Nhắc tới nem chua, không ai biết những chiếc nem đầu tiên có xuất xứ từ đâu. Nhưng, nem chua, dù ở Hà Nội, Thanh Hóa hay Huế, Khánh Hòa… thì đều có sức hấp dẫn không thể cưỡng lại. Ở nem chua có vị chua thanh của thịt, dai giòn của sợi bì, cay của ớt, thơm của tỏi, chát ngọt của đinh lăng hay lá sung, lá ổi… khiến người người chẳng thể nào quên. Nổi tiếng ở Việt Nam như một sản vật phổ biến tại nhiều địa phương, từ Bắc chí Nam, đâu đâu cũng có đặc sản nem chua với những hương vị riêng.
Nem Yên Mạc – thơm mùi lá ổi
“Yên Mạc đặc sản nem chua
Tiệc tùng đình đám thường mua về dùng”
Kỹ thuật làm nem chua của người dân Yên Mạc (Ninh Bình) rất cầu kỳ. Một mẻ nem ngon là loại nem có độ khô, tơi mà vẫn mềm dẻo. Để có được gói nem chất lượng, người ta chọn thịt ở phần đùi mông sau hoặc phần trên dọc theo sống lưng thịt thăn của con lợn. Thịt nạc lọc hết mỡ bạc nhạc bỏ đi. Dùng dao sắc thái từng miếng độ nửa phân, dài 2 - 3 phân, thái đến đâu, dùng sống dao dần nhừ thịt đến đó cho mềm, luyện vào thính. Thái xong thịt gói vào vải sạch đem ép nén chảy bớt nước, nem để lâu mới không bị hỏng. Bì lợn khoanh mặt da vào trong, buộc lại rồi bỏ vào luộc vừa chín, không được nhão, khó thái, bì không ngon. Vớt bì ra, ép cho thẳng, lọc bớt mỡ bạc nhạc đi dùng dao sắc thái mỏng, lạng từng thanh mỏng như tờ giấy, thái nhỏ như sợi cước.
Những chiếc nem, quả nem, được gói bằng lá chuối và lá ổi. Lớp lá trong cùng thường được dùng bằng lá ổi có vị bùi, chát thích hợp; lớp ngoài là lớp áo bằng lá chuối còn tươi, nem được gói vừa phải, không cần chặt quá và kín gió để chóng lên men chua và để được lâu. Dùng lá chuối gói nem để tạo dáng và có màu xanh tươi, bóng bẩy đẹp mắt. Nem chỉ cần để từ khoảng 3 - 4 ngày là ăn được.
Khi ăn nem Yên Mạc, người ta thường chấm thêm với nước mắm chanh ớt pha tỏi, càng tạo thêm vị thơm ngon của món nem nổi tiếng mang tên Yên Mạc – quê hương của vùng đất cố đô xưa.
Nem Thanh Hóa – vị thuốc đinh lăng
Nem chua được xem là món đặc sản của xứ Thanh. Nem chua Thanh Hoá không cần nấu, xào hay luộc mà chỉ đơn giản từ giò sống cùng gia vị là đủ. Giò sống nhất thiết phải từ thịt nạc, ngon, tươi, không dính gân. Cho thêm một chút gia vị, mì chính, đặc biệt là hạt tiêu, thiếu nó sẽ không có cái cay cay đầu lưỡi. Người làm nem quên cho bì luộc thái chỉ coi như không phải là dân Thanh Hoá. Lá đinh lăng, một thứ cây cảnh vừa làm đẹp vừa tạo mùi vị hấp dẫn của nem chua. Nói nem chua nhưng tuyệt nhiên không có chanh, me hay men. Đơn giản nhưng mùi vị lạ, hấp dẫn: chua, cay, ngọt, thơm, bùi...
