10/18/13

HẾT BIẾT!

Hoàng Ngọc Nguyên

Viet Tribune

clip_image002

Đúng là hết biết! Chuyện chẳng tưởng tượng được nhưng lại có thật! Khoảng 9 giờ tối thứ tư, Thượng Viện Mỹ đã thông qua một dự luật cho phép chính phủ mở cửa hoạt động trở lại đồng thời cho phép nâng mức nợ tối đa chính phủ được vay. Dự luật này không hề đụng gì tới Obamacare. Chưa đến 10 giờ 30 tối đó, Hạ Viện Mỹ với đa số là người Cộng Hòa đã nhanh chóng thông qua dự luật đó. Các dân biểu không còn tranh cãi nữa, bởi nếu tranh cãi người ta sẽ mất chẳng biết bao nhiêu thì giờ, trong khi kỳ hạn chỉ còn chưa đến hai giờ nữa. Từ Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Obama đang chực chờ tươi cười đón nhận để ký ban hành. Ông hân hoan vì một điều ông không nói ra: Trong trận chiến Obamacare, ông đã ghi thêm một chiến thắng vang dộí!

Chưa bao giờ chúng ta có thể cảm nhận một cách “nồng nàn” như hiện nay ý nghĩa của hai chữ “hết biết”. Một số nhà bình luận vẫn quen sống trong ảo tưởng cao ngạo “biết hết”, nhưng thực tế đang cho một bài học hết sức thấm thía “hết biết”. Người ta không còn nói được gì cả! Và ngày thứ tư giới cá cược quốc tế bắt đầu trò chơi mới: đánh cá xem chuyện gì sẽ xảy ra tại Washington, D.C., trong ngày!

Đến 12 giờ đêm thứ tư, tức bước qua ngày thứ năm 17-10, chính phủ Mỹ đã đến kỳ hạn phải có một mức “nợ trần” mới để có thể tiếp tục thi hành những nghĩa vụ tài chánh của mình, thế nhưng một ngày trước đó, chẳng đâu vào đâu. Chẳng ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra trong 24 giờ tới, và cuối cùng, nước Mỹ có bị ê mặt vì “vỡ nợ” hay không.

Shutdown là chính phủ có tiền mà không tiêu được vì không được làm gì cả. Đó là một tai họa cho người dân, cho nền kinh tế, nhưng tai họa này chẳng thấm tháp gì với chuyện “default” - vỡ nợ. Chính phủ không có tiền cho nên không thanh toán những khoản phải trả đáo hạn, và trở thành một kẻ quỵt nợ. Những người nhận lương, tiền trợ cấp của chính phủ, An sinh Xã hội, tem phiếu thực phẩm… có đủ lý do để lo ngại. Những người từng được chính phủ vay cũng ôm giấy nợ mà khóc. Người ta nói đến sự sụp đổ của thị trường chứng khoán toàn cầu, sự trở lại của suy thoái toàn cầu, lãi suất gia tăng, vài ngân hàng sụp đổ, các quỹ đầu tư an toàn cũng bị điêu đứng… Chuyện đóng cửa và vỡ nợ tai hại đến như thế, mà đều là những chuyện tránh được cả, hay là những cái họa tự chuốc lấy, cho nên người ta có lý khi nói những nhà chính trị của Mỹ điên cả, ngu cả, ác độc cả. Đúng là “ma đưa lối, quỷ dẫn đường, cứ tìm những chốn đoạn trường mà đi”.

Tối thứ ba, người ta có cảm tưởng đứng sát hơn bao giờ hết trước bờ vực phá sản của chính phủ liên bang, bởi vì sau một ngày làm việc ròng rã, Hạ Viện vẫn không tìm ra được một giải pháp để mở cửa lại chính phủ sau cả hai tuần phải ngưng hoạt động đồng thời gia tăng mức nợ tối đa chính phủ được phép vay. Đúng hơn là ông chủ tịch Hạ Viện người Cộng Hòa John Boehner đã không lãnh đạo được người trong đảng của mình để cho họ chấp nhận một giải pháp bình thường hóa trở lại – dù chỉ tạm thời – hoat động của chính phủ. Bởi vậy sự lạc quan mà Thượng Viện đã tạo ra từ chiều thứ hai là đã thấy ánh sáng chỉ lối ra chỉ là một ảo tưởng có lẽ vừa tự lừa dối mình, và có thể nhằm cả lừa dối người.

Sau khi ông John Boehner, chủ tịch Hạ Viện, tối thứ ba tuyên bố “đầu hàng” vì không kiếm đủ sự ủng hộ cần thiết của những người Cộng Hòa của ông (ông cần tối thiểu 217 nhưng chỉ có được khoảng 190 vì ít nhất đến 40 người tẩy chay) chấp thuận một kế hoạch để cho chính phủ hoạt động trở lại và được phép vay nợ để thanh toán những khoản chi trả tới hạn, những người lãnh đạo đảng Dân Chủ và Cộng Hòa tại Thượng Viện ngay tức thì bắt đầu thương thuyết trở lại để kiếm một giải pháp lưỡng đảng, và một lần nữa người ta lại nói một thỏa hiệp là “trong tầm tay”.

