm rồi, cũng tới mùa mắm mình bơi xuồng đi lên chợ Mỹ Tho ngồi bán mắm Ba Khiá. Mình có nhớ hôn, xém một chút nữa thì tui bị tụi “bối” nó móc túi hết tiền rồi. Từ đó đền nay hễ mỗi lần đi tói chỗ đám đông, thì tui cứ bịn miệng túi vậy thôi cứng ngắt.
Ông phà hơi thuốc rê bay ra, rồi nói:
– Mai mốt bà may một cái ruột tượng mà đeo. Tui thấy làm như vậy thì chắc ăn dữ lắm, chớ còn gài kim gút thì đối với tụi bối có nhầm nhò gì…
Bà Bảy cười cười, rồi cãi lại:
– Ý… đâu có được ông. Đó là đàn bà Bắc Kỳ, còn tui Nam Kỳ cuốc làm như vậy thì bị họ nói…
Hai vợ chồng nói chuyện dần lân một hồi thì chiếc xuồng bơi theo con nước cũng ra khỏi họng vàm con rạch Cả Muồng, từ nơi đây đi xuống tới Rạch Mây chắc cũng còn xa hơn 7 cây số. Con sông Ba Lai khúc nầy tuy không lớn, nhưng là một khúc sông nguy hiểm cho những ghe xuồng. Vì thường có những cơn sóng dữ nổi lên mà không báo trước, nên những người đi quơ củi, hay đi qua sông họ rất sợ ở chỗ nầy, nhưng rồi cũng phải đi qua. Vì phía bên kia là xã Bình Khương, chạy dài xuống tới Tân Xuân là một dãy rừng Chà Là bất tận, còn cặp theo hai mé xẻo thì dừa nước mọc tối trời. Chỉ cần chóng chiếc xuồng vô đây, đốn cây cà bắp rồi róc lạc ra chở về bán cho mấy vựa lá cũng đủ gạo ăn. Còn người nào có ghe lớn, thì họ đốn chà là vác chất xuống ghe, rồi chở đi lên mấy vựa cây ở Mỹ Tho bán lại. Nhờ vậy mà con nhà nghèo cũng sống đắp đổi qua ngày. Còn cua cáở trong miệt đất nầy biết bao nhiêu mà kể…
Ông Bảy thấy nước chảy xuôi cũng không có gì gấp rút, nên ông ngừng tay rồi vấn một điếu thuốc rê, sau khi le lưỡi liếm cho hai đầu giấy quyến nó dính chặc với nhau rồi đưa lên môi bập. Bập xong mấy cái, ông thấy khỏe trong người, vì chất thuốc xua tan cơn buồn ngủ đang làm cặp mắt sụp mi. Buồn tình quá ông bắt đầu ca vọng cổ. Bài Phạm Công Cúc Hoa là bài ruột, nên ông nói lối rồi xuống giọng thật mùi. Khi tới chỗ bà mẹ ghẻ là bà Tàu Thị bắt con chồng, là hai anh em Nghi Xuân, Tấn Luật đi chăn trâu làm cho bà Bảy rơi nước mắt, nên bà bệu bạo nói:
– Ba sắp nhỏ nó à. Nếu mai mốt tui có chết trước, ông có bước đi thêm bước nữa không? Chớ nghe trong bài ca vọng cổ vừa rồi, làm cho lòng của tui buồn dữ lắm…
Ông Bảy nhìn bà cười, rồi nói:
– Tui đương thèm bước, mà tui nhảy cho mau. Bài ca nầy người ta đặc theo sự tích bên Tàu chưa chắc gì có, mà chỉ cốt khuyên răn người đời, ăn ở với nhau cho có nghĩa có tình. Chỉ có vậy mà bà cũng rơi nước mắt!
Bà cự lại:
– Ông nói. Phải có tích mới dịch ra tuồng. Chuyện mẹ ghẻ con chồng là chuyện xưa nay. Tui nói vậy chắc ông đã hiều…
Là vợ chồng ăn ở với nhau có tới mấy mặt con, nên ông đã hiểu cái tánh của bà rất là đa cảm. Tuy là dãi nắng dầm mưa, nhưng bà cũng còn giữ được cái nếp sống của con nhà giàu, nhờ vậy mà căn nhà lá của ông tuy nền đất nhưng lúc nào cũng gọn gàng ngăn nắp trước sau. Ông bèn giả lả:
– Tui nói giỡn với má nó cho vui. Hai vợ chồng tụi mình sẽ sống với nhau cho tới khi đầu bạc răng long, chớ đâu có chuyện gì mà lo xa dữ vậy.
