Posted on 10/12/2014 by The Observer
Bài đăng lạiNguồn: Lee Kuan Yew (2013). “Tao guang yang hui”(韜 光 養 晦), in L.K. Yew, One Man’s View of the World (Singapore: Straits Times Press), pp. 28-50.
Tôi gặp Tập Cận Bình lần đầu tiên ở Đại lễ đường Nhân dân trong một chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng 11 năm 2007. Ban đầu tôi không yêu cầu gặp ông ta. Tôi đã đề nghị gặp một người khác, nhưng rồi người ta sắp xếp cho tôi gặp ông, như vừa nói. Họ coi ông ở vị trí cao trong danh sách ưu tiên. Đó là lần đầu tiên ông ấy gặp một vị lãnh đạo nước ngoài sau khi được bổ nhiệm vào Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, một động thái rõ ràng để ám chỉ với thế giới rằng người ta đã dự kiến để ông tiếp quản vị trí của Hồ Cẩm Đào.
Ấn tượng đầu tiên của tôi về ông là một người cực kì phóng khoáng – cái mà người Trung Quốc hay gọi là đại khí 大气(da qi), ngược với tiểu khí 小气(xiao qi). Ông không phải kẻ hẹp hòi. Ông ấy suy nghĩ kĩ càng về các vấn đề và không muốn khoe khoang hiểu biết của mình. Ông thiếu sự thân thiện của Giang Trạch Dân và cũng không kiểu cách như Hồ Cẩm Đào. Nhưng ông có vẻ trang trọng. Đó là ấn tượng đầu tiên của tôi. Cân nhắc thêm những thách thức và khổ sở mà ông ấy đã trải qua, khi còn trẻ đã bị đưa về nông thôn, tới Thiểm Tây năm 1969, nhưng lại tìm cách để từng bước quay về, không phàn nàn, không cằn nhằn. Tôi muốn đặt ông vào cùng kiểu người với Nelson Mandela.
Ông Tập là cốt lõi của thế hệ lãnh đạo thứ 5 của Trung Quốc tính từ năm 1949. Ông đứng đầu một chính phủ có tiêu chuẩn về năng lực cao ở mọi cấp độ – một phẩm chất có từ thời chế độ quan lại (phong kiến). Hơn thế nữa, các quan chức Trung Quốc lại được tiếp xúc với giáo dục kiểu phương Tây, quen thuộc với thế giới, và nói tiếng Anh trôi chảy. Họ không còn là những người cộng sản theo đúng nghĩa đen của từ này, mà là những người theo chủ nghĩa thực dụng quyết tâm tôi luyện được một quốc gia giàu có, phát triển và có kỹ thuật tiên tiến. Cả bốn lãnh đạo tối cao trước đó đều để lại những dấu ấn riêng. Với Mao Trạch Đông, đó là những cuộc cách mạng liên miên. Với Đặng Tiểu Bình, đó là cải cách và mở cửa. Với Giang Trạch Dân, đó là củng cố và phát triển. Và với Hồ Cẩm Đào, đó là xã hội hài hòa – cụ thể hơn, rút ngắn khoảng cách giữa người giàu và người nghèo. Còn ông Tập sẽ để lại di sản gì?
Kể từ khi tôi thăm Trung Quốc lần đầu năm 1976, tôi đã quyết định là phải cố thăm nước này thường xuyên – mỗi năm một lần nếu có thể. Tôi đã gặp tất cả các vị lãnh đạo tối cao này, từ Mao tới Hồ, và giờ là Tập. Mao là một người đàn ông vĩ đại đã giúp Trung Quốc hồi sinh. Năm 1949, sau 200 năm hỗn loạn, ông ta đứng ở Thiên An Môn và tuyên bố rằng “Người Trung Quốc đã vùng lên”. Là một người cách mạng, Mao chẳng thua kém ai. Ông là bậc thầy về chiến tranh du kích và với các hành động quân sự khéo léo, đã đánh bại Quốc Dân Đảng và thống nhất đất nước. Nhưng liệu ông có phải người hiện đại hóa Trung Quốc? Lịch sử ghi nhận đầy bi thương rằng người đàn ông đã giải phóng Trung Quốc lại gần như đã phá hủy nước này trong Cách mạng Văn hóa. Nếu ông còn sống tiếp, hay nếu Hoa Quốc Phong – người kế nhiệm ngay sau ông và đã thừa hưởng tư tưởng của ông – còn tiếp tục nắm quyền, Trung Quốc sẽ đi theo con đường của Liên Xô. Tôi chỉ có cơ hội gặp Mao khi ông đã kết thúc sự nghiệp, khi ông không còn ở đỉnh cao nhất. Có một người phụ nữ dịch những gì ông nói bằng giọng Hồ Nam cho người phiên dịch để người này dịch lại sang tiếng Anh. Tôi đã chỉ thấy được cái bóng của một người đàn ông huyền thoại.
