8/16/15

Luận từ Chữ CHẾT


Phiếm Luận
Luận từ Chữ CHẾT

Thực chất bài viết này là sự sưu tầm và góp nhặt hàng trăm chữ và cụm chữ có đồng nghĩa với chữ CHẾT (phần lớn là những chữ in nghiêng).
Lần đầu viết vào cưới năm 1971, nhưng sau khi đi HTCT mất hết các bản thảo, và mãi đến năm 1999 tôi mới có dịp ngồi bên computer viết lại, có chỉnh sửa và bổ sung.
Mong rằng đây chỉ là câu chuyện phiếm… của NHN.

Có thời gian tôi sống trong xóm lao động, hàng ngày thường phải nghe những tiếng mạt sát, chửi bới nhau. Hỡi ơi người ta dùng bao nhiêu từ chói tai, nhức óc để nguyền rủa nhau cho hả cơn nóng giận. Do đó sau khi lập gia đình và có đứa con đầu lòng tôi phải chuyển sang khu khác để tránh xa những lời tục tằn chướng tai… Và những từ ấy, tôi lưu tâm đến chữ CHẾT: Đồ chết rấp, chết giẫm, chết băm chết vằm, chết xe chết pháo, chết đường chết xá, chết sông chết chợ, chết bờ chết bụi, chết dắm chết dúi, chết ôn chết dịch, chết cha chết mẹ, chết thày chết tớ, chết họ chết hàng, chết hang chết hốc, chết bom chết đạn, chết con chết cháu, chết tử chết tiệt… chết đi cho rồi!...

Thôi thì có đủ thứ từ, đồng bào Anam ta cứ việc ghép với chữ chết để chửi rủa xả láng, thả dàn cho thỏa cái lòng căm tức cho hả cái cái dạ hận thù! Nếu nhẹ nhàng hơn thì có những từ: chết toi, chết dịch… có khi chữ được dùng đảo ngược lại mà dùng để rủa nhau : đồ chó chết, đồ gà chết… 

Để tìm hiểu về từ CHẾT, trong tự điển đã giải nghĩa đơn giản sau: Chết là hết sống… Còn văn vẻ hơn: Chết là mất khả năng sống, không còn biểu hiện của sự sống.
(Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia:  Chết thông thường được xem là sự chấm dứt các hoạt động của một sinh vật hay ngừng vĩnh viễn mọi hoạt động sống (không thể phục hồi) của một cơ thể.
Trong y học, chết là giai đoạn cuối cùng của sự sống)

Thực ra có rất nhiều chữ nói đến sự việc chếthình thức chết.  Nào là những từ chưa hẳn là chết như: chết dở, chết giả, chết giấc, chết dần chết mòn, chết hụt, thoát chết. v.v…
Những chữ chỉ việc Chết hẳn: chết đâm chết chém, chết chìm, chết đuối, chết non, chết già, chết thọ chết yểu..v.v…  …
Những chữ chỉ việc Chết nhanh: chết tươi, chết tức tưởi, chết tức khắc, chết tức thời, chết không kịp ngáp. chết bất đắc kỳ tử .v.v. …
Lại có những chữ vừa có nghĩa chết và có thêm nghĩa khác: chết tiệt, chết đói, chết khát, chết rét, chết cay chết đắng, chết đắm chết đuối, chết mê chết mệt...v.v….Và ta cũng có thể dùng như tán thán tự: Chết cha!, chết mẹ!, chết xác, chết tiệt, chết thôi (td: Mệt chết thôi! Làm chết cha!); Ấy chết, chết chưa?
Nếu dùng thêm chữ chết chết bởichết bằng… thì quá nhiều, kể sao cho xiết!

Trong dân gian có câu tục ngữ “Cây ngay đâu sợ chết đứng”. Với chữ chết đứng chết như trời trồng có lẽ cụ Nguyễn Du đã mượn từ câu tục ngữ này để diễn tả cái chết thật độc đáo của Từ Hải trong truyện Kiều.
Với chữ Chết ta cũng có thể nối gót cụ Nguyễn Văn Vĩnh mà than: Gì cũng Chết! Ta chỉ cần ghép thêm một chữ nào đó với chữ chết là có ý nghĩa ngay: chết cười, chết khóc, chết nhục chết nhằn, chết khổ chết sở, chết sung chết sướng …và đảo lại thì có buồn chết, cực chết đi được, chán chết, khổ chết, sướng chết hoặc vui đến chết, buốn đến chết, nhất là sướng đến chết…