Bà Bảy đưa tay lên chậm nước mắt, nói:
– Ba sắp nhỏ nó à. Mình ráng làm năm nay Tết may cho mấy đứa nhỏ mỗi đứa một bộ đồ mới để đi mừng tuổi ông bà. Hồi năm rồi nhìn thấy mấy đứa con, mặc đồ cũ mà tui buồn rơi nước mắt…
Trời bắt đầu sẩm tối, từng lượng sóng nhấp nhô vỗ lách chách dưới mạn xuồng. Ông Bảy hối:
– Má nó ráng phụ bơi mạnh tay một chút nữa đi. Nếu đi trễ gặp nước ngược thì rất mệt…
Chiếc xuồng lầm lũi rẻ nước mà đi. Nó đã bỏ lại con kinh Giồng Kiến, xẻo Cây Cui, Rạch Gừa, Rạch Vọp, Bà Trang. Nhưng vì xuồng cũ, nước rịn đường hèm tràn vô ngó thấy. Ông Bảy nói:
– Má nó ngừng tay lo tát nước dùm tui, đừng để nước rịn vô, rồi làm muối hột của mình tan ra uổng lắm. Để tôi lủi vô voi đất, má nó xắn cục đất vẻo, rồi vò lại trét đỡ chỗ nào nước mội rịn vô. Đi chuyến nầy về nhà kéo lên ụ, tui mua dầu chai lấp thêm một lớp nữa, còn không thì mấy lá be nầy sẽ mụt hết…
Tiếng gào tát nước lách chách trong bóng tối lờ mờ tạo ra một âm thanh buồn thảm lạnh lùng. Thỉnh thoảng tiếp đập muỗi vang lên bốp chát âm thầm, để đánh thức bóng đêm, rằng đã có một chiếc xuồng đang bơi tới đây để soi Ba Khiá. Khi tới họng con Rạch Mây, ông Bảy nhẹ tay dầm, rồi tìm chỗ cấm xuống cột dây ngồi trên xuồng đợi nước. Con nước lớn từ từ chảy tới, mang theo cả sự sống của muôn loài, trong đó có cả loài người, nên xứ nào mà xa biển, không có sông nước mênh mông thì sẽ không phát triển.
Câu ca dao mà người dân ở đây hay hát “xứ nào vui cho bằng bằng xứ cạnh Đền, muỗi kêu như sáo thổi, vậy chớ đỉa lền tợ bánh canh”. Còn đêm nay, ở ngay chỗ Rạch Mây nầy.Hai vợ chồng ông Bảy không biết nó có thua kém gì hôn. Chớ mỗi khi đêm xuống, thì tiếng muỗi kêu cũng là sầu thảm. Ông nhìn bà nói:
– Má sắp nhỏ coi quấn lại cái khăn cho bít cần cổ nghe. Còn tui thì coi lại cây đèn. Mình bắt đầu chóng xuồng vô, đi tới đâu bắt nó tới đó. Nếu chưa đầy xuồng, khi trở ra thì mình bắt tiếp…
Bà nhìn ông nói trong bóng đêm:
– Hình như nước chưa đầy mà ông…
Ông Bảy nói:
– Tui biết. Nước lên tới cỡ nầy thì tụi Ba Khiá đã bị ngập hang rồi, bây giờ tụi nó đang đeo nhánh mắm, nhánh bần mà nhí nha nhí nhảnh hò hẹn với nhau.
Trong bóng đêm dưới ánh trăng non đang rựng mọc ở phía chân trời, có một chiếc xuồng đang lách mình chun vô con Rạch Mây âm thầm không tiếng động. Khi đi qua khỏi hai cái voi đất, thì ông Bảy một tay cầmcây sào, một tay quơ cây đèn chai lên mấy nhánh cây, rồi nói:
– Có Ba Khía rồi bà. Coi mòi cũng bộn à…
Nói xong ông quơ cây sào lên cháng cây, từng cặp Ba Khiá đang ôm nhau tình tự buông tay rơi xuống. Những tiếng rớt nghe lộp độp trong xuồng, làm cho hai vợ chồng bà cảm thấy rất vui. Chừng vài giờ đồng hồ sau, thì sẽ đầy xuồng chớ không có ít. Lâu lâu ông Bảy cũng hạ cái đèn dầu chai rọi xuống khoang xuồng, để cho bà Bảy cầm cái mo cau xúc muối hột rải lên, khiến cho mấy con Ba Khiá ăn muối nằm yên mà chịu trận.