Thật may cho Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình đã đảo ngược lộ trình của nước này. Ông ấy tới Singapore năm 1978, sau khi tới Bangkok và Kuala Lumpur. Ông ta muốn chúng tôi tập hợp lại và ngăn chặn việc Việt Nam tấn công Campuchia, và, nếu họ thực sự tấn công Campuchia, thì cản bước họ. Tôi nghĩ chuyến đi đó đã mở mắt cho ông. Hẳn là ông ấy đã kì vọng sẽ thấy ba thủ đô lạc hậu. Đó vốn là ba nước nghèo. Thay vào đó, ông đã thấy ba thủ đô vượt trội so với bất kì thành phố nào ở Trung Quốc. Ông ấy ở Singapore bốn ngày. Khi cửa lên máy bay của ông đóng lại ở sân bay, tôi nói với các đồng nghiệp của mình: “Những báo cáo viên của ông ta sắp phải chịu trận rồi bởi vì ông ta đã thấy một Singapore hoàn toàn trái ngược với những báo cáo ông ta nhận được.” Những bản báo cáo đó hẳn là do những người ủng hộ cộng sản ở đây soạn ra và nó đã bị xuyên tạc.
Ông ấy đã chúc mừng tôi lúc ăn tối và khi tôi hỏi lý do, ông nói: “Các ông có một thành phố thật đẹp, một thành phố xanh” (từ gốc: garden city). Tôi đã cảm ơn ông nhưng lại nói thêm: “Bất kể cái gì chúng tôi làm được, các vị đều có thể làm tốt hơn bởi vì chúng tôi là hậu duệ của những nông dân mất đất ở miền Nam Trung Quốc. Các vị có trí thức, các vị có nhà khoa học, các vị có chuyên gia. Dù chúng tôi làm gì, các vị cũng sẽ làm tốt hơn.” Ông ấy không trả lời tôi mà chỉ nhìn tôi bằng ánh mắt sắc lẻm và rồi ông tiếp tục và chuyển chủ đề. Đó là vào năm 1978.
Năm 1992, ông xuống Quảng Đông trong chuyến thăm miền nam nổi tiếng nhằm thúc đẩy tầng lớp lãnh đạo tiến hành mở cửa và ông đã nói: “Học tập từ thế giới, và đặc biệt là học tập Singapore rồi làm tốt hơn họ.” Tôi tự nói với mình: “À, ông ấy không quên những gì mình nói.” Thực sự là họ có thể làm tốt hơn chúng tôi.
Ở Singapore, Đặng đã thấy được làm thế nào mà một hòn đảo nhỏ chẳng có tài nguyên thiên nhiên gì lại có thể tạo ra đời sống tốt đẹp cho người dân chỉ bằng cách thu hút đầu tư, quản lý và kĩ thuật của nước ngoài. Ông đã trở về Trung Quốc khi bị thuyết phục rằng cần phải mở cửa nền kinh tế với thế giới. Đó là một thời khắc có vai trò quan trọng trong lịch sử Trung Quốc, một bước ngoặt chủ chốt mà nước này đã không còn nhìn lại từ đó nữa.
Tôi đã chứng kiến những biến đổi lớn của nước này. Công cuộc xây dựng vật chất đã biến những thành phố cũ nát, không được xây dựng tử tế với cơ sở vật chất nghèo nàn trở thành những thành phố có tàu tốc hành, đường cao tốc và sân bay. Bạn có thể thăm Đại Liên, Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Đông, hay Thâm Quyến – giờ chúng có thể sánh với Hong Kong hay bất kì thành phố nào khác trên thế giới. Người Trung Quốc là những người thợ xây và thợ mộc vĩ đại. Tôi chẳng hiểu nổi vì sao họ lại kìm hãm việc này lâu đến thế, dù nó gây hại cho chính họ.
