2/1/22

Ngày Ấy…Đà Lạt…Thụ Nhân

 Tôi để dòng nước mắt tự do chẩy, tôi biết có muốn ngăn nưóc mắt đừng chẩy, cũng không được. Tôi trở về Đà Lạt như một người về quê. Tôi có nhiều quê. Đà Lạt là quê hương quan trọng của cuộc đời tôi. Đà Lạt là quê hương tinh thần của tôi. Đà Lạt, từ nơi đó tôi bước vào đời. Bao giờ mới được trở về thăm quê lần nữa .. .

Ngày đầu năm Nhâm dần, đăng lại bài đă đăng : ngày 18.10.2014  để kỷ niệm ngày ấy!

CHO ĐI LẠI TỪ ĐẦU, CHƯA ĐI VỘI VỀ SAU
Tựa đề trích từ câu nhạc trong bài Kỷ Niệm của Phạm Duy

Thứ sáu ngày 17 tháng 01 năm 1969

Máy bay hạ cánh xuống phi trường LIÊN KHƯƠNG. Tất cả mọi người trên máy bay bỗng im lặng. Hình như có ai ra lệnh cho mọi người im lặng. Mọi người đang nói, đột nhiên im lặng như một cỗ máy bị mất điện. Không còn nghe ai nói, cũng chẳng thấy ai cười. Máy bay ngừng hẳn. Tấm cửa của máy bay C130 từ từ hạ. Luồng khí lạnh tràn vào máy bay. Đà Lạt đã chạm vào thân thể tôi, thấm vào tâm hồn tôi. Người tôi run lên, không phải vì lạnh. Tôi đã chạm được Đà Lạt, mặc dầu tôi vẫn còn đứng trong lòng máy bay. Chúng tôi ba lô đã sẵn sàng trên vai, nhưng chưa ai bước xuống máy bay. Đứng im lặng chờ lệnh.

Hùng Beau vẫy tay ra lệnh cho mọi người xuống máy bay. Đoàn người di chuyển, tiếng nói cười cũng di chuyển theo. Ra khỏi máy bay, mọi người hít mạnh để hưởng không khí trong lành của Đà Lạt. Tiếng Hùng Beau và Tư Liệt vang lên : Tập họp, tập họp. Hùng Beau và Tư Liệt hét : Tập họp bốn hàng dọc Những con hổ về rừng, những đứa có mộng lớn mộng nhỏ, những đứa coi trời bằng vung, những đứa chẳng biết kiêng nể ai, những đứa đã khênh xe thầy Khoa Trưởng Trần Long đi dấu, những đứa bắn súng náo loạn trong thời kỳ quân sự học đường, và thằng mới hai mươi hai tuổi đã dựng lên cả một phong trào thanh niên văn nghệ vang lừng cả nước. Chúng nhanh chóng xếp thành bốn hàng dọc. Mới vô quân trường chưa đầy hai tháng chúng đã khép vô kỷ luật. Đúng như người ta nói kỷ luật quân đội là kỷ luật thép. Hùng Beau ra lệnh : Bây giờ chúng ta về Viện. Một xe, hai mươi người. Nghe rõ Rõ Nghiêm.Năm hàng đầu, trước, bước, một, hai, một, hai Xe thiết giáp dẫn đầu đoàn xe. Dọc đường từ phi trường Liên Khương về thị xã Đà Lạt, tiểu đoàn 23 Biệt Động Quân được bố trí để bảo vệ đoàn xe. An ninh lộ trình được thực hiện thật chu đáo.