Có lẽ những người ở Thượng Viện cần nuôi dưỡng hy vọng và lạc quan để sống và làm việc. Thực tế trong thâm tâm, có lẽ người ta biết thì giờ đang cạn dần và chẳng đủ cho sự hình thành một giải pháp giành được sự ủng hộ của cả hai viện, cả hai đảng, cả hai ngành lập pháp và hành pháp để Tổng thống Obama có thể gượng cười ký ban hành – nếu một giải pháp như thế là có thể kiếm ra.

Theo thỏa hiệp sơ bộ tại Thượng Viện giữa ông Harry Reid, lãnh tụ phe đa số Dân Chủ, và ông Mitch McConnell, lãnh tụ phe thiểu số Cộng Hòa, chính phủ sẽ được cấp kinh phí cho đến ngày 15-1 sang năm và mức nợ cũng được gia hạn đến ngày 7-2. Những nhà thương lượng của Hạ Viện và Thượng Viện cần phải đạt được thỏa thuận trên nguyên tắc về một kế hoạch chi tiết về công chi và thu ngân sách (thuế) cho thập niên tới trước ngày 13-12. Một đề nghị đình hoãn việc áp đặt một thuế đánh trên những dụng cụ y khoa đã được hủy bỏ trong đề nghị mới này, cũng như một khoản thuế phức tạp đánh vào những công đoàn và doanh nghiệp tự bảo hiểm tham dự vào thị trường giao dịch bảo hiểm. Phần còn lại cho những người Cộng hòa là ngôn ngữ siết lại việc kiểm tra thu nhập cho những người xin được trợ giá để mua bảo hiểm, nhưng ngôn ngữ này cũng còn đang được bàn cãi.

Nhưng trong một ngày thứ tư 16-10, làm sao người ta có thể tham vọng làm hết tất cả mọi chuyện (Thượng Viện thông qua, chuyển cho Hạ Viện; Hạ Viện thông qua, chuyển cho Tổng thống Obama ký ban hành trước 12 giờ đêm)? Những phần tử quen phá đám thuộc Tea Party trong đảng Cộng Hòa như Thượng nghị sĩ Ted Cruz của Texas hay Thượng nghị sĩ Mike Lee của Utah có thể lên diễn đàn để diễn lại tấn tuồng “filibuster” - nói liên tu bất tận, khiến cho đến thứ sáu Thượng Viện mới kiếm đủ 60 phiếu để cắt đứt chuyện bàn cãi và tiến hành bỏ phiếu đối với kế hoạch này. Lúc đó đã trễ! Ví dụ như Thượng Viện trấn áp được những phần tử phá hoại này và thông qua được kế hoạch trong ngày thứ tư, liệu ông Boehner ở Hạ Viện có chịu đưa dự luật của Thượng Viện ra biểu quyết chăng, và nếu ông can đảm đưa ra, dự luật có được thông qua hay chăng. Muốn cho Hạ Viện ủng hộ một biểu quyết như thế của Thượng Viện, những người Dân Chủ tại Hạ Viện chẳng những cần đồng lòng mà còn phải lôi kéo được sự ủng hộ của vài chục dân biểu Cộng Hòa “ly khai”. Chúng ta cứ nhớ lại những ngày trước kỳ hạn 1-10 (là kỳ hạn phải thông qua ngân sách cho năm tài chánh mới), Hạ Viện và Thượng Viên cứ chơi trò mạnh ai nấy thông qua luật riêng của mình, bác bỏ ngay tức thì luật của viện kia chuyển đến. Liệu chuyện này có khả năng tái diễn chăng?

Vấn đề chính là ở chỗ ai cũng biết là điệu tango cần phải có hai người lả lướt. Muốn có giải pháp lập pháp thì phải có sự đồng thuận giữa hai viện. Thế nhưng sự đồng thuận này thực chất lại tùy thuộc vào “bản tango cuối cùng” giữa hai đảng. Trên sàn nhảy có vẻ như Dân Chủ hay Cộng Hòa chẳng bên nào muốn ra.

