3/21/23

Tạp Ghi và Phiếm Luận : HƯ CẤU trong võ hiệp KIM DUNG (2) - Những mối tình oan nghiệt

Nhà văn KIM DUNG

  
  
Mối tình của Lưu Quý Phi ( Anh Cô)  và Châu Bá Thông (Lão Ngoan đồng)

                         四張機,                    Tứ trương cơ,
                  鴛鴦織就欲雙飛,   Uyên ương chức tựu dục song phi,
                  可憐未老頭先白。   Khả lân vị lão đầu tiên bạch.
                  春波碧草,            Xuân ba bích thảo,
                  曉寒深處,            Hiểu hàn thâm xứ,
                  相對浴紅衣。         Tương đối dục hồng y.

        Đó là bài TỪ 詞 của bà Anh Cô 瑛姑 (trước là Lưu Qúy Phi của Đoàn Nam Đế) thêu trên chiếc khăn tay để tặng cho Lão Ngoan Đồng Châu Bá Thông 周伯通. Châu Bá Thông là người không sợ trời không sợ đất, bình sinh ông ta chỉ sợ có hai người : Sư huynh Vương Trùng Dương và... Hoàng Dung, cô em dâu bất đắc dĩ của thằng bạn kết nghĩa vong niên Quách Tĩnh. Mỗi lần muốn khống chế và đối phó với Lão Ngoan Đồng thì Hoàng Dung chỉ cần đọc ba chữ "TỨ TRƯƠNG CƠ..." thì Chu Bá Thông y như là trúng phải tà, như Tôn Ngộ Không bị Đường Tăng niệm chú khẩn cô, nhất nhất nói gì cũng nghe theo cả ! Thì ra...
       
        Sau luận kiếm Hoa Sơn lần thứ nhất, Vương Trùng Dương biết mình không còn sống được bao lâu, nên mới dắt theo sư đệ là Chu Bá Thông đến nước Đại Lý gặp Đoàn Nam Đế để truyền thụ lại môn Tiên Thiên Công cho Đoàn Nam Đế phối hợp với Nhất Dương Chỉ mà khống chế Tây Độc Âu Dương Phong đang lăm le muốn chiếm đoạt Cửu Âm Chân Kinh để xưng bá võ lâm Trung Nguyên. 

        Trong lúc hai huynh trưởng đang đàm luận trao đổi võ công, thì Chu Bá Thông với tính khí vô tư như trẻ con chạy lung tung trong hậu cung Đại Lý, với tính ham vui và háo thắng Chu Bá Thông đã dạy cho Lưu Qúy Phi môn điểm huyệt, nào ngờ gái xuân trai trẻ, tiếp xúc đụng chạm lâu ngày, Lưu Phi sinh lòng cảm mến yêu thương Chu Bá Thông. Rồi trong một lần đụng chạm thân mật hai người đã làm chuyện không nên làm. Lưu Phi đã tặng cho Chu Bá Thông chiếc khăn tay có thêu đôi uyên ương hí thủy và bài từ nêu trên. Trong bản dịch của Hàn Giang Nhạn ngày xưa đã thoát dịch bài từ trên thành một bài thơ tứ tuyệt thật hay như sau :

                   Liền cánh uyên ương dệt mộng mơ,
                   Lòng xuân tóc trắng điểm bơ phờ,
                   Hương xuân chưa thắm tình trăng gió,
                   Áo đỏ không phai nét hững hờ !

      
        Sự việc đổ bể, Vương Trùng Dương trói Chu Bá Thông đến chịu tội với Đoàn Hoàng Gia. Với tinh thần hiệp nghĩa của võ lâm đồng đạo, Nam Đế chẳng những không bắt tội mà còn gả luôn Lưu Phi cho Chu Bá Thông. Nhưng Chu Bá Thông lại không chịu, vì với tính khí vô tư và thích vui đùa của Chu, ông ta chỉ nghĩ là như một cuộc vui chơi qua rồi thì thôi, chớ không chịu gò bó lập gia đình với đủ điều phiền toái. Ông rút chiếc khăn thêu trả lại cho Lưu Phi và chịu tội chết với Đoàn Hoàng Gia, nhưng lại được tha tội. Ông bỏ đi biệt tích để lại mối hận tình oan nghiệt cho bà Lưu Phi ưu sầu trong cung cấm...

         Vì thế nên hễ nhắc đến bài từ "Tứ trương cơ..." là Chu Bá Thông ta lại cảm thấy áy náy, hối hận, ray rức... nên chịu nghe theo lời Hoàng Dung chỉ cần cô ta không đọc tiếp bài từ đó nữa là được rồi !

     KIM DUNG đã nhặt bài từ trên từ trong dân gian, các bài từ vô danh nhưng rất gợi cảm dễ đánh động lòng người như những câu ca dao dân gian trong bài "Mười Thương" của ta vậy :

                  Một thương tóc bỏ đuôi gà
                  Hai thương ăn nói mặn mà có duyên.
                  Ba thương má lúm đồng tiền,
                  Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua...

         Còn "TỨ TRƯƠNG CƠ" là thể loại TỪ rất thịnh hành trong đời Tống, bài từ trên chỉ là một vế của toàn bài Từ có tên là "CỬU TRƯƠNG CƠ 九張機". Có nghĩa : Chín cái khung cửi dệt vải, là Chín cái máy dệt. Từ "Nhất Trương Cơ" cho đến "Cửu Trương Cơ" là Chín Khung Cửi, bài TỨ TRƯƠNG CƠ là khung cửi thứ tư mà thôi. Nếu dịch đúng theo thể loại của bài từ thì là :

                  Khung cửi tư này,
                  Uyên ương dệt mộng muốn cùng bay,
                  Khá thương xuân sắc đầu đà bạc.
                  Sóng xuân cỏ biếc,
                  Sáng lòng lạnh lẽo,
                  Áo đỏ giặt cùng ai !

     Hoàng Dung cũng đã nhái theo thể loại nầy mà làm hai bài tặng cho Quách Tĩnh là "Thất Trương Cơ 七張機" và "Cửu Trương Cơ 九張機" như sau :

                七張機,                   Thất Trương cơ (Ki),
                 春蠶吐盡一生絲,  Xuân tầm thổ tận nhất sanh ti,
                 莫教容易裁羅綺。  Mạc giao dung dị tài la y.
                 無端剪破,              Vô đoan tiễn phá,
                 仙鸞綵鳳,              Tiên loan thái phụng,
                 分作兩邊衣。           Phân tác lưỡng biên y !
    Có nghĩa :
                                 Khung cửi bảy hờ,
                                 Tầm xuân nhả hết một đời tơ,
                                 Chớ để dễ dàng may áo gấm.
                                 Khi không cắt xén,
                                 Loan tiên Phụng múa,
                                 Chia vạt áo hai bờ !