Đoàn xe chạy qua thác Datanla, ánh đèn điện thấp thoáng trong các ngôi biệt thự, tôi đã thực sự ở trong vòng tay Đà Lạt. Xe xuống dốc nhà thờ con gà, tôi đã thấy hơi ấm của Đà Lạt tỏa ra. Xe đỗ trước văn phòng Viện Đại Học Đà Lạt, chúng tôi đã trở về nhà. Chúng tôi nhẩy xuống xe. Chúng tôi cười , la, hét, nói năng khác hẳn khi chúng tôi ở tại phi trường Liên Khương. Vào viện thì hết là lính rồi chăng ? Có lẽ không phải. Tác phong quân đội biến mất cũng chỉ vì một số thằng bạn được hoãn dịch chưa phải đi lính hay không phải đi lính và các bạn đồng môn phái nữ đón chúng tôi. Chúng nó bắt tay, chúng nó ôm nhau, chúng nó tranh nhau nói. Hùng Beau, Tư Liệt bây giờ có la hét hay có rút súng bắn đùng đùng lên trời, tôi chắc chúng nó cũng phớt lờ. Chúng nó còn sợ gì nữa. Cha Viện Trưởng đang đứng trước văn phòng viện tươi cười đón chúng, những đứa con trưởng cưng của cha. Đối với chúng nó, bây giờ chỉ có bạn bè, người quen, ngoài ra chúng phớt lờ hết. Chúng tôi ăn cơm tối tại phòng cơm Đại Học Xá. Được lệnh ra phi trường lúc bẩy giờ sáng. Ngồi chờ máy bay đến sáu giờ chiều. Chín giờ tới Viện. Mười giờ ăn cơm. Đói, mệt nhưng rất vui. Bữa cơm tối thật ngon miệng. Chúng tôi được sắp xếp chỗ ngủ tai các phòng trong Đại Học Xá. Tôi được ngủ tại giường cũ, trong căn phòng cũ thuộc lầu II. Thứ bẩy ngày 18 tháng giêng năm 1969 Mới sáu giờ sáng tôi nghe tiếng Hùng Trâu Bò :’’Một hai ba bốn”. Những tiếng hô nhịp nhàng theo sau :’’Một hai ba bốn”. Hùng Trâu Bò đang dẫn một toán chạy bộ. Có lẽ lạnh không ngủ được nên chúng nó chạy cho ấm. Khi đi, chúng tôi có đem gì theo đâu ngoài bộ quần áo lính và đồ cá nhân. Chúng tôi vẫn vô tư. Chúng tôi mới nếm mùi đời hơn một tháng nay. Vô lính cũng vui như lúc đi học. Cả hơn trăm thằng khóa I gập nhau trong tiểu đoàn Nguyễn Huệ thì làm sao mà không vui cho được. Hầu như tất cả những trò nghịch ngợm thời sinh viên, chúng đem vào quân trường. Chúng lấy số đông để áp đảo bọn trường Luật, Quốc Gia Hành Chánh và các trường Đại Học khác để dành chức tiểu đoàn trưởng và tiểu đoàn phó khóa sinh cho Hùng Beau và Tư Liệt. Buổi sáng lúc mười lăm phút nghỉ giải lao, chúng dành nhau tờ báo để xem truyện Cô Gái Đồ Long. Tôi và Vũ Trọng Thức đánh volley cá độ với sinh viên Quốc Gia Hành Chánh, trường Luật. Nhờ tài vừa chiến đấu, vừa chọc quê đối phương của Thức nên tôi và Thức thứ bẩy và chủ nhật thường được đi ăn cơm phần tại nhà hàng thay vì ăn cơm cá mối nhà bàn . Phạm Văn Răng múa thần quyền, cả tiểu đoàn phục lăn. Răng còn bắt ấn, gọi ma làm khiếp đảm trung úy Đại Đôi Trưởng Hùng.. Chúng đem ban văn nghệ vô hội quán của tiểu đoàn. Lưu Văn Dân lại hát bài Love Potion Number 9, San Francisco. Phong Râu gân cổ ngân dài bài Ave Maria, Cúc Cu Ru như một đại danh ca Tây Ban Nha. Tiếng hát của Dân và Phong Râu đã vượt Viện Đại Học Đà Lạt ra đến quân trường Quang Trung. Tiếng khóc của đứa trẻ mới sinh mà Khai Giao Linh diễn trong một vở kịch đóng chung với Phong Râu và Dân đã cứu cả tiểu đoàn không bị ông đại úy tiểu đoàn trưởng Hiến phạt. Tiếng khóc của Khai Giao Linh làm cả hội trường cười vang. Ông đại úy Hiến và sĩ quan cán bộ tiểu đoàn ôm bụng cười. Lệnh của ông đại úy Hiến là khóa sinh cả tuần tập mệt, nếu ban văn nghệ không tạo được những nụ cười thoải mái cho khóa sinh thì cả tiểu đoàn bị phạt. Lệnh cũng có điểm lạ là cả tiểu đoàn bị phạt, chứ không phải chỉ ban văn nghệ bị phạt.

Tôi nằm yên trên giường để hưởng cái thú vị, cái thanh thản của đời sống sinh viên mà cuộc sống nhà binh không có. Các bạn tôi đã đi lên văn phòng viện để lãnh áo mũ tốt nghiệp từ sáng sớm. Mười giờ rưỡi, tôi mới ra khỏi phòng.
Văn phòng viện vắng heo. Có lẽ tôi là người cuối cùng lãnh mũ áo tốt nghiệp. Mỗi sinh viên được cha Viện cho một phiếu chụp hình tại tiệm hình Hồng Thủy gần góc đường Minh Mạng và Phan Đình Phùng. Cha còn cho mỗi sinh viên đầu hai phân 500 đồng để dằn túi. Cha Viện đã lo cho sinh viên khóa thật chu đáo.

Tôi đi ra khỏi viện. Con đường dốc từ cổng Viện đến ngã tư Phù Đổng Thiên Vương và Võ Tánh thật thân thương. Dọc theo bờ tường của Viện, cỏ được cắt gọn gàng. Những cây Anh Đào dọc theo hai bờ tường viện trổ những bông màu hồng. Tôi nhớ cây Mimosa bên bờ tường Viện. Cha Viện Trưởng đã thuê toán Hướng Đạo chúng tôi chặt tất cả những cây không phải là cây Anh Đào dọc theo bờ tường Viện. Cây Mimosa thật đẹp, chính tay tôi chặt gẫy. Nhìn cây Mimosa nằm sóng soài trên mặt đất, tôi bùi ngùi cảm thấy mình có tội. Nay bờ tường quanh viện, những cây anh đào đang nở hoa thật đẹp. Những cây anh đào toàn hoa, không lá. Mầu hoa anh đào hồng thắm nổi bật trên màu xanh của khung trời Đà Lạt ….

Đi đến ngã tư, tôi lưỡng lự chưa biết nên đi ra phố bằng đường đi ngang Giáo Hoàng Chủng Viện có đồi Cù cỏ xanh và trời xanh, hay đi bằng con đường Võ Tánh có xóm sinh viên thân quen. Tôi chọn con đường thân quen. Đi qua quán T2, tôi nhớ những giọng hát của các bạn sinh viên như Nhữ Văn Trí, Kha Tư Giáo. Tôi nhớ tiếng hát Lê Uyên và Phương lúc hai người chưa nổi danh, tôi nhớ giọng hát của Đoàn Chính và câu thơ của Phạm Thành Tài tả mùa thu “ Một chút vàng trong lá trong cây “ . Tôi nhớ những đêm lang thang ngoài phố đến tận gần nửa đêm. Trên đường về Đại Học Xá, đi ngang quán T2, trời khuya và lạnh, những đứa bạn kéo tôi vô quán T2 tán dóc, bỗng tôi cảm thấy thật ấm áp.

