Trần Việt Trình
- Cách đây hơn 34 năm, tối ngày 26 tháng 11 năm 1978, vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga lần đầu tiên được trình diễn tại rạp Cao Đồng Hưng ở Bình Thạnh. Đêm đầu tiên đó vở diễn đã thành công ngoài sự mong đợi của mọi người. Khán giả đến xem chật rạp, nhiều đợt vỗ tay vang dội suốt buổi diễn. Nhưng không ai ngờ rằng, chỉ nửa tiếng sau khi tấm màn sân khấu khép lại thì nữ nghệ sĩ nổi tiếng đóng vai Thái hậu Dương Vân Nga là Thanh Nga và chồng bị bắn chết. Lúc đó hơn 11 giờ khuya, trước cửa nhà, khi 2 vợ chồng nghệ sĩ và con trai còn trong xe, chưa kịp mở cửa bước vào nhà.
Hồi ấy chưa có nhiều phương tiện thuận lợi như hiện nay nên Thanh Nga và chồng là ông Phạm Duy Lân được đưa vào bệnh viện bằng xe xích lô. Chưa tới nơi, nữ nghệ sĩ đã trút hơi thở cuối cùng, ra đi ở cái tuổi 36 lúc tài năng đang rực rỡ. Ông Phạm Duy Lân đã chết trước đó không lâu.
Cái chết của nữ nghệ sĩ Thanh Nga ngày ấy đã gây chấn động Sài Gòn và lan rộng khắp cả nước. Nhiều người hay tin, đứng chết lặng trên hè phố. Đồng bào các tỉnh miền Nam vốn yêu mến cải lương đã khóc hết nước mắt, nguyền rủa kẻ đã nhẫn tâm sát hại hai vợ chồng người nghệ sĩ tài hoa. Thời điểm này sân khấu cải lương của miền Nam đang ở vào thời cực thịnh và nữ nghệ sĩ Thanh Nga đang là ngôi sao sáng chói trên sân khấu cải lương Sài Gòn và cả nước.
Đài BBC và hãng thông tấn Reuter ngày ấy cũng quan tâm đặc biệt đến sự kiện chấn động này. Cả 2 đài đã phát đi những bản tin dài và đặt câu hỏi thế lực nào đứng sau vụ sát hại dã man đó.
Đám tang vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga đã diễn ra trong xót thương và tiếc nuối. Hàng trăm, hàng ngàn người đến chen lấn tiễn đưa người nghệ sĩ tài sắc vẹn toàn cùng người chồng về nơi an nghỉ cuối cùng.
Tưởng cũng nên biết rằng, trước khi bị sát hại, vào tháng 3 năm 1978, khi đang diễn vở tuồng “Tiếng trống Mê Linh” thì một quả lựu đạn được ném lên trên sân khấu nổ tung khiến Thanh Nga bị thương và 2 nhạc công chết tại chỗ. Sau đó, hàng loạt thư nặc danh gởi đến nhà Thanh Nga hăm dọa và cảnh cáo cô không nên tiếp tục diễn nữa, nếu trái lời sẽ bị giết. Thanh Nga vẫn không chùn bước. Sau khi vết thương được chữa lành, cô ra sân khấu trở lại.
Hai vở tuồng “Tiếng trống Mê Linh” và “Thái hậu Dương Vân Nga” đã cổ vũ lòng yêu nước, khơi dậy tinh thần đoàn kết, hy sinh vì Tổ Quốc. Do vậy, dư luận hồi đó cho rằng vụ ám sát có mục đích chính trị.
Chúng ta thử mở lại hồ sơ vụ ám sát năm xưa.
Cố nghệ sỹ Thanh Nga và chồng là ông Phạm Duy Lân
Nhân chứng đầu tiên và quan trọng nhất là võ sĩ Nguyễn Văn Các, người cận vệ cho Thanh Nga và gia đình. Các có mặt trong chiếc xe Volkswagen mang biển số 51A–73–79 đưa vợ chồng Thanh Nga và con trai là bé Cúc Cu từ rạp hát về nhà. Ông Các khai như sau: “Xe chở gia đình cô Thanh Nga đi biểu diễn về, vừa vào cổng, tôi xuống trước mở cổng cho xe vào gara. Xe chạy vào, tôi chuẩn bị mở cửa xe cho cô cậu Ba (ông Phạm Duy Lân) xuống thì nghe một tiếng “soạt”, có 2 người xuất hiện, chĩa súng vào gáy tôi và đè tôi xuống. Tôi nghe có tiếng giành giựt gì đó, rồi một phát súng nổ. Sau đó cũng có tiếng giành giựt nữa. Và lại thêm phát súng nổ. Rồi có tiếng nói: “Thôi bỏ đi mày”. Tôi đứng dậy, thấy 2 người, một thấp, một cao lên xe Honda chạy ra hướng ngược đường Ngô Tùng Châu”.