Nem Đông Ba – ăn chung với tỏi
Nem Huế khác với nem miền Bắc và nem miền Nam ở cách nêm gia vị. Không bao giờ ta gặp một lọn nem Huế lại có một hạt tiêu tròn ở giữa. Các mùi vị đều hòa tan trong lọn nem xinh xắn. Trong lọn nem có đủ mùi vị của thịt nạc lên men chua, da heo xắt nhỏ, thính, nước mắm kho, đường phèn, muối... Thực lòng khó cản được sự háo hức của vị giác khi thấy từng lọn nem chua ửng hồng xếp thành vòng tròn trong lòng đĩa mời gọi!
Nem Chua Đông Ba được làm từ thịt đùi sau của heo, xắt lát cho muối vào quết thật nhuyễn, lấy ra nhồi với da heo, thính, nước mắm kho, tỏi, đường, muối, viên từng viên tròn bằng trái nhãn, vắt cho chặt, lấy lá dung gói kín, buộc lại treo lên hai ngày, nem chín đem dùng với tỏi. Trong cái nắng nhạt của chiều đông xứ Huế, khung cảnh phố cổ đẹp như tranh vẽ với những mái ngói cong vút phủ rêu xanh. Thực khách vừa thưởng thức những cây nem chua màu hồng nhạt với vị chua vừa phải vừa được thả hồn theo những cảnh đẹp nên thơ, cảm giác rất khó diễn tả.
Nem Ninh Hòa – có cặp có đôi
Những người con Khánh Hòa dù đi đâu cũng không thể nào quên được mắm ruột cá ngừ, bánh ướt, bánh xèo, bánh căn… hay là mực ram, cá liệt nấu ngót, mắm ốc xúc Hà Liên, cá lạt nấu canh chua lá me… Nhưng đặc biệt nhất là nem Ninh Hòa. Những chiếc nem chua được mở ra từ xâu nem khoanh tròn có 10 cặp, mỗi cặp 2 chiếc được buộc chặt như đôi vợ chồng son quấn quít vào nhau.
Ở vùng này có giống heo nổi tiếng được nhắc đến trong tục ngữ Việt Nam "Mây Hòn Hèo, heo đất đỏ". Người ta chỉ chọn phần nạc ròng ở hai bắp đùi để làm nem. Thịt mới mổ đang còn nóng, bỏ vào cối giã liền tay không được ngưng nghỉ, vừa giã vừa gia thêm đường, muối vừa đủ, lại phải biết tăng giảm độ giã mạnh nhẹ khác nhau vào thời điểm thích hợp để thịt nhuyễn, có độ dai.
Đối với nem chua, da heo là thứ nguyên liệu quan trọng. Ở Ninh Hòa, người ta luộc da heo vừa chín tới rồi vớt ra để ráo nước, nạo sạch mỡ, lạng mỏng thành nhiều lớp cuộn lại cắt nhỏ như sợi miến. Trộn hai thứ thật nhuyễn vào nhau rồi dùng lá chùm ruột (hoặc lá vông) gói lại. Bên ngoài nem chua được gói thêm lớp lá chuối hột, tạo màu xanh thẩm mỹ cho nem rồi mới cột bằng lạt giang từng chiếc, từng chiếc kết lại thành xâu nem chua, trông thật ngon mắt.
Nem Quảng Ngãi – mát lạnh hương chanh
Quảng Ngãi, vùng quê có nhiều món ngon nổi tiếng: cá bống sông Trà, mạch nha Thi Phổ, đường phèn, đường phổi, don... Và không thể quên món nem chua đã bao đời gắn bó với người dân nơi đây, hiện diện trong mâm cỗ, sính lễ cưới xin, cả trong tiệc trà rượu của người dân quê mến khách.
Để có món nem chua ngon, những bà nội trợ khéo tay thường chọn thịt lợn cỏ, giống lợn nhỏ con được nuôi bằng rau, cám và những thức ăn dư thừa trong gia đình. Lợn vừa mổ, chọn miếng nạc màu hồng rửa sơ qua nước rồi dùng dao thái lát mỏng và nhỏ, bì lợn thái sợi. Sau đó, ngâm vào nước cốt chanh hơn nửa giờ đồng hồ cho thịt chín tái rồi vớt ra vắt ráo nước. Tỏi Lý Sơn băm nhuyễn trộn với muối, tiêu, đường rồi ướp đều với thịt.Tiếp đến, dùng tay vo thịt thành những cục vuông bằng cổ tay trẻ em rồi gói qua với lá chanh non.