Mặc dầu sướng chết đi được, mà nhiều người vẫn cho rằng “đời là bể khổ, bể trầm luân”… và ai cũng kêu ca than vãn: Than trời than đất, than đói than rách, than buồn than chán, than nghèo than khổ, than nợ than nần, than thân trách phận, THAN ngay từ thuở sơ sinh!
Nên ngày xưa thi sĩ Cao Bá Quát Nguyễn Công Trứ cũng đặt dấu hỏi:
Mới sinh ra đà khóc chóe,
Đời có vui sao chẳng cười khì!”
Đối với dân Tây, có cụ La Fontaine cũng diễn đạt trong bài thơ ngụ ngôn La Mort et le Bu^cheron
“Quel plaisir a-t-il eu depuis qu’il est au monde!”

Người Annam ta có rất nhiều chữ hay cụm chữ đồng nghĩa với Chết.
Ngay trong cuộc sống gia đình mỗi khi có người thân qua đời, con cháu ngoài việc lo ma chay chôn cất, nhưng khi mồ yên mả đẹp, con cháu còn phải lo thờ cúng cho chu toàn. Cũng dựa vào sự kiện này mà chúng ta biết thêm những cụm chữ nói về CHẾT .
Khi con người qua đời (chết đi), ta thường nói họ không còn ở trần thế, (dương thế, dương gian), về với ông bà, về với tổ tiên, nếu có trở về nhà thì cũng chỉ rửa chân lên bàn thờ, hoặc ngồi trên bàn thờ mà thôi! Còn đối với những kẻ tứ cố vô thân khi từ bỏ cuộc sống này, thường phải ra nằm ở bãi tha ma, ngủ với giun với dế.
Khi những người thân đã nằm yên dưới suối vàng, nếu được hỏi, ta cũng có nhiều câu để trả lời: đã quá cố, đã tạ thế, đã khuất bóng, hoặc đã khuất núi.  Còn đối với người dưng nước lã khi đi đời nhà ma coi như đã nằm ngoài nghĩa địa, chầu ông bà ông vải đã xuống âm phủ, hoặc đi chầu Diêm Vương.

Nói đến chữ Nho (Hán tự,) ta phải kể đến chữ tử. Chữ tử này coi như đã được Việt hóa. Nó có thể ghép với nhiều chữ khác và cũng mang ý nghĩa  chết như là tử biệt sinh ly, tử địa, tử sỹ, tử nạn,  tử thương, tử hình, tử tù, tử tội ngược lại là cửa tử, bức tử, tự tử; nhưng mừng nhất là được cải tử hoàn sinh.
Trong cuộc sống hàng ngày, những người có số bất đắc kỳ tử, bị tử nạn trong khi di chuyển, thân xác thường hay bị phơi thây, mất xác, bỏ xác giữa đường giữa chợ. Trong cộng đồng xã hội có những kẻ giết người không gớm tay, khi bị bắt, bị tù đày, và coi như là tử tù. Những người tử tù này, khi xử tội kết án sẽ bị ghép vào loại tử tội và lãnh án tử hình.
Ngày nay tử tội sẽ bị đưa ra pháp trường xử bắn, đưa vào phòng hơi ngạt hoặc bước lên ghế điện.
Còn xưa kia thị bị xử giảo, xử trảm, lăng trì (lột da, lóc thịt) hoặc tứ mã phanh thây (dùng bốn ngựa kéo cho tan xác thành bốn mảnh).
Cũng ngày xưa các quan cận thần, cung phi bị mắc tội phản loạn hoặc thông gian thường bị bức tử, bởi gươm đao hay giải lụa trắng (thắt cổ), cùng chén thuốc độc do Vua ban để tự hủy mạng sống của mình.    
Có những người bị thác oan, chết uổng, thường chết không nhắm mắt vì họ chưa tới số chết. Trong khi đó lại có những người ngu xuẩn, ngây dại tự đi tìm lối thoát cho riêng mình, đã tự tử bằng cách uống thuốc độc; tự vẫn bằng cách thắt cổ, tự sát bằng súng, bằng gươm, đao, dao găm. bằng cách nhảy vào lửa hay tẩm xăng để tự thiêu; quyên sinh bằng cách nhảy xuống sông Saigòn  như nàng Kiều gieo mình xuống Tiền Đường hay tìm giấc ngủ ngàn thu bằng cách uống thuốc giết chuột, thuốc ngủ hoặc maxiton!

