Jacek Rostowski, “Russia must be humbled”, The Strategist
Chuyển ngữ: Lương Định Văn - Blog QGHC wordpress.comHãy bỏ qua một bên tính vô đạo đức của lời kêu gọi một chiều nhằm giúp Putin một lối thoát khỏi bị mất sỉ diện (dường như không có ai kêu gọi cho Ukraine khỏi bị sỉ nhục bởi một giải pháp hòa bình sau cùng), liệu lập luận này có thể chấp nhận được bởi lịch sử hoặc bằng lối lý luận lạnh lùng trong việc đối phó với một siêu cường hạt nhân (ngay cả một siêu cường được biểu hiện là siêu cường chỉ với khía cạnh này)?
Để trả lời câu hỏi đó, chúng ta phải bắt đầu với sự kiện thực tế rằng bất kỳ sự thất bại nào trong chiến tranh sẽ luôn là điều sỉ nhục sâu đậm cho bên thua cuộc – không kể đó là bên xâm lăng hay là nạn nhân. Chiến tranh luôn đi đôi với sự sỉ nhục cho ít nhất một bên, và đôi khi cho cả hai. Những người lập luận chống lại việc làm nhục nước Nga chủ yếu nhằm đưa ra những sự việc xảy ra sau cuộc Thế chiến thứ nhất, theo họ, Hiệp ước Versailles đã áp đặt những điều khoản sỉ nhục đối với nước Đức, dẫn đến sự trỗi dậy của Hitler một thập niên sau đó, và rồi cuộc Thế Chiến tranh thế giới thứ hai.
Trên thực tế, Đức chỉ chịu tổn thất vừa phải về lãnh thổ tại Hiệp ước Versailles. Họ buộc phải trả lại vùng Alsace-Lorraine ( chiếm được của Pháp vào năm 1871) và các vùng đất chiếm giữ của Ba Lan từ việc chia cắt vào thế kỷ 18. Những nước khác – bao gồm các đế quốc Nga, Áo-Hung và Ottoman – mất nhiều lãnh thổ hơn so với Đức.
Chính các điều khoản bồi thường của hiệp ước Versailles, chứ không phải các thỏa hiệp về lãnh thổ, có thể đã góp phần vào sự trỗi dậy của Hitler. Các khoản bồi thường chắc chắn là công bình, vì chúng tỷ lệ thuận với những tổn thất chiến tranh của Pháp và các khoản bồi thường của Pháp trả cho Đức sau cuộc chiến năm 1870. Nhưng, theo John Maynard Keynes (và sau này, nhiều nhà sử học) đã lập luận, các khoản bồi thường của Đức có thể đã góp phần vào sự cam khổ mà người dân phải gánh chịu trong thời kỳ siêu lạm phát vào đầu những năm 1920 và cuộc Đại suy thoái vào đầu những năm 1930.
Có một điểm cần được nhấn mạnh về tác động kinh tế của hiệp ước Versailles là các sự kiện sau Thế chiến thứ hai, khi Đức thêm một lần nữa nhượng lại vùng Alsace (một lần nữa cho Pháp) và mất một phần tư lãnh thổ vào tay Ba Lan và nhà nước bù nhìn Đông Đức của Nga. Trái lại, ý thức nhục nhã của họ đáng lẽ còn lớn hơn nhiều so với sau Thế chiến thứ nhất. Thay vào đó, sự thất bại của Đức Quốc xã hóa ra đem lại những lợi lộc to lớn cho cả nước Đức và các nước láng giềng. Viện trợ nhận được từ Hoa Kỳ theo Kế hoạch Marshall vượt xa các khoản bồi thường mà Tây Đức phải trả, và nền kinh tế Đức đã phát triển vượt bậc kể từ đó. Nước Đức đã thống nhất một cách hòa bình với Đông Đức khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, và nước Đức đã không bao giờ theo đuổi chính sách đối ngoại theo chủ nghĩa báo phục nữa.