Bài "Cửu Trương Cơ" như sau :

                 九張機,                   Cửu trương cơ (ki),
                 雙飛雙葉又雙枝,   Song phi song diệp hựu song chi,
                 薄情自古多別離。   Bạc tình tự cổ đa biệt ly.
                 從頭到底,               Tòng đầu đáo để,
                 將心縈繫,               Tương tâm oanh hệ,
                 穿過一條絲。            Xuyên quá nhất điều ti.
    Có nghĩa :
                 Khung cửi chín ni,
                 Hai cành hai lá lại song phi,
                 Bạc tình xưa nay lắm biệt ly.
                 Từ đầu đến cuối,
                 Để lòng vấn vít,
                 Vướng mắc sợi tơ chi !


    Đây là những bài ca bài hát của các cô gái hoài xuân ngồi quay tơ dệt vải bên khung cửi để bày giải nổi lòng tâm tư tình cảm của mình. Kim Dung đã khéo chọn "bài thứ tư" có nội dung ướt át và hợp với hoàn cảnh và chuyện tình oan nghiệt của Lưu Qúy Phi (Anh Cô) và Chu Bá Thông để đưa vào trong truyện. Chỉ có Hàn Giang Nhạn dịch thoát nhưng rất hay, rất gợi tình và lại có tính văn chương mượt mà ướt át, không như những bản dịch sau nầy rất hời hợt và rất dở, rất vụng không có tính văn chương chút nào cả. 
        
       Mối tình oan nghiệt thứ hai là của Lý Mạc Sầu và Lục Triển Nguyên. Lý Mạc Sầu trốn khỏi Cổ Mộ thâm u để đi ra thế giới bên ngoài. Trước cảnh non xanh nước biếc, mải vui chơi nên lạc đến nước Đại Lý và tình cờ quen với Lục Triển Nguyên. Hai người yêu nhau, Lục từ giã về quê, hứa sẽ trình thưa với cha mẹ để cưới Lý Mạc Sâu. Không ngờ đợi mãi vẫn không thấy tăm hơi gì cả, bèn lần mò đến Lục gia trang, thì thấy Lục Triển Nguyên đang làm lễ thành hôn với Hà Nguyên Quân là nghĩa nữ của Võ Tam Thông. Lý Mạc Sầu nổi giận định phá tan hôn lễ, nhưng có cao tăng của Thiên Long Tự ngăn cản. Lý Mạc Sầu hẹn mười năm sau khi công phu luyện thành sẽ đến báo thù rửa hận. Qủa nhiên mười năm sau Lý Mạc Sầu đến khủng bố và tàn sát hết cả nhà của Lục Triển Nguyên cả gà chó cũng không chừa. Trong khoảng thời gian hận sầu với mối tình ngang trái nầy Lý Mạc Sầu luôn miệng ngâm nga hai câu thơ sau :

                  問世間,情為何物,  Vấn thế gian, tình vi hà vật,
                    直教生死相許?          Trực giao sanh tử tương hứa ?
Có nghĩa :
             Hỏi thế gian, tình là vật chi, mà khiến cho người ta...
             Phải lấy cái sống chết để hứa hẹn với nhau ?

       Đây là hai câu mở đầu trong bài "Nhạn Khâu Từ 雁丘詞" của Nguyên Háo Vấn 元好問 (1190-1257) là nhà văn học, sử học ở giữa đời Kim và Nguyên của Trung Hoa. Lúc nhỏ thông minh dĩnh ngộ, nổi tiếng là thần đồng. Năm 16 tuổi, trên đường lai kinh ứng thí, ông gặp một người thợ săn giương cung bắn một cặp nhạn đang bay. Một con nhạn bị bắn rơi xuống đất, con nhạn kia bèn xếp cánh cắm đầu rớt xuống chết theo. Cảm động trước tấm tình thủy chung của đôi chim nhạn, Nguyên Háo Vấn đã hỏi mua xác của đôi chim và chôn cùng một nấm mộ, đề là NHẠN KHÂU 雁丘, rồi làm bài từ theo điệu Mạc Ngư Nhi 摸魚兒 lấy tên là NHẠN KHÂU TỪ 雁丘詞 là "Mồ Chôn Chim Nhạn"như sau :

                問世間,情為何物,   Vấn thế gian, tình vi hà vật,
                直教生死相許 ?          Trực giao sanh tử tương hứa ?
                天南地北雙飛客,        Thiên nam địa bắc song phi khách,
                老翅幾回寒暑。           Lão xí kỷ hồi hàn thử.
                歡樂趣,離别苦,        Hoan lạc thú, ly biệt khổ,
                就中更有痴兒女...        Tựu trung cánh hữu si nhi nữ...
Có nghĩa :
             Hỏi thế gian tình là vật gì,
             Mà đem chết sống hứa nhau chi ?
             Trời nam đất bắc cùng là khách,
             Ấm lạnh cánh già mòn mỏi.
             Vui hoan lạc, khổ biệt ly,
             Chỉ riêng nhi nữ mối tình si...










          Bài từ còn dài (16 câu nữa), nhưng phần sau không ăn vào những tình tiết câu truyện nên Kim Dung không có trích. Mỗi lần ngâm các câu thơ trên với mối hận bạc tình, Lý Mạc Sầu đã ra tay giết cả nhà Lục Triển Nguyên một cách tàn độc không thương xót, cho thấy đau khổ vì thất tình đã biến con người trở nên vô cảm biết chừng nào !
                         
          Sau đây là các kiểu ghen, các kiểu hận tình của các người đẹp trong truyện THIÊN LONG BÁT BỘ 天龍八部.  Đầu tiên là ...

