2/8/12

Tranh chấp biển Đông qua nhận định của hai chuyên gia Mĩ và Trung quốc

DC&PT - Thời Sự 2012

Âu Dương Thệ

Từ 2-5. 2. 2012 Hội nghị về An ninh lần thứ 48 vừa diễn ra ở München, Đức. Đây là một diễn đàn thường niên về an ninh và đối ngoại quan trọng, tập hợp sự tham dự của các đại diện cấp cao của chính quyền nhiều nước, các chuyên gia quốc tế hàng đầu và tổ chức quốc tế. Lần này ngoài các bộ trưởng ngoại giao, quốc phòng của nước chủ nhà còn có sự tham dự của nguyên thủ một số nước và bộ trưởng ngoại giao, quốc phòng của Mĩ, Nga, Pháp, Úc, Tổng thư kí NATO...

Riêng Trung quốc cử Thứ trưởng Ngoại giao Trương Chí Quân. Không thấy đại diện của Hà nội. Một trọng tâm trong kì Hội thảo này là biến động ở Trung đông nên nhiều bộ trưởng các nước Ả rập cũng đã tham dự. Ngoài những cuộc hội thảo khoa học, các hoạt động hành lang đa chiều trong Hội nghị được lưu ý đặc biệt, trong đó có những cuộc trao đổi không chính thức về các vấn đề các bên quan tâm.


Điều cần để ý là, mặc dầu vấn đề tranh chấp biển Đông không là đề tài thảo luận chính thức, nhưng bên trong và ngoài hội nghị vấn đề này trở thành một điểm nóng tranh cãi, đặc biệt từ khi TT Mĩ Obama đưa ra Chủ thuyết châu Á-Thái bình dương trong thời gần đây, theo đó Mĩ sẽ đặt ưu tiên cho chính sách đối ngoại an ninh ở châu Á.

Cũng đúng vào dịp Hội nghị về An ninh này tờ Süddeutsche Zeitung, một nhật báo lớn và có uy tín hàng đầu ở Đức, đã phổ biến hai bài của hai chuyên gia hàng đầu về đối ngoại và an ninh của Mĩ và Trung quốc (xem phần sau). Một sự tình cờ mang nhiều ý nghĩa nhưng không ngạc nhiên là, cả hai chuyên gia này đi từ quyền lợi quốc gia của mỗi nước, nhưng đều đi tới một nhận định chung là, vấn đề tranh chấp biển Đông đang trở thành điểm cực nóng trong bang giao Trung-Mĩ và châu Á-Thái bình dương và nó còn có thể kéo dài trong vài thập kỉ.

VN đang nằm lọt vào trung tâm tranh giành của Trung-Mĩ. Làm sao bảo vệ hữu hiệu quyền lợi chính đáng của VN? VN đứng ở đâu? Chọn lập trường nào? Đứng về phía nào? Đứng chung với ai? Những câu hỏi nóng bỏng và rất bức xúc này về phía đại đa số nhân dân đã có thái độ rất dứt khoát, nhưng trong khi ấy vẫn chưa thấy câu trả lời rõ ràng và dứt khoát từ phía đảng cầm quyền.

Để trả lời các câu hỏi trên thì phải biết rõ: Giữa Trung quốc và Hoa kì nước nào đang chiếm đóng nhiều đảo trên biển Đông của VN, ngăn cản VN thăm dò đầu khí và cấm đoán cũng như đối xử tàn ác với hàng ngàn ngư dân VN trong các năm qua?

Trong các cuộc thăm viếng của lãnh đạo hai nước, phía Trung quốc thường khuyên VN phải nghĩ đến “đại cục”, tức quyền lợi chung, để từ đó đánh lạc hướng đấu tranh và ngăn cản những đòi hỏi chính đáng của VN, đồng thời đe doạ VN không được chọn đồng minh thích hợp để có thể bảo vệ hữu hiệu quyền lợi đất nước. Nội hàm “đại cục” mà Bắc kinh muốn nói tới chính là hai nước cùng theo chế độ Cộng sản. Bắc kinh tìm cách thuyết phục và răn đe Hà nội là, hãy để họ “mượn” biển Đông để mở đường tiến xuống phía Nam và Hà nội sẽ được “trả lãi”! Nhưng thực ra đây chỉ là bề ngoài, vì từ lâu các chủ trương và chính sách của Bắc kinh chỉ nhắm mục đích duy nhất là quyền lợi quốc gia ích kỉ và cực đoan để thực hiện giấc mộng sớm trở thành siêu cường tân đế quốc trong Thế kỉ 21.