Nhân chứng thứ hai là Lương Thị Thu ở nhà đối diện, cháu khai: “Khoảng 23 giờ đêm 26/11/1978, cháu đang học bài bên cửa sổ thì nghe tiếng xe cô Ba về. Một chút thì nghe súng nổ. Phía bên cô Thanh Nga ngồi là một người đàn ông thấp. Và một tiếng súng nổ nữa. 2 người đàn ông đi thụt lùi ra rồi phóng lên xe chạy về hướng Sài Gòn”.
Một nhân chứng khác, là người trong cuộc, bé Cúc Cu, con trai của vợ chồng nữ nghệ sĩ Thanh Nga. Bé Cúc Cu chứng kiến cả ba và mẹ bị bắn chết cùng một lúc. Bé bị chấn động tâm lý sau giây phút kinh hoàng ấy. Lúc ấy bé mới chỉ được 5 tuổi.
Cơ quan công an và báo chí lúc đó đưa ra những tin tức không rõ ràng, không thỏa đáng, càng gây hoang mang thêm trong dân chúng và tạo ra thêm nhiều nghi vấn cho cái chết của người nữ nghệ sĩ bạc mệnh này.
Ban đầu công an đưa tin “tàn dư quân đội ngụy” đã thanh toán Thanh Nga nhưng sau đó đổi lập luận vì thấy không ổn.
Ngay sau khi án mạng xảy ra, ông Trần Quyết, thứ trưởng Bộ Nội vụ, đã “nhanh nhẹn” lên tiếng: “Vụ án Thanh Nga xảy ra trong lúc một số tàn quân của quân đội Sài Gòn còn lẫn trốn ở các vùng rừng núi, bưng biền, hoạt động chống lại ta. Trước đó, có một số hành vi đe dọa là gởi thơ yêu cầu TN không được đóng vai Trưng Trắc hoặc Thái hậu Dương Vân Nga nữa. Giữa lúc đó, có tin mật báo" Một tổ chức tự xưng là "Lực lượng thống hợp Liên Bang Đông Dương" do sự đỡ đầu của CIA Mỹ, vừa mở tiệc ăn mừng ở một quán rượu vùng ven Sài Gòn, do đã bắn chết Thanh Nga theo án lịnh trên đưa xuống”.
Rõ ràng là bịa đặt. Tổ chức chống Cộng thời đó làm gì dám ra quán nhậu để tổ chức ăn mừng đã giết Thanh Nga. Thời đó, những gánh hát phải diễn những tuồng “cách mạng” có nội dung chửi bới VNCH, vậy mà có ai lên tiếng chống đối đâu?
Sau đó, công an tuyên bố rằng đây là một vụ bắt cóc tống tiền. Công an cho rằng án mạng là do việc bắt cóc không thành nên sinh ra án mạng, thủ phạm là Nguyễn Thanh Tân và Nguyễn Văn Đức, đã tổ chức bắt cóc đòi tiền chuộc con trai của nữ nghệ sĩ Kim Cương và con của bác sĩ Lã Hỷ trước đó.
Sự thật không phải như vậy.
Gia đình cố nghệ sĩ Thanh Nga (Chồng - con và mẹ là bà bầu Thơ)
Nhã Thanh Sử đã nêu lên những phân tích và chứng cứ xác định vụ ám sát không phải là một vụ bắt cóc tống tiền mà là được công an CS dàn dựng ra. Lý do là Thanh Nga diễn xuất quá lôi cuốn, nói lên tính độc lập dân tộc, gây ấn tượng sâu đậm vào lòng khán giả, chỉ trích mạnh mẽ những kẻ làm tay sai cho quân Tàu, dâng đất cho ngoại bang. Thanh Nga phải chết và chồng của Thanh Nga cũng phải chết để diệt nhân chứng.
Nói về việc khám nghiệm tử thi, sáng hôm sau, đoàn khám nghiệm đến bịnh viện thì thi hài của 2 người đã được đưa vào nhà xác. Theo như báo cáo của ông Võ Tấn Thành, Đội trưởng đội trọng án Phòng cảnh sát hình sự TP HCM lúc bấy giờ thì Thanh Nga bị trúng đạn ở ngực trái còn chồng cũng bị một vết thương do đạn bắn ở ngực trái, xuyên thẳng hướng tim ra lưng.
