6/27/11
NHỚ VỀ LUẬT SƯ VƯƠNG VĂN BẮC
Trần Văn Khởi*
“ Saigon 17-1-1974 (VTX): Ngoại Trưởng VNCH Vương Văn Bắc chiều nay đã lên tiếng tố cáo trước dư luận quốc tế và quốc nội việc Trung Cộng đã vi phạm chủ quyền VNCH trên các quần đảo Hoàng Sa, đồng thời cho rằng việc xâm phạm chủ quyền này không thể chấp nhận được. Sau đây là nguyên văn bản tuyên bố:
“Ngày 11-1-1974, Bộ Ngoại Giao Trung Cộng bỗng nhiên lên tiếng mạo nhận chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VNCH. Ngay ngày hôm sau, phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao VNCH đã bác bỏ đòi hỏi vô căn cứ đó. Mặc dầu vậy, trong những ngày gần đây, nhà cầm quyền Trung Cộng không những đã không rút lại sự đòi hỏi vô lý của mình lại còn ngang nhiên xâm phạm vào chủ quyền lãnh thổ của VNCH bằng cách cho người và tàu bè xâm nhập vào vùng lãnh hải chung quanh các đảo Cam Tuyền (Robert), Quang Hòa (Duncan), Duy Mộng (Drummond) thuộc quần đảo Hoàng Sa (Paracels Islands) của VNCH. Thậm chí bọn người này còn dám đặt chân lên các hòn đảo này, dựng chòi và kéo cờ Trung Cộng, trắng trợn chà đạp lên chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của VNCH.
Trước những sự vi phạm thô bạo đó, Chính phủ và Nhân dân VNCH rất công phẫn và quyết không dung thứ. Sự kiện các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là những phần tử bất khả phân của lãnh thổ VNCH là một sự kiện hiển nhiên và không chối cãi được, căn cứ trên những dữ kiện địa lý, lịch sử và pháp lý quốc tế. Thật vậy….”
Thái độ cương quyết, lời văn chính xác, ý văn mạch lạc và luận cứ hùng hồn của bản tuyên bố trên đây đã phản ảnh nhiều nét tiêu biểu của tác giả bản văn, Luật Sư Vương Văn Bắc, người vừa vĩnh viễn ra đi hôm thứ Hai ngày 20 tháng Sáu vừa qua.
LS Vương Văn Bắc có một tiểu sử sáng chói: ông đã thành công vượt bực trong lãnh vực tư ở Saigon trước khi tham gia vào các hoạt động của chính phủ VNCH, mà chức vụ sau cùng là Tổng Trưởng Ngoại Giao. Nhiều người biết về LS Bắc trong nhiều tư cách khác nhau – luật sư, cố vấn công ty, giáo sư, thành viên phái đoàn Hòa Đàm Paris, đại sứ ở Luân đôn, Ngoại Trưởng.
Tôi chỉ xin được nhớ về LS Bắc khi cùng làm việc ở Ủy Ban Quốc Gia Dầu Hỏa, cùng làm và dự hội nghị về luật biển, và sau này khi cùng duy trì mối thân tình.
Tiêu Chuẩn Cao
Tôi gặp LS Bắc lần đầu tiên hồi đầu năm 1971. Tôi vừa được giao phó thực thi chương trình tìm kiếm dầu hỏa, và đang xúc tiến sáng kiến Ủy Ban Quốc Gia Dầu Hỏa và lập văn phòng điều hành. LS Bắc là một trong ba nhân vật trong lãnh vực tư được ông Tổng Trưởng Kinh Tế Phạm Kim Ngọc đề nghị, và Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu chấp thuận, làm hội viên của Ủy Ban, cùng với quí vị Tổng Thư Ký / Tổng Giám Đốc của các bộ liên hệ. (Hai vị hội viên thuộc lãnh vực tư khác là Kỹ Sư Đinh Quang Chiêu và Kỹ Sư Âu Ngọc Hồ). LS Bắc cũng vừa nhận lời cầm đầu một phái đoàn đi Ba Tư để nhờ giúp cho VNCH tổ chức xúc tiến tìm dầu mà Ông Ngọc vừa móc nối được qua tình cờ quen biết với ông Tổng Trưởng Kinh Tế Ba Tư hồi cùng học ở Luân đôn.