Cho nên ngôn ngữ đường mật của nhóm cầm đầu Bắc kinh hiện nay cũng giống như cách du thuyết của nhiều triều đại phong kiến Trung quốc trước đây. Dưới đời nhà Nguyên, chính Thoát Hoan năm 1283 đem 50 vạn quân sang đánh VN, nhưng lại giả vờ mượn đường qua VN để chiếm Chiêm thành. Nhưng khi ấy vua Trần Nhân Tông thông minh đã thấy ý đồ đen tối này nên dứt khoát từ chối và quyết dựa vào dân đánh thắng đoàn quân xâm lược.

Nhưng cho tới nay những người đứng đầu CSVN vẫn chưa dám có thái độ dứt khoát rõ ràng với Bắc kinh. Ngay cả chuyến thăm Trung quốc của Nguyễn Phú Trọng vào tháng 10 và chuyến đi Hà nội của Tập Cận Bình tháng 12. 2011 ngôn ngữ “đại cục” vẫn được Bắc kinh thuyết giảng và đe doạ! Chính vì thế, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã ra tuyên bố bốn không, trong đó không muốn quốc tế hoá biển Đông mà chỉ giải quyết song phương với Trung quốc. Còn Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh đã cúi đầu tại Bắc kinh nhận chỉ thị cấm nhân dân VN, đi đầu là thanh niên và Trí thức, biểu tình chống các hành động xâm lấn ngang ngược của Trung quốc.

Trong khi ấy, những người có quyền lực ở Hà nội lại không đứng về phía nhân dân, mà lại đang chống lại nhân dân. Nhiều phụ nữ, thanh niên, trí thức yêu nước và cả những đảng viên tiến bộ biết tự trọng đứng lên tố cáo các hành động xâm lấn ngang ngược của Bắc kinh đều bị đàn áp, thậm chí còn bị giam cầm!

Dưới đây là bản lược dịch hai bài của hai chuyên gia Mĩ và Trung quốc liên quan tới viễn tượng cuộc tranh chấp biển Đông trên tờ Süddeutsche Zeitung ngày 5.2.2012.

http://www.sueddeutsche.de/thema/M%C3%BCnchner_Sicherheitskonferenz

http://www.americanacademy.de/sites/default/files/upload/MSC%202012.pdf

Ghi chú: Các phần trong [….] là bổ túc của người dịch.

________________________________

Trở về lại sân sau

Mĩ có liên hệ lâu đời với châu Á. Nay Trung quốc (TQ) đang trỗi dậy, cho nên Mĩ tăng cường hoạt động ở đây và được nhiều nước trong khu vực hưởng ứng.

David Shambaugh

Nhiều bài bình luận trong thời gian gần đây đã chú tâm tới chiến lược của Mĩ ở Á châu, đặc biệt sau khi TT Obama đã thăm khu vực này vào tháng 11.2011 và công bố chiến lược quân sự mới và lâu dài [ở Á châu]. Đáng chú ý là, TQ đã không yên tâm và phản ứng lo ngại rằng, sự chiếu cố mới của Mĩ tới Á châu có thể nhằm mục tiêu ngăn cản sự trỗi dậy của TQ. Cùng lúc đó có một số đồng minh ở Âu châu trong Nato [Khối phòng thủ Bắc đại Tây dương] lo lắng cho rằng, sự chọn lựa ưu tiên mới của Mĩ là trên lưng của họ.