      - CHUNG PHU NHÂN (CAM BẢO BẢO 甘宝宝) : mẹ của Chung Linh. Bị người yêu đẹp trai hào hoa phong nhã là Đoàn Chính Thuần phụ rẫy. Bà quyết định lấy một người chồng "Xấu như ma, Mặt dài như ngựa" để trả thù người yêu. Chồng bà là Chung Vạn Cừu, lấy hiệu là VẠN CỪU ĐOÀN, tức coi họ Đoàn là kẻ thù muôn thuở. 
      - TU LA ĐAO 修羅刀 TẦN HỒNG MIÊN 秦红棉 : Bị Đoàn Chính Thuần phụ rẫy khi đã có thai, nên khi sanh ra Mộc Uyển Thanh thì bảo là nhặt được con hoang bên đường, chỉ cho con gọi mình là sư phụ. Dạy cho con giỏi võ công để đi giết người yêu và vợ cả của Đoàn Chính Thuần là Vương Phu Nhân và Đao Bạch Phượng.
      - VƯƠNG PHU NHÂN (LÝ THANH LA 李青蘿) : Hận Đoàn Chính Thuần bạc tình, nên hận luôn cả những người nào mang họ Đoàn. Hễ gặp người mang họ Đoàn là giết chết không tha, ngay cả những người của nước Đại Lý hay ở gần nước Đại Lý cũng giết luôn để chôn xác làm phân cho Mạn Đà La Hoa (tên riêng của Trà Hoa) mà người tình phụ bạc của mình... Đoàn Chính Thuần rất yêu thích !
      - NGUYỄN TINH TRÚC 阮星竹 : Không giỏi võ công, chỉ giỏi thủy tính, bơi lội rất giỏi, là mẹ của A CHÂU và A TỬ. Bà là người hời hợt nhất, dễ dãi nhất, nên cũng hạnh phúc nhất. Đoàn Chính Thuần phụ bạc thì khi đẻ con ra bà cho người khác nuôi; Khi gặp lại chỉ cần năn nỉ vài câu là bà tha thứ cho Đoàn Chính Thuần ngay và hai người lại vui vẻ ở bên nhau.
      - MÃ PHU NHÂN (KHANG MẪN 康敏) : Bà là người thâm hiễm, độc ác và có dã tâm nhất trong các người tình của Đoàn Chính Thuần. Bị Đoàn phụ rẫy, bà lấy Phó Bang chủ Cái Bang là Mã Đại Nguyên, hy vọng sẽ được làm Bang Chủ Phu Nhân, nhưng Bang Chủ lại lọt vào tay của Kiều Phong, bà bèn quay sang gạ gẫm Kiều Phong. Nhưng Kiều Phong là bản sắc anh hùng chính hiệu chỉ biết giao du với bằng hữu và uống rượu mà không màng đến nhi nữ thường tình. Bà đâm ra hận Kiều Phong bèn lén lúc tư tình với Chấp Pháp Trưởng Lão Bạch Thế Kính và Thập Phương Tú Tài Toàn Quán Thanh, để cùng moi móc nguồn gốc Khất Đan của Kiều Phong với mục đích là làm cho ông thân bại danh liệt, vì ông đã dám coi thường mối tình si của bà dành cho ông. Về phần Đoàn Chính Thuần khi gặp lại, bà đã gài cho họ Đoàn uống phải Thập Hương Nhuyễn Cân Tán cho mất hết sức lực, rồi nhắc lại lời thề năm xưa nếu phụ bạc thì sẽ bị muôn đao phân thây. Bà kể cho Đoàn Chính Thuần nghe : Lúc nhỏ nhà nghèo, Tết đến thấy cô bé nhà bên khoe có bộ đồ mới mua. Bà tức lắm đêm đó thừa lúc mọi người ngủ say, bà lẻn qua nhà cô bé, lục ra bộ đồ mới, rồi lấy kéo cắt xuôi cắt ngược, cắt cho không còn vá lại được nữa mới thôi. Rồi bà kết luận rằng : "Cái nào mà bà không có được, thì sẽ tìm cách huỷ hoại nó đi, chớ không để cho người khác có được". Nói xong, bà hôn Đoàn Chính Thuần từ đầu đến vai một cách âu yếm, rồi hé miệng cắn cho một phát phun máu và rớt một miếng thịt ra. Bà nói là ở đây không có muôn đao phân thây, bà sẽ... cắn Đoàn Chính Thuần từ từ cho đến chết !
     - ĐAO BẠCH PHƯỢNG 刀白鳳 là chính phi của Đoàn Chính Thuần, là mẹ của Đoàn Dự. Vì chịu không nổi tính trăng hoa lăng nhăng của chồng mà xuất gia làm đạo cô, hiệu là Ngọc Hư Tản Nhân 玉虛散人. Ngoài việc giận chồng xuất gia làm đạo cô ra, trong lúc ghen tương qúa độ bà đã làm nhục chồng bằng cách lấy một người ăn mày hèn hạ; chẳng ngờ gả ăn mày hèn hạ dơ dáy kia chính là Thái tử Diên Khánh, người đứng đầu TỨ ÁC NHÂN sau nầy là ÁC QUÁN MÃN DOANH. Cũng nhờ thế, mà theo tập tục của nước Đại Lý lúc bấy giờ, Đoàn Dự có thể lấy hết các cô em chú bác 2 đời như Chung Linh, Mộc Uyển Thanh, Vương Ngữ Yên một cách hợp lệ.








        Cái hay của Kim Dung là đã HƯ CẤU ra rất nhiều chuyện tình mà không chuyện nào giống chuyện nào cả. Tâm lý nhân vật cũng vậy, muôn hình vạn trạng, nhưng lại rất nhân bản rất thực tế giống như là cuộc sống của ta trước mắt. Trong số các tình nhân của Đoàn Chính Thuần thì Nguyễn Tinh Trúc là người vô tư, ít chủ kiến và hiền lành nhất. Bà ta không thông minh và biết tiến thoái như Cam Bảo Bảo; cũng không sắc sảo và oán hận như Tần Hồng Miên; càng không kiêu ngạo và bá đạo như Vương Phu Nhân; và càng không ngông cuồng ác độc nham hiễm như Mã phu nhân Khang Mẫn. Nên...
       Mặc dù không có nét đặc sắc nào cả, nhưng lại là một người đẹp đầy nữ tính và rất hồn nhiên, chính những nét rất bình thường đó đã làm cho nàng ta sống những ngày tháng hạnh phúc nhất, lâu dài nhất bên cạnh Đoàn Chính Thuần hào hoa phong nhã.

Đỗ Chiêu Đức - 杜紹德
                                                                             

                                                                             

3/19/23

HỘI THÁNH NƯỚC PHÁP CẦU ĐẢO LẠY TRỜI ĐỔ MƯA

Vùng Pyrénées-Orientales cũng như trên khắp nước Pháp hiện trải qua nạn hạn hán. Ngày 18/03/2023, hội thánh Perpignan đã đáp lại lới thỉnh cầu của các nông gia, cử hành nghi thức công giáo cầu trời đổ mưa.

Từ 150 năm nay, nước Pháp không có nghi thức cầu mưa. Bốn nông gia rước kiệu có tượng Thánh Gaudérique từ thế kỷ thứ IX, lội qua sông Têt đã khô cạn.

Linh mục Christophe Lefebvre, cha sở nhà thờ chính tòa Perpignan cho biết lòng sông Têt quá thấp, từ 6 tháng trời nay chỉ ghi nhận 130 mm lượng nước mưa.

Tập tục này giống như nghi lễ cầu đảo (祈 禱) ở nước ta, thể hiện qua bài thơ sau đây của Nguyễn Phi Khanh (1355-1428) :

炎炎九土正焦燖,Viêm viêm cửu thổ chính tiêu tầm.
一雨皇天普澤深。
Nhất vũ hoàng thiên phổ trạch thâm.
請罪國將行盛禱,
Thỉnh tội quốc tương hành thịnh đảo,
初和民已浹歡心。
Sơ hoà dân dĩ thiếp hoan tâm.
.......

Xin chuyển thể lục bát :

Đất đai nứt nẻ khô cằn
Cầu trời mưa xuống mùa màng thắm sâu
Thôn làng khấn vái thỉnh cầu
Mong sao mưa thuận thắm sâu đất trời.