Tôi trịnh trọng tự giới thiệu “Như có hẹn, ông Tổng Trưởng Kinh Tế gởi tôi qua đây để bàn chuyện với Luật Sư về chuyến đi Tehran sắp tới của phái đoàn”. LS Bắc bắt tay tôi, thân mật nói ngay: “Luật sư gì, gọi là anh và tôi được rồi. Anh Ngọc có nói về anh. Mình sẽ cùng nhau làm việc.” Lần đó, chúng tôi bàn về mọi chi tiết của chuyến đi, từ các lãnh vực chuyên viên mình muốn mời qua, đến quà sơn mài để biếu Thủ Tướng Hoveyda và Tổng Trưởng Dầu Hỏa Amouzegar, một sáng lập viên của OPEC. Tôi rất cảm kích lề lối làm việc và thái độ ân cần của LS Bắc. Khi gần xong, tôi nói tôi rất tiếc không cùng đi được; Kỹ Sư Võ Anh Tuấn sẽ thay tôi. Ông rất ngạc nhiên, nhưng sau đó hoàn toàn đồng tình khi biết tôi còn phải cấp bách lo tổ chức Ủy Ban, kiếm người cùng làm việc, và nhất là lo cấp tốc dịch Luật Dầu Hỏa vừa được ban hành ra Anh ngữ để phổ biến cho các công ty và để các chuyên viên Ba Tư có tài liệu làm việc ngay.
Ấn tượng đầu tiên thường lâu bền: tôi ghi nhớ tiêu chuẩn cao trong suy nghĩ cũng như cách tiếp cận vấn để của Anh Bắc. Sau này, Anh cũng nói với tôi là Anh nhận thấy ngay tinh thần trọng ưu tiên của tôi, được dịp mà không ham đi xuất ngoại lúc đó.
Không được cùng đi Tehran với Anh nhưng sau đó tôi lại được dịp cùng đi nhiều nơi khác, cùng làm việc ở Ủy Ban Quốc Gia Dầu Hỏa, rồi cùng liên hệ lâu dài.
* Chỉ mấy tháng sau, Anh làm trưởng phái đoàn tham dự hội thảo về pháp lý dầu hỏa ở Bangkok; tôi làm thuyết trình viên tại hội nghị, giới thiệu Luật Dầu Hỏa VNCH. Sau buổi thuyết trình, phái đoàn VNCH cùng với Tòa Đại Sứ ở Bangkok đã tổ chức một buổi tiếp tân rất thành công. Anh Bắc và tôi rất hài lòng với kết quả công tác này, và đã thưởng cho nhau đi coi xi-nê ở Bangkok, một phim mới ra đang ăn khách với bài hát chóng thịnh hành lúc đó là Love Story;
* Qua năm 1972, đáp lời mời của công ty quốc doanh dầu hỏa Pertamina của Indonesia, tôi cùng Anh đi Jakarta. Là khách của Pertamina, chúng tôi lưu trú trong khuôn viên của Pertamina ở xa phố xá. Nhưng được mấy ngày buồn chán quá, chúng tôi quyết định dọn ra khách sạn ở ngoài. Nào ngờ khách sạn này gồm toàn người Liên Sô, phần lớn là phi hành đoàn của Aeroflot. Chúng tôi thấy không yên tâm và tôi đã cẩn thận dọn qua ở cùng phòng với Anh. Anh rất phiền lòng vị đại diện ngoại giao VNCH ở Jakarta lúc đó không đủ bén nhạy, đã chọn một khách sạn không thích nghi;
* Cũng trong năm 1972, trong lần đi Mã Lai Á sơ thảo về tranh chấp thềm lục địa, Anh bàn với tôi vì vùng tranh chấp tương đối nhỏ nên mình nên thử gieo ý kiến thăm dò khai thác chung trong tương lai. Bên phia Mã cũng lịch sự ghi nhận; nhưng không bên nào thấy cấp bách. Mãi sau này, vào cuối thập niên 1980 hai nước Mã Lai Á và Việt Nam thỏa thuận khai thác chung trong vùng tranh chấp, nay gọi là Vùng Dàn Xếp Thương Mại Mã-Việt. Đến cuối thập niên 1990 thì Việt Nam được chia phần dầu hỏa sản xuất trong vùng tranh chấp do công ty quốc doanh Petronas khai thác;
* Giữa năm 1974, Anh Bắc lại một lần nữa nêu cao ngọn cờ chính nghĩa của VNCH cho Hoàng Sa-Trường Sa; lần này trước khoáng đại hội nghị gồm tới 150 quốc gia tham dự Hội Nghị Liên Hiệp Quốc Kỳ III về Luật Biển ở Caracas. Anh đã lưu loát trình bày nội dung khúc chiết như trong bản tuyên bố hồi đầu năm. Một số phái đoàn bỏ ghế trống, một số đứng lên rời phòng hội, nhưng Anh vẫn bình tâm, vẫn hùng hồn trình bày lập trường chính thức của VNCH để đưa vào biên bản của Liên Hiệp Quốc. Lịch sử Hoàng Sa- Trường Sa ở Liên Hiệp Quốc, trước đây đã có tuyên bố Trần Văn Hữu ở San Francisco 1951, nay lại ghi thêm tuyên bố Vương Văn Bắc ở Caracas 1974;
* Tiêu chuẩn cao của Anh không những chỉ thấy trong các công tác ở luật biển và thềm lục địa, mà còn được thể hiện trong các thảo luận, phân tích và đúc kết của Ủy Ban Quốc Gia Dầu Hỏa. Anh đã luôn luôn coi kỹ hồ sơ và suy nghĩ về các đề án trước khi họp Ủy Ban – always come prepared, Anh nói. Ai cũng công nhận Anh là hội viên rường cột của Ủy Ban.