Đúng là Hoa kì đang tập trung ngoại giao, thương mại và an ninh ở Á châu và đang gia tăng phương tiện vào mục tiêu này. Chính phủ Obama là chính phủ đầu tiên đã xếp Á châu vào ưu tiên hàng đầu trong chính sách ngoại giao và an ninh toàn cầu [của Mĩ]. Đây là điều mới đối với Mĩ, vì từ trước tới nay Mĩ chỉ đặt trọng tâm lớn nhất vào quan hệ liên Đại tây dương [ý nói giữa Mĩ và Tây Âu] và Trung đông. Cũng đúng nữa là, chiến lược mới [ở Á châu] là cách trả lời cho việc tối tân hoá quân sự của TQ cũng như cách “ngoại giao kẻ cả” của Bắc kinh. Nhiều đồng minh của Mĩ và nhiều nước khác đang lo ngại về những yêu sách lãnh thổ rất vô lý của TQ ở biển phía Đông và biển Nam TQ [biển Đông] cũng như việc tăng cường tuần tra trên biển của TQ. Cho nên các quốc gia này chào đón các cố gắng của Wahington và cũng đòi hỏi một chính sách như vậy để quân bình chống lại thái độ tự cao của Bắc kinh.

Nhưng một sự thực là, chúng ta [Mĩ] đang chỉ chuyển dịch một phần chứ không toàn diện. Mĩ đã can dự sâu vào Á châu từ lâu –từ nhiều thập kỉ qua, hay đúng ra là từ nhiều thế kỉ. Ít nhất là từ thế kỉ 19 Mĩ đã là một cường quốc Thái bình dương và do yếu tố địa lí, chủng tộc và thương mại nên Hoa kì vẫn là quốc gia châu Á-Thái bình dương. Điều này được minh chứng qua ba lãnh vực chính về vai trò của Mĩ trong khu vực là kinh tế, ngoại giao và an ninh.

Từ lâu Á châu đã trở thành đối tác kinh tế quan trọng nhất của Mĩ. Từ 1977 Á châu đã vượt qua Âu châu để trở thành bạn hàng thương mại quan trọng nhất của Mĩ. Hiện nay Mĩ đang giao thương với Á châu nhiều hơn gấp hai lần với Âu châu. TQ và Nhật là đối tác thương mại thứ hai và ba của Mĩ. Á châu cũng là thị trường xuất cảng lớn nhất của Mĩ, 10 trong số 20 nước tiêu thụ hàng Mĩ lớn nhất cũng nằm ở đây. Khoảng 1/3 ngoại thương của Mĩ là với Á châu. Năm 2010 tổng số xuất cảng của Mĩ trong khu vực Thái bình dương lên tới 320 tỉ USD. Riêng mức xuất cảng của TQ vào Mĩ trong 10 năm qua đã gia tăng 468%.

Mặt trái của việc này dĩ nhiên là việc thâm thủng mậu dịch rất lớn của Mĩ với khu vực –nhất là với TQ (273 tỉ USD trong năm 2010). Nhưng các quan hệ kinh tế và thương mại của Mĩ trong khu vực châu Á –Thái bình dương vẫn tiếp diễn sâu hơn. Các hiệp định tự do thương mại song phương và viễn tượng của Hiệp định đối tác xuyên Thái bình dương (TPP) sẽ ràng buộc Mĩ chặt chẽ hơn với các đối tác kinh tế trong khu vực.

Về vấn đề ngoại giao, như đã nói, chính phủ Obama đã đặt Á châu là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại. Từ khi cầm quyền chính phủ này đã tìm cách cải thiện liên hệ song phương với hầu hết các nước trong khu vực. Đại diện cấp cao của chính phủ Mĩ đã đi thăm nhiều nước mà từ lâu Mĩ đã sao nhãng, như Tân tây lan, Nam dương và Phi luật tân, trong đó kể cả Myanmar (Birma). Tại đây chính phủ Obama đã chuyển từ chính sách cô lập sang tiếp cận. Các cường quốc khu vực như Ấn độ và TQ cũng được chú ý ngoại giao nhiều hơn của Mĩ. Không có nước nào được chính phủ và xã hội Mĩ quan tâm như Cộng hoà Nhân dân TQ. Điều này phản ánh là Mĩ và TQ mỗi năm có trên 60 cuộc đối thoại chính thức. Quan hệ toàn diện và sâu sắc cũng diễn ra ưu tiên với Ấn độ.

