7/13/16

CRY, THE BELOVED COUNTRY!

Hoàng Ngọc Nguyên

clip_image002

clip_image004

clip_image006

Năm anh chị em chết oan do bạo lực gia đình

Tuần qua là thời gian 320 triệu người dân Mỹ ăn mừng Ngày Độc Lập, Lễ Quốc Khánh của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Đó là dịp hầu hết mọi người - nhất là những người Mỹ “tân nhập” - vui chơi thoái mái, ban ngày đi chơi, ban đêm ra khỏi nhà đốt pháo bông trên đường… Nhưng có lẽ cũng có không ít người, nhất là những người da trắng “bản xứ” hay những người cao niên đang suy nghĩ đề hiện hữu, thoáng nghĩ đến lịch sử “một vùng đất của di dân thực sự còn quá non trẻ không ngớt sóng gió chính trị nhưng cũng không ngừng tăng triển kinh tế đã dẫn dắt nước Mỹ đến ngày nay, và chắc chắn cũng nghĩ ít nhiều đến bao nhiêu vấn đề bộn bề của đất nước khiến cho nhìn gần đã khó, nhìn xa càng khó hơn. Năm nay trong tiếng pháo hoa làm sáng rực bầu trời khắp nơi, tuần Lễ Độc Lập dù sao vẫn được đón nhận một cách hoan hỉ cho dù có một sự hoang mang thầm lặng nơi người dân về hai đại hội đảng sắp tới đề cử người ra tranh cử tổng thống.

Lễ Độc Lập 2016 có thể đã phẳng lặng trôi qua và chẳng có chỗ đứng trong lịch sử nếu không chợt nổi lên những biến cố bạo lực và bạo động mà chúng ta đã có thể thấy trước, và thế mà vẫn xảy ra, có lẽ vì chúng ta đã không hành động, hay hành động không thỏa đáng. Bắt đầu câu chuyện là sáng thứ ba, sau ngày Lễ Độc Lập, ở Baton Rouge, Louisiana, hai cảnh sát bắn chết một ngưòi da đen sau khi đè người này nằm xuống đất. Sang ngày thứ tư, tại Falcon Heights, Minnesota, một người da đen đang lái xe, trên xe có người bạn gái và một đứa con nhỏ của hai người, ông bị chận lại ở một bảng “stop” giữa đường, và cảnh sát da trắng cũng bắn chết người này khá vô cớ. Đến ngày thứ năm, nơi nơi người da đen biểu tình, và tại thành phố Dallas, Texas, một người da đen vốn là một binh sĩ Mỹ tại chiến trường Iraq, đã bắn tỉa giết chết năm cảnh sát viên đang làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh – rõ ràng để trả thù. Nước Mỹ trong mấy ngày cuối tuần qua đúng là người ta đứng ngồi không yên.

Thực ra, chịu khó suy nghĩ một chút, chúng ta thấy Lễ Độc Lập năm nay bất an nhiều hơn bình an. Nạn khủng bố quốc tế đang tràn lan từ Thổ Nhĩ Kỳ (42 người chết tại phi trường ngày 28-6) qua Dhaka, Bangladesh (22 người chết ngày 2-7) và Iraq (ít nhất 292 người chết trong vụ đánh bom bằng xe tải ngày 3-7), làm ngưòi ta liên tưởng ngay đến vụ thảm sát ở Orlando, Florida, ngày 12-6, với 49 người dân vô tội tử nạn mà thủ phạm thuộc về một gia đình di dân tỵ nạn từ Afghanistan. Nói gì thì nói, các phần tử Nhà nước Hồi giáo đang nằm vùng ở Mỹ có thể tái diễn tội ác bất cứ lúc nào bất cứ ở đâu nhờ sự sẵn sàng trợ thủ khí giới của Hiệp hội Súng Quốc gia NRA mà đảng Cộng Hòa được NRA tài trợ vẫn bảo trợ – nhân danh Đệ nhị Tu chánh án nằm trong Đạo luật về Quyền hạn (công dân – Bill of Rights) cùng Hiến pháp của đất nước. Một điều ngu xuẩn mà người ta vẫn phải chịu là súng “tấn công” (sát thương hàng loạt) vẫn được buôn bán khá bình thường, bởi vậy mà tên Omar Mateen mới mua được cây súng giết một loạt hàng chục người ở câu lạc bộ đồng tính ở Orlando.

