10/1/13

Nội Chiến Syria Thực Chất Là Một Cuộc Chiến Tranh Tôn Giáo Nên Mỹ Đứng Ngoài Xem Chơi

Tác giả : Trúc Giang MN

1* Mở bài

http://www.vietbao.com/D_1-2_2-67_4-214335/
Chung quy, nội chiến Syria là một cuộc chiến tranh tôn giáo và trở thành con cờ của Nga và Mỹ.
Biến động Syria khởi đầu bằng cuộc đấu tranh chống độc tài của chế độ Bachar al-Assad qua những cuộc biểu tình của quần chúng, chịu ảnh hưởng của cách mạng hoa lài ở Tunisia. Thế rồi những cuộc giao tranh giữa quân chính phủ và phe nổi dậy trở thành cuộc chiến tranh tôn giáo, giữa hai phe Hồi Giáo Shiite của đảng Baath thuộc al-Assad và phe Sunni của Huynh Đệ Hồi Giáo, lãnh đạo phe nổi dậy. Hồi Giáo Shiite của Iran và Hồi giáo Shiite Hezbollah nhảy vào bảo vệ Assad. Hồi giáo al-Qaeda gia nhập phe nổi dậy chống Assad.

Hồi Giáo đánh Hồi Giáo nên Hoa Kỳ đứng ngoài xem chơi, vì Hồi Giáo nào cũng coi Mỹ và văn minh Tây phương là kẻ thù. Đó là lý do Hoa Kỳ không tích cực viện trợ cho phe nổi dậy, hơn nữa, Hồi Giáo nào chiến thắng cũng không mang dân chủ tự và do đến cho dân chúng. Phe nổi dậy chiến thắng sẽ lập chế độ độc tài tôn giáo như ở Ai Cập hoặc một cuộc nội chiến khác sẽ xảy ra, vì phe nổi dậy có nhiều thành phần mâu thuẩn không thể hòa giải với nhau được, tranh chấp xảy ra, và một chế độ độc tài khác sẽ được thành hình để trấn áp các phe chống đối nhau.
Sau khi chế độ Assad xử dụng vũ khí hoá học ngày 21-8-2013, Hoa Kỳ tung ra một đòn gió hù dọa sẽ tấn công Syria. Đòn gió của tổng thống Obama quá ư lợi hại, khiến cho Bashar al-Assad phải thú nhận có sở hữu vũ khí hoá học và cam kết sẽ giao nộp để phá hủy. Đòn gió còn làm mất mặt tổng thống Putin, vì ông nầy luôn luôn cho rằng Syria không có vũ khí Sarin.
Đánh Syria thì dễ, nhưng bảo vệ các đồng minh sau đó mới khó khăn và tốn kém. Nga có khả năng dùng Iran và al-Assad quậy phá trong khu vực, gây bất ổn cho những đồng minh nhỏ của Mỹ như Jordan, Qatar, Kuwait, Thổ Nhỉ Kỳ, Saudi Arabia và Do Thái. Nga bán hỏa tiễn S-300 cho Iran và Syria là mối đe dọa thực sự cho những đồng minh nầy.
2* Nội chiến Syria mang tính chất một cuộc chiến tranh tôn giáo
Gia đình Assad thuộc đảng Ba’ath của hệ phái thiểu số Shiite, dùng chế độ độc tài quân sự, gia đình trị ở Syria. Quần chúng bị trị đa số thuộc hệ phái Hồi Giáo Sunni, mâu thuẫn căn bản phát xuất từ đó.
Shiite cai trị ở Iran ủng hộ và bảo vệ Shiite cai trị ở Syria. Shiite Hezbollah ở Li Băng (Lebanon) đến Syria chiến đấu bảo vệ Shiite của Assad.
Nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo (HĐ/HG) (Muslim Brotherhood-MB) lãnh đạo cuộc nổi dậy ở Syria được đa số dân Sunni ủng hộ và tham gia. Trước kia, HĐ/HG của cựu tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi ủng hộ HĐ/HG nổi dậy ở Syria.
Tờ báo Le Monde của Pháp nêu nhận xét, nước Nga, ngoài quyền lợi kinh tế và ảnh hưởng chính trị ở Syria, Nga cũng có mục đích bảo vệ và tăng cường thế lực cho Shiite ở Iran và Syria để chế ngự phe Hồi Giáo Sunni đang lớn mạnh trong khu vực lân cận của nước Nga.
Nói chung, nội chiến Syria mang đậm nét của một cuộc chiến tranh tôn giáo, trong đó Shiite đánh nhau với Sunni.