Lịch Thiệp và Witty
LS Bắc là một trong rất ít người khởi đầu một tập tục mới ở VNCH lúc đó: thành công và nổi tiếng ở lãnh vực tư trước khi tham chính – một tập tục đã có lâu đời ở Hoa Kỳ, trong truyền thống từ luật sư công ty (corporate lawyer) tới ngoại trưởng như John Foster Dulles và Cyrus Vance. Anh rất lịch thiệp, và không cần quen biết lâu cũng thấy Anh có một óc hài hước rất tinh tế. Anh rất witty.
* Trong những lần xuất ngoại, nhiều khi chúng tôi đi ăn chung. Lần nào Anh mời thì Anh cũng lịch sự nói “Cho phép chiều nay tôi mời anh đi…”. Những lúc tôi mời lại Anh thì Anh tế nhị đề nghị một tiệm hay một món ăn ít tốn kém, “để thay đổi không khí”, “để diversify”, Anh mỉm cười thân mật.
* Sau này khi Anh định cư ở Paris, tôi lại có dịp gặp Anh Chị khi ghé thăm gia đình bào huynh là nhà báo Từ Nguyên Trần Văn Ngô: khi đi nghỉ hè, đi đám cưới, hay trên đường công tác về từ vùng Trung Á. Cũng như nhiều cựu nữ sinh Trưng Vương, nhà tôi gọi Chị bằng Cô. Lần nào chúng tôi cũng cùng ăn cơm Việt ở tiệm Le Palanquin. Và lần nào Anh cũng đưa đi một tiệm cơm Tây có món đặc biệt, khác mấy lần trước.
* Anh rất thích chơi chữ. Một giai thoại về cái wit của Anh là câu chuyện thú vị với Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy tại một buổi họp Hội Đàm Paris mà Anh kể lại trong bài “Tưởng Nhớ Nguyển Ngoc Huy” hồi 1997, in lại năm 2003. Tôi xin mạn phép ghi lại như sau:
“Óc yêu thơ có khi theo chúng tôi đến tận bàn hội đàm. Một bữa, sau khi đã nghe nhắc lại lần thứ mấy mươi lập trường của đôi bên: Cộng Sản đòi quân Mỹ phải rút nhanh, rút hết, rút không điều kiện ra khỏi Miền Nam Việt Nam, đồng thời lật đổ chính quyền Saigon; còn bên mình đòi quân Bắc Việt phải rời khỏi Miền Nam Việt Nam và phía Cộng Sản phải chấp nhận tổng tuyển cử thật sự dân chủ tự do để giải quyết vấn đề chính quyền…tôi (LS Bắc) viết vào một mảnh giấy nhỏ vế đối như sau: BÌNH BỊ BÍP BẮT BẦU, trong đó Bình chỉ Nguyễn Thị Bình trưởng phái đoàn Việt Cộng, Bip là Philip C. Habib quyền trưởng phái đoàn Mỹ, còn ”bầu” nhắc lại yêu sách bầu cử tự do nhưng cũng có thể hiểu theo nghĩa khác. Tôi đẩy mảnh giấy nhỏ ấy sang phía Nguyễn Ngọc Huy, thường thường ngồi cạnh tôi bên phía tay mặt ở bàn hội, rồi nói: “Cậu đối đi, mà nhớ để ý là tất cả các chữ đều bắt đầu bằng B đấy nhé!”. Nguyễn Ngọc Huy suy nghĩ một lúc, rồi viết vào mảnh giấy đẩy lại chỗ tôi. Vế đáp của anh như sau: LÂM LO LÂU LẤP LIẾM, trong đó Lâm chỉ anh đại sứ Phạm Đăng Lâm, Lâu chỉ Hà Văn Lâu quyền trưởng phái đoàn Bắc Việt, còn lấp liếm là nhắc tới mánh khóe của phái đoàn Cộng Sản, dùng những luận điệu vu khoát hòng che lấp vấn đề thực sự tức là sự có mặt của quân Cộng Sản Bắc Việt ở Miền Nam Việt Nam”.