Khi tôi còn nhỏ, mỗi lần giết gà vịt, mẹ tôi thường lẩm nhẩm khấn khứa:
Gái cắt tai,
giai cắt cổ,
Toa hóa kiếp này,
Mày sang kiếp khác !..”
Chữ Kiếp dùng để diễn tả trọn khoảng thời gian sống của một sinh vật như kiếp người, kiếp trâu, ngựa, chó, mèo…cây cỏ…
Theo giáo lý nhà Phật chữ nợ ba sinh cũng để chỉ rõ ba kiếp người: Kiếp trước (tiền kiếp), kiếp hiện tại và kiếp sau (hậu kiếp). Khi đã trọn kiếp, hóa kiếp, tàn kiếp hay từ bỏ kiếp này cũng chỉ là đổi kiếp này sang kiếp khác, hoặc chuyển kiếp mà thôi.
Người ta tin rằng mỗi kiếp người đều mang một nghiệp số, mệnh số cá biệt, chẳng may từ trần thì coi như tận số, hết số. Thoát được cảnh khổ ải, nợ nần khi mệnh một (mai một) thì coi như đã trả nghiệp, trả nợ đời!. Những ai chết trẻ thì coi như là yểu số, vắn số (vắn đồng nghĩa với ngắn), đoản số hay bạc mệnh.

Niết bàn hay Địa ngục cũng chỉ là các cõi trong giáo lý nhà Phật: Cao nhất là Cõi Thiên (cõi trời), cõi Phật, cõi tiên, tiếp đến là cõi trần, cõi dương, cõi tục và cuối cùng là cõi âm.
Ở dương thế (cõi dương), người nào ăn ở nhân hậu, chịu khó tu tâm tích đức qua nhiều kiếp thì khi hồn lìa khỏi xác từ biệt cõi trần, cõi tục sẽ được siêu thoát, về trời, về miền Tây Phương cực lạc, về với đức Phật, về cõi Thiên Đàng.
 Còn những ai không giữ trọn đạo làm người, thì khi thác đi không được hóa kiếp mà phải về cõi âm, xuống âm ty, vào địa ngục chịu mọi ngục hình trước khi chuyển sang kiếp khác.

Trở lại với cuộc sống hàng ngày, cuộc đời dâu bể, hợp hợp, tan tan là lẽ thường. Những người thân, bạn bè, họ hàng sau hồi ly tán, kẻ còn người mất. gặp nhau mừng mừng, tủi tủi, Khi thăm hỏi mới hay: “Thằng này tiêu, thằng kia tịch; đứa này ngoẻo, đứa nọ đi đoong, ngủm củ tỏi…Có kẻ đi tàu suốt để xuống tuyền đài.”
Bạn bè cùng binh chủng, trong quân ngũ, lâu ngày hỏi thăm đến nhau thì đã có người qua bên kia thế giới, có kẻ về vùng 5 chiến thuật! (Ghi chú: Trước năm 1975, cả miền Nam chỉ có 4 vủng chiến thuật).
Gặng hỏi thêm số bạn tha phương mới hay thằng này đai (die), ở Mỹ, ở Anh hay ở Úc, đứa nọ mo (mort) ở Pháp, ở Canada.
Tiếng dai (die) mới có sau này, còn tiếng mo (mort) có từ thời Pháp thuộc. Và thời này chúng ta mới biết đến chữ Thần Chết (La Mort).
Mỗi khi thần chết gõ cửa là lúc ta lâm chung. Khi nhắm mắt, xuôi tay là lúc thần chết mang đi!theo chân thần chết thì rất khó được lên thiên đàng.

Cũng cùng chung quan niệm về thiên đàng hay địa ngục như Phật Giáo, vào những ngày Chủ Nhật, các Cha Xứ thường khuyên giảng con chiên phải theo lời Chúa dăn dạy, giữ lòng ngay và tin nơi Chúa, khi lâm chung sẽ được cứu dỗi. Lúc từ giã cõi đời sẽ được thánh Pierre tiếp rước đưa dẫn lên Thiên Đàng, về với Chúa, về chốn Vĩnh Hằng. Đừng bao giờ nghe theo lời cám dỗ của quỷ Sa Tăng (Quỷ Lucifer) mà phạm những tội lỗi ở đời. Hậu quả chỉ là bước chân theo tử thầnsa xuống địa ngục.