Tôi nhớ đám cưới của Nguyễn Tường Cẩm, chủ quán T2. Tuổi trẻ ngông cuồng, tuổi trẻ đam mê, tuổi trẻ liều lĩnh. Không tiền, chưa nghề, đôi mắt còn ngơ ngác như mắt nai, tâm hồn còn gắn bó với đám bạn chỉ biết các trại công tác xã hội, vậy mà chúng nó dám xông lên như những chiến sĩ tiền phong. Đúng là điếc không sợ súng. Đám cưới linh đình với cờ lọng, áo dài khăn đóng, chiêng trống rộn rã. Một đám cưới của thế kỷ mười chín. Bạn bè giúp, cha Viện cũng giúp, đám cưới đã được ghi vô lịch sử của khóa I trường Chính Trị Kinh Doanh. Tôi nhớ tiếng trống liên hồi trước quán T2 trong đêm tân hôn của vợ chồng Cẩm. Hùng Trâu Bò sao mà hăng quá. Nó đánh trống liên hồi như trống vỡ đê sông Hồng, khiến Chang phải nhắc: Tha cho hai vợ chồng nó. Mày đánh trống mau mà dồn dập như thế làm sao thằng Cẩm nhịp theo kịp. Không khéo sáng mai, tụi mình phải đưa hai vợ chồng nó vào bệnh viện cứu cấp vì kiệt sức.

Đi qua trường Bùi Thị Xuân của các cô gái áo dài xanh. Những cô nữ sinh đã làm rung động trái tim nhiều chàng sinh viên và ngược lại. Thơ, nhạc, hạnh phúc, niềm vui, nỗi nhớ đẹp như trời Đà Lạt, đã được viết, đã được kể, đã được hát để ca tụng những mối tình của những cô nữ sinh áo xanh xinh tươi, ngây thơ với chàng sinh viên từ phương trời xa xôi nào đó, đến xin nhận Đà Lạt làm quê hương.

Tôi đi lên đồi Lữ Quán Thanh Niên. Tôi đến bên cây Mimosa. Cây Mimosa trước cửa phòng tôi trong năm đầu tiên đẹp tuyệt vời. Buổi sáng đi học, tôi chào cây Mimosa. Buổi chiều cây Mimosa đón tôi đi học về. Tôi mân mê những chiếc lá xanh mốc trắng. Cây Mimosa hoa vàng không lá thật đẹp. Nay cây Mimosa toàn lá xanh mốc, không hoa cũng rất đẹp. Tôi sắp phải xa cây Mimosa hoa vàng lá mốc. Tôi muốn thời gian ngừng lại để tôi được đứng bên cây Mimosa lâu hơn. Trên trời, mây vẫn trôi, thời gian vẫn đi, tôi phải cất bước. Tôi vĩnh viễn xa cây Mimosa Hoa Vàng Lá Mốc.

Đứng trên đồi Lữ Quán, tôi nhìn đường Võ Tánh vắng lặng, khu sinh viên Võ Tánh im lìm nhưng vẫn đầy sức sống. Khóa I ra đi, khóa II, III, IV đã có mặt. Càng ngày càng đông, càng ngày càng vui. Tôi tiếc mình đã có quyết định sai lầm: Năm II tôi bỏ khu Võ Tánh – Lữ Quán Thanh Niên để xin vô ở Đại Học Xá. Sinh hoạt sôi nổi, sống động của sinh viên Viện Đại Học Đà Lạt đều tập trung tại khu Võ Tánh – Lữ Quán Thanh Niên.

Gây ấn tượng cho tôi nhất là quán T2 của Nguyễn Tường Cẩm và Nguyễn Lập Chí. Quán T2 là nơi tụ họp văn nghệ của đủ loại nghệ sĩ: Những ca sĩ hát hay không bằng hay hát, những ca sĩ thượng hạng, hảo hạng Nguyễn Minh Tuấn, Lưu Văn Dân, Trần Ngọc Phong, Nhữ Văn Trí, Kha Tư Giáo … những ca sĩ, nghệ sĩ, văn sĩ nhà nghề Lê Uyên và Phương, Đoàn Chính, Phạm Thành Tài, Steve Adis Nguyễn Đức Quang Du Ca, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Miên Đức Thắng, Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Tú Kếu, Trần Dạ Từ, Nhã Ca, Đỗ Quý Toàn … và tay đàn classic thượng đẳng Cao Hoàng …

Tại khu Võ Tánh, hoạt động báo chí rất sôi nổi. Nhiều tờ báo ra đời như Diễn Đàn Sinh Viên của Nguyễn Tường Cẩm, Tí Ti và Chính Danh của Nguyễn Lập Chí, Nước Mắt Mẹ của Nguyễn Quang Tuyến và Trần Trọng Thức … với những cây viết Sơn Râu, Minh Hân Lê Kim Lợi, Trần Đại, Hoàng Ngọc Nguyên, Mai Kim Đĩnh, Nguyễn Khải, Phạm Chí Thành, Phan Thạnh, Nguyễn Quang Tuyến, Trần Trọng Thức, Phan Đình Đẳng, Nhan Ánh Xuân …

Khóa I CTKD có ba ban nhạc. Ban nhạc Les Laborers của Huỳnh Thành Công trong Nam Đại Học Xá. Nữ Đại Học Xá có ban nhạc của Phong Lan, Huệ An, Thạch Trúc … Ban nhạc nữ mặc đồng phục như những ban nhạc nhà nghề. Nhưng nổi trội nhất là Ban nhạc Leviathan với Trần Văn Lưu trống, Trần Trọng Chung guitar và hai ca sĩ Trần Ngọc Phong và Lưu Văn Dân của khu sinh viên Võ Tánh. Ban Leviathan đã gây được niềm vui và sự sống động trong đời sống những sinh viên xa nhà. Tôi nói mà không sợ sai rằng: Trong tâm hồn và trái tim của sinh viên khóa I học toàn thời gian đều có giọng ngân dài : cúc cù ru cù ru … của Trần Ngọc Phong, một nghệ sĩ tài tử mà ai cũng yêu mến.

