8/31/19

Nguyệt Hằng Chiếu

Dạo:

Dù mây đen phủ kín trời,
Ánh trăng kia vẫn muôn đời chiếu soi.

Cóc cuối tuần:

月 恆 照

江 上 震 雷 霆,
狂 雲 掩 月 晶.
空 中 裎 野 鬼,
水 裏 戲 陰 兵.
未 識 評 僧 喝,
難 能 格 雨 聲.
小 童 輕 豎 指,
雲 散 月 猶 明.

陳 文 良


Âm Hán Việt:

Nguyệt Hằng Chiếu

Giang thượng chấn lôi đình,
Cuồng vân yểm nguyệt tinh.
Không trung trình dã quỷ,
Thủy lý hý âm binh.
Vị thức bình tăng hát,
Nan năng cách vũ thinh.
Tiểu đồng khinh thụ chỉ,
Vân tán, nguyệt do minh.

Trần Văn Lương

Dịch nghĩa:

Trăng Luôn Chiếu Sáng
Trên sông sấm sét vang dội,
Mây điên cuồng che lấp ánh sáng trăng.
Giữa trời lũ quỷ hoang cởi trần,
Dưới nước âm binh đùa giỡn,
(Vì) chưa biết phê phán tiếng hét của chư tăng, (1)
(Nên) khó có thể tìm hiểu được tiếng mưa rơi. (2)
Đứa tiểu đồng khẽ giơ ngón tay lên, (3)
Mây tan, trăng vẫn còn sáng (như xưa).

Ghi chú:

(1) Daisetz Teitaro Suzuki, Thiền Luận (Zen Essays) , Trúc Thiên dịch, tập Thượng

...

Lâm Tế được coi như người đầu tiên chủ xương hét (hát), nhưng trước đó có Mã Tổ (709-788), pháp tử của Nam Nhạc (677-744), và là vị cao tăng mở một kỷ nguyên mới cho Thiền sử, đã hét to khi Bách Trượng (724-814), đến tái vấn Thiền; tiếng hét chát chúa đến đỗi Bách Trượng điếc tai ba ngày.

Nhưng chính do Lâm Tế mà tiếng hét được đắc dụng và có hiệu năng nhất, và sau này biến thành một ngón tuyệt kỹ của Lâm Tế Tông khác hẳn với các ngành Thiền khác. Thật sự, môn đệ Lâm Tế quá lạm dụng tiếng hét đến đỗi Lâm Tế phải lên tiếng:

- Tôi nghe quý ông toàn học hét. Thử hỏi quý ông: Ví như mái tây có người ra, mái đông có người ra, cả hai người cùng hét. Các ông có phân biệt tiếng hét nào là khách, tiếng hét nào là chủ không?. Nếu các ông không phân biệt được, từ đây cấm học tiếng hét của lão tăng.

Lâm Tế phân biệt có bốn cách hét, tùy tiện mà dùng, gọi là tứ hát. Đó là :

- Có tiếng hét như gươm báu Vua Kim Cương,
- Có tiếng hét như bốn vó sư tử vàng trụ bộ trên mặt đất.
- Có tiếng hét như cần câu quơ bóng cỏ.
- Có tiếng hét không có tác dụng của tiếng hét

...

(2) Bích Nham Lục, tắc 46: Kính Thanh Vũ Trích.

Cử:

Kính Thanh hỏi ông tăng:
- Ngoài cửa là tiếng gì vậy?
Ông tăng nói:
- Tiếng giọt mưa.

Sư bảo:

- Chúng sinh điên đảo, mê mờ chính mình để đuổi theo sự vật.
Ông tăng nói:
- Còn Hòa Thượng thì như thế nào?
Sư bảo:
- Ta suýt không mê mờ chính mình.

Ông tăng nói:

- Suýt không mê mờ chính mình, ý chỉ là gì ?
Sư đáp:
- Xuất thân vẫn còn có thể dễ, thoát thể mới là khó.

(3) Bích Nham Lục, tắc 19: Câu Chi Nhất Chỉ



Cử:

Câu Chi hòa thượng khi có ai hỏi gì thì chỉ giơ lên một ngón tay.

