11/4/16

CHỦ THUYẾT KHỦNG BỐ CỦA PUTIN

Thi Phương

clip_image001

Chẳng còn phải tranh cãi nữa chuyện Sa Hoàng Vladimir Putin và nước Nga của ông đang quyết tâm phá cuộc tranh cử tổng thống ở Mỹ nói chung và bà Hillary Clinton nói riêng cho bằng được. Cho bằng được có nghĩa là bằng mọi giá, kể cả đoạn giao với Mỹ hay tệ hơn nữa mở ra chiến tranh với Mỹ? Chẳng phải chúng ta vẫn nghe mãi chuyện phi cơ chiến đấu của Nga bay sát phi cơ Mỹ như có ý khiêu khích. Một tháng trước ngày bầu cử, Vladimir Zirinovsky, môt dân biểu lãnh đạo một đảng theo Putin, đã nói với hãng thông tấn Reuters: Dân Mỹ hãy bầu cho Trump, ông là người duy nhất có khả năng xuống thang căng thẳng giữa Moscow và Washington, trong khi bà Clinton cầm quyền sẽ dễ dẫn đến Đệ tam Thế chiến. Điều thú vị là ngày thứ ba, 25-10, Donald Trump lập lại luận điệu đó: Nếu bà Clinton làm tổng thống, bà sẽ vướng vào Syria, đối đầu trực tiếp với Nga và gây nên cuôc thế chiến mới!

Phải chăng ông Putin tình thực yêu chuộng hòa bình và sợ bà Clinton làm hỏng những nỗ lực bảo đảm trật tự quốc tế của ông đến mức ông phải “ra tay” triệt bà Clinton từ trong trứng nước? Khi những “hackers” công bố những email của Ủy ban Quôc gia đảng Dân Chủ chỉ vài giờ trước đại hội của đảng này vào cuối tháng bảy vừa qua, những chuyên gia an ninh mạng đã thấy ngay dấu tay của những cơ quan tình báo của Nga. Sau đó người ta tấn công ông giám đốc vận động tranh cử cho bà Clinton, John Podesta. Chính phủ Hoa Kỳ nay đã phải chính thức tố cáo Nga can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ, mục tiêu rõ rệt là nhắm vào ứng cử viên Dân Chủ. Nhưng chẳng lẽ Mỹ cứ theo kiểu của ông Obama, tố cáo suông mà thôi?

Ngưòi ta đang nói chuyện thâm thù “cá nhân” giữa ông Putin và bà Clinton. Câu chuyện cách đây chỉ năm năm, khi ông Putin đã làm tổng thống hai nhiệm kỷ tám năm, một nhiệm kỳ thủ tướng bốn năm cho Tổng thống Dmitry Medvedev mà ông Putin chỉ định, nhưng vào năm 2011 đó, Putin vẫn ra tranh cử tổng thống trở lại theo hiến pháp mà ông Putin soạn thảo, cho người ta ra tranh cử tổng thống bất kể bao nhiêu nhiệm kỳ - miễn là đừng làm ba nhiệm kỳ liên tục. Các đảng đối lập ở Nga gọi Putin là “một tên trộm”, dân chúng biểu tình phàn đối kết quả bầu cử với thắng lợi áp đảo của Putin. Bà Clinton, lúc đó là ngoại trưởng Mỹ cho Tổng thống Obama, đã công khai ủng hộ người biểu tình: “Người dân Nga, cũng như người dân ở khắp nơi trên thế giới… xứng đáng được có những cuộc bầu cử minh bạch, công bằng, tự do”. Putin vẫn nghĩ bà Clinton đã xúi giục phía đối lập xuống đường chống ông.

Trong mấy năm qua, ông Putin đã đôi lần lên tiếng bênh vực mô hình dân chủ của Nga và công kích dân chủ Mỹ, mà theo ông là sự khác biệt giữa thực chất và hình thức dân chủ. Ông nói rằng ở Nga nhiều đảng được tranh cử (thực chất chỉ có đảng “Nước Nga thống nhất” của Putin và đảng Cộng Sản đối nghịch, những đảng khác là vệ tinh của đảng của Putin, trong khi một số người dân cử độc lập lẻ tẻ), nhưng người dân đi bầu “tự do, trung thực và xây dựng”. Họ có ý thức chọn một chính quyền mạnh, lãnh đạo mạnh, làm được việc để phục vụ lợi ích của người dân, khong bị bế tắc vì những tranh chấp chính trị đảng phái. Trong khi đó, theo ông, bầu cử bên Mỹ chỉ là trò chơi giữa hai đảng, và bộ máy dân chủ của Mỹ bị bế tắc vì sự tương tranh lưỡng đảng cho nên lợi ích sống còn của tầng lớp bên dưới bị hy sinh.