Những thanh niên đầy lý tưởng phụng sự quần chúng thì làm việc không mệt nhọc trong hai tổ chức THANH NIÊN THIỆN CHÍ do Nguyễn Tường Cẩm thành lập và ĐOÀN SINH VIÊN CÔNG TÁC XÃ HỘI do Hoàng Văn Lộc sáng lập. Những trại công tác xã hội được thường xuyên tổ chức khắp vùng hẻo lánh của cao nguyên Lâm Viên, ra tận Đông Hà Quảng Trị, vào tận Cần Thơ, Châu Đốc. Hai tổ chức xã hội này đã tạo được tình đồng chí và tình anh em gắn bó giữa các đoàn viên. Nhớ tới hai tổ chức hoạt động xã hội Thanh Niên Thiện Chí và Đoàn Sinh Viên Công Tác Xã Hội, tôi cũng nhớ tới nhân vật xuất sắc của nhóm Hướng Đạo chúng tôi: Lê Đường. Lê Đường thành lập Tráng Đoàn Hùng Vương. Mộng nhỏ của Lê Đường là thành lập những toán Hướng Đạo gồm những thanh niên nông dân tại Trại Hầm, Trại Mát để sinh hoạt chung với toán Thụ Nhân gồm toàn sinh viên và toán Giòng Chúa Cứu Thế gồm những vị tu sĩ … Mộng lớn của Lê Đường là thành lập những toán nữ Hướng Đạo sinh hoạt chung với nam Hướng Đạo trong Tráng Đoàn Hùng Vương. Mộng lớn của Lê Đường bị các Trưởng Hướng Đạo tại Đà Lạt kịch liệt phản đối. Nhưng Lê Đường vẫn quyết tâm thực hiện. Một điểm son của Lê Đường là đã thuyết phục được các Trưởng lãnh đạo tại Đà Lạt cho phép các tráng sinh của tráng đoàn Hùng Vương mặc quần dài thay vì quần ngắn.

Lẫy lừng nhất là Nguyễn Đức Quang Du Ca. Quang Du Ca là sinh viên duy nhất của khóa I, trong thời gian đi học đã tạo được sự nghiệp vang lừng cả nước. Sự nghiệp của Quang Du Ca không phải về ngành Kinh Doanh hay Chính Trị mà hắn theo học. Sự nghiệp của Quang Du Ca là phong trào văn nghệ thanh niên mang tên Phong Trào Du Ca. Điều làm tôi cảm động là sáu anh chàng sáng lập Phong Trào Du Ca đã không quên cội nguồn của mình là cư dân Đà Lạt và cũng là sinh viên Viện Đại Học Đà Lạt. Họ đã từ Sài Gòn trở về Đà Lạt tổ chức lễ ra mắt Phong Trào Du Ca tại giảng đường Spellman.

Đất nước đang hồi chiến tranh khốc liệt, chính phủ phải ban lệnh Tổng Động Viên. Vậy mà tại Viện Đại Học Đà Lạt, thanh niên vẫn được hưởng tự do: Quyền tự do đóng góp, sáng tạo và thực hiện lý tưởng. Sinh viên Viện Đại Học Đà Lạt được hưởng tự do quý báu nhất: TỰ DO TƯ TƯỞNG.

Tôi nhìn Núi Lâm Viên. Núi Lâm Viên xanh thẫm in trên bầu trời xanh lơ có vài cụm mây trắng. Bốn năm học tại Đà Lạt, tôi chưa hề trèo lên đỉnh núi Lâm Viên. Chiến tranh đã không cho phép tôi thực hiện mơ ước của tôi: CẮM CỜ HƯỚNG ĐẠO TRÊN ĐỈNH NÚI LÂM VIÊN. Đứng trên đồi Lữ Quán Thanh Niên nhìn những cụm mây trắng như những bông hoa đang nở trên nền trời màu thanh thiên, màu xanh của da trời Đà Lạt. Tôi nhớ một bài viết về Đà Lạt của ông Phạm Công Thiện trong quyển Ý THỨC MỚI TRONG VĂN NGHỆ TRIẾT HỌC. Tôi đoán ông Phạm Công Thiện viết bài này một mạch từ chữ đầu đến chữ cuối, không nghỉ ngơi, không thêm bớt. Văn trào ra từ tim ông như giòng nước cuồn cuộn chẩy vô biển khơi. Phạm Công Thiện và thi sĩ Hàn Mặc Tử đã góp phần giúp Đà Lạt trở thành đất linh thiêng. Tôi rung động khi đọc bài của Phạm Công Thiện viết về Đà Lạt và tôi xúc động bồi hồi khi nghe anh Khoáng ngâm bài thơ ĐÀ LẠT TRĂNG MỜ của thi sĩ Hàn Mặc Tử tại căn phòng basement Lầu Hồng vào một buổi tối năm sáu bốn, lần đầu tiên tôi và anh Khoáng quen nhau. (Lầu Hồng là ngôi biệt thự màu đỏ nằm trên đỉnh đồi Lữ Quán Thanh Niên. Lầu hồng có một bà cụ, chúng tôi thường gọi là bà ngoại. Bà ngoại săn sóc bốn cô cháu gái. Năm bà cháu ở trên lầu. Basement cho sinh viên thuê)

Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu
Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ
Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt
Như đón từ xa một ý thơ

Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều
Để nghe dưới đáy nước hò reo
Để nghe tơ liễu rung trong gió
Và để xem trời giải nghĩa yêu

Hàng thông lấp loáng đứng trong im
Cành lá in như đã lặng chìm
Hư thực làm sao phân biệt được
Sông Ngân Hà nổi giữa màn đêm

Cả trời say nhuộm một màu trăng
Và cả lòng tôi chẳng nói rằng
Không một tiếng gì nghe động chạm
Dẫu là tiếng vỡ của trăng sao

Nhìn về phía nhà của vợ chồng nhạc sĩ Lê Uyên và Phương trên đường Võ Tánh.Lê văn Lộc gốc người Quảng Nam. Nhắc đến anh, không gợi nhớ cho ai về đấtQuảng Nam Đà Nẵng. Nhắc tới Lê Uyên và Phương người ta nhớ đến Đà Lạt, mặc dù nhạc của anh không có chữ Đà Lạt nào. Nhạc anh có đầy hình ảnh, màu sắc của Đà Lạt :