Càng vô sâu chừng nào thì Ba Khiá nó hội rất nhiều, trên những chạc cây chỉ toàn một màu đỏ nhờ nhờ trong bóng tối. Nhưng muốn gạt cho tụi nó buông tay, thì phải là người có kinh nghiệm với nghề làm mắm nầy. Còn không, gạt nó không rớt mà còn làm động ổ tụi nó rút đi mất hết.
Con Ba Khiá trong mùa nầy rất sạch, vì khi nước lớn ngập hang thì tụi nó bò ra, rồi tắm rửa giỡn hớt một hồi, sau đó mới bò lên nhánh mắm, nhánh bần hội tụ. Rồi tụi nó làm chồng làm vợ với nhau, sau đó con cái mang bầu, cái yếm của nó mang một chùm trứng để chờ sanh nở. Dòng đời như vậy cứ tiếp tục xoay dần, nếu con người không tàn phá đến thiên nhiên, thì thiên nhiên sẽ nuôi sống con người thật là phong phú.
Công việc làm coi vậy mà cũng mệt rất nhiều, nên ông Bảy chóng cây sào nghỉ mệt một chút cho đỡ mỏi tay, rồi ông vấn một điếu rêđưa lên môi bập. Ông nhìn bà Bảy, hỏi:
– Má nó làm một điếu nghen…
Bà Bảy trả lời:
– Ừ… ông vấn cho tui một điếu bập cho vui. Chớ muỗi nó bu vào hai mang tai cắn chắc là sần mình sần mẩy.
Rồi công việc tiếp tục, khi chiếc xuồng Ba Khiá khẩm muốn lừ đừ ông Bảy nghỉ tay. Nhìn bà nói:
– Đủ rồi má sắp nhỏ à…
Trong bóng đêm hai bàn tay của bà rất là thuần thục. Bà rải thêm một mớ muối hột phủ kín con Ba Khiá, rồi lo rửa tay cho sạch sẽ mới lấy mấy cục cơm nếp ép gọn trong cái mo cau. Sau đó chòm người tới đưa cho ông. Hai người vừa ăn vừa đập muỗi. Tiếng nhai cơm nếp, hoà lẫn với tiếng xào xạc của rừng cây, đã tạo ra một âm thanh kỳ lạ đến rợn người. Chỉ có những người nghèo khổ, vì kế sanh nhai, mà phải bơi xuồng đi trong đêm tối.
Chiếc xuồng quay mũi trở ra, khi tới vàm xẻo thì nước đã vựt ròng, nên hai vợ chồng phải chóng cái xuồng đi tìm voi đất rồi cấm lại. Hai vợ chồng ngủ ngồi một giấc cho quá nửa đêm, khi con nước lớn đẩy chiếc xuồng nổi lên trên mặt nước.
Hai vợ chồng đều tỉnh ngủ, vấn mỗi người một điếu thuốc bập cho vui. Cũng chính vì những thói quen nầy, mà mấy người đàn bà nhà quê họ thường hay ghiền thuốc.Chiếc xuồng vẫn êm ái nhẹ nhàng lướt đi trên một khúc sông im ắng đến lạnh người. Thỉnh thoảng cũng có tiếng cá Sửu, cá Chẻm, cá Đối, cá Chim táp mồi trong bãi bần vang lên lồng lộng. Ông nhìn bà nói:
– Ráng làm để dành tiền ra giêng tôi sắm ít giềng câu. Tui với má nó bơi xuồng xuống đây giăng câu cũng đủ sống.
Tiếp theo sau đó là một tiếng thở dài. Vì thời buổi nầy lưỡi câu và dây nhợ nó mắc vô phương, con nhà nghèo thì đừng có mong mơ tưởng. Khi bơi xuồng về tới nhà thì trời cũng hừng đông, cho dù cực khổ tới đâu, hai vợ chồng cũng ráng làm cho xong việc.
Ông Bảy lẹ làng nhảy lên bờ cột dây xuồng, rồi xúc từng rổ Ba Khiá đầy vun, bưng vô đổ đầy trong mấy cái khạp da lươn, xong cái nào ông xúc muối hột rắc lên rồi dùng thanh tre gài lại. Bốn cái khạp da lươn đầy ắp mắm Ba Khiá để một dãy sau hè, còn cạnh đó là mấy máy vú nước mưa, mà bà Bảy đã dầm mưa hứng cho đầy rồi đập nắp lại để dành uống trong mùa hạn hán.
Hai vợ chồng ông Bảy sau đó ngủ một giấc sảy tay, tới chiều thì mới thức dậy lo nấu cơm cho sắp nhỏ. Một bầy con như một tổ chim non, đang nằm trong ổ chờ mồi. Chớ tụi nóđâu có biết rằng, muốn có một miếng mồi để móm cho con, thì chim mẹ phải lặn lội suốt ngày nơi đồng vắng.