Mặt khác, mấy tuần qua chúng ta có thể nhìn được phần nào thực trạng bạo lực gia đình ở nước Mỹ, xem chừng khủng khiếp hơn vì con người đang tuyệt vọng hơn, điên loạn hơn và hiếu sát hơn. Cuối tháng sáu, một người mẹ ở Dallas, Texas giết chết hai cô con gái lớn, 22 tuổi và 17 tuổi, để cho người chồng “nếm mùi đau khổ”. Cảnh sát sau đó phải bắn chết nghi can. Đầu tháng này, một ngưòi mẹ ở Memphis, Tennessee, dùng dao đâm chết bốn con nhỏ, tuổi từ 4 tuổi đến 7 tháng. Tháng tư vừa qua, ở South Carolina, người ta đem xử một người cha giết chết năm đứa con nhỏ từ 1 đến 8 tuổi bằng cách siết cổ họng từng đứa; có đứa chưa chết, ông ta đánh cho chết. Ngày 6-7, một người ở New Jersey dùng súng giết vợ và định giết luôn cả ba con còn nhỏ, may mà cảnh sát can thiệp kịp, bắn chết người chồng. .. Đặc biệt trong thời gian gần đây, trẻ em cũng tiếp tay tuyên truyền cho NRA ngày càng nhiều. Bao nhiêu vụ đã xảy ra, con nít chưa nứt mắt đã lấy súng của cha mẹ bóp có chơi. Một đứa trẻ 8 tuổi, giận một bé gái hàng xóm 6 tuổi không chơi với mình, cũng dùng sức mạnh của súng để thị uy: bé gái này chết oan trên bãi cỏ nhà mình. Trong cộng đồng người Việt, chúng ta cũng chẳng kém gì. Chỉ gần đây đã xảy ra hai vụ: một vụ một người đến nhà con trai của mình, mang theo súng, và bắn chết con sau khi phụ tử tranh cãi nhưng không thỏa hiệp được; một vụ khác ở Annandale, Virginia, cha bắn chết con gái và rể sau khi cha và rể bất đồng và con gái bênh chồng… Thế nhưng không thiếu gì những người Việt, cứ tưởng mình là người Cộng Hòa thật, cho nên trơ trẽn bắt chước: “Một điều xin chia xẽ cùng các Bạn, đừng ghét súng, Súng không ghét Bạn. nhưng có 1 nào đó trong đời Bạn...Súng có thể cứu mạng sống cũa Bạn, Súng sẽ cứu mạng sống gia đình bạn và cã những người mà bạn yêu thương” (trích dẫn bằng cách copy and paste - giữ nguyên chính tả hỏi ngã…).

Ngăn ngừa khủng bố quốc tế khó khăn và phức tạp nhưng không phải là không làm được, bởi vì ít nhất nhà chức trách ở nước nào cũng đang cảnh giác, có những biện pháp đề phòng, ngăn chận, theo dõi những người bị tình nghi và tăng cường bào vệ an ninh những nơi công cộng. Hai giải vô địch châu Âu Euro 16 được tổ chức ở Pháp từ giữa tháng sáu và đấu trận chung kết vào ngày 10-7 và vô địch châu Mỹ Copa America ở Mỹ (kết thúc ngày 26-6 với chiến thắng của Chile trước Argentina) đều được tiến hành êm thắm, đó là một thành công lớn trong nỗ lực quốc tế chống khủng bố Hồi giáo.

Thế nhưng trong bạo lực gia đình, làm sao chúng ta có thể tìm ra cách làm giảm những bi kịch đau lòng. Những biến chuyển trong chính trị, kinh tế, xã hội của nước Mỹ trong hai thập niên qua đã cùng tương tác, hậu quả là những bi kịch gia đình mà chúng ta đang chứng kiến ngày càng nhiều. Như chúng ta đã thấy, tuổi trẻ thời nay rất thận trọng trong chuyện lập gia đình khi người ta chỉ nghĩ đến gia đình như một gánh nặng. Và nhiều người cũng đang nói, đang viết về cuộc sống gia đình. Nói đơn giản thì người chồng hay người cha trong gia đình đang ngày càng thấy bất lực, tuyệt vọng, phẫn nộ, người vợ hay người mẹ càng ngày càng khủng hoảng vì thấy giấc mơ gia đình trở nên mong manh, an bình và hạnh phúc với chồng với con không còn chắc chắn nữa mà chỉ thấy xa cách, cô đơn. Có thể những vấn đề ngoài xã hội, trong đó bao gồm kinh tế, y tế… đang ngày càng ngoài khả năng đối phó, từ đó cơm không lành canh không ngọt trong nhà. Người ta không thấy đồng vợ đồng chồng tát bể đông cũng cạn; ngược lại, người chồng bất lực ngoài xã hội, người vợ không quán xuyến nổi chuyện trong nhà - nhất là nếu con nhỏ gặp chuyện không may. Những nhà nghiên cứu tâm lý gia đình phải tiếp tục làm công tác khảo sát những biến chuyển này đề tìm câu trả lời. Giá trị xã hội, giá trị gia đình thời nay là gì, được nhìn nhận hay phải vận động, giáo dục, và thử thách của sứ mệnh xã hội nhân bản này trong bối cảnh người ta đang rất mất thì giờ tuyên truyển cho quyền LGBT (Lesbian-Gay-Bisexual-Transgender).