Theo em xuống phố trưa nay đang còn chất ngất cơn say
Theo em bước xuống cơn đau, bên ngoài nắng đã lên mau
(Vũng Lầy Của Chúng Ta – Lê Uyên Phương)

Nhìn về hướng Domain De Marie nằm trên đường Calmet, tôi thấy như có hình bóng một người thiếu nữ trong chiếc áo dài tím đang đi trong nắng ấm Đà Lạt. Người thiếu nữ ấy tên là Trần Thị Lệ Khánh, tác giả tập thơ EM LÀ GÁI TRỜI BẮT XẤU. Nhà của Nguyễn Đức Quang và Trần Thị Lệ Khánh đều ở trên đường Calmet. Nhắc đến tên Nguyễn Đức Quang chỉ gợi nhớ cho tôi về phong trào Du Ca mà hắn sáng lập, không gợi nhớ một chút gì về Đà Lạt. Nhắc đến tên Trần Thị Lệ Khánh, tôi nhớ đến Đà Lạt. Trần Thị Lệ Khánh là của Đà Lạt. Nguyễn Đức Quang là của Miền Nam Việt Nam. Tôi nhớ bài thơ của người con gái tự cho mình là xấu
Chi lạ rứa chiều ni tôi muốn khóc
Ngó chi tôi đồ cỏ mọn hoa hèn
Nhìn chi tôi hình đom đóm trong đêm
Cho tôi tủi bên kia bờ cô tịch
Chi lạ rứa sao cứ làm tôi tủi
Ngó chi tôi chỉ một đứa thương đau
Nhìn chi tôi mà chẳng có sắc màu
Để lại trong tôi mối sầu vạn cổ.


Đứng trên đồi Lữ Quán Thanh Niên nhớ lại những ngày đầu và thầm tiếc những ngày vui qua mau. Tôi ước mơ như nhạc sĩ Phạm Duy mơ ước trong bài hát KỶ NIỆM :

TRONG TIM THÌ SÔI MÁU, KHÉO MẮT CÓ TRĂNG SAO
BÔNG HOA CÀI TRÊN ÁO, TRÊN MÔI MỘT NGUYỆN CẦU
CHO ĐI LẠI TỪ ĐẦU, CHƯA ĐI VỘI VỀ SAU

Tôi đứng lặng nhìn núi Lâm Viên, nhìn mây trời, nhìn khu Võ Tánh … nhìn lần cuối. Tôi dang tay và hít mạnh để ôm trọn khung trời Đà Lạt. Nước mắt dâng và trào trên má.Từ đỉnh đồi Lữ Quán Thanh Niên, tôi đi xuống đường Hàm Nghi bằng con đường mòn. Con đường hầu như hàng ngày tôi xử dụng để xuống phố trong năm I. Tôi ghé vô phở Đắc Tín để xem có Tường đang ăn phở và ngắm cô bé Đắc Tín không ? Nhìn vô tiệm phở không thấy đứa bạn học nào, cũng không có cô bé Đắc Tín. Tôi bước đi vì tôi nghĩ ngồi ăn một mình cũng không vui và không ngon. Tôi mở cửa cà phê Tùng. Chẳng có thằng bạn nào ngồi uống cà phê. Đi hai vòng quanh khu Hòa Bình, cũng không gập đứa bạn nào. Không biết chúng biến đi đâu. Tôi đi vòng quanh khu Hòa Bình đến ba mươi vòng. Tôi gập ông vua Hòa Bình ba mươi lần. Tôi phải nhìn ba mươi lần khuôn mặt đỏ gay vì rượu của ông ta và nghe ông ta đang chửi đổng ba mươi lần. Tuy tôi không nghe những lời chửi của ông ta, nhưng tôi biết ông Vua Hòa Bình chửi gì và chửi ai. Trước đây, có đôi lần, tôi dừng lại ngắm ông ta và nghe ông ta chửi. Ông ta chửi thế thái nhân tình, ông ta chửi chính quyền tham nhũng, bất công và bất tài. Không ai chú ý tới ông ta vì ông ta là một tên ăn mày nát rượu. Chúng tôi đặt ông ta là ông vua Hòa Bình vì ông mặc áo manteau đỏ bạc màu đã ngả sang màu vàng như áo hoàng bào. Ông đóng đô tại khu Hòa Bình từ trước ngày có trường Chính Trị Kinh Doanh. Ông say suốt ngày và suốt ngày ông chửi rủa mọi người, kể cả chính quyền. Ông ta chẳng sợ ai.

Tôi mỉn cười chào cô Bích Liên đang ngồi trong tiêm bán vàng ba mươi lần. Cô bé Bích Liên lớn hơn, đẹp hơn. Lông mày cô Bích Liên đậm hơn, má cô Bích Liên hồng hơn, môi cô Bích Liên đỏ hơn. Cô Bích Liên đã biết trang điểm khác hẳn bốn năm trước, cô ngồi coi cửa hàng trong chiếc áo dài xanh học trò. Tôi nhớ Lương Việt Hùng. Những chiều Thứ Bẩy, chúng tôi lũ lượt từ Đại Học Xá ra phố chơi. Thấy cô Bích Liên, Hùng vào trong tiệm vàng và dặn tôi :” Già Cơ, khi nào về, nhớ kêu tao về “ …

Không gập được thằng bạn nào, tôi định đi thêm ba mươi vòng nữa để phá kỷ lục đi vòng quanh khu Hoà Bình của Nguyễn Khải. Khải đi đôi giầy da cao cổ, mặc áo pardessus cà phê sữa đã đi vòng quanh khu Hòa Bình năm mươi tám vòng trong buổi chiều nắng đẹp ngày thứ bẩy. Người đếm những vòng đi của Khải là Hồ Phán và Trương Duy Hào. Phán và Hào ngồi uống nước trong quán Đông Hải và đếm những vòng đi của Khải quanh khu Hòa Bình. Tôi chỉ đi thêm được một vòng nữa và phải bỏ cuộc. Cho đến tận thế cũng không ai phá nổi kỷ lục đi năm mươi tám vòng quanh khu Hoà Bình của Nguyễn Khải.