Lê Đình Thông

3/18/23

Tạp Ghi và Phiếm Luận : HƯ CẤU trong võ hiệp KIM DUNG (1)

 

Nhà văn KIM DUNG

        Ai cũng biết truyện võ hiệp của Kim Dung đều toàn là những câu truyện HƯ CẤU, nhưng sao tất cả mọi người già trẻ lớn bé, bất kể sang hèn nam nữ, từ bình dân đến trí thức đều mê như điếu đổ. Truy nguyên, ta sẽ thấy được những HƯ CẤU của Kim Dung đều dựa vào những thực tế của cuộc sống hằng ngày, của tâm lý tình cảm chân thật của con người, của những sự kiện lịch sử có thật kết hợp với những dã sử trong dân gian, những phong tục tập quán của từng địa phương hòa vào trong các tình tiết khúc chiết ly kỳ gây cấn để hấp dẫn người đọc bằng lối kể truyện vừa bình dân vừa bác học, vừa chất phác vừa văn chương, vừa xen vào cái không khí trinh thám như của Sherlock Holmes... Tất cả Lịch sử, Địa lý, Chính trị, Văn hóa, văn chương, tâm lý tình cảm của con người, tất cả tất cả... hòa quyện vào nhau trong câu truyện VÕ HIỆP HƯ CẤU một cách tài tình hợp lô-gích và phù hợp với cuộc sống thực tại của con người !

        Trước tiên xin được điểm qua vài nét về mặt văn chương văn học trong truyện Võ Hiệp của Kim Dung :
        Trong truyện "Thiên Long Bát Bộ 天龍八部 (1963-1966)". Khi Đoàn Dự bị nhà sư Thổ Phồn Cưu Ma Trí bắt đem về xứ Giang nam để tế sống trước mộ của Mộ Dung Bác, vì chàng ta thuộc lòng hết khẩu quyết của Lục Mạch Thần Kiếm. Đến xứ Giang nam vào môt buổi chiều xuân tươi đẹp với sóng nước lăn tăn, với liễu xanh rũ bóng bên bờ, với cỏ non xanh rợn chân trời xa xa là xóm nhà thấp thoáng với những hoa hạnh bay là đà trong ánh nắng chiều. Trước cảnh đẹp của Giang nam mà ở Đại Lý chưa từng thấy qua, chàng thư sinh Vương tử Đoàn Dự nổi hứng cất giọng ngâm :

                  波渺渺,柳依依;  Ba miểu miểu, liễu y y;
                  孤村芳草遠,       Cô thôn phương thảo viễn,
                  斜日杏花飛。       Tà nhật hạnh hoa phi !
Có nghĩa :
               Sóng lăn tăn, liễu thướt tha,
               Cỏ non xanh biếc xóm xa ,
               Hạnh hoa theo nắng là đà bay bay !

        Khiến cho nhà sư Cưu Ma Trí cũng phải bật cười mà nói rằng :"Chết đến nơi, bộ vui lắm sao mà còn ngâm thơ nữa ?!"

Ba miểu miểu, Liễu y y..
        
        Lúc nhỏ khi đọc đến đây, tôi cứ ngỡ là thơ của "Kim Dung làm cho Đoàn Dự ngâm"; đến lúc học về văn học cổ thì mới biết rằng đây là bài TỪ "Ba Miểu Miểu" trong từ điệu "Giang Nam Xuân" của Khấu Chuẩn 寇準的"江南春·波渺渺". Khấu Chuẩn (961-1023) là nhà văn nhà thơ đời Bắc Tống, đậu Tiến sĩ năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 5, làm quan đến chức Thừa tướng. Bài từ trên của ông, nhà văn Kim Dung trích còn thiếu 2 câu. Cả bài như sau :

                波渺渺,柳依依;  Ba miểu miểu, liễu y y;
                孤村芳草遠,       Cô thôn phương thảo viễn,
                斜日杏花飛。       Tà nhật hạnh hoa phi !
                江南春盡離腸斷, Giang Nam xuân tận ly trường đoạn,
                苹滿汀洲人未歸。 Bình mãn đinh châu nhân vị quy !
Có nghĩa :
               Sóng lăn tăn, liễu thướt tha,
               Cỏ non xanh biếc xóm xa ,
               Hạnh hoa theo nắng là đà bay mau.
               Giang Nam xuân hết lòng đau,
               Bèo đầy bến bãi người sao chưa về !


Kim Dung đã trích rất khéo vì 2 câu sau không ăn khớp với hoàn cảnh của Đoàn Dự lúc bấy giờ.


Còn trong truyện "Anh Hùng Xạ Điêu" , tức "Xạ điêu anh hùng truyện 射鵰英雄傳 (1957-1959)", xem phim thì không có, nhưng nếu xem truyện, chúng ta sẽ đọc thấy...

...     Khi bị Thiết Chưởng Thủy Thượng Phiêu Cừu Thiên Nhận đánh cho một thiết chưởng thừa sống thiếu chết, Hoàng Dung phải nhờ Quách Tĩnh cõng đi tìm người trị thương. Được sự chỉ điểm của Thần Toán Tử Anh Cô, đi tìm Đoàn Nam Đế nhờ ngài dùng Nhất Dương Chỉ để trị thương cho Hoàng Dung. Vì mỗi lần dùng Nhất Dương Chỉ để trị thương cho ai, thì Đoàn Nam Đế phải mất hết công lực, sau 3 năm mới phục hồi lại được, cho nên các học trò của ngài là Ngư, Tiều, Canh và Độc có ý ngăn cản không cho Quách Tĩnh và Hoàng Dung lên núi. Từ chân núi đến đỉnh núi, Ngư Tiều Canh Độc 魚,樵,耕,讀 chia làm 4 trạm để cản trở, khó khăn lắm mới vượt qua được 3 trạm Ngư, Tiều và Canh.... Bây giờ tới trạm cuối cùng của ông ĐỘC nhé !...

        Thấy Hoàng Dung giỏi văn thơ và đã lên tiếng chê trách là ông chỉ đọc sách như vẹt, chứ không hiểu hết ý nghĩa của Thánh hiền, qua câu chuyện : Khi nghe ông Độc đọc một câu trong sách Luận ngữ là : "Mạc xuân dã, xuân phục ký thành, quan giả ngũ lục nhân, đồng tử lục thất nhân, dục hồ Nghi, phong hồ Vũ Vu, vịnh nhi qui...末春也,春服既成,冠者五六人,童子六七人,浴乎宜,風乎宇于,咏而歸...". 