Mới đó mà một tuần lễ trôi qua, bà Bảy đi ra sau hè giở mấy khạp mắm ra thăm thử, thì hởi ơi mấy khạp mắm đã khẩm mùi. Cái nầy mấy người làm mắm họ thường nói mắm bị hư, nên trong ruột gan bà Bảy bắt đầu bấn loạn. Lúc đó thì ông Bảy không có ở nhà, chắc đang tán dóc với anh em, nên bà lật đật bắt một cái trả lên trên bếp lửa, rồi xúc muối hột đổ vào. Đợi cho nước sôi vài dạo bà hớt bọt cho trong, rồi san ra từng ãng nấu thêm ba trả nữa.
Công việc làm tuy có mệt nhưng bà cũng phải ráng hết sức mình, có tận thiên mệnh mới truy ra số phận. Bà vớt từng thúng Ba Khiá ra để trên giàn cho ráo nước, rồi bà sắp trở vô, đợi nước muối nấu thiệt nguội rồi đổ vô gày lại. Vừa lúc đó thì ông Bảy về tới, hỏi:
– Vậy chớ má sắp nhỏ làm cái gì mà coi mệt vậy?
Bà vừa thở, vừa than:
– Mấy khạp mắm Ba Khiá bị hư hết rồi ông ơi!
Ông Bảy ngồi xuống cái giường cây, rồi nói nhỏ:
– Để tui đái vô khạp cho nóthơm trở lại nghen bà…
Bà Bảy la lên:
– Ý … đâu có được ông. Ai bày ông vậy hả?
– Tụi thằng Tư Sai, Ba Điểu, Bốn Hoằng, Năm Khạp. Mấy ông nầy chuyên môn đi chèo ghe mướn cho xứ Cà Mau, tụi nó nói từ miệt rừng U Minh Hạ, Năm Căn mà chèo lên tới Sàigòn cũng gần mười bữa. Chủ ghe mắm họ biểu mấy ông nầy, hễ mắc đái, thì cứ đái trong ghe. Nhờ nước đái, mà mắm Ba Khiá ngon dữ lắm…
Vừa nghe qua bà Bảy cự lại liền:
– Đồ ăn của người ta, mà mấy ông nhậu rồi nói bậy không sợ tội. Tui đã nấu nước muối để nguội gày lại kỹ rồi.Đợi một tuần lễ nữa thì sẽ hay, nều không được ngon, thì tôi gày thêm vài tháng nữa cho rã thịt. Sau đó tui chịu cực nấu làm nước “mắm đồng” để dành ăn cũng được cả năm. Chớ ai đâu mà tin những điều tầm bậy…
Hai vợ chồng ngồi nói chuyện láp giáp một hồi thì cũng làm thinh. Bởi trong cái đạo vợ chồng, sự yêu thương không cần lời nói. Mà phải bằng hành động, hai người phải hiểu nhau, người nầy nói, người kia lắng nghe, thì trong đó sẽ có sự yêu thương bền chặt.
Gà buổi trưa trong xóm bắt đầu gáy vang lên lồng lộng, xen lẫn với tiếng cục tác của mái tơ, chắc đang tìm ổ để đẻ lứa so, nên tiếng cục tác của nó rất là vồn vã. Cặp theo bờ đất con rạch Cả Muồng, là một dãy đất rộng mêng mông. Nhưng dường như tất cả là của tụi Chà Đò (Chà Và), mà người dân ở nơi đây do tổ tiên để lại, hoặc khai phá sau nầy nhưng vì thua bài bạc, hoặc chạy chức ông Tổng ông Cai, nên lần lượt đi vay hỏi tụi Chà Đò, khi quá hạn trả thì bị tụi nầy qua bộ…
Con kinh Cả Muồng vẫn trầm mặc với tháng năm, vẫn có những cái búng sâu cho cá tôm về trú ngụ. Nhưng muốn bắt được thì phải có miệng chài, hoặc mấy đường câu. Chớ còn đi nom, đi xúc thì chỉ đủ ăn chớ không khá được. Riêng về cửa nhà ông Bảy, nhờ có mấy bụi tre gai. Khi cây tre đã già, thì ông đốn xuống rồi đem ngâm dưới bùn chừng 6 tháng. Sau đó chẻ ra rồi bện đăng làm lọp, làm giẹp, làm bung. Nhờ vậy mà tới nước rong ông đem gày trên họng xẻo, hoặc mấy con mương, còn tới nước kém thì đem gày dưới búng.