Chủ nhật ngày 19 tháng giêng, năm 1969
Bẩy giờ sáng, chúng tôi đi lên nhà Nguyện, nơi tổ chức lễ mãn khóa của Trường Chính Trị Kinh Doanh và Đại Học Văn Khoa. Nhân viên an ninh đang rà mìn, xem xét, lục soát khu vực hành lễ. Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu đến dự lễ nên an ninh được canh phòng cẩn mật. Nhân viên an ninh rút khỏi khu hành lễ. Chúng tôi được hướng dẫn đứng dọc theo hai bên đường từ văn phòng Viện lên Nhà Nguyện để đón đoàn rước Quốc Kỳ Việt Nam Cộng Hòa. Sau đó, chúng tôi vô ngồi trên những ghế xếp bằng sắt. Khán đài được trang hoàng giản dị với những chậu hoa. Quan khách tham dự đông đảo. Những vị quan khách tên tuổi gồm có Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu,Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình, Viện trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh thượng tọa Thích Minh Châu, Trung Tướng Tổng Cục Trưởng Cục Chiến Tranh Chính Trị Trần Văn Trung … Có thể có những Viện Trưởng Đại Học Sài Gòn, Huế, Cần Thơ, Minh Đức mà tôi không biết mặt. Hướng dẫn Tổng Thống Thiệu đi vào chỗ ngồi, cha Viện Trưởng chỉ cho Tổng Thống Thiệu thấy những đôi Bốt Đờ Sô của chúng tôi.

Buổi lễ diễn ra ngắn gọn, không nhiều diễn văn. Chỉ có ba người đọc diễn văn : Cha Viện Trưởng, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và ông Dương Văn Ba. Diễn văn của cha Viện Trưởng dài khoảng nửa tiếng. Ngài nói về đóng góp của Viện Đại Học trong quá khứ và tương lai cho nền giáo dục và đào tạo nhân tài cho Việt Nam. Đáp lại Tổng Thống Thiệu nói ngắn gọn. Tổng thống Thiệu ca ngợi những đóng góp và sự thành công của Viện Đại Học Đà Lạt. Ông Dương Văn Ba được cha Viện mời đọc diễn văn làm tôi ngạc nhiên đến sửng sốt. Tôi và các sinh viên đều nghĩ rằng người đọc diễn văn hôm nay sẽ là thủ khoa Mai Kim Đĩnh của cả hai phân ngành Chính Trị và Kinh Doanh. Ông Dương Văn Ba là một cựu sinh viên. Hầu hết chúng tôi không biết ông Dương Văn Ba là cựu sinh viên Viện Đại Học Đà Lạt, tốt nghiệp phân khoa nào, năm nào. Chúng tôi chỉ biết hiện nay ông Dương Văn Ba là dân biểu đối lập. Ông Dương Văn Ba không nói gì đến chính trị hay thời sự. Ông chỉ nhắc đến những tình cảm và kỷ niệm đẹp của ông trong thời gian ông theo học phân khoa Triết tại Viện Đại Học Đà Lạt. Ông ca tụng sự phát triển lớn mạnh và tốt đẹp của Viện Đại Học Đà Lạt …

Sau đó Tổng Thống Thiệu gắn Bảo Quốc Huân Chương Đệ Ngũ Đẳng cho linh mục Viện Trưởng. Bảo Quốc Huân Chương chỉ dành cho quân đội là những người cầm súng giữ nước. Còn ngành giáo dục có huân chương khác hoặc những bằng tưởng luc. Người được Bảo Quốc Huân Chương hằng năm được lãnh một số tiền tượng trưng sáu trăm, khi chết có một trung đội đến làm giàn chào từ lúc niệm cho đến khi an táng. Trong bài diễn văn ngắn trước khi gắn Bảo Quốc Huân Chương cho cha Viện Trưởng, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã ca ngợi tài điều khiển khéo léo của cha Viện trong vụ biến động tại Đà Lạt đã tránh cho thị xã Đà Lạt không bị xáo trộn và thiệt hại. Tổng thống Thiệu không nhắc gì đến thành tích về giáo dục của cha Viện. Tổng thống Thiệu đã coi cha Viện Trưởng như người chiến sĩ cầm súng dũng cảm có thành tích to lớn trong việc giữ gìn an ninh cho đất nước nên đã trao Bảo Quốc Huân Chương Đệ Ngũ Đẳng cho ngài.

Phần chính của buổi lễ: Trao văn bằng cho các ông cử, cô cử. Tên tân khoa được xướng danh, nhưng không trao bằng cho từng ông cử, cô cử. Thủ khoa Mai Kim Đĩnh của Trường Chính Trị Kinh Doanh và thủ khoa Nguyễn Thanh Châu của Văn Khoa được trao bằng và gắn khiên chương. Sau đó mỗi vị giáo sư phụ trách một hàng ghế để gắn khiên chương cho các tân khoa. Các tân khoa tung mũ. Tiếng reo mừng của tân khoa, của thân nhân, của quan khách vang dội khu nhà nguyện.

Buổi lễ chấm dứt. Quan khách ra về. Mọi người túa ra. Từng nhóm năm, mười, mười lăm… quây quần trước tại nhà nguyện, trước văn phòng viện, trước thư viện, trước giảng đường Spellman, trên cầu gỗ đỏ…hoặc hàn huyên hoặc chụp hình. Ba ông thợ chụp hình chuyên nghiệp bằng máy ảnh polaroid bấm không ngừng tay. Tôi phải chờ đến mười lăm phút mới có được một tấm hình ngồi trên thành cầu gỗ đỏ …