Trích lời Bình của Viên Ngộ:

...

Câu Chi hòa thượng là người thuộc Kim Hoa Sơn, Vụ Châu. Ban đầu lúc Sư còn ở am, có một bà ni tên là Thực Tế đến nơi am của Sư, vào không thèm cởi nón ra, chống tích trượng đi quanh giường Thiền ba vòng, nói:

- Nếu thầy nói được thì tôi cởi nón.

Hỏi ba lần, Câu Chi không đối được. Ni bèn bỏ đi.

Câu Chi nói:

- Trời cũng đã tối, xin nghỉ lại một đêm.

Ni nói:

- Nếu sư nói được thì tôi nghỉ lại.

Câu Chi lại cũng không nói được gì. Ni bèn bỏ đi.

Câu Chi than: " Ta tuy có bề ngoài của một trượng phu, mà không có cái khí khái của bậc trượng phu".

Rồi phát phẫn quyết tìm hiểu chuyện này.



Sư nghĩ đến chuyện bỏ am đi các nơi tham vấn, bèn chuẩn bị để đi hành cước.

Đêm ấy, sơn thần hiện ra nói với Sư:

- Không cần rời nơi này, ngày mai sẽ có một nhục thân Bồ Tát đến thuyết pháp cho Hòa thượng, không phải đi đâu cả.



Hôm sau quả nhiên Hòa thượng Thiên Long đến. Câu Chi dùng lễ tiếp và trình lại chuyện hôm trước. Thiên Long chỉ giơ một ngón tay lên để chỉ thị. Câu Chi hốt nhiên đại ngộ. Vì lúc ấy Sư trịnh trọng chuyên chú cho nên đáy thùng mới dễ rơi ra. Sau này bất cứ có ai hỏi gì Sư cũng chỉ giơ một ngón tay lên.

...

Trong am của Câu Chi có một đồng tử khi ra ngoài có người hỏi "Bình thường hòa thượng dùng phương pháp gì để dạy người?", đồng tử giơ ngón tay lên. Về thuật lại cho Sư, Sư bèn lấy dao cắt đứt ngón tay đồng tử. Đồng tử kêu la bỏ chạy. Sư gọi một tiếng, đồng tử quay lại, Sư giơ ngón tay lên. đồng tử hoát nhiên hiểu thấu. Hãy nói xem, đồng tử thấy được đạo lý gì vậy?

Lúc sắp thiên hóa, Sư dạy chúng:

- Ta nơi Hòa thượng Thiên long được một ngón tay Thiền dùng cả đời không hết. Các ông có muốn hiểu chăng?

Rồi giơ ngón tay lên mà mất.

...





Phỏng dịch thơ:

Trăng Vẫn Chiếu

Sông dậy sóng, ầm ầm sấm sét,
Mây điên cuồng bóp nghẹt ánh trăng.
Trời cao lũ quỷ nhố nhăng,
Âm binh đáy nước lăng quăng cợt cười.
Chưa biện được tiếng người tăng hét,
Biết làm sao phân biệt tiếng mưa.
Ngón tay chú tiểu khẽ đưa,
Mây tan, trăng vẫn như xưa chiếu ngời.

Trần Văn Lương
Cali, 8/2019

Lời than của Phi Dã Thiền Sư :

Trăng sáng vẫn đó, cho dù sấm nổ mây giăng, bóng tối che phủ.
Tuy nhiên, một khi mây tan sấm tắt, ánh trăng kia lại lồ lộ.
Tâm hay Phật tánh của hành giả nào có khác chi.
Nhưng khổ thay, chúng sanh nào mấy ai hiểu thấu.

Than ôi!

*******
Xin kính họa :

               Tâm Sáng
     Đời tĩnh lặng chợt bùng tiếng sét,
    Bão âm hồn ứ nghẹt khuôn trăng.
         Đông  Tây độc lăng nhăng,
 vương lẫn với cung quăng khóc cười.

     Ai lĩnh hội cách người biết hét,
     Ai am tường dị biệt lời mưa,
         Uyên nguyên một ngón tay đưa,
Tâm trong hòa ánh trăng xưa sáng bền.

-Ai -
31/8/2019

No comments:

Post a Comment