Có nghĩa ; 
Vào cuối xuân, quần áo mùa xuân đã may xong, năm sáu người lớn, sáu bảy trẻ nhỏ, tắm ở dòng sông Nghi, hứng gió ở đền Vũ Vu, rồi hát mà về...(tả cảnh sống thanh bình vui vẻ, tự do tự tại của dân chúng trong buổi đầu xuân)... mà hỏi ông rằng : "Ông đọc sách Thánh hiền, mà có biết Bảy Mươi Hai người thành đạt 七十二賢 (thất thập nhị hiền) trong số 3 ngàn học trò của Không Tử, là : Có bao nhiêu người già, bao nhiêu người trẻ không ? Ông Độc suy nghĩ mãi không ra , sách chỉ nói Thất thập nhị Hiền, chứ đâu có nói gì đến già trẻ đâu. Hoàng Dung mới cười ông , và đem câu Luận ngữ mà ông vừa đọc ở trên để giải thích như thế nầy : Quan giả là người đội mũ, là người lớn, ngũ lục nhân, năm sáu người, 5 lần 6 là 30 người. Đồng tử là con nít là người trẻ, lục thất nhân, sáu bảy người, 6 lần 7 là 42 người. 30 cộng với 42, chẳng phải 72 là gì ? Cho nên tôi nói ông chỉ đọc sách như vẹt, chứ không hiểu hết ý nghĩa sâu xa ở bên trong là vậy đó !". Thấy Hoàng Dung mặc dù ngụy biện, lấy câu sách mình vừa đọc để mắng mình, nhưng cũng phải phục tài thông minh, cơ trí của cô ta, nên định thử xem con bé nầy giỏi tới đâu...
 
        Đầu tiên, ông ta đọc một bài thơ, cho Hoàng Dung đoán lý lịch của mình (đây là một cách chơi chữ bằng cách đố chữ rất lý thú để cho người ta đoán). Bài thơ như sau :

             Lục kinh* uẩn tịch hung trung cửu,         六經蕴籍胸中久,
            Nhất kiếm thập niên ma tại thủ.            一剣十年磨在手.
            Hạnh hoa đầu thượng nhất chi hoành,   杏花頭上一枝横,
            Khủng tiết thiên cơ mạc lộ khẩu.           恐泄天機莫露口.
            Nhất điểm luy luy đại như đấu,             一点畾畾大如斗,
            Giảm khước bán sàng chung sở hữu.     减却半牀终所有.
            Hoàn danh trực đãi quải quan quy,        完名直待挂冠歸,
            Bản lai diện mục quân tri phủ ?             本来面目君知否?

 * LỤC KINH 六經 : gồm có Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch, Kinh Nhạc, Kinh Xuân Thu《詩》《書》《禮》《易》《樂》《春秋》. Đến đời Tống "Kinh Lễ và Kinh Nhạc" được nhập lại thành một, gọi là "Kinh Lễ Nhạc", nên chỉ còn có NGŨ KINH mà thôi. Ta hay nghe nói TỨ THƯ NGŨ KINH 四書五經 là vì thế !

Bài thơ có nghĩa :
Sáu bộ kinh sách đã nung nấu trong lòng từ lâu và trong tay mười năm nay đã luôn mài một lưỡi gươm. Trên đầu hạnh hoa có một cành ngang, sợ để lộ thiên cơ nên đừng mở miệng. Một chấm to lớn như là cái đấu, sẽ có được khi đã giảm nửa sàng. Công thành danh toại nên muốn cáo lão về quê, gốc gác mặt mũi của ta, bạn đã biết rồi chưa ?

        Hoàng Dung nghe xong, bèn lập lại hai câu đầu "Lục kinh uẩn tịch hung trung cửu, Nhất kiếm thập niên ma tại thủ" là : Lục kinh đã thuộc nằm lòng, lại mười năm mài một lưỡi gươm, quả là văn võ song toàn. Chữ lục 六 thêm chữ nhất 一 trong chữ "nhất kiếm" và chữ thập 十 trong chữ "thập niên", gộp lại thành chữ Tân 辛. 

        Trên đầu chữ Hạnh 杏 thêm một gạch ngang , và ở phía dưới bỏ đi chữ khẩu (mạc lộ khẩu 口) còn lại là chữ Mùi 未. 

        "Nhất điểm" là một chấm ở trên chữ "đại" là chữ Khuyển 犬, giảm khước là giảm đi phân nửa chữ sàng 牀, tức là bỏ chữ mộc 木 đi, thêm chữ khuyển 犬 vào, sẽ thành chữ Trạng 狀.
 
        Cuối cùng, chữ "hoàn danh", Hoàn 完 mà "quải quan" là treo nón, bỏ cái nón ra, chữ Hoàn chỉ còn lại có chữ Nguyên 元. Nhập kết quả của bảy câu lại thành ra 4 chữ : Tân Mùi Trạng Nguyên 辛未狀元, Câu chót "Bản lai diện mục quân tri phủ? " là : "Mặt mũi vốn có của ta, cô đã biết hay chưa?" À, thì ra ông xuất thân là Trạng Nguyên đậu năm Tân Mùi, Xin kính chào Ngài Trạng Nguyên ạ !
                 
ranh và tạo hình của Ngư, Tiều, Canh, Độc qua phim
              
        Ông Độc rất phục cái thông minh, tài trí của Hoàng Dung, nhưng ông vẫn phải làm khó, vì nếu để cho sư phụ của mình là Đoàn Nam Đế trị thương cho Hoàng Dung thì ông ta phải chịu mất hết công lực trong 3 năm, mà trước mắt ông ta đang gặp phải cường địch. Vì vậy, ông Độc bắt Hoàng Dung phải đối thêm 2 câu đối nữa, nếu đối được mới cho vào.
Câu thứ nhất, vế ra của Ông như sau :

Phong bãi tông lư, thiên thủ Phật dao triệp điệp phiến,
風 摆 棕 梠 ,千 手 佛 摇 槢 叠 扇,

Có nghĩa :
Gió đưa các nhánh cọ (như cây thốt nốt xòe các nhánh như lá dừa), giống như là ông Phật ngàn tay đang phe phẩy quạt.

        Vế ra hay quá, lại rất tượng hình, muốn đối lại không khó, nhưng muốn đối cho hay thì... Chợt Hoàng Dung nhìn thấy một cọng sen vương cao lên trong hồ, bèn xúc cảnh sinh tình mà đối ngay rằng :

Sương điêu hà diệp, độc cước quỷ đái tiêu dao cân.
霜 凋 荷 叶, 独 脚 鬼 戴 逍 遥 巾.

Có nghĩa :
Sương thu làm héo úa lá sen, trông giống như con quỷ một giò đội khăn tiêu dao.
                  
     Phong bãi tông lư...  Sương điêu hà diệp...
                