Đặng xứng đáng được ghi công nhiều nhất vì đã đưa Trung Quốc vào một quỹ đạo khác. Khi ông muốn mở cửa, nhiều lãnh đạo cũ đã phản đối. Nhưng ông là người cương quyết. Ông gạt họ sang bên và cứ tiếp tục tiến hành. Nếu không có ông, thì quá trình chuyển đổi đã chẳng diễn ra nhanh như vậy, bởi vì ông là người duy nhất từng tham gia cuộc Vạn lý trường chinh đã không đếm xỉa đến những kẻ hay nghi ngại. Một người đàn ông có vóc dáng nhỏ bé, nhưng lại là một lãnh đạo vĩ đại – không nghi ngờ gì nữa Đặng là lãnh đạo quốc tế ấn tượng nhất mà tôi từng gặp.
Giang Trạch Dân được Đặng Tiểu Bình chọn làm người lãnh đạo kế nhiệm. Là bí thư đảng của Thượng Hải khi diễn ra sự kiện Thiên An Môn năm 1989, Giang đã trấn áp thành công những cuộc nổi loạn tương tự ở Thượng Hải. Ông là người kiên định xem việc hoàn thành chương trình hiện đại hóa do Đặng khởi xướng là mục tiêu của mình. Tôi vẫn nhớ ông là một người nồng hậu và thân thiện. Ông ta có thể hát vang bài hát tiếng Ý nổi tiếng, O Sole Mio. Và ông ấy chộp lấy tôi và nói: “Ông nghĩ người Mỹ sẽ làm gì chúng tôi?” Tất nhiên, đó là trước khi họ có những mối quan hệ tốt đẹp với người Mỹ. Giờ thì họ chẳng còn cần hỏi tôi câu đó nữa.
Tôi cho rằng Hồ Cẩm Đào là người củng cố (Trung Quốc). Có lẽ có vài thay đổi căn bản đã diễn ra dưới thời ông cầm quyền. Nhưng ông đã có quá nhiều vấn đề cần giải quyết liên quan đến việc củng cố (đất nước), xét đến hàng loạt thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt, như là việc di dân giữa thành thị và nông thôn và khoảng cách thu nhập gia tăng. Tôi có ấn tượng rằng ông là một người trầm tính và sâu sắc. Ông không khoa trương, nhưng ông có trí nhớ tuyệt vời và nghiên cứu cẩn thận mọi vấn đề. Ngay sau khi nắm quyền, đã có một vài sai lầm ban đầu khi giải quyết khủng hoảng dịch SARS, nhưng khi họ nhận ra rằng nó là mối đe dọa nghiêm trọng đối với nền kinh tế, họ đã kìm lại để giải quyết vấn đề, kể cả việc sa thải Bộ trưởng Y tế và Thị trưởng Bắc Kinh chưa từng có tiền lệ. Đó là cuộc phô diễn cho sự lãnh đạo cứng rắn của Hồ Cẩm Đào và thủ tướng Ôn Gia Bảo. Sau cùng thì, một trong những lý do Hồ được đưa vào trung ương là vì ông đã dẹp yên cuộc nổi loạn ở Tây Tạng. Đằng sau vẻ ngoài ôn hòa thân thiện, tôi nghĩ ông là người đàn ông thép.
Thật khó để dự đoán là Tập Cận Bình sẽ theo đuổi chính sách gì và ông ấy sẽ để lại những di sản gì sau một thập kỉ cầm quyền. Các lãnh đạo Trung Quốc không phổ biến kế hoạch tương lai trước khi nhậm chức. Họ không thích mạo hiểm. Trung Quốc đang ở trong một thời kì quan trọng liên quan đến các thách thức trong nước và ông ấy sẽ muốn dành sức giải quyết những vấn đề này. Có nhiều chuyện cũng phụ thuộc vào các sự kiện bên ngoài đột nhiên phát sinh. Kế hoạch tốt nhất của bạn có thể đi chệch hướng khi bạn phải đối mặt với một diễn biến không mong muốn nghiêm trọng. Nhưng tôi tin là ông sẽ phản ứng một cách thấu đáo, không sợ hãi. Ông có ảnh hưởng lớn và tôi nghĩ ông sẽ quản lý được đảng theo ý mình. Xuất thân quân đội của ông cũng giúp ông có ảnh hưởng với quân đội.
