Nguyễn Xuân Nghĩa
Sau một đại hội Cộng Hòa kỳ diệu là tránh được trận nội chiến giữa các đại biểu ngay trên sàn Cleveland, đại hội Dân Chủ tại Philadelphia lại phơi bày nhiều rạn nứt: Chủ tịch đảng là Debbie Wasserman Schultz phải từ chức trước khi gõ búa khai mạc đại hội vì tội dùng bộ máy đảng ngầm ủng hộ Hillary Clinton. Người sẽ tạm xử lý là Donna Brazile cũng chẳng khá hơn vì có cùng một tội!
Nhìn từ bên ngoài, kẻ nhẹ dạ có thể ngao ngán với nền dân chủ bát nháo này và thầm mơ một sự “nhất trí” giữa các lãnh tụ – như tại Trung Quốc!
Đúng là nhẹ dạ…. Mục “kinh tế cũng là chính trị” kỳ này xin nói về chuyện nhất trí và sự nhẹ dạ đó.
Về Hoa Kỳ, chi tiết đáng chú ý là cả hai ứng cử viên tổng thống, bên Dân Chủ và Cộng Hòa, đều chọn người đứng phó có khả năng bổ sung cho mình. Donald Trump đã chọn Thống đốc Indiana là Mike Pence vì ông này có lập trường bảo thủ rõ rệt, dù xuất thân từ phong trào Tea Party lại khá điềm đạm, chứ không lăng ba vi bộ từ tả qua hữu hoặc bay lên trời, như người thụ ủy liên danh Trump-Pence.
Hillary Clinton cũng vậy, đã chọn Nghị Sĩ Tim Kaine của Virginia không chỉ vì vị trí bản lề của tiểu bang này mà còn vì lập trường ôn hòa của ông, xin hiểu là trung dung hay trung tả, chứ không cực tả như người thụ ủy liên danh Clinton-Kaine vì bà phải vượt qua hàng rào cực tả của Nghị Sĩ Bernie Sanders trước khi được đảng Dân Chủ tấn phong.
Cả hai đều vớt cá hai tay – vì cần lá phiếu cử tri. Dân chủ là vậy, là phải biết xin và đếm phiếu. Vì thế, cả hai đều có thể thoải mái với mâu thuẫn lập trường ở bên trong. Như về kinh tế, cả hai ứng cử viên phó tổng thống đều kín đáo ủng hộ tự do mậu dịch, khác với lập trường nghi ngại của hai người cầm đầu liên danh.
Bây giờ, hãy nhìn qua Trung Quốc, nơi mà sự nhất trí – chữ của người Hà Nội – được định chế hóa như một chân lý chắc nịch.
***
Nếu không quá bận theo dõi cuộc tranh cử tổng thống tại Hoa Kỳ, ngay từ Tháng Năm, ta đã thấy mâu thuẫn giữa Chủ Tịch Tập Cận Bình và Tổng Lý Quốc Vụ Viện Lý Khắc Cường, hai nhân vật đứng hàng thứ nhất và thứ nhì của thường vụ Bộ Chính Trị gồm có bảy mạng.
Khác Hoa Kỳ là nơi mọi chuyện đều được phơi bày, mọi chuyện tại Trung Quốc chỉ được thấy hoặc được phỏng đoán qua bức màn khói, màn tre hay màn sắt. Người trong cuộc mà đoán sai là mất nghiệp!
Từ ngày chín Tháng Năm, tờ Nhân Dân Nhật Báo của Bắc Kinh có bài tiểu luận trích dẫn một “viên chức có thẩm quyền,” với nội dung đả kích chánh sách kinh tế của người có trách nhiệm chính thức là Thủ Tướng Lý Khắc Cường. Ai là kẻ có gan nuốt búa mà đòi phê phán nhân vật thứ hai của đảng?
Còn ai trồng khoai đất này? Chính là Tập Cận Bình, người đang thâu tóm quyền lực vào trong tay, của hầu hết mọi khu vực quân sự, an ninh lẫn kinh tế và chỉ huy các tiểu Tổ lãnh đạo về lý luận để toàn đảng và toàn dân cùng nhất trí mà nhìn chung một hướng. Vì vậy nhiều nhà quan sát mới nói tới nạn thanh trừng chính trị và tranh đoạt quyền lực trên thượng tầng của đảng.
Nó âm u mờ ám chứ không om xòm công khai như các đại hội đảng tại Hoa Kỳ!
Sau đó, hôm mùng bốn vừa qua, trong một kỳ họp của Quốc Vụ Viện là Hội Đồng Chính Phủ, người ta lại thấy mâu thuẫn Tập-Lý về vai trò của các tập đoàn kinh tế nhà nước. Trong khi Lý Khắc Cường nêu ý kiến về việc chuyển hướng kinh tế theo quy luật thị trường và cải cách hệ thống doanh nghiệp nhà nước cho tinh giản thì Tập Cận Bình lại khẳng định vai trò chủ đạo của các doanh nghiệp này, như những mũi nhọn cho nền kinh tế Trung Quốc.
Khác biệt quan điểm chấm dứt vào ngày 21 vừa qua vì Lý Khắc Cường phải cúi đầu ngợi ca chủ trương kinh tế của Tập Cận Bình. Ít ai bên Mỹ này chú ý chuyện đó vì đảng Cộng Hòa vừa hoàn tất đại hội tại Cleveland.
Chuyện đáng nói hơn những mâu thuẫn chính trị của lãnh đạo Bắc Kinh ở bên trên là thực tế kinh tế ở bên dưới: tình hình trầm trọng tới mức nào? Có nguy kịch như lời cảnh báo của Donald Trump về nước Mỹ không?