Tổng thống Mỹ cho biết, cuộc tấn công Syria không có mục đích lật đổ chế độ Assad, mà cũng không làm thay đổi cuộc diện quân sự của hai bên, có nghĩa là hai phe Hồi Giáo còn giữ được nội lực để tiếp tục đánh nhau. Hôm thứ sáu 20-9-2013, Phó thủ tướng Syria, ông Qadri Jamil, nói với báo Anh The Guardian, rằng cuộc nội chiến đang ở trong tình trạng bất phân thắng bai, không có bên nào đủ mạnh để chiến thắng.
Hồi Giáo nào cũng coi văn minh Tây phương và Hoa Kỳ là kẻ thù, cho dù bên nào thắng trận thì Syria cũng không có được một chế độ dân chủ tự do thật sự tốt đẹp hơn, cho nên Hoa Kỳ khoanh tay đứng nhìn xem họ đánh nhau.
3* Kho vũ khí hoá học của Syria có thể lên tới hàng ngàn tấn
Các cơ quan tình báo Tây phương tin rằng chế độ Assad có kho vũ khí lớn nhất thế giới, gồm các chất sarin, khí mù tạt, và chất làm tổn thương thần kinh VX.
Hôm thứ sáu 20-9-2013, Syria đã nộp những dữ liệu về vũ khí hoá học cho Tổ Chức Cấm Vũ Khí Hoá Học OPCW (The Organisation for the Prohibition of Chemical Weapons-OPCW)
Sang ngày 21-9-2013, Syria cũng trao một danh mục các kho vũ khí hóa học theo đúng hạn định của thoả thuận giữa Nga-Mỹ tại Hội nghị Geneva ngày 14-9-2013. Căn cứ vào hồ sơ, các chuyên gia đánh giá kho vũ khí nầy thuộc loại lớn nhất khu vực Trung Đông, và có thể lên tới hàng ngàn tấn. Những địa điểm cất giấu là các thành phố Homs, Hama, Latakia và Al-Safir, ngoài ra còn nhiều địa điểm khác trên toàn quốc.

a_syria_tank_fighting_war_resized

Syria hoang tàn, đổ nát.

4* Bằng chứng Assad đã sử dụng vũ khí hoá học
4.1. Mỹ nghe lén vụ tấn công khí độc tại Syria
Hãng tin AFP dẫn nguồn tin của tạp chí Foreign Policy, theo đó: “Thứ tư 21-8-2013, vài giờ sau cuộc tấn công bằng vũ khí hoá học kinh hoàng ở thành phố Ghouta, phía đông thủ đô Damascus, một quan chức của Bộ QP Syria đã có cuộc gọi đầy hốt hoảng với lãnh đạo của đơn vị vũ khí hoá học, yêu cầu trả lời về vụ tấn công bằng chất độc thần kinh khiến cho hơn một ngàn người chết”.
4.2. Em trai Assad tự ý tấn công bằng vũ khí hoá học
Ngày 28-8-2013, tờ Bloomberg dẫn lời một đại diện LHQ, giấu tên, cho biết vụ tấn công bằng vũ khí hoá học ngày 21-8-2013 có thể là do người em trai của Bashar là Maher al-Assad thực hiện. Cuộc tấn công xem như một hành vi tự phát của Maher hơn là quyết định chiến lược của Bashar al-Assad.
Mỹ có bằng chứng vụ nầy qua việc nghe lén điện thoại nói trên.
4.3. Người em bí ẩn của Bashar al-Assad
Maher al-Assad sinh năm 1967 lãnh đạo ba lực lượng chủ yếu của Syria là Sư đoàn Thiết giáp Số 4, Vệ binh Cộng Hòa và Lực lượng du kích chống quân nổi dậy Shabiha. Maher ít khi xuất hiện trước công chúng vì sợ bị ám sát. Cựu đại sứ Mỹ ở Syria, ông Ted Kattouf cho biết, Maher tính khí bốc đồng, hung hăng và tàn bạo, tự cho rằng mình là người bảo vệ chính quyền Syria.
4.4. Tướng Syria tố cáo tội ác của Bashar al-Assad
Thiếu tướng Zaher al-Sakat, người phụ trách vũ khí hóa học của chính phủ Syria, tiết lộ với báo The Sunday Telegraph là chính tổng thống Assad đã ba lần ra lịnh cho ông tấn công vũ khí hoá học vào thường dân,. Ngoài ra, ông tin rằng chính phủ Syria đã gây ra 34 vụ tấn công vũ khí hoá học trước đây.