Chính sách đối ngoại của ông sẽ được theo dõi sát sao. Sự nổi lên của Trung Quốc đã trở thành nỗi khiếp sợ với nhiều nước, dù phương Tây hay châu Á. Một nước Trung Quốc mạnh mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng toàn cầu, như là khoản đầu tư ngày càng tăng của các công ty Trung Quốc hoạt động ở nước ngoài. Nhưng các láng giềng của Trung Quốc đã bắt đầu cảm nhận được một lập trường chính sách đối ngoại cứng rắn hơn từ phía người khổng lồ ngủ say vừa mới thức tỉnh này. Nước Mỹ cũng sẽ đối mặt với những thách thức lớn đối với thế ưu việt của nước này, nếu không phải là ở mức độ toàn cầu thì chắc chắn cũng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Vấn đề trung tâm là liệu người ta có tin vào việc Trung Quốc lặp đi lặp lại đảm bảo rằng nước này chẳng tìm kiếm gì hơn ngoài một sự trỗi dậy hòa bình và nước này sẽ không bao giờ trở thành bá quyền không? Có hai cách nhìn. Một là Trung Quốc sẽ trở nên mạnh mẽ một cách thầm lặng và lặng lẽ tăng cường ảnh hưởng của họ mà không hành động như là kẻ gây hấn. Một cách khác là họ sẽ phô trương sức mạnh và cố gắng hăm dọa các nước khác.
Tôi nghĩ họ sẽ chọn cách thứ nhất, nhưng đồng thời cũng tăng cường sức mạnh. Đặng Tiểu Bình bị thuyết phục rằng sẽ khôn ngoạn hơn khi Trung Quốc cố gắng tránh gây chú ý khi nước này dần trở nên mạnh hơn. Ông đã tin vào việc che dấu năng lực, hay như người Trung Quốc gọi là "thao quang dưỡng hối" (韜 光 養 晦). Người Trung Quốc biết rằng họ cần từ 30 tới 40 năm hòa bình nữa thì mới bắt kịp với phần còn lại của thế giới. Họ đã đi đến kết luận rằng nếu họ vẫn giữ nguyên lộ trình, tránh làm phật lòng các cường quốc hiện tại và kết bạn với mọi nước, họ sẽ chỉ càng ngày càng mạnh hơn. Việc này sẽ cho họ không gian để giải quyết các vấn đề nội bộ và tiếp tục phát triển kinh tế.
Họ cũng quan tâm tới nhu cầu tránh đi vào những vết xe đổ của Nhật Bản và Đức. Sự trỗi dậy của Đức và Nhật đã dẫn đến một cuộc cạnh tranh quyền lực ở châu Âu và châu Á, ảnh hưởng và tài nguyên đã dẫn đến hai cuộc chiến tranh khủng khiếp trong thế kỉ hai mươi, và hoàn toàn kết liễu sự trỗi dậy của họ. Nếu Trung Quốc tham gia vào một cuộc chiến, nước này sẽ phải mạo hiểm đối mặt với bất ổn nội bộ, xung đột và hỗn loạn, và có thể lại tụt lùi – một khoảng lớn. Do vậy, với người Trung Quốc, tính toán có lý trí sẽ là “Chúng ta đã chờ đợi lâu như vậy mới có cơ hội này để bắt kịp thế giới phát triển. Tại sao lại phải vội vã và gây nguy hại cho quá trình trỗi dậy từ từ của chúng ta?”
Tất nhiên điều đó không có nghĩa là Trung Quốc chỉ đơn thuần nhượng bộ mỗi khi có xung đột với nước khác. Khi cân bằng quyền lực thay đổi, nước này sẽ càng tự do thể hiện những gì họ thích và không thích. Và như cựu Ngoại trưởng Dương Khiết Trì từng nói, ở đâu mà lợi ích cốt lõi của Trung Quốc bị đe dọa thì người Trung Quốc sẽ phải tự khẳng định mình.
Các láng giềng gần gũi nhất của Trung Quốc ở châu Á đã thử nếm trải điều này. Vào năm 2008, Việt Nam trao cho công ty dầu khí Exxon Mobil của Mỹ quyền khoan dầu trong vùng nước tranh chấp ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông). Hải quân Trung Quốc đã đề nghị Exxon Mobil dời đi. Chính phủ Trung Quốc cũng nói rõ rằng nếu thỏa thuận này được tiến hành, thì việc làm ăn của ExxonMobil ở Trung Quốc sẽ bị đe dọa. Và thế là ExxonMobil phải dời đi bởi vì hải quân Mỹ không ở đó để hỗ trợ hay đảm bảo quyền của họ.
