3/25/20

Mong Chúng Sinh Thoát Khổ

Dịch corona xảy ra đến nay đã hơn một tháng, khắp nơi trên thế giới vô cùng hoảng hốt trước sự hoành hành của bệnh dịch. Riêng tại bắc California vừa tuyên bố tạm ngưng tất cả mọi hoạt động tụ hợp trên 10 người. Thương xá đóng cửa, nhà hàng ngừng trệ, hãng xưởng vắng tanh, thiên hạ hoảng loạn tồn trữ lương thực, quầy hàng siêu thị trống không, đường xá xe cộ lưa thưa, tựa như ngày tận thế đang đến gần.

Trước tình thế rối loạn bất an của xã hội hiện nay, sư bà Chứng Nghiêm (hội từ thiện Tzu Chi) cảm xúc mà nói: "Đại họa đã đến nơi, thiên hạ còn chưa thức tỉnh." (驚世的災難已臨頭,警世的覺悟未抬頭). Đại họa đó là dịch corona; thức tỉnh là hồi tâm, ám chỉ việc giữ lòng thanh tịnh, không phạm giới điều. Điều cấm hàng đầu trong cửa Phật là: Không Sát Sinh.

30 năm trước, tôi bắt đầu chay tịnh, lúc đó người ta thường cho rằng ăn chay trường là loại người lạ thường. Vì vậy, thân nhân tôi thường chế nhạo: "để coi nó gồng được bao lâu". Bạn bè cũng nhìn tôi bằng cặp mắt khác thường. Trước những lời đàm tiếu và ánh mắt trái với ý nguyện của mình, tôi chọn thái độ im lặng, tránh tranh cãi.


Đầu thập niên 90, Sanjose không có tiệm cơm chay. Vì không biết nấu nướng nên tôi cứ bị lúng túng trong các bữa ăn. Đường phố thì đầy rãy nhà hàng. Trước những món ăn thơm ngon như ngày nào mà nay tôi lại không được ăn vì tôi trót đã có lời nguyện. Nhìn những thực khách từ tiệm này đến tiệm khác, họ có thể ăn từ món này đến những món khác. Lắm lúc đói quá mà lại không tìm đâu ra quán ăn cho mình. Nhiều khi tưởng chừng như không cưỡng lại nổi cơn đói khát thèm thuồng, những muốn bứt rào, hòa chung đám bàn dân thiên hạ.

Lúc đầu ăn chay tu hành, có những câu nói nghe chừng như đúng như sai: "Học Phật là nuôi dưỡng lòng từ bi, giúp đỡ chúng sinh, nếu miễn cưỡng bắt chước ăn chay, có thể làm mất lòng người, ảnh hưởng duyên lành, cho nên, học Phật là chánh, ăn chay thì tùy dịp."

Tôi suy nghĩ rất lâu, nuôi dưỡng lòng từ bi, bề trên có hiếu sinh chi đức, nghĩa là thương ta, thương người, thương vật, ăn chay vẫn có thể sống khỏe và sống mạnh, vậy thì tại sao phải kết oán với chúng sinh? đời đời kiếp kiếp chịu quả báo.

Thế thì câu nói:"học Phật là chánh, ăn chay thì tùy dịp."

Tôi nghĩ có hơi khác: "Chay tịnh là điều tiên quyết, học Phật thì tùy cơ duyên trình độ."

Lúc còn nhỏ, tôi nghĩ rằng chỉ có loài người là có linh tính, còn thú vật thì ngu dốt đần độn. Khi thú vật bị giết, dao buông xuống, đau đớn trong chớp nhoáng, rồi hồn được siêu thoát. Mãi về sau, một lần xem trong truyền hình, tại Trung Quốc, một con trâu già bị kéo cổ vào cửa chết, trước khi bị giết, trâu già quỳ lạy xin tha, nước mắt chảy dài, sự kinh hoàng kéo dài từ ngoài cửa đến đoạn đầu đài. Tôi liền cảm thấy như đọa vào địa ngục, cảm giác mãnh liệt này đã đập tan tất cả giả tưởng của tôi lúc trước, địa ngục trần gian, chỗ nào là cùng tận?

