Cám ơn anh K. chia sẻ những "cánh bướm"* sặc sỡ muôn sắc màu. Trong lúc thưởng thức cái vẻ đẹp rực rỡ của con bướm, tôi liên tưởng một câu chuyện của loài côn trùng nho nhỏ, tuy tầm thường nhưng không hề quên lãng trong ký ức của tôi từ thời thơ ấu…
* Bấm vào Link: cánh bướm để xem Video.
Cảm Nhận Về Loài Bướm
Tạo hóa sáng tạo vạn vật đều tận tâm tận lực, bên cạnh vẻ đẹp của con người cũng còn vô số những vẻ đẹp khác của thế giới tự nhiên, từ hùng vĩ lớn lao cho đến vi tế nhỏ bé. Nếu như sư tử có hình dáng dũng mãnh mạnh mẽ, thì loài côn trùng lại có dáng dấp nhỏ bé mong manh.
Nhìn những đợt sóng nghĩ tới nước, thấy hạt châu nghĩ tới con trai, ngắm bông nghĩ tới búp hoa, nhìn đàn bướm hoa lệ bay lượn khiến tôi liên tưởng đến sự thai nghén từ loài sâu róm xấu xí.
Nếu như chúng ta khen ngợi sự đoàn kết, kiên trì, chăm chỉ của loài kiến, chúng ta cũng không nên bỏ sót một vài côn trùng nho nhỏ, mong manh khác, rất đáng để chúng ta học hỏi – loài Bướm. Nên gọi là sâu bướm thì chính xác hơn, như thế mới thể hiện được phần nào kỳ tích của những chú sâu xấu xí, lại là tiền thân của những cánh bướm sặc sỡ muôn sắc màu.
Hồi nhỏ tại Việt Nam, một hôm tôi chợt thấy một cái kén treo lơ lửng phía dưới một chiếc lá, mấy ngày sau tôi thấy một sinh vật nhỏ đang cố gắng thoát ra từ cái kén bó buộc chật chội. Gợi trí tò mò tôi đến gần quan sát, thì ra là một nàng bướm nhỏ đang rán sức để thoát ra từ cái kén tù túng. Với thân hình yếu đuối nhem nhuốc, nàng bướm nhỏ cố gắng nhiều lần vẫn không chui ra được. Tôi thấy thương hại đến giúp bóc bỏ tổ kén, con bướm quằn quại, giãy giụa một hồi, cố lấy hết sức tàn hơi vẫy cánh muốn bay, nhưng vô vọng, rồi rơi từ trên cao xuống đất, cử động chậm dần, chậm dần rồi dừng hẳn. Tôi tội nghiệp cho con bướm xấu số. Về sau, nhờ kiến thức sinh vật học, tôi mới hiểu là mình đã vô tình đánh mất một sinh vật.
Sâu bướm phải trải qua nhiều lần lột xác để biến hóa hình thái từ ấu trùng thành nhộng, từ nhộng thành bướm. Khi cơ thể con nhộng tự nhận thấy quá khó khăn để chui ra ngoài, lúc này sẽ tiết ra một chất nhờn để giúp chúng dễ dàng thoát ra khỏi cái kén, đồng thời bướm sẽ tự động bơm một hoạt chất dưỡng tố vào cánh để đôi cánh được khỏe hơn, cứng cáp hơn, một khi cánh được mở tung hoàn toàn thì bướm sẽ vẫy vùng tung tăng giữa bầu trời. Vậy nên việc giúp bướm thoát ra khỏi kén cũng tương tự như việc bẻ gãy đôi cánh mơ ước và kết thúc đời sống của chúng.
Và mẹ thiên nhiên cũng ân ban như thế cho con người. Nếu chúng ta có ước mơ, muốn trưởng thành, phải cố gắng lột bỏ những thói hư tật xấu, tư tưởng ích kỷ sai lầm, như sâu bướm phải lột xác nhiều lần trong quá trình sinh hóa biến đổi.
Con nhộng trong kén phải nhịn ăn trong suốt nhiều ngày, chưa kể thời gian sâu non phải tự "lột xác" vài lần mới có thể lớn lên được.
Con người cũng phải tự cố gắng vượt qua những gian truân, những thử thách trong cuộc sống.
“Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý”(玉不琢 不成器, 人不學 不知理), viên ngọc toàn bích cũng phải trải qua nhiều lần mài giũa trau chuốt mới thành viên ngọc quý, con người không qua trường lớp đào tạo, không bị nghịch cảnh trui rèn thì làm sao trưởng thành tiến bộ được.
Khổ khiến ta trưởng thành, khổ rèn luyện mài giũa chúng ta thành con người có giá trị, và đó cũng chính là bài học quý báu, đáng suy ngẫm mà loài bướm dạy cho chúng ta.
"Loạng choạng bước chân hôm nay
Ngày mai hóa bướm tung bay khắp trời
Sống sao nhân nghĩa hợp thời
Người người hoan lạc cuộc đời an vui"
Trường
11-20-2021
(bài đăng lại)
No comments:
Post a Comment