2/6/14

TẢN MẠN ĐẦU NĂM NGỌ


Vào cuối năm Tỵ sắp sửa bước qua năm Ngọ tôi có nhận được vài e-mail của bạn bè. Trong số các lá thư ấy tôi thấy có hai lá thư khá dài, khá chi tiết, diễn tả các đặc tính của bạn bè khắp nơi. Hai e-mail ấy được hai bạn cư ngụ ở hai nơi rất xa viết gởi ra chia sẻ với mọi người. Bạn Nguyễn Ngọc Quang ở Canada, xứ lạnh tình nồng, và bạn Nguyễn Duy Nhạc ở Úc Châu với mưa rơi tầm tã. Bạn Quang Canada nhân dịp trước thềm năm mới đã làm một màn nhận xét về bạn bè cùng khóa và bạn Nhạc Australia đóng góp phần bổ túc.

Trong thư của bạn Quang Canada, bạn có đề cập đến việc thời gian trôi nhanh như bóng câu qua cửa sổ và bạn có thú nhận là bạn không hoàn toàn hiểu rõ cái nghĩa của câu này. Bạn mong mỏi các bạn khác góp ý để sự việc được sáng tỏ. Để đáp ứng, tôi có vài lời tâm tình như sau: Thú thật cái vốn liếng hán nôm của tôi cũng giống như bạn vậy. Tôi đã từng nghe người đời ví von như thế và tôi hiểu rất lờ mờ ý nghĩa của câu nói. Tôi chỉ nhớ "câu" và "ngựa" có cùng một nghĩa tổng quát mà thôi. Thế là theo đề nghị của bạn Quang tôi lên Internet để tìm hiểu xem bóng câu là gì, có tốc độ nhanh cỡ nào mà thời gian lại được người đời ví như thế. Tôi tìm ra được hai lời giải thích, một trên "Yahoo Hỏi & Đáp" và một trên Web "Quê Choa" mà tôi xem là có sức thuyết phục. Đặc biệt, trang mạng sau này có nội dung giải thích sự việc rõ ràng và hợp lý hơn.
"Bóng câu . Đây là một điển tích trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Bóng câu có thể hiểu là bóng của con ngựa. Ví thời gian trôi đi nhanh như ngựa phi. Trong truyện Kiều có câu dung tới từ bóng câu. Tuy nhiên có thể đọc câu nay bạn sẽ hiểu:


Tuyết in sắc ngựa câu giòn,
Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời."
(Trích từ Yahoo Hỏi & Đáp)


"Bóng câu qua cửa sổ (Câu là con ngựa) ý nói: Thời gian đi nhanh quá. Giải thích “Câu là con ngựa” là chưa rõ, chưa chính xác. Nguyên câu thành ngữ gốc Hán là “Bạch câu quá khích” (Dịch nghĩa đầy đủ là: Bóng con ngựa sắc trắng đương kỳ sung sức vút qua khe cửa). Trong tiếng Hán cổ, “mã” (馬) là ngựa, “câu” (駒) cũng là ngựa, nhưng tại sao thành ngữ hông dùng từ “bạch mã” mà lại dùng “bạch câu” ? Khang Hy tự điển giải thích “Mã nhị tuế viết câu”  (Ngựa hai tuổi gọi là câu) Hán-Việt Tự điển của Thiều Chửu giải thích: “Ngựa hai tuổi gọi là câu. Phàm ngựa còn non còn khỏe đều gọi là câu cả”. Hán - Việt Từ điển Đào Duy Anh giải thích “câu” là “con ngựa hai tuổi, đương sức mạnh mẽ”.
Chữ “câu” với nghĩa con ngựa hai tuổi rõ ràng rất quan trọng nên khi dịch nôm, người ta không nói “Bóng ngựa qua cửa sổ” mà vẫn nói “Bóng câu qua cửa sổ”. Bởi thế nếu giải nghĩa chữ “câu” cần nói rõ và chính xác hơn: “Câu” là con ngựa non hai tuổi, đương thời kỳ sung sức nhất (nên nó phi rất nhanh, lại sắc trắng khiến chỉ nhìn thấy như bóng chớp loáng qua khe cửa)."
(Trích từ Quê Choa)
Năm nay là năm con Ngựa, chúng ta bàn về ngựa rất phù hợp với thời gian tính. Hoá ra, câu là ngựa non. Ngựa còn trẻ, mới hai tuổi, phóng qua của sổ cái vèo mới nhanh chứ mà ngựa già lững thững còn lâu mới đi qua cửa sổ được. Tôi thấy ở trong trường đua hầu như chỉ có ngựa non là tham dự cuộc đua, còn ngựa già bị người ta cho về hưu hết rồi. Thỉnh thoảng ngựa già có tham gia là vì các con ngựa ấy có thành tích. Kỹ nghệ đua ngựa sự thật là kinh doanh chứ chẳng phải là thể thao. Người ta bỏ
nhiều tiền ra mua một con ngựa đua, có khi lên đến bạc triệu, mất công chọn giống, mướn người chăn nuôi, huấn luyện hàng bao nhiêu lâu, mướn nài để cưỡi, công, của, và thời gian bỏ ra cho việc đầu tư tốn kém với mong mỏi cuối cùng ngựa được thắng cuộc. Muốn thế người chủ phải chọn ngựa trẻ sung mãn chứ mua ngựa già chỉ có nước xập tiệm. Mà mấy con ngựa này chỉ chạy được một thời gian thôi. Chạy riết lâu ngày đầu gối, bánh chè, sẽ lỏng lẻo và xụm hết. Sân đua có nhiều loại, có sân đất và có sân cỏ, đường chạy ngắn và đường chạy dài. Phía bên dưới sân trường đua có cho trải lót một loại chất liệu đặc biệt nào đó lên đến nhiều triệu Mỹ kim. Sân được chăm sóc, tưới nước và cào xới hàng ngày, để tránh nguy hại cho ngựa. Khi gặp ngựa người ta thường đứng bên hông hoặc cùng lắm là phía trước. Đứng ở phía đuôi ngựa, nó ngứa chân hay ngứa mắt, đá giò lái, người ta có ngày mất mạng như chơi. Ta thường nghe, ngựa non háu đá. Ta không nghe ngựa già, có lẽ nó không còn sức để đá nữa.
Ngựa và người có vài điểm giống nhau liên qua đến chạy và đá. Ngựa khỏe là nhờ chạy thường xuyên. Có lẽ vì thế nhiều người hàng ngày thích chạy...cho khỏe. Chuyện chạy nghe thì giản dị nhưng cũng lắm công phu và cần phải cẩn thận để tránh hậu quả tai hại. Lúc trẻ người ta chưa nhìn thấy hậu quả của việc chạy nhưng khi lớn tuổi là biết liền. Để chạy cho khỏe, người ta phải chạy cho đúng cách. Có nghĩa là phải có huấn luyện viên chuyên nghiệp góp ý. Mỗi tuần chỉ được chạy tối đa ba ngày, các ngày còn lại dùng để nghỉ dưỡng sức. Nơi chạy phải được xây dựng thích hợp cho việc chạy; không phải chỗ nào cũng chạy bừa bãi được. Giày chạy phải được mua ở tiệm chuyên môn; không phải giày nào cũng chạy được. Tuyệt đối không chạy trên sân xi măng.v.v...Không tuân thủ những điều trên, dân chạy sẽ hết chạy được, thậm chí có khi hết cả đi bộ luôn. Chúng ta cứ nhìn những người hâm mộ
chạy bộ và đánh tennis, nếu họ cứ tiếp tục hoạt động như thế mà không tuân theo lời đề nghị của giới chuyên môn, trước sau gì họ sẽ đi đến tình trạng đau đầu gối, giải phẫu đầu gối và cuối cùng đau nhức đầu gối, chân cẳng mà thôi. Con ngựa chạy được là vì cơ thể của nó có cấu trúc thích hợp, còn con người ta khác cho nên phải hành động khác nếu muốn duy trì sức khoẻ lâu dài. Chúng ta còn nghe nói, ngựa non háu đá. Con người cũng có đặc tính này. Lúc còn trẻ người non dạ, suy nghĩ thiếu chín chắn, thanh thiếu niên va chạm lung tung là phải. Nhưng có người vì bản chất, thói quen, hay ngã mạn, mặc dù tương lai không còn dài, cứ đá bừa, va chạm lung
tung, để rồi nhận lãnh hậu quả. Có lẽ phần lớn là do bản tính. Có nhiều người trẻ, từ suy nghĩ cho đến lời ăn tiếng nói và hành động tỏ ra chín chắn đáng phục, trong lúc có những người già chẳng ra làm sao cả. Mấy "ông cụ" này thường hay đem tuổi tác ra trộ người khác và họ không biết là cái chuyện sinh trước sinh sau chẳng có do người ta chọn. Họ quên béng đi là người chung quanh có óc nhận xét và quan sát
tinh tế.
Nói tóm lại, sự quan trọng là ngựa chạy đường dài. Người ta làm thế nào mà đi đến đích trong lúc tinh thần và thể chất vẫn còn minh mẫn và tráng kiện mới quí. Mà điều này một phần tùy thuộc số mạng từng người. (Email: Kiem Tran)

No comments:

Post a Comment