Chúng ta cũng còn thấy, Mĩ tăng cường liên hệ ngoại giao đa phương trong khu vực. Qua việc kí kết và tham gia các hiệp định thân hữu và hợp tác với Asean, nên nay Mĩ trở thành thành viên toàn vẹn trong các Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á của Asean. Các liên hệ cấp chính phủ và các cấp không chính thức của Washington với khu vực cũng gia tăng. Từ khi cầm quyền, TT Obama tới thăm khu vực này ít nhất mỗi năm một lần. Trong đó bao gồm chuyến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á lần đầu tiên của một TT Mĩ, cũng như cuôc gặp các thủ lãnh Asean, việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Apec lần thứ 17 và các cuộc thăm cấp nhà nước tại Nhật, Nam Hàn, TQ, Úc, Nam dương, Singapor và Ấn độ. Bà ngoại trưởng H. Clinton đã chọn Á châu là nơi đi thăm nước ngoài đầu tiên cũng có nhiều ý nghĩa. Và từ 3 năm qua bà đã đi thăm cả chục lần các nước trong khu vực. Bà cũng tham dự hàng năm các Hội nghị Diễn đàn Khu vực-Asean. Các toà đại sứ Mĩ và các hoạt động ngoại giao trong khu vực cũng được tăng cường. Liên hệ tới việc đưa quân đội tới những nơi gần trung tâm nóng, Ngoại trưởng Clinton đã nói, sự gia tăng ngoại giao mới này bao gồm 6 yếu tố:

. Mở rộng bang giao song phương

. Đi sâu hơn trong hoạt động với các nước đang trội lên, kể cả TQ

. Gia tăng hợp tác trong các tổ chức khu vực và đa phương

. Tăng cường thương mại và đầu tư

. Xây dựng sự hiện diện quân sự rộng rãi

. Thúc đẩy dân chủ và nhân quyền

Lãnh vực an ninh là yếu tố then chốt thứ ba của việc Mĩ tham gia. Gìn giữ an ninh và ổn định ở khu vực là cơ sở nền tảng cho việc bảo vệ quyền lợi toàn diện của Mĩ tại khu vực trong kinh tế, văn hoá và chính trị. Đúng như Joseph Nye đã nhận xét thông minh: Sự đóng góp của Mĩ cho lợi ích chung về an ninh khu vực là “không khí”, nó giúp khu vực thở và phồn vinh.

Để thích ứng với những thách đố của khu vực và nắm bắt được một chuỗi các nhiệm vụ an ninh phức tạp cả quân sự lẫn phi quân sự đòi hỏi phải có phương tiện và cố gắng lớn. Mặc dầu ngân sách quốc phòng của Mĩ sẽ giảm đi trong các năm tới, nhưng chính phủ Washington đã cho biết, ngân sách dành cho khu vực châu Á-Thái bình dương sẽ không bị cắt giảm. Chính TT Obama đã nói rõ việc này trước Quốc hội Úc tháng 11 vừa qua.

Giữa khi đa số các nước trong khu vực chào đón việc mới hình thành một chính sách đối ngoại và chiến lược an ninh của Mĩ ở Á châu thì TQ tỏ vẻ nghi ngại và Bắc Hàn lẽ dĩ nhiên chống đối. Lào, Kampuchia, Myanmar và Bagladesch tỏ vẻ không quan tâm. Các nước khác ở Á châu bằng những cách diễn tả khác nhau đều tỏ vẻ đồng ý. Các nước nhỏ hơn cũng có thể hưởng lợi trong quyết định ưu tiên mới của Mĩ.