Bởi thế, câu chuyện “shutdown” và “debt limit” hiện nay có thể được hiểu tóm tắt như sau: Trong tháng 10 này, chính phủ đứng trước hai kỳ hạn then chốt là 1-10 (ngày bắt đầu của năm tài chánh mới cần có ngân sách mới) và 17-10 (ngày mức nợ tối đa mà chính phủ được phép vay đã đụng trần và chính phủ cần được Quốc Hội cho phép để nâng mức này lên để có thể vay mượn được thêm). Khối bảo thủ trong đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện, nhất là nhánh “thập tứ nhân bang” Tea Party của đảng, đã xem đây là cơ hội cuối cùng để triệt phá Obamacare, nên rắp tâm dùng hai kỳ hạn này để mở ra một cuộc tổng tấn công: nếu chính phủ muốn có ngân sách, muốn được tăng mức nợ trần, thì phải chịu cắt kinh phí toàn bộ cho chương trình cải tổ hệ thống y tế này (về sau, phía Cộng Hòa cứ lùi bước dần, đưa ra những đòi hỏi “khiêm tốn “ hơn, được nói là để “giữ mặt”: hoặc chịu đình chỉ thi hành điều luật then chốt của luật này 1-2 năm, hoặc bãi bỏ một vài khoản thuế liên quan đến luật…). Tổng thống Obama và đảng Dân Chủ bác bỏ hoàn toàn những đòi hỏi này với nhiều lý do có tính “nguyên tắc”: họ không đời nào để Cộng Hòa đụng tới Obamacare; họ không chịu tiếp diễn mãi những phương pháp thương thảo chính trị theo kiểu mafia bắt cóc, đòi tiền chuộc, đổi chác những thứ không thể đổi chác được, và; họ tin rằng dư luận đang ngày càng nghiêng về phía họ và qui trách phần lớn hơn cho đảng Cộng Hòa trong cuộc khủng hoảng này, bởi thế người Dân Chủ cũng xem đây là thời cơ mở trận đánh ngược lại vào Tea Party. Theo thăm dò mới nhất được tờ Washington Post/ABC News phối hợp thực hiện, mức độ bất bình của người dân về trách nhiệm của đảng Cộng Hòa trong cuộc khủng hoảng hiện nay đang lên mức cao nhất là 74%, so với chỉ 63% cách đây ba tuần và 70% cách đây một tuần. Công luận cũng qui trách cho đảng Dân Chủ, nhưng chỉ ở mức 61% - không đổi so với tuần trước đây và cao hơn mức ba tuần trước là 56%. Đối với ông Obama, người ta cũng trách ông nhiều hơn trước, nhưng sự gia tăng không đáng kể (từ 50% đến 51% và 53% hiện nay). Tuy nhiên, con số tán đồng cách xử sự của ông lại gia tăng từ 41% lên 42% cũng trong thời gian đó! Con số tán đồng cho đảng Cộng Hòa chỉ có 21%, và cho đảng Dân Chủ là 33%!

Cũng bởi thế nói rằng chúng ta đang chứng kiến một cuộc nội chiến có lẽ chẳng xa sự thật bao nhiêu. Cách những phần tử Tea Party quyết tâm triệt hạ chính phủ giống như những người Liên hiệp miền nam (confederates) chủ trương ly khai trong cuộc nội chiến cách đây 150 năm, nhất là khi chúng ta nhìn đến những chủ trương lạc hậu của họ chống thuế, thu nhỏ lại chức năng của chính quyền liên bang và phủ nhận trách nhiệm về an lạc xa hội của nhà nước đối với người dân tầng lớp dưới. Cuộc tấn công vào Obamacare trên hai mặt trận “shutdown” và “debt limit” có tính cách quyết tử, một mất một còn, lại vừa có tính khủng bố người dân, phá hoại chính quyền, phảng phất tinh thần “tử vì đạo” của Al Qaeda. Thượng nghị sĩ kỳ cựu của đảng Cộng Hòa John McCain của tiểu bang Arizona đã lên tiếng cảnh cáo: “Tình hình rất nghiêm trọng, cực kỳ nghiêm trọng. Những người Cộng Hòa cần hiểu rằng chúng ta đã thua trận này, như tôi đã tiên đoán trước mấy tuần trước đây, chúng ta không thể chiến thắng vì chúng ta đòi hỏi một chuyện không thể có được”. Chính ông Ted Cruz cũng thú nhận: Biết đánh là thua, nhưng cứ đánh.

Nhưng những người Cộng Hòa trên Thượng Viện may thay còn khác những người đồng đảng ở viện dưới. Đó cũng là lý do vì sao những người Cộng Hòa trên Thượng Viện trong hai ba ngày đầu tuần đã nôn nả tìm cách kết hợp với người Dân Chủ để cố có một biểu quyết của Thượng Viện sáng thứ tư. Còn phía Dân Chủ, nay họ hành động như chính phủ liên bang trong nội chiến. Chấm dứt thỏa hiệp. Thách đố đảng Cộng Hòa tìm một giải pháp nội bộ cho chính họ. Và từ vài ngày qua, đã có những ý kiến về số phận tốt nhất cho Tea Party phải là thế nào? Cử tri phải tống họ đi trong bầu cử sang năm? Đảng Cộng Hòa phải kiềm soát, trấn áp phong trào này môt cách hữu hiệu, không để cho họ tự do thao túng và làm cho đảng mất lãnh đạo, mất phương hướng? Tea Party nên đứng ra lập một đảng riêng để thực sự biết xem sự ủng hộ Tea Party có trong dân chúng đến đâu?

Đến trưa thứ tư, Thượng Viện đã gieo “hỉ tín”. Nhưng liệu Hạ viện sẽ làm gì chiều hay tối thứ tư? Và cho dù may ra Hạ Viên suy nghĩ lại, liệu thời gian còn lại có đủ cho Tổng thống Obama ký ban hành luật ngân sách kịp thời trước đêm thứ tư này hay chăng?

Nhiều câu hỏi quá mà chẳng có câu trả lời nào chắc chắn. Chỉ có thời gian mới trả lời được!

Đúng là hết biết!

No comments:

Post a Comment