Khi thấy lý luận dân chủ của mình (nghe “lú” rất giống dân chủ của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng) không thuyết phục được ai, Putin bèn xoay chiều, tìm cách chứng minh nền dân chủ của Mỹ, vẫn được phương tây xem là một mẫu mực tiến bộ bậc nhất của nhân loại thời nay, đang bị băng hoại, tan rã, ít nhất là trong hiện tình chính trị của Mỹ. Dân chủ của Mỹ quả thực đang có vấn đề, đó là điều ai cũng có thể nhìn nhận: hành pháp lúng túng thường chỉ hoạt động nửa vời; lập pháp hai đảng tìm cách phá nhau hơn là hợp tác với nhau, cho nên guống máy không chạy được (dysfunction); và Tối cao Pháp viện cứ lưng chừng, ba phải. Bầu cử tổng thống ở Mỹ công bằng, dân chủ, không những tạo cơ hội cho mọi người ra ứng cử mà còn cho ngưòi dân chọn được “the best and the brightest” đến mức nào?

Cơ chế đề cử ứng cử viên của hai đảng có vẻ không hay - nếu hay thì ông Trump đã bị dump. Tuy nhiên, có lẽ ngưòi ta chưa xác định được nó hỏng đến mức nào để đưa vào repair shop. Nhưng thăm dò mới nhất của CNN cho thấy đa số người dân vẫn tin tưởng ở bầu cử theo phương thức cử tri đoàn (electoral college) và cho rằng tranh tụng kết quả bầu cử mà ông Trump cứ hăm he là chuyện ngu xuẩn. Nhìn một cách thì cơ chế dân chủ, nhất là một cơ chế còn non trẻ như của Mỹ, tất phải thường xuyên bị thách đố ở một nước lịch sử chưa đến 250 năm. Nhưng ông Putin thì muốn nhìn thấy cơ chế đó phân liệt, thất bại. Và Donald Trump đương nhiên đã cho ông niềm tin đã tìm ra được một bằng chứng. Cho nên ông chỉ có con đường đi tới. Ông Trump mà ra tranh cử thì đúng là đảng Cộng Hòa phải ê mặt, nhưng ông Trump mà đắc cử thì cả nước Mỹ phải cúi đầu. Và không những ê mặt mà sẽ trở thành con rối. Kinh tế khủng hoảng, suy baị. An ninh rối loạn. Đối ngoại sẽ trở nên điên rồ cả về mặt an ninh lẫn kinh tế quốc tế. Bởi vậy, nếu Trump có nhận được tiền từ Điện Cẩm Linh gởi đến, đó chẳng phải là điều lạ,

Nhưng Putin không chỉ ngồi chơi rãnh rỗi mà nghĩ chuyện phá bà Clinton cho bỏ ghét, hay đúng hơn, phá nước Mỹ. Chuyện phá bầu cử nước Mỹ, chủ mưu tàn sát người dân ở Syria, sát nhập Crimea của Ukraine vào lãnh thổ của Nga, và cứ phô trương khả năng nguyên tử vô song của nước Nga hẳn phải có ý đồ nguy hiểm. Và ngưòi ta không thể nói thế nào khác hơn: Nga đã chọn Mỹ là kẻ thù số 1 trong mưu đồ tái dựng đế quốc Nga vào thời hậu chiến tranh lạnh, bởi vì suy cho cùng, trong mưu đồ đó, trở ngại duy nhất là nước Mỹ. Bởi vậy, đối với nước Mỹ, nước Nga cũng đã trở thành kẻ thù số 1. Như thời Chiến tranh lạnh? Có thể tệ hơn!