Sự quan ngại của Bắc Hàn phản ánh sự bất an của chính nước này. Bình nhưỡng vẫn được để ngỏ việc bình thường hoá quan hệ với Mĩ và các nước trong khu vực, khi nào nó từ bỏ kế hoạch võ khí nguyên tử. Bắc Kinh không nên lo sợ sự điều chỉnh mới của Washington. Bắc Kinh nên chấp nhận sự mong muốn rộng rãi của khu vực muốn có sự hiện diện mạnh mẽ của Mĩ. Vì điều này xuất phát một phần chính từ sự quan ngại đối với TQ. TQ –chứ không phải Mĩ- phải thay đổi thái độ đối với khu vực bằng cách hướng tới hợp tác nhiều hơn.

David Shambaugh là Giáo sư về Bang giao Quốc tế

và Giám đốc Chương trình chính trị của TQ tại Đại hoc George Washington

_________________________

Cổng mở ra thế giới của Trung Quốc

TQ vươn lên vì các trung tâm kinh tế ở ven biển mọc lên. Thái bình dương đột nhiên trở thành quan trọng về chiến lược. TQ chuyển từ một cường quốc đại lục thành cường quốc đại dương. Trong cuộc tranh chấp chung quan Nam hải [biển Đông] sẽ quyết định liệu TQ và Mĩ có tìm được quân bình chính trị để bảo đảm hoà bình và ổn định trong khu vực.

Wang Yiwei

Cho tới khi mở cửa kinh tế trước đây 30 năm TQ là một nước nông nghiệp. Các vùng cạnh biển trở thành động lực làm tăng trưởng và thay đổi cho một nền kinh tế hướng tới xuất khẩu. Trong toàn cảnh địa lí lịch sử này Thái bình dương đột nhiện trở thành cái cổng trước mới của TQ ra thế giới.

TQ từ một nước lục địa truyền thống trở thành một thành viên mới trong khu vực Thái bình dương. Mặc dầu các chuyến đi khám phá lớn của nhà hàng hải Zheng He (Trịnh Hòa) vào thế kỉ 15 ở Tây Thái bình dương và Ấn độ dương, nhưng TQ không tạo được chuyển biến từ một cường quốc lục địa sang cường quốc đại dương. Khi đó Zheng He đã không thể thuyết phục những người đồng hương: “Nếu TQ muốn vươn lên thì không được thờ ơ với biển. Sự giầu có xuất xứ từ biển, cũng như sự hiểm nguy. Nếu các nước khác kiểm soát biển thì TQ sẽ rơi vào hiểm nguy.” Nhưng lời di chúc của Zhen He đã làm TQ hôm nay can đảm bắt đầu con đường trường kì đi vào thế giới.

Trong các năm qua một trật tự thương mại lấy TQ làm trung tâm đã thành hình ở khu vực châu Á-Thái bình dương, nhất là từ năm 2010 phương thức 10+1 bắt đầu có hiệu lực (Hiệp ước Tự do Thương mại giữa TQ và 10 nước Asean). Từ đó Mĩ tìm cách xuyên qua chiến lược mới về Á châu đẩy lùi ảnh hưởng của TQ. Mĩ muốn trở lại trật tự truyền thống đã có từ cuối Thế chiến Thứ 20 ở Thái bình dương: lấy Mĩ làm trung tâm. Hậu quả là: Tranh chấp ở Nam hải [biển Đông] gây hệ luỵ tới bang giao Trung-Mĩ. Cho tới nay mới chỉ thấy phần nổi của tảng băng, nhưng cuộc tranh cãi cũng đã trở thành trung tâm khủng hoảng thứ ba trong vùng Thái bình dương, bên cạnh các căng thẳng về Đài loan và bán đảo Triều tiên.