Mới đó mà mấy khạp mắm của bà Bảy cũng đủ cử mười ngày, trưa nay bà mới giở nấp ra thăm, một mùi thơm của mắm bay ra thật là dễ chịu. Bà liền khom người xuống, bợ mấy tảng đá cục bỏ ra, rồi giở từng nan tre sắp ra trên cái ảng. Bà bốc ra mấy con để thử trên cái dĩa bàn, rồi bẻ từng cái chèo của nó rút ra. Quả thật đúng như bà dự đoán, từng cái chèo rút ra có kèm theo cả bắp thịt còn nguyên bóng lưởng, đó là dấu hiệu của con mắm đã trở mình. Bà liền đưa lên miệng nếm thử. Tuy hương vị không được đậm đà như mấy kỳ mắm vừa rồi. Chớ nó cũng ngon, như vậy thì đem ra chợ bán được rồi, hoặc gánh đi lên chợ Vang Quới bán, hoặc đổi dừa khô về nhà thắng dầu dừa để dành xức tóc cho mượt cũng được.
Bà giở ra thăm mấy khạp mắm xong xuôi, khạp nào cũng bay mùi thơm rất nhẹ. Bà liền bắt ra chừng một chục có đầu, sau đó bà đi ra trước giồng quằn nhánh khế chua thấp xuống, rồi hái đem vô năm trái. Khi đi ngang qua lảnh rau, tiện tay bà ngắt một nắm rau râm đem vô rửa sạch, rồi ngồi xuống ghế xắt lát mấy trái khế chua bỏ chung vô trong cái tượng hột xoài.
Bà chậm rãi tách mu Ba Khía ra, gỡ bỏ cái yếm xong, bà bẻ từng cục nhỏ ra trông rất là bắt mắt. Xong xuôi mấy việc đó, bà mới đi hái hai trái ớt sừng trâu, đem vô xắt nhỏ cùng vài ba tép tỏi. Bà bầm lộp cộp một hồi, rồi đổ vô hết trong tô. Sau đó cầm đũa lên trộn cho đều, rồi đậy nấp lại đợi cho nó thấm.
Vừa lúc đó thì ông Bảy đi đâu về tới, hỏi:
– Má sắp nhỏ làm gì đó. Cơm nước gì chưa?
Bà Bảy trả lời:
– Đang bẻ mấy con Ba Khiá ra trộn đặng một lát ăn cơm. Còn ông đi đâu cho tới giờ nầy mới dìa (về)?
Ông Bảy mặt buồn hiu ngó mong ra cửa, rồi nói:
– Đi lại nhà ông Ba Điểu chơi, định một lát rồi về. Gặp mấy thằng chả đang cáp độ gà, nên tui ở lại…
Bà sanh nghi, hỏi tiếp:
– Ăn hay thua?
– Thua hết $10 đồng bà ơi…
Bà nhìn ông, nói:
– Sao ông không biết phận mình. Như vầy thì làm sao để dành tiền mua áo mới cho con, với còn phải sắm mấy giềng câu và một miệng chài nữa chớ!
Ông Bảy biết mình có lỗi, nên nói nhỏ:
– Thôi việc đó nó cũng đã lỡ rồi. Má nó bỏ qua cho tôi đi. Từ đây về sau tôi hứa, không bao giờ như vậy nữa…
Bà Bảy nghe một niềm sung sướng âm thầm đang thấm dần trong ruột trong gan. Vì phận gái mười hai bến nước, bà đã may mắn cặp được bến trong, mặc dầu hiện tại còn nghèo. Nhưng nếu hai vợ chồng chịu cực ráng làm ăn, thì nuôi tụi sắp nhỏ ăn học để sau nầy làm một ông thầy giáo, nên bà nhìn ông nói:
– Thôi mình rửa tay rồi ăn cơm với tui. Coi cái tài của tui sửa mắm Ba Khiá trở có chiến không. Từ nay trở về sau, nếu bị mắm trở thì mình không còn phải lo xa nữa…
Ngoài trời cơn nắng buổi xế chiều rắc xuống mặt đất nóng ran, trên nhánh cây mù u trước nhà có mấy con cu gù nhau rất là tình tứ. Thỉnh thoảng tụi nó cũng đạp mái với nhau, đã tạo ra mấy tiềng động lào xào, khi hai cái chưn con cu cườm đang bươi trên lưng con cu mái. Một tiếng động đó rất bất ngờ, rất âm thầm trên những chảng cây cao, chỉ có người dân ở thôn quê mới nghe và thấy được. Bất giác ông Bảy cười khan rồi nói một mình. Con Cu nó chết với nhau vì tiêng gáy…/-
No comments:
Post a Comment