Lệnh phong tỏa làm cho không khí trong lành và con người được gần gũi với thiên nhiên hơn ; Covid-19, hàn thử biểu đo tình liên đới Liên Hiệp Châu Âu ; Tại Hà Lan, hoa Tulip còn là nạn nhân của dịch virus corona và Bất chấp dịch bệnh, người dân Nhật Bản vẫn mừng lễ hội hoa anh đào… Trên đây là những chủ đề chính mục Tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.
Tiếng chim hót ban mai, lời thì thầm của gió, bầu không khí trong lành… là những gì người dân Paris được tận hưởng trong mười ngày qua. Lệnh phong tỏa toàn quốc, yêu cầu người dân hạn chế đi lại, các hoạt động kinh doanh bị đình trệ, nhằm ngăn chận dịch bệnh khiến thành phố Paris và các vùng phụ cận như chìm vào tĩnh lặng.
Khi không còn tiếng xe là tiếng líu lo của những đàn chim ban mai, tiếng kêu của các loài động vật lại vang lên. Với ông Jerôme Sueur, nhà nghiên cứu âm học - sinh thái tại Bảo tàng Lịch sử Thiên nhiên Quốc gia, đó là một sự « giải độc » âm thanh. Lúc bình thường, khi chưa phải bị « tự giam lỏng » ở nhà, những tiếng ồn do các hoạt động con người gây ra lấn át ở những tiếng ồn của muôn thú.
Bởi vì, tiếng kêu của loài vật thường có những chức năng sinh tồn, hàm ý rằng chúng sẵn sàng cho mùa sinh sản, hay báo động một mối nguy hiểm… Để lấp đi những tiếng ồn do con người gây ra, các loài thú buộc phải kêu to hơn hay thường xuyên hơn và điều đó làm cho chúng mau mệt mỏi.
Đổi lại, sự yên tĩnh tương đối có lẽ giúp cho chúng cảm thấy có nhiều sức lực hơn và sinh sản dễ dàng hơn. Thế nên, ông Jerôme Sueur cho rằng « với cuộc khủng hoảng Covid-19, mật độ lưu thông giảm mạnh mang lại những điều kiện hy hữu cho một khảo sát khoa học quy mô lớn. Xóa bỏ một phần tiếng ồn trên cả nước – cú sốc ngoại sinh không thể thiếu đối với một nghiên cứu khoa học – cho phép thử nghiệm ảnh hưởng của những âm thanh từ các hoạt động của con người đối với hành vi và hệ sinh thái động vật ».
Có lẽ siêu vi corona đến cũng để nói rằng con người nên nhường chỗ nhiều hơn cho thiên nhiên. Sự trở về của muôn thú những ngày gần đây được thấy rõ tại khu công viên quốc gia Calanques ở Marseille. Khi những khu cảng biển không còn tấp nập các du thuyền do lệnh phong tỏa, nhiều loài sinh vật biển như cá heo, cá ngừ, chim hải âu cánh dài, hay những con ó biển, diệc xám... hiếm khi được nhìn thấy bỗng nhiên xuất hiện.
Chuyện gì sẽ xảy ra một khi dịch bệnh đi qua, lệnh phong tỏa được dỡ bỏ ? Liệu rằng khi tái thiết đất nước, với kế hoạch hỗ trợ kinh tế hàng trăm, hàng ngàn tỷ euro, con người có còn nhớ phải dành chỗ cho thiên nhiên hay không ? Những câu hỏi không ai chắc là sẽ tìm được lời giải đáp thỏa đáng !
No comments:
Post a Comment