Tướng al-Sakat đã chạy sang lánh nạn ở Jordan vì đã không tuân lịnh của Bashar al-Assad, tấn công vũ khí hoá học vào khu đông dân cư. Ông cho biết thêm, trước khi có thoả thuận Nga Mỹ ở Geneva ngày 14-9-2013, Assad đã gởi vũ khí hoá học cho Hezbollah tại 4 địa điểm khác nhau ở Lebanon.
5* Báo cáo của Liên Hiệp Quốc
Liên Hiệp Quốc khẳng định vụ dùng khí độc Sarin tại Syria.
Ngày 16-9-2013, đài RFI đưa tin, ông Tổng Thư Ký LHQ, Ban Ki-moon đã trình bày trước Hội Đồng BA/LHQ, là nhóm điều tra đã khẳng định, vũ khí hoá học sarin đã được xử dụng trong ngày 21-8-2013 ở ngoại ô Damascus. Báo cáo không nêu rõ đích danh ai là thủ phạm vì đó không phải là nhiệm vụ của họ.
TTK/LHQ cho rằng đây là một tội ác chiến tranh và thủ phạm phải bị trừng phạt.
Mỹ, Pháp và Anh hoan nghênh báo cáo. Cố vấn An Ninh Quốc Gia Mỹ, bà Susan E. Rice, lên tiếng hoan nghênh báo cáo của LHQ, đó là chất độc sarin được xử dụng với quy mô lớn vào ngày 21-8-2013. Tổ công tác LHQ đã thu thập được vô số bằng chứng, bao gồm rocket đất đối đất, hàng chục mẫu đất, mẫu môi trường và mẫu y-sinh học, đã được thử nghiệm với kết quả dương tính phù hợp với đặc điểm của sarin.
Các chuyên gia LHQ cũng cho biết thêm, ngoài vụ ngày 21-8-2013 còn có 14 vụ khác đã xảy ra từ tháng 9 năm 2011. Rõ ràng thủ phạm là Al-Assad. Thế nhưng Nga phản đối bản Báo Cáo. Đại sứ Nga ở LHQ là Vitaly Churkin tuyên bố: “Hiện chưa có thể bác bỏ rằng phe đối lập đã xử dụng vũ khí loại nầy”.
6* Tây phương quyết định tấn công trừng phạt Syria
6.1. Quyết định của Mỹ, Anh và Pháp
Sau khi có bằng cớ chính xác về việc chế độ Assad đã xử dụng vũ khí hoá học giết chết 1,429 người, trong đó có 426 trẻ em vào ngày 21-8-2013 ở thành phố ngoại ô thủ đô Damascus, Mỹ và các đồng minh khẩn trương chuẩn bị tấn công trừng phạt chế độ Assad.
Thủ tướng Anh, David Cameron, tuyên bố: “Thế giới không thể khoanh tay đứng nhìn sự vi phạm một hiệp định toàn cầu đã tồn tại trên một trăm năm (OPCW thành lập năm 1925). Về mặt đạo đức, việc xử dụng vũ khí hóa học nầy không thể bào chữa được vì nó hoàn toàn sai trái. Bất cứ hành động quân sự nào, nếu có, cũng đều hợp pháp cả”.
Tổng thống Mỹ đã từng tuyên bố: “Việc xử dụng vũ khí hoá học là lằn ranh đỏ, nếu Syria vượt qua giới hạn đó thì Mỹ sẽ can thiệp. Nếu không thì các bạo chúa và khủng bố sẽ xử dụng vũ khí nầy để sát hại thường dân và binh sĩ Mỹ”.
Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố: “Pháp tham chiến, bất chấp công luận”.
6.2. Tây phương bày binh bố trận
1). Hoa Kỳ triển khai lực lượng.
- 4 khu trục hạm: USS Gravely, USS Ramage, USS Barry và USS Mahan hiện đang có mặt ở Địa Trung Hải
- Hỏa tiễn hành trình (Cruise missile) Tomahawk cũng sẽ được phóng từ các tàu ngầm.
- Các căn cứ KQ/HK ở Thổ Nhỉ Kỳ và Jordan sẽ được xử dụng để thực hiện cuộc không kích.
- Hai hàng không mẫu hạm USS Nimitz và USS Harry S. Truman hiện đang có mặt ở Trung Đông.
2). Lực lượng của Anh
- Hoả tiễn hành trình sẽ được phóng từ tàu ngầm thuộc lớp Trafalgar là HSM Illustrious. (HMS=Her Majesty’s Ship. Tàu của Hoàng Gia Anh)
- Các tàu khu trục HMS Montrose và HMS Westminster hiện có mặt trong khu vực, ở căn cứ Hải quân của Hoàng gia Anh Akrotiri trên đảo Sip (Cyprus) cũng sẽ được xử dụng.