Putin là người từng leo lên từ lò tình báo KGB, cho nên ông hiểu được vai trò của ngành của ông trong sắp xếp quyền lực chính trị. Ông rành và mê những chuyện âm mưu, thủ đoạn chính trị trong nuớc và ngoài nước. Ông là người mâu thuẫn phần nào: vừa không ưa gì cộng sản vì làm sao ông leo lên đuợc trong chế độ đó, nhưng lại tiếc nuối sự khổng lồ, vĩ đại, to lớn của đế quốc cộng sản Liên Xô với 14 nước chư hầu trong khối và 7-8 nước vệ tinh. Ông thường thống trách lỗi lầm của Gorbatchev và hàm ý muốn phục hồi thế lực đế quốc. Bởi vậy người ta gọi ông là Sa Hoàng (czar). Tuy không nói đến đế quốc Slavia, Putin vẫn nhìn qua châu Á, châu Âu và cả vùng Địa Trung Hải với sự thèm muốn, khao khát. Tham vọng bành trướng đế quốc bao giờ cũng làm cho Sa Hoàng trở thành một người cực kỳ nguy hiểm, nhất là trong tình hình nước Nga ngày nay, một đại cường đang tuột dốc vì sự suy trầm kinh tế, xã hội 5-6 năm qua, và ông Putin cần điên rồ hơn kêu gọi ngưòi dân theo hướng chủ nghĩa dân tộc quá khích, như kiểu Đức quốc xã, phát xít Ý… không để chống ngoại xâm mà mở ra chương ngoại xâm.

Putin biết ở châu Âu nay đã có Liên Âu, có NATO, có Mỹ, không dễ gì bành trướng, mở rộng được – cùng lắm là bắt nạt, “abuse” hay “harassment”. Đó là lý do vì sao Putin quyết định tìm cách chơi Mỹ đến cùng, cho dù thực sự chẳng có thâm thù gì với Mỹ. Cũng giống như dưới thời Chiến tranh Lạnh Trung Cộng xem Mỹ là “paper tiger”, nay ông Putin cũng biết Tổng thống Obama rất ngại động thủ vì chủ trương “don’t do stupid things”. Những thử thách ban đầu của Nga ở Grudia (còn được gọi là Georgia, vốn là một trong 14 nước nằm trong khối Liên Xô), nhất là ở Crimea và Đông Ukraine (trước đây cũng thuộc Liên Xô) (đều gặp những phản ứng rất hạn chế của Mỹ và NATO - rất thuận lợi cho giấc mơ tái dựng Đế quốc Nga. Nga cũng từng tìm cách thâm nhập vào Nam Mỹ qua đồng chí Hugo Chavez – may cho người dân nước này chết kịp thời vì ung thư, chính là trời cứu nước dầu hỏa này, cho dù hiện nay họ củng đang sống dở, chết dở, có dầu mà không ăn được thay cơm. Bởi thế mà Nga đang mạnh dạn thăm dò ở Syria (chiến trước trắc nghiệm) và Iran (khai thác mối hận thù truyền thống giữa nước “ngàn lẻ một đêm” chống Mỹ và Saudi Arabia theo Mỹ). Nga dưới thời Putin rất khác Liên Xô dưới thời Nikita Khruschev hay Loenid Brezhnev. Những ông này không dám chơi liều vì còn vợ con yêu quí, gia đình, và cả một khối lớn đất nước phải gìn giữ. Putin đã ly dị vợ, chẳng còn ai khuyên bảo, chỉ có vài người mẫu bạn gái để mua vui cho qua ngay tháng tuổi già, ông lại nói như người cộng sản thứ thiệt: we have nothing to lose but our chains! Làm liều thì cũng chẳng có gì mất cả. Bởi vậy, ông ta nguy hiểm theo nghĩa nhất định chơi với lửa.

Thực tế là Putin dường như đang xem cả thế giới như trẻ con, nên ông thưòng chơi trò hù dọa. Gần đây, ông đưa hỏa tiễn nguyên tử đến sát biên giới Ba Lan và Lithuana. Ông cho một nhóm hàng không mẫu hạm đến vùng Bắc Hải và eo biển nước Anh. Ông đe dọa sẽ bắn rơi những máy bay Mỹ nhằm vào nhà độc tài Bashar al-Assad tại Damacus mà ông bảo trợ, mặc dù cứ đóng vở kịch thỏa hiệp với Mỹ trong tìm kiếm giải pháp cho Syria. Trong những năm gần đây, ông đã chơi một chính sách đối ngoại và đối nội ngày càng có tính diễu võ dương oai bằng cách thưòng thách đố Hoa Kỳ, NATO và khối Liên Âu. Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc đã lên tiếng “báo động” quan hệ Nga Mỹ hiện nay căng thẳng hơn bao giờ hết trong vòng 40 năm qua. Truyền hình Nga dành nhiều thời gian phô trương sức mạnh quân sự nguyên tử của Nga. Theo một phóng sự của BBC, cá1c đại học Nga bỗng dở chứng đang mở ra chương trình “quân sự học đường”, trên sân trường, sinh viên thả dàn mặc quân phục tác chiến và tập trận giả. Bộ trưởng Thông tin Dmitry Keselev phụ họa: “Thái độ bất cẩn có thể dẫn đến hậu quả nguyên tử,” và ông nhắc lời của Putin “Nếu có chiến tranh, chúng ta ắt phải ra tay trước”. Thế giới đã đầy tai, nhưng cố nhịn, nghĩ rằng “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, hay “hơi đâu mà chấp một thằng điên”. Mặc dù kinh tế đã suy trầm vài năm qua vì kỹ nghệ năng lượng xuống giá và nền kinh tế Nga cũng chỉ xấp xỉ nước Mễ, Nga vẫn cứ làm như mình là một đại cường kinh tế (Tính theo chỉ số GDP, Nga chỉ đứng thứ 12 trên thế giới, thua cả Nam Triều Tiên, Canada, Brazil, Ý… GDP của Mỹ: 18.5 ngàn tỷ đô la; GDP của Nga: 1.2 ngàn tỷ).