 Từ đó tôi cân nhắc, một bên là tôi được trông giống như người đời, nghĩa là có miếng ăn ngon, nhiều dinh dưỡng, nhiều sức khỏe; đổi lại là sự đau đớn triền miên, nỗi khiếp sợ và hy sinh thân xác của loài thú. Như vậy, lòng từ bi tôi đâu? Học Phật tu hành để làm gì? Tôi không thể hành xử khác được. Thật vậy, tôi không có ước vọng cao xa trong cuộc sống, thậm chí không mong cầu thành Tiên thành Phật, tôn giáo của tôi là "tình thương", tín ngưỡng của tôi là:"chay tịnh".

Dù ăn chay có 100 khuyết điểm, ăn mặn có 101 ưu điểm, thì làm sao? nếu ăn chay mà còn kèn cưa mặc cả, thì tôi đã rút lui ngay từ bữa cơm đầu tiên của chay trường.

Tôi sinh trưởng tại Việt Nam, quê hương đã chịu sự giày vò của khói lửa chiến tranh suốt bao năm trường. Tôi biết sự khủng khiếp của chiến tranh, thấy sự tàn nhẫn của chém giết, và trải qua nhiều đau thương sống chết trong những ngày tháng vượt biên tìm tự do. Vì vậy, khiến tôi thường sống trong ám ảnh của chiến tranh và đau khổ của thù hằn và giết chốc.

Tôi càng xót xa khi thấy sự tàn nhẫn của con người đã đến mức độ khó tưởng tượng, chém giết hại nhau xảy ra hằng ngày dù tại nơi không có chiến tranh. Trong siêu thị, tại gian hàng thịt và đồ biển, người ta lột da mổ bụng con vật giãy giụa trong vũng máu, hoặc oằn mình trong chảo dầu sôi sục. Trên truyền hình, người ta chiếu cảnh con người dùng búa đập bể đầu con khỉ rồi ăn sống bộ óc. Gà bị cắt cổ, vì quá đau oằn oại co giật trong bàn tay nhuốm máu... lòng dạ như cắt, tôi bỗng nhiên giác ngộ: Chiến tranh chỉ có ở phạm trù lớn hoặc nhỏ, chứ chưa bao giờ ngừng lại một phút một giây.

Sư bà Chứng Nghiêm thường than rằng: "Không kịp rồi." 3 chữ nghe thật đau lòng, nếu chúng ta vẫn chưa chịu dừng lại trong việc giết hai sinh linh, thì hẳn là không kịp rồi.

40 năm trước, tôi di cư đến thế giới tự do Hoa Kỳ, lòng tôi nghĩ đây là nơi hòa bình, êm đẹp không tiếng súng. Tuy nhiên thực tế lại khác với ý tưởng. Hoa Kỳ vẫn đưa quân sang Afghanistan, Iraq, Iran... Nơi nào chẳng phải là chiến trường? Đi ngoài đường phố, từ siêu thị đến nhà hàng, từ nhà bếp tới bàn ăn, chỗ nào lúc nào cũng núp ẩn sát khí nồng nặc, trong lòng thấy khó chịu mà lại không giải bày được. Vì thế, tôi đành phải buông bỏ cao lương mỹ vị, trân trọng nói với chính mình:" Tôi không thể nào ăn thịt nữa !"

Ngày nay, kỹ nghệ phát triển, vật chất dồi dào, chúng ta không cần sống thắt lưng buộc bụng như xưa nữa. Vì vậy, hạn chế chút ít sự hưởng thụ của miệng lưỡi, thay đổi vài món ăn cho thanh đạm, chắc chắn không phải là điều quá khó khăn. Dần dần, chúng ta sẽ giác ngộ, ăn chay là thể hiện sự tôn trọng của tất cả sinh linh; ăn uống thanh đạm sẽ đưa chúng ta đến một chân trời từ bi và thanh tịnh thật sự, thế giới loài người vốn như thế, nên như thế và phải như thế.

Mạnh Tử nói:" Trong nhân nghĩa không có chữ lợi ích." (何必曰利,仁義而矣已) Đó chính là ý chính của chay tịnh. Chúng sinh được thoát khổ là thù lao lớn nhất của người ăn chay, không cần đến lợi ích gì nữa, nếu quả thật có lợi ích thì như kinh sách nói:" không cầu lợi ích là lợi ích lớn nhất (不求利益是最大的利益). Ngay lúc này, trong lòng chan chứa ánh sáng "vô ngã", không ích kỷ là cội nguồn của mọi sự yên vui và hạnh phúc. Ngay từ khi bắt đầu chay tịnh, đã âm thầm dẫn tôi đến con đường tu hành đầy quang minh và tươi sáng.

Lý Trinh Trường ( biệt danh : Lý đại ngốc )


No comments:

Post a Comment