Nhưng một phương cách chúng ta có thể thấy để làm giảm nguy cơ thảm kịch gia đình là xã hội phải dứt khoát trong thái độ bất thiện cảm với súng ống. Văn hóa súng đạn lỗi thời, lạc hậu, ban khai phải thay đổi. Và khi những thế lực mà NRA đang lãnh đạo vẫn quyết liệt bảo vệ “gun rights”, chính người dân vì lẽ “gun control” sống còn phải làm cuộc ‘cách mạng” này. Khi súng đạn quá dễ dàng, không chỉ trong tầm tay mà còn có sẵn trong tay, thì chắc chắn đó phải là giảỉ pháp tiện lợi nhất, first choice thay vì “last resort” cho những người đang bấn loạn đi tìm giải pháp cho xung đột gia đình.

Nhưng tấn bi kịch của mùa Lễ Độc Lập không phải là chuyện khủng bố quốc tế hay bạo lực gia đình đang đe dọa giá trị xã hội của nước Mỹ. Tấn bi kịch chính là những vụ bắn giết trên đường phố như cơm bữa: cảnh sát da trắng hay Latino bắn người da đen, và người da đen bắn cảnh sát da trắng để trả thù, nói lên những mầm mống hận thù chủng tộc mà thời gian dứt khoát không phải là giải pháp hàn gắn tất cả những vết thương.

Có thể kể câu chuyện “Lễ Độc Lập hận thù” năm nay bắt đầu bằng một biến cố ở thủ phủ Baton Rouge của tiểu bang Louisiana (lại Louisiana nữa). Sáng thứ ba, 5-7, buổi sáng sau ngày Lễ Độc Lập, hai viên chức cảnh sát bắn chết một người da den tên Alton B. Sterling, 37 tuổi, trong khi đang tìm cách bắt giữ người này. Sterling là một người đứng bán CD ngoài một tiệm fast food. Hai cảnh sát tìm bắt nạn nhân sau khi 911 nhận một cú điện thoại của một người homeless cho biết Sterling có súng và hăm dọa ông ta. Người homeless này cứ chạy theo Sterling xin tiền, cho nên nạn nhân phải doa “Tao có súng. Mày đi chỗ khác chơi”. Vụ nổ súng này (hai cảnh sát đè nạn nhân xuống đất và bắn vào ngưòi này) được thu hình trong một băng video và sau đó được phổ biến rộng rãi trên mạng. Vụ nổ súng này tức thì gây ra những cuộc xuống đường của người da đen nêu cao khẩu hiệu “Black Lives Matter”. Phong trào tố cáo cảnh sát da trắng xem rẻ mạng sống người da đen đã có từ hai năm nay, nhưng chuyện lạm quyền vẫn không giảm nơi cảnh sát.

Giữa khi người da đen đang biểu tình phản đối cảnh sát da trắng bạo hành đối với nguời da đen, vào chiều ngày thứ tư, 6-7, tại Falcon Heights, ngoại ô của St. Paul, thủ phủ của Minnesota, một người cảnh sát bắn chết một người da đen tại một bảng ngừng xe. Philando Castile, 32 tuổi, bị bắn chết khi còn ngồi ở tay lái. Nạn nhân nói với cảnh sát mình có súng và có giấy phép mang súng. Khi Castile móc túi lấy giấy tờ, người cảnh sát có lẽ hiểu nhầm và tức thì bắn nhiều phát. Nạn nhân chết “không kịp ngáp” trước mặt người bạn gái và con của hai người ngồi ở băng sau. Người bạn gái này sau đó đưa khúc phim thảm sát này lên mạng cho thấy cảnh sát hành động tắc trách. Ngay chính ông thống đốc da trắng của tiểu bang, Mark Dayton, sau khi xem thước phim, đã phải nói: “Liệu chuyện này có xảy ra không nếu người lái xe da trắng, những ngưòi ngồi trên xe da trắng. Tôi không nghĩ có thể xảy ra”.