3). Lực lượng của Pháp
- Hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle đang thả neo ở Địa Trung Hải.
- Phi cơ chiến đấu Rafale và Mirage đang hoạt động ở phi trường Al-Dhahra của Tiểu Vương quốc Á Rập Thống Nhất (United Arab Emirates)
6.3. Mục đích của cuộc tấn công
Các cuộc tấn công từ xa bằng hỏa tiễn hành trình Tomahawk. Mục tiêu có thể là các địa điểm quân sự quan trọng như các cơ quan đầu não, các đơn vị tinh nhuệ, cơ sở sản xuất hỏa tiễn, các vị trí phòng không, các trung tâm chỉ huy, các phi trường và các cơ quan tình báo… Bên cạnh cuộc tấn công hỏa tiễn, 10 quốc gia phương Tây và Á Rập còn dự trù một chiến dịch trên không nhằm thiết lập một vùng cấm bay trên không phận Syria, thiết lập vùng trái độn bên trong lãnh thổ Syria, bảo vệ an toàn cho Thổ Nhỉ Kỳ, Jordan để tiếp tế và cứu trợ cho người Syria tỵ nạn.
Cuộc tấn công sẽ tránh xa các cơ sở sản xuất vũ khí hoá học để ngăn ngừa hoá chất rò rỉ gây nguy hiểm cho thường dân.
Chiến dịch tấn công có giới hạn, không nhằm mục đích lật đổ tổng thống Bashar al-Assad mà cũng không làm thay đổi cục diện của cuộc chiến giữa hai bên.
6.4. Phản ứng của Nga
Nga cảnh báo, can thiệp quân sự vào Syria sẽ mang lại “hậu quả vô cùng thảm khốc”.
Nga triển khai lực lượng quân sự gồm 16 tàu chiến và một số tàu ngầm ở Địa Trung Hải, không phải để đương đầu với Mỹ và Tây phương, vì lực lượng như thế là quá yếu so với Mỹ và đồng minh.
Nga có hai mục đích:
1. Thành lập một tuyến đường an toàn trên biển để vận chuyển vũ khí viện trợ cho Assad.
2. Thành lập một trạm báo động sớm để thông báo cho Assad biết khi nào hỏa tiễn Mỹ được phóng đi.
7* Đòn gió hù dọa của Hoa Kỳ
7.1. Hù dọa
1). Mỹ sẵn sàng hành động
Ngày 27-8-2013, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho biết, nếu như tổng thống Obama ra lịnh tấn công, thì quân đội lập tức hành động ngay.

2). “Syria sẽ hứng 100 hoả tiễn trong 48 giờ sắp tới”.
Ngày thứ tư 28-8-2013, theo những nguổn tin quân sự và ngoại giao, thì Syria sẽ phải hứng chịu 100 hoả tiễn Tomahawk liên tục trong 48 giờ sắp tới. Cuộc tấn công sẽ kéo dài trong hai ngày.
Đại tướng Mỹ Martin E. Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng (Chairman of the Joint Chefs of Staff-CJCS) và Tư lệnh lực lượng vũ trang Anh, Nick Houghton, đã phát thảo kế hoạch chi tiết cuộc tấn công với những người đồng nhiệm của 10 quốc gia khác.
3). “Ngày mai Anh Pháp, Mỹ sẽ dội bão lửa xuống Syria”
Ngày 28-8-2013, một quan chức cao cấp Mỹ tiết lộ với đài NBC, cuộc tấn công có giới hạn bằng hỏa tiễn hành trình Tomahawk vào Syria, sẽ bắt đầu từ ngày 29-8-2013 và kéo dài trong ba ngày với mục đích gia tăng áp lực quốc tế với Syria.
7.2. Chỉ là đòn gió
Hoa Kỳ rầm rộ bày binh bố trận, phô trương lực lượng, quân đội sẵn sàng tấn công vào ngày 29-8-2013, thế nhưng thời hạn ấn đã qua trong im lặng. Từ đó, có thể nói rằng đó chỉ là một đòn giá, hù dọa và thấu cấy Nga và Syria.
Sau đây là những sự kiện cho thấy đó là đòn gió:
1. Động thái bất thường về binh pháp. Bất thường là công khai tuyên bố ngày giờ phóng hỏa tiễn, đồng thời phổ biến bản đồ vị trí của 50 địa điểm sẽ bị tấn công.
2. Tổng thống Barack Obama câu giờ. Trước kia, khi đánh Muammar Gaddafi của Libya, tổng thống Obama không hỏi ý kiến Quốc hội trước, mà chỉ báo cho Thượng viện sau khi đã tấn công. Nhưng lần nầy lại khác, tổng thống hỏi ý kiến Quốc Hội và biết rằng Thượng Viện chỉ họp lại trong ngày 9-9-2013.