Lịch sử đã chỉ cho chúng ta biết, bang giao Trung-Mĩ là chìa khoá cho hoà bình ở Á châu-Thái bình dương. Việc này đòi hỏi điều kiện tín nhiệm lẫn nhau, nhưng việc này hiện chưa xuất hiện. Vì thế vấn đề hàng đầu là, siêu cường hiện nay và siêu cường tương lai [ý nói Mĩ và TQ] cần xuyên qua đối thoại để tạo sự tín cậy lẫn nhau hay cả đến đồng thuận chiến lược. Trong thời gian qua Apec (Asia-Pacific Economic Coorperation được thành lập năm 1989), CSCAP (Council of Security Coorperation in Asia Pacific được thành lập 1993), ARF (Asean Regional Forum được thành lập 1994) và các tổ chức khác đã đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng tín nhiệm giữa Mĩ và TQ. Tuy nhiên việc đối thoại song phương, trực tiếp về chiến lược giữa TQ và Mĩ để tìm cách giải quyết tất cả các vấn đề -trong đó kể cả vấn đề Nam hải [biển Đông ] thật cần thiết hơn lúc nào hết. Trong chiều hướng này, một khuôn khổ 10+2 (Asean+ TQ + Mĩ) hay phương hướng mở rộng Tổ chức Hợp tác Thượng hải (Shanghai Coorperation Organisation –SCO) cũng có thể giúp ích.

Vì TQ có nhiều khả năng trở thành cường quốc thế giới, cho nên Nam hải [biển Đông] về dài hạn có thể là ngòi nổ cho xung đột và tranh chấp địa lí chính trị giữa Mĩ và TQ. Nhưng khi còn là cường quốc khu vực, TQ cũng từng trải qua tranh chấp và cạnh tranh với Mĩ từ hơn nửa thế kỉ qua (nhất là vấn đề Đài loan). Để tránh rơi vào tương tự như trường hợp Đài loan, cuộc tranh chấp về Nam hải [biển Đông] cần phải sớm giải quyết. Trong đó điều cần thiết là phải tìm ra sự cân bằng giữa vị thế của TQ có nhu cầu là một nước mới nổi và luật hàng hải quốc tế; trong đó xác định quyền lợi của cộng đồng quốc tế, đặc biệt có lợi cho Mĩ. Chúng ta cần đạt tới một giải pháp lâu dài cho quan hệ Trung-Mĩ.

Nếu Mĩ bảo vệ cho tự do hàng hải trong khu vực thì trước hết là phục vụ cho chính quyền lợi của Mĩ. Như vậy TQ nên từ bỏ chiến lược không rõ ràng và thay vào đó nên xác định rõ quyền lợi và đòi hỏi của mình và bảo vệ nó. Để giải quyết cuộc tranh chấp thì các yếu tố lịch sử đối với Nam hải [biển Đông] cần được lưu ý đầy đủ và một sự cân bằng giữa lịch sử và thực tế là cần thiết.

Để giải quyết vấn nạn cho eo biển Malakka (một phần quan trọng nhiên liệu nhập khẩu của TQ được chuyển bằng đường biển Malakka) TQ sẽ xây dựng một lực lượng hàng hải thích hợp để tăng cường an ninh trên đường biển chiến lược này. Như vậy Mĩ chắc chắn sẽ coi việc tăng cường hạm đội [của TQ] là một thách đố về sự thống trị của Mĩ trong khu vực châu Á-Thái bình dương. Đúng vậy, với việc gia tăng sức mạnh hàng hải như thế thì TQ sẽ từ một cường quốc khu vực trở thành một cường quốc thế giới.

Mĩ và TQ từ nhiều năm qua đã tạo được cân bằng quyền lực trong vấn đề Đài loan, việc này cũng đang diễn ra trong cuộc tranh chấp tìm một quân bình liên quan tới vấn đề Nam hải [biển Đông]. Chuyên gia Mĩ về TQ Harry Harding đã từng nói, Mĩ không nên coi TQ là đồng minh hoặc đối thủ, nhưng nên coi TQ là “một đối trọng độc lập trong một quân bình quyền lực phức tạp.”

Trong tương lai, vào các thời điểm khác nhau và trong các vấn đề khác nhau TQ sẽ có những quyền lợi, trong đó có thể tương đồng với Mĩ nhưng cũng có thể đối lập với Mĩ. Cách giải quyết quyền lợi như thế nào sẽ ảnh hưởng lớn tới sự ổn định chiến lược trên thế giới kể từ giữa Thế kỉ 21. Vì thế, cuộc tranh chấp về Nam hải [biển Đông] sẽ là một thử thách cho việc phát triển chiến lược giữa Mĩ và TQ. TQ đã đưa ra những dấu hiệu rõ ràng về cách giải quyết trong việc này : Với việc kí kết “Tuyên bố về ứng xử của các bên về Nam hải [biển Đông]” giữa TQ và Asean vào tháng 11.2002, TQ đã đặt vấn đề Đài loan trở nên ít ưu tiên hơn. [Tuy nhiên, trong một hội nghị giữa Asean và TQ mới đây Bắc kinh đã vẫn từ chối thảo luận cách thức thực hiện thoả thuận năm 2002 vào thực tế như thế nào!]