Trung Quốc đang bị nguy cơ suy trầm vì sự sa sút của thị trường bất động sản qua các thống kê của Tháng Năm và Tháng Sáu. Kèm theo đó là nạn bội chi ngân sách và nguy cơ vỡ nợ của các địa phương vì đi vay quá nhiều để đầu tư vào các dự án kém hiệu năng từ gia cư tới xây dựng hạ tầng và sản xuất nguyên nhiên vật liệu như xi măng, than thép. Vấn đề thứ ba là gánh nợ quá lớn, từ tín dụng ngân hàng đến trái phiếu, đã vượt Hoa Kỳ trước khi nước Mỹ bị khủng hoảng tài chánh năm 2008.
Mọi chuyện ấy kết tinh vào doanh nghiệp nhà nước mà Tập Cận Bình muốn củng cố thành mũi nhọn, hay nói theo người Hà Nội là “quả đấm thép”! Nói theo giới đầu tư quốc tế, đấy là các doanh nghiệp quỷ nhập tràng, zombie companies. Những xác chết chưa chôn mà cứ bay nhẩy như ma trơi.
***
Vài con số sau đây có thể minh diễn sự lạ đó, để khói mang tiếng xuyên tạc!
Tổng số nợ của Trung Quốc ở khoảng 247% hay 282% tổng sản lượng GDP. Hãy lấy con số nhỏ của Moody’s Investors Service tính tới cuối năm cho khỏi nhức tim; con số kinh hãi kia là của McKinsey Global Institute công bố từ đầu năm ngoái và nay chắc còn cao hơn nữa.
Tính đến cuối năm 2015 thì tổng số nợ của các doanh nghiệp lên tới 165% GDP, của các hộ gia đình là 40% và của chính quyền trung ương là 22%. Của các chính quyền địa phương là bao nhiêu thì không ai biết, kể cả chính quyền trung ương lẫn các “viên chức có thẩm quyền.”
Bây giờ, nói về các doanh nghiệp mắc nợ tới 165% GDP thì ta có tư doanh và quốc doanh.
Theo cách tính của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF thì hệ thống quốc doanh Trung Quốc có sản lượng là 22% GDP mà lại có dư nợ bằng 55%. Sai biệt giữa xuất lượng là 22% và nhập lượng là khối nợ cao tới 55% giải thích hiện tượng quỷ nhập tràng. Đấy là những xác chết chưa chôn mà cứ bay nhảy như chơi vì nằm trong hệ thống chính trị, do các đảng viên của trung ương và địa phương quản lý nhằm thực hiện chánh sách kinh tế của đảng và nhà nước. Chánh sách này là do chính Tập Cận Bình đề ra sau khi đẩy Lý Khắc Cường qua một bên.
Bây giờ, gom ba chuyện gia cư, ngân sách và nợ nần làm một thì ta hiểu ra thế nào là ôm một mối mơ.
Hiện tượng xác chết chưa chôn trên doanh trường Trung Quốc đã có từ năm năm trước, từ 2011. Nhưng ai dám chôn cất các doanh nghiệp có chức năng đầu tư và tạo ra công ăn việc làm, như đầu tư vào công nghiệp nặng và tạo ra việc làm trong ngành xây dựng và gia cư? Khi thị trường gia cư bể bóng từ Tháng Ba năm 2014 thì tình hình sa sút khiến nhiều doanh nghiệp nhà nước chết lâm sàng, nhất là tại các địa phương. Rồi tín dụng được bơm vào để xác chết đứng dậy. Vì vậy, ta mới thấy kinh tế vẫn tăng trưởng và sản xuất thừa thì vẫn kể là sản xuất, thừa thì phá giá để xuất cảng làm thiên hạ kêu trời.
Nhưng còn các khoản nợ kia thì sao? Thủ thuật kế toán là đổi nợ thành vốn, quyết định do Quốc Vụ Viện Bắc Kinh công bố hôm 18 vừa qua. Đa số chủ nợ là các ngân hàng của nhà nước, từ nay làm chủ đầu tư của các doanh nghiệp quỷ nhập tràng cũng của nhà nước. Đấy là sự nhất trí tuyệt vời của đảng với nhà nước Trung Quốc. Tiếp tục bơm tiền để nuôi xác chết.
Nhưng ở ngoài bãi tha ma kinh tế đó vẫn còn các doanh nghiệp của tư nhân. Họ thấu hiểu kinh tế thị trường theo định hướng của đảng và nhà nước, nên lặng thinh nín thở qua sông, đầu tư ít đi và nếu có tiền thì giấu nhẹm. Hoặc tẩu tán ra ngòai. Vì tư doanh giấu nhẹm, kinh tế Trung Quốc rơi vào cái bẫy xập của thanh khoản: tiền bơm ra để kích thích kinh tế mà chẳng nâng được sản lượng. Đây là kết luận mới nhất của một viên chức thuộc Ngân hàng Trung ương.
Diễn nôm là nhà nước Bắc Kinh đang… đẩy sợi dây.
Thành thử cuộc tranh luận về chánh sách hay tranh đoạt quyền bính chính trị tại Bắc Kinh không đơn giản là màn đấu lực giữa hai họ Tập-Lý. Nó là sự nhất trí giữa ngần ấy phe là làm sao bảo vệ được nguyên trạng kỳ quái này, để may ra còn có thể cải cách sau đại hội Khóa 19 vào cuối năm tới.
Vì kinh tế cũng là chính trị, ta thấy nền dân chủ bát nháo của Hoa Kỳ vẫn có nét dễ thương, chứ không là chuyện tà ma như tại Trung Quốc!
No comments:
Post a Comment