Câu giờ thêm. Đó là việc Tổng thống hỏi ý kiến quần chúng Mỹ và việc ngoại trưởng John Kerry đi vận động thế giới ủng hộ cuộc tấn công…
7.3. Đòn gió của Mỹ lợi hại thật
Đòn gió hù dọa và thấu cấy của tổng thống Obama vô cùng lợi hại, khiến cho Al-Assad phải run sợ mà thú nhận, đã có kho vũ khí hoá học và đồng ý giao nạp để phá hủy. Đương nhiên đó là chỉ thị của Putin.
Thú nhận như thế cũng làm mất mặt tổng thống Nga Putin không ít, vì ông nầy luôn mạnh mìệng khẳng định là Assad không có loại vũ khí hoá học, kế đến cho rằng chính phe nổi dậy xử dụng vũ khí giết người hàng loạt đó. Nói ẩu và tráo trở.
8* Kế hoạch lừa bịp của Nga
8.1. Kế hoạch bốn giai đoạn của Nga
Ngày 12-9-2013, nhật báo Kommersant của Nga tiết lộ kế hoạch bốn giai đoạn để kiểm soát và phá hủy kho vũ khí hóa học của Syria.
Bốn giai đoạn là:
1. Thứ nhất. Syria phải gia nhập Tổ chức Cấm Vũ khí Hoá học OPCW (The Organisation for the Prohibition of Chemical Weapons-OPCW)
2. Thứ hai. Chính quyền Syria phải báo cáo địa điểm cất giấu các loại vũ khí nầy.
3. Thứ ba. Phải ghi rõ các loại vũ khí đó được sản xuất từ đâu.
4. Thứ tư. Chính quyền Assad cùng với các thanh tra quốc tế sẽ thảo luận để thống nhất một giải pháp để phá hủy kho vũ khí hoá học của Syria.
Nói chung, kế hoạch nầy chỉ là một mánh khóe gian lận và câu giờ, để Al-Assad có đủ thời gian tẩu tán kho vũ khí hoá học nẩy.
Tổng thống Bashar al-Assad cho biết cần thời gian một năm và cần phải có một tỷ USD để phá hủy hoàn toàn các loại vũ khí hoá học của Syria.
8.2. Syria di chuyển vũ khí hoá học sang Li Băng, Iran và các tàu chiến của Nga
Ngày 12-9-2013, tờ Wall Street Journal dẫn lời của quan chức Mỹ, xin giấu tên, cho biết, một đơn vị quân đội có tên là “Đơn vị 450” đã bí mật di chuyển các loại vũ khí hoá học đến hàng chục địa điểm nhỏ hơn, ngoài ra, trên nước Syria có 50 địa điểm cất giấu loại vũ khí nầy.
Ngày 13-9-2013, trả lời phỏng vấn đài CNN, tướng Salim Idris, thuộc phe nổi dậy cho biết: “Chúng tôi có thông tin rằng chính quyền Syria đang chuyển các loại vũ khí hoá học sang Li Băng và Iran. Việc nầy cực kỳ nguy hiểm. Kế hoạch bốn giai đoạn của Nga là dối trá mà Vladimir Putin và Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov đang bày trò”.
Ngày 16-9-2013, tờ báo Al-Watan của Saudi Arabia nói rằng Al-Assad đã bí mật chuyển vũ khí hoá học cho Hezbollah, giấu trong những xe chở rau, đưa đến những khu vực rừng núi do Hezbollah kiểm soát ở Li Băng. Ngoài ra, phe nổi dậy cũng cho biết vũ khí giết người hàng loạt nầy cũng được chuyển đến những tàu chiến của Nga đang neo đậu ngoài khơi Syria.
Các cơ quan tình báo Mỹ và Do Thái tin rằng họ đã biết rõ vị trí hầu hết các kho vũ khí hoá học của Syria, nhưng một quan chức cao cấp Mỹ cho rằng: “Những gì chúng tôi biết cách đây 6 tháng đã khác xa so với hiện tại”. So sánh như thế thì ông nầy cũng biết vị trí của các kho hiện tại.
8.3. Vô cùng nguy hiểm khi vũ khí hoá học lọt vào tay Hezbollah
1). Tổng quát về Hezbollah
Hezbollah là một tổ chức chính trị vũ trang của người Li Băng (Lebanon) theo Hồi Giáo hệ phái Shiite, được Iran và Syria hỗ trợ tài chánh và vũ khí, với mục đích là tấn công Do Thái và Mỹ.
