Showing posts with label Lê Đình Thông. Show all posts
Showing posts with label Lê Đình Thông. Show all posts

9/26/23

HỆ QUẢ CHUYẾN ĐI HÀ NỘI CỦA JOE BIDEN NGÀY 10-11/09/2013 XÉT VỀ LUẬT QUỐC TẾ

 

Ngày 11/09, tổng thống Joe Biden ăn kem tại phố Trường Tiền

Ngày 10/09/2023, chuyên cơ Air Force One chở tổng thống Joe Biden đáp xuống sân bay Nội Bài (Hà Nội). Mục đích chuyến công du được công bố chính thức là ‘‘rất đặc biệt’’, kỷ niệm 10 năm hai nước xác lập quan hệ đối tác toàn diện (2013-2023). Tuy nhiên, thành phần tháp tùng cho thấy thực chất chuyến viếng thăm :

- ngoại trưởng Antony Blinken.
- cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan.

Tuy bộ trưởng quốc phòng Lloyd Austin không có mặt, nhưng hai lãnh vực ngoại giao và quốc phòng thường đi đôi với nhau.

Về phía Việt Nam có trưởng ban đối ngoại trung ương Lê Hoài Trung. Đây là chức vụ trong trung ương đảng đặc trách về ngoại giao. Không có chính quyền.

Tổng thống Joe Biden có tinh thần thực dụng. Điều 4 Hiến pháp 2013 quy định ‘‘đảng cộng sản Việt Nam (…) là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội’’. Vì vậy, trước cuộc họp chính thức, Mỹ đã yêu cẩu tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có lời mời chính thức Hoa Kỳ. Phiên họp diễn ra tại trụ sở đảng cộng sản Việt Nam và Hoa Kỳ tuy ‘‘rất đặc biệt’’, nhưng lại rất mau chóng, vì nội dung đã được hai bên chuẩn bị từ trước. Báo chí nước ngoài nói đến ‘‘đối tác chiến lược mở rộng’’ (partenariat stratégique étendu) trong khi văn bản chính thức nói đến ‘‘đối tác chiến lược toàn diện mang tính lịch sử’’ (partenariat stratégique global historique). 

Trong cuộc họp báo ngày 12/09/2023, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh đã bác bỏ đối tác vừa ký kết giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Thiết tường cũng nên ghi nhận chủ tịch Nước Võ Văn Thưởng chỉ khoản đãi phái đoàn Hoa Kỷ trong bữa tiệc ngày 11/09, mang tính tượng trưng.

Về địa lý chính trị, Tập Cận Bình đã sai lầm khi đưa ra đường lưỡi bò, còn gọi là đuờng chín đoạn. Hai nước đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc dùng biển Đông để chuyển vận dầu hỏa và các nguyên vật liệu. Biển Đông có bốn phương :

- Đài Loan (phương bắc) : ngày 16/11/1993, cựu TT George H.W. Bush đến Đài Loan. 
Ngày 29/01/2010, bô quốc phòng Hoa Kỷ quyết định bán vũ khí cho Đài Loan. Ngày 16/03/2018, tổng thống Donald Trump ký ‘‘Luật Lữ hành Đài Loan’’ cho phép quan hệ ngoai giao cấp cao giữa Hoa Kỳ và Đài Loan.

- Phi Luật Tân (phương tây) : ngày 02/02/2023 tại Manila, bộ trưởng quốc phòng Lloyd Austin cho biết Mỹ hiện có 9 căn cứ hải quân tại Phi Luật Tân. Trước đó, ngày 12/07/2014, Tòa Trọng tài Quốc tế xử Phi Luật Tân thắng Trung Quốc về vụ kiện đường lưỡi bò.

- Indonesia (phương nam) : từ ngày 31/08/2023, Indonesia và Hoa Kỷ tập trận chung mang tên ‘‘Super Garuda Shield’’.