Gần đây hơn, vào năm 2010, Nhật Bản đã bắt giữ một thuyền trưởng tàu cá của Trung Quốc sau khi tàu của ông ta va chạm với tàu tuần tra Nhật Bản ở ngoài khơi Quần đảo Senkaku đang tranh chấp, được người Trung Quốc gọi là quần đảo Điếu Ngư. Ban đầu Nhật Bản muốn xét xử thuyền trưởng này theo luật nước mình, những cuối cùng lại phải nhượng bộ do áp lực nặng nề từ phía Trung Quốc và quyết định thả ông ta.
Vụ việc cho thấy cân bằng quyền lực đã thay đổi nhiều thế nào. Người Nhật hiện giờ phải đối phó với một nước Trung Quốc to gấp 10 lần nước Nhật, không phải là một nước Trung Quốc mà họ có thể xâm lược và gần như tóm gọn như hồi Thế chiến thứ 2 nữa. Sự khuất phục của Nhật Bản chỉ là một sự chấp nhận thực tại. Họ đã hiểu được rằng họ phải đối phó với một Trung Quốc có tổ chức, có kỉ luật – không phải với các lãnh chúa cát cứ, mà với một chính quyền trung ương có thể hành động quyết đoán.
Do vậy qua thời gian, bạn có thể thấy rất rõ ràng rằng người Trung Quốc không phải những người bị động. Họ chủ động theo đuổi những yêu sách của mình, và họ sẽ tiếp tục làm thế. Người Trung Quốc biết họ là nước lớn nhất trong khu vực và rằng khi họ ngày càng mạnh lên, họ có thể đòi hỏi các láng giềng tôn trọng quyền của họ hơn. Do đó, việc Hoa Kỳ duy trì sự hiện diện đáng kể ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương để cân bằng với Trung Quốc cũng là lợi ích của các nước châu Á khác, bao gồm cả các nước ASEAN. Nếu không có đối trọng từ phía Mỹ, các nước nhỏ ở châu Á sẽ chẳng thể cựa quậy được. Khi bạn có hai cái cây, chứ không phải một, bạn có thể chọn đứng dưới bóng cái cây nào. Ở lại vùng Thái Bình Dương cũng quan trọng với Mỹ, bởi vì nếu người Mỹ đánh mất thế vượt trội ở đây, họ cũng sẽ mất nó trên toàn cầu.
Cuộc cạnh tranh giành thế ưu việt trong khu vực giữa Mỹ và Trung Quốc đã diễn ra rồi. Và nó sẽ tiếp tục trong phần còn lại của thế kỉ 21. Tới khi ấy, quan hệ Mỹ-Trung sẽ là mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới, không khác quan hệ Mỹ – Xô thời Chiến tranh Lạnh. Trong vài năm sau sự kiện 11/9, nước Mỹ đã bị phân tâm bởi chiến tranh ở Iraq và Afghanistan, và Trung Quốc đã có thể thầm lặng tăng cường lợi ích trong khu vực, làm sâu sắc thêm các mối quan hệ và ký một thỏa thuận thương mại tự do với ASEAN.
Khi cựu thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ đề xuất về khu vực thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN cách đây một thập kỉ, các chính quyền ASEAN đã rất kinh ngạc bởi vì chúng tôi nghĩ rằng Trung Quốc rất ngần ngại với việc mở cửa nền kinh tế hơn nữa thông qua các thỏa thuận thương mại tự do song phương và khu vực. Đó là một bước đi chiến lược của người Trung Quốc để phát triển các mối quan hệ kinh tế mạnh với ASEAN qua đó ASEAN sẽ xem sự phát triển của Trung Quốc là một cơ hội chứ không phải một mối đe dọa. Tôi đã nói với Đại diện thương mại Mỹ khi ấy rằng nếu không có thỏa thuận thương mại tự do Mỹ-ASEAN trong vòng 10 tới 20 năm thì nền kinh tế ASEAN sẽ ngày càng hội nhập với thị trường Trung Quốc, và Mỹ sẽ trở thành thị trường thứ yếu đối với chúng tôi.