Lãnh đạo tinh thần của Hezbollah là Ayatollah Muhammad Hussein Fadlalah và Tổng thư ký là Sheik Hassan Nasrallah.
2). Hezbollah đã tấn công vào Hoa Kỳ
Chính phủ Mỹ cáo buộc Hezbollah đã thực hiện các vụ tấn công vào Mỹ như sau:
1. Ngày 23-10-1983. Tấn công xe bom ở Beirut (Thủ đô Lebanon) giết chết 248 TQLC Mỹ và 52 lính Pháp.
2. Tháng 4 năm 1983. Đánh bom vào toà đại sứ Mỹ ở Beirut làm 63 người thiệt mạng.
3. Tháng 9 năm 1984. Đánh bom vào toà đại sứ Mỹ lần thứ hai, làm chết 22 người.
4. Bắt cóc, tra tấn và thủ tiêu trạm trưởng CIA Trung Đông là William Buckley và đại tá Bộ binh William Giggins.
5. Bắt cóc, tra tấn và thủ tiêu đại tá TQLC William Higgins khi ông nầy phụ trách hợp tác với LHQ ở Beirut năm 1988. Xác đại tá bị ném ra thùng rác gần một bịnh viện ở Beirut.
Với những hành động khủng bố như thế, vũ khí hoá học lọt vào tay Hezbollah thì thật là vô cùng nguy hiểm đối với thường dân và binh sĩ Mỹ.
9* Quyền lợi của Nga và Mỹ ở Syria
9.1. Quyền lợi của Nga ở Syria
Nga có quyền lợi kinh tế trong việc bán vũ khí cho Al-Assad.
Nga cần bảo vệ căn cứ quân sự ở nước ngoài duy nhất của họ là cảng Tartus của Syria. Vì thế, Nga tích cực bảo vệ cho chế độ Assad. Nếu phe nổi dậy thắng trận thì Nga phải cuốn gói ra đi không hẹn ngày tái ngộ với chế độ mới ở Syria. Mất Syria đưa đến suy yếu và có thể mất cả Iran. Nếu không bảo vệ được Assad, thì cố tạo một chính phủ liên hiệp trong có thành phần thân Nga.
Bảo vệ Assad để còn hiện diện ở Trung Đông, như thế còn giữ được vai trò một cường quốc trong việc giải quyết khủng hoảng quốc tế. Putin muốn ngoi đầu lên sau khi Liên Xô thảm bại và sụp đổ.
9.2. Quyền lợi của Mỹ ở Syria
Hoa Kỳ không có quyền lợi kinh tế nào đáng kể ở Syria cả. Mục đích quan trọng nhất của Hoa Kỳ là bảo vệ kho vũ khí hoá học, để không bị lọt vào tay khủng bố, mà cụ thể là hai tổ chức khủng bố quốc tế đang hiện diện ở hai phe đối nghịch nhau tại Syria là Hezbollah và Al-Qaeda. Và hiện tại, đã có tin tức về việc Bashar al-Assad đã di chuyển vũ khí hoá học sang Li Băng ở khu vực do Hezbollah kiểm soát.
Về chiến lược toàn cầu của Mỹ, là ngăn chặn sự bành trướng của Nga ở Trung Đông, nhưng đó là chiến lược dài hạn có thể tạm thời gác qua một bên.
10*. Tấn công Syria thì dễ mà bảo vệ đồng minh sau đó mới khó
10.1. Tấn công thì dễ
Hoa Kỳ và đồng minh Tây phương, với vũ khí hiện đại và lực lượng khổng lồ, đã vượt trội hơn khả năng phòng thủ của Syria. Từ khoảng cách an toàn rất xa, Mỹ phóng hoả tiễn vô cùng lợi hại là Tomahawk khiến cho Assad khó bề chống đở. Như thế, tấn công tương đối dễ và an toàn cao.
10..2. Bảo vệ đồng minh sau đó mới khó
Những đồng minh nhỏ yếu của Hoa Kỳ như Jordan, Qatar, Bahrain, Thổ Nhỉ Kỳ, Saudi Arabia, Kuwait, Tiểu Vương Quốc Á Rập Thống Nhất, rất khó chống đở trước việc quậy phá của Iran, Syria và Hezbollah sau đó.
Iran đe dọa, họ sẽ phóng hoả tiễn vào Do Thái, Jordan, Thổ Nhỉ Kỳ nếu Mỹ tấn công Syria. Iran có khả năng làm được việc đó, nguy hiểm hơn nữa nhất là Nga tuyên bố sẽ giao hỏa tiễn hiện đại nhất là S-300 cho Iran và cả Syria nữa. Nga đã đưa ra cảnh báo là, can thiệp quân sự vào Syria sẽ mang lại “hậu quả thảm khốc”, và Nga có khả năng quậy phá, gây bất ổn cho các đồng minh nhỏ yếu của Hoa Kỳ trong khu vực.