Chỉ có người xưa mới coi “cái chết nhẹ tựa lông hồng”, hết lòng ví Vua vì nước như Lê Lai xả mình cứu chúa (Vua Lê Lợi); như Nguyễn Tri Phương tử thủ giữ thành; hay tuẫn tiết như Trần Bình Trọng, Phan Thanh Giản, Hoàng Diệu,
Nhắc đến truyện ngày xưa, thì trong chiến trận mấy ai là “kỷ nhân hồi?” (Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi), hoặc “Nhất tướng công thành vạn cốt khô”. Do đó biết bao nhiêu sỹ tướng đã gửi nắm xương tàn nơi đất khách quê người hoặc nằm trong đất lạnh ở biên cương.
Và cũng ngày xưa, người xưa lấy da ngựa bọc thây cho chiến binh bỏ mình nơi chiến địa, còn ngày nay đã  có “Poncho quàng xác” cho quân nhân tử trận, hay hy sinh cho màu cờ sắc áo. Không biết bao nhiêu người nằm xuống ăn đạn, tan xác đạp phải mìn, ăn bom, lãnh pháo! Tất cả các tử sỹ này đều được thăng hoa bằng những mỹ từ như: Trả ơn vua, đền nợ Nước, Anh dũng hy sinh cho Tổ Quốc, và trở thành những  anh hùng liệt sỹ.
Thảm thương hơn nữa, có nhiều chiến binh đã phơi thây trên chiến địa, an nghỉ dưới chiến hào, thân xác vùi sâu lòng đất lạnh đâu được vinh dự nằm trong hòm gỗ cài hoa, hoặc áo quan phủ kín màu cờ để nghe dàn quân nhạc cử lễ truy điệu; những bài điếu văn đầy sáo ngữ, hay những tiếng súng chào tiễn biệt âm vang trong hư vô. Có chăng, họ chỉ được nghe tiếng kèn trompette trổ khúc nhạc chiêu hổn tử sỹ là cùng!

Hỡi ơi! Thời buổi này đất hẹp người đông, tình trạng kinh tế suy thoái, kiếm miếng ăn khó khăn nên tình thương yêu lạt như nước ốc luộc! Tất cả chỉ còn lại nhu cầu duy nhất là miếng cơm manh áo mà thôi. Mạng người không còn giá trị gì nữa, con người có thể bị cho ăn dao, ăn búa, lãnh gươm, lãnh giáo, người ta cũng có thể thí mạng cùi, hoặc đổi mạng như chơi! Cũng vì vài chỉ vàng, hay một dúm Dolla, người ta cũng có thể thủ tiêu đối thủ bằng nhiều cách. Kín đáo hơn, chúng bắt chước dân Hải Quân, dùng hình thức thủy táng như cho đi mò tôm, mò cá, hay cho ôm tảng đá bỏ trong bao bố để đi chầu Há Bá.

Mỗi loại Chết có một ngôn từ.
Chết sông, chết biển, ao, hồ là Chết đuối, chết trôi, chết chìm.
Thiếu không khí mà chết là Chết ngạt (nghẹt thở),
Chết bởi gươm, đao, sung đạn, v.v… là Tử thương,
Chết vì tai nạn … là Tử nạn
Chết ngoài chiến trường là Tử trận,
Chết trong cuộc thánh chiến là Tử vì đạo.

Còn tự hủy mình là Tự tử, tự sát,
Tự tử có nhiều cách như uống thuốc độc, cắt mạch máu…
Thắt cổ chết gọi là Tự ải, Tự vẫn,
Dùng dao, dùng súng, đâm đầu vào xe hơi, xe lửa là Tự sát.
Tự nhảy xuống nước như sông, biển… gọi là Tự trầm.
Tự tẩm xăng dầu hay nhảy vào lửa gọi là Tự thiêu, hỏa thiêu,
Tự hủy mình vì trung hiếu tiết nghĩa là Tuẫn tiết,

Người dân dã mà chết thì dùng chữ Từ trần, Tạ thế, Quá vãng…
Nhà vua chết thì gọi là Băng hà,
Người tu hành chết thì gọi là Viên tịch.