Về mặt quân sự, người Mỹ vẫn còn bỏ xa trong cuộc chơi. Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc, dù đã đạt mức tăng trưởng hàng năm hai chữ số, vẫn thua kém ngân sách quốc phòng của Mỹ khi chỉ bằng một phần sáu của họ – và điều này được phản ánh trong công nghệ quân sự vượt trội của người Mỹ. Rốt cuộc người Trung Quốc sẽ muốn trở thành một cường quốc quân sự mạnh như Mỹ. Điều này sẽ tốn nhiều thập kỉ.
Nhưng người Trung Quốc đang làm tất cả những gì có thể để đuổi kịp. Họ đang cố gắng tương xứng với Mỹ về mặt công nghệ cao – đưa người vào vũ trụ và phát triển một hệ thống GPS mà Mỹ không thể phá hủy hay vô hiệu hóa. Họ biết rằng nếu họ phụ thuộc vào hệ thống GPS của Mỹ, họ sẽ bị qua mặt. Và khi người Trung Quốc chứng minh rằng họ có thể tự bắn hạ vệ tinh trong vũ trụ và đánh chặn chính các tên lửa đạn đạo của mình, họ muốn gửi cho Mỹ một cảnh báo: “Anh không thể đe dọa tôi nữa. Tôi sẽ bắn hạ tên lửa của anh trên Thái Bình Dương.” Chúng ta đang nói về việc một cái kim truy đuổi một cái kim khác đang di chuyển trên bầu trời – đó không phải là kiểu bắn cung đơn giản về mặt kĩ thuật. Đó là minh chứng rõ ràng nhất cho khả năng của họ.
Cùng lúc, tôi thấy người Trung Quốc cố gắng giữ vùng duyên hải phía đông của họ thoát khỏi do thám của Mỹ. Vào thời điểm hiện tại, người Mỹ đã có thể tiếp cận được đến cách bờ biển Trung Quốc 12 hải lý và thăm dò vào trong (từ đó). Bây giờ, thử tưởng tượng điều ngược lại. Nếu hải quân và không lực Trung Quốc – các tàu sân bay của nước này – cũng đến gần bờ biển nước Mỹ một khoảng tương tự, người Mỹ sẽ thấy không thể chấp nhận được. Họ sẽ không cho phép điều đó xảy ra. Giờ bạn có thể tưởng tượng người Trung Quốc cảm thấy thế nào.
Nhưng để có khả năng đẩy người Mỹ ra xa khỏi bờ biển của mình, họ phải cải thiện công nghệ của các tên lửa tầm xa. Khi bạn đã làm được điều đó, mối đe dọa ngầm là nếu ai đó đến quá gần, bạn sẽ phóng tên lửa đánh chìm tàu sân bay hay bắn rơi máy bay của kẻ đó. Vào thời điểm hiện tại, Trung Quốc chưa thể làm được điều này. Đến lúc họ làm được, máy bay (của Mỹ) sẽ ở ngoài tầm với. Người Mỹ sẽ chẳng trông chờ vào vận may. Và người Trung Quốc sẽ nói “Đây là vùng đặc quyền kinh tế của tôi, (anh) cứ ở ngoài. Tôi không đi đến bờ biển phía Thái Bình Dương của anh, thế thì ai cho anh quyền tới đây?” Liệu người Mỹ có nói “không”? Cuối cùng, lẽ phải thuộc về kẻ mạnh.
Do đó cuối cùng, sẽ có cân bằng – cán cân được cân bằng dần trong vòng 20 hay 30 năm. Sự cân bằng đầu tiên sẽ đẩy người Mỹ ra khỏi giới hạn 12 hải lý. Sự cân bằng thứ hai sẽ đẩy họ ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Và một khi họ (Trung Quốc) có thể làm thế, họ sẽ trở thành cường quốc có ảnh hưởng nhất trong khu vực.