Nước Đức cũng không phải là trường hợp duy nhất của một quốc gia được hưởng lợi từ sự thất bại và sỉ nhục trong chiến tranh. Nhật Bản cũng vậy, từ bỏ chủ nghĩa đế quốc và quân phiệt sau khi đầu hàng trong Thế chiến thứ 2. Pháp tỏ ra khá hơn vì đã thua trong Chiến tranh Algeria, vì thất bại đó đã giúp Charles de Gaulle đưa đất nước của mình đi trên con đường trở thành một quốc gia hiện đại, năng động về kinh tế. hội nhập sâu rộng với phần còn lại của Âu Châu. Tương tự như vậy, sau sự thất bại và sỉ nhục ở Việt Nam, Mỹ dưới thời Ronald Reagan đã tự đổi mới về kinh tế và kỹ thuật để trở thành kẻ chiến thắng không thể tranh cãi trong cuộc Chiến tranh Lạnh.
Nga cũng không xa lạ gì với kinh nghiệm này. Thất bại và sỉ nhục của họ trong Chiến tranh Crimea đã đưa đến việc xóa bỏ chế độ nông nô vào năm 1861, khi 23 triệu người được trả tự do (gần gấp sáu lần con số được giải phóng ở Mỹ sau Tuyên bố Giải phóng năm 1863). Tiếp theo sau là bốn mươi năm phát triển nhanh chóng về kinh tế. Sau đó, thất bại và nhục nhã của Nga trong Chiến tranh Nga-Nhật, vào năm 1905, đã dẫn đến một cuộc cách mạng cùng năm và sự thành lập (mặc dù là tạm thời) của một chế độ quân chủ lập hiến.
Năm 1916, những thất bại của Nga trước nước Đức đã dẫn đến sự sụp đổ của Sa hoàng và việc thành lập chính phủ lâm thời tự do dưới thời Alexander Kerensky vào tháng 2 năm 1917. Thật không may, Kerensky không sẵn sàng chấp nhận sự sỉ nhục và tiếp tục những nỗ lực chiến tranh, dẫn đến những tổn thất tiếp theo và cuộc Cách Mạng Bolshevik đầy thảm họa vào tháng 11 năm 1917. Nhưng sau đó, sự thất bại và nhục nhã của Liên Xô trong Chiến tranh Ba Lan năm 1921 đã thúc đẩy Vladimir Lenin đưa ra Chính sách Kinh tế Mới một phần dựa trên thị trường. Chính sách này đã chấm dứt nạn đói hàng loạt, và có lẽ đã đem lại cho nước Nga một con đường phát triển kinh tế bền vững, nếu sự trỗi dậy của Joseph Stalin sau đó đã không chấm dứt chương trình này.
Sau hết, sự thất trận và sỉ nhục trong cuộc chiến Afghanistan đã đưa đến sự sụp đổ của Liên Xô và một giai đoạn dân chủ hóa quá ngắn ngủi, trong đó Nga cuối cùng đã biểu lộ sự tôn trọng đối với các nước láng giềng. Một lần nữa, như trường hợp của Đức sau Thế chiến thứ nhất, sự trở lại của chủ nghĩa báo phục của Nga không phải do mất lãnh thổ hay vị thế cường quốc, mà là do nỗi cơ cực của đất nước sau sự sụp đổ của hệ thống kinh tế Liên Xô.
Liệu có phải Tây Phương đã có lỗi khi không hỗ trợ nhiều hơn cho nước Nga của Boris Yeltsin? Tôi tin là có, mặc dù cũng đã có những lực lượng mạnh mẽ ở trong nước thúc đẩy mô hình tài phiệt đang thắng thế vào lúc đó. Cuối cùng, một quá trình chuyển đổi có trật tự hơn, ít đau đớn hơn như ở các nước thuộc khối Xô Viết ở Trung Âu Châu có lẽ đã không khả thi cho nước Nga.
Ngoài ra, có rất nhiều bằng chứng trong lịch sử cho thấy sự sỉ nhục đối với các chính thể đế quốc hoặc hiếu chiến thường đem lại lợi lộc đáng kể về lâu dài cho cả các nước láng giềng và chính họ. Một số người sẽ cho rằng việc làm bẽ mặt một trong những cường quốc hạt nhân chính trên thế giới tạo ra mức rủi ro quá lớn trong ngắn hạn. Nhưng lập luận đó đã quên mất một trường hợp có thể xảy ra là một khi đã thành công một lần trong cuộc xâm lược sau khi đe dọa bằng vũ khí hạt nhân, Putin sẽ lập lại hành động tương tự lần nữa — và còn thêm nữa.
Jacek Rostowski là cựu bộ trưởng tài chính kiêm phó thủ tướng Ba Lan. Bài báo này được trình bày với sự hợp tác của Project Syndicate © 2022.
No comments:
Post a Comment