Vậy thì 2 gã đàn ông giết vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga là ai? Thanh Nga và chồng, mỗi người lãnh chỉ một viên đạn là chết. Sát thủ phải là một tay chuyên nghiệp được huấn luyện đàng hoàng. Nhưng làm thế nào để cả hai đều bị nhắm bắn vào tim? Ông Lân lúc đó đang ngồi sau tay lái còn sát thủ thì đứng ngoài xe, bên hông của ông Lân. Bắn được vào tim của ông Lân thì sát thủ phải kéo ông Lân quay về phía họng súng để bóp cò. “Nghe có tiếng giành giựt gì đó, rồi một phát súng nổ” là vậy. Còn Thanh Nga thì lúc đó đang ôm con trước ngực. “Sau đó cũng có tiếng giành giựt nữa. Và lại thêm phát súng nổ” cho thấy sát thủ phải kéo bé Cúc Cu ra khỏi vòng tay mẹ cho lòng ngực của Thanh Nga trống trải để bóp cò. “Bắn thì bắn đi chớ đừng bắt con tôi” như lời khai của một nhân chứng cho thấy Thanh Nga thấy tên sát thủ kéo con ra khỏi vòng tay của mình, tưởng rằng hắn muốn bắt Cúc Cu cho nên mới nói như vậy.
Những câu hỏi được đặt ra là:
1. Kế hoạch đã được vạch ra rõ ràng; địa điểm, thời gian và tình huống đã nắm vững, không có một chướng ngại hay một sự cản trở nào, sao công an lại gọi là bắt cóc bất thành?
2. Chồng của Thanh Nga không có hành động chống đối, chịu nạp tiền mà sao vẫn bị bắn chết?
3. Cho dầu bắt cóc đòi tiền hay ám sát, làm một việc tày trời như vậy sao sát thủ lại ngang nhiên không ngụy trang hay che đậy để khỏi bị nhận diện?
Suy luận và nhận xét:
1. Đây không phải là kế hoạch bắt cóc, mà là một kế hoạch ám sát. Địa điểm là trước nhà của Thanh Nga có người thường xuyên qua lại. Thời gian là về khuya sau khi Thanh Nga vãng hát. Tình huống là 4 người gồm Thanh Nga, chồng, cận vệ và con của Thanh Nga. Phương tiện di chuyển chỉ là 1 chiếc xe Honda. Do vậy, đây không phải là kế hoạch bắt người, mà là kế hoạch ám sát.
2. Mục đích cướp của lấy tiền? Vậy khi nghe chồng của Thanh Nga bằng lòng nộp tiền mà sao đối phương vẫn im lặng không ra một điều kiện nào cả? Như vậy, không phải là vụ bắt cóc đòi tiền mà là một cuộc ám sát có chủ mưu.
3. Không sợ bị nhận diện, cả 2 sát thủ đều không che mặt, không đội mủ hay mang kiếng mát. Không sợ bị bại lộ về sau, điều đó chứng tỏ sát thủ biết nạn nhân không còn cơ hội gặp lại bọn chúng nữa. Đó không phải là hành động của kẻ bắt cóc mà là hành động của kẻ sát nhân.
4. Bọn sát nhân không sợ ai cả. Chúng dám ngang nhiên hành động ngoài công lộ, chốn đông người, chứ không phải trong nhà hay ở nơi kín đáo. Điều này chứng tỏ bọn chúng có thể được bao che hay ủng hộ bởi cơ quan có quyền lực. Bắn người xong, chúng nói với nhau “Thôi bỏ đi mày”, điều này chứng tỏ chúng vừa thi hành xong nhiệm vụ và nhiệm vụ được giao phó là giết người, không cần phải lục lọi tiền bạc hay đồ quý giá. Rõ ràng là một vụ ám sát.
5. Tại sao công an không cho tái dựng hiện trường? Việc tái dựng hiện trường sẽ cho thấy rõ đây là hành động ám sát chứ không phải bắt cóc tống tiền. Đồng thời, việc tái dựng hiện trường sẽ cho thấy lời khai của sát thủ và các nhân chứng mà công an công bố sẽ không ăn khớp với hiện trường.
6. Công an tuyên bố những kẻ bắn chết vợ chồng Thanh Nga là Nguyễn Thanh Tân (chủ mưu) và Nguyễn Văn Đức (tòng phạm) đã nhận tội. Tòa tuyên án tử hình Tân và Đức. Án tử hình đã được thi hành ngày 23 tháng 8 năm 1980. Vụ án Thanh Nga khép lại. Đức nhận tội gì? Lời khai đâu? Chứng cớ kết tội đâu? Đức chỉ là tòng phạm, không trực tiếp bắn chết Thanh Nga, sao lại bị xử tử hỉnh? Phải chăng là giết người bịt miệng?
7. Tại sao công an không cho con của Thanh Nga là bé Cúc Cu, vệ sĩ Các cũng như chồng và con của Kim Cương nhận diện Nguyễn Thanh Tân và Nguyễn Văn Đức?