Một vài học giả dự đoán dựa trên lịch sử rằng khi một cường quốc trỗi dậy và siêu cường hiện hữu thấy sự thống trị của mình bị đe dọa, xung đột quân sự giữa hai bên rất có khả năng xảy ra nếu không nói là không thể tránh khỏi. Trong trường hợp Trung Quốc và Mỹ, tôi không đồng ý với họ. Hai bên chẳng có lợi ích gì khi đối mặt với nhau trên chiến trường. Cả hai nước đều có vũ khí hạt nhân, vì vậy họ biết có khả năng dẫn tới kết cục hủy diệt khủng khiếp. Hơn nữa, không giống với quan hệ Xô-Mỹ, hiện nay chẳng có xung đột về ý thức hệ khốc liệt, không thể hòa giải được giữa người Mỹ và một Trung Quốc đã rất nhiệt tình ủng hộ thị trường tự do. Người Trung Quốc cần quan hệ thân thiện với Mỹ để đảm bảo tiếp tục được tiếp cận thị trường, đầu tư, công nghệ và các trường đại học của nước này. Còn Mỹ thì đơn giản là không có nhu cầu biến Trung Quốc thành một kẻ thù lâu dài.
Cuộc khủng hoảng lớn nhất có thể phát sinh giữa hai nước là vấn đề Đài Loan. Nhưng tôi không nghĩ Mỹ sẽ gây chiến với Trung Quốc để bảo vệ sự độc lập của Đài Loan. Điều đó không đáng. Bạn có thể chiến đấu và thắng vòng một. Nhưng liệu người Mỹ có chuẩn bị để chiến đấu hết vòng này đến vòng khác? Liệu cuối cùng họ có chuẩn bị để trả cái giá mà Trung Quốc sẵn sàng trả vì Đài Loan? Xin nhớ rằng không có lãnh đạo nào của Trung Quốc có thể tồn tại nếu để mất Đài Loan trong nhiệm kì của mình. Do vậy, với người Trung Quốc, đây là vấn đề rất nghiêm trọng.
Kể cả khi họ thua vòng đầu tiên, họ sẽ trở lại với vòng hai, rồi vòng ba và vòng bốn – không ngừng không nghỉ, cho tới khi họ thắng. Điều này không đáng giá với Mỹ. Qua thời gian người Đài Loan sẽ nhận ra điều này, nếu hiện giờ họ vẫn chưa hiểu ra. Mã Anh Cửu đã gần như nói thẳng ra điều này với khẩu hiệu “bất thống, bất độc, bất vũ” (bu tong, bu du, bu wu) – Không thống nhất, không độc lập, không sử dụng vũ lực. Cụm từ cốt yếu là không độc lập, bởi vì không nghi ngờ gì nữa ngay thời điểm Đài Loan tuyên bố độc lập, Trung Quốc sẽ viện đến vũ lực để giành lại hòn đảo này.
Thống nhất Đài Loan và Đại lục chỉ là vấn đề thời gian. Không quốc gia nào có thể ngăn cản điều này. Thực tế, số phận quốc tế của Đài Loan đã được xác định từ lâu ở Hội nghị Cairo năm 1943 khi Franklin D. Roosevelt và Winston Churchill đồng ý với Tổng tư lệnh Tưởng Giới Thạch về việc trả Đài Loan về với Trung Quốc. Khi Lý Đăng Huy lên làm Tổng thống, ông đã bắt đầu một quá trình Đài Loan hóa – tập trung vào việc tách rời hòn đảo này khỏi Trung Quốc. Nhưng điều này sẽ không thay đổi kết cục thống nhất cuối cùng. Tác dụng của việc này chỉ là khiến người Đài Loan càng tổn thương hơn khi hợp nhất thực sự xảy ra. Kinh tế sẽ giải quyết vấn đề này. Sự hợp nhất về kinh tế dần dần và không ngừng sẽ mang hai xã hội lại gần nhau, và Trung Quốc sẽ không thấy cần thiết phải dùng vũ lực.
Hiện giờ quan hệ kinh tế hai bên đã phát triển dưới sự cầm quyền của Tổng thống Mã và sẽ tiếp tục phát triển trong bốn năm tới. Và sau thời kì 8 năm dưới quyền Quốc Dân Đảng, cứ cho rằng Đảng Dân tiến sẽ lại nắm quyền và đảo ngược chính sách, thì các nông dân và nhà công nghiệp Đài Loan cũng sẽ phải chịu hậu quả, và DPP sẽ thất bại trong kì bầu cử sau đó, hoặc sau đó nữa. Sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng sẽ khiến cho việc Đài Loan tiến tới độc lập là bất khả thi.
Biên dịch & Hiệu đính: Phạm Trang Nhung
No comments:
Post a Comment