                
        Bấy giờ trời đã vào buổi tàn thu, sen trong đầm đà tàn tạ, một cọng sen vương cao lên, lá sen bên trên bị sương thu nên héo úa đen đúa rũ xuống, trông tựa như người đang đội khăn, ông Độc đang đội khăn Tiêu Dao, khăn của thư sinh ngày xưa, bây giờ bị Hoàng Dung diễu là "Con quỷ một giò đội khăn tiêu dao", để đối lại với "Ông Phật ngàn tay đang phe phẩy quạt". Đối khéo và hay quá, lại còn mắng mình là "con quỷ một giò" nữa chớ !. Nhưng vẫn không chịu thua, ông tiếp tục moi ra câu đối hóc búa mà ngày xưa thầy ông đã ra cho ông khi còn đi học, và mãi cho đến nay mặc dù đã đậu Trạng Nguyên mấy chục năm rồi ông vẫn chưa đối lại được. Câu đối đó như sau :

Cầm Sắt Tì Bà bát đại vương, nhất ban đầu diện ,
琴 瑟 琵 琶 八 大 王, 一 般 頭 面. 
Có nghĩa :
"Cầm sắt tì bà" (là 4 loại nhạc cụ) , mỗi chữ trên đầu đều có 2 chữ VƯƠNG 王, nên gọi là bát đại vương 八大王, "Nhất ban đầu diện" là mặt mũi đều giống nhau, vì 2 chữ vương của mỗi chữ đều nằm ở phần trên đầu.

        Vế ra quả là hóc búa, trong một lúc muốn đối cho chỉnh không phải là dễ. Nhưng Hoàng Dung lại rất thông minh dĩnh ngộ, lại đúng ngay tình cảnh mình đang gặp trước mắt, nên nàng bèn cất tiếng đối ngay :

Si Mị Võng Lượng tứ tiểu quỷ, các tự đỗ trường .
魑 魅 魍 魉 四 小 鬼, 各 自 肚 腸.
Có nghĩa :
"Si mị võng lượng" là 4 loài tiểu quỷ ở trong núi, chuyên phá phách người đi đường, "các tự đỗ trường" là mỗi con bụng dạ đều khác nhau. Câu đối thật khéo, thật chỉnh, "Cầm sắt tì bà" đối với "Si mị võng lượng", "Bát đại vương" đối với "Tứ tiểu quỷ", "Nhất ban đầu diện" đối với "Các tự đỗ trường". Vì phần trong của 4 chữ QUỶ 鬼 là 4 bộ khác nhau. Câu đối còn hay ở chỗ, vừa đối chỉnh lại vừa mượn ý câu đối mà mắng 4 ông Ngư Tiều Canh Độc là "Tứ tiểu quỷ" , mỗi người một bụng dạ khác nhau, như 4 con quỷ núi đều tìm cách ngăn chặn không cho Quách Tĩnh và Hoàng Dung lên núi...

Cầm sắt tì bà... Si mị võng lượng

        Đến nước nầy, Ông Độc cũng phải chịu Hoàng Dung là giỏi và để cho 2 người lên núi trị thương...

        Riêng tôi, thì tôi không biết là Hoàng Dung giỏi cở nào, chứ KIM DUNG thì quả nhiên giỏi thiệt, chả trách mọi người đều mê đọc truyện của ông ta, già mê theo già, trẻ mê theo trẻ, trí thức mê theo trí thức, bình dân mê theo bình dân... Quả thật là Ông Thần của tiểu thuyết Võ Hiệp Trung Hoa. Chả trách ở Trung Quốc có thành lập một tổ chức gọi là : Kim Dung Học, để chuyên nghiên cứu về 15 bộ tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung về tất cả các mặt tâm lý, tình cảm, triết học, lịch sử, đia lý...

        Thực ra theo "Cổ kim đàm khái, Đàm tư bộ 古今譚概·談資部" của Phùng Mộng Long 馮夢龍 đời Minh thì đây là câu đối của  Đường Cao 唐皋 một Trạng nguyên đời nhà Minh khi đi sứ sang nước Cao Ly. Chúa Cao ly ra câu đối thử tài là : Cầm Sắt Tì Bà bát đại vương, nhất ban đầu diện 琴瑟琵琶八大王,一般頭面. Trạng bèn đối lại là : Si Mị Võng Lượng tứ tiểu quỷ, các tự đỗ trường 魑魅魍魉四小鬼, 各自肚腸. Chúa Cao Ly kinh ngạc khen hay.

        Lại có thuyết cho là khi liệt cường xâu xé Trung Hoa, trong Bát quốc Liên quân có người giỏi tiếng Hoa muốn làm nhục triều đình Mãn Thanh đã ra câu đối hóc búa sau đây :

騎奇馬,張長弓,琴瑟琵琶八大王王王在上,單戈作戰。
Kỵ kỳ mã, trương trường cung, cầm sắt tì bà bát đại vương,
vương vương tại thượng, đơn qua tác chiến.
Có nghĩa :
Cởi ngựa lạ, giương cung dài, cầm sắt tì bà tám đại vương, mỗi vị vương đều ở trên, đơn thương tác chiến. Vế ra nầy hóc búa ở chỗ, ngoài Cầm Sắt Tì Bà Bát Đại Vương... lắt léo như đã nói ở trên, thì :

Chữ KỲ 奇 đặt sau chữ MÃ 馬 là chữ KỴ 騎;
Chữ CUNG 弓 đặt trước chữ TRƯỜNG 長 thành chữ TRƯƠNG 張.
Chữ QUA 戈 ghép sát lại với chữ ĐƠN 單 thành chữ CHIẾN 戰.

Lúc đó trong đám quan viên của Thanh Triều, có một người đứng ra đối lại rằng :

偽為人,襲衣,魅魑魍魎四小鬼鬼鬼犯邊,合手即拿
Ngụy vi nhân, tập long y, Si mị võng lượng tứ tiểu qủy, qủy qủy phạm biên, hiệp thủ tức nã.
Có nghĩa :
Làm người ngụy, trộm áo rồng, Si mị võng lượng bốn qủy nhỏ, qủy nào cũng muốn phạm biên cượng nắm tay lại là sẽ bắt lấy. Vế đối cũng có các chữ :

Chữ VI 為 đặt sau chữ NHÂN 人 là chữ NGỤY 偽;
Chữ Y 衣 đặt dưới chữ LONG 衣 là chữ TẬP 襲.
Chữ HIỆP 合 đặt trên chữ THỦ 手 là chữ NÃ 拿.

Bát Quốc Liên Quân xâu xé Trung Hoa

        Câu đối hay ở chỗ Bát Quốc Liên Quân đến xâu xé Trung Hoa là Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Nga, Nhật, Áo, Ý 英、美、法、德、俄、日、奧、意 xưng là "Bát Đại Vương" là "Tám ông vua lớn", thì bị gọi lại là "Tứ Tiểu Qủy" là "Bốn con qủy nhỏ". "Cởi ngựa lạ, giương cung dài, ngồi trên mà chiến đấu", thì được đối lại là "Ngụy quân tử, trộm áo vua, đến để xâm lấn biên cương"...

        Nhưng trên đây chỉ là truyền thuyết, không có trong chính sử. Kim Dung đã khéo lượm lặt những giai thoại trong dân gian rồi ghép vào cho những nhân vật võ hiệp Hư Cấu của mình cho câu truyện thêm phần ly kỳ hấp dẫn và lý thú hơn mà thôi.

