12/9/22

Đức cảnh báo về nguy cơ đến từ phần tử cực đoan sau âm mưu đảo chính bị phá vỡ

Một hoàng tử, nhiều cựu quân nhân lực lượng tinh nhuệ, một phụ nữ Nga và một nữ cựu dân biểu cực hữu được coi là đầu não trong một âm mưu đảo chính tại Đức vừa bị triệt phá. Ngày 07/12/2022, khoảng 3.000 nhân viên an ninh đã được huy động, tiến hành hơn 130 vụ khám xét và thẩm vấn 25 người. Truyền thông đánh giá đây là chiến dịch có quy mô lớn chưa từng thấy của cảnh sát Đức.

Theo chưởng lý chống khủng bố Peter Frank, khi trả lời truyền thông Đức và được AFP trích dẫn, mạng lưới trên được thành lập « muộn nhất là vào cuối năm 2021 », theo đuổi tư tưởng « Reichsbürger » (Công dân của Đế chế) và được tổ chức như một chính phủ thu nhỏ. Các bước chuẩn bị đảo chính « ở giai đoạn hoàn thiện », dù chưa ấn định ngày tấn công vào Quốc Hội Đức nhưng « chắc chắn là họ sẽ hành động ».

Truyền thông Đức đưa thông tin về một số nhân vật đầu não, gồm hoàng tử Heinrich XIII, 71 tuổi, hậu duệ nhà Ruess ở bang Thuringen. Ông hiện là một doanh nhân và bị bắt ở Frankfurt. Một công dân Nga tên là « Vitalia B », được báo chí Đức cho là bạn gái của hoàng tử Heinrich XIII và được coi là trung gian để liên lạc với chính quyền Nga nhằm tìm kiếm ủng hộ. Điện Kremlin đã bác bỏ mọi cáo buộc « Nga can thiệp » trong vụ này.

Tiếp theo là một cựu trung tá, chỉ huy một tiểu đoàn lính dù trong thập niên 1990, và là nhà sáng lập một lực lượng đặc biệt (KSK) của Quân Đội Đức. Nhiều quân nhân khác tham gia âm mưu đảo chính, trong đó có một người vẫn tại chức và là thành viên của KSK. Ngoài ra còn có một nữ thẩm phán, bà Birgit Malsack-Winkemann, từng là dân biểu của đảng cực hữu AfD.

Thông tín viên RFI Pascal Thibaut tại Berlin cho biết về phản ứng của công luận Đức :

« Nhìn chung các cơ quan truyền thông nhấn mạnh rằng mối nguy hiểm đối với nền dân chủ tại Đức là rất ít nhưng không nên đánh giá thấp những vụ việc như vậy. Nhật báo thiên tả « Taz » đưa tít : « Steinmeier vẫn là tổng thống » về việc nguyên thủ Đức không bị lật đổ. Tuy nhiên, vẫn nhật báo đó viết trong một bình luận rằng « Đừng vội yên tâm. Cho đến giờ, xã hội chúng ta vẫn chưa tìm ra được cách đáp trả những xu hướng cực đoan đang xuất hiện. Mối nguy hiểm không biến mất sau chiến dịch hôm qua ».

Đối với tờ báo bảo thủ « Frankfurter Allgemeine », thành công của lực lượng an ninh cho thấy những kẻ mưu phản bị cô lập đến chừng nào. Coi họ một cách nghiêm túc có lẽ tôn vinh họ quá mức. Việc đó giống như trò hề so với những kẻ cực hữu Mỹ đã tấn công điện Capitol.

Trong giới chính khách, bộ trưởng Nội Vụ Nancy Faeser nói đến « sự hèn hạ của một mối đe dọa khủng bố ». Người phát ngôn của thủ tướng Olaf Scholz thì nhắc đến một « nhóm đặc biệt nguy hiểm có mục tiêu hủy hoại Nhà nước pháp quyền của chúng ta ».

Ngoài việc lên án, các nhà lãnh đạo hoan nghênh sự kiện mối nguy hiểm đã bị phá vỡ. Nhiều biện pháp triệt để hơn cũng đã được yêu cầu. Ủy Ban Quốc Phòng đã đưa vấn đề trên vào chương trình nghị sự, trong khi nhiều thành viên tại chức của Quân Đội cũng tham gia .

Các nhà lãnh đạo của đảng cực hữu AfD, đang bị nghi ngờ vì vụ bắt giữ một cựu dân biểu, hiện là thẩm phán ở Berlin, đã lên án âm mưu của nhóm khủng bố. Tổ chức bảo vệ nhân quyền Amnesty International đánh giá rằng « các vụ bắt giữ trên cho thấy mối nguy hiểm của những học thuyết phân biệt chủng tộc, bài Do Thái và đi ngược với nhân quyền ».

No comments:

Post a Comment