10.3. Mỹ tốn 27 triệu đô la mỗi tuần để nuôi quân ở Địa Trung Hải
Một quan chức Hải quân Mỹ cho biết, Mỹ tốn 27 triệu đô mỗi tuần để nuôi quân ở Địa Trung Hải. Chỉ riêng hai hàng không mẫu hạm phải tốn 25 triệu USD mỗi tuần, tính ra 4 triệu đô la mỗi ngày.
Kế hoạch duy trì áp lực ở khu vực và bảo vệ Jordan là kế hoạch dài hạn, nên tốn kém khá bộn bạc. Hao tài tốn của sẽ làm khó khăn thêm trong việc tấn công trừng phạt Assad.
11*. Mỹ làm gì để bảo vệ kho vũ khí hóa học ở Syria
Sau hơn hai năm (kể từ ngày 15-3-2011) đứng ngoài xem Hồi giáo đánh nhau, Hoa Kỳ bắt đầu huấn luyện và trang bị cho quân nổi dậy, nhằm mục đích bảo vệ kho vũ khí hoá học thời hậu Assad.
Đặc nhiệm Mỹ và CIA tiến vào Syria.
Giữa tháng 8 năm 2013, một số đơn vị của phe nổi dậy, dưới sự chỉ huy của các cố vấn Mỹ, Jordan và Do Thái, đã tiến về thủ đô Damascus, tờ báo Pháp Le Figaro thuật lại như thế.
Mỹ không trực tiếp tham chiến nên đã tổ chức những khoá huấn luyện trong thời gian vài tháng trên lãnh thổ Jordan.
Các chiến binh được lựa chọn kỹ càng để huấn luyện, gồm những người không thuộc Hồi giáo cực đoan như Huynh Đệ Hồi Giáo hay nhóm Al-Qaeda.
Trong cuộc họp tại Toà Bạch Ốc ngày 3-9-2013, tổng thống Obama đã khẳng định với TNS John McCain rằng, sau một thời gian dài trì hoãn, Mỹ đã thực hiện cam kết hỗ trợ các thành phần ôn hòa của phe nổi dậy.
Tờ New York Times đưa tin, một đơn vị quân tinh nhuệ gồm 50 thành viên, đã được các lực lượng đặc nhiệm Mỹ huấn luyện ở Jordan, đang trên đường về chiến trường Syria.
Kế hoạch huyấn luyện và trang bị của Mỹ sẽ làm suy yếu lực lượng HĐ/HG và Al-Qaeda so với phe thân Mỹ trong lực lượng nổi dậy.
12* Nga Mỹ thỏa thuận về về Syria
Nga Mỹ thỏa thuận về việc giải quyết kho vũ khí hoá học của Syria. Chỉ giải quyết về vũ khí hoá học, tức là tiến trình kiểm soát và tiêu hủy loại vũ khí giết người hang loạt nầy thôi, các loại vũ khí khác để đánh nhau không được nói tới. Nói chung Syria trở thành con cờ của Nga và Mỹ.
Ngày 14-9-2013, tại phiên họp ở Geneva (Thụy Sĩ) hai ngoại trưởng Mỹ-Nga là John Kerry và Sergei Lavrov đã đạt một thỏa thuận về việc tiêu hủy vũ khí hóa học Syria vào giữa năm 2014.
Thỏa thuận có 5 điểm:
1. Trong vòng một tuần lễ, Syria phải nộp bản kê khai toàn diện kho vũ khí hoá học. Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã thực hiện đúng thời hạn do Nga Mỹ ấn định.
2. Syria phải cho phép thanh tra LHQ tiếp cận đầy đủ các địa điểm có vũ khí hoá học.
3. Vào cuối tháng 11, thanh tra LHQ sẽ hoàn tất kết quả điều tra
4. Các công tác tiêu hủy vũ khí hoá học phải hoàn thành vào giữa năm 2014.
5. Nếu Syria không tuân thủ kế hoạch thì HĐ/BA/LHQ sẽ có biện pháp trừng phạt về kinh tế hoặc quân sự.
Trong năm điểm chung chung nầy, điểm nào cũng có kẻ hở cho al-Assad gian lận, từ việc kê khai địa điểm, số lượng, đến sự đồng ý về thể thức phá hủy gây tranh cãi, và đến sự nhất trí của HĐ/BA/LHQ ra Nghị Quyết trừng phạt, tất cả đều có kẻ hở để Assad và Nga gian lận. Về việc HĐ/BA/LHQ sẽ ra NQ trừng phạt cũng là một điều lừa bịp, vì trong quá khứ Nga và Trung Cộng luôn luôn phủ quyết việc trừng phạt Syria.