Khi ăn, vừa bóc lớp lá chuối xanh là đã hiện ra miếng nem chua với thịt ửng hồng xen lẫn màu trắng của bì lợn và tỏi, điểm những chấm đen của tiêu xay dập trông thật bắt mắt. Dùng đũa gắp miếng nem cuộn vào lá chanh non rồi cho vào miệng thì dẫu thực khách có khó tính đến đâu cũng sẽ gật gù khen ngợi. Hương vị mát lạnh từ lá chanh quyện với vị ngọt từ thịt xen lẫn với đường hòa cùng vị chua của chanh, vị mặn của muối và hương vị cay dịu của tiêu, tỏi cứ đọng mãi nơi đầu lưỡi. Thịt tái chín hơi dai cùng với độ giòn của bì lợn và tỏi làm cho miếng nem “chẳng muốn rời” chân răng.
Nem Lai Vung – ăn với… bánh mỳ
"Lai Vung là xứ lạ lùng
Nem chua mà ngọt, thơm lừng mà say...”
Câu ca dao ấy không chỉ là một lời khen tặng mà như còn có ý muốn thôi thúc những người sành ẩm thực đến với Lai Vung (Đồng Tháp). Nem làm ngon và đúng cách, theo người dân Lai Vung, phải đủ 8 phần thịt, 2 phần bì. Thịt nạc lọc hết gân, mỡ, xắt mỏng cho vào cối, thêm đường, muối vừa đủ và xay nhuyễn. Xay xong cho da heo (bì), thính vào trộn, không quên rắc vài hạt tiêu và miếng tỏi xắt mỏng. Nem được gói vào lá chùm ruột hay lá vông non, bên ngoài bọc một lớp lá chuối. Cột nem bằng dây nylon, kết thành 10 chiếc gọi là xâu nem. Một ngày sau khi gói, nem bắt đầu lên men chua, đến ngày thứ ba thì thật sự “chua” rộ.
Khi tháo ra ăn, nem tạo nên sự hỗn hợp hương vị chua, cay, mặn, ngọt, thêm độ giòn của mấy cọng bì càng tăng vị độc đáo khi thưởng thức. Về làng nghề Lai Vung ta nghe câu ví: “Từng gói, từng gói nếu ai không giỏi thì gói không đều/Từng lá nhỏ tươi bao tròn viên thịt/Để lá ít ít thì nem lâu chua /Để thịt vừa vừa thì nem lâu chín...”. Nem Lai Vung có thể dùng ăn với cơm, bún hoặc dùng tráng miệng nhưng ngon nhất là ăn với bánh mì. Chỉ có ăn với bánh mì mới bộc lộ được hết mùi vị ngon của nem và đã ăn một cái nem rồi thì cứ muốn ăn thêm cái nữa!
Nem chua, tốt hay… hại?
Nhờ các men, chất đạm được cắt nhỏ thành acid amin được hấp thụ trực tiếp và dễ dàng. Đồng thời, quá trình lên men làm tăng hàm lượng một số vitamin. Các thực phẩm giàu đạm lên men là nguồn cung cấp các acid amin, chẳng hạn như nem chua.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, chủ nhiệm đề tài cấp nhà nước "Nghiên cứu các giải pháp công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm", cho biết: "Nem chua là món ăn truyền thống của Việt Nam. Ngoài giá trị dinh dưỡng cao, nem chua còn cung cấp hệ vi sinh vật có lợi (vi khuẩn lactic) có tác dụng tăng cường chức năng miễn dịch, ức chế một số bệnh đường ruột và kích thích tiêu hóa".