Đỗ Chiêu Đức - 杜紹德

3/16/23

« Hóa chất vĩnh cửu » PFAS : Mối đe dọa hóa học lớn nhất cho loài người trong thế kỷ XXI ?

Nghe:

5 nước châu Âu - Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Na Uy và Thụy Điển - hôm 13/01/2023 đề xuất với Cơ quan quản lý hóa chất châu Âu về việc cấm sử dụng PFAS. Đến ngày 07/02, Liên Âu đã bắt đầu xem xét đề xuất cấm PFAS,  hóa chất « vĩnh cửu », với rất nhiều ứng dụng trong công nghiệp và đời sống, nhưng cũng có nhiều tác hại tới môi trường và sức khỏe con người. Nếu được thông qua, đây được xem như quy định lớn nhất của ngành công nghiệp hóa học châu Âu.
 
Các nhà nghiên cứu phân tích một mẫu nước để tìm chất PFAS, ngày 14/02/2023, tại Trung tâm Giải pháp Môi trường và Ứng phó Khẩn cấp, thuộc Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ ở thành phố Cincinnati, bang Ohio. AP - Joshua A. Bickel

Nhìn sang Mỹ, tập đoàn hóa chất 3M tháng 12/2022 cũng đã thông báo sẽ muộn nhất đến năm 2025 sẽ ngưng sản xuất PFAS. Để hiểu thêm về « hóa chất » được xem là « vĩnh cửu » và đang bị phản đối nhiều, RFI Tiếng Việt đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS. về hóa học Phạm Quốc Nghị, Đại học Paris-Saclay của Pháp.

RFI : Xin chào PGS.TS. Phạm Quốc Nghị, anh có thể cho thính giả, độc giả của đài biết chất PFAS cụ thể là gì ? Đâu là các đặc tính của chất này ?

TS. Phạm Quốc Nghị : Có thể hiểu đơn giản các chất PFAS là các hợp chất hữu cơ có đặc điểm chung là được cấu thành bởi Carbon và Fluor. Cần nhấn mạnh đây hoàn toàn là những chất tổng hợp bởi con người chứ không tồn tại sẵn có trong tự nhiên. Theo tổ chức OECD thì có khoảng trên 4.700 chất khác nhau thỏa mãn điều kiện để được gọi là PFAS. Tuy nhiên, theo quan điểm hóa học mà nói thì có tới trên 6 triệu hợp chất phù hợp với định nghĩa này.

Khi đề cập đến đặc tính của các hợp chất PFAS, chúng ta có thể nhớ đến các nguyên tử cấu thành đặc trưng là F, biểu tượng của Fluor và C, Carbon, và khi ghép 2 chữ cái này, chúng ta có từ “Forever Chemicals”, nghĩa là các chất vĩnh cửu. Cách dùng chữ này có thể giải thích trên quan điểm hóa học, theo đó các liên kết giữa C và F thuộc nhóm liên kết bền và khó có thể phá hủy nhất. Các chất PFAS không thể hòa tan được trong hầu hết các dung môi hữu cơ, vô cơ như axit, bazơ… Trong điều kiện tự nhiên trên bề mặt Trái đất, nhiều chất PFAS này có thể tồn tại hàng nghìn năm không bị biến đổi.


RFI : Với những đặc tính đó, đâu là những ứng dụng phổ biến của PFAS ?

TS. Phạm Quốc Nghị : Với đặc tính bền với nhiệt độ và tác động cơ học và các môi trường hóa học như axit, bazơ, nên các chất PFAS được sử dụng rộng rãi và phổ biến trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong công nghiệp. Các hợp chất này hoàn toan do tổng hợp và được đưa vào sử dụng từ khoảng những năm 1940, thời gian có thể nói là quá ngắn so với các chất có nguồn gốc tự nhiên mà chúng ta biết, nhưng mức độ sử dụng thì rất rộng rãi.

Chúng ta có thể kể đến một vài ví dụ cụ thể, thứ nhất là chảo chống dính. Các chảo chống dính thường dùng đến hợp chất gọi là Teflon. Đây là hợp chất polymer rất bền và chịu được nhiệt. Ngoài ra, hợp chất Teflon còn được sử dụng làm băng dính cách điện và chịu nhiệt. Lĩnh vực thứ hai là ngành công nghiệp bao bì, đóng gói thực phẩm công nghiệp, ví dụ đóng gói thức ăn nhanh, khiến bao bì vẫn bền khi dính nước hoặc các loại mỡ, thuận tiện cho việc vận chuyển và mang theo đồ ăn. Ngoài ra, có thể kể đến bọt chữa cháy, cứu hỏa. Đây chỉ là một vài ví dụ, còn có rất, rất nhiều ví dụ khác.

RFI : Thời gian gần đây, báo chí Pháp và châu Âu nói nhiều đến tác hại của PFAS. Anh có thể giải thích thêm về tác hại của hợp chất này đối với môi trường, sức khỏe con người ?

TS. Phạm Quốc Nghị : Trước tiên, về môi trường, vì các chất PFAS rất bền và khó bị phân hủy. Vì vậy, một khi bị đưa vào tự nhiên rồi thì các chất này sẽ thấm vào đất và các mạch nước nguồn, lan theo gió … Chính vì thế, các chất này có mặt ở gần như khắp mọi nơi trên Trái đất, thậm chí có những nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng có chất PFAS ở tận Bắc cực.

Chúng ta có thể tượng tượng đơn giản là khi rửa chảo chống dính đã qua sử dụng, sẽ có những các hạt nhỏ Teflon như tôi đã nói ở trên thoát ra và bị cuốn vào nguồn nước thải. Các quy trình xử lý nước hiện nay, bao gồm cả ở các nước phát triển như Mỹ, Châu Âu, cũng chưa xử lý được các hạt nhỏ PFAS này và nó sẽ phân tán vào môi trường. Hoặc như khi lính cứu hỏa phun các loại bọt chống cháy, sẽ có những chất họ PFAS bị phân tán vào không khí, nước …

Theo 1 nghiên cứu năm 2018 của nhóm nghiên cứu ở Mỹ, các chất họ PFAS có ở trong máu của trên 98% người Mỹ. Theo 1 nghiên cứu khác của các trung tâm kiểm tra và phòng chống bệnh của Mỹ, trong các kết quả xét nghiệm máu của 10.000 người được thực hiện vào khoảng thời gian từ năm 2003 đến năm 2014 (trên 11 năm) thì có 5 chất PFAS được tìm thấy trong máu của trên 70% người được thử máu. Đây chỉ là 5 chất mà người ta nghiên cứu. Có thể còn có nhiều chất PFAS khác mà người ta chưa tìm thấy.

Một điều rất đáng lưu ý là chất PFAS khi vào cơ thể con người thì rất khó bị loại thải, bởi vì không như một số chất khác được thải loại qua gan hoặc một số quy trình khác, các chất PFAS có thể tồn tại trong cơ thể tới nhiều tháng.