Al-Assad cho biết cần một tỷ USD để tiêu hủy, như vậy điều kiện thực hiện phải cần tiền, nếu Nga Mỹ muốn giải quyết vụ việc đúng thời hạn thì phải đưa tiền ra, không có tiền, không làm được, sẽ là lý do để câu giờ mà tẩu tán vũ khí hoá học.
Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Liên Âu không muốn thi hành việc tấn công, nên đều hoan nghênh thoả thuận nầy có nhiều kẻ hở thuận lợi cho Assad. Riêng Đức, vì đã bán hoá chất cho Syria để chế tạo khí độc nên Đức đã chống lại việc trừng phạt và nhanh chóng ủng hộ thoả thuận.
Vai trò của Trung Cộng bị lu mờ ở Trung Đông, bằng chứng là Nga Mỹ bắt tay nhau giải quyết mà Trung Cộng bị bỏ quên, cho thấy Trung Cộng chỉ có ảnh hưởng trong khu vực châu Á mà thôi. Quyền phủ quyết của Trung Cộng ở HĐ/BA/LHQ cũng không còn tác dụng khi Nga Mỹ thỏa thuận nhau giải quyết vấn đề Syria.
Phản ứng trước thoả thuận của Nga-Mỹ, tướng Selim Idris, thuộc phe nổi dậy, đã chỉ trích bản thoả thuận, cho rằng việc xử dụng vũ khí hoá học là một vi phạm trầm trọng mà không bị trừng phạt. “Thế giới làm ngơ trước sự tàn sát”.
13* Kết luận
Tóm lại, nội chiến Syria mang màu sắc một cuộc chiến tranh tôn giáo, Hồi Giao Shiite đánh nhau với Hồi Giáo Sunni, mà phe nào thắng cũng không mang lại cho nước Syria một chế độ tự do, dân chủ tốt hơn chế độ hiện nay. Trái lại, nếu phe nổi dậy chiến thắng sẽ tạo ra cuộc nội chiến khác và kết quả là một chế độ độc tài khác sẽ xuất hiện.
Vì thế, Hoa Kỳ khoanh tay đứng nhìn xem Hổi giáo đánh nhau suốt hai năm qua.
Để trừng phạt việc chế độ Assad xử dụng vũ khí hoá học, Hoa Kỳ bày binh bố trận mà không đánh cho thấy đó chỉ là một đòn gió hù doạ và thấu cấy đối với Assad và Putin. Đòn gió lợi hại thật, làm cho Syria hoảng hồn hoảng vía thú nhận và kê khai kho vũ khí hóa học. Assad tự thú làm cho Putin mất mặt không ít, vì trước kia luôn cho rằng Assad không có vũ khí hoá học.
Tổng thống Barack Obama tuyên bố sẽ trừng phạt việc xử dụng vũ khí hoá học, nhưng khi nó được xử dụng giết chết hàng ngàn người thì ông lại bán cái cho Quốc Hội, và Quốc Hội sẽ chịu trách nhiệm trong việc không trừng phạt Syria. Trong trường hợp bắt buộc phải trừng phạt để giữ lời hứa, giữ thể diện, và không tạo ra một tiền lệ là xử dụng vũ khí giết người hàng loạt mà không bị trừng phạt, Tổng thống Obama có tìm nại ra một lý do nào đó, phóng “qua loa, đại khái” vài chục quả Tomahawk vào Syria, sau khi đi đêm với Putin thì xong chuyện.
Ngoại trưởng John Kerry tuyên bố: “Tuy nhiên, bước kế tiếp phải là một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Syria”. Tổng thống Obama cũng nói rằng: “Chúng ta không thể giải quyết cuộc nội chiến của người khác bằng vũ lực”.
Hoa Kỳ còn nhiều việc phải chuẩn bị trước sự kiện Bắc Hàn có thể bị sụp đổ theo dự đoán là trong năm tới. Chiến lược châu Á Thái Bình Dương quan trọng hơn Trung Đông, vì Mỹ không có quyền lợi đáng kể nào ở Syria cả, cho nên việc trừng phạt Syria có thể xí xoá bỏ qua, vì hậu quả tai hại của nó rất lớn, cụ thể là tốn kém trong việc bảo vệ đồng nhỏ yếu trong khu vực.
Trúc Giang

No comments:

Post a Comment