Nhìn lại chúng ta có thể khẳng định rằng, vần đề Đài loan mới chỉ tạm lắng dịu từ khi TQ đạt ngang ngửa với Mĩ trong khả năng võ khí nguyên tử chiến lược. Từ một tranh chấp quân sự trước đây nay trở thành tranh chấp chính trị. Cuộc tranh chấp tiềm tàng đã trong vòng kiểm soát nhờ một số thoả thuận căn bản đã đạt được. Tương tự như vậy, cuộc tranh chấp ở Nam hải [biển Đông] sẽ chỉ được chuyển thành vấn đề chính trị, nếu tạo được sự quân bình quyền lực giữa TQ và Mĩ ở khu vực châu Á-Thái bình dương và có thể cả trên bình diện thế giới. Cho tới khi đó cuộc tranh chấp ở Nam hải [biển Đông] vẫn là một trung tâm nóng. Ở một mặt khác, các khó khăn trong vấn đề này có thể làm tăng cường thay vì phá huỷ quan hệ Trung-Mĩ.

Đằng sau vấn đề Nam hải [biển Đông], Trung quốc theo đuổi 4 quyền lợi chiến lược căn bản trong khu vực Thái bình dương:

1. Khu vực này là tập hợp điểm chiến lược của TQ để từ một nước lục địa tiến lên một nước đại dương, từ một văn minh lục địa tiến sang văn minh đại dương.

2. Khu vực này giúp chuyển đổi chính sách đối ngoại của TQ từ tập trung vào các nước lân bang sang mở rộng tham gia với tất cả các cường quốc.

3. Khu vực này trở thành một diễn đàn của TQ để nó cải thiện ngoại giao đa phương.

4. Khu vực này sẽ giúp TQ thiết lập nhận thức về Á châu và thế giới.

Với việc thay đổi bộ diện của TQ từ “TQ truyền thống” sang “TQ tân thời” rồi tới “TQ toàn cầu”, Cuộc tranh chấp Thái bình dương giữ 3 khả năng ảnh hưởng tới chính sách đối ngoại của TQ:

1. Lịch sử sống động và sự ý thức thay đổi thường xuyên. Tính chính đáng của chính sách đối ngoại của TQ cần được hướng về tương lai, không hướng vào dĩ vãng.

2. Vấn đề an ninh rất quan trọng, nhưng các tranh chấp và tranh đua đóng một vai trò thứ yếu. Vì một cơ chế an ninh tập thể ở khu vực Thái bình dương khó thành lập được, cho nên TQ theo đuổi chính sách an ninh hỗ tương và qua đó tìm cách bảo đảm hoà bình và an ninh cho tất cả các nước đối tác.

3. Hỗ tương liên đới và các giao ước tự do thương mại thay thế cho ổn định và an ninh là quan tâm hàng đầu của chính sách đối ngoại của TQ nói chung và đặc biệt trong chính sách Thái bình dương. Nhưng trật tự hàng hải và chủ trương lập đối tác xuyên Thái bình dương của Mĩ là một thách đố đối với tâm lí an ninh của TQ và nó thúc đẩy TQ theo đuổi một chiến lược đối lại.

Wang Yiwei là Giám đốc Viện các Vấn đề Quan hệ Quốc tế tại Đại học Tongji, Thượng hải

Mục Thời sự Tạp chí Dân chủ & Phát triển điện tử:

www.dcpt.org hay www.dcvapt.net

Hiệp Hội Dân Chủ và Phát Triển Việt Nam

No comments:

Post a Comment