Cũng theo bà Thanh Mai, thời gian gần đây người ta thường nói rằng không nên ăn nem chua, nem chua có hại cho sức khỏe, đó là vì hiện nay đa phần nem chua đều làm từ bì, nhưng bì lại không được làm sạch lông, dễ gây viêm đường ruột. Bên cạnh đó, lá đinh lăng, lá ổi dùng để gói nem thường không được rửa sạch nên dễ nhiễm khuẩn, nấm mốc, một số nơi còn dùng chất tạo màu công nghiệp để tạo màu đỏ cho nem. “Người tiêu dùng muốn ăn nem chua, tốt nhất là nên chọn những thương hiệu có uy tín, tin cậy hoặc rõ nguồn gốc, có đăng ký chất lượng và cam kết về vệ sinh sản phẩm. Cẩn thận hơn, các bạn cũng có thể tự làm nem chua ở nhà để thưởng thức," bà Thanh Mai nói.
Tự làm nem chua ăn Tết
Nguyên liệu: Thịt thăn lợn: 200 gr; thịt thăn bò: 150 gr; bì lợn: 100 gr; thính gạo: 1 thìa ăn cơm; đường: 1 thìa ăn cơm; gia vị làm nem chua của Thái (Nam powder seasoning mix): 1/3 gói; hạt nêm: 1 thìa cà phê; nước mắm ngon: 1 thìa ăn cơm; rượu nếp: 1 thìa cà phê; hạt tiêu: 1 thìa cà phê ; tỏi, ớt, bột canh, màng bọc thức ăn (hoặc lá chuối)…
Cách làm:
- Bì lợn mua về cạo rửa sạch sẽ, luộc chín tới với một ít muối rồi thái sợi thật nhỏ. Cho vào bát bì lợn thái nhỏ một ít rượu, dùng đũa trộn đều sau đó đem bì xả qua nước ấm để loại bỏ mùi hôi của bì lợn. Để cho bì ráo nước rồi cắt ngắn khoảng 3 - 4 cm.
- Thịt bò và thịt lợn đem rửa sạch với nước đun sôi để nguội có pha ít muối, sau đó thái miếng nhỏ. Cho thịt vào ngăn đá tủ lạnh khoảng 3 - 4 tiếng cho thịt thật lạnh và đông đá thì lấy ra cho vào máy xay, xay thật nhuyễn.
- Tỏi bóc bỏ vỏ, băm nhỏ một ít, còn một ít thì thái lát. Chia chỗ tỏi băm nhỏ làm 2 phần 1 phần phi vàng, phần còn lại để yên. Ớt rửa sạch, thái lát.
- Cho chung tất cả: bì lợn, thịt xay, thính gạo, đường, mắm, rượu, hạt tiêu, tỏi băm nhỏ, tỏi phi vàng, hạt nêm, bột canh, 1/3 gói gia vị làm nem chua (gói to) vào một bát to. Dùng đũa trộn thật đều tất cả nguyên liệu với nhau rồi để khoảng 1 tiếng thì lại cho tiếp 1/3 gói gia vị nhỏ (có bên trong gói gia vị to) vào, trộn đều.
- Khi đã trộn đều bột ở gói gia vị nhỏ với thịt thì chúng ta nhanh tay cho thịt vào khuôn làm giò xào rồi vặn vít để nén chặt cho thịt kết dính thành cây nem thật chắc. Nếu không có khuôn thì có thể dùng một cái hộp đựng thức ăn hoặc hộp sữa bột. Lót một lớp màng bọc thực phẩm vào đáy rồi cho thịt vào và dùng muôi nén thật chặt.
- Để yên nem chua trong khuôn ở nhiệt độ phòng trong khoảng 17 - 24 tiếng là chúng ta đã có nem để ăn rồi (nếu mùa hè thì thời gian để ăn được nem sẽ rút ngắn hơn). Lấy nem ra khỏi khuôn, cắt miếng vuông nhỏ hoặc miếng dài rồi dùng lá chuối (hoặc màng bọc thực phẩm) gói lại. Nếu thích ăn thêm tỏi và ớt thì bọc thêm vào cùng với nem. Cho nem vào tủ lạnh để bảo quản và dùng dần.
No comments:
Post a Comment