5/2/14

Tranh Cử Tổng Thống: Clinton Và Bush?

Vũ Linh

...Cộng Hòa tích cực huy động mọi nỗ lực để diệt bà Hillary “từ trong trứng nước”...

Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng còn cách tới gần ba năm nữa, nhưng đúng theo truyền thống chính trị Mỹ, các chính khách đã nhao nhao chuẩn bị trong khi truyền thông đua nhau đoán mò. Gọi là cho có chuyện bàn, cũng như để chuẩn bị cho gà nhà và vùi dập mọi mầm móng gà chọi khác có thể nổi lên. Điều đoán mò phổ biến nhất hiện nay là cuộc chạy đua đó sẽ xẩy ra giữa Clinton và Bush!

Dĩ nhiên đây không phải là chuyện hai ông cựu tổng thống ra tranh cử trở lại kiểu như hai ông Putin và Medvedev chạy vô nhẩy ra như chỗ không người. Mà đây sẽ là cuộc chạy đua giữa bà Hillary Clinton, cựu Đệ Nhất Phu Nhân, và ông Jeb Bush, em ruột TT Bush con.

Nghe có vẻ tuồng chèo như chuyện mấy xứ chậm tiến, kiếm đỏ mắt không ra một người nào có khả năng hy sinh vì nước quên thân mình. Nhưng oái ăm thay lại rất có thể sẽ thành sự thật trong cái xứ của cả trăm cả ngàn chính khách đầy tham vọng như xứ Cờ Hoa này.

Bà Hillary thì coi như ván đã đóng thuyền, tuy còn õng ẹo lấy lệ, nhưng bảo đảm không có cách nào bà không ra tranh cử khi tất cả các thăm dò cho thấy bà bỏ xa tất cả mọi đối thủ, từ trong nội bộ đảng Dân Chủ ra đến ngoài cho tới khối độc lập và cả đảng Cộng Hòa luôn. Chưa thấy có một nhân vật nào có cơ may đối chưởng tay đôi với bà nổi. Chỉ trừ trường hợp bà bất thần mang bệnh nặng, hay bị alzheimer bất tử vì tuổi cao, hay đổi tính, muốn làm bà ngoại ngồi nhà ôm cháu.

Còn ông Jeb Bush thì lạ lùng thay, hay là bực mình thay nếu bạn bị dị ứng với cái tên Bush, lại đang nổi lên như ngôi sao sáng giá được hậu thuẫn nhất trong đảng Cộng Hoà.

Cách nay không lâu, ngôi sao nổi bật của Cộng Hoà là ông Thống Đốc New Jersey Chris Christie. Nhưng sau vụ xì-căng-đan đệ tử của ông quá hăng tiết vịt đã đóng cửa cầu từ New Jersey vào New York khiến cả triệu người bị kẹt xe cả nửa ngày trời trong ba bốn ngày liền, uy tín của ông đã rơi như sung rụng. Một là thiên hạ cho rằng ông chơi xấu, ném đá giấu tay, núp sau lưng đám đệ tử, hai là ông bất tài, không kiểm soát được việc làm của đám đệ tử thân cận. Cả hai trường hợp đều tạo nên thắc mắc về khả năng lãnh đạo cả nước của ông, một công việc phức tạp hơn cái việc làm thống đốc một tiểu bang nhiều. Cứ nhìn vào mái tóc muối gần nhiều hơn tiêu của TT Obama thì biết.

Mấy ông chính khách khác của Cộng Hoà thì... lúc nhúc cả đám, chẳng ai nhớ tên ai với ai hết. Có nhớ tên thì cũng chẳng nhớ mấy ông này đã làm gì, có thành tích gì đáng được bầu làm tổng thống. Hai ông thượng nghị sĩ bảo thủ nổi bật nhất hiện nay là Rand Paul và Ted Cruz thì chỉ nổi tiếng với những bài diễn văn hùng hổ tại Thượng Viện, ngoài ra không có thành tích gì đáng nhớ. Cũng không khác gì ông thượng nghị sĩ Barack Obama khi ra tranh cử tổng thống, chỉ được thiên hạ biết qua tài võ miệng, nhưng khác ở chỗ là nói năng chưa thao thao bật tận, dao to búa lớn hấp dẫn bằng ông Obama. Đã vậy lại là hai ông nhà giàu da trắng, khó có thể thu phiếu của khối cử tri tích cực đi bầu hăng nhất, tức là khối phụ nữ độc thân, giới trí thức trẻ, và giới dân da màu.

Còn lại ông Jeb Bush. Một thăm dò mới nhất cho thấy trong nội bộ Cộng Hòa, 15% ủng hộ TĐ Christie, 14% ủng hộ ông Bush. Khác nhau ở điểm một ông đang đi xuống, một ông đang đi lên.

Ông Bush này có nhiều đặc điểm hơn hết mấy ông kia. Trước hết, đó là cái tên Bush, ai cũng biết, không cần phải giới thiệu dài dòng. Dĩ nhiên khá nhiều người bị dị ứng với cái tên này, nhưng bù lại, lại là cái tên đáng tôn vinh của không ít người có tư tưởng bảo thủ nhưng ôn hòa.

Bảo thủ ôn hoà chính là đặc điểm quan trọng nhất của ông Bush em này. Cái tính ôn hoà này mới đây đã được xác định lại khá rõ ràng khi ông Bush em đi khắp nơi tuyên bố ủng hộ việc ân xá và tìm cách hợp thức hóa khối hơn một chục triệu di dân Nam Mỹ bất hợp pháp đang sống tại Mỹ. Đây là quan điểm gần với khối cấp tiến Dân Chủ, tuy bị đa số dân Mỹ không ủng hộ.

Ông Bush biện hộ cho khối di dân này, cho rằng họ đến đất Mỹ không phải vì thù ghét Mỹ, cũng không phải để tranh cướp việc làm của dân Mỹ, mà chỉ vì tình yêu thương –love- với đất nước này, cũng như vì tình yêu thương gia đình, muốn tìm cách lo cho gia đình đủ ăn đủ mặc, con cái được hưởng giáo dục tốt. Đó là những người tốt, nước Mỹ cần mở rộng tay đón nhận họ.

Quan điểm này của ông Bush em gây chấn động trong giới bảo thủ Cộng Hoà, nhưng lại được khối ôn hoà hay độc lập hoan nghênh như là một quan điểm vừa nhân đạo vừa thực tế, giúp giải quyết một khúc gân gà to lớn. Dĩ nhiên quan điểm này không hoàn toàn giống như quan điểm cấp tiến, ân xá gần như vô điều kiện, của TT Obama và đảng Dân Chủ, mà trái lại, có khá nhiều điều kiện. Nhưng dù sao cũng không quá khích kiểu đòi trục xuất hơn cả chục triệu người.

Thực ra, TT Bush (anh) trước đây cũng đã có quan điểm cởi mở tương tự, nhưng trong tám năm cầm quyền đã không làm được gì vì bị chống đối quá mạnh trong lưỡng viện, không đủ phiếu để thông qua luật di trú mới, mặc dù đảng Cộng Hoà khi đó nắm đa số tại cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện.

Ông Bush em này có quan điểm khoan hồng với khối dân Nam Mỹ một phần cũng vì ảnh hưởng bà vợ, là người gốc Colombia. Ông Bush nói rất trôi chẩy tiếng Tây Ban Nha. Ông được hậu thuẫn mạnh của khối dân gốc Cuba và các khối dân gốc Nam Mỹ tại Florida. Ảnh hưởng chính trị của khối dân Nam Mỹ ngày càng lớn mạnh, mà ngày càng thân thiện với đảng Dân Chủ. Ông Bush em này chắc chắc là người bên phiá Cộng Hoà có nhiều hy vọng có thể kéo lại một số phiếu đáng kể của khối dân gốc La-Tinh này.

Điểm nổi bật nữa của ông Bush em là ông là cựu Thống Đốc Florida, khi ông anh làm tổng thống. Chẳng những thống đốc thôi, mà lại là một trong những thống đốc nổi tiếng thành công nhất, được hậu thuẫn mạnh nhất trong lịch sử Florida, để lại rất nhiều thành tích lớn cho tiểu bang, đặc biệt là những thành quả về giáo dục, cũng như phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho tiểu bang, tạo an toàn chống tội phạm. Thành quả của ông Bush em này tại Florida vượt xa thành tích của ông Bush anh khi ông này còn làm thống đốc Texas.

Và ai cũng biết tiểu bang Florida thường nắm chià khoá của các cuộc tranh cử tổng thống Mỹ. Không thắng tại Florida thì không vào Nhà Trắng được. Ông TT Bush (anh) đắc cử nhờ thắng PTT Al Gore hơn 500 phiếu tại Florida năm 2000, chưa ai quên được chuyện này.

Trong gia đình nhà Bush trước đây, kể cả đối với TT Bush cha và bà vợ uy quyền Barbara, ai cũng đều nghĩ ông Bush em này mới là ngôi sao chính trị lớn của gia đình, người trí thức có khả năng nhất trong gia đình, trong khi lại coi ông Bush anh như một anh playboy nhẹ ký. Chuyện bất ngờ là ông playboy nhẹ ký này lại đắc cử tổng thống.

Hiện nay, hàng loạt thăm dò dư luận đã được tung ra, cho thấy ông Bush em này được hậu thuẫn tương đối nhiều nhất trong khối chuẩn ứng viên tổng thống của đảng Cộng Hoà. Điều đáng kể hơn nữa là tỷ lệ chống đối cũng tương đối ít nhất. Có nghiã là nếu ông Bush em đắc thắng trong nội bộ đảng Cộng Hoà qua các cuộc bầu sơ bộ, các đảng viên Cộng Hoà trước đó ủng hộ các ứng viên khác sẽ sẵn sàng bỏ phiếu cho ông nhiều nhất. Ông Bush em này có khả năng tạo đoàn kết lớn nhất trong nội bộ đảng Cộng Hoà vì quan điểm tương đối ôn hoà của ông.

Nghe thì có vẻ lạc quan cho ông Bush em. Nhưng thực tế, ngọn núi trước mặt ông cũng không thấp hơn núi Thái Sơn bên Tàu bao nhiêu.

Trước tiên, hiển nhiên là cái tên Bush. Ông TT Bush anh đã để lại một gia tài còn đang bị tranh cãi quá nặng nề. Ghét cực ghét, ủng hộ cũng cực ủng hộ. Mà cái không may là tỷ lệ ghét cao hơn tỷ lệ ủng hộ khá nhiều, cho dù đã hơn 5 năm qua rồi. Tỷ lệ hậu thuẫn của TT Bush trước đây có lúc xuống đến đáy, xấp xỉ 25%, nay đã bò lên mức hơn 45%, ngang ngửa với TT Obama, nhưng chuyện ông Bush em ra tranh cử rất có thể lại khơi lại nhiều chuyện cũ khiến nhiều người có thể bị phản ứng ngược, ghét cái tên Bush trở lại, hay sợ cái tên này không chừng.

Ngoài ra, lại còn vấn đề gia đình trị. Bố tổng thống, anh tổng thống, bây giờ chẳng lẽ lại em cũng tổng thống luôn? Nghe như chuyện… Bắc Hàn. Nước Mỹ hết người tài rồi sao?

Trong chuyện này, nghĩ cho cùng, có thể cả nước Mỹ chưa hết người tài, nhưng hình như đảng Cộng Hoà thì hết người tài thật. Nhìn đi nhìn lại, cân nhắc cho kỹ thì quả nhiên chẳng thấy ai nổi hơn cái ông Bush em này thật. Chẳng ông nào có cái tên nổi bật dễ nhớ hơn Bush, chưa ông nào khác có thành tích cụ thể như ông cựu thống đốc Florida này, chẳng ông nào có khả năng lấy phiếu khối dân gốc Nam Mỹ, chẳng ông nào có thể nắm chắc phần thắng tại tiểu bang then chốt Florida, cũng chưa ông nào đưa ra được những quan điểm rõ nét, ôn hoà, và dễ được chập nhận bằng ông Bush em.

Dù vậy, ông Bush em vẫn còn một rào cản quan trọng khác. Đó là trong chính nội bộ đảng Cộng Hoà, có một chính khách khác có thể là kình địch nặng ký. Đó là thượng nghị sĩ Marco Rubio cũng của tiểu bang Florida. Ông này là người gốc Cuba, là con cháu của di dân bất hợp pháp rồi được hợp thức hoá. Có quan điểm khá cởi mở đối với khối di dân bất hợp pháp, được hậu thuẫn khá mạnh của khối dân gốc La Tinh. Là người có tư tưởng bảo thủ hơn ông Bush, do đó có thể sẽ được sự hậu thuẫn mạnh hơn của đa số đảng viên Cộng Hòa. Ông cũng trẻ hơn, nhiều tương lai hơn, và đẹp mã hơn. Và quan trọng hơn cả, ông Marco Rubio này không có cái tên … Bush. Cũng không có bố hay anh gì đã làm tổng thống rồi.

Nói đi cũng phải nói lại, ông Rubio dù sao cũng chỉ là thượng nghị sĩ, với khả năng võ miệng như tất cả các dân cử khác thôi, chứ thành tích cụ thể như cựu thống đốc Bush thì không có gì. Theo quá trình lịch sử, cử tri Mỹ tin tưởng vào các thống đốc có kinh nghiệm điều hành nhiều hơn là tin vào các nghị sĩ hay dân biểu chỉ giỏi võ mồm. Ngoại trừ một ít trường hợp của các “sư phụ võ mồm” như Obama và Kennedy.

Trong cuộc chạy đua nội bộ giả tưởng giữa hai ông Bush và Rubio vào năm 2016, chưa có gì rõ rệt ai thắng ai thua. Chỉ biết thăm dò dư luận hiện nay cho thấy ông Bush thắng ông Rubio ít ra là 10 điểm, không phải là ít.

Điểm cuối, không kém quan trọng, là đảng Cộng Hoà, nhất là trong các cuộc bầu sơ bộ bị thống trị bởi khuynh hướng cực hữu. Chưa chắc ông Bush ôn hòa này sẽ qua được ải này.

Trở về phiá Dân Chủ, con đường hoan lộ của bà Hillary tuy là xa lộ ít chông gai hơn con đường của ông Bush em, nhưng không phải là trơn tru hoàn toàn. Một lý do bà còn chưa chính thức ra mặt là vì muốn tránh bị “ăn đòn” quá sớm.

Trong nội bộ đảng Dân Chủ, chưa thấy ai có gan chường mặt ra thách đố bà Hillary. Ngay cả ông PTT Biden, khi được hỏi về ý định tương lai, đã tuyên bố “cho đến nay, tôi không thấy lý do gì khiến tôi không thể ra tranh cử”. Ta chỉ cần lưu ý cái câu “cho đến nay”. Chắc là cho đến khi bà Hillary ra mặt thì mới có lý do không ra tranh cử?

Nhưng phiá bên Cộng Hoà thì đang tích cực huy động mọi nỗ lực để diệt bà Hillary “từ trong trứng nước”. Cuộc chiến về xì-căng-đan Benghazi, nơi mà đại sứ Mỹ và ba nhân viên Tòa Đại Sứ bị khủng bố giết chết, kéo dài vô tận tại quốc hội cũng nằm trong kế hoạch trói bà Hillary trong xì-căng-đan đó thôi. Điều không may cho bà Hillary là trong vụ này, cá nhân bà, TT Obama, và cả chính quyền Obama đã phạm quá nhiều lỗi, khiến họ không thoát ra khỏi sự truy sát của đối lập được, tiếp tục nói dối quanh, dấu diếm, đổ thừa qua lại, giúp cho Cộng Hoà tiếp tục đánh không ngừng. Ngày nào tất cả sự thật chưa được công bố thì ngày đó, đối lập còn có lý do truy lùng. Mà sự thật thì lại không thể công bố hết được vì sẽ lòi ra vô số tội cho những viên chức cao cấp nhất, có thể lên tới cả tổng thống. Một cái vòng luẩn quẩn không lối thoát cho bà Hillary.

Một vấn đề khác cũng đang bị đối lập khai thác là thành tích thật sự của bà Ngoại trưởng Hillary Clinton. Nhìn lại cho kỹ, thì thành tích của bà có thể gọi là không có gì đáng kể nếu có cảm tình với bà, hay hoàn toàn thất bại nếu ít thân thiện với bà hơn.

Quả vậy, trong quá trình 5 năm qua, chính sách đối ngoại của Mỹ đã không có được bất cứ một thành tích nào đáng kể, để đời, ngoại trừ sự kiện bà Hillary là ngoại trưởng đi công du nhiều nhất lịch sử Mỹ, một triệu dặm qua hơn một trăm nước.

Bà Hillary sắp cho xuất bản một hồi ký mới, Hard Choices (Những Lựa Chọn Khó Khăn) rõ ràng là để bảo vệ quá trình ngoại trưởng, khoe công chuẩn bị cho việc khoe tài trong cuộc tranh cử tổng thống. Nhưng theo những điểm sách sơ khởi, vẫn không thấy có gì cụ thể cả.

Đại khái bà khoe dưới sự lãnh đạo của bà, uy thế Mỹ đã được củng cố mạnh trên thế giới. Điều này là dấu hỏi vĩ đại, có thể nhìn theo đủ cách. Không có thước nào đo được cho chính xác. Nhưng nhìn chung, khó ai có thể đồng ý với bà được. Quan hệ với các đồng minh lạnh nhạt hơn xa dưới thời Bush, nhất là sau cái vụ nghe lén các vị lãnh đạo đồng minh. Quan hệ với Trung Cộng và nhất là Nga suy đồi rõ rệt. TT Obama qua Bá Linh được vài chục ngàn người đến đón, so với cả triệu người năm 2008.

Bà cũng khoe là đã cải thiện quan hệ với khối Ả Rập, giảm được mối đe dọa của khủng bố. Đây cũng chỉ là một câu hỏi vĩ đại khác, khó có câu trả lời trung thực. Chỉ biết đồng minh Ả Rập Saud đã cực kỳ bất mãn với TT Obama khi ông có dịp lật đổ TT Assad của Syria, kẻ thù lớn của Saud, mà lại lạnh cẳng không dám làm. Trong khi đó thì quan hệ với đồng minh quan trọng nhất tại Trung Đông là Do Thái lại xuống cấp thê thảm. Thủ Tướng Netanyahu gần như không muốn nói chuyện với Mỹ nữa. Những cố gắng mới đây của tân Ngoại Trưởng John Kerry nhằm mở đối thoại giữa Palestine và Do Thái đã thất bại hoàn toàn, phần lớn vì Do Thái đã công khai bày tỏ sự mất tin tưởng đối với chính quyền Obama.

Nói tóm lại, câu chuyện chạy đua giữa một Clinton và một Bush hiện nay có vẻ là chuyện có thể xẩy ra, tuy hơi khó thành sự thật. Con đường của ông Bush còn quá nhiều trở ngại quá lớn, trong khi con đường bà Hillary thì thoải mái nhưng vẫn không phải bảo đảm 100%. Từ đây đến ngày bầu bán thực sự, còn tới gần ba thế kỷ theo lịch chính trị Mỹ, biết bao chuyện sẽ xẩy ra, chẳng thầy bói nào đoán được gì. (27-04-14)

Vũ Linh

No comments:

Post a Comment