Trong cuộc sống hiên tại, mạng sống con người khó giữ, dễ mất mạng như ngóe (con ếch). Sự sinh tồn và hiện hữu chỉ có ý nghĩa với những ai có của ăn, của để, của nổi, của chìm, có xe hơi nhà lầu, vợ đẹp con khôn, chương mục kếch xù ở ngân hàng… mà thôi!
Hơn nữa xác người chẳng có giá trị gì, không bằng xác súc vật như trâu, bò, gà, vịt … còn thua cả xác chó nữa! Người ta giết trâu, bò, gà, vịt … để làm thực phẩm và bầy bán đầy ngoài chợ, trong siêu thị.
Và nếu thịt người ăn được, thì xác người cũng có giá dù rẻ như bèo… thì chắc chắn cuộc tàn sát sẽ khủng khiếp và chiến tranh còn tàn khốc hơn nữa!

Vì xác người không ăn được, nên người ta phải đem chôn dấu… dưới nhiều hình thức mai táng:
 Chôn dưới ba thước đất (tam xích thổ) gọi là Địa Táng.
Thả xác xuống biển gọi là Thủy Táng,
Đem vào lò thiêu hoặc bị đưa lên dàn hỏa gọi là Hỏa Táng.
Trong hình thức Hỏa táng, người ta thường hốt nắm xương tàn (hốt cốt) vào hũ và đem gửi vào chùa hay nhà thờ. Có người đem cốt rải xuống sông, xuống biển giống như cốt của Nữ thủ tướng Ấn Độ Grandhi được rải xuống sông Hằng Hà.

Ở Tây Tạng có hình thức Điểu Táng. Xác người chết (có thể bị cắt nhỏ) mang lên đỉnh núi làm thực phẩn cho Diều hâu.
Ở Trung Hoa có hình thức Huyền Táng : người ta đem quan tài treo trên triền núi.
Còn ở Việt Nam vào thời hậu Lê có cách mai táng độc đáo hơn. Chính  là  Tượng Táng. Xương người chết được sắp xếp lại và dắp thành tượng để thờ trong chùa. (“Bí mật phía sau thi hài ở chùa Đậu” – theo bài viết của Hồng Quang, báo SGGP ngày18-8-1999).

Muốn chết cho rảnh nợ! Mà người chết đâu có yên thân!
Bên cạnh xác người vừa được tẩm niệm trong “Bốn tấm dài, hai tấm ngắn” có biết bao nhiêu chuyện vui buồn ngang trái xảy ra ở chung quanh…! Đám tang cũng là dịp để khoe khoang, phô trương sự giàu có và uy thế! Nhiều khi từ việc mượn nước mắt, tiếng khóc và lời than vãn bi ai để kể lể, kể ơn, kể oán, kể tội, nhiều khi cũng để trách cứ lẫn nhau. Đi phúng điếu cũng là dịp trả oán, trả ơn, trả nghĩa và cũng là dịp để …Hối lộ bề trên nữa!

Con người chỉ là một sinh vật cần không khí, nước cũng như thực phẩm để mà sống. Thiếu ăn, thiếu uống còn có thể thoi thóp một thời gian, chứ thiếu không khí thì tim sẽ ngừng đập, và chỉ có một đường binh (binh xập xám) là chui vào hòm gỗ đem chôn.
Nhưng khốn nỗi nếu còn thoi thóp thở thì vẫn có nhiều việc phải làm, như các cụ xưa có nói:
“Tam thốn khí tại, thiên bang dụng…
Và khí đi rồi thì:
Nhất đán vô thường, vạn sự hưu”

Than ôi! Đời dâu bể tất cả chỉ là vô thưởng, mộng ảo, chỉ đến khí trút hơi thơ cuối cùng, gửi nắm xương tàn dưới ba thước đất ta mới được yên thân.
Thế mới hay chỉ có “ba thước đất” sẽ giải quyết được mọi vấn đề! Ta mới rứt mọi lụy trần, thân xác chỉ còn là đống tro tàn tan trong hư vô.

Tục ngữ Pháp có câu:
“Six pieds de terre suffissent au plus grand homme”.
Ngay chính vua Tự Đức ngồi trên ngai vàng cũng than:
“Khôn dại chẳng qua ba thước đất,
Giàu sang chưa chín một nồi kê!”

Cuối cùng có lẽ chúng ta cũng nên quên đi chuyện sống, chuyện chết mà suy ngẫm về mấy câu thơ cổ:
“Ký quy tam xích thổ.
Nan giải bách niên thân.
Vị quy tam xích thổ.
Nan giải bách niên phần”
Tạm dịch:
“Chưa về ba thước đất,
Lo chi chuyện trăm năm.
Đã về ba thước đất.
Lo chi chuyện mộ phần”.


Người HàNội.



No comments:

Post a Comment