Cao điểm của tuần lễ lịch sử xảy ra ở Dallas vào khoảng 9 giờ tối ngày thứ năm 7-7. Một người da đen đã bắn vào những cảnh sát đang theo dõi trật tự của một đoàn biểu tình có mấy trăm người đang diễn hành hòa bình đi vào hướng tây trên đường Main dưới phố Dallas. Người ngoài đường la hét, bỏ chạy tứ tán. Cảnh sát đang bảo vệ an ninh trật tự tìm cách ẩn nấp. Năm cảnh sát thiệt mạng và bảy người bị thương. Nghi can là Micah Johnson, 25 tuổi, một cựu chiến binh đang sống ở Dallas. Cảnh sát đã giết anh ta bằng cách dùng bom người máy điều khiển giữa khi hai bên đang tìm cách tấn công nhau vào sớm ngày thứ sáu. Rõ rệt, nghi can đã toan tính trả thù từ lâu, có thể gọi là một âm mưu “khủng bố” nội địa, nhằm vào người da trắng, nhất là cảnh sát da trắng. Hiện trường vụ nổ súng gần một địa điểm lịch sử, chỉ cách nơi Tổng thống John Kennedy bị sát hại cách đây 53 năm vài khu phố. Và đương nhiên, đây là vụ tấn công cảnh sát khốc liệt nhất. Và ảnh hưởng tai hại nhất: nó chỉ làm cho nhiều cảnh sát da trắng thấy họ có lý khi phài cảnh giác cao độ trước người da đen, và làm cho người da đen giảm “chính nghĩa” trong cuộc đấu tranh của họ.

Đây là lúc chúng ta phải đặt ra cho đầy đủ những câu hỏi và chớ vội trả lời, vì kinh nghiệm đã cho thấy những giải đáp thường không dễ dàng vì câu trả lời trước đây đã quá sẵn sàng nhưng ít nhất cũng chưa thỏa đáng. Một nhà bình luận cũng bi quan đặt câu hỏi: Sống riêng rẽ, phân hóa: chúng ta lại nghe những từ đó. Hiện nay chúng chính là nghiệp chướng của chúng ta. Có đúng đó là số phận chúng ta phải chịu? (Separate, divided: those words again. They’re our curse right now. Must they be our fate?). Tờ The Washington Post đã viết bài quan điểm nhấn mạnh không có giải pháp có sẵn: “Tuyệt vọng không phải là giải đáp duy nhất cho những sự kiện biến cố kinh khủng tuần qua”. Bài lập trường quan điểm này kêu gọi người dân Mỹ phải bình tĩnh để đi tìm giải pháp hữu lý, cho dù “common sense solution” nói thì dễ làm thì khó. Tờ The New York Times cũng nhấn mạnh: chúng ta phân hóa vì chủng tộc, nhưng đoàn kết trong tang tóc chung (divied by race, united by pain). Cũng có nhà bình luận nhìn đến trách nhiệm của ông Obama, dường như trong tám năm qua, trắng và den chỉ xa nhau hơn, chỉ để kết luận người Mỹ có ảo tưởng họ đã sẵn sàng có một tổng thống da đen. Và thế nào người ta cũng trở lại mối ám ảnh mấu chốt của vấn đề: chừng nào còn có NRA và các nhà dân cử vẫn không chịu tu chỉnh Đệ nhị Tu chánh án quái đản (quái đản ngay cả trong ngôn từ và văn phạm: "A well regulated Militia, being necessary to the security of a free State, the right of the people to keep and bear Arms, shall not be infringed"), xe lửa dân chủ của Mỹ vẫn còn chạy trong đường hầm vì nguyện vọng an ninh của ngưòi dân bị quẳng vào xọt rác.

Rõ ràng đây là lúc người Mỹ phải đọc lại tác phẩm nổi tiếng nói về sự phân hóa chủng tộc đã làm cho đất nước và xã hội tan nát. “Cry, the beloved country” (Khóc lên đi, quê hương yêu dấu) mà tác giả là nhà văn nhân bản Alan Paton là câu chuyện một thuở ở Nam Phi, nhưng tác dụng cảnh báo với người Mỹ chẳng bao giờ thừa.

No comments:

Post a Comment