Hai giờ chiều, chúng tôi ra tiệm chụp hình Hồng Thủy. Ba giờ, tôi và Tường móc túi đếm được tổng cộng hơn năm trăm đồng. Tôi theo Tường đi đến tiệm phở Đắc Tín, mặc dầu tôi thích ăn phở Ngọc Lan. Tường muốn ngắm cô bé Đắc Tín. Ăn phở xong, chúng tôi đến cà phê Tùng uống cà phê. Bốn giờ rưỡi, chúng tôi đi ra đường đầu đường Minh Mạng để uống sữa đậu nành nóng và ăn bánh đậu xanh. Chúng tôi xuống chợ mua mứt mận, mứt dâu cho mấy thằng bạn lính ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Năm giờ rưỡi, chúng tôi trở về viện để trả mũ áo tốt nghiệp. Sau bữa cơm tối, chúng tôi tụ họp thành từng nhóm tán dóc. Mười hai giờ rưỡi, nghe Hàn Sĩ Phan Thạnh ngâm bài thơ vừa mới làm mà lòng ngậm ngùi :

NGÀY ẤY … ĐÀ LẠT … THỤ NHÂN

Khoá Một nhập môn, sáu mươi lẻ bốn
Trưởng tràng hạ sơn mới sáu tháng tròn
Nhớ ngày khăn gói lên non thấm thoát đã năm niên
Hơn một ngàn năm trăm ngày xuất thân làm kẻ sĩ
Nhẩm tính thời gian, đại đăng khoa hơn trăm đứa, tuổi đời mới quá đôi mươi
Kiểm tra nhân sự, việc xuất xử chưa mấy tay kịp làm nên chuyện kinh bang tế thế
Nên đã có tên than thở :” Tại chúng mình đã đầu thai lầm thế kỷ “
Trời đã sinh ta, sao còn sinh bọn phỉ.
Nhưng than thở làm gì ! Cứ kiên tâm trì chí sẽ có ngày làm nên chuyện lớn
Đừng xem trần thế là phù du, là hư ảo
Nhớ ngày xưa bao công lao dùi mài kinh sử
Kỷ niệm đẹp, ta nhắc lại thời khoác áo thư sinh
Nhớ ngày nào, Đà Lạt sân trình dập dìu sĩ tử
Nữ yêu kiều, có nàng tóc xõa, tóc bồng nhởn nhơ kheo sắc thắm
Nam thanh lịch, vài tên ria mép râu cầm bày tỏ nét phong lưu
Không cần biết nàng từ đâu, anh ở đâu ?
Nơi xứ lạnh không phải mùa mưa Ngâu ta cũng gập
Ngày khai khoá cùng lắng nghe Bố Lập :
“ NHẤT NIÊN CHI KẾ MẠC NHƯ THỤ CỐC
THẬP NIÊN CHI KẾ MẠC NHU THU MỘC
BÁCH NIÊN CHI KẾ MẠC NHƯ THỤ NHÂN “
Bậc Thái Sư đã có Tam Long
Cùng ra chiêu đưa môn sinh quá hải
Bốn năm kinh sử dùi mài
Luyện Chính, Quản, Kinh bang đủ loại
Việc thi cử có đứa ngắc nga, ngắc ngoải
Chuyện ăn chơi lắm tay đại loại bậc trung
Đời sinh viên thửa ấy đẹp vô cùng
Giờ nghĩ lại cũng đôi lần tiếc nuối
Nhớ câu ca :” Ngày hợp hôn nàng không đòi may áo cưới “
Phần chúng mình nay mãn khóa mặc toàn đồ quân đội
Bốt đờ sô còn vướng bụi quân trường
Nhớ ngày xưa ông Cử về làng thênh thang áo mão
Còn nay các Tân Khoa nhập trại quân phục chỉnh tề
Trai thời loạn khi Tổ Quốc lâm nguy
Phải góp sức cùng chung lo vận nước
Dù đến ngày đầu bạc răng long vẫn nhớ mãi ngày trước
Từ việc quảng cáo bầu bán Ban Đại Diện
Đến nơi tụ họp bàn chuyện phiếm quán T2
Nhớ dạo ấy lắm vị cũng đa tài :
Đàn địch, hát hò, viết, vẽ, nhảy dẻo, tán phét, nói dai …
Đem so sánh cũng vào hàng cao thủ
Việc học hành chỉ đậu trên thầy Trần là đủ
“ Nhân sinh tự cổ thùy vô tử “
Không vui chơi để lỡ tuổi xuân sao ?
Đời sinh viên thủơ ấy đẹp biết bao
Nhẫm tính lại đã trôi qua sáu tháng
Thế mới biết cuộc đời dâu bể
Nưóc tang thương, kẻ sĩ chẳng gập thời
Đồng môn sắp lưu lạc khắp mười phương
Nay chỉ gọi thầm tên nhau là chủ yếu
Chắc có lẽ :
Quá nhất vạn vật, cát bụi thòi gian sẽ phủ che nét dung nhan yểu điệu
Gió sương năm tháng sẽ bào mòn dáng thanh lịch phong lưu
Nhưng đó là chuyện tương lai. Xin đừng yếm thế
Vườn Thụ Nhân đầy hoa trái xum xê
Một xuống núi hai ba tư còn ở lại
Năm sáu bảy … tiếp nối hai ba tư
Luôn tự hỏi :
Thế hệ một trồng được người chưa nhỉ ?
Hãy cố lên tiếp tục bắt tay cùng hậu thế
Chuyện trồng người, trăm năm, đâu có lúc nào là trễ
Để sau này chúng mình trở về trường Mẹ lập “ Văn Bia “
Rằng chúng con những học sĩ xưa kia
Dù lưu lạc bốn biển năm châu nhưng vẫn nhớ lời thầy dặn :

LUẬT TRƯỜNG ĐỜI LÀ LUÔN LUÔN VÀO TRẬN
HÃY NHANH HƠN, MẠNH HƠN VÀ CAO HƠN

Một giờ rưỡi sáng, chúng tôi đi ngủ. Tôi thao thức không ngủ được. Thỉnh thoảng tôi nghe tiếng cựa mình của Tường, tiếng thở dài nhè nhè của Phước, tiếng đằng hắng nho nhỏ của Chính. Không biết chúng nó đang nghĩ gì, nhớ gì. Riêng tôi biết mình sắp xa Đà Lạt rất lâu … có khi…. chẳng có ngày trở về quê …