Có lẽ vì biết ông Obama ngày càng thận trọng, trong khi Liên Âu vửa vất và chống đỡ kinh tế suy thoái 7-8 năm nay vừa tìm cách ngăn chận làn sóng di dân Hồi giáo từ Trung Đông tràn đến, cho nên Putin nghĩ rằng trò chơi bắt nạt này ít ra cũng chẳng có hại gì mà còn có lợi. Một đàng là làm cho người ta có thể sợ, không dám phản ứng, và “thây kệ”; đàng khác, ông trở thành “người hùng dân tộc”, lên dây cót cho người dân, làm cho họ quên đi nỗi xao xuyến trong cảm nhận hiện tuợng suy thoái kinh tế ảnh hưởng nghiệm trọng đến công ăn việc làm và đời sống đồng thời nhìn đến cuộc sống xa hoa của lớp mafia trên tột cùng nấc thang xã hội.

Tuần báo The Economist có nhận định, “Nga sẽ không phát động chiến tranh (chống Mỹ cứu nước). Phần lớn những gì họ nói chỉ là quát tháo, dọa nạt. Nhưng thực sự đó là một đe dọa đối với ổn định và trật tự hiện nay. Và bước đầu tiên để đáp đe dọa này phải hiểu sự gây hấn của Nga không phai là một dấu hiệu phục hưng, mà là một sự suy nhược kinh niên”. Chúng ta rất dễ hiểu và đồng ý với nhận định khá lạc quan này, nhưng điều quan trọng không phải ở chúng ta, mà chính là ở Putin. Ngưòi điên bao giờ cũng nguy hiểm, vì họ có lối suy nghĩ của họ, chẳng giống ai, nhất là một ngưòi điên nghĩ mình có sức mạnh nguyên tử nên ai cũng sợ, làm gì cũng được.

Theo những nhà phân tích phương Tây, nước Nga đã mở một chiến dịch “triệt hạ mô hình dân chủ phóng khoáng của phương Tây và phá hoại những mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương (giữa Mỹ và Liên Âu), kềm chế những nước Đông Âu (chư hầu cũ của Liên Xô) và kích động phái cực hữu chống Liên Âu. Bởi vậy, trong cẩm nang hành động của Nga hiện nay là phá những cuộc bầu cử lãnh đạo ở Mỹ và Liên Âu bằng mọi giá. Nên nhớ, Putin từng là nhân vật có hạng của KGB – dư mánh khóe phá hoại. Cho nên chẳng lấy làm lạ khi Putin quá ưu ái với Donald Trump. Dù chưa hẳn sợ gì bà Clinton.

Nhưng Putin vẫn có lý do đề sợ bà Clinton. Bà Clinton làm tổng thống có thể đi theo đường lối của Obama về đối nội. Nhưng bà cứng rắn hơn đối ngoại. Bởi vì bà là người da trắng – không dễ gì “hiền lành” như ngưòi da đen. Bởi vì bà “diều hâu” hơn để đến gần người da trắng và đảng đối nghịch hơn. Bởi vì bà vẫn nghĩ rằng “không làm điều ngu xuần” có thể chính là đã làm điều ngu xuẩn. Bà dễ có sự ủng hộ của cả hai đảng về đối ngoại. Và bà có cả đoạn đường dài trước mặt.

Putin cũng có lý khi sợ bà Clinton!

Cho nên phải coi chừng ông ta. Tiên hạ thủ vi cường!

No comments:

Post a Comment