Theo Cơ quan quốc gia về an toàn thực phẩm, môi trường và lao động của Pháp, ANSES, các thực phẩm có nguồn gốc từ biển thường chứa một lượng lớn các chất PFAS so với các nguồn thực phẩm khác, đặc biệt là các động vật giáp xác như tôm, cua, ốc ... và các loài thân mềm. Cũng theo tổ chức này, các chất PFAS làm tăng hàm lượng mỡ máu (cholestérol), gây bệnh ung thư và ảnh hưởng đển sự phát triển của bào thai. Đặc biệt là theo 1 báo cáo năm 2020 của Tổ chức An toàn Thực phẩm châu Âu thì các chất PFAS có thể gây ra sự suy giảm với phản ứng của hệ thống miễn dịch đối với tiêm chủng.

Ở vùng quanh sông Rhone, phía nam thành phố Lyon, nước Pháp, có nhiều nhà máy công nghiệp hóa chất, như Arkema và Daikin. Hệ quả là các nguồn nước bị ô nhiễm chất PFAS. Báo chí Pháp gần đây đã loan báo các kết quả nghiên cứu theo đó hàm lượng PFAS trong trứng gà nuôi ở các làng Oullins et Piere-Bénite, vùng Auvergne-Rhône-Alpes, cao hơn 16 lần ngưỡng cho phép. Chính quyền vùng khuyến cáo người dân ở đây không tiêu thụ trứng và thịt gia cầm trước khi có các nghiên cứu cụ thể hơn.Các nhà khoa học lý giải bằng giả thuyết đất bị ô nhiễm và khi gà nuôi trong các trang trại tư nhân ăn thức ăn trên đất thì sẽ bị nhiễm theo. Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra sự có mặt của các chất PFAS trong cá sống ở quanh vùng này. Theo chính quyền vùng thì nhà máy Arkema thải trực tiếp nước thải có chứa PFAS vào sông Rhone. Điều này gây ảnh hưởng đến các nguồn nước sinh hoạt ở vùng này.

RFI : Vậy theo anh làm thế nào để có thể hạn chế các tác hại của PFAS đối với môi trường và đặc biệt là đối với sức khỏe con người ?

TS. Phạm Quốc Nghị : Câu trả lời là những vấn đề này cần được xử lý ở cấp cao nhất có thể, cấp chính phủ, quốc gia và thậm chí là cấp châu Âu, thế giới. Như tôi đã nói thì PFAS có mặt ở khắp mọi nơi. Con người, với những sinh hoạt bình thường, thì rất khó có thể tránh được việc bị ô nhiễm. Dù có ý thức hay không có ý thức, thì theo một nghiên cứu của Pháp trên rất nhiều cá thể, trong mẫu máu của gần như 100% số người này đều có chất PFAS. Về cá nhân từng người, cách đơn giản nhất là trong cuộc sống nên hạn chế dùng chất này, chẳng hạn hạn chế mua và dùng đồ ăn nhanh, hạn chế dùng chảo chống dính, thay vào đó có thể dùng chảo chống dính bằng gốm. Tuy nhiên, cũng có thể chảo chống dính bằng gốm cũng có những nguy cơ khác mà khoa học bây giờ vẫn chưa tìm thấy.

Thế nên, đối với từng cá nhân, theo tôi thì hiện tại vẫn chưa có nhiều giải pháp, mà cần hoạt động đồng bộ, thống nhất ở mức độ cao nhất. Chất này đã được sử dụng quá rộng rãi trong hầu như mọi lĩnh vực trong cuộc sống, không thể loại bỏ chỉ sau 1-2 ngày, bởi vì ngoài yếu tố sức khỏe còn có yếu tố kinh tế xã hội. Thế nên, ở cấp độ châu Âu, mỗi khi mà đưa ra thảo luận thì ngoài hội đồng khoa học ra còn có các hội đồng, ủy ban kinh tế - xã hội cùng thảo luận để tìm ra kiến nghị, giải pháp song song.

RFI : AFP ngày 17/01/2023 trích dẫn Patrick Birne, nhà nghiên cứu về ô nhiễm môi trường, Đại học Liverpool Jones Moores, theo đó các chất PFAS có thể sẽ là một mối đe dọa hóa học lớn nhất cho loài người trong thế kỷ XXI. Anh nghĩ thế nào ?

TS. Phạm Quốc Nghị : Trên quan điểm hóa học thì bình luận cũng có ý đúng nhất định, bởi vì các chất PFAS này, con người tạo ra được, sản xuất được. Tuy nhiên, quá trình thu hồi lọc, phân hủy, xử lý các hạt PFAS đã qua sử dụng thì rất khó khăn. Hiện nay, trên quan điểm hóa học thì có thể nói là không có một quá trình nào có thể cho phép xử lý toàn bộ các chất PFAS trong tự nhiên. Rất khó thu hồi và gần như không thể thu hồi, không thể xử lý được vì các chất này quá bền. Khi vào cơ thể thì bắt đầu mới có những ảnh hưởng tiêu cực về sau này, thế nên tôi nghĩ là đây cũng có thể là một trong những vấn đề rất lớn mà các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu. Làm sao có thể xử lý được ? Câu trả lời hiện nay vẫn chưa có !

RFI : Xin chân thành cảm ơn PGS.TS. Phạm Quốc Nghị, Đại học Paris-Saclay.

Đề tài liên quan:


3/15/23

Đóa Từ Bi


Thuở sinh thời, anh Phùng Minh Tiến thường trao đổi với nhóm bạn bảy người, trong số có Như Chấn, Tràm Cà Mâu và tôi.

Thơ họ Phùng không những thâm trầm, mà bài nghị luận cũng rất sâu sắc.
Ngày 30/12/2022, lúc 4 giờ 47, Tiến chia sẻ một bông lan tím.

Tôi mượn tứ thơ của anh trong bài Tâm Tịnh, đặt tên là Đóa Từ Bi :

Tâm đã tịnh, đóa từ bi vừa nở
Vườn vô ưu trăng vẫn dõi theo người.

Bài Đôi Nẻo Có Không là một tuyệt bút, cũng là di ngôn để lại cho đời.
Tôi xin mượn vần điệu bài thơ, làm bài thơ tiễn biệt, nước mắt nhạt nhoà.

Hữu dã hồi
Vô dã hồi
Mạc tại giang biên lãnh phong xuy.

Có cũng về
Không cũng về
Ven sông thơ thẩn mãi bờ mê
Gió cuốn mây trôi mờ mộng ảo
Có Đóa Từ Bi rụng bốn bề.

Có cũng về
Không cũng về
Mười phương bốn hướng về đâu nhỉ
Nước cuốn mây trôi ngoảnh bước hề.

Có cũng về
Không cũng về
Tuổi đời chồng chất nơi xa lạ
Cuối đông nằm xuống phận mưa che.

Có cũng về
Không cũng về
Đồi xưa Phù Đổng nay từ biệt
Tiễn biệt ven sông khóc não nề.

LĐT
14/03/2023