- Việt Nam (phương đông) : với văn bản ký kết ngày 10/09/2023 bao gồm cả lãnh vực quân sự đã vô hiệu hóa đường lưỡi bỏ của Tập Cận Bình.

Ngày 05/09/2023, trưởng ban đối ngoại đạng cộng sản Trung Quốc Lưu Kiến Siêu sang Việt Nam thuyết phúc tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vô hiệu hóa chuyến viếng thăm của tổng thống Joe Biden.

x

x x

Chiếc kem mà tổng thống Joe Biden nhấm nháp tại Hà Nội ngày 11/09/2023 đã làm nguội lạnh tham vọng bá quyền của Trung Quốc.

Lê Đình Thông

Qua chuyến thăm của TT Biden, Việt Nam và Mỹ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn ( RFI tiếng Việt ngày 25.09.2023)

Nghe

9/2/23

Trăng Rằm

 

Giao Mùa

Hôm nay đang độ giao mùa
Vu Lan tháng bảy cũng vừa tròn trăng
Biết người có nhớ ta chăng
Riêng ta thơ thẩn nhìn trăng nhớ người
Trăng Xanh (*) tỏa ánh sáng ngời
Thiếu người chung ngắm nên đời mất vui!
Hỏi người tri kỷ xa xôi
Trên kia có thấy là tôi đang buồn?
Tôi đang ngăn giọt sầu tuôn
Để ai nhẹ bước trên đường vãng sanh
Ngắm trăng nhớ khoảng trời xanh
Nhớ thời cắp sách chúng mình tung tăng
Đêm về cùng ngắm vầng trăng
Bên hồ tâm sự, bao lần cười vui...

Trăng ơi ngày ấy xa rồi
Sao ta cứ mãi nhớ người tri âm?

Nhan Ánh Xuân
Cali 31/08/2023
(*) Blue Moon.


Trung Thu trăng sáng gặp mùa
Nhớ cha nhớ mẹ giao mùa tròn trăng
Trăng tròn nửa gánh có chăng
Ngắm vầng trăng sáng tròn trăng nhớ người
Ánh trăng xanh buốt sáng ngời
Trời Tây độc ẩm xá gì niềm vui
Trường xưa bạn cũ xa xôi
Trăng càng vời sáng riêng ta lặng buồn
Sương khuya tí tách rơi buông
Cuộc đời hiu quạnh nỗi buồn vãng sanh
Lâm Viên hồ nước xanh xanh
Thụ Nhân Phù Đổng có mình tung tăng
Trăng tròn trăng khuyết ngắm trăng
Hằng Nga ngẫm nghĩ mấy lần xướng vui.

LĐT

Cảm tác

“Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy
Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên” (*)
Kỷ niệm xưa ánh trăng chợt khuấy
Da diết buồn theo sắc trăng xanh
Huyền diệu lắm nhưng nào cảm nhận
Dõi bóng xa một thuở không đành
Nên tình mãi vẫn hoài lận đận
Bao năm qua giờ đã xa xăm
Nhưng khó xóa ban đầu dấu ấn.

Trăng ơi xin hỏi trăng có thấu
Tình thơ vương vấn đến bao giờ ?

Võ Thành Xuân

Cali 01/09/2023

(*) Thơ Thế Lữ




GIAO MÙA

Thơ gieo trong tiết giao mùa
Đêm rằm sao sáng vui đùa cùng trăng
Bạn hiền có nhớ hay chăng
Với nhau mình ngắm sao băng … nhớ người
Trăng sao đua ánh rạng ngời
Người đi xa lắm, xa rồi…ai vui
Người về cõi ấy xa xôi
Còn tôi cõi tạm ngăn rơi giọt buồn
Biết vô thường lệ cứ tuôn
Sao ai cắt cớ chia đường tử sanh!
Một mình ngồi ngắm trời xanh
Nhớ thương ngày tháng bọn mình tung tăng.
Giờ đây cũng có vầng trăng
Bạn đà bỏ cuộc ai cùng đùa vui.

Bao nhiêu kỷ niệm xa rồi
Trăng nào soi được bóng người tri âm?

Thanh Tuyền

8/9/23

Nửa Hồn Thương Đau




Năm 1975 tàn, tháng 4 tận, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật, tọa lạc tại số 81 Trần Quốc Toản, tên cũ là Trương Minh Giảng, bao gồm các hội âm nhạc, điện ảnh, nhà văn, tổ chức một buổi sinh hoạt vào cuối năm 1975, quy tụ nhiều văn nghệ sĩ chế độ cũ. Cái đinh của lần gặp gỡ này là màn trình diễn ‘‘Nửa Hồn Thương Đau’’ của ca sĩ Thái Thanh, qua tiếng đàn dương cầm của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Sau khi mất miền Nam, Thái Thanh còn ở tuổi tứ tuần, Nguyễn Ánh 9 mới ngoài 30. Thái Thanh thể hiện tuyệt vời ca khúc Nửa Hồn Thương Đau của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, điệu slow rock qua tiếng đàn dương cầm Nguyễn Ánh 9. Cử tọa là các văn nghệ sĩ của chế độ cũ đã vỗ tay rất lâu để tán thưởng.

Chiếc đàn piano à queue màu trắng dường như để tang cho một thời tự do đã qua. Chiếc màn rideau buông xõa, chia cắt nửa hồn quê hương đã mất.

Sau thời gian dài đằng đẵng chia cắt, phân ly, danh ca Thái Thanh đã mất ở tuồi 86. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 qua đời năm 76 tuổi. Nhạc sĩ Phạm Đình Chương từ trần năm 62 tuổi. Thi sĩ Thanh Tâm Tuyền, tác giả Lệ Đá Xanh với mấy câu thơ :

‘‘Đôi khi anh muốn tin,
Ôi những người khóc lẻ loi một mình’’.

Nhà thơ mất năm 70 tuổi, sau 7 năm tù tội cải tạo qua nhiều trại giam núi rừng Việt Bắc.

Thực ra, Nửa Hồn Thương Đau là chặng đường gồm ba phách. Bản nhạc gây nhiều xúc cảm cho các văn nghệ sĩ miền Nam là phách thứ ba, vì tất cả đã mất quê hương.

Phách 1 : Nửa Hồn Thương Đau

Ca khúc viết xong năm 1970, sau 10 năm chia tay với ca sĩ Khánh Ngọc, sau vụ tai tiếng với nhạc sĩ Phạm Duy mà báo chí đặt tên là ‘‘ăn chè Nhà Bè’’.

Nhạc sĩ Phạm Đình Chương kể lại câu chuyện đã khiến ông sáng tác ‘‘Nửa Hồn Thương Đau’’ như sau :

‘‘Khi tôi nhận lời viết nhạc phim cho phim ‘‘Chân Trời Tím’’, Quốc Phong đã chi ngay tiền tác quyền. Trước sự điệu nghệ của bạn, tôi đã bắt tay vào việc sáng tác. Một buổi tối, Quốc Phong ghé lại ‘‘Đêm Màu Hồng’’ bảo là mọi chuyện đã xong, chỉ còn thiếu nhạc phim thôi. Quốc Phong gia hạn cho tôi hai ngày. May sao trên nóc chiếc piano có bài Lệ Đá Xanh của Cung Tiến, phổ thơ Thanh Tâm Tuyền. Tôi dùng ngay cái ‘‘coda’’ đó cho Nửa Hồn Thương Đau.

Phách 2 : Chân Trời Tím

‘‘Chân Trời Tím’’, bộ phim có doanh thu cao nhất lịch sử điện ảnh Việt Nam. Cuốn phim do nhà văn Văn Quang viết truyện, đạo diễn Lê Hoàng Hoa thực hiện, Liên Ảnh Công Ty sản xuất năm 1971. Nhà văn Mai Thảo tóm tắt Chân Trời Tím như sau :

‘‘Chiến tranh làm thành những chia ly. Trong lửa đạn kín trùm, hạnh phúc chỉ là chốc lát. Theo tiếng gọi của nhiệm vụ và chí lớn, Phi lại lên đường. Mất Phi, từ đó đời Liên chỉ còn là tối đen địa ngục.’’

Phách 3 : Ất Mão (1975)

Cuối năm 1975, ca sĩ Thái Thanh trình diễn ‘‘Nửa Hồn Thương Đau’’ trước cử tọa là các văn nghệ sĩ chế độ cũ. Giọng ca nức nở, tiếng hát đau thương là sự kết hợp giữa tượng thanh (ca khúc) và tượng hình (điện ảnh). Trong số người nghe có nước mắt rơi cho phận người và phận mình. Sau ngày 30/4/1975, Đêm Màu Hồng mất đi màu hồng tươi vui, chỉ còn là ‘‘Chân Trời Tím’’ : ‘‘Ôi những người khóc lẻ loi một mình’’.

Tác giả của câu thơ này, nhà thơ Thanh Tâm Tuyển cũng như nhiều văn nghệ sĩ quân đội còn phải lao đao trong các trại cải tạo Việt Bắc : ngoài Thanh Tâm Tuyền còn có

Tô Thùy Yên với câu thơ :

‘Vĩnh biệt ta, mời năm chế dấp
Chốn rừng thiêng im tiếng nghìn thu
Mười năm, mặt xạm soi khe nước
Ta hóa thân thành vượn cổ sơ.’’

hoặc Nguyễn Trung Cang qua tiếng hát :
‘‘Riêng ta nơi núi rừng về đêm càng nghe hồn băng giá
Câu ca hay khúc nhạc càng thêm sầu cho tình tan nát.’’


Tô Thùy Yên nói đến ‘‘rừng thiêng’’, Nguyễn Trung Cang đồng điệu với nốt nhạc buồn nơi ‘‘núi rừng’’. Sau 30/4/1975, cả miền Nam là ‘‘rừng thu từng biếc chen hồng’’, một màu sao vàng cờ đỏ.

Các văn nghệ sĩ Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Nguyển Trung Cang, Phạm Đình Chương… đều là ‘‘mặt khuất chẳng thà lòng đau’’. Đề tưởng nhớ các văn nghệ sĩ ‘‘nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương’’ là mấy vần thơ mộc mạc sau đây :

‘Ta ngẩn ngơ trông trời đất cũ
Nghe tàn cát bụi tháng năm bay.’’ (Tô Thùy Yên)

Nghe tháng năm chôn vùi sau Ất Mão
Mà ngày nay đếm mãi cũng không cùng
Nhung nhớ mãi vần thơ không giả tạo
Và câu ca trôi dạt khắp nơi nơi.

‘Chân Trời Tím’’ hồn đau không nhung nhớ
‘‘Nửa Hồn’’ nay chất ngất những ‘‘Thương Đau’’
Nhớ Saigon, đường Lê Lợi muôn màu
Mấy tiệm sách vô ra toàn sĩ tử.


Ngày cuối tuần, tiệm bánh ở Brodard
Và Pagode ly trà thơm góc phố
Nắng chiều vàng thấp thoáng mấy hàng cây
Và Trường Luật đường Duy Tân ôn cố.

Ta khép lại mấy vần thơ nhung nhớ
Bao nhà thơ cải tạo mấy năm trường
Ta thắp nén tâm hương buồn vời vợi
Thơ còn đây mà hình bóng đã xa bay.

Lê Đình Thông


7/10/23

Chiếc võng


Chiếc võng đong đưa dệt ý thơ
Bầu trời trong vắt thoảng cung tơ
Hàng cây xanh mướt thôi xào xạc
Chỉ có trúc xanh vẫn ước mơ.

Chiếc võng ngả nghiêng lúc xế chiều
Nước hồ trong vắt dáng cô liêu
Một mình thơ thẩn đong đưa mãi
Kẽo kẹt qua đi bắc nhịp cầu.

Xa vắng vần thơ lúc xế chiều
Một ngày vắt vẻo cũng qua mau
Năm năm tháng tháng trôi đi mãi
Chiếc võng còn chia nỗi tịch liêu.

Lê Đình Thông

7/1/23

Nhịp Cầu

 


Trang blog mang tên ‘‘Thụ Nhân Bắc Một Nhịp Cầu’’ là muốn nối lại tình bạn Thụ
Nhân khắp bốn phương trời, mười phương Phật. Mỗi bài trong trang blog đều có ý
hướng này, trong số có mục Tạp Ghi. Ghi là ghi chép, tạp (雜) là tạp nhạp, chuyện lớn
chuyện nhỏ cũng có thể ghi chép lại.

Nguyễn Du có câu thơ :

Nao nao dòng nước uốn quanh
Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.

Trong khuôn viên đại học, bắc ngang con dốc hoa đào và giảng đường Minh Thành là ‘‘dịp cầu nho nhỏ’’ màu đỏ, khiến lòng ta nao nao.

Ca dao cũng có bốn câu thơ lục bát :

Thương thương, nhớ nhớ, sầu sầu
Một ngày ba bận ra cầu đứng trông
Thấy người nam, bắc, tây, đông
Thấy người thiên hạ mà không thấy chàng.

Ngày nay, Thụ Nhân lưu lạc khắp đông, tây, nam, bắc. ‘‘Thụ Nhân Bắc Một Nhịp Cầu‘’ với ước mong gặp lại nhau mà không phải thấy người thiên hạ.

Trong ngôn ngữ ta, chữ ‘‘cầu’’ quen thuộc từ thuở nào mà không cần vay mượn chữ ‘‘kiều’’ (橋) của chữ hán. Tuy không phải là chữ ‘‘kiều’’ (cây cầu), chúng ta đều là những kiều dân (華僑) hải ngoại.

Nguyễn Du (阮攸) có câu thơ : 
Ngô Điếm kiều thông Tứ Thủy ba
吳店橋通泗水波 . 

Liễu Hạ Huệ mộ (柳下惠墓)

nghĩa là : ‘‘Dưới cầu Ngô Điếm sông Tứ chảy’’.

Thiết nghĩ mục Tạp Ghi nên mở rộng cho tất cả Thụ Nhân gần xa. Vì vậy, tôi mạo muộn đề nghị các bạn gửi bài tô điểm cho mục Tạp Ghi. Các bạn cũng có thể đưa ra vài ý nghĩ, chúng tôi sẽ viết lại và đăng trong trang blog ‘‘Thụ Nhân Bắc Một Nhịp Cầu’’. ‘‘Nhịp cầu nho nhỏ’’ làm ta chợt nhớ mấy câu thơ của nhà thơ thời Sơ Đường Vương Bột. 

Nguyên văn như sau :

思歸

長江悲已滯 ,
萬里念將歸 。
況屬高風晚 ,
山山黃葉飛 。

王勃 (650–676)

Tư quy

Trường Giang bi dĩ trệ,
Vạn lý niệm tương quy.
Huống thuộc cao phong vãn,
Sơn sơn hoàng diệp phi.

Vương Bột

Chúng tôi mạn phép chuyển ngữ, vẫn giữ nguyên thể ngũ ngôn tứ tuyệt như sau :

Nhớ chốn xưa

Niềm đau chìm đáy nước
Hải ngoại cùng mong ước
Lác đác lá thu rơi
Sơn khê sầu lướt mướt.

Lê Đình Thông