* Anh thích giễu, nhưng khuôn mặt Anh bình thường lại nghiêm nghị, như đăm chiêu. Anh ít khi cười lớn tiếng, thường thì cười mỉm, mà cũng không cười lâu. Khi tìm được hay nghe xong một chuyện ý nhị thì Anh mỉm cưới, thú vị. Nhưng rồi Anh sớm trở lại khuôn mặt nghiêm nghị. Người mới quen thấy vậy có thể đâm lo ngại, thắc mắc, không hiểu có chuyện gì. Quen lâu thì nhận thấy Anh chừng mực, tự chế ngay cả trong thú vị. Và nếu mình còn cười thêm thì Anh cũng như rộng lượng thông cảm, nhiều khi còn cười thêm theo.
Suy Tư / Cảm Xúc
Anh thuộc loại người vừa nghiêng về hành động thực tế vừa thấm đậm trong suy tư và cảm xúc.
Anh viết nhiều về những vấn đế Anh quan tâm, nhưng hầu như không hề công khai nhắc lại những đóng góp lớn trong công vụ của Anh, hay những thành công trong đời Anh. Trong hai năm 2003-2004, Anh có cho in lại những bài vở của Anh, trong hai cuốn gởi riêng cho bạn bè, không thấy phát hành ra ngoài.
* Trong “Suy Tư”, Anh đã tập hợp lại những bài nghị luận hay phát biểu về những vấn đề chính trị tổng quát hay đặc biệt: những vấn đề của quê hương, suy nghĩ về tương lai đất nước, bình luận về vài sinh hoạt chính trị của Hoa Kỷ, chuyện chính trường quốc tế nói chung, và viết về một vài người quen đã ra đi, trong đó có Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy như đã trích ở trên;
* Trong “Cảm Xúc”, Anh thâu gồm những bài thơ, chuyện ngắn, bài tùy bút ghi lại dư âm dư ảnh của những ngày đã qua của đời mình: những ngày thơ ấu, những ngày học trường Bưởi, những ngày sống tha hương, những ngày lưu lạc quê người. Anh cũng đã gom góp lại mười mấy bài thơ Anh sáng tác, có vài bài bằng tiếng Anh, đặc biệt có nhiều bài thơ làm từ thời 1947-1952 mà Anh còn lưu giữ.
* Bàng bạc trong hai cuốn sách, và trong những lá thư Anh trao đổi với tôi hai ba lần một năm trong nhiều năm qua, là những ưu tư nặng trĩu cho số phận đồng bào và tương lai đất nước. Với Anh, không có lý tưởng nào đẹp hơn và chủ nghĩa nào hay hơn là hạnh phúc của dân Việt Nam và thịnh vượng của nước Việt Nam.
Có Tài-Có Lòng-Có Mệnh
Trong một tiệm ăn ở Paris cách đây cũng khá lâu rồi, nhìn lại những thành quả đời Anh, tôi có nói với Anh: Anh rất có tài, Anh rất có lòng. Anh mỉm cười, tưởng như bắt được ý tôi, “nhưng không có mệnh”. Tôi không hoàn toàn đồng ý, nhưng khi đó tôi cũng không phản đối: Vì bị lôi cuốn trong vận mệnh ngập tràn của quốc gia trong thời 1945-1975, nhiều thế hệ Việt Nam đã bị chối bỏ định mệnh cho riêng mình. VNCH đã có không ít người có tài, và bình tâm mà xét thì đã có rất nhiều người có lòng. Đó là niềm hãnh diện lớn lao, và cũng là niềm an ủi sâu xa cho một số đông đang lần lần theo nhau vào dĩ vãng.
Nhưng đối với riêng Anh thì Anh đã có mệnh. Do tình cờ của lịch sử, và qua tài và lòng của Anh, mệnh Anh đã dính liền với tiền đồ của Hoàng Sa- Trường Sa.
Anh nằm xuống giữa lúc Biển Đông lại dậy sóng, Trung Cộng tiếp tục ngang nhiên gây hấn trong âm mưu chiếm đất, chiếm biển.
Lúc này, một thế hệ mới ở quê nhà đang phải đương đầu với những thử thách lịch sử đó. Văng vẳng đâu đây, họ phải lắng nghe, họ hãy lắng nghe, lời nhắn của Luật Sư Vương Văn Bắc:
“Nghĩa vụ cao cả và cấp thiết nhất của một chính phủ là bảo vệ chủ quyền, độc lập và sự vẹn toàn lãnh thổ của quốc gia; chính phủ VNCH cương quyết làm tròn nghĩa vụ ấy, bất luận những khó khăn, trở ngại có thể gặp phải và bất chấp những sự phản đối không căn cứ dầu phát xuất từ đâu…”
Anh đã làm xong phần và vụ của mình.
Nguyện cầu hương hồn Anh thanh thản tiêu dao ở cõi Vĩnh Hằng.
______________________________________________* nguyên Tổng Cục Trưởng Dầu Hỏa và Khoáng Sản VNCH
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment