9/29/11

Lá Thư Hàng Tháng - LỬA TRẠI THỤ NHÂN


Lê Đình Thông

clip_image002
Lâu đài Jambville rộng 52 hécta, nằm giữa công viên quốc gia Vexin, cách lâu đài Versailles 40 cây số. Công trình kiến trúc cổ này có từ thế kỷ XIII bao gồm cả một di tích Hy Lạp. Vào thế kỷ XVII, vua Henri IV cho xây thêm một phần lâu đài. Jambville có rừng thông bá dương (cèdres) miền Hy mã lạp sơn, đường rừng tilleuls (cây đoạn), rừng phong (érabes) Canada, tần bì (frênes) và nhiều kỳ hoa dị thảo khác. Trại họp bạn Thụ Nhân do hai khóa 8 và 11 tổ chức trong hai ngày 17 và 18/9/2011, nhờ cảnh trí viễn phương làm tăng thêm tình thân hữu Thụ Nhân. Trại họp bạn gồm ba phần : Sinh hoạt Hội Hữu, Hội luận Về nguồn, Lửa Trại Thụ Nhân.
Sinh hoạt Hội Hữu
Ngày nhập trại, ban tổ chức đã trao Khăn quàng và tập Lửa Trại Thụ Nhân cho 27 tham dự viên từ khóa 1 và các khóa kế tiếp, CTKD và Văn khoa, Sư phạm và Khoa học. Tập Lửa Trại Thụ Nhân 100 trang thể hiện châm ngôn trồng người ‘‘Bách niên chi kế mạc như Thụ Nhân’’. Ý nghĩa của trại họp bạn Thụ Nhân được trình bày trong trang 2 tập Lửa Trại Thụ Nhân như sau :
‘‘Tết Trung Thu Tân Mão nhằm ngày 12 tháng 9 năm 2011. Như vậy, Trại Họp Bạn Thụ Nhân Paris do khóa 8 phối hợp với khóa 11 tổ chức vào hai ngày 17 & 18/9/2011 tại lâu đài Jambville nhằm cuối tuần trăng tháng 8.
Ý nghĩa Trăng Tròn được diễn tả qua huy hiệu Thụ Nhân. Ngoài màu xanh cây thông và khẩu hiệu Thụ Nhân màu huyết dụ là một vòng tròn đại dương bao quanh.
Trăng vàng trên nền thiên thanh là điểm hẹn tương lai. Màu xanh thực vật là biểu tượng của sự sống đâm chổi nẩy lộc trong hiện tại, bén rễ sâu trong lòng đất mẹ. Màu xanh da trời là muốn nói Thụ Nhân ngày nay ở khắp năm châu, kết giải đồng tâm : Tứ Hải Giai Thụ Nhân (四 海 皆 樹 人).
Khăn quàng của Trại Họp Mặt Thụ Nhân màu xanh thiên thanh, viền chung quanh một màu xanh dương, diễn đạt trọn vẹn ý nghĩa nội tại và ngoại cảnh của Thụ Nhân.
Tập sách 100 trang này là muốn nói lên ý nghĩa ‘‘Bách niên chi kế bách thư hiệt’’ : 百 年 之 計 百 書 頁 (Thụ Nhân Paris thực hiện 100 trang sách góp phần thực hiện kế 100 năm).
Trại Họp Bạn Jambville 2011 kỷ niệm 10 năm Đức Ông Nguyễn Văn Lập qua đời biểu hiện quyết tâm của Thụ Nhân tiếp nối nhiệm vụ 100 năm trồng người : Bách niên chi kế mạc như Thụ Nhân (百 年 之 計 莫 如 樹 人).’’
clip_image004
Dưới lều trại Jambville, ban tổ chức trao khăn quàng thiên thanh cho các tham dự viên
clip_image006
Ban tổ chức đã mời anh Lưu Văn Dân (K1) phụ trách phần văn nghệ. Đêm văn nghệ diễn ra trong lều bạt (chapiteau) với chủ đề ‘‘Hoa đào năm ngoái’’, gồm nhiều tiết mục nhạc, thơ, vũ và hoạt cảnh chọn lọc. Anh Lưu Văn Dân diễn ngâm bài ‘‘Hồ Trường’’ của Nguyễn Bá Trạc nói lên niềm xót xa thương nhớ cố hương, tâm trạng day dứt không nguôi hồi tưởng ngôi trường cũ :
Ai người tri kỷ
Lại đây cùng ta
Chung cạn một hồ trường !
Hồ trường, hồ trường
Ta biết rót về đâu
Rót về Đông phương nước biển Đông chảy xiết sinh cuồng loạn
Rót về Tây phương mưa Tây sơn từng trận chứa chan !
Rót về Bắc phương ngọn Bắc phong vi vút đá chảy cát vương !
Rót về Nam phương trời Nam mù mịt

Có người quá chén như điên như cuồng
Nào ai tỉnh... Nào ai say...
Chí ta, ta biết
Lòng ta, ta hay
Nam nhi sự nghiệp ư
Hồ thỉ hà tất cùng sầu đối cỏ cây

clip_image008
Các tham dự viên chụp hình lưu niệm với ông Giám đốc Lâu đài Jambville.
Hội luận ‘‘Về nguồn’’
clip_image010
Trại họp bạn Thụ Nhân trước hết là tập hợp Về Nguồn. Trong phòng họp lâu đài Jambville, mỗi người đều đeo khăn quàng Thụ Nhân màu thiên thanh, cùng nhau quay về với nguồn cội Thụ Nhân. Chị Trần Thị Châu (khóa 8), ái nữ của giáo sư Trần Chánh Thành, đã giới thiệu ý nghĩa hội luận bàn tròn, quanh di ảnh vị cố viện trưởng, là để tưởng nhớ công ơn của Đức Ông Simon Nguyễn Văn Lập (1911-2001) nhân ngày giỗ 10 năm (19-12-2001). Sau đó, chị Châu giao cho chúng tôi trình bày sơ lược ý nghĩa việc Trồng Người :
‘‘Vào mùa thu 1964, Đức Ông Nguyễn Văn Lập có công thành lập Trường Chánh Trị Kinh Doanh. Ngày 28-4-1965, ngài chọn cây thông làm biểu tượng của Viện Đại Học Đà Lạt, lấy châm ngôn là Thụ Nhân. Hơn 26 thế kỷ trước đây, tuy Quản Trọng đã đưa ra chủ trương Thụ Nhân mà không lấy cây thông làm biểu tượng. Thụ Nhân của Quản Trọng thuần túy lý thuyết, trong khi Thụ Nhân của Đức Ông Nguyễn Văn Lập là sự tổng hợp giữa tri và hành, giữa lý trí và tình cảm, giữa chủ thể và khách thể. Khẩu hiệu ‘‘Thụ Nhân’’ là khởi điểm sự nghiệp giáo dục Trồng Người của Đức Ông Nguyễn Văn Lập.
Cây thông huy hiệu Thụ Nhân Đại Học Đà Lạt cách điệu hóa cây thông trồng trước văn phòng Đôn Hóa. Ngài lựa chọn cây thông vì cây này hội đủ ý nghĩa thiên địa nhân :
Ÿ Trước hết là yếu tố địa lý : rễ thông mọc trên đồi Phù Đổng (Đà Lạt), một lòng một dạ với quê cha đất tổ. Nền giáo dục Thụ Nhân là sự hài hòa giữa nhântrí :
- Trí là những giảng văn ghi chép trong giảng đường, lớp học ;
- Nhân là hành trình tiếp nối, khởi đi từ đồi núi Lâm Viên : Nhân giả lạc sơn.
Ÿ Tiếp theo là yếu tố nhân sinh : thân cây thông bao giờ cũng thẳng thắn, không ngả nghiêng, luồn cúi trước phong ba bão tố : Uy vũ bất năng khuất.
Ÿ Sau cùng, lá thông bốn mùa xanh tươi, đồng quy những giá trị siêu nhiên : Đồng quy nhi thù đồ, nhất trí nhi bách lự (Về cùng một chỗ bằng đường khác nhau, tới cùng một điểm bằng trăm ý nghĩ).
Ý nghĩa cây thông trong huy hiệu Thụ Nhân của Đại học Đà Lạt còn mang ý nghĩa trăm năm Trồng Người. Theo thực vật chí, cây thông họ tùng bách (conifère) có tuổi đời bách niên (plante pérenne). Loại cây này diễn tả được chủ trương ‘‘bách niên chi kế’’.
clip_image012
Huy hiệu cây thông Thụ Nhân gồm ba lớp đối xứng. Tuy cùng một thân cây, nhưng cành lá thì đa dạng, dài ngắn cũng có khác. Thụ Nhân của Đại Học Đà Lạt tôn trọng sự khác biệt về chính kiến, tôn giáo, địa phương v.v. Cây Thụ Nhân đối xứng đã được Đức Ông Nguyễn Văn Lập dày công thực hiện trong suốt quá trình nhập thế của ngài. Nếu loại bỏ những chủ trương khác biệt, cây Thụ Nhân sẽ mất đi sự cân xứng. Như vậy làm sao cây Thụ Nhân có thể đứng vững trăm năm, ‘‘làm cây thông đứng giữa trời mà reo’’ ?
Trong sự nghiệp giáo dục Thụ Nhân, Đức Ông Nguyễn Văn Lập có trí tuệ của một nhà giáo dục, mang trái tim của một nghệ sĩ và bàn tay của nhà kiến tạo :
Ÿ Là nhà giáo dục, ngài nhìn xa trông rộng, thấy trước được nhu cầu nhân dụng của đất nước. Trong thời gian ngài đảm đang trọng trách viện trưởng, ngài đã vượt qua nhiều khó khăn của buổi giao thời nhiễu nhương, thành lập Trường Chánh Trị Kinh Doanh. Đây là phân khoa đại học đầu tiên ở Việt Nam giảng dạy chương trình M.B.A. theo hệ thống giáo dục Anh-Mỹ, và Sciences po. của Pháp. Ngài chiêu hiền đãi sĩ, mời được nhiều giáo sư có uy tín giảng dạy. Nhờ vậy, các sinh viên tốt nghiệp có việc làm xứng đáng.
Ÿ Là nghệ sĩ, ngài hòa mình cùng các sinh viên, thấu hiểu những khó khăn, hết lòng giúp đỡ, không phân biệt chính kiến và tôn giáo. Ngài quan tâm đến việc uốn nắn tâm hồn sinh viên qua các sinh hoạt văn hóa, xã hội ; giúp sinh viên có phương tiện để thực hiện các công tác văn hóa, xã hội, báo chí v.v. Cũng vì thương yêu, cư xử rộng rãi với các sinh viên, năm 1970 ngài đành phải từ chức viện trưởng.
Ÿ Là nhà kiến tạo, sau năm 1970 từ chức viện trưởng, ngài vẫn tiếp tục trồng người. Nhờ vậy, sau cuộc bể dâu năm 1975, cây Thụ Nhân tuy sẩy đàn mà không tan nghé, tập hợp lại mau chóng. Ngày nay, chân trời góc biển nào cũng có Thụ Nhân biết duy trì truyền thống tôn sư trọng đạo, tương thân tương ái.
Quản Trọng là nhà lập thuyết thời Đông Chu, không phải là nhà giáo dục mang tâm hồn nghệ sĩ, lại càng không phải là nhà kiến tạo. Chủ trương ‘‘Thụ Nhân’’ của ông tuy đã có từ mấy ngàn năm mà vẫn không thấy cây Thụ Nhân 100 năm ở nước Tầu. Trái lại, từ 1965 đến nay tuy chưa đủ bách niên nhưng cây nhân sinh Thụ Nhân Bách Việt ngày càng lan rộng.
Trong lời bạt ‘‘Cây Thụ Nhân bên cổng Thiên đường’’, chúng tôi chép rằng : ‘‘Ngày 4-12-2001, chị Vi Khải Đức gởi bài văn tế của chúng tôi làm theo thể song thất lục bát về cho sœur Kiều Nga. Chị Đức bỏ bớt hai đoạn đầu và ba đoạn cuối, nhờ vị nữ tu này đọc cho cha nghe hai lần, khi cha nằm trên giường bệnh. Cha nhiều lần nắm chặt tay như muốn nói là cha đang lắng nghe.’’ Như vậy, Thụ Nhân còn là lời cuối, trước khi cha nhắm mắt xuôi tay vào ngày 19-12-2001.
Trong hội trường Lửa Trại hôm nay, chúng ta có di ảnh của cha, có huy hiệu Thụ Nhân và tập sách ‘‘Lửa Trại Thụ Nhân’’ gồm 100 trang sách. Những trang giấy trinh nguyên không những là biểu tượng nhân sinh 100 năm mà còn tượng trưng cho các cựu sinh viên Viện Đại Học Đà Lạt. Tập sách có sợi dây thắt lại 100 trang sách. Cha là hiện thân của sợi dây nối kết các môn sinh. Trong cuộc sống hàng ngày, Thụ Nhân cư xử với nhau như bát nước đầy. Bát nước về nguồn tinh tuyền này, chúng con kính dâng cha nhân ngày giỗ 10 năm.’’
Sau mấy lời mộc mạc của chúng tôi, chị Trần Thị Liên Hương (khóa 8) đã đọc cảm nghĩ của giáo sư Vũ Quốc Thúc về vị cố viện trưởng, gửi cho ban tổ chức Lửa Trại Thụ Nhân :
“ Tôi dạy học và cư ngụ thường xuyên ở Saigon, chỉ lên Đà Lạt mỗi niên học khoảng 5,6 tuần để giảng bài và chấm thi : mỗi lần đều ở trong nhà nguyện và ăn cơm với Cha Viện Trưởng cùng một số giáo sư thỉnh giảng như tôi. Mỗi khi nhắc đến Cha, tôi nhớ lại hình ảnh của một vị chủ chăn niềm nở, hiền hòa , tràn đầy tình thương, khác hẳn hình ảnh của những vị viện trưởng tôi đã từng quen biết ở các viện đại  học  Hà Nôi (trước 1954), Saigon (từ 1954 tới 1975 ) và Paris (từ 1978 tới 1988).”
Tiếp đó, anh Nguyễn Tấn Trung (khóa 11) đã đọc cảm nghĩ của anh Nguyễn Minh Kính (k.1) về Đức Ông Viện trưởng như sau :
‘‘Sau một thời gian khá dài để ổn định lại cuộc sống, con cái Thụ Nhân của Cha, dù đã tản mát khắp bốn phương trời, nhưng vẫn liên lạc được với nhau, tìm gặp lại hay điện đàm thăm hỏi nhau. Điều nầy có được là nhờ giá trị tinh thần mà Cha đã để lại cho chúng con : Tình Thụ Nhân.
Tuy nhiên, vì nghịch cảnh mà tinh thần Thụ nhân nầy đã bị thời gian soi mòn đi. Giờ đây, trên nước Chúa, xin Cha cầu bầu cùng Chúa ban cho chúng con đủ nghị lực lướt qua mọi nghịch cảnh để chúng con biết đoàn kết và thương nhau hơn theo tinh thần Thụ Nhân mà Cha hằng mong muốn, cái tinh thần mà con tưởng như đã vỡ tan theo sóng biển năm nào.’’
clip_image014
Chị Hồng Thị Kim Lan (khóa 8), anh Võ Ngọc Mão (khóa 8) đã lần lượt đọc cảm tưởng của nhiều bạn Thụ Nhân gửi từ Việt Nam, Hoa Kỳ và Úc.
Sau cùng, quý anh chị : Phạm Trọng Khoát (chủ tịch), Đoàn Trần Nghị (Cao học CTKD), Nguyễn Ngọc Thương (khóa 1), Lưu Văn Dân (k.1), Nguyễn Khánh Chúc (k.1), Nguyễn Minh Khôi (Văn khoa), Thân Văn Điển (khóa 6) v.v. lần lượt phác họa chân dung của cố viện trưởng điểu khiển Đại học Đà Lạt bằng khối óc và trái tim, có lòng nhân ái vô bờ, thương yêu sinh viên với tấm lòng từ phụ.
Nguồn suối Thụ Nhân của hội luận bàn tròn được thể hiện không những qua những lời phát biểu, mà còn là ánh mắt, nụ cười, đôi khi được điểm xuyết bằng xúc động nghẹn ngào.
Lửa Trại Thụ Nhân
clip_image016
Chị Trần Thị Châu (k.8), anh Nguyễn Tấn Trung (k.11), chị Trần Thị Liên Hương (k.8), anh Võ Ngọc Mão (k.8) giơ cao ngọn đuốc tứ phương, nêu quyết tâm tiếp nối công trình Trồng Người.
Chị Trần Thị Châu đại diện ban tổ chức trình bầy ý nghĩa đêm Lửa Trại như sau :
‘‘Các anh chị Thụ Nhân thân mến,
Quanh ánh lửa bập bùng giữa rừng thông Jambville, Thụ Nhân chúng ta nắm tay nhau, kết thành một vòng tròn thân ái, dưới trăng rằm mùa thu. Khăn quàng Lửa Trại nói lên tinh thần đồng đội. Hai khóa 8 và 11 thắt chặt dây thân ái với gia đình Thụ Nhân đây đó, sẵn sàng góp phần vào nhiệm vụ Trồng Người.’’
Chị Liên Hương, M.C. Lửa Trại Thụ Nhân, đã mời các anh chị nắm tay, cùng nhau Nhảy Lửa:

Anh em ta mau cố chất
cây khô vào đây đốt chung
Ðêm khuya tiếng tí tách
cây khô nổ vang giữa rừng
Dang tay nhau đứng vòng quanh lửa hồng
Trông khói xanh gió đưa bốc cao
Cùng cầm tay hát đều chân bước
Lửa thêm sáng tươi xua tan bóng đêm
Anh em ta đùa vui ca hát
Thắm như tình Thụ Nhân ngàn thông


Anh em ơi ta hãy lắng tai
nghe ngàn muôn tiếng vang
Trong đêm khuya trông ánh khói
điểm tô rừng cây ngút ngàn
Lên cho cao lửa bùng cao sáng

Bùng to nữa lên bốc cao nữa lên
Bập bùng cao ngất bùng cao sáng
Bùng to nữa lên cao to nữa lên
Lên cho cao rừng thông cao vút
Mãi vuông tròn Thụ Nhân vầng trăng

Ÿ M.C. : Đêm Lửa Trại được nung nấu bằng tinh thần Thụ Nhân. Chúng ta cùng nhau hát bài : Cái nhà là nhà Thụ Nhân, lời của anh Lê Đình Thông :
Cái Nhà là nhà Thụ Nhân
Công khó Đức Ông Lập ra
Cháu con
ta gìn giữ lấy
Trăm năm tiếp nối trồng người

Ÿ M.C. : Huy hiệu Thụ Nhân của Đại Học Đà Lạt là cây thông. Thông mọc trên mảnh đất quê hương, gắn liền với mệnh nước nổi trôi. Hoạt cảnh Trưng Nữ Vương nhắc lại lịch sử oai hùng của đất nước vào thế kỷ thứ 1. Liên Hương thủ vai Trưng Trắc ; Mỹ Vân : Trưng Nhị.
clip_image018
Trưng Nữ Vương lau phấn son mưu thù nhà
Mài gươm ta ca toàn thắng hùng ca
Thu về giang sơn cho lừng danh gái Nam
Bầu trời Á sáng ngời ánh quang.


Ÿ M.C. : Là con cháu tiền nhân anh dũng, Thụ Nhân tự hào về đất nước chúng ta, đồng ca Việt Nam quê hương ngạo nghễ, ca khúc của anh Nguyễn Đức Quang (k.1) :
Máu ta từ thành Văn Lang dồn lại
Xương da thịt này cha ông miệt mài
Từng ngày qua, cười ngạo nghễ đi trong đau nhức không nguôi
Chúng ta thành một đoàn người hiên ngang
Trên bàn chông hát cười đùa vang vang
Còn Việt Nam, triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng

Ÿ M.C. : Lịch sử nước ta vào thế kỷ thứ X rợp Bóng Cờ Lau. Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn sứ quân, thu giang sơn về một mối.

Hoa Lư ơi ! Non lau còn trong sương gió
Đến muôn đời mà không dứt lời ca
Với tiếng gió Hoa Lư ơi. Với tiếng gió Hoa Lư ơi
Muôn năm còn trong sương gió
Đứng oai hùng cùng với nước nhà.

Ÿ M.C. : Vào thế kỷ thứ 13, vó ngựa quân Mông Cổ chiếm cứ trời Âu, tràn sang Đông Á. Nhờ quyết tâm dẹp giặc của các bậc lão thành đồng thanh quyến chiến trong Hội Nghị Diên Hồng, nước ta đã dành được nền tự chủ.
Trông quân Nguyên tàn phá non sông nhà
Ðoạt thành trì toan xéo giày lăng miếu
Nhìn bao quân Thoát lấn xâm tràn nước ta
ôi sông núi nhà rền tiếng muôn dân kêu la
(Hỏi) Trước nhục nước nên hòa hay nên chiến ?
(Ðáp) Quyết chiến !
(Hỏi) Trước nhục nước nên hòa hay nên chiến ?
(Ðáp) Quyết chiến !
Quyết chiến luôn
Cứu nước nhà
Nối chí dân hùng anh
(Hỏi) Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh ?
(Ðáp) Hy sinh !
(Hỏi) Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh ?
(Ðáp) Hy sinh !
Thề liều thân cho sông núi
Muôn năm lừng uy !

Ÿ M.C. : Theo truyền thống dân gian, ánh trăng rằm nên thơ điểm tô cho tình yêu đôi lứa, được diễn tả qua bài quan họ Hát Hội Trăng Rằm.
Trèo lên quan dốc ngồi gốc ối a cây đa
Rằng tôi lý ối a cây đa
Ải a, ôi à tính tang tình rằng
Cho đôi mình gặp
Xem hội cái đêm trăng rằm
Rằng tôi lý ối a tháng giêng.

Ÿ M.C. : Bóng trăng trắng ngà của Lửa Trại Jambville nhắc lại sự tích cây đa qua ca khúc Thằng Cuội của Lê Thương:
Bóng trăng trắng ngà có cây đa to
Có thằng Cuội già ôm một mối mơ (2)
Lặng im ta nói Cuội nghe
Ở cung trăng mãi làm chi
Bóng trăng trắng ngà có cây đa to
Có thằng Cuội già ôm một mối mơ (2)
Ÿ M.C. : Núi rừng Jambville giống Nước Non Lam Sơn về địa thế, nhắc ta trang sử Việt vào thế kỷ 15 : Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa chống quân Minh.
clip_image020
Nước non Lam Sơn ! Nước non Lam Sơn !
Bóng cờ bay phấp phới. Khắp nơi cờ vàng
Khắp nơi cờ vàng. Muôn hồn quân Nam

Ÿ M.C. : Cùng nhau, ta tìm về thăm non nước gò Đống Đa với chiến công oai hùng của Quang Trung Nguyễn Huệ.

Từng đoàn dân chúng trên đế đô tưng bừng đi
Tìm về thăm chốn non nước thiêng trang hùng ghi
Cố bước bước bước bước trên đường thơm gió mát
Ta đi đi đi đi thăm gò xưa chất thây
Ðống Ða còn chốn đây. Nhắc xương đầy máu xây
Ngàn tiếng khóc tiếng rít lên, còn vướng vất giáo, mác, tên
Mấy ai qua mà lòng không nguôi

Ÿ M.C. : Ta nhớ quê hương, nhớ thành phố Hoa Đào mộng mơ, nhớ đêm trăng Đà Lạt là nhớ bài thơ Đà Lạt Trăng Mờ của Hàn Mặc Tử, qua giọng diễn ngâm của anh Đoàn Trần Nghị :
Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu.
Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ !
Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt
Như đón từ xa một ý thơ.

Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều
Để nghe dưới đáy nước hò reo
Để nghe tơ liễu run trong gió
Và để xem trời giải nghĩa yêu

Ÿ M.C. : Việt Nam quê hương ngạo nghễ. Việt Nam là câu nói đầu đời như ca khúc Việt Nam Việt Nam.
Việt Nam! Việt Nam ! Nghe từ vào đời
Việt Nam hai câu nói bên vành nôi
Việt Nam nước tôi.

Việt Nam ! Việt Nam ! Tên gọi là người
Việt Nam hai câu nói sau cùng khi lìa đời

clip_image022
Ÿ M.C. : ‘‘Thụ Nhân’’ là lời tâm niệm ghi khắc trong tim ta, là lời tâm bút trào dâng, là đôi chân nhập thế, là tâm trí sáng ngời, sẵn sàng phục vụ tha nhân. Uống nước Thụ Nhân, cùng nhau ta nhớ nguồn cội Nguyễn Văn Lập, đồng ca Tâm Kinh Thụ Nhân, qua lời ca của anh Lê Đình Thông.
clip_image024

Đoàn con đến hội đây sát rừng thông cao
Ngợi ca bóng đêm dưới trời trăng sao
Cùng nhau nối vòng tay gió nồm phương nao
Thụ Nhân chúng ta cánh buồm giương cao

Tâm kinh chân phương lời nguyện yêu thương
Theo mây gió bay về nơi đắm say
Anh em kết tình thân không cách phân
Sát bên lửa hồng tàn mùa thu đông

Nơi trường xưa thầy trò vun sới trăm năm
Tình Thụ Nhân càng nung nấu thêm tâm can
Ven rừng thông màn đêm bình an
Lửa Thụ Nhân như nắng ấm
Bập bùng trong mỗi con tim : đuốc thiêng trồng người


Ÿ M.C. : Trước khi tạm biệt, ta nắm tay nhau, nhủ lòng qua ca khúc : Gặp nhau đây.
Gặp nhau đây, rồi chia tay
Ngày dài như đã vụt qua như phút giây
Niềm hăng say, còn chưa phai. Đường trường sông núi hẹn mai ta sum vầy. Đường trường sông núi hẹn mai ta sum vầy

Còn trong ta, tình bao la
Giảng đường năm cũ bừng lên bao ước mơ

Rồi suy tư, lời đêm qua
Dặn lòng hãy nhớ lời yêu thương nhắn về
Dặn lòng hãy nhớ lời yêu thương nhắn về

Rừng linh thiêng, rừng Jambville
Trường học lên tiếng gọi môn sinh chốn xa
Tình quê hương, lòng yêu thương.
Đường về xao xuyến lửa nung sôi máu hồng
²
Lửa Trại Thụ Nhân khởi đầu cho một số sinh hoạt tưởng niệm Đức Ông Nguyễn Văn Lập. Anh Phạm Trọng Khoát, chủ tịch ban chấp hành Thụ Nhân Âu Châu cho biết cao điểm là lễ giỗ trọng thể sẽ được cử hành ngày 18/12/2011 tại Giáo Xứ Việt Nam. Sau thánh lễ, thầy trò sẽ cùng nhau ăn giỗ Đức Ông. Buổi chiếu cùng ngày tại hội trường Giáo Xứ, giáo sư niên trưởng Vũ Quốc Thúc sẽ nói chuyện về đề tài : ‘‘Đức Ông Nguyễn Văn Lập, người khai sáng giáo dục Thụ Nhân’’.
Paris, cuối tháng 9/2011 (Hè muộn)
Lê Đình Thông

No comments:

Post a Comment