Càng đào sâu tìm hiểu càng thấy rõ ràng công an ngụy tạo chứng cớ để bao che cho 2 thủ phạm. Trong quá trình điều tra, công an đã bỏ qua nhiều chi tiết cần xác minh và những kết quả điều tra được công bố cũng có nhiều sơ hở và mâu thuẫn. Quá trình diễn tiến vụ án cho thấy rõ ràng đây là một vụ ám sát, nhưng công an CS cố tình tạo dựng những chứng cớ thêm thắt vào để biến nó thành một vụ án bắt cóc tống tiền. Dám bảo vệ kẻ sát nhân, dám chụp mũ những người vô tội, dám bịt mắt công luận là những chuyện mà công an CS dám làm và vẫn thường làm. Những điều này đưa đến một kết luận 2 thủ phạm không ai khác hơn là 2 sát thủ thực hiện việc ám sát theo lệnh của nhà cầm quyền đương thời.
Nữ nghệ sĩ Thanh Nga đã xuất sắc trong 2 vở Tiếng Trống Mê Linh và Thái Hậu Dương Vân Nga. Có lẽ lối diễn xuất xuất thần, quá hùng hồn, lột tả và kêu gọi được tinh thần độc lập dân tộc, chống lại bọn xâm lược và cai trị tàn bạo của quân Tàu và chống bọn tay sai bán nước đã đưa đến cái chết của cô.
Những lời lẽ rực lửa đánh động lương tri và hùng hồn kêu gọi tinh thần dân tộc như sau:
Tiếng Trống Mê Linh
§ “Tổ tiên ta không chịu lùi bước trước quân thù, không nhân nhượng một tấc đất nào cả. Phải chém đầu những kẻ có ý lùi bước trước quân thù”.
§ “Đói rét chịu được, nhưng nhục mất nước không bao giờ chịu được! Đó là đạo lý của dân tộc ta đời đời truyền lại”.
§ “Hỡi đồng bào trăm họ! Giặc Đông Hán đang xéo dày đất nước, nhục nào hơn nhục nô lệ ngoại bang! Thà chết mà đứng thẳng, không cam chịu sống quỳ. Đất nước Nam cẩm tú, người dân Nam anh hùng, trước đền thờ quốc tổ, thề hy sinh giết giặc cứu non sông!”
Thái hậu Dương Vân Nga
§ “Không! Không! Ta không nhượng quân thù một tấc đất nào cả!”
§ “Đây là thanh gươm của tiên vương đã từng dẹp loạn sứ quân để sơn hà bền vững đến hôm nay, Tướng quân hãy nhận lấy để chém đầu kẻ nào có ý lùi bước trước quân thù, cho dù lùi nửa bước để toan liệu về sau”.
Nhắc lại chuyện xưa mà nghĩ đến chuyện nay. Ngày nay, 34 năm sau, tình hình vẫn vậy. Còn tệ hơn xưa. Nước Việt Nam ta đang đứng bên bờ vực thẳm bị thống trị bởi ngoại bang Trung Quốc. Tập đoàn lãnh đạo CSVN hiện nay, không những không lo bảo vệ đất nước mà lại khiếp nhược im lặng trước mưu đồ xâm lăng bá chủ của Bắc Kinh, tạo điều kiện để Trung Quốc khống chế xã hội VN về nhiều mặt. Lợi dụng sự ngu dốt, vô đạo của lãnh đạo CSVN nắm quyền lực độc đoán, và sự thèm khát làm giàu, hưởng thụ của họ, bất chấp hậu quả lâu dài cho đất nước, tư bản nước ngoài, đặc biệt là tư bản Trung Quốc đã thi nhau khai thác tài nguyên và bóc lột lao động của Việt Nam. Đối với dân thì CSVN cai trị bạo tàn, đối với Trung Quốc thì CSVN cúi đầu làm tay sai đi ngược lại quyền lợi của toàn dân. Những lời lẽ của Trưng Trắc và của Thái hậu Dương Vân Nga từ cửa miệng của Thanh Nga phát ra với nội dung chửi bới bọn khiếp nhược, làm tay sai cho quân Tàu, đánh động lòng yêu nước và có tác dụng mạnh mẽ trong tâm trí của đồng bào Việt Nam. Những lời lẽ nặng nề ấy đã chạm nọc, đã đánh trúng huyệt những người trong cuộc. Do đó, những người liên hệ thấy cần phải bịt miệng, phải dập tắt những lời nhức nhối đó. Thanh Nga không chết ngày ấy thì ngày nay cũng phải chết thôi!
Tiếng trống Mê Linh ngày xưa nay đâu rồi? Chúng ta hãy cùng nhau sống lại hào khí và gióng lên lại Tiếng trống Mê Linh ngày xưa.
23 tháng 1 năm 2013
Trần Việt Trình
http://danlambaovn.blogspot.com.au/2013/01/tieng-trong-me-linh-ngay-xua-nay-au.html
No comments:
Post a Comment