Thứ hai ngày 20 tháng giêng, năm 1969.
– Tập Họp . Sáu hàng dọc, trước thẳng
Đang cười nói, bỗng im phăng phắc. Gần hai trăm người đứng trong một một chu vi rộng khoảng một trăm mét trước văn phòng viện bỗng im lặng. Chỉ còn nghe những tiếng giầy của chúng tôi đi mau đến chỗ tập họp, theo lệnh của Hùng Beau. Hùng Beau ra lệnh:
– Nghiêm, bên phải quay
Chúng tôi quay mặt vào cửa văn phòng viện. Mọi người tiễn đưa chúng tôi đã di chuyển đến trước văn phòng Viện. Tôi thấy có Cha Viện Trưởng, Cha Bích giám đốc Đại Học Xá, các thầy cô Trần Long, thầy Phó Bá Long, thầy cô Ngô Đình Long, thầy Dương, thầy Diệu tổng thư ký, anh Sửu bí thư của cha Viện, bác Năm tài xế lái xe của Viện, bạn bè và thân nhân.
Hùng Beau ra lệnh :” Nghiêm, chào tay, chào.”

Hùng Beau bước ra trước hàng quân và nói :
– Kính thưa cha Viện Trưởng, kính thưa thầy cô, chúng con là sinh viên khóa I trường Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt. Chúng con xin cám ơn cha đã lo lắng thật đầy đủ cho chúng con. Những điều cha làm cho chúng con, đến nay chúng con vẫn tưởng như trong mơ. Lịch sử thế giới sẽ không diễn lại một lần thứ hai. Tám mươi phần trăm sinh viên dự lễ ra trường của trường đại học dân sự mặc quân phục, đi giầy bốt đờ sô, đầu hai phân. Chúng con nhớ mãi những gì cha và thầy cô đã làm cho chúng con. Để đáp lại công ơn của cha và thầy cô, chúng con hứa sẽ sống đúng, làm đúng theo tinh thần mà Viện Đại Học Đà Lạt đề ra: Tinh Thần Thụ Nhân. Xin cha, thầy cô và anh chị em nhân viên của viện Đại Học nhận nơi đây lòng biết ơn của chúng con …

Cha Viện Trưởng đáp lại lời Hùng Beau:
– Các con lên đường. Cha cầu nguyện cho các con luôn luôn được bình an mạnh khoẻ. Viện Đại Học Đà Lạt không chỉ trang bị cho các con kiến thức mà cả đạo đức làm người, đúng như câu nói của Quản Trọng mà cha đã nói với các con trong ngày nhập học đầu tiên TRĂM NĂM TRỒNG NGƯỜI. Dù sau này làm chức vụ gì, công việc gì, các con cũng nên nhớ trong các con có TINH THẦN THỤ NHÂN. Sống và suy nghĩ như một con người. Nghĩa là sống vị tha, khiêm nhượng và thành thật. Các con đi, cha chúc các con mạnh khỏe .
Hùng Beau hét :” Nghiêm. Bên Trái, Quay. Trước bước. Một, hai , một hai ba bốn…”

Chúng tôi bước đến cổng Viện Đại Học thì nghe tiếng la ơi ới :” Chờ một chút, chờ một chút …”. Hai vợ chồng ông Thầu đang gồng gánh hớt hơ hớt hải vừa chạy vừa vẫy tay : ”Chờ một chút, chờ một chút …” Thật là cảm động,vợ chồng ông thầu gồng gánh bánh mì, trái cây đến cho chúng tôi. Vợ chồng ông thầu phát cho mỗi đứa chúng tôi một ổ mì thịt và một trái chuối. Lúc ông thầu đưa bánh mì cho tôi, tôi ôm vai ông thầu nói :” Cơm của ông thầu ngon hơn cơm cá mối nhà bàn ở quân trường nhiều lắm. Cám ơn ông thầu. Ông thầu ở lại mạnh giỏi “

Chúng tôi lên xe. Cha Viện Trưởng và thầy cô vẫn đứng trước văn phòng viện. Thân nhân và bạn hữu tiễn chúng tôi ra tận xe. Châu như muốn leo lên xe đi theo với chúng tôi để bỏ mặc cô vợ chưa cưới của nó ở lại. Đoàn xe chuyển bánh, tôi thấy nước mắt chẩy trên má nhiều người. Tôi thấy nước mắt rơm rớm trên mắt Châu và Hoa . Tôi đứng lặng nhìn những giòng nước mắt chẩy. Người đi không khóc, người ở lại nước mắt rơm rớm, nước mắt thành giòng. Xe chạy đến ngã tư viện, nước mắt tôi dàn dụa chẩy. Nước mắt tôi trào ra như giòng sông chẩy vô biển. Tôi biết, bây giờ người đi mới khóc.

Đoàn xe đến khu Hòa Bình. Những anh tài xế quân vận thật điệu nghệ. Các anh cho xe chạy chầm chậm như để cho chúng tôi chào tạm biệt thành phố Đà Lạt.

Phi cơ đã lên cao. Nước mắt tôi dàn dụa chẩy. Tôi không có một mối tình với cô thiếu nữ nào ở Đà Lạt. Tôi đã gởi tất cả tình thương yêu về xóm ga Huế, nhưng nưóc mắt tôi đã bao lần tuôn tràn vì Đà Lạt. Tôi để dòng nước mắt tự do chẩy, tôi biết có muốn ngăn nưóc mắt đừng chẩy, cũng không được. Tôi trở về Đà Lạt như một người về quê. Tôi có nhiều quê. Đà Lạt là quê hương quan trọng của cuộc đời tôi. Đà Lạt là quê hương tinh thần của tôi. Đà Lạt, từ nơi đó tôi bước vào đời. Bao giờ mới được trở về thăm quê lần nữa.

NGUYỄN ĐỨC QUANG GIÀ CƠ.

No comments:

Post a Comment