7/21/23

Dân số Việt Nam : 100 triệu người

Yếu tố cơ bản của tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội một đất nước chính là nguồn nhân lực. Trong khi nguồn nhân lực luôn gắn liền với sự biến đổi dân số, nói một cách dễ hiểu thì dân số vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển một quốc gia.

Dân số Việt Nam tính theo tăng trưởng cơ học đã đạt đến 100.000.000 người vào thời điểm tháng Tư vừa qua mà số liệu chính thức sẽ được công bố trong đợt thống kê dân số tới đây. Dấu mốc này đưa Việt Nam trở thành quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới và là một trong ba quốc gia khu vực Đông Nam Á có quy mô 100 triệu người, sau Indonesia và Philippines.

Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam cho rằng thế giới đang thay đổi nhanh chóng và Việt Nam cũng không nên để tụt lại phía sau. Với dân số 100.000.000 người, đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ có một thị trường nội địa rộng lớn và khả năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài càng nhiều hơn.

Tuy vậy đây chỉ là một nhận định mang tính lý thuyết, cho dù dân số Việt Nam được xem là còn trẻ với 21% thuộc thành phần thanh thiếu niên từ 10 – 24 tuổi. Trong thực tế, vấn đề không hề đơn giản bởi còn tùy thuộc vào một số yếu tố như nguồn lao động phải khỏe mạnh, trình độ học vấn và tay nghề cao, có tư duy sáng tạo để tiếp cận với những tiến bộ của thế giới và có quyết tâm xây dựng đất nước. Những yếu tố này chúng ta đang thiếu, dù dân số Việt Nam được xem là trong thời kỳ vàng và hy vọng thời kỳ này sẽ còn tiếp diễn đến năm 2029 khi dân số tăng lên 104 triệu người.
Thế nhưng không ít chuyên gia khuyến cáo rằng dân số 100 triệu người vừa là cơ hội mà cũng là thách thức. Trước hết là vấn đề an ninh lương thực và năng lượng, nhất là khi diện tích đất đai bình quân đầu người còn thấp và đứng trước tình hình biến đổi khí hậu, đặt ra nhiều bài toán khó khăn lâu dài.

Tiếp đến là vấn đề giáo dục và đào tạo. Sau mấy thập niên cải tiến phương thức, thay đổi chiến lược, lực lượng lao động có trình độ cao vẫn vào khoảng 11,5%, chỉ hơn ba nước thấp nhất trong ASEAN. Đây là một trong những lý do không hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Mục tiêu của giáo dục không chỉ là “đào tạo con người XHCN” như phát biểu hường có trước đây, mà phải xây dựng một lực lượng nhân lực thích nghi với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước và thế giới.
Thị trường lao động trong kỷ nguyên số thường phải đối phó với việc giải quyết việc làm và nạn thất nghiệp. Do đó cần linh hoạt áp dụng các chương trình nâng cao kỹ năng xây dựng các chiến lược đào tạo có tầm nhìn dài hạn, để lực lượng lao động có thể đảm nhiệm các công việc hiện tại và cả những vị trí sẽ xuất hiện trong tương lai.

Một thách thức không nhỏ khác mà Quỹ dân số Liên Hợp Quốc đặt ra cho chúng ta là thực tế hiện nay cho thấy sinh suất và tử suất đều giảm.

Theo các số liệu thống kê, trong vòng 30 năm qua, mức sinh của Việt Nam giảm gần phân nửa, từ 3,8 con/1 phụ nữ vào năm 1989, xuống còn 2,09 con/1 phụ nữ vào năm 2019; tỷ lệ giới tính là 115,3 bé trai/100 bé gái. Dự báo đến năm 2034, nước ta sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới trong độ tuổi 15 – 49 và con số này sẽ lên đến 2,5 triệu vào năm 2059. Điều này có ý nghĩa trong khâu bố trí việc làm, bảo đảm công bằng đời sống người dân.

Trong khi đó tử suất của Việt Nam giảm dần theo thời gian, đặc biệt trong thập niên 1989 đến 1999 đã giảm nhanh từ 8,4 phần ngàn xuống còn 5,6 phần ngàn. So sánh sinh suất và tử suất thì dân số Việt Nam ngày càng già đi do phụ nữ có xu hướng giảm sinh, trong khi tuổi thọ của người dân tăng lên nhờ điều kiện chăm sóc y tế và đời sống được cải thiện. Theo tính toán của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, tình trạng này khiến dân số già di nhanh chóng, dự kiến vào năm 2036, số người từ 65 tuổi trở lên sẽ vào khoảng 15,5 triệu, chiếm 14% tổng số dân.

Những dữ liệu trên đây cho thấy con số 100 triệu người vượt lên trên khái niệm về con số mà quan trọng hơn đó chính là tầm nhìn của một đất nước.

Nên nhìn số dân tăng lên ấy là cả trăm triệu niềm tin cho tương lai phát triển.

Trần